mercredi 8 août 2018

Đôi nét về xứ sở và con người Cần Thơ Do đồng hương Cần Thơ Nguyễn Công Danh Nguyễn Trung Quân Lê Hoàng Viện Đồng cựu học sinh Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ soạn thảo




Tại miền Nam Việt Nam, có một thành phố mà có lẽ khó ai mà không biết đến sau thủ đô Sài Gòn.
Đó là thành phố Cần Thơ, một miền đất trù phú và người dân ở đây thật hiền lành.

Tôi xin lưu lại đây một bài được tiếp chuyển cho những người đã từng sinh sống tại thành phố này luôn nhớ về nó dù họ còn đó hay ở một nơi xa xứ.

Tôi có thêm vào đây một số hình ảnh sưu tầm, hy vọng sẽ là món quà nhỏ  cho những ai đã sinh sống tại nơi này.

Caroline Thanh Hương


Đọc thêm

Nghe đọc truyện về miền Nam, sông Mékong và Cần Thơ với tác giả Nguyễn Vĩnh Long Hồ và Ngô Thế Vinh.


Đôi nét về xứ sở và con người Cần Thơ

Do đồng hương Cần Thơ
Nguyễn Công Danh
Nguyễn Trung Quân
Lê Hoàng Viện
Đồng cựu học sinh
Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ
soạn thảo



TRUYỀN THUYẾT VỀ HAI CHỮ CẦN THƠ

         Bài viết “Đôi Nét Về XỨ SỞ và CON NGƯỜI CẦN THƠ” dùng để phổ biến trong buổi thuyết trình tại hội trường của Viện Việt Học tại Orange County (Nam California) vào chiều ngày Chúa Nhật 12 tháng 12 năm 2004 do GS Nguyễn Trung Quân trình bày trong hai tiếng đồng hồ, đã lôi cuốn sự chú ý của hơn một trăm thính giả đến nghe ông kể chuyện về quê hương mình. Buổi thuyết trình nầy do Việt Việt Học tổ chức “trong chiều hướng tìm hiểu về Tư tưởng Địa lý: Khoa Địa lý khu vực và Địa lý lịch sử của các địa phương, buổi thuyết trình với đề tài Vài Nét Về Xứ Sở Và Con Người Cần Thơ” do Hội Thân Hữu Cần Thơ và Hội Cựu Học Sinh Trường Trung Học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ thực hiện. Trong tương lai Viện Việt Học dự trù sẽ tổ chức các buổi thuyết trình, triển lãm, trình diễn văn nghệ về các khu vực và các tỉnh, các thành phố Việt Nam. Từ mỗi nét riêng lẻ, đặc thù của trừng địa phương tổng hợp lại sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể về đất nước và con người Việt Nam. Với cái nhìn này sẽ là hành trang cần thiết cho chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại trên con đường xây dựng một nền Việt Học tân tiến phù hợp với trào lưu của thế giới (…) (trích Lời Giới Thiệu của Viện Việt Học trong tập tài liệu Đất Nước Và Con Người Cần Thơ – Little Saigon, tháng 12/2004).







         Do khuôn khổ và số trang Giai phẩm Xuân Ất Dậu 2005 của Hội Ái Hữu Cần Thơ tại Houston Texas có giới hạn, các phụ lục đính kèm bài thuyết trình không thể in lại đầy đủ (dù trong bài có ghi), và muốn bổ sung thêm cho tròn vẹn ý của bài, nên chúng tôi xin được giới thiệu lại một đoạn viết về truyền thuyết của hai chữ CẦN THƠ, trích trong phần đầu bài “Cần Thơ Quê Hương Tôi” (in trong tập bút ký Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn của Lê Cần Thơ do tác giả tự xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ - Phụ lục I) nghĩ rằng cần thiết. Đó là “Truyền thuyết về hai chữ Cần Thơ”như sau:



         “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất màu mỡ phù sa, quanh năm nước ngọt tưới mát ruộng đồng, vườn xanh oằn bông sai trái. Hai tiếng Cần Thơ đối với tôi sao mà thiết tha, trìu mến, dịu dàng, đôn hậu... như tấm lòng người dân Cần Thơ, đã cho tôi niềm tin khi mở mắt chào đời.

         Có người hỏi tôi ý nghĩa hai tiếng Cần Thơ? Thật lúng túng khi phải tìm nguồn gốc giải thích tên một vùng đất quê hương đã gắn liền với tôi như máu thịt, bởi tôi chưa tìm được tài liệu nào chính xác cho sự xuất hiện của hai tiếng Cần Thơ... ngoài giả thuyết sau đây mà thời còn đi học tôi có dịp nghe được.

         Tương truyền rằng, khi Nguyễn Vương bị đại binh Tây Sơn truy nã, Ngài và cụ Nguyễn Huỳnh Đức phải đi lánh nạn. Khi vào Rạch Giá được ít lâu thì Ngài và cụ Nguyễn Huỳnh Đức giả dạng thường dân đi lần ra tỉnh “Càn Giang” (?), nhưng không hiểu vì tam sao thất bản hay vì lẽ nào mà chữ “Càn” lần lần thành ra chữ “Cần”.

         Nguyễn Vương và cụ Nguyễn Huỳnh Đức có ý ra Càn Giang để đi xuống “Cù lao Dung”(vùng Sóc Trăng) vì ngài có lò đúc tiền kẽm và vài người tôi trung ở đó. Trong lúc đi theo đường sông từ Long Mỹ qua Càn Giang, Nguyễn Vương và cụ Nguyễn Huỳnh Đức thường gặp các ghe thương hồ, ban đêm trăng tỏ, ghe thì đàn, ghe thì hát, khiến Ngài ngậm ngùi tủi cho thân chìm nổi, nên làm vài bài thơ để giải sầu trong lúc thuyền còn lênh đênh trên dòng nước Càn Giang. Rồi từ đó về sau, mỗi khi đến tiết thu, mấy bực thi gia thường ngồi thuyền thưởng nguyệt vịnh thi phú. Họ đặt “Càn Giang” lại là “Cầm Thi Giang” (ý nói sông để đàn ca vịnh phú). Lần lần gọi trại chữ “Cầm” ra “Cần” và “Thi” ra “Thơ”. Từ đó “Cần Thơ” xuất hiện.

         Trong Cần Thơ xưa và nay của Huỳnh Minh có ghi một truyền thuyết mà ông cho là của các bô lão kể lại  “nơi đây khi xưa có trồng rất nhiều loại rau cần và rau thơm, mỗi khi chủ vườn cắt rau đem đi bán, rao cùng đường: ai mua rau cần rau thơm không?



                Rau Cần, rau Thơm xanh mướt

                Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn.



         Thiên hạ xúm nhau mua hai loại rau nầy rất nhiều, lâu ngày chầy tháng, danh từ rau Cần, rau Thơm được giới bình dân phổ biến thành câu ca dao:



                Rau Cần lại với rau Thơm

                Phải chăng đất ấy rau Thơm có nhiều.



         Cũng có người lẩn thẩn gọi đại tên xứ đó là xứ Cần Thơ. Hai giả thuyết nầy, không biết giả thuyết nào đúng? Hoặc giả một địa danh mà có đến hai sự kiện xảy ra trùng hợp nhau. Hai tiếng Cần Thơ trở thành một địa danh thời bấy giờ”.

         Có nhiều nhà sưu khảo đã khổ công truy tìm cho có hệ thống sự xuất hiện của tên gọi nầy, tôi hiện không đủ tư liệu để liệt kê hết ra đây. Nhưng với riêng tôi... những gì còn trong truyền thuyết bao giờ cũng có thi vị của nó” (sđd, tr. 11-14).

         Mời quý vị đi vào nội dung chánh bài thuyết tình hợp soạn:





I. XỨ SỞ CẦN THƠ



A. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH



     1. THỜI KHAI PHÁ

         Tác giả Huỳnh Minh trong CẦN THƠ XƯA VÀ NAY (1) cho rằng “Mạc Cửu sau khi bình định xong vùng Hà Tiên, năm 1714, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên và hòn Phú Quốc cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Đến năm Ất mão 1735 Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ nối nghiệp, mở mang thêm vùng đất Hậu Giang. Năm Kỷ vị 1739, hoàn thành cuộc khai thác miền Tây, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện:

         Long Xuyên (miền Cà Mau)

         Kiên Giang (Rạch Giá)

         Trấn Giang (miền Cần Thơ)

         Trấn Di (miền Bắc Bạc Liêu)

         Thế là năm Kỷ vị 1739, tỉnh Phong Dinh ngày nay vốn là phần đất nằm trong khu vực huyện Trấn Giang xưa, do công Mạc Thiên Tứ khai hoang.

         Bấy giờ Trấn Giang (Cần Thơ) còn là một vùng rừng tràm xen lẫn rừng đước, thú dữ tràn đầy. Thế mà tiền nhân đã dày công phá rừng mở đất, dần dần biến thành nơi văn vật, thật đáng cho các thế hệ sau hinh hương sùng bái tinh thần dũng cảm ấy, đề cao công trình vô cùng gian nan khổ nhọc ấy” (CTXVN).

         Như chúng ta đều biết đất nước ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm ranh giới, từ Thuận Hoá trở ra Bắc gọi là Đàng Ngoài, từ Thuận Hoá trở vô Nam gọi là Đàng Trong.. Chúa trị vì Đàng Trong lúc bấy giờ là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã tiếp nhận phần đất mới khai phá do Mạc Thiên Tứ đem dâng chúa Nguyễn sáp nhập vào dư đồ Việt Nam, cũng như trước kia Ông Mạc Cửu cũng đã dâng đất Hà Tiên từ năm 1714. Năm Giáp tý 1744 Đàng Trong chia lãnh thổ thành 12 dinh, trong đó miền Nam có 3 dinh là: Trấn Biên dinh, Phan Trấn dinh và Long Hồ dinh.

         Thời tranh hùng giữa Chúa Nguyễn và Tây Sơn là một cuộc “nội chiến Đàng Trong” diễn ra khốc liệt trong 26 năm liền (1777-1802), “khói lửa đã dập vùi xương máu dân chúng miền Nam vô kể, điêu tàn thảm khốc nhất là dân chúng miền Tây. Nào vùng Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Cà Mau lần lượt biến thành bãi chiến trường kinh khủng. Nơi đâu có dấu vết Nguyễn Ánh thì ở đấy có cuộc xung sát với Tây Sơn” (CTXVN). Cho đến khi chúa Nguyễn Ánh thống nhất non sông, lên ngôi đế tức Gia Long, đất nước mới thấy lại cảnh thanh bình.



        2. THỜI CẬN KIM



         Dưới thời Gia Long, định lại dư đồ, đổi địa giới dinh Long Hồ là dinh Hoằng Trấn, rồi đổi gọi là Vĩnh Trấn (Quí hợi 1803), năm Mậu thìn 1808 lại đổi làm trấn Vĩnh Thanh dưới quyền cai trị của quan Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp. Vùng Cần Thơ bấy giờ thuộc trấn Vĩnh Thanh, phủ Định Viễn. Năm Quí dậu 1813, cắt đất phân ranh lại, lập thêm huyện Vĩnh Định là vùng đất phì nhiêu nhất. Cần Thơ lúc bấy giờ là Vĩnh Định, vẫn thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

         Dưới thời Minh Mạng, năm Nhâm thìn 1832 trấn Vĩnh Thanh đổi là trấn Vĩnh Long, phân hạt gọi là tỉnh Vĩnh Long, đem hai huyện Tuân Nghĩa, Trà Vinh, nguyên thuộc phủ Lạc Hoá (trước thuộc thành Gia Định) nay thuộc tỉnh Vĩnh Long; còn hai huyện Vĩnh Định (tức Cần Thơ xưa), Vĩnh An và đạo Châu Đốc cải thuộc tỉnh An Giang, và lập thêm huyện Vĩnh Trị thuộc phủ Định Viễn. Do vậy, Cần Thơ bấy giờ (huyện Vĩnh Định) đã tách ra khỏi Vĩnh Long, mà thuộc về An Giang, và thuộc phủ Tân Thành chớ không thuộc phủ Định Viễn như trước. Đến năm Kỷ hợi 1839, vùng đất Cần Thơ lại mang tên huyện Phong Phú, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang gồm 3 tổng và 31 xã thôn.

         Dưới thời Tự Đức và thời Pháp thuộc: trải qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, miền Nam nước Việt vẫn chia làm 6 tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường (miền Đông), Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (miền Tây), nên dân gian thường quen gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Thời Pháp thuộc đã chia đất miền Nam làm 20 rồi 21 tỉnh, nhưng dân vẫn quen gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Do Hoà ước Nhâm tuất (5 Juin 1862) miền Nam bị đặt dưới quyền đô hộ của Pháp. Từ sau ngày 25 Juin 1867 (năm Đinh mão), ba tỉnh miền Tây lọt vào tay Pháp.

         Ngày 1 tháng giêng 1868, do Nghị định của Thống đốc Nam kỳ là Bonard, huyện Phong Phú (Cần Thơ) sáp nhập với Bai sau (?) đặt hành một quận, dưới quyền cai trị của một viên quan Pháp, Toà Bố (hành chánh) tại Sa Đéc. Ngày 30 tháng 4 năm 1872, thống đốc Nam kỳ lại ra nghị định, sáp nhập Phong Phú (Cần Thơ) với Bắc Tràng là một vùng thuộc phủ Lạc Hoá tỉnh Vĩnh Long lập Toà Bố tại Trà Ôn. Rồi do nghị định của Soái phủ Sài Gòn, ngày 23 Février 1876, vùng Phong Phú lập thành tỉnh, mang tên Cần Thơ. Toà Bố (Hành Chánh) đặt tại tỉnh lỵ Cần Thơ, Trà Ôn thì trở thành quận. Viên quan Pháp đầu tiên trấn nhậm tỉnh Cần Thơ là Đại úy Nicolai, chức Tham biện hạng nhì.

         Nhà cầm quyền Pháp chia ranh giới tỉnh Cần Thơ gồm 5 quận, 8 tổng và 72 xã: Quận Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Trà Ôn và Cầu Kè. Về sau phân định lại, toàn tỉnh vẫn 5 quận nhưng gồm 10 tổng, 94 làng. Cai trị một quận thì có vị Chủ quận (Quận trưởng), đứng đầu tổng thì có vị Cai tổng, Phó tổng, Bang biện, Sung biện. Các xã thì có ban hội tề gồn 12 vị hương chức: Hương Cả, Hương Chủ, Hương Sư, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Giáo, Hương Bộ, Hương Quản, Hương Thân, Hương Hào, Hương Xã và Chánh Lục Bộ (cũng gọi là đội bộ, tức ủy viên hộ tịch sau nầy).



         3. THỜI CỘNG HOÀ



         Sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh, Chánh Tham biện De Montaigut bỏ tỉnh rút vào đồng quê cương quyết kháng Nhật. Từ tháng 8 biến cố thêm dồn dập bao trùm Cần Thơ, cuộc xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hoà Hảo, nào cảnh xử bắn ba ông Huỳnh Thạnh Mậu, Trần Văn Hoành và Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp tại vận động trường Cần Thơ, không khí càng căng thẳng. Đến khi Anh – Pháp trở lại hoành hành, chiếm đóng Cần Thơ bốn bề súng lại nổ vang rền. Đặc biệt trong ngày 12 tháng 11 khi Lê Bình bất thần đánh vào chợ và cầu Cái Răng, quân Pháp từ Cần Thơ đem tàu chiến kéo vào, gieo hãi hùng suốt ngày đêm, khói lửa đỏ trời.

         Suốt thời gian Quốc Trưởng Bảo Đại chấp chánh, Cần Thơ không có gì thay đổi đáng kể cho đến khi có Hiệp định Genève đình chiến năm 1954 và năm sau có cuộc “trưng cầu dân ý”, diễn ra truất phế Bảo Đại, ông Ngô Đình Diệm chấp chánh để lập nên nền Đệ Nhất Cộng Hoà..

         Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, do hai sắc lệnh ngày 22 tháng 10 -1956 và ngày 16 tháng 9 năm 1958, tỉnh Cần Thơ đổi tên là Phong Dinh.

         Ranh giới được sửa đổi lại: cắt hai quận Trà Ôn và Cầu Kè sáp nhập tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh). Lập hai quận khác là Long Mỹ và Kế Sách. Chẳng lâu, lại cắt phần đất Kế Sách trả cho tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) rồi chia quận Long Mỹ làm hai quận Đức Long và Long Mỹ. Nhưng cũng không lâu, lại tách hai quận Đức Long và Long Mỹ sáp nhập tỉnh Chương Thiện. Rồi lập hai quận khác là Khắc Nhơn và Khắc Trung (sau đó sửa lại là Thuận Nhơn và Thuận Trung). Năm 1966 lập quận Phong Điền và đầu năm 1970 lập thêm quận Phong Thuận. Do đó thời nhị Cộng Hoà miền Nam, tỉnh Phong Dinh có 1 thị xã và 7 quận.

         Về mặt địa lý có thể tóm tắt: Tỉnh Phong Dinh ở về phía Tây Nam miền Nam nước Việt. Tỉnh lỵ Cần Thơ cách thủ đô Sài Gòn 169km. Đông Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình bằng khúc sông Hậu Giang chạy dài khoảng 50km. Đông Nam giáp tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng). Tây Bắc giáp tỉnh An Giang (Long Xuyên). Tây Nam giáp tỉnh Chương Thiện. Với diện tích toàn tỉnh là 162.257 km2.

         (1). Thị Xã CẦN THƠ có 2 quận và 8 phường:

         (1).  Quận NHỨT có 5 phường: An Lạc, An Cư, An Nghiệp, An Thới, An Hoà.

         (2).  Quận NHÌ có 3 phường: Hưng Phú, Hưng Lợi, Hưng Thạnh.

         (2). Tỉnh PHONG DINH

         (1). Quận CHÂU THÀNH có 9 xã: An Bình, Thường Thạnh, Thường Thạnh Đông, Tân Phú Thạnh, Phú Thứ, Long Tuyền, Giai Xuân, Đông Phú, Thạnh An.

         (2). Quận PHONG PHÚ có 9 xã: Thới Thạnh, Thới An, Thới Long, Phước Thới, Thới An Đông, Tân Thới, Định Môn, Trường Thành, Bình An.

         (3). Quận PHỤNG HIỆP có 6 xã: Phụng Hiệp, Long Thạnh, Đông Phước, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Hoà Mỹ.

         (4). Quận THUẬN NHƠN có 5 xã: Tân Hoà, Thạnh Hoà, Tân Bình, Chủ Thiện, Lễ Tâm.

         (5). Quận THUẬN TRUNG có 4 xã: Thới Đông, Thới Lai, Thạnh Phú, Ngôn Thiện.

         (6). Quận PHONG ĐIỀN có 5 xã: Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh, Cầu Nhiếm, Trường Long.

         (7). Quận PHONG THUẬN có 4 xã: An Lạc Thôn, Phong Nẫm, Xuân Hoà, Phú Hữu

         

         4. CẦN THƠ SAU 30-4-1975



         Sau năm 1975, tỉnh Phong Dinh sáp nhập với Chương Thiện và một phần Sóc Trăng lập thành tỉnh Hậu Giang, sau đó lập trở lại tỉnh Sóc Trăng.

         Thành phố Cần Thơ nằm giữa đồng bằng sông cửu Long có đầu mối giao thông quan trọng. Từ Sài Gòn muốn đến các tỉnh cực Nam như Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà mau đều phải qua Cần Thơ theo quốc lộ 1 (quốc lộ 4 trước năm 1975); thêm vào đó có liên tỉnh lộ 27 nối liền Cần Thơ với An Giang (Long Xuyên, Châu Đốc), thông đến Kiên Giang (Rạch Giá, Hà Tiên). Nằm trên ngã ba sông, chỗ hợp lưu sông Hậu và sông Cần Thơ vừa rộng vừa sâu nên thuận lợi về giao thông đường thủy từ nội địa lên Campuchia và ra biển Đông. Là đơn vị thuộc tỉnh Hậu Giang (Phong Dinh cũ), nằm vắt ngang vĩ tuyến 10o Bắc, kinh tuyến 105o Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long, Nam giáp quận Châu Thành (Cái Răng), Tây giáp quận Phong Phú (Ô Môn). Diện tích toàn thành phố 141, 29km2 gồm cả vùng ven và nội ô, tổ chức hành chánh hiện nay trong thành phố gồm 15 phường và 7 xã. Theo thống kê năm 1985, dân số 274 ngàn người.(2) (QHXMNN)

         Đầu năm 2004, tỉnh Hậu Giang lại tách tách thành hai đơn vị hành chánh, Tỉnh Hậu Giang (mới) tỉnh lỵ đặt tại Vị Thanh và thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương (Hà Nội) lấy thêm phần đất của huyện Thốt Nốt trước kia của An Giang sau nầy thuộc Hậu Giang, phân chia địa phận lại như sau:

         (1). Tỉnh HẬU GIANG: Phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng.

         Diện tích tự nhiên 160.722,49 ha; diện tích rừng: 3.604,62ha; diện tích đất trồng lúa, màu: 86,516,32ha; diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả: 23.940,17 ha; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản: 121,48ha.

         Dân số tổng cộng 772.239 người, trong đó, 379.069 nam, 393.170 nữ. Người Kinh chiếm 96,44%. Người Hoa chiếm 1,14%. Người Khơme 2,38%. Các sắc dân khác chiếm 0.04%. Khu vực thành thị: 115.851 người; nông thôn: 656.388 người.

         Đơn vị hành chánh: Có tổng số 5 huyện (Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ), 1 thị xã (Vị Thanh), trong đó có 7 thị trấn, 48 xã và 5 phường. (3).



         (2). Thành phố CẦN THƠ (trực thuộc trung ương), nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây sông Hậu, phía Bắc giáp An Giang, phía Nam giáp Hậu Giang, phía Tây giáp Kiên Giang, phía đông giáp Vĩnh Long và Đồng Tháp.

         Diện tích tự nhiên: 138.959,99 ha, trong đó quận Ninh Kiều 2.922,04ha; quận Bình Thủy 6.877,69ha; quận Ô Môn 12.557,26ha; huyện Phong Điền 11.948,24ha; huyện Cờ Đỏ 40.256,41ha; huyện Thốt Nốt 17.110,08ha; huyện Vĩnh Thạnh 41.034,84ha.

         Dân số 1.121.141 người, trong đó có 550.334 nam, 570807 nữ. Người Kinh 1.082.703; người Hoa 19.018; người Khe-me 18.830. Các dân tộc khác 590 người. Khu vực thành thị 559040 người; nông thôn 562.101 người.

         Đơn vị hành chánh: Có tổng số 4 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn) và 4 huyện (Phong Điền, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh), trong đó có 3 thị trấn, 30 phường và 34 xã. (4).



B. SINH HOẠT NHÂN VĂN

        

         1. TÔN GIÁO. Cũng như nhiều tỉnh thành cả nước, Cần Thơ với số dân đông như vậy cũng có nhiều tôn giáo khác nhau, vì đây là phương diện tín ngưỡng của toàn dân. Kinh nghiệm cho thấy hầu hết người Việt Nam có tinh thần sùng kính đạo pháp, không phân biệt màu da chủng tộc, sẵn sàng chấp nhập mọi điều phải, mọi chân lý. Có thể liệt kê ra đây các tôn giáo hiện diện trong Cần Thơ: Ngoài số cư dân chỉ Thờ cúng Ông Bà tại gia với bàn thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” mà trong dân gian thường gọi là “Lương giáo”, các tôn giáo sau đây đã có nhiều tín đồ sinh hoạt như: Phật giáo (gồm nhiều tông phái xin gọi chung là Đạo Phật), Thiên chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo, Tu Tại Gia, Phật Giáo Miên, Cổ Sơn Môn, Đạo Bahai. Và cũng xin tóm lược qua một số nét về các tôn giáo có đông tín đồ như:

         (1). Đạo Phật: từ lâu nay toàn tỉnh Phong Dinh/Cần Thơ có nhiều ngôi chùa Phật. Người Hoa Kiều thì có những ngôi chùa Ông, chùa Bà, chùa Ông Bổn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã lập nên chùa Kiến Quốc ở lộ 20, sau đó các vị trụ trì chuyển về chùa Khánh Quang ở đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay đổi tên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Hội Phật Học thì có chùa Phật Học ở góc đường Hoà Bình - Nguyễn Thái Học. Có chùa nữ Bảo An dành cho các ni cô, sư nữ và chùa cô hồn Bửu An cũng tọa lạc trên đường Nguyễn Thái Học. Trên đường Hoà Bình có chùa Tịnh Độ Cư Sĩ. Trong Rạch Côn có Chùa Cây Bàng, chùa Thới Long (gần dốc cầu đôi mới đối diện trường Trí Đức), chùa Giác Linh (trong Vườn Thầy Cầu), Chùa Đàn Tiên, chùa nữ Thiên Quang (phía bên kia bờ rạch Cái Khế đối diện chùa Đàn Tiên). Có chùa Nam Nhã (gần dốc cầu Bình Thủy), chùa Hội Linh. Ở Cái Răng có chùa Hiệp Thiên Cung nghe tương truyền rất linh thiêng do người Hoa sáng lập, hằng năm tổ chức cúng kiến long trọng suốt 3 ngày đêm 12, 13 và 14 tháng 5 âm lịch, v.v… Phái du tăng khất sĩ thành lập hai tịnh xá Ngọc Minh và Ngọc Liên… Còn rất nhiều chùa Phật giáo thuộc các tông phái rải rác khắp các quận trong tỉnh không đủ tài liệu thống kê. Tuy nhiên cho thấy, chùa là tụ điểm quy tụ sự tín ngưỡng và tôn thờ của người dân đối với đạo Phật. Hàng năm các cuộc lễ cúng đình ở Cái Răng, Bình Thủy đều quy tụ thật đông người tham dự.

         (2). Đạo Công Giáo: Công giáo hay Thiên chúa giáo La Mã có ngôi nhà thờ Chánh toà ở đường Nguyễn Công Trứ (gần Cầu Xéo), hằng năm mỗi lần tổ chức lễ Giáng Sinh tất cả giáo dân từ khắp nơi đổ về rất đông; còn có một nhà thờ ở lộ 20 (đường Kiến Quốc sau nầy đổi là Nguyễn Văn Cừ) và nhà thờ Vinh Sơn (dưới dốc cầu đôi mới – trên đường Trần Hưng Đạo). Toà giám mục đặt tại một biệt thự trên đường Nguyễn Trãi gần nhà đèn). Có Chủng viện Á Thánh Quý, nơi đào tạo các vị linh mục tương lai. Chủng viện nầy là một trong nhiều cơ sở giáo dục lớn của Hội Thánh Công Giáo ở miền Hậu Giang, nhằm đào tạo các thiếu niên để sau nầy có đủ tài đức làm linh mục và hoạt động trong các đạo của những tỉnh Phong Dinh, Ba Xuyên, Chương Thiện, Bạc Liêu và An Xuyên.  Chủng viện Cái Răng mang tên là Á Thánh Quý. Chữ Quý là tên của linh mục Đoàn Công Quý (1826-1859) người làng Búng, tỉnh Gia Định. Linh mục Đoàn Công Quý đã can đảm hy sinh mạng sống để làm chứng lòng  trung tín của mình với Thiên Chúa. Ngài bị trảm quyết vì đức tin thời vua Tự Đức (1859) tại Châu Đốc, được hội thánh công giáo tôn phong lên bậc Á Thánh. Chủng viện Á Thánh Quý được thành lập từ năm 1956 ở Khánh Hưng Ba Xuyên, nhưng vì đất đai chật hẹp, đã được di chuyển về Cái Răng (Cần Thơ) tháng 12 năm 1961.

         (3). Đạo Tin Lành: Nhà thờ Tin Lành còn gọi là Nhà Giảng Tin Lành thì có ngôi nhà thờ ở góc đường Phan Thanh Giản, sau đó trên đường Phan Thanh Giản cũng cất lên một ngôi nhà thờ gần tới cuối đường và một ngôi nhà thờ ở đường Hoà Bình của quân đội. Những ngày chủ nhật và ngày lễ đạo, dập dìu tín đồ trang nghiêm dự lễ. Không khí đạo đức tràn lan, cảnh tượng dập dìu êm ả.

         (4). Đạo Cao Đài cũng đã phát triển, các thánh thất và cao thương bửu toà tôn quí được dựng lên để tín đồ đến nguyện cầu và hành lễ. Theo ông Huỳnh Minh (CTXVN trang 213-215) ghi là “Đức giáo chủ đạo Cao Đài họ Ngô huý Văn Chiêu, đạo hiệu Minh Chiêu, dòng dõi quan Thị Lang triều đình Huế, di cư vào Nam khoảng năm 1864-1966, ngụ ở khu Hoà Hưng (ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn). Thân phụ Ngài là Ngô Văn Xuân, thân mẫu là Lâm Thị Quý. Ngài ra đời ngày 7 tháng giêng năm Mậu dần (nhằm 28-2-1878) nơi quê Mẹ tại Bình Tây (Chợ Lớn) (…)..năm 21 tuổi đỗ bằng Thành Chung, ra làm việc tại sở Tân Đảo Sài Gòn từ ngày 23-3-1899 đến 31-12-1902. Rồi đổi sang tùng sự tại dinh Thượng thư, sau đổi xuống toà Hành Chánh Tân An. Năm 1917, Ngài đỗ Tri huyện, nhưng vẫn sống thanh bần, liêm chính. Từ năm 1920 đến 1924 Ngài ngồi chức quận trưởng Phú Quốc (Hà Tiên). Rồi đổi về Sài Gòn. Vị hôn phối của Ngài là Bùi Thị Thân, trước sau sinh hạ 9 người con (…). Nặng lòng đạo đức, Ngài đươc Cao Đài tiên ông giáng cơ truyền đạo cho, và khởi sự ăn chay trường, hành đạo từ mùng 1 Tết năm Tân dậu (février 1921), thiết lập đàn cơ tại chùa Quan Âm nơi Dương Đông Phú Quốc (…). Ngài đổi về Sài Gòn khoảng năm 1924 và đến cuối năm 1925 thì văng mạng Đức Cao Đài Tiên Ông bồ tát Ma Ha Tát đem mối đạo truyền ra.(…). Đến ngày 13 tháng 3 năm Nhâm thân (nhằm 18 Avril 1932) lối 3 giờ chiều Ngài liễu đạo trên xe chở Ngài địa đưa về Sài Gòn, khi chiếc đò Mỹ Thuận vừa ra khơi độ hai ba phút tại sông Tiền Giang. Thế là đoàn xe phải quay về Cần Thơ để làm lễ an táng.(…). Đám táng Ngài vô cùng trọng hậu. Bửu Pháp Ngài an vị nơi nghĩa địa Chiếu Minh (Cần Thơ)”.   Tại Cần Thơ có Thánh Thất Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ (Tây Ninh) tọa lạc tại đại lộ Hoà Bình gần trường Thọ Nhơn và đất Thánh Tây. Trên đường đi Phong Điền có Thánh Thất Cao Đài nằm bên phải đường xe (đối diện bên kia sông là khu vực chợ Vàm Xáng) và còn các địa phương khác nữa cũng có Thánh Thất Cao Đài. Hình tượng thờ của đạo Cao Đài là “nhãn quang” (con mắt).

         (5). Đạo Phật Giáo Hoà Hảo. Vị khai sáng đạo Phật Giáo Hoà Hảo là đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tại làng Hoà Hảo (nay là huyện Phú Tân tỉnh Long Xuyên). Khoảng năm Canh thìn 1940 Ngài từng có mặt ở Xà No, thuộc xã Nhơn Nghĩa (Cần Thơ). Một thời gian sau, Ngài lìa Xà No trên chiếc đò máy chạy ngang qua thị trấn Cái Răng, đồng bào Cái Răng lúc bấy giờ cũng nô nức tập trung dài theo bờ sông và tràn xuống cầu tàu mà chực đón Ngài, quang cảnh vô cùng cảm động. “Là một tông phái Phật giáo cải cách vì đạo không lập chùa, không thờ hình tượng vị Phật nào và cũng không có tu sĩ xuất gia. Tại mỗi tư gia bổn đạo, trên bàn thờ chỉ có thờ một tấm trần điều màu dà (màu vỏ măng cụt) với một bình bông trang và 3 chung nước mát, ngoài ra không có hình tượng nào cả. Đa số bổn đạo là nông dân chất phác, trường chay tu hiền và thường tụng đọc các bài sấm giảng do Đức Thầy truyền dạy, hay niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” chớ không đọc các kinh Phật giống như kinh của Phật Tử thường đọc tụng tại gia hay trong các chùa ”.. Ở Cần Thơ trước kia có một văn phòng đại diện PGHH tọa lạc tại nhà lầu đường Phan Đình Phùng (ngang hãng nước đá BGI, về sau là Thư Viện Hoa Kỳ). Trên đường Lý Thái Tổ (qua khỏi quân y viện Phan Thanh Giản) có trụ sở của giáo hội PGHH, là địa điểm sửa xe Đông Nam trước kia. Trước năm 1975, tín đồ PGHH quy tụ đông ở bên kia Xóm Chài nên đối diện với Bến Ninh Kiều có lập một Đọc Giảng Đường, thường có loa truyền thanh phát đi Sấm Giảng cho tín đồ cùng nghe và học. Hầu như tất cả làng mạc của Cần Thơ đều có Đọc Giảng Đường. Nhiều nhứt là các tỉnh Long Xuyên – Châu Đốc.

         (6).  Đạo Ba-Hai cũng có trụ sở nằm trên đường Hoà Bình Cần Thơ.

          (7).  Lương giáo hay đạo thờ cúng Ông bà, đây là số đông cư dân theo, bởi họ có lập bàn thờ trong nhà để thờ cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ qua đời, hằng đêm thắp nhang vái lạy. Mỗi ngày rằm, mồng một, ngày cúng cơm, kỵ giỗ đều có nhang đèn cúng vái. Dù không hẳn là tôn giáo nào, nhưng cũng biểu hiện chữ tâm và đạo đức con người đối với tổ tiên và cội nguồn dân tộc. 



         2. GIÁO DỤC

         Vì là một tỉnh từng nổi danh về văn hoá, nhờ ảnh hưởng của các cụ Cử Trị, Thủ khoa Nghĩa, Cai tổng Chiểu, lại thêm những cuộc khời nghĩa của Võ Đình Sâm (Đinh Sâm) từ năm 1868 hãy còn vang động âm ỉ trong lòng người dân Cần Thơ, nên không khí trong tỉnh sôi động hơn. Hơn nữa, học phong, sĩ khí trong tỉnh Cần Thơ đã khiến thực dân Pháp cực kỳ chú ý, quan tâm. Để lấy lòng dân chúng và cũng để cho Cần Thơ xứng đáng là nơi trung tâm văn hoá của miền Tây, từ năm 1917, Cần Thơ khởi công xây dựng trường trung học College de Cần Thơ, sau này nghị định hợp thức hoá số 188N./GD đặt lại tên trường là Phan Thanh Giản nằm tại tỉnh lỵ Cần Thơ, tức thành phố Cần Thơ ngày nay. Trước năm 1945, hai trường Trung học Tư thục Bassac và Nam Hưng được thành lập với một ban giảng huấn hùng hậu, nổi tiếng khắp nơi. Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà có thêm trường Trung học Thủ Khoa Huân, Ánh Sáng, Hậu Giang, Võ Văn, Tân Văn, Bồ Đề, trường Nông Lâm Súc ở đầu lộ 20, trường Sư Phạm sau năm 1975. Thập niên 70 có thêm trường An Thôn Trang (sau nầy là trường Bùi Hữu Nghĩa) ở phường An Thới đồi diện với đường vô mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ở Đầu Sấu có trường trung học cấp III Cái Răng (nay đổi tên là Nguyễn Việt Hồng). Năm học 1966-1967 đã mở Viện đại học Cần Thơ với nhiều phân khoa (xin đọc thêm Phụ lục I diễn tiến thành lập trường đại học nầy). Trước năm 1975, Cần Thơ còn có các trường do người Hoa lập để dạy chương trình chữ Hoa: Thọ Nhơn, Sùng Chính, Khải Trí. Có trường tu thục dạy chương trình Pháp Tabert, trường Providence trên đường đi Cái Răng. Ở ngành giáo dục bậc Tiểu học các vị thường được nhắc nhở kính trọng nhất là Cụ Thanh tra Học chánh Huỳnh Văn Dậu và các vị Trưởng ty Tiểu học Lương Vinh Hiển, Hồ văn Chiếu.

         Trải qua bao nhiêu biến cố, sau ngày 30-4-75 có rất nhiều thay đổi trong lãnh vực giáo dục, nhưng sự phát triển cũng có thể tạm ghi nhận:

         Nhiều trường học trải rộng các địa bàn phường, xã trên toàn tỉnh và thành phố. Nhiều trường  cấp III được dựng nên tại các quận, huyện để giải quyết nhu cầu dạy và học. Ở Cần Thơ có các trường Phan Thanh Giản (nay đổi tên Châu Văn Liêm – dạy cấp III), trường Bùi Hữu Nghĩa (là trường An Thôn Trang, địa bàn phường An Thới), Trường cấp III Đầu Sấu Cái Răng (nay mang tên Nguyễn Việt Hồng), trường Phan Văn Trị ở Phong Điền, trường cấp III ở xã Giai Xuân (Ông Vựa), trường cấp III Hưng Phú (Xóm Chài) v.v… Hầu như mỗi quận, huyện đều có trường cấp III.

         Thành phố Cần Thơ có các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp như: Đại học Cần Thơ, Đại học tại chức, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng kinh tế đối ngoại, Trung học Y tế, Trung học Kinh tế - Kỹ thuật v… Và, có một viện Nghiên Cứu Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (4b).

         Tỉnh Hậu Giang (mới) theo thống kê có 15 trường phổ thông trung học (tức trường cấp III).

  

         3. XÃ HỘI

         Trước năm 1975, Cần Thơ có Phòng xã hội tỉnh, có lập quán cơm xã hội để giúp số đông đồng bào lao động, công nhân vất vả và quân nhân đỡ tốn kém. Quán cơm đặt tại góc đường Phan Đình Phùng và Nguyễn An Ninh (gần rạp hát Minh Châu). Phòng xã hội tỉnh cũng đảm trách cơ sở Ký nhi viện. Cô nhi viện cũng được  sự giúp đỡ tận tình của ủy ban xã hội tỉnh. Dòng Chúa Quan Phòng đảm trách nuôi dạy hằng trăm cô nhi. Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa, sau đổi lại là Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa là bệnh viện lớn nhất tỉnh nằm ở đường Nguyễn An Ninh và đầu đường Hoà Bình. Quân y viện Phan Thanh Giản nằm trên đường Lý Thái Tổ (nay là đường 30-4, nối dài Nguyễn An Ninh vô hướng Tham Tướng đi Cái Răng). Trong hệ thống Hồng Thập Tự Việt Nam tại Sài Gòn do BS Phạm Văn Hạt làm chủ tịch, Hội Hồng Thập Tự Phong Dinh do BS Đặng Văn Phòng làm chủ tịch, BS Lê Văn Thuấn làm Tổng Thư Ký hoạt động rất hữu hiệu, đã đào tạo nhiều khoá Nữ Y Tá Hồng Thập Tự (chương trình học 2 năm gồm năm đầu lý thuyết, năm sau thực tập tại quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ). Các quận của tỉnh đều có Chi bộ Hồng Thập Tự. Bên cạnh các khoá  đào tạo Y Tá nầy, còn có tổ chức Thanh Niên Hồng Thập Tự để lo các công tác xã hội…

         Theo thống kê ghi nhận mới đây, Thành phố Cần Thơ có Bệnh viện Đa Khoa, Viện Quân Y 121 (tức quân y viện Phan Thanh Giản cũ), Bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện 30-4, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Y học dân tộc. Ngoài ra, một bệnh viện đa khoa mới có qui mô 700 giường đang được xây dựng.

         Tỉnh Hậu Giang (mới) có 6 bệnh viện với 490 giường bệnh, 9 phòng khám khu vực, 2 nhà bảo sanh và 52 trạm y tế xã phường.



         4. VĂN HOÁ

         Sinh hoạt văn hoá lúc giao thời nổi bật của Cần Thơ là sinh hoạt của Tào đàn bà Đồ ở Bình Thủy Long Tuyền từ năm 1833 do Bà Nguyễn Thị Nguyệt sáng lập, các nhà thơ tên tuổi như cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Cử nhân Phan Văn Trị, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt cáo quan về hưu ở Hà Tiên, cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri, cụ Cử Thạnh, Phan Hiển Đạo ở Định Tường có nhiều dịp tới sinh hoạt trong Tạo Đàn Bà Đồ.

         Ông Trần Đắt Nghĩa sau khi nghỉ làm nhà in, nhà báo An Hà, ông trở neê nhà doanh nghiệp, lập hãng xe đò, hãng rượu ngọt. Đến năm 1930 ông ra làm bầu gánh, nêu cao bảng hiệu “Trần Đắt” đại ban. Chính hai nghệ sĩ Trương Phụng Hảo (Phùng Há) và Nguyễn Thành Châu (Naă Châu) đã bắt đầu n8ôi danh khi đứng trên sân khấu đại ban Trần Đắt.

         Hội Khuyến Học Cần Thơ trong những năm thập niên 1940 đã có nhiều sinh hoạt đáng kể: Tổ chức buổi diễn thuyết, đầu tiên ông Nguyễn Văn Kính, bút hiệu Bảo Mỹ, diễn thuyết về thi sĩ Tản Đà. Mở giải thưởng văn chương với tác phẩm đoạt giải nhứt năm 1943 là tác phẩm Đồng Quê của Phi Vân (Lâm Thế Nhơn). Hội thơ Tây Đô quy tụ đông đảo các giới trí thức thuộc mọi thành phần trong xã hội như GS Nguyễn Văn Kiết (Tây Đô Cát Sĩ), Tố Phang (tức Thuần Phong Ngô Văn Phác), Trực Thần tức Tam Đức Nguyễn Trung Ngôn, Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky, Tùng Đức Mã Sanh Long, Việt Quang Tạ Minh Quang v.v… Nữ sĩ Ái Lan cũng từng là hội viên rất nhiệt thành. Hoạ sĩ Văn Mười cùng anh em văn nhghệ sĩ Tây Thành làm đẽp cho tỉnh nhà chẳng ít. Khách văn chương vẫn thường lui tới luận bàn thế sự, xướng họa thi văn nơi Tao đàn Dương Chi, một khách thinh văn nghệ (salon littéraire) của Ông Dương Chi Dương Du Cam. Thi văn đoàn của các bạn trẻ Tây Đô cũng dõi bước theo đàn anh khá nhiều. Những cây bút đáng kể của “Chim Việt” có Trần Quang Nghĩa, Thùy Nhiên, Hồ Hải v.v… Chim Việt còn cố gắng cho ra được một tờ tuần báo Hoa Niên hình thức trình bày thanh nhã khả ái, nội dung hay, vui, bổ ích. Rồi thì lần lượt về sau còn có thêm những thi văn đoàn mà bạn trẻ trong đoàn từng có thơ văn đăng tải trên các báo thủ đô như: Hồn Xưa, Nước Mắt, Bút Non, Sương Khói Lam, Hương Trầm, Chân Thành Phố, Phương, Hoa Sắc Tím, Ái Hữu, chi nhánh Dòng Sông Hậu vv… Gần đây hơn, những mầm non văn nghệ của Tây Đô gom về bốn thi văn đoàn đang trên đà phát triển: Về Nguồn, Thảo Nhi, Vùng Đất Sống, Mầu Tuổi Ngọc. Thi văn đoàn Về Nguồn do cây bút trẻ Lê Trúc Khanh (Lê Phước Nghiệp) chăm sóc cùng với hai bạn trẻ Huyền Vân Thanh (Lê Hoàng Viện), Kiều Diễm Phượng (Lê Thị Ngọc Nữ) đầy triển vọng, thi văn đủ loại, từng đăng bài trên các báo hằng ngày, tuần san, tạp chí vv…(trích CTXVN - Huỳnh Minh). Từ thập niên 1960 có nhóm Hưng Cổ Văn Đoàn với các cụ Hà Thủy Nguyễn Sanh Kim, Nguyễn Tài Năng ở Bình Thủy. Riêng từ năm 1968, Văn Đoàn Về Nguồn còn thực hiện một chương trình Tiếng Thơ hàng tuần trên đài phát thanh Cần Thơ thu hút đông đảo thính giả hâm mộ.

         Ngoài hoạt động của nhà in miền Tây (Imprimerie de l’Ouest) với hai tờ báo Le courier de l’Ouest và An Hà Báo vào thời thuộc Pháp, sau nầy Cần Thơ có thêm nhà in Châu Ngọc (đường Nguyễn Huỳnh Đức, nhà in Nam Quan (đường Lê Thánh Tôn), nhà in Tri Tân (đường Pasteur), nhà in Trần Đắt (đường Nguyễn Thái Học), nhà in Đại Chúng (đường Phan Bội Châu).   Nhà in Cần Thơ  Ấn Quán ở đường Nguyễn Công Trứ (đối diện cổng chánh Nhà thờ Chánh Toà) hoạt động đến đầu thập niên 1970 đổi tên Caritas (có in các tuyển tập thơ Về Nguồn và tạp chí Miền Tây Thăng Hoa số 3 về sau) cho đến ngày 30-4-75. Nhà in và nhà sách Tri Tân của BS Lê Văn Khoa trên đường Pasteur trưng bày khá nhiều sách văn học và cũng in hai số đầu của Miền Tây Thăng Hoa. Có nhật báo và nhà in nhật báo Miền Tây những năm 1966, 1967…(đường Thủ Khoa Huân), có báo Đuốc Miền Tây (đường Minh Mạng), có tạp chí Văn Nghệ Miền Tây (do Ngũ Lang chủ trương biên tập, Huyền Vân Thanh làm Tổng thư ký), có tạp chí Khơi Dòng (do Lê Trúc Khanh và Văn Đoàn Về Nguồn thực hiện), tạp chí Miền Tây Thăng Hoa (do nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế chủ trương, Huyền Vân Thanh phụ trách kỹ thuật thực hiện), có tạp chí Tiếng Động do Lan Sơn Đài chủ trương. Năm 1966 trường Phan Thanh Giản cũng có xuất bản nguyệt san Triều Sống Xanh do GS Nguyễn Văn Hường làm chủ nhiệm, GS Lê Văn Quới làm chủ bút, HS Trần Quốc Mậu làm Tổng thư ký, HS Lê Hoàng Viện làm thư ký toà soạn và HS Phan Thị Thanh Tâm làm Quản lý, ra được 3 số thì phải đình bản vì không đủ tiền in.

        Để phục vụ “món ăn tinh thần” cho mọi người, Cần Thơ đã có các nhà sách hoạt động lâu năm và mang lại nhiều uy tín như Văn Nhiều, Tinh Hoa, Khải Minh, Thế Giới, Hồng Phước, Hồng Phát. Nhà sách Tự Lực mới mở những năm đầu thập niên 1970 trên đường Lý Thái Tổ gần cầu Tham Tướng được nhiều bạn đọc đến mua nhờ có giới thiệu nhiều sách tham khảo xưa cũ giá trị.  

         Sau  ngày 30-4-1975, ngành in và phát hành sách báo đều do nhà nước “quản lý”. Tại Cần Thơ có xí nghiệp in Hậu Giang toạ lạc trên đường Nguyễn Công Trứ (đối diện với trại cây Vinh Long), về sau chuyển đến đường Mạc Tử Sanh (đổi là đường 30-4) đối diện với Đài Phát Thanh Cần Thơ, hoạt động đến ngày nay. Nhà in Hậu Giang, nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang đều trực thuộc sự quản lý và kiểm soát của Sở Văn Hoá Thông Tin.  Nhà in của nhật báo Miền Tây (số 5 đường Thủ Khoa Huân) sau nầy được sử dụng làm Nhà in cho báo Hậu Giang. Khi tỉnh Hậu Giang tách thành hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng thì ban đầu nhà in báo Hậu Giang đã “chia” cho Báo của tỉnh Sóc Trăng một thời gian mới di chuyển về địa phận tỉnh Sóc Trăng.

 

 C. CẦN THƠ TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

         1. Giao thông

         Là một tỉnh/thành phố nằm trên địa bàn thuận lợi về mặt giao thông cả đường thủy, đường bộ, kể cả đường hàng không nên được khắp nơi từng ví Cần Thơ là “thủ phủ miền Tây” với tên gọi Tây Đô. Trong tình trạng phát triển ngày nay được biết:.

         Về đường bộ, Cần Thơ có các đường liên tỉnh như quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi An Giang, quốc lộ 80 từ Cần Thơ đi Kiên Giang. Đặc biệt nằm trên tuyến quốc lộ 1A, thành phố Cần Thơ có điều kiện giao thông thuận tiện với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (4)

         Về đường thủy, TP Cần Thơ nằm bên bờ sông Hậu, một bộ phận của sông Mekong chảy qua 6 quốc gia, đặc biệt là phần trung và hạ lưu chảy qua Lào, Thái Lan và Campuchia. Các tàu trọng tải lớn (trên 1.000 tấn) có thể đi các nước và đến thành phố Cần Thơ dễ dàng. Ngoài ra, tuyến Cần Thơ – Xà No – Cái Tư, là cầu nối quan trọng giữa Sài Gòn, tỉnh Hậu Giang và Cà Mau (4). Hệ thống sông rạch Hậu Giang - Cần Thơ đan như màn lưới, có thể liệt kê ra đây những tên kinh rạch như: kinh Thị Đội, kinh Ô Môn, kinh Saintenoy, kinh Lacote, kinh Xà No, rạch Bằng Tăng, rạch Cái Đôi, rạch Cái Sâu, rạch Bùng Binh, rạch Bến bạ, rạch Cái Cui, rạch Mái Giầm, rạch Cái Khế, rạch Cái Dầu, rạch Bình Thủy, rạch Trà Nóc, rạch Ô Môn, rạch Cần Thơ… Chính trên sông rạch nầy, sinh hoạt dân gian đã có một thời cực thịnh với những ghe thương hồ, những điệu hò câu hát trữ tình làm    cho đời sống cư dân nơi đây càng thêm đáng yêu đáng quý. Rồi những khu vực ngã ba, ngã tư sông hình thành các chợ nổi thật phồn thịnh như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Phụng Hiệp…                  

         Về đường hàng không, thành phố Cần Thơ có sân bay Trà Nóc đang được nâng cấp và mở rộng để trở thành sân bay quốc tế. (4).

         Về Cảng, thành phố Cần Thơ có 3 bến Cảng phục vụ cho việc xếp nhận hàng hoá dễ dàng: Cảng Cần Thơ diện tích 60 ngàn mét vuông có thể tiếp nhận tàu biển 10 ngàn tấn. Cảng Cần Thơ hiện nay là cảng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long; cảng Trà Nóc có diện tích 16ha, cảng có 3 kho chứa lớn với dung lượng 40 ngàn tấn. Khối lượng hàng hoá thông qua cảng có thể đạt đến 200 ngàn tấn/năm. Cảng Cái Cui đang trong giai đọan xây dựng với quy mô thiết kế phục vụ cho tàu từ 10 ngàn đến 20 ngàn tấn, khối lượng hàng hoá thông qua cảng là 4,2 triệu tấn/năm. (4).

         Theo tài liệu cập nhật mới nhất lộ trình vào thành phố Cần Thơ: đường bộ, phía Bắc từ Sài Gòn theo quốc lộ 1A qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long 169km sẽ vào thành phố Cần Thơ. Phía Tây, từ cửa khẩu Xà Xía vào Hà Tiên, qua Rạch Giá là tới Cần Tho hoặc qua cửa khẩu Tịnh Biên đến Châu Đốc, Long Xuyên sẽ vào địa phận thành phố Cần Thơ. Đường thủy tuyến Cần Thơ – Xà No – Cái Tư là hệ thống thủy nội quan trọng nối liền TP Cần Thơ và Sài Gòn, tỉnh Hậu Giang, Cà Mau và các tỉnh khác. Trước đây có tàu cao tốc đi từ Sài Gòn đến TP Cần Thơ và ngược lại. Đường hàng không: Cần Thơ có sân bay quốc tế Trà Nóc lớn nhứt khu vực. Hiện nay có các chuyến bay khứ hồi Cần Thơ – Hà Nội, và khứ hồi Cần Thơ – Phú Quốc. Từ 01 tháng 11-2011 sân bay quốc tế Cần Thơ chính thức khánh thành. Thành phố Cần Thơ có cảng quốc tế Cái Cui khá lớn đón nhân tàu 20.000 tấn và cảng Cần Thơ đón tàu 10.000 tấn. Cần Thơ hiện là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong và là đầu mối quan trọng về giao thông - vận tải nội vùng và lien2 vận quốc tế. (4a)

         Mặt khác, dù danh lam thắng cảnh Cần Thơ không nhiều so với các địa phương trên cả nước, nhưng vẫn có vài nơi đã nổi bật lên nét đẹp mà du khách từ xa đến, khi rời đi không thể nào quên. Như Bến Ninh Kiều Cần Thơ, Bến Nhị Kiều (bây giờ có công viên thoáng mát chạy dọc bờ rạch Cái Khế từ cầu Cái Khế đến cầu đôi mới),  Vườn Thầy Cầu, Ngôi Nhà Cổ Bình Thủy, hay những khu vườn Sinh Thái mới xuất hiện trong những năm qua thu hút đông đảo khách nước ngoài mỗi khi đến Cần Thơ.



         2. Kinh tế - thương mại

         (1). Trước 30-4-1975,  sinh hoạt kinh tế toàn tỉnh Phong Dinh ghi nhận:

         Nông nghiệp có trên 200 ngàn mẫu tây đất cấy cày, trong đó ruộng sạ chiếm 130 ngàn mẫu tây thuộc địa phận quận Thuận Trung và Phong Phú; ruộng cấy chiếm 87 ngàn mẫu tây thuộc các quận Châu Thành, Phụng Hiệp, Phong Điền, Thuận Nhơn, Phong Thuận,một phần thuận Trung và Phong Phú.

         Ngư nghiệp: Cần Thơ có mặt thuận lợi là ở ngay triền sông Cửu Long, không xa biển lắm nên có đủ loại cá nước ngọt và cá nước mặn. Thủy sản dồi dào. Giới ngư phủ trong tỉnh hành nghề khá đông, đặc biệt cư dân vùng Phụng Hiệp, đồng bào miền bắc di cư năm 1954 sống chuyên nghề chài lưới đơng đảo.

         Mục súc: Ty mục súc Phong Dinh thường phối hợp với Ty Nông Tín giúp đỡ đồng bào đắc lực trong việc chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt. Trại chăn nuôi bò sữa đáng kể nhất những năm giữa thập niên 1960-70 là trại của ông Lữ Đức gần phi trường Bình Thủy. Theo thống kê, tình trạng chăn nuôi gà vịt xuất tỉnh là nguồn lợi khá lớn.

         Các ngành công kỹ nghệ: Toàn tỉnh đang có đến 51 nhà máy xay lúa. Có công ty mễ cốc Hậu Giang đặt ở cầu đúc Cái Răng sản xuất hàng năm trung bình 27 ngàn tấn gạo. Công ty Denis Frères (do người Pháp đầu tư đặt ở rạch Bình Thủy, xã Long Tuyền. Kỹ nghệ chế biến thực phẩm cũng phát triển nhanh: toàn tỉnh có 4 lò đường, mười bốn lò bánh mì, bảy lò sản xuất tàu vị yểu, tương chao. Có 14 xưởng sản xuất nước mắm, lớn nhứt là công ty Đông Hương. Có 3 hãng nước đá và các thgứ rượu ngọt. Toàn tỉnh có 12 trại xưa xẻ gỗ, hằng năm xẻ khoảng 8 ngàn thước khồi gỗ. Có 7 lò sản xuất gạch. Có 33 xưởhng tiện, 2 xưởng dêt, 2 lò sản xuất sà bông…

         (2). Sau ngày 30.4.1975 đến ngày nay: Thống kê ghi nhận mới nhất, tỉnh “Hậu Giang (mới) có khu công nghiệp Vị Thanh, diện tích 150ha được quy hoạch xây dựng bên quốc lộ 61, kênh Xáng Hậu và sông Cái Tư - Rạch Nhút thuộc địa bàn huyện Châu Thành và thị xã Vị Thanh. Đây là khu công nghiệp nằm trên vùng tập trung nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm như: khóm, mía, đậu, mè, các loại rau củ, gạo chất lượng cao… thúc đẩy vùng nầy sớm phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn”  (3).

         Trong khi đó, thành phố Cần Thơ phát triển khu công nghiệp và chế biến, gồm 2 khu công nghiệp tập trung và 2 trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, như sau:

         “1/. Khu công nghiệp Trà Nóc: diện tích 300ha, bao gồm khu Công nghiệp Trà Nóc I (135ha), Trà Nóc II (165ha), nằm cách sân bay Trà Nóc 2km, cách cảng Cần Thơ 3 km được cung cấp đầy đủ ccá dịch vụ về ngân hàng, bưu chính viễn thông và nguồn nhân lực dồi dào từ thành phố Cần Thơ phục vụ cho sản xuất công nghiễp…

         “2/. Khu công nghiệp Hưng Phú: diện tích 975ha, nằm bên bở sông Hậu, phíc nam thành phố cần Thơ, là khu coqng nghiệp tổng hợp nhiều ngành nghề như: chế tạo cơ khí, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, chế biến nông sản, thủy sản…

         “3. Trung tâm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt: có diện tích xây dựng giai đoạn I là 22,5ha, đang tiếp tục quy hoạch giai đoạn II là 31,5ha. Dù đang trong giai đoạn đầu tư đang ký thuê đất. Trong tương lai, đây sẽ là khu công nghiệp năng động đứng thứ ba của thành phố Cần Thơ, sau khu công nghiệp Trà Nóc và Hưng Phú.

         “4. Trung tâm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng: Có tổng diện tích 38,2ha, cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, hiện đã có trên 15/23 nhà đầu tư đang hoạt động…” (4).

         Hệ thống điện, nước, viễn thông cũng phát triển song song để phục vụ các mục tiêu phát triển. “Thành phố Cần Thơ có nhà máy nhiệt điện Trà Nóc có công suất 200MW, đã hoà vào lưới điện quốc gia. Hiện tại đang xây dựng nhà máy nhiệt điện Ô Môn có công suất giai đoạn đầu 600 MW, sau đó sẽ được nâng cấp lên 1.200MW. Hai nhà máy cấp nước sạch có công suất 70.000m3/ngày đêm và dự kiến xây dựng thêm một số nhà máy để có thể cung cấp nước sạch 200.000m3/ngày đêm. Hệ thống Bưu chính, viễn thông của thành phố Cần Thơ hiện đại, gồm một bưu điện trung tâm, 4 bưu điện quận huyện, đủ điều kiện cung cấp thông tin liên lạc giữa Cần Thơ với các nước trên thế giới.”(4).



II. CON NGƯỜI CẦN THƠ

         Dọc theo chiều dài lịch sử khai hoang và mở đất, Cần Thơ in đậm dấu chân tiền nhân, đã có nhiều huyền thoại, giai thoại tô thêm cho thi vị cuộc sống của nhiều thế hệ cư dân. Qua truyền khẩu, ông Huỳnh Minh đã sưu tầm được nhiều chuyện và đã kể trong quyển sách của ông xuất bản năm 1966 đã nêu bên trên. Chẳng hạn bài oai linh ông Điều Bác Nguyễn Văn Tồn làm chấn động đất Trấn Giang; Chuyện lạ trong cơn cụ Thủ Khoa Nghĩa từ trần và Thần Chủ thờ Cụ; Một cái chết hi hữu: nuốt vàng tự tử; Cặp sóng thần nơi rạch Cái Nai;  chuyện ông Thầy Nguyễn Văn Trung thả nón qua sông - một đạo sĩ vang danh ở Cần Thơ có nhiều phép thuật nhiệm mầu, mà mộ của ông hiện còn tại Cái Da, Giang san Sáu Thanh vang bóng một thời oanh liệt của vua xe đò Cần Thơ, Nữ thiện xạ Cao Thị Hạnh đất Tây Thành được báo chí thủ đô nói đến, v.v…(CTXVN).

         Cần Thơ còn có những di tích lịch sử rất đáng tôn tạo và giữ gìn như Mộ cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa nằm tại đất Trùm Neo, trong vườn ông đốc phủ Dương Thân Hỷ; Mộ lãnh binh Võ Duy Tập, là một công thần dày công khuông phò hai triều Gia Long và Minh Mạng, chôn cách trụ sở xã Long Tuyền độ 200 mét; Lăng ông Thống chế Điều Bác Nguyễn Văn Tồn; mộ cụ Cử nhân Phan Văn Trị ở giữa vườn cam Phong Điền, mộ ông chà Hoàng - một người có công khuông phò chúa Nguyễn Ánh khi bôn tẩu vào Nam. Còn có các đình thần Tân An, đình thần Bình Thủy, chùa Nam Nhã ở Bình Thủy nơi có thờ bài vị cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa v.v…

         Và, làm sao quên được bài viết “Bình Thủy Long Tuyền một vùng địa linh nhân kiệt” gồm hai phần: địa danh Bình Thủy – Long Tuyền và đình thần Bình Thủy trong tập bút ký QHXMNN (xin đọc phụ luc VII), hay bài viết, về ngôi nhà cổ ở Bình Thủy (phụ lục IX), về Cầu Tham Tướng Cần Thơ, đình thần Tân An, Chùa Nam Nhã, Vườn Thầy Cầu (phụ lục X) v.v..…

 

         Đến đây, nhóm biên soạn mời quý bạn đọc dừng lại để cùng đọc qua đôi nét các bậc tiền hiền đã tô đậm nét đẹp của miền đất Cần Thơ như để tưởng niệm và tỏ lòng tri ân. Chắc chắn những nhân vật được kể dưới đây sẽ còn thiếu sót rất nhiều, bởi điều kiện sưu tầm và tra cứu trong một thời gian ngắn không sao đầy đủ và chính xác được, hy vọng sẽ còn có dịp đón nhận thêm những ý kiến, những tài liệu bổ sung quý báu từ quý bậc thức giả cao thâm, quý vị làm công tác bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, quý bạn đọc xa gần tha thiết với quê hương đất nước… giúp đỡ và cung cấp thêm tài liệu, nhóm biên soạn sẽ điều chỉnh bổ sung tài liệu nầy. Những bậc tiền hiền đề cập ở đây là những người đã quá vãng, có thể sinh quán ở đất Cần Thơ, cũng có thể là người từ phương xa đến nhưng đã có công sức trực tiếp hay gián tiếp mở mang, xây dựng, góp phần làm nên lịch sử của vùng địa linh nhân kiệt Cần Thơ cho mãi đến bây giờ. Bởi vì, “trong dòng lịch sử của dân tộc, bao giờ cũng có những bậc đại anh hùng vang danh không những trong đất nước của họ mà còn trên khắp thế giới, tuy nhiên cũng có những vị anh hùng không tên tuổi, những vị anh hùng vô danh ít người biết đến, nhưng chính những người vô danh đó lại đóng góp một phần không nhỏ cho tương lai của đất nước của họ” (5), nghĩ rằng với riêng tại xứ sở Cần Thơ, những vị anh hùng vô danh đó không phải là ít mà trong bài viết nầy chưa đề cập đến. Xin thành tâm khấn nguyện và tạ ơn đến tất cả những bậc tiền hiền “chưa nêu tên tuổi” đó. 



         1. MẠC THIÊN TỨ, người đã kiến lập vùng đất Trấn Giang từ năm 1793. Ông còn được gọi là Mạc Thiên Tích, vốn tên thật là Mạc Tông, tự Sĩ Lân, là con trai trưởng của Đại tướng Mạc Cửu. Khi ông cầm đầu phái đoàn sang Xiêm cầu viện nhưng vua Xiêm ngờ vực ông lập cơ mưu sang Xiêm dọ thám tình hình để thừa dịp chiếm đọat. Nỗi buồn lo cho chúa Nguyễn Ánh đang cơn nguy khốn, nỗi hận gặp cảnh không may, ông đã nuốt vàng tự tử. Phái đoàn của ông gồm có Tôn Thất Xuân, hai người con của ông là Mạc Tử Hoàng và Mạc Tử Thượng và 50 tên quân đều chết theo ông, đó là năm Canh tý 1780. Ông còn để lại đời một bộ “Minh bột di ngư” gồm các tập:

Hà Tiên vịnh vật thi tuyển

Châu thị trinh liệt tặng ngôn

Thi truyện tặng Lưu tiết phụ

Thi thảo cách ngôn vị tập.



         2. MẠC TỬ SANH, người đã tử trận tại vàm rạch đổ ra sông Cần Thơ trong trận chống với Tây Sơn, mà nơi rạch đó sau nầy dân gian gọi là rạch Tham Tướng Cần Thơ. Ông là con của Quốc lão Đô đốc Quận công Mạc Thiên Tứ.



         3. VÕ DUY TẬP là một chánh lãnh binh, người xã Long Tuyền, huyện Phong Phú, con ông Võ Nguyên, xuất thân nông dân. Suốt mười mấy năm tận lực cùng chúa Nguyễn, đến ngày thống nhất non sông, chung hưởng thái bình, ông nghiễm nhiên là vị tướng lãnh công cao trọng vọng, làm rạng vẻ miền Tây một thuở. Tuổi về già ông còn cầm binh đánh dẹp giặc Miên ở Sóc Trăng, và bỏ mình tại Bưng Trop, linh cữu đưa về an táng nơi cố quán xã Long Tuyền.



         4. NGUYỄN VĂN TỒN, người Việt gốc Miên, trung thành với vua Gia Long, lưu danh hiển hách nơi Trà Ôn (Cần Thơ xưa). Chúa Nguyễn Ánh thấy Ông có công và trung thành mới cho lấy họ Nguyễn là họ của vua, mang tên Việt Nam là Nguyễn Văn Tồn (do Nguyễn Ánh đặt cho Ông).



         5. BÙI HỮU NGHĨA (1807-1872), Cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, nhà thơ, hiệu Nghi Chi, Liễu Lâm chủ nhân, sinh năm Đinh mão 1807 tại làng Long Tuyền, trước thuộc Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long), sau thuộc tỉnh Cần Thơ (nay là Long Tuyền - Cần Thơ). Thân phụ cụ là Bùi Hữu Vị, xuất thân nghề chài lưới. Thuở trẻ cụ lên Biên Hoà ngụ nơi nhà ông Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý, học với cụ đồ Nguyễn Hàm, tức Đồ Hoành. Để rồi nhân duyên gặp gỡ tại Biên Hoà, cụ được ông Lý gả con gái là Nguyễn Thị Diệu tức Tồn. Đang ăn học ở Biên Hoà, gặp phải cuộc dấy binh chống triều đình của nhóm Lê Văn Khôi, mãi hết cơn loạn lạc, Bùi Hữu Nghĩa thi đỗ Giải nguyên (Thủ khoa) trường thi Gia Định lúc 28 tuổi, đó là năm Ất vị (mùi) 1835. Sơ bổ Tri phủ Phước Long tỉnh Biên Hoà, nhưng vì tính khí bị cấp trên ghét mà trù dập, giáng cấp rồi thuyên bổ Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, Vĩnh Long), nay thuộc tỉnh Trà Vinh.

         Cũng vì tính cương trực, cụ lại đương đầu với đám cường hào ác bá tại Trà Vinh, bị quan trên tham nhũng cáo gian, tìm cách hãm hại trong vụ Láng Thé năm Mậu thân 1848. Bà Tồn lên Biên Hoà gởi con là Bùi Hữu Tú (sinh năm Bính ngọ 1846) cho bên ngoại nuôi, rồi trở xuống Mỹ Tho quá giang ghe bầu ra tận kinh đô Huế kêu oan cho chồng. Nhờ vậy cụ mới thoát cảnh lao tù, nhưng phải sung quân đóng đồn ở Vĩnh Thông (Châu Đốc) năm 1849. Bà Tồn lâm bệnh, nằm ở quê nhà tại Biên Hoà rồi qua đời năm Canh tuất 1850. Năm sau 1851, cụ Bùi Hữu Nghĩa mới được cho về Biên Hoà thăm con, rồi làm thơ, câu đối và văn tế vợ, có đoạn:

         “Con sáu tuổi thơ ngây một bóng, em nao đành nhắm mắt qui tiên;

         Chồng trăm bề lo lắng một mình, bậu bao nỡ xấp lưng cỡi hạc”.

         Đóng quân ở Tịnh Biên (Vĩnh Thông) ít lâu, cụ xin giải ngũ về quê quán Long Tuyền sống đời ẩn dật, sinh nhai bằng nghề thuốc và dạy học, ôm ấp chí cao khiết. Tài đức của cụ được các giới sĩ phu, toàn dân trọng vọng, mến yêu.

         Năm Nhâm thân 1872, ngày 21 tháng giêng âm lịch, cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa mất, thọ 65 tuổi. Mộ cụ tọa lạc tại đất Trùm Neo, trong vườn Đốc phủ Dương Thân Hỷ, thuộc Phường An Thới, thành phố Cần Thơ. Tại chùa Nam Nhã (gần dốc cầu Bình Thủy) hiện nay còn thờ vợ chồng cụ Thủ khoa.

         Ngôi sao Bùi Hữu Nghĩa chói rạng trên vòm trời văn học xóm Bà Đồ (Bình Thủy - Cần Thơ), cuốn hút các văn tinh Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Đỗ Minh Tâm, Mai Đằng Phương... cùng hướng về góc trời Long Tuyền phát quang rực rỡ. Các học trò của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và Cử nhân Phan Văn Trị như Nguyễn Phước Dương bút hiệu Tử Hiển, Nguyễn Giác Nguyên bút hiệu Long Khê, Lê Quang Chiểu, Trần Ngọc Lầu, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Bá Đại v.v... là những nhân tố đóng góp phần toả sáng văn học miền Sông Hậu.

         Ngoài các bài thơ, văn tế, cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa còn để lại bản tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, một áng cổ văn có giá trị được người đời truyền tụng.



         6. NGUYỄN THỊ TỒN, là vợ cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, con ông Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý ở làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hoà. Bà từ Vĩnh Long ra tận đế đô kêu hoan cho chồng, được đức Từ Dũ Thái Hậu (thân mẫu vua Tự Đức) khen ngợi phong tặng tấm biển 4 chữ “Liệt phụ khả phong” và tặng cho cái võng, trên có 4 cái gang. Cứu chồng khỏi chết, nhưng vẫn phải chịu đau lòng cách biệt chồng lúc sung quân, Bà về thẳng quê nhà ở Biên Hoà. Chẳng mấy tháng bà vương bệnh qua đời..



         7. PHAN VĂN TRỊ (1830-1908), Phan Văn Trị là một nhà thơ yêu nước, quê làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Bến Tre (nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Cụ sinh năm Canh dần 1830. Năm Kỷ dậu 1849 cụ thi đỗ Cử nhân, nhưng thấy thời cuộc rối ren không ra làm quan, sống đạm bạc ở làng Bình Cách (Tân An). Khi giặc Pháp chiếm Gia Định, cụ cùng các sĩ phu yêu nước đã xướng phong trào “tị địa”, lui về đồng bằng sông Cửu Long, tích cực cổ động dân chúng ủng hộ các nhóm kháng chiến. Thời gian ở Vĩnh Long, cụ lui tới hợp tác với cụ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Hồ       Huân Nghiệp... và các cụ thường gặp nhau bàn chuyện thơ văn ở lầu Văn Xương Các.

         Đến lúc giặc Pháp chiếm miền Tây, cụ Cử Trị dời về cư ngụ ở làng Nhơn Ái, Phong Điền - Cần Thơ, ở ẩn dạy học, và thú tiêu khiển của cụ là ngồi xuồng thả câu trên sông nước đồng quê hiền hoà thơ mộng. Thời gian nầy, cụ giao du với Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, cảm hoá cai tổng Lê Quang Chiểu (vốn là học trò của cụ) bỏ quan, giữ tiết tháo trong thời mất nước.

         Năm Canh tuất 1910 cụ mất, thọ 80 tuổi. Phần mộ trên đất Cai tổng Chiểu tại Phong Điền. Thơ văn cụ Cử nhân Phan Văn Trị còn lưu truyền rất nhiều, đầy tính chiến đấu, thanh cao, có khí tiết. Lòng yêu nước chan chứa trong bài Thất thủ Gia Định và bài Thất thủ Vĩnh Long. Sôi nổi nhất là những bài thơ họa với Tôn Thọ Tường nhằm lên án bọn người cam tâm làm tay sai cho ngoại xâm.

         Cụ có công đầu và nổi tiếng trong cuộc bút chiến chống Tôn Thọ Tường (1825-1877), người bạn thơ của cụ trước đây trong nhóm Bạch Mai Thi Xã, người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định đã ra làm tay sai cho giặc Pháp. Bị dư luận lên án gắt, Tôn Thọ Tường làm bài thơ Từ Thứ Quy Tào để ngụy biện cho hành động phản dân hại nước của y. Phan Văn Trị công kích luận điệu của Tôn Thọ Tường bằng bài Hát Bội. Cuộc bút chiến dưới hình thức hoạ thơ nổ ra. Tôn Thọ Tường làm 10 bài thơ liên hoàn tự thuật, tán dương sức mạnh vật chất của thực dân, cho rằng lực lượng kháng chiến non kém không thể chống nổi và thực tế những người kháng chiến đã lâm vào cảnh bi thảm. Họa, Phan Văn Trị mắng Tôn Thọ Tường là “đứa ngu”, “thằng hoang”, là kẻ “đáy giếng trông trời trơ mắt ếch”, là “đứa dại trót đời già cũng dại”. Cụ đã thách thức:

Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ

Lòng ta sắt đá há lung lay

         Tôn Thọ Tường lại làm bài Tôn Phu Nhân Quy Thục, hòng lấy đạo “tam tòng” của lễ giáo phong kiến phương Bắc, lấy chính thống của nhà Hán làm cái mộc che đậy những việc làm vô đạo. Trong cuộc hoạ thơ chống Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu Nam kỳ vào cuộc bút chiến: Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt... và đã gây được hậu thuẫn mạnh mẽ của dư luận chúng yêu nước khắp mọi miền. (Theo Lê Chí Dũng)

           Ngày nay, theo hương lộ 4 (còn gọi là  tuyến lộ vòng cung), qua những địa danh quen thuộc “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền...” cách thành phố Cần Thơ khoảng 17 cây số, du khách có thể được hướng dẫn đi thăm mộ cụ Cử nhân Phan Văn Trị, sẽ thấy được tình cảm yêu thương của miền quê sông nước với chợ nhóm trên sông, với những vườn cam Phong Điền trĩu oằn trái ngọt; sẽ cảm thông với tấm lòng của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị trước khi gởi nắm xương tàn nơi đây, và cũng đã có một thời gian dài trong chiến tranh, ngôi mộ bị hoang phế thảm buồn.



         8. ĐINH SÂM, lãnh tụ kháng chiến vùng Ba Láng – Trà Niềng. Dân chúng kính mộ Đinh Sâm, phần đông theo Đinh Sâm kháng chiến, chạm trán với quân Pháp nhiều trận dữ dội. Quân Pháp càng đàn áp mạnh hơn. Cuối cùng sức yếu thế cô, Đinh Sâm và đám nghĩa quân trung kiên đền xong nợ nước trong một trận tử chiến oanh liệt. Truy tìm nhân vật Đinh Sâm, theo Bác sĩ Lê Văn Ngôn trong bài “Tây Đô lịch sử” đăng ở tập Kỷ yếu Hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943: “Có lẽ là cựu lãnh binh ở Châu Đốc tên Ngô Sâm, ngày 3-9-1857 phá đồn Sa Đéc rồi lui về Cần Thơ, chạy lên Châu Đốc, kế bị b6ăt tại kinh Rạch Giá vào lúc cuối tháng giêng 1861”. Còn sách “Monographie de Cantho” chép: Đinh Sâm là Võ Đình Sâm, mà người giết Cai tổng Vĩnh là Thống chế Bút. Không biết Thống chế Bút là thuộc hạ của Ngô Sâm hay Võ Đình Sâm?”.

         Theo tài liệu của Lê Hữu Uy trong “Làng Nhơn Ái Hai Trăm Năm Khai Khẩn” (6) viết: “Năm 1868 trước gót giày xâm lăng của giặc, khắp nơi dân chúng hừng hực khí thế chống ngoại xâm. Ông Đinh Sâm một nông dân ở rạch Trà Niềng làng Nhơn Ái là một người hào sảng, giỏi võ, đứng lên qui tụ dân làng chống giặc. Dân chúng ủng hộ rất đống co trốn 200 nghĩa quân từ Ba Láng chạy dài vô tới Cầu Nhiếm Ba Se là địa bàn hoạt động của ông (...). Ông Đinh Sâm có lần nđịnh đánh Toà Tham Biện (dinh Tỉnh Trưởng) ở Cần Thơ nhưng kế hoạch không thành. Sau những trận chống trả sự càn qué của giặc, thế cô sức yếu về yếu kém vũ khí nên nghĩa quân thất bại.  Ông bị bắt và bị giết. Một số nghĩa qunâ rút về vùng Thất Sơn. Cuộc khởi nghĩa của ông Đinh Sâm tuy không thành nhưng dân làng Nhơn Ái cũng làm cho giặc một phen phải kinh hồn. Được hung tin anh hùng Đinh Sâm đền nợ nước có hai câu đối:

“Võ kiếm xung thiêng, Ba Láng giang đầu lưu huyếtn hận.

Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đoái sầu nhan”.

         Tạm dịch:

“Võ kiếm loà trời, Ba Láng vàm kia còn máu hận

Văn tinh rơi đất, Trà nIềng thôn ấy đượm màu sầu”.

        

         9. NGUYỄN THẦN HIẾN (Hội Đồng HIẾN) (1857-1914): Ông tên thật Nguyễn Như Khuê, lớn lên đổi là Nguyễn Thần Hiến tự Phát Đình, hiệu Chương Chu, người làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên. Con cụ Kinh lịch Nguyễn Như Nguơn và bà thứ thất Huỳnh Thị Chu tự Thoại Liên. Ông nổi tiếng thông minh, cường ký, được xưng tặng là “Tiểu Táu tài” hoặc “Trương Tòng tái thế”. Ông chánh thức hoạt động cách mạng kể từ tháng giêng năm Giáp thìn1904, sau khi hội kiến lần thứ nhứt với cụ Phan Bội Châu tại Sa Đéc. Ông tán thành phong trào Đông Du và từng sáng lập “Khuyến Du Học Hội” để vận động sinh viên du học tại Nhật. Khoảng năm 1908 bị Pháp truy nã, ông xuất ngoại qua đường biển bằng thuyền nhỏ đến Campuchia rồi sang Thái Lan, sau đó sang Trung Hoa. Năm 1913 ông hội kiến với đức Kỳ ngoại hầu Cường Để báo rõ tình hình trong nước và yêu cầu ngài về nước. Bởi thế đức Cường Để đã có lúc lén về nước, xuống miền Hậu Giang họp bí mật với các đồng chí tại Long Xuyên, tất cả đều do Nguyễn Thần Hiến xếp đặt. Ngày 16 tháng 3 năm 1913, cảnh sát Anh kéo đến xét nhà ông Huỳnh Hưng bắt gặp 13 quả lựu đạn, một ít giấy tờ và bắt giữ 4 người trong nhà lúc đó có Huỳnh Hưng, Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật. Vì nhà đương cuộc Pháp tại Việt Nam vận động với chánh phủ hoàng gia Anh, nên cảnh sát Anh ra tay đàn áp bắt giam các nhà cách mạng Việt Nam đưa về Hà Nội, trong đó có Nguyễn Thần Hiến. Ông bị giam tại khám Hà Nội để chờ đưa ra Côn Đảo. Ông tuyệt thực phản đối quyết quyên sinh. Ông nhắm mắt từ trần vào ngày mùng 1 Tết nguyên đán Giáp dần (26 Janvier 1914) hưởng dương 58 tuổi. (7).



         10. LÊ QUANG CHIỂU (Cai tổng CHIỂU) (1852-1924), một người không màng danh lợi, can đảm từ quan để cùng chia đau khổ với đồng bào trong cảnh bị trị. Ông người làng Nhơn Ái (Phong Điền), quận Châu Thành tỉnh Cần Thơ, sinh năm1852. Vì gia thế ông tương đối có uy tín trong vùng nên ông được cử làm Cai tổng tổng Định Bảo. Từ chối không được, ông nhận chức mà lương tâm cắn rứt. Sau cùng ông nghĩ ra một diệu kế “cứ nhận chức, nhưng có điều gì giúp đỡ cho dân chúng nhờ thì giúp, không thì thôi, tuyệt đối không làm khổ cho dân như những hạng cường hào ác bá”. Thế nhưng ông càng đắm chìm trong dòng suy tư, dần dần chán chường công danh, nhất là không tốt đẹp gì dưới danh nghĩa phục vụ ngoại bang, ông đã quyết định cởi phăng dây ben tam tài (tượng trưng chức vụ Cai tổng) và trao trả mộc ký (con dấu) lại chánh phủ bảo hộ, lui về vườn cũ cỏ hoa, sống đời ẩn dật.



         11. BS. Thủ tướng LÊ VĂN HOẠCH (1886-1978). Là con của ông Lê Quang Diên, một địa chủ giàu có ở Phong Điền. Ông là Bác sĩ, tốt nghiệp cao đẳng y khoa ngành nhãn khoa tại Hà Nội, từng làm Trưởng Ty Cảnh sát tỉnh cần Thơ năm 1945, Thủ Tướng trong Chánh phủ Nam kỳ tự trị từ ngày 6 tháng 12 năm 1947 đến 29 tháng 7 năm 1948, và năm 1964 làm Quốc Vụ Khanh thời đệ nhị cộng hoà. Ông cũng là Bảo Sanh Quan, chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài. Ông là ông Cả cuối cùng của làng Nhơn Ái tỉnh Cần Thơ, vì từ năm 1945 làng không còn ông Cả nữa. Năm 1945 ông làm Trưởng  ty Cảnh sát tỉnh Cần Thơ. Bác sĩ Lê Văn Hoạch không phải chỉ giỏi về Nhãn Khoa mà còn giỏi về môn Giải phẫu nữa. Tác giả Phương Huy trong bài “Những Nhà Giàu Tiếng Tăm Ở Cần Thơ Xưa” viết “Bác sĩ Hoạch là một trong những nhà giàu đã tiên phong sắm xe hơi ở Phong Điền và về sau sắm cả máy bay tư nhân”. (13)



         12. NGUYỄN TRỌNG QUYỀN (1876 – 1953) Sinh tại thôn Thạnh Hoà, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt An Giang, nay thuộc quận Thốt Nốt – thành phố Cần Thơ, bút danh Mộc Quán (do hai chữ Hán: Mộc – Quán ghép lại thành chuư Quyền). Tuổi trẻ ông học ở Thốt Nốt, Cần Thơ rồi gia nhập làng báo, cộng tác cùng các cây bút nổi tiếng thời bấy giờ như Trầnn Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt... tr2n các báo Nông Cổ mín đàm, Lục Tỉnh tân văn. Từ năm 1920 khi nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển ông trở thành nhà soạn tuồng sáng giá của các gánh hát đương thời, cũng là một trong những hậu tổ khai sanh nền cải lương Việt Nam. Ngoài các bài báo, truyện thơ và sách biên khảo Phu Thê nghị luận, trong 50m năm sáng tác, ông đẻ lại cho đời 85 vở tuồng cải lương nổi tiếng như Phụng Nghi Đình, Giọt lệ chung tình, Tình duyên phấn lạt... Những năm trước thế chiến ở miền Nam, ông là một trong hai soạn giả c8i lương (người thứ hai là Trương Duy Toản) có nhiều tác phẩm nhất và cũng được đa số khán giả mến một. Ông mất năm Quý tỵ 1953, thọ 77 tiổi (8).   (8)



         13. TRƯƠNG DUY TOẢN (1885 – 1957). Nhà văn, tự là Mạnh Tư, bút hiệu Đông Hồ, queo huye, Vĩnh Long. Thuở nhỏ học ở Sài Gòn. Năm 1905 làm Kinh Lịch tại văn phòng Toà Khâm Sứ Nam Vang. Năm 1907 đổi về Sài Gòn. Tại đây ông tha gia các tổ chức yêu nước, có chân trong hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu. Sau đó sang Nhật, có một thời gian làm thông ngôb cho Phan B0ôi Châu, Cường Để ở Nhật và Pháp. Nam 1908, sau khi chánh phủ Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam ra khỏi Nhật Bản, ông cùng Cường Để lên đường sang Châu Âu với Đỗ văn Y, Lâm Tỷ, Hoàng Vnă Nghị. Năm 1914 ông trở về Thượng Hải, Singapore rồi lại sang Pháp. Tại Paris ông liêc lạ với nhà yêu nước Phan Châu Trinh rồi bị Pháp bắt giam vào nhà tù La Santé. Sau đó chánh phủ Pháp xét thấy không có gì liên quan tới Đức nên được trả tự do. Nhưng hai Ông Toản và Ông Y bị trục xuất và dẫn độ về Sài Gòn, bị giam một thời gian. Ông Toản bị đưa về quản thúc tại làng Nhơn Ái Cần Thơ, Ở đây ông tiếp tục kết giao với những người có tinh thần yêu nước chống Pháp và suốt thời gian ngụ tại làng Nhơn  Ái, ông chú tâm phát triển phong trào đờn ca ra bộ, tiền thân của ngành ca kịch cải lương miền nam, soạn tuồng cải lương và cũng là thầy tuồng (đạo diễn) nổi tiếng cùng thời với Nguyễn Trọng Quyền nên được xem là ông tổ của ngành cài lương. Năm 1924-1933 ông làm chủ báo Trung Lập, Sài Thành nhựt báo. Năm 1955 ông còn viết hồi ký về Phong trào cách mạng trong Nam liên tiếp trên tuần báo Tiến Thủ với bút hiệu Đông Hồ và tiểu thuyết Phan Yên Ngoại Sử (Tiết phụ gian truân). Ông mất năm 1957 tại Sài Gòn, thọ 72 tuổi.  (8)



         14. NGUYỄN BẢO TOÀN, tên thật là Nguyễn Hoàn Bích, quê quán làng Long Kiến, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Ông theo học bậc trung học tại trường Collège de Cần Thơ khoảng thập niên 1930, cùng thời với học giả, nhà văn Hồ Hữu Tường. Ông là người yêu nước, cả một đời làm cách mạng, đã từng bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Ngày 21 tháng 9/1946, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, và Huỳnh Giáo Chủ đã cử ông Nguyễn Bảo Toàn làm Tổng Bí Thư đảng mà đa số trên một triệu đoàn viên đều là tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, mặc dù Ông Nguyễn Bảo Toàn là tín đồ Thiên Chúa giáo. Ông là người có công đầu trong việc truất phế Bảo Đại và đưa ông Ngô Đình Diệm lên ngôi vị Tổng Thống đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà. Sau cuộc đảo chánh 11-11-1960 của nhóm quân nhân thất bại phải đào thoát sang Nam Vang tỵ nạn, ông đã trốn thoát rồi bị lên án tử hình khiếm diện, nhưng đến tháng 11 năm 1962 thì ông bị công an của Đại tá Nguyễn Văn Y bắt được và đã bị thủ tiêu vào cuối năm 1962 tại Tổng Nha Cảnh Sát và Công An, xác ông bị cột vào trụ xi măng thả xuống sông Nhà Bè. Tất cả những người có trách nhiệm trong vụ bắt giam và thủ tiêu ông đều bị đưa ra toà: các can phạm từ tổng giám đốc, phó tổng giám độc, giám đốc, chánh sở của Tổng Nha Cảnh Sát và công an đều bị phat tù. (5a)



         15. Học giả HỒ HỮU TƯỜNG (1910-1980): Sanh quán tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Ông là chính trị gia, nhà văn, nhà báo, là một nhân vật kỳ lạ, sống 70 năm trong thế kỷ XX, trải nhiều vòng tù tội dưới tất cả các chính quyền: thực dân, quốc gia và cộng sản. Hồ Hữu Tường xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ phải đi làm tá điền cho người cậu là điền chủ, hội đồng. Ông viết văn rất sớm, ngay khi bước chân vào trường College de Can Tho những năm đầu mới thành lập, đã thấy lòng sôi sục khi đọc những bài tường thuật hàng ngày trên báo Đông Pháp Thời Báo, nên đã đưa đến việc ông và các bạn trẻ thực hiện một tuần báo viết tay, trong đó có Ung Văn Kiêm,  Trần Thiêm Tới (bút hiệu Trúc Hà) và Hồ Hữu Tường ký tên Pierre Vutren. Trải qua suốt chặng đường hoạt động chính trị nhưng biết lợi khí của văn hoá, ông luôn luôn tuyên bố: “Tôi là kẻ dụng văn, chớ không phải nhà văn”. Từ năm 1931 đến 1939, ông làm lý thuyết gia cho nhóm đệ Tứ ở Việt Nam. Tháng 11/1932 ông bị Pháp bắt lần đầu. Ngày 1/5/1933 ra toà bị xử án treo 3 năm. Đầu tháng 6/1939 ông bỏ Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác. Ngày 29 tháng 9/1939 bị nhà cầm quyền Pháp bắt, cuối 1940 bị đày đi Côn Đảo cùng với Nguyễn An Ninh, Pham Văn Hùm, Tạ Thu Thâu. Năm 1945 Nhật đảo chánh Tây, Hồ Hữu Tường được thả và ra Hà Nội để sang Tàu nhưng bị kẹt. Năm 1946 ông được mời tham dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam nhưng ông không phát biểu gì. Kế đó ông giúp Bộ Giáo Dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thiết lập chương trình soạn và in sách giáo khoa bằng tiếng Việt cho bậc Trung học. Năm 1947 bị Phát bắt trong lúc tản cư về Kẻ Sặt (Hải Dương). Rồi ông lại về Sài Gòn viết văn, làm báo. Mùa xuân 1948 sang pháp vì lý do chính trị. Năm 1953 về nước. Năm 1954 với tư cách ký giả, ông sang dự Hội nghị Genève, hết sức vận động cho giải pháp trung lập Việt Nam nhưng thất bại. Tháng 3/1955 vì có liên lạc với các nhóm trong mặt trận thống nhất (Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên) chống lại Ngô Đình Diệm, ông bị bắt ở Rừng Sát. Năm 1957 ra toà và bị kết án tử hình, nhưng nhờ những trí thức ở Pháp trong đó có Albert Camus viết thư can thiệp nên án lệnh được đình chỉ và bị đưa ra Côn Đảo. Sau khi chánh quyền Ngô Đình Diệm đổ, Hồ Hữu Tường được trả tự do ngày 31/01/1964. Ra tù, kiệt lực, phải nửa năm sau mới viết lại được. Năm 1965 cộng tác với báo Hoà Đồng để phát huy nền văn minh tổng hợp: kỹ sư, chính ủy và tu sĩ. Làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1967 được bầu làm dân biểu trong Hạ Viện VNCH. Ông luôn mặc bộ đồ bà ba màu dà mỗi khi đi họp Quốc Hội. Sau tháng 4/1975 bị đi học tập cải tạo, khi được trả tự do về đến nhà ở Gia Định thì mất, ngày 26 tháng 6 năm 1980. Về sáng tác, Hồ Hữu Tường để lại trong kho tàng văn chương rất nhiều tác phẩm qua các thể loại: Chính trị, Kinh tế, Triết học, Văn học sử, Văn Phạm, Dịch, Truyện, Tiểu luận, Truyện ngắn, Tạp văn, Tự truyện và Hồi ký… (9)



         16. Nhạc sĩ LƯU HỮU PHƯỚC, quê ở Ô Môn, theo học trường College de Cần Thơ (Phan Thanh Giản) và trường Petrus Ký (Sài Gòn).. Ông là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng thời học sinh, sinh viên và trong giai đoạn toàn dân kháng chiến chống Pháp như Tiếng Gọi Sinh Viên, Thiếu Sinh Hành Khúc, Khúc Khải Hoàn, Lên Đàng… Sau năm 1954 Ông tập kết ra Bắc và phục vụ trong chế độ CSVN cho đến khi qua đời. Bài Tiếng Gọi Sinh Viên đã được viết lời 2 và đã trở thành bản Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hoà cho mãi đến sau nầy. Được biết, ông cũng là tác giả ký tên Huỳnh Minh Siêng sáng tác bản nhạc được chánh phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam dùng làm quốc ca (trước năm 1975). Ngày nay chánh quyền trong nước đã đặt tên ông cho một công viên tọa lạc đầu đường Tự Đức (nay là Lý Tự Trọng) trên khu “đất thánh Tây” ngày trước, đối diện Bệnh viện Đa Khoa (Thủ Khoa Nghĩa), công viên văn hóa LƯU HỮU PHƯỚC.

 

         17. Nhà sưu khảo văn học NGUYỄN BÁ THẾ (19-11-1925 – 02-3 1996): Ông sinh ngày 19 tháng 11 năm 1925 tại làng Thường Thạnh (Cái Răng), Cần Thơ. Căn nhà nơi ông sinh ra nằm trên bờ sông Cần Thơ, một nhánh của dòng Hậu Giang hiền hoà, quanh năm mang phù sa nước ngọt tưới mát vườn cây xanh trái, đồng ruộng bao la. Câu hát dân gian “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền…” có lẽ đã in sâu trong tiềm thức ông từ thuở nằm nôi nên ông sớm đi vào con đường sáng tác văn học từ thời rất trẻ”…Làm thơ, viết văn, viết báo, viết sưu khảo ông ký nhiều bút hiệu. “Tên thật của tôi là Nguyễn Bá Thế, ký tên Thế Nguyên, tức là tên Thế với họ Nguyễn bỏ bớt dấu ngã. Nam Xuân Thọ là một cửa hiệu của thân phụ tôi, cũng là nhà thơ, nhà soạn kịch, tên thật Nguyễn Bá Thọ, bút hiệu Nam Sơn. Năm 1945 ông thân tôi mất.  Do tấm lòng hiếu thuận, tôi mang danh Nam Xuân Thọ để biểu dương tinh thần thân phụ tôi sống mãi với đời. Còn bút hiệu Nhất Tâm, vì tên tôi là Thế, về mặt chữ Hán, chữ Thế có nét ngang, tượng trưng cho chữ Nhất, còn chữ Thế tượng trưng cho chữ Tâm, vì vậy Nhất Tâm tức chử Thế chiết ra. Lại nữa, tôi dùng phương châm với câu “Nhất sanh háo đức Tâm như thạch”, và “Thường bả Nhất Tâm thành chánh đạo” (10).

         Tủ sách Những Mảnh Gương của nhà xuất bản Tân Việt Sài Gòn đã in tác phẩm của ông dùng làm sách tham khảo trong chương trình bậc trung học như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Huỳnh Mẫn Đạt, Võ Trường Toản, Nguyễn Văn Vĩnh, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Sương Nguyệt Anh, Phan Thanh Giản… Ban Tu Thu Tân Việt cũng in các tác phẩm giá trị của Ông (nhưng không đề tên tác giả mà dùng Ban Tu Thư) như: Tam Quốc Bình Giải, Kim Cổ Kỳ Quan, Thủy Hử. Truyện dịch Tế Điên Hoà Thượng xuất bản tại Cần Thơ cuối thập niên 1940. Nhà xuất bản Nguồn Sống năm 1949 cũng đã in nhiều tiểu thuyết của Ông: Tình Và Nghĩa Vụ, Lá Cờ Hồng Thập, Cô Ký (Hiền), Lột Vỏ. Các tiểu thuyết in feuilleton trên các báo như: Nghị Lực, Son Sắt Một Lòng, Cô Giáo Ánh, Một Chữ Đồng, Oán Tình, Gió Nghĩa Trăng Tình, Chim Việt Cành Nam, Chim Việt Về Nam. Sau năm 1975, tác phẩm Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử của ông biên soạn giao cho ông Nguyễn Quyết Thắng lo in và xuất bản, được đứng tên chung và tái bản nhiều lần với số lượng in rất lớn, có đưa vô nhiều nhân vật đương đại là của Ông Nguyễn Quyết Thắng bổ sung chớ không phải của Ông. Ông còn có những bộ bản thảo hoàn tất như: Trung Quốc Nhân Vật Lịch Sử với hơn mười ngàn nhân vật từ cổ xưa đến cận đại, in ta phải hàng vạn trang sách; các bộ Gương Chí Sĩ, Gương Nghĩa Liệt, Gương Nữ Lưu, Cao Hiền Xử Sĩ, Giọt Lệ Chung Tình … là những bản thảo đã chép sạch và hoàn chỉnh nhưng chưa có điều kiện in, thì Ông đã không còn nữa. Ông mất lúc 11 giờ 10 phút sáng ngày 2 tháng 3 năm 1996 (nhằm ngày 13 tháng Giêng Bính tý) trước sự tiếc thương của gia đình và trong lòng mọi văn thi hữu quen biết Ông suốt hơn nửa thế kỷ qua.

   

         18. BS NGUYỄN VĂN NGỌC (1906-2003): Sanh ngày 3 tháng 10 năm 1906 tại Thủ Dầu Một, sau này là tỉnh Bình Dương Việt Nam. Ông học tại quê nhà. Sau khi đậu Certificat, ông được trúng tuyển vào École Normale, tức trường Sư Phạm ở Sài Gòn. Tốt nghiệp Sư phạm được bổ nhiệm về dạy ở tỉnh Châu Đốc, nhưng vì quá thích ngành y khoa nên chưa kịp nhận lớp dạy, ông đã trở về quê xin mẹ tiếp tục thi vào trường Chasseloup Laubat để lấy bằng Tú Tài và sau đó thi tuyển vào đại học Y khoa Hà Nội. Tốt nghiệp Y khoa hạng 3 toàn quốc năm 1932, ông đã chọn về bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, khoa tai, mũi, họng. Năm 1934 ông tạo được thành tích lớn là chận đứng được bệnh dịch hạch tại làng Mỹ Luông tỉnh Long Xuyên. Với thành tích nầy, ông được trao tặng Y Tế Bội Tinh. Năm 1937 ông chuyển về bệnh viện tỉnh lỵ Cần Thơ và phục vụ luôn ở đó cho đến khi hưu trí vào năm 1962 ở bệnh viện công, nhưng ông vẫn giữ phòng mạch tư liên tục cho đến năm 1975. Với gần 40 năm phục vụ trong ngành Y Tế, BS Nguyễn Văn Ngọc đã có công trong việc thành lập Trung tâm truyền huyết Cần Thơ và cũng đi tiên phong trên toàn quốc trong việc sáng lập Trung tâm huyấn luyện y tá theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó là việc thành lập Bệnh xá và Bảo sanh viện tại khu trù mật Vị Thanh. Với công trình nầy, ông được cấp huy chương Chương Mỹ Bội Tinh. Có một điều ít ai ngờ là một bác sĩ dân sự như ông lại được tặng Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao bạc, vì tích cực giúp dân chúng nạn lụt miền Tây Việt Nam. (11).

         BS Nguyễn Văn Ngọc từng giữ chức vụ Trưởng Ty Y Tế tỉnh Phong Dinh, Giám đốc bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa Cần Thơ, và đã qua đời lúc 4 giờ sáng ngày 25 tháng 7 năm 2003 tại Westminster, California, hưởng đại thọ 97 tuổi.

  

         19. Nhà văn LÊ XUYÊN (1927-2004). Tên thật Lê Bình Tăng, sinh ngày 01 tháng 11 năm 1927, gốc gác người quận Trà Ôn tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long, có lúc là Trà Vinh). Ông từ trần hồi 21 giờ 20 ngày 2 tháng 3 năm 2004, tức ngày 12 tháng 2 năm Giáp thân tại tư gia 523/238/146 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP Sài Gòn. Ông đã theo học trường College de Cần Thơ rồi Phan Thanh Giản suốt 4 năm (1941-1945) và đã đeo đuổi nghiệp làm báo trong những năm thập niên 1960, 1970 cho đến ngày 30-4-75. Ông mất đi để lại cho đời những tác phẩm sau đây: Chú Tư Cầu (1965), Rặng Trâm Bầu, Vợ Thầy Hương (1965), Đêm Không Cùng (1966), Kinh Cầu Muống (1968), Vùng Bão Lửa (1969), Nguyệt Đồng Xoài (1970). Viết về Lê Xuyên, tác giả Châu Lê cho rằng “Một nhà văn tên tuổi trong làng văn làng báo mà từ sau ngày rời “trại cải tạo tập trung” trở về sống nghèo khổ, đi bỏ bánh kẹo, ngồi bán thuốc lá lẻ... cho mãi đến khi nhắm măt xuôi tay đã không được tiếp tục cầm viết, khnôg được làm kiếp con tằm nhả tơ trả nợ cuộc đời như nghiệp dĩ vương mang là một cực hình cay đắng vô cùng; cũng cho thấy khí tiết vô cùng khi biết ngòi bút của mình không thể hiện được tâm nguyện mà mình mơ ước. Anh mất đi đã Là trút bỏ được bao điều hệ lụy đó...”. (12)



         20. Bác sĩ HUỲNH HỮU CỬU (1932-1999): Sinh ngày 10 tháng 5 năm 1932 tại Cần Thơ, từng là học sinh các trường College de Can Tho tức Trung học Phan Thanh Giản, Le Myre de Villers tức Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và Chasseloup Laubat Saigon. Ông đặu Tú Tài Toàn phần Pháp năm 1952 và vào trường Đại học Y khoa năm nầy. Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa năm 1960. Bác sĩ Huỳnh Hữu Cửu từng phục vụ tại Quân Y Viện Qui Nhơn (1960-1966) và Tổng Y Viện Cộng Hoà (1965-1975). Tu nghiệp về Nhãn khoa tại nHawaì năm 1962 trước khi Ông du họcvề Nhãn khoa tại bệnh viện Walter Rêd Washington DC từ nam1 1969 đến năm 1972 và lấy Boar Nhãn khoa tại đây. Từ tháng 4-1975 đến năm 1995 Ông hành nghề Bác sĩ Nhãn khoa tại New Orleans Louisiana rồi Orange County California Hoa Kỳ.

         Bản chất Ông hiền hoà, yêu thương gia đình, bạn bè và quê hương. Trước năm 1975, Ông từng hợp t6ac với Tạp chí Nhãn Khoa và Tạp sna Quân Y khi còn ở trong nước. Năm 1986, Ông xuất bản SÔNG MỸ SÔNG VIỆT và năm 1995 SÔNG MỸ SÔNG VIỆT TOÀN TẬP. Kể từ 1988 Ông hay viết những đề tài về đạo Phật, có ước vọng xuất bản một tác phẩm về Đạo Phật và Tổ sư Thiền nhưng chưa thực hiện được. Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 1999 tại California Hoa Kỳ để lại bao nhiêu thương tiếc cho gia đình, bằng hữu và đồng hương.



         21. Cựu Thủ tướng NGUYỄN BÁ CẨN (1930-2009): Sinh ngày 09 tháng 9 năm 1930 tại Phú Hữu tỉnh Cần Thơ. Vào trường College de Cantho năm 1042. Cựu sinh viên Đốc sự 1 Học viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn. Cựu Dân Biểu - Chủ tịch Hạ Nghị Viện. Cự Thủ tướng Chánh phủ VNCH. Đã đột ngột từ trần hưởng thọ 79 tuổi Ông Võ Duy Thưởng – Chánh văn phòng cựu Thủ tướng Nguyễn Bá cẩn đã chuyển đi điện văn đề ngày 20-5-2009 mở đầu như sau: “Thưa quí vị, Văn phòng Cựu Thủ tuớng VNCH Nguyễn bá cẩn đau bồn thông báo cùng toàn thể quí đòng hương Việt Nam và các đoàn thể trong và ngoài nước, cựu Thủ tướng VNCH Nguyễn bá Cẩn sau gần một năm lao tâm, lao lực để chuẩn bị hồ sơ đệ nạp về thềm lục địa đúng thời hạn qui định với Liên Hiệp Quốc, đã bất ngờ đôt quị và từ trần lúc 4 giờ 30 sáng ngày 20 tháng 5 năm 2009 tại Regional Medical Cen ter, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ (....)”. Sau năm 1975 tại Hoa Kỳ, Cựu Thủ tướng Nguyễn bá cẩn đã cố gắng học thêm về điện toán và đã là một Senior System Analyst của hãng Cheveron Texaco Corp. Ngoài việc làm sinh sống và hoạt động chính trị trong vai trò Cựu Thủ tướng VNCH, còn là cựu học sinh trường College de Can Tho – Phan Thanh Giản, từ năm 1999 niên trưởng Nguyễn Bá cẩn đã sinh hoạt thường xuyên trong gia đình PTG & ĐTĐ Cần Thơ Bắc Cali, từng nhắc nhở “nhường nhịn anh chị em cùng trường thì không có gì là xấu hổ cả. Giúp đỡ hội PTGĐTĐ là việc làm cần thiết mà còn là nhiệm vụ của chúng ta”. Chính niên trưởng Nguyễn bá Cẩn đề nhị nhạc sĩ Anh Việt Trần văn Trọng (cựu Đại Tá QL.VNCH) sáng tác ca khúc về trường, mới có hai bản nhạc Lưu Danh Trường Phan và Nữ Sinh Trường Đoàn sử dụng trong những lần họp mặt sinh hoạt của thầy trò trường Phan, trường Đoàn khắp nơi trên thế giới.



        22. LÊ VĂN KHOA (1933-.......). Sinh ra đời vào ngày 10 tháng 6 năm 1933 trong một gia đình đạo đức thanh bạch ở Cần Thơ, mẹ mất sớm nhưng cha là một mục sư đầy lòng bác ái tận tụy với thiên chức của mình. Người ta nhìn Lê Văn Khoa qua chân dung nghệ sĩ đa diện và phong phú: Một nhà giáo dục. Một nhiếp ảnh gia. Một tác giả viết sách. Một nhà xuất bản có uy tín. Một người soạn hoà âm. Một người sáng tác nhạc có lời và không lời.  Những bộ môn nghệ thuật kể trên lại có sự tương hợp và hài hoà để tác phẩm của ông bao giờ cũng có những nét sáng tạo biểu tỏ từ tâm hồn phóng khoáng và rộng lớn của một người luôn đi tìm cái tuyệt đối dù rằng hành trình ấy sẽ trải qua nhiều thách thức khó khăn. Là một nhà giáo, GS Lê Văn Khoa thực hiện chương trình Thế Giới của Trẻ Em trên đài truyền hình Việt Nam băng tần số 9 cho đến ngày 30-4-1975 với mục đích để cho trẻ em vừa vui vừa học với những kiến thức bổ túc cho chương trình học ở nhà trường, những bài hát thiếu nhi, một sở trường của nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã làm cho các em thích thú và say mê suốt hơn 10 năm trình chiếu. Là một  người soạn hoà âm, sáng tác nhạc có lời và không lời, có lần ông đã tâm sự “Hồi còn trẻ tôi đã tâm niệm sẽ tiếp tay với với người đi trước để phong phú hoá nhạc Việt. Phong phú hoá bằng cách nào? Không phải bằng những ca khúc phổ thông nữa nhưng mà đưa nó đi xa hơn để có thể hoà vào với dòng nhạc của thế giới”. Là một nhiếp ảnh gia, bắt đầu là một chương trình về nghệ thuật nhiếp ảnh trên đài truyền hình mà ông xuất hiện cùng với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh. Ông thấy hứng thú khi cầm máy để qua ống kính thu lại những hình ảnh của thiên nhiên để cảnh vật chuyên chở được tình ý của con người. Là một trong những người sáng lập ra Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tại Sài Gòn và đến bây giờ ở hải ngoại hội ấy vẫn còn hoạt động đã có nhiều ngàn hội viên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa là người Việt Nam đầu tiên có ảnh được trưng bày tại Quốc Hội Hoa Kỳ và từng là giáo sư dạy môn Nhiếp ảnh tại nhiều trường đại học Hoa Kỳ. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất cùng với các hoạ sĩ Henry Coe, George Founds, James Plum và Robert Tolley được Baltimore Museum of Arts (Maryland) tuyển chọn để tài trợ một cuộc triển lãm lưu động lấy tên là “From The Easter Shore” kéo dài từ 1977 đến 1979. Là một tác giả viết sách, một nhà xuất bản có uy tín. Lê Văn Khoa chủ biên môt loạt sách về giáo dục và dịch thuật của nhà xuất bản Thời Triệu ấn hành. Ông còn dịch thuật và phóng tác một số danh phẩm ngoại quốc nổi tiếng trong mục đích giới thiệu và phổ biến như một phương cách mở rộng những chân trời văn học có thể còn xa lạ với đọc giả Việt Nam thời đó. Biên khảo về âm nhạc, nhiếp ảnh, dịch thuật, viết truyện ngắn với bút pháp lãng mạn tài hoa mà Nguyễn Mạnh Trinh đã nhận định “Một cái nhìn phóng khoáng vượt qua biên giới qua cây cầu nghệ thuật. một con người rất lãng mạn của văn chương có khác với con người lý luận của biên khảo. Tôi thú vị khi tìm ra được một hân dung nghệ thuật Lê Văn Khoa khác”. Và khi viết về cuốn sách xuất bản nhân 80 tuổi,   ông viết “Lê Văn Khoa. Một Người Việt Nam. Một tác phẩm mà tôi nghĩ những ai còn quan tâm đến văn hoá của dân tộc Việt Nam phải đọc. Ở đó, có những bài viết của chính ông, viết là để chia sẻ những kiến thức và những kỷ niệm. Những thành tích lẫy lừng qua cách cống hiến ở những bộ môn giáo dục, truyền hình, âm nhạc, nhiếp ảnh không phải chỉ có danh tiếng ở trong nước, ở Việt Nam hải ngoại mà còn cả ở trên bình diện thế giới...(...). Thêm vào đó, hơn 60 tác giả đã viết về một chân dung lẫy lừng của nghệ thuật Việt Nam vói những nhận định trung thực và những lời khen tặng làm độc giả cảm nhận và hiểu biết nhiều hơn về một chân dung nghệ thuật mà sự sáng tạo cũng như biểu hiện trí tuệ khiến chúng ta khâm phục”. (14)..



      Cần Thơ vẫn còn có nhiều nhân vật tiếng tăm góp phần làm nên độ dầy lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt, nhưng do điều kiện và hoàn cảnh không cho phép, nên nhóm biên soạn không thể liệt kê ở đây được. Nếu có được đủ chi tiết cần thiết, chúng tôi sẽ bổ sung phần nầy.

         Tuy nhiên, theo tác giả Phan Thông Hảo (xem chú thích 15) kể ở phần “công tư chức và thân hào nhân sĩ địa phương”, chúng tôi xin lược trích giới thiệu thêm để chúng ta có thể hình dung được CON NGƯỜI CẦN THƠ: về hành chánh, có Ông Huyện Nở, ông Phán Thiện, ông Phan Trung Hàm, ông Lưu Văn Rùm, ông Ký Lục, Ông Cai tổng Nguyễn Văn Quyền, ông Cai tổng Nguyễn Kế Thế; về y tế, ngoài Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc đã kể, còn BS Diêu, BS Hành, BS Nguyễn Như Giu, BS Phòng, BS Kinh, BS Leuret, BS Thuấn, BS Lê Văn Trương, BS Lê Văn Khoa, DS Khương Bình Tịnh, DS Bùi Văn Sách, DS Mã Thi Chu. Bên Đông Y có phòng thuốc nam miễn phí kế bên chùa Tịnh Độ Cư Sĩ. Hai vị lương y hành nghề tại nhà thầy Bảy Châu (gần rạp Huỳnh Lạc), thầy Khải Trí.. Một số nhân sĩ có tên tuổi một thời mà bây giờ nói ra những người lớn tuổi còn nhớ như ông bác vật Chà (điện lực), bác vật Thảo, Kỹ sư Báu, bác vật Hoà, ông Phán Ngà, BS Thú y Trần Văn Hiển, Bác vật Xướng v.v… Đặc biệt, Đông Y Học Viện của thầy Nguyễn Văn Xứng (đường Minh Mạng) - thân phụ của Hoạ sĩ Nguyẽn Đồng -  hoạt động rất hữu hiệu…



III. TẠM KẾT

         Chúng tôi, ba người đồng hương Cần Thơ cũng là ba đồng môn trường Phan Thanh Giản Cần Thơ dù sinh ra tại ba nơi khác nhau, nhưng đều là làng quê nghèo xa thành phố: một trong rạch Bà Vèn thuộc xã Thường Thạnh Đông (Cái Răng), một trong rạch Mái Giầm thuộc xã Phú Hữu, một ở tận Trường Long (Phong Điền), nhưng có duyên may là dù thời điểm khác nhau nhưng cùng được thi đậu vào học trường trung học Phan Thanh Giản, một trường lớn nhứt của tỉnh. Khi rời trường và sau đó bước ra xã hội cũng đã có duyên may sống với Cần Thơ nhiều năm, mãi đến khi miền Nam sụp đổ. Có thể nói Cần Thơ - miền quê hương đã đậm sâu dấu ấn trong từng sớ thịt mình. Chúng tôi thương mến Cần Thơ, nhớ nhiều về Cần Thơ và… khi định cư ở Hoa Kỳ nầy, chúng tôi lại có duyên may gặp nhau qua sinh hoạt đại gia đình trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ suốt nhiều năm qua, kể từ đầu năm 1996 đến nay. Chúng tôi luôn luôn trăn trở, suy tư với lòng nhớ thương quê hương xứ sở của một kẻ lưu lạc phương xa. Những điều chúng tôi nghĩ ra, nhớ lại viết ra, hoặc tham khảo tài liệu viết ra… nhưng chưa thể xem là hoàn hảo, cần phải có sự góp ý, điều chỉnh, sửa chữa bổ sung. Nói như vậy cũng mong tất cả quý vị cảm thông và chia sẻ niềm vui nỗi buồn của bài hợp soạn nầy nếu phát hiện có điều gì chưa đúng, chưa thoả đáng.

         Trân trọng kính tặng tất cả quý vị đã quan tâm theo dõi phần trình bày của chúng tôi và chịu khó lắng nghe, đọc thêm những bài viết trong các phụ lục, về những hình ảnh minh hoạ của GS Lê Văn Khoa về Cần Thơ - Đất nước – Con người; kính tặng tất cả đồng hương Cần Thơ, đồng môn hai trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm thương kính nhất của chúng tôi.



Xin kính chào quý vị



NGUYỄN CÔNG DANH

NGUYỄN TRUNG QUÂN

LÊ HOÀNG VIỆN

(đồng biên soạn)

       



THAM KHẢO:

           Để biên soạn tài liệu này, chúng tôi đã tham khảo hoặc lược trích một số đoạn, câu chữ trong các sách và bài viết liệt kê dưới đây. Chân thành xin phép và cảm ơn tác giả:

         (1). CẦN THƠ XƯA VÀ NAY (viết tắt CTXVN), Huỳnh Minh, NXB Cánh Bằng SG 1966.

         (2) QUÊ HƯƠNG XA MÃI NGÚT NGÀN (viết tắt QHXMNN), Lê Cần Thơ, tác giả tự xb tại Hoa Kỳ 2000.

         (3)  trích tư liệu BÁO ĐIỆN TỬ CẦN THƠ (Số liệu kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ & tỉnh Hậu Giang – UBND tỉnh Cần Thơ).       

         (4) trích tư liệu BÁO ĐIỆN TỬ CẦN THƠ (tham khảo từ số liệu kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Địa chí Cần Thơ. Niên giám tỉnh Cần Thơ năm 2001-2002. Niên giám thống kê tỉnh Cần Thơ năm 2002.

         (4a, 4b, 4c) trích sách hướng dẫn du lịch THAM QUAN CẦN THƠ QUA TRANH (Sở Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch TP. Cần Thơ xb theo QĐ xb số 880bqđ-Tre ngày 14-12-2010).

         (5), (5a).Nhân vật Nguyễn Bảo Toàn của Trần Đông Phong (mời đọc bài nầy ngay trong số giai phẩm Xuân Cần Thơ 2005)

         (6). Lê Hữu Uy – Làng Nhơn Ái Hai Trăm Năm Khai Khẩn” – Bút Tre Magazine, Phoenix AZ xuất bản tháng 11-2002 và tái bản tháng 9-2004)

         (7). Tạp chí MIỀN TÂY THĂNG HOA - tuyển tập sinh hoạt văn học nghệ thuật - số 2 - giấy phép số 258/74 PTUDV/KSALP/TP ngày 18 tháng 01-1974, nhà in Tri Tân Cần Thơ. Bài “Nguyễn Thần Hiến quyên sinh trong khám Hà Nội đúng vào ngày mùng 1 Tết Giáp dần 1914” của Nguyễn Bá Thế.

         (8) Tham khảo TỰ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM của Nguyễn Quyết Tháng - Nguyễn Bá Thế (nxb Văn Hoá tái bản lần thứ tư 1997).

          (9) Tạp chí THẾ KỶ 21, số 170 tháng 6/2003, số đặc biệt về Hồ Hữu Tường.

         (10) NHỮNG BẠN VĂN NGHỆ NGANG QUA ĐỜI TÔI, tập tâm bút của Lê Cần Thơ, Bản Thảo Lưu Lại xb 2010, trích bài “Nhà sưu khảo văn học NGUYỄN BÁ THẾ, con người suốt đời lo gìn vàng giữ ngọc”.

         (11) Tham khảo bài  BÁC SĨ NGUYỄN VĂN NGỌC (mục Nhơn Vật Cần Thơ) của GS Nguyễn Trung Quân, in trong đặc san số 8 Trung Học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, kỷ niệm đại hội lần thứ VII năm 2003 tại Seattle Washington Hoa Kỳ.

        (12). Tham khảo bài “Vĩnh biệt đồng môn LÊ XUYÊN” của Châu Lê, in trên đặc san 2004 cựu học sinh PTG & ĐTĐ Cần Thơ tại Úc Châu, phát hành tại Perth WA và trên trang web: www.ptgdtd.com.

         (13). Tham khảo bài “Những Nhà Giàu Tiếng Tăm Ở Cần Thơ Xưa” của Phương Huy (Cần Thơ) in trong Giai Phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012 chủ đề “Cần Thơ Đất Nước Con Ngưòi do hội ái hữu và đồng Hương Cần Thơ tại Houston Texas Hoa Kỳ xuất bản.

        (14). Theo tạp ghi văn nghệ “Lê Văn Khoa. Một Người Việt Nam” của Nguyện Mạnh Trinh – in trong tuần báo Việt Tide phát hành ngày thứ sáu, số ra ngày 22 tháng 11 năm 2013 

         (15). Theo tác giả  Charles PHAN THÔNG – PHAN THÔNG HẢO trong bài Cần Thơ xưa & Collège Phan Thanh Giản thân yêu của tôi” in trong đặc san số 9 phát hành tại đại hội PTG & ĐTĐ Cần Thơ lần thứ VIII, tháng 9 năm 2004 tại Phoenix Arizona.





TÓM TẮT VỀ CÁC SOẠN GIẢ



1.

NGUYỄN CÔNG DANH, sanh năm 1946 tại làng Thường Thạnh Đông, quận Cái Răng, tỉnh Phong Dinh. Học Tiểu học Bà Vèn (1954-1959), trung học Phan Thanh Giản (1959-1965), đại học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Sàigòn, ban Anh văn (1965-1970). Dạy học tại Trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc, Cao Đẳng Sư Phạm Long xuyên. Viết văn, làm thơ ký bút hiệu Nguyễn Cát Đông, Trần Bang Thạch.... Định cư tại Houston, Texas từ năm 1980 đến nay.



2.

NGUYỄN TRUNG QUÂN, sanh ngày 3 tháng 10  năm 1937 tại làng Phú Hữu, tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Tòng học tại trường Sơ cấp và Tiểu học Phú Hữu và tỉnh lỵ Cần Thơ. Cựu học sinh các trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ và Petrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn. Cựu sinh viên Ban Việt Hán, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1962. Cựu Giáo sư, Giám học, Hiệu trưởng  Trung học Phan Thanh Giản từ năm 1962 đến 1970. Giảng viên Đại học Sư Phạm Cần Thơ. Cựu chuyên viên về trường Trung học Tổng hợp tại Bộ Văn Hoá từ 1970 đến 1971.

Cựu Hiệu trưởng Trường Trung học Tổng hợp Nguyễn An Ninh Sài Gòn 1971 đến tháng 5/1975.

Nguyên hội viên Trưởng Ban Thanh Thiếu Niên Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục VNCH.

Thuyền nhân cuối năm 1978, định cư tại Orange Ounty, California, Hoa Kỳ từ tháng 7-1979, làm việc tại Sở Xã HộI Quận Cam từ  năm 1980 cho đến khi về hưu cuối năm 2002.

Cộng tác các Giải Khuyến Học, các Trung Tâm Việt Ngữ, các khoá Tu Nghiệp Sư Phạm từ đầu thập niên 1980 đến nay.



3.

LÊ HOÀNG VIỆN, sanh năm 1948 tại Trường Long, quận Ô Môn, tỉnh Phong Dinh. Học tiểu học tại trường làng, nam tiểu học Sa Đéc và trường tiểu học Phong Điền; trung học Phan Thanh Giản (1960-1968). Tổng động viên vào trường Bộ binh Thủ Đức khóa 5/68. Phục vụ tại địa bàn thuộc tiểu khu Phong Dinh từ tháng 1/1969 đến 30-4-1975. Đi cải tạo và được cho về cuối năm 1980. Định cư tại Houston TX Hoa Kỳ theo diện HO từ tháng 6/1993 đến nay.

Làm thơ, viết văn ký nhiều bút hiệu khác nhau: Lê Cần Thơ, Huyền Vân Thanh, Viễn Duy, Song Lê, Hoàng Lê, Châu Lê, Người Đồng Bằng, Uyên Thảo, Thương Phượng v.v… Chủ bút tạp chí Văn Hoá Việt Nam xuất bản tại Houston từ mùa Hè 1998.

Đã in: Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn (bút ký - 2000), Vùng Xanh Kỷ Niệm (thơ in chung với Kiều Diễm Phượng - Về Nguồn 1971), Bên Bờ Sông Hậu (thơ in chung nhiều tác giả), Áo Cưới Màu Da Trời (tập truyện nhiều tác giả), Câu Chuyện Không Cần Đoạn Kết (tập truyện 8 tác giả), Văn Hoá Sông Nước Cần Thơ (nhiều tác giả 2009), Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm, Trường Xưa Trong Trí Nhớ (bút ký nhiều người viết, tập I – 2002). Những Chặng Đường Thơ (thơ - bản thảo lưu lại 2007), Trôi Ngang Phận Mình (tập truyện- bản thảo lưu lại 2009), Những Bạn Văn Nghệ Ngang Qua Đời Tôi (tâm bút- bản thảo lưu lại 2010), Những Trang Viết Tản Mạn Quanh Đời Tôi (bút ký - bản thảo lưu lại 2012). Nối Sợi Dây Dài & Cát Bụi Thoảng Qua (truyện ký & truyện vừạ - bản thảo lưu lại 2012.,

Chưa in: Đường Nét Quê Hương (thơ), Hơi Thở Đồng Bằng (thơ), Khi Mẹ Dắt Qua Cầu (truyện viết cho thiếu nhi), Những Chùm Hoa Duyên Dáng (truyện viết cho thiếu nhi),  Hương Yêu (truyện dài phóng tác)











š