Qua bài diển đọc của Kim Oanh, mời quý anh chị thưởng thức phần đọc truyện của chị Nguyễn Thị Hải Hà về một chuyện vượt biên như hàng triệu truyện vượt biên bằng đường biển.
Đó là câu chuyện đáng nhớ để luôn nhớ mình từ đâu đến bến bờ tự do và làm sao để còn sống sót đến ngày hôm nay.
Sau khi nhớ lại quá khứ thì cần phải quên để đi tới và giúp đỡ lại những đất nước đã cưu mang những người tỵ nạn như chúng ta ngày xưa đó như trong câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hải Hà.
Cám ơn tác giả và toàn ban đọc truỵên.
Caroline Thanh Hương
Nghe đọc truỵên Mở Nắp Hầm, tác giả Nguyễn Thị Hải Hà.
Tom Bachtell, The New Yorker
Nguyễn Thị Hải
Hà
MỞ NẮP HẦM
hồi ký vượt
biên
Tôi đang say
sóng, mửa đến mật xanh mật vàng. Nửa nằm nửa bò, úp mặt trên nền ghe, tay tôi nắm
chặt lấy bao ni lông chứa toàn nước. Mấy ngày nay bị tôi chẳng ăn gì vì ói mửa
dữ dội. Có tiếng người trên boong ghe reo mừng.
- Giàn
khoan! Giàn khoan! Tới giàn khoan bà con ơi!
Một người
nào đó trong khoang thuyền kêu lên, giọng đàn ông.
- Mở nắp hầm
cho không khí vô một chút đi mấy ông. Ngộp thở muốn chết luôn!
Nắp hầm mở
ra. Ánh sáng lùa vào, chói chang. Tôi vẫn nằm mẹp, bất động trên sàn ghe, ánh
sáng soi qua nắp cửa hầm thành một vệt sáng hình thang, dài và hẹp. Một vài người
còn khỏe và hiếu kỳ đặt bước chân len lỏi giữa những thân thể say sóng, rã rời
như sắp chết.
Một người
đàn ông khác nói:
- Coi xong
chưa? Tránh qua cho tui dòm chút coi.
Ghe cặp vào
giàn khoan tiếp tục nhồi dập chập chờn theo sóng. Không biết bao lâu, mười lăm
hay ba mươi phút, hay lâu hơn, qua những câu nói chuyện tiếng Anh xen tiếng Việt,
tôi nghe nói:
- Họ không
chịu vớt mình. Họ cho nước, nhưng nước mình còn nhiều lắm, đầy trong khoang gần
mũi ghe. Họ cho sữa, thức ăn. Cho thì lấy chứ thức ăn trên ghe còn nhiều lắm. Họ
chỉ đường mình đi tiếp. Đi theo hướng này, với gió này chừng nửa ngày là tới Mã
Lai. Mình cách bờ chỉ có tám mươi lăm hải lý thôi.
Những người
nói chuyện, qua những lời họ nói tôi biết có một người là tài công, hai vợ chồng
chủ ghe, một người biết nói tiếng Anh làm thông dịch viên, một người là lính hải
quân biết đọc la bàn. Anh tài công có bà con với chủ ghe, đi sông mua bán nhiều
năm với hai vợ chồng chủ ghe. Hai vợ chồng chủ ghe là dân buôn bán ở Mỹ Tho. Họ
tự đóng tàu đã cho hai con trai đi đợt trước tới một đảo của Mã Lai an toàn đã
đánh điện về. Đợt này họ rủ vợ chồng Út Mười, bán chợ trời bên cạnh sạp của chị
tôi. Chị tôi cho tôi, cùng với con trai và vợ chồng con gái của chị đi chuyến
này. Út Mười cũng gửi ba đứa cháu đi cùng. Mấy chuyện này về sau nói chuyện với
nhau mới biết, chứ lúc ấy tôi chẳng biết ai. Sơn, cháu rể, và Vinh, cháu ruột gọi
tôi bằng dì ngồi đâu đó ở một chỗ khác trong khoang thuyền tối om. Tôi vì ói mửa
dữ dội nên bò ra chỗ khác ngồi một mình tránh làm phiền người khác.
Ghe lại lên
đường. Tôi nghĩ thầm. Thế là thoát rồi, và tuyệt đường về. Mừng, nhưng tôi có
chút thất vọng. Vậy thôi à? Vậy mà người ta nói đi gặp hải tặc tùm lum làm chưa
đi mà đã sợ thấy mồ tổ. Toàn là chuyện không nói có. Máy tàu nổ phăm phăm dòn
tan. Mũi ghe chập chùng lướt sóng. Được một lúc lâu có người la lên.
- Có chiếc
tàu nào ở đằng xa kìa.
- Chết mẹ rồi.
Tàu hải tặc
đó!
- Giờ làm
sao?
- Tài! Mở
máy chạy hết tốc lực đi. Ông chủ tàu bảo với anh tài công.
Tôi sợ hết hồn.
Ngực tôi đánh thình thịch. Trong cơn sợ hãi tôi nhận ra mình hết ói mửa.
- Liệu tụi
nó có bắt kịp mình hôn?
- Không biết.
Tàu nó lớn, máy mạnh quá, mình chỉ cách bờ có ba trăm hải lý. Nếu mình vào hải
phận của Mã Lai chắc nó không dám cướp ghe mình.
Chạy một đỗi
nữa, giọng nói có phần trấn an.
- Máy mình tốt
chắc nó không rượt kịp đâu. Ghe giật mạnh, như một người bị bóp cổ nghẹt thở
dãy dụa, rồi tắt máy. Chiếc ghe tiếp tục lướt rồi ngừng chòng chành.
- Chết mẹ!
Máy ngừng rồi! Không biết bị gì đây.
Anh tài công
gác chiếc máy đuôi tôm, nói, máy bị đóng rong biển hay rác gì đó nên không chạy.
- Lắp cái
máy nhỏ vào chạy tiếp. Biểu đứa nào đó gỡ rác đóng cái máy lớn đi.
Máy nhỏ chạy
chậm quá. Giọng anh tài công thiểu não.
- Tụi nó bắt
kịp mình rồi.
*****
Trong khoang
ghe không khí bắt đầu hoảng loạn. Bà chủ ghe chui xuống khoang thuyền nói với
cô con dâu.
- Còn lấy dầu
nhớt thoa lên mặt lên tóc cho dơ đi.
Một bà hành
khách móc trong hành lý ra một cái chai nhỏ. Bà lôi thêm ra mấy tấm băng vệ
sinh, nhấp nhấp miệng chai vào miếng băng vệ sinh, ứa ra một chất lỏng sền sệt
nâu nâu như máu khô. Bà bảo mấy cô gái con cháu của bà nhét vào trong quần, giả
bộ như có tháng. Tôi rụt rè xin:
- Chị cho em
xin một miếng được không?
Bà xẵng giọng:
- Sao đi mà
không mang theo đồ cho mình? Hồi nãy sao không hỏi đợi người ta cất rồi mới
nói.
Nói vậy
nhưng bà cũng cho tôi miếng băng tẩm chút nước nâu nâu đỏ.
*****
- Mẹ nó! Nó
đâm thẳng vô ghe mình. Chắc chìm ghe quá.
Chiếc ghe chạy
chậm hẵn từ khi thay bằng cái máy nhỏ. Trong khoang tôi có cảm tưởng chiếc ghe
chuyển hướng quẹo hẵn qua một bên. Va chạm mạnh bên mạn ghe, chiếc ghe chòng
chành dữ dội. Có tiếng quát tháo, chạy sầm sập trên mui ghe. Cả khoang ghe hỗn
loạn. Phụ nữ kêu rú. Trẻ em khóc ngằn ngặt. Tôi nghe có tiếng hỗn loạn trên
ghe. Bà chủ ghe khóc nức nở. Nó chém thằng Tài chết rồi. Máu chảy lênh láng
kia. Tiếng đàn ông quát tháo bằng ngôn ngữ ngoại quốc. Nắp đậy khoang ghe mở
tung. Thằng hải tặc ló đầu nhìn qua cửa khoang. Ánh sáng không còn lóe như lúc
trưa, có lẽ chiều xuống rồi. Hắn khoa mã tấu chung quanh khoang ghe để thị uy.
Hắn bước xuống thang, nói bằng tiếng Anh, một tay chỉ lên mui ghe:
- Up! Up!
(Đi lên! Đi lên).
Từng người
leo lên thang. Đàn ông leo lên trước, đưa tay kéo vợ con lên. Mọi người trong
cơn sợ hãi riu ríu tuân lệnh ùn đẩy nhau lên trên. Chỉ còn một mình tôi sót lại
dưới hầm ghe. Tôi nghĩ: Phen này chắc chết. Nó làm thịt mình trước nhất.
*****
Thằng hải tặc
rất trẻ. Độ hai mươi là cùng. Nó rất lớn con. Không phải vai u thịt bắp sáu múi
ở bụng mà lớn xương, to và béo. Bắp tay nó rung rúc mỡ chứ không rắn chắc nhưng
nó to lớn hơn đám đàn ông trên ghe rất nhiều. Tóc quăn xù, tóc đen, da ngăm. Mặt
nó, trên má và trên trán, vẽ những gạch thẳng bằng sơn trắng và than đen. Cây
mã tấu vẫn còn vết máu đỏ. Bây giờ hồi tưởng lại tôi không nhớ vì sao tôi là
người cuối cùng còn sót lại trong khoang ghe. Có lẽ tôi không biết chen lấn.
Cháu rễ của tôi khá cao lớn nhưng đã lên trước không đỡ tôi theo. Tôi không nhớ
là có thang để leo lên hay không. Nếu có thì thang bằng gỗ hay thang sắt? Và bậc
thang chót cách sàn ghe bao xa? Có lẽ tôi lùn quá, hay yếu quá vì ói mửa liên
tiếp mấy ngày, mà không leo thang lên được.
Ló đầu ra khỏi
khoang ghe tôi thấy ngay xác anh tài công. Anh mặc áo trắng vải phin mỏng dính
máu lấm tấm trên lưng. Máu của anh nhỏ giọt xuống khoang ghe gần mắt cá của
tôi. Mùi máu tanh nồng xộc vào mũi tôi theo chiều gió biển. Anh nằm sấp, máu đỏ
tươi chảy đâu đó từ phía dưới người anh, thành một vũng lớn gần cổ anh. Người
đàn bà nào đó nói thì thào. Tội nghiệp quá chắc chết rồi. Tài, không biết là
tên thật hay người ta gọi tắt từ chữ tài công, nằm bất động. Gió thổi khoảng áo
trên lưng anh phập phồng. Ghe tôi cặp sát vào tàu hải tặc. Giữa hai tàu có mấy
cái vỏ bánh xe để tránh va chạm giữa hai thành tàu và ghe. Người đàn ông nào đó
nói thì thào. May là anh tài nhanh trí quẹo cái ghe của mình thành ra khi nó chạm
ghe mình nó chạm bằng cái thành chứ nếu không với cái mũi sắt của tào nó chắc
cái ghe này bị cắt ngọt thành hai khúc.
Bọn hải tặc
lùa tất cả chúng tôi qua tàu của chúng. Tàu sắt, cao hơn. Chúng tôi phải leo
thang mới lên boong tàu của hải tặc được. Khi tất cả chúng tôi đã sang tàu hải
tặc, chúng kéo chiếc ghe của chúng tôi và chở chúng tôi trở ra ngoài khơi. Tất
cả bảy mươi tám người bị bắt ngồi xuống sàn tàu, hai tay đặt lên đầu. Tôi không
nhớ bọn chúng có mấy người, chỉ biết mặt mũi đứa nào cũng tô vẽ hai màu đen trắng.
Thủ lãnh của đám hải tặc là một người đàn ông, tuổi trạc năm mươi, người gầy nhỏ
hơn đám thủy thủ. Hắn ta quấn xà rông nửa người, mặc áo thun trắng. Tóc hắn đã
thưa, làm trán có vẻ cao hơn. Miệng có răng vàng, tay cầm điếu thuốc, tôi thấy
hắn giống chú hai Miên, người gốc Tàu sống ở vùng biên giới Cam bốt nên biết
nói tiếng Miên, ở cạnh nhà tôi. Phía sau hắn có bàn thờ Phật khói nhang bốc lên
tưng bừng. Hắn nói cái gì đó với đám thủy thủ. Đám thủy thủ vừa nói vừa ra dấu.
Một ông có vẻ là lãnh đạo trên ghe của tôi “thông dịch” lại cho chúng tôi nghe.
Có người trong đoàn vượt biên nói gã thủ lãnh hải tặc nói tiếng Tàu. Đám thủy
thủ cũng nói được một hai chữ tiếng Anh, tiếng bồi.
- Ai có vàng
bạc nữ trang gì phải nộp lên. Bỏ vào cái hộp trước mặt ông chủ ghe của hải tặc.
Trước khi đi
vượt biển, chúng tôi được dặn trước là giả bộ đi đám cưới. Mọi người ăn mặc đẹp
đẽ và đeo nữ trang. Trong lúc quýnh quáng ở dưới khoang thuyền tôi cố nghĩ cách
để giấu cái nhẫn kim cương nhỏ tôi đeo quay mặt nhẫn vào bên trong, để giả vờ
mình là người có chồng, nhưng không nghĩ ra. Bây giờ tôi bấn loạn không biết giấu
nhẫn vào đâu. Túng thế, tôi nhét chiếc nhẫn vào tay áo sơ mi xắn lên đến cùi chỏ.
Chúng tôi bị bắt ngồi hàng ngang thành nhiều hàng. Lần lượt từng người đứng
lên, cởi áo, tụt quần xuống để bọn hải tặc khám xét xem có dấu vàng bạc trong
người hay không. Mấy tấm băng vệ sinh nâu nâu nằm rơi lăn lóc trên sàn tàu hải
tặc. Một tên hải tặc đến gần tôi, bảo tôi đưa tay ra cho hắn xem. Hắn bảo tôi
thả tay áo xuống, chiếc nhẫn rơi ra, hắn tát tôi một cái thật mạnh. Mặt tôi rát
rạt. Tai tôi ù đi. Từ đó về sau, một bên tai của tôi nghe không rõ. Tôi nhớ lúc
leo lên tàu hải tặc, bà chủ ghe dặn tùy tùng. Đừng có ai nhìn về chiếc ghe nghe
chưa. Sợ nó nghĩ là mình dấu vàng trên ghe nó bửa ghe ra tan nát.
Bà chủ ghe bảo
cô con dâu:
- Con ngồi đằng
sau má, núp mặt trong lưng má, mầy trắng trẻo có da có thịt mơn mởn đừng để tụi
nó thấy.
Cô con dâu
ngồi núp sau lưng má chồng. Cái tàu phải lớn lắm vì gần tám chục người ngồi chồm
hổm trên sàn tàu mà vẫn thấy rộng. Trên tàu rất nhiều dụng cụ máy móc. Dây xích
sắt có lẽ để quay lưới bằng ròng rọc có máy. Mùi cá tanh xộc vào mũi tôi làm
tôi lợm giọng muốn ói nữa. Tôi đoán tụi hải tặc này không cần sức người nhiều
vì tất cả mọi công việc đánh cá đều có máy hỗ trợ. Đây là một trong những chiếc
tàu đánh cá xa bờ và chuyến đi đánh ca dài ngày. Trên tàu có cái boong lớn có lẽ
là nơi ngủ nghỉ của thủy thủ đoàn. Một gã hải tặc chỉ mặt một số phụ nữ bảo đi
vào bên trong boong, giống như một hay hai tầng lầu trên tàu. Họ riu ríu tuân
theo. Đám đàn ông vẫn ngoan ngoãn ngồi im, hai tay để trên đầu. Không biết họ
đi lâu hay mau. Thời gian tôi ngồi trên sàn tàu hải tặc như ngưng lại. Tôi
không nhớ tôi có sợ hãi không, và nếu có thì sợ hãi đến mức độ nào. Bây giờ tôi
chỉ nhớ cái cảm giác tê điếng, ù đặc, không thể suy nghĩ hay tính toán gì. Tôi
cũng như những người chung quanh bảo làm gì làm nấy như một thứ hình nộm biết cử
động. Sự sống hay cái chết của một cá nhân đều nằm ngoài khả năng tự bảo vệ.
Tôi ngồi trên sàn tàu nóng hổi vì nắng biển trong ngày. Chiều dần buông, thoáng
ở cuối chân trời vài cánh chim bay trong bầu trời đỏ như gạch.
Khi những
người phụ nữ trở lại họ dẫn theo một đám người, có phụ nữ nhưng đa số là đàn
ông. Tôi nhìn những người phụ nữ, thấy họ không có vẻ gì khác lạ, quần áo vẫn
ngay thẳng, họ không có vẻ bấn loạn hay đau đớn gì cả. Số người này nhập chung
với bọn tôi. Đám thủy thủ trên tàu mang ra cơm trắng phát cho chúng tôi mỗi người
một chén, không muỗng đũa gì cả. Tôi không nhớ có thức ăn hay không, tuy nhiên
chén cơm nóng làm tôi thấy khỏe hơn lúc bị bắt lên tàu. Sau khi ăn xong tất cả
mọi người đều bị lùa trở lại ghe của tôi. Nói cho rõ, ghe của tôi đi chứ tôi
không phải là chủ ghe.
Khi bọn hải
tặc lên ghe tôi, điều đầu tiên là nó phá hỏng cả hai cái máy đuôi tôm. Biết là
ghe không máy mà chúng vẫn lùa tất cả mọi người trở lại. Đến bây giờ, tôi vẫn tự
hỏi mình, có thể xem hành động của bọn hải tặc vẫn có chút nhân đạo hay không?
Chúng cướp, đánh chúng tôi, nhưng lại bố thí cho mỗi người một chén cơm nóng.
Chúng không thẳng tay chém hay bắt từng người chúng tôi nhảy xuống biển thì quả
là có lòng nhân đạo đấy chứ. Nhưng chúng nó thả chúng tôi trở lại chiếc ghe đã
bị chúng phá hủy máy, tức là giết chúng tôi một cách gián tiếp thì nhân đạo nỗi
gì?
Chuyến ghe
tôi đi vừa đủ chỗ cho bảy mươi chín người, có thể nằm ngủ nếu co chân lại và nằm
sát vào nhau. Sau đó thêm hai mươi hai người bị nhốt sẵn trên tàu hải tặc nên
không còn chỗ để duỗi chân nữa. Hai mươi hai người đến sau là một ghe đánh cá,
bắt đầu từ đảo Phú Quý ngoài khơi Phan Thiết. Có lẽ hai mươi hai người này có
chút ít tiền bạc nhưng không nhiều. Khi bắt được hai mươi hai người này bọn hải
tặc ngay lập tức đánh đắm tàu của đoàn người đánh cá này. Có lẽ vì không muốn
trực tiếp giết người nên bọn hải tặc không đánh đắm ghe tôi để có thể lùa tất cả
mọi người vào chung một chiếc ghe. Có người trong đoàn vượt biên hỏi khơi khơi,
liệu chúng ta có thể van xin tụi nó chở mình vào đất liền hay không. Có người
nói thôi thà mình xuống ghe mình chứ ở tàu nó có lúc nó nổi xung bắt liệng mình
xuống biển thì càng mau chết hơn. Tôi chẳng biết cái nào thì đỡ xấu tệ hơn, chết
lần mòn vì đói khát trên tàu, hay bị bão chìm, hay bị hải tặc chém và ném xuống
biển. Hiếp dâm dù có xảy ra cũng không đến nỗi làm chúng tôi lo lắng hơn khi phải
đối diện với cái chết.
Một trăm lẻ
một người chúng tôi bắt đầu lênh đênh trên biển. Không, một trăm người và thân
thể của người tài công trẻ vẫn nằm trên vũng máu trên ghe.
*****
Đêm đầu tiên
trên biển, ghe tôi gặp bão. Có lẽ sóng lớn lắm vì tôi có cảm tưởng ghe tôi bị
tung bổng lên không trung và phải rất lâu mới rơi trở lại mặt biển. Chấn động từ
sóng biển lên ván ghe lan truyền lên lưng tôi đến tưng tức trong ngực. Trong
khoang ghe tối mịt, tất cả đều nằm im không dám cựa quậy sợ ghe bị mất thăng bằng.
Tôi có cảm tưởng tôi là một con bọ nằm trong một cái hộp diêm bị ném xuống một
đoạn sông nước chảy mạnh nào đó. Chiếc ghe cũng như cái hộp diêm có thể chìm bất
cứ lúc nào. Và tôi sẽ chết ngộp trong ghe vì dù có biết bơi cũng khó mà thoát
ra khỏi cái hộp. Cơn bão đầu tiên kéo dài như vô tận. Dưới lưng tôi chai trét
ghe chưa khô hẳn, nước rịn vào theo một chỗ hở nào đó ướt cả lưng và mông tôi.
Tôi lầm thầm cầu nguyện bất cứ thổ địa thánh thần Phật Chúa lung tung. Tôi cầu
được sống sót sẽ làm lành lánh dữ, nguyện làm một con người gương mẫu đạo đức.
Sau khi bão tan, tôi nghe anh tài công khoe với chủ, nhờ có tui biết gối thuyền
theo sống, chứ không có kinh nghiệm mũi ghe bổ thẳng vào sóng là chỉ có từ chìm
ghe đến chết. Bây giờ anh tài công nằm xuống rồi ai sẽ lèo lái chiếc ghe chống bão
đây?
Chúng tôi xuống
ghe, tránh dẫm lên anh Tài. Có người thu dọn chỗ máu trên mui ghe và trong
khoang ghe. Có người đàn bà nào đó khóc nức nở. Chỉ có chết thôi chứ làm sao mà
sống nổi trên chiếc ghe không máy này.
Từ lúc ở
trên tàu hải tặc, tôi hết say sóng. Tôi khỏe hơn những ngày đầu mới xuống ghe.
Tôi từ chối không chịu xuống khoang thuyền. Tôi ngồi trên mui cứ mỗi lần có người
mở nắp khoang thuyền, mùi người ta, hơi thở, mùi ói mửa, cứt đái, thán khí từ
con người làm tôi lợm mửa. Tôi biết tốt hơn hết là ngồi trên mui ghe, cẩn thận
để đừng bị sóng đánh văng xuống biển. Trước khi bị cướp trên ghe còn nhiều thức
ăn. Trong cái bị cói chị tôi đã gửi xuống ghe trước khi tôi và hai đứa cháu xuống
ghe có me cam thảo và nhiều thứ thức ăn khác nhưng chẳng ai ăn nổi. Sau khi
chúng tôi lên tàu, bọn hải tặc lục tung tóe các kiện hành lý để tìm tiền bạc nữ
trang nên không còn ai biết đồ đạc của người nào ở đâu. Đêm đó mưa to, gió mạnh
nhưng không đến mức có thể gọi là bão. Tôi lẻn trốn vào cabin của chủ thuyền.
Trong khi họ ngủ tôi ngồi ghé bên ngoài trốn mưa. Lúc trưa tôi xin thuốc của
người ta giả vờ có kinh, nhưng bây giờ thì quả thật là có tháng, máu chảy nhớp
nhúa trong quần tôi. Cái cảm giác bẩn thỉu ướt át mà không có gì để tắm rửa làm
sạch khiến tôi khó chịu hơn.
Bà chủ ghe
đuổi tôi ra khỏi cabin.
- Đàn bà con
gái không được lên cabin chỗ thờ phượng. Đi chỗ khác đi.
May là bà ta
chưa biết là tôi đang có tháng. Một cậu bé chừng mười lăm tuổi đi một mình cũng
lẻn núp vào cabin, đang lặng lẽ khóc vì sợ chết. Tôi cũng sợ chết nhưng không
khóc vì tôi nghĩ rằng rất may là tôi không để lại sau lưng con dại. Tôi có mẹ
già, nhưng ở lại tôi là gánh nặng của gia đình. Tỉ như tôi có chết thì mẹ tôi vẫn
còn chị tôi.
Hết mưa tôi
rời cabin trở lại mui ghe. Ngay ở dưới chỗ ca bin có một mái hiên ngắn nhô ra.
Dưới mái hiên đó có người nào đó đã ngồi hay nằm trùm mền. Gió khá lạnh nhưng
tôi vẫn không muốn xuống khoang thuyền. Thuyền trôi bập bềnh giữa biển tối om.
Bên trên là bầu trời sao như úp chụp xuống tôi. Tôi nằm khoanh lại như một con
chó nhỏ và có lẽ tôi ngủ thiếp đi.
Đang ngủ tôi
chợt nghe có tiếng cười khúc khích. Định thần nhìn kỹ tôi nghe tiếng cười xuất
phát từ chỗ cái mền dưới hiên của cabin.
- Xích vô
đây tui ôm dùm cho ấm. Giọng nữ.
- Hừ hừ. Có
tiếng rên khẽ. Giọng nam.
- Hồi chiều
tui tưởng anh chết rồi chớ.
- Nó chém
trúng đầu tui nhưng chỉ phớt ngoài da. Máu chảy nhiều tui sợ nó chém nữa nên giả
bộ chết.
Thì ra đây
là anh tài công của ghe tôi. Còn cái giọng nữ này chắc là giọng của cô gái chủ
ghe đi từ đảo Phú Quý. Thấy anh không chết là mừng rồi.
- Hôm qua đến
chừ anh chưa ăn gì, có đói không? Mất máu nhiều có mệt không? Trông cho mau
sáng tui kiếm cái gì cho anh ăn. Hải tặc mà đánh vô ghe thì giết tài công là
trước nhất để khỏi chạy ghe được. Anh còn sống là may.
- Có đói
chút đỉnh nhưng lạnh nhiều. Em ôm tui chặc chặc một chút được hôn?
- Hí hí, đừng
đụng vào chỗ đó, em nhột.
Hai người cười
khúc khích như đôi tình nhân đang mò mẫm nhau. Tôi cố nhìn xuyên qua bóng đêm
nhưng chỉ thấy lờ mờ cái mền xám đang trùm hai người.
Buổi sáng có
dịp nhìn kỹ mọi người hơn, tôi ngắm nghía. Anh tài công, tuổi chừng hai mươi
hai, hai mươi ba. Đi theo ghe, nghề sông nước từ khi chín mười tuổi, vậy mà
trông anh như thư sinh. Mặt trắng môi hồng, tóc hớt ngắn, cái áo trắng vải phin
mỏng dù lấm tấm máu vẫn không làm anh mất vẻ học trò. Chị chủ chiếc ghe hai
mươi hai người, đi theo nghề biển đánh cá từ lúc còn nhỏ, gia đình khá giả, chị
bỏ tiền ra làm chủ ghe tổ chức vượt biên. Hai mươi hai người trên ghe toàn là
người trong làng, trên đảo, nếu không có liên hệ bà con với nhau thì cũng là
tình láng giềng. Chị có vóc dáng vạm vỡ, khá thô kệch, đứng cạnh bên anh thật
là không xứng. Ở hoàn cảnh này chẳng biết chết lúc nào, dường như họ cố hưởng
thụ hạnh phúc được chút nào hay chút ấy.
Sự có mặt của
hai mươi hai người trên chiếc ghe ở đảo Phú Quý là một điều may mắn cho cái ghe
của tôi. Nước ngọt chứa đầy trong khoang ở mũi ghe, nhưng vì chai trét ghe chưa
khô nên nước biển rỉ vào. Dầu chạy máy chứa trong khoang bên cạnh cũng rỉ vào
nước nên nước có mùi xăng dầu và bị mặn. Gạo bị mưa bão ướt, và chúng tôi không
có nước để nấu cơm. Hai mươi mốt người đánh cá trên ghe, trừ cô chủ ghe, là những
người đánh cá chuyên nghiệp. Buổi sáng hôm ấy, trời trong, biển lặng, có một
đàn cá mỗi con to độ bàn tay bơi theo ghe chúng tôi đang trôi bập bềnh. Mấy người
đánh cá thò tay xuống chụp được vài con. Họ mổ con cá móc ruột ra rồi thả ruột
cá nhử đám cá đang bơi dưới biển. Họ nhử và chụp cá bằng tay đủ số một trăm lẻ
một con cá cho một trăm lẻ một người trên ghe. Người trên ghe nhóm lửa, đốt bằng
quần áo, giẻ rách, dép cao su nướng cá chia nhau ăn. Sau những ngày ói mửa vì
say sóng, bây giờ ngồi trên mui hưởng khí trời tôi khỏe trở lại và đói ngấu
nghiến. Cô chủ ghe đảo Phú Quý nhìn tôi cười:
- Còn đói
hông, ăn phần của tui đi. Bà là con gái thành phố mà ăn như hạm. Còn tui thì ăn
khảnh lắm. Anh Tài không ăn phần của cô nên tôi xực luôn.
Đám đàn ông
trên ghe tôi đa số là người thành phố, một vài người thuộc tầng lớp trí thức.
Ra giữa biển, tất cả đều trở nên vô dụng. Ông Giáo sư Sử Địa tuổi trạc bốn
mươi. Đêm chờ tắc xi đưa thêm người lên ghe để ra biển. Tắc xi đến trễ ông lo sợ
hốt hoảng đòi người ta chở ông vào trong bờ. Ông nói luôn miệng:
- Bể rồi. Bị
gạt rồi. Thôi để tôi đưa vợ con vào kẻo đi tù cả đám.
Tôi đứng gần,
lần đầu tiên đi vượt biên, chưa biết đi hụt lần nào, chưa bị bắt tôi vượt biên
lần nào, nên không biết sợ. Tôi trấn an ông:
- Trễ chút
thôi. Không sao đâu.
Bây giờ ông
cảm ơn tôi đã trấn an ông. Nhưng chúng tôi vẫn còn lênh đênh trên con thuyền
không máy đã đến bến an toàn đâu nào. Chỉ sợ lúc đối diện với tử thần ông sẽ
mang tôi ra mà mắng.
Một người
đàn ông khác, cao và gầy, da sạm nắng đứng ở đuôi ghe nhìn về hướng chân trời.
Khi tàu hải tặc lùa chúng tôi qua tàu của chúng anh này đã nhảy xuống biển. Khi
thấy chúng tôi leo qua tàu hải tặc sắp xong, anh leo lên sau chót. Sau này anh
nói với tôi anh là võ sư Thái Cực Đạo nhưng một mình anh không thể chống cự với
đám hải tặc. Lúc đó tôi cũng thầm nghĩ nếu tất cả đàn ông trên tàu của tôi đều
có vũ trang và đồng lòng chống lại hải tặc thì sao nhỉ?
Có một anh
tuổi chưa đến bốn mươi, tự xưng mình là lính Hải quân. Anh bảo mọi người lấy mền
ra cột lại làm buồm. Đám con trai thay phiên chèo ghe. Được một buổi chẳng ai
muốn chèo nữa vì biển mênh mông biết chèo hướng nào, và có chèo cũng không chống
lại được thủy triều. Trong khi anh hải quân hò hét hay khích lệ hay mắng mỏ
bóng bẩy đám thanh niên bắt phải chèo ghe trên biển, tôi thấy có một ông tuổi độ
gần năm mươi, có dẫn theo một đứa con trai chừng mười một hay mười hai tuổi.
Ông ngồi riêng trong góc ghe, thường là nhắm mắt chẳng để ý đến ai, dường như
ông cố thu mình thật nhỏ, nếu trở thành vô hình được càng tốt. Ông không tham
gia công việc gì trên ghe, chỉ nhận thức ăn cho con và nếu được chia phần cho
ông thì lấy. Ông có vẻ như bệnh nặng vì màu da vàng xỉn và trông ông như mất
sinh khí.
Thủy triều
có khi đưa chúng tôi vào khá gần bờ. Từ trên ghe tôi nhìn thấy những rặng cây
xanh, nhưng chèo ghe mãi mà không vào đến bến. Đêm xuống mệt ngủ quên sáng thức
dậy thấy mình vẫn ở giữa biển mênh mông. Có khi chúng tôi gặp những luồng nước
xanh đục như màu cẩm thạch chảy giữa vùng biển tím khiến chúng tôi có cảm tưởng
rất gần một con sông nào đó, chảy ra biển mang theo cả rác rưới của thành phố như
chai nhựa, rau cải, lon nhôm. Những lúc ấy niềm hy vọng của người trên ghe dâng
cao và chúng tôi tiếp tục chèo rồi sau đó lại thất vọng. Có khi chúng tôi trôi
ngang những đảo hoang không thấy người và cũng không thể tấp vào. Chúng tôi
trôi lênh đênh nhiều ngày như thế. Thỉnh thoảng mưa xuống chúng tôi hứng nước để
uống. Mỗi ngày đều có thể nấu cơm bằng gạo thấm nước biển và xăng dầu. Ăn không
ngon nhưng chưa ngày nào chúng tôi phải nhịn đói.
Đi ra biển
ba ngày thì chúng tôi bị hải tặc cướp. Chúng tôi trôi lênh đênh không biết bao
nhiêu ngày. Có lúc tôi tự hỏi nếu so cái chết vì bão chìm thuyền ngộp nước, tức
là chết no, với cái bão cạn lương thực cạn nước chết vì đói lã thì cái chết nào
đáng sợ hơn. Có một đêm trời vừa chạng vạng tối chúng tôi gặp một tàu khá lớn.
Lớn hơn tàu đánh cá của hải tặc đã chận cướp chúng tôi. Tàu có hai tần, trên
tài có nhiều người mặc đồng phục trắng. Có người bảo là tàu của Thái Lan. Người
trên tàu gọi loa bảo chúng tôi phải tìm cách tới gần tàu của họ. Họ không thể đến
gần ghe của chúng tôi vì sợ sẽ lật chìm ghe. Các vị lãnh đạo của ghe tôi bắt
đám con gái như tôi lên mui ghe quỳ lạy van xin. Một là để họ nhìn qua ống dòm
sẽ động lòng thương hại, và lũ con gái ốm đói ngoài biển như tôi sẽ không thể tấn
công ngược trở lại bọn họ để cướp hay tống tiền. Tôi quì gối van lạy mòn hơi chỉ
để thấy chiếc tàu của họ từ từ rời xa chúng tôi, ánh sáng trên tàu chỉ còn là một
đốm nhỏ rồi mất hút. Nhiều ngày lênh đênh như thế chúng tôi chúng tôi gặp nhiều
tàu lớn qua lại nhưng chẳng ai bận tâm cứu chúng tôi. Có khi tàu chạy gần đến độ
chúng tôi nhìn thấy họ ngó chúng tôi bằng ống dòm. Chúng tôi đốt lửa trên mui
ghe, đốt bằng quần áo cũ, giày dép cũ, và có khi đốt bằng xăng dầu. Có máy để
chạy đâu mà để dành xăng. Biển biến hóa màu sắc hằng ngày hằng đêm, khi thì mưa
lặng lẽ rơi giữa biển, mặt biển êm như mặt hồ. Biển khi xanh dương nhạt khi tím
rịm, khi xanh như màu ngọc thạch. Chân trời khi ửng hồng của hừng đông và đỏ rịm
của hoàng hôn. Đêm khi thì sao mọc khắp trời, khi sương mù giơ tay không thấy
ngón.
*****
Chúng tôi
trôi lênh đênh chờ chết cho đến khi gặp một tàu đánh cá của Mã lai. Họ ra dấu
hiệu họ sẽ cứu chúng tôi nếu chúng tôi trả bằng những khâu vàng cho họ. Mọi người
mừng rỡ, ưng thuận. Họ ném dây qua cho chúng tôi cột vào ghe. Họ chạy rất chậm
để giữ thăng bằng nếu không thuyền có thể lật úp và giết chúng tôi. Cẩn thận
như thế nhưng đang chạy ngon trớn thì dây đứt. Bựt! Bựt! Ghe chúng tôi chòng
chành. Họ chạy đi một đỗi, trái tim tôi nặng trĩu vì nghĩ rằng họ sẽ bỏ chạy
luôn. Họ quay tàu trở lại. Tàu của họ là một loại tàu kéo, mạn tàu sà xuống gần
mặt nước. Tàu chạy chậm và rất đầm. Họ lại ném dây cho chúng tôi, hồi sau lại đứt,
họ lại ném dây lần thứ ba. Lần này tàu họ kéo ghe chúng tôi đến nơi an toàn.
Họ kéo chúng
tôi vào một vịnh nhỏ, ban đêm tôi nhìn thấy ánh đèn trên cảng lung linh. Họ dặn
chúng tôi, bằng tiếng Anh cho một người thông dịch viên trên ghe.
- Chờ ở đây,
vài tiếng đồng hồ sau nước rút. Ghe của quí vị sẽ nằm trên bãi cát, và như thế
rất an toàn cho quí vị không sợ sóng nhận chìm.
Những người
trên ghe vơ vét của cải còn dấu được sau khi bị cướp được mấy chỉ vàng. Lúc tàu
lênh đênh trên biển một bà trên ghe tôi cứ mang quần áo ra giặt bằng nước biển
cho sạch. Tôi đoán bà cố gom góp tài sản của bà đã khâu giấu trong quần áo. Tôi
nghĩ thầm biết có còn sống không mà lo giữ tài sản như thế. Tôi đoán vì tôi còn
trẻ, độc thân, nhất là không có một đồng dính túi, ngoại trừ cái nhẫn của chị
tôi cho mượn đeo đi đám cưới đã bị cướp rồi. Tôi lúc ấy chỉ là một cô gái còn
ăn bám gia đình. Chuyến đi do chị tôi tài trợ, người nắm tài chánh trong chuyến
đi là cô cháu gái gọi tôi bằng dì. Kém may mắn cho cô và cho cả tôi, là cô bị kẹt
ở lại. Tôi kém quán xuyến, thiếu cô tôi ngơ ngác thất lạc suốt quảng đường đi
vượt biển. Bà chủ ghe tôi đi dấu được rất nhiều vàng trong chiếc ghe, ở một cái
bọng nào đó trên tàu, trong một thanh gỗ nào đó. Bà bỏ ra vài chỉ vàng trả tiền
cho người kéo ghe và cứu mạng gia đình bà cũng như tất cả những người trong
chuyến đi.
Đêm ấy, khi
nước cạn tôi nhảy ra khỏi thuyền đi lần theo bãi biển vốc nước rửa mặt. Nước biển
toát ra chất lân tinh sáng ngời, giống như đêm nào đó trên biển tôi nhìn theo
ánh lân tinh theo nước biển khoát bởi cây chèo thầm nghĩ có cả sao trời trong
nước biển. Giá mà có nàng tiên cá nào hiện ra đẩy ghe chúng tôi đến bến bờ.
Nàng tiên cá của chúng tôi là chiếc tàu kéo. Và tôi là một trong những người
may mắn còn ngồi đây để kể lại chuyện vượt biên năm nào. Tôi không biết mối
tình của anh tài công và chị chủ ghe ở đảo Phú Quí có thành duyên nợ hay không?
Tôi cũng chưa có cơ hội gặp lại những người đã cùng đi chuyến ghe năm ấy.
Nguyễn Thị Hải
Hà
04.2015