lundi 15 octobre 2018

Tạp ghi Huy Phương nói lại gì về quá khứ của cuộc đời ông?

tt

Cái gì nói thật thì không ai tin, mà chuỵên bịp thì khó ai biết mà tránh.
Cứ bị lừa thì mới biết ai ngay thẳng, chính trực, có biết mình ngu thì mới học khôn.
Kính mời quý anh chị đọc và nghe Huy Phương nói về anh những năm hồi đó sao mình ngu thế mà có phải chỉ có mình anh đó thôi sao?
Caroline Thanh Hương

tt

Tháng Tư… ngu!

 Tạp ghi Huy Phương
 
 Trước hết, tôi xin tự kiểm điểm cái ngu của bản thân mình trước, trong hàng nghìn cái ngu của thiên hạ, vì ngu mà phải mất nước, “lỗi tại tôi mọi đàng” hay “tôi làm tôi mất nước.” 

Là một cán bộ chiến tranh chính trị trung cấp, hết làm tâm lý chiến, rồi chính huấn, tức là huấn luyện chính trị cho hàng nghìn tân binh tại một trung tâm huấn luyện lớn nhất nước, mà khi nghe Cộng Sản vào đến Sài Gòn, không chịu tìm đường chạy, vì cứ nghĩ mình gốc nhà giáo, hòa bình rồi, đi ‘học” mấy ngày rồi về dạy học lại!
 Tôi ngu vì đã suy diễn hay hiểu sai thời gian đi “học tập,” nên chỉ đem theo 10 gói mì ăn liền Vifon, để ăn sáng trong 10 ngày, ngày thứ 11 đã ăn cơm nhà rồi! Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định ra thông cáo tất cả các quân nhân cấp úy phải trình diện đi “học tập cải tạo,” mang theo tiền ăn trong 10 ngày, cấp tá mang theo tiền ăn cho một tháng. Sau này có người đi tù 17 năm ròng rã, chúng ta “chửi” Cộng Sản lừa dối, nhưng xem kỹ lại các văn bản, không thấy đoạn nào nói, cấp úy chỉ đi tù 10 ngày, cấp tá một tháng, mà chỉ nói “đóng tiền ăn.” Chẳng qua, vì chúng ta hay suy luận, và ngây thơ, khờ dại nên mắc mưu sự khôn lanh, xảo quyệt của kẻ thù, đó chính là vì chúng ta ngu! 
 Sau này, ra Bắc, chính tai tôi đã nghe một quản giáo cai tù nói rằng: “Đưa các anh ra biển thì cũng từ từ, trước hết là gần bờ, sau mới dần dần đưa các anh ra xa hơn, nếu không các anh chóng mặt, say sóng, chịu làm sao nổi!” Tôi đoan chắc anh em chúng ta, nhất là quý vị tướng lãnh, nếu biết được những ngày tù không bản án, mà có người ra đi biền biệt 17 năm trời, chịu bao nhiêu khổ ải, nhọc nhằn, nhục nhã, thì một nửa trong chúng ta đã tự sát tại nhà mà chết, hoặc chạy vào rừng để rồi cũng chết vì súng đạn của Việt Cộng. May hay rủi, vì ngu mà chúng ta mới sống đến ngày hôm nay.

 Khi đến các địa điểm trình diện, không ai nghĩ “đi tù” mà chỉ nghĩ “đi học.” Tại trường Trưng Vương, là nơi trình diện từ cấp phó giám đốc trở lên, hai vị, một từng là phó thủ tướng VNCH, dân biểu, một vị đã là thượng nghị sĩ, đi học còn mang theo gối ôm, và khi xếp hàng vào cổng, có vị đã giành đi trước, vì có giấy giới thiệu của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, bộ đội Cộng Sản mới ra lệnh: “Ai có giấy giới thiệu thì đứng qua một bên!” Giấy giới thiệu đây là giấy gọi “trình diện” cho các viên chức cấp cao, còn đối với cấp nhỏ thì chỉ có thông cáo chung trên báo chí, đài phát thanh. Những ai còn đứng lấp ló ngoài cửa chưa chịu vào, còn nghi ngại dò la thì những chiếc xe mang tên nhà hàng Soái Kình Lâm, Đồng Khánh… mang thức ăn vào quý vị dùng bữa tối, hẳn đã đánh tan mối hoài nghi về thiện ý của người thắng trận.

 Đến khi lên xe Molotova, phủ bạt kín rồi, chúng tôi vẫn còn lạc quan tin lời Cộng Sản được đưa đến chỗ đầy “đủ tiện nghi,” (chắc là có đủ điện nước, máy lạnh, sân bóng chuyền…) để học tập và khi biết đoàn xe ra đến xa lộ Biên Hòa, thì việc di chuyển lên Đà Lạt như cầm chắc trong tay. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trường Chỉ Huy Tham Mưu, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị là những nơi lý tưởng nhất để “học tập.” Khi đến nơi ở tù rồi, Cộng Sản đưa tù vào một cái nhà kho, một trại gia binh hay một cánh rừng thì vẫn tin tưởng vào số ngày trong thông cáo, chờ ngày ra sân vận động Cộng Hòa làm lễ mãn khóa: “Quỳ xuống hỡi những cải tạo viên – Đứng lên hỡi những công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!”
 
 Câu chuyện những người trên con tàu Việt Nam Thương Tín, Tháng Năm, 1975, sang đến đảo Guam rồi, lại đốt “barrack,” tuyệt thực đề đòi “về với tổ quốc,” là một bài học xót xa cho những người trong cuộc, có người phải trả giá bằng 17 năm tù. Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh kể chuyện, anh em “tù cải tạo” tại trại tù K2, Nghệ Tĩnh, gọi những người này bằng biệt danh “đội q…!” Tại trại 15 NV. Long Thành, một nhạc sĩ đã hồ hởi sáng tác những bản nhạc được cai tù bắt cả trại hát: “Trồng rau, trồng đậu, trồng tình thương trong tâm hồn người…” Ra tới Bắc Thái lại thêm một bài “Ngày vui đã tới!” nhưng mà “ngày về” thì xa lắc xa lơ! Thậm chí khi lên con tàu chở súc vật Sông Hương lưu đày ra Việt Bắc rồi, có người vẫn lạc quan “biết đâu nó chở tù miền Nam ra Đệ Thất Hạm Đội Hoa kỳ hay đi thẳng qua Guam để giao cho Mỹ!” Tàu chạy hơn một ngày một đêm rồi mà vẫn nghĩ là cập bến Đà Nẵng chứ không ai nghĩ là lên cảng Hải Phòng. 
 Ở trong nhà tù vẫn còn người tin tưởng “học tập, lao động” tốt thì được “Cách Mạng” cứu xét cho về với gia đình sớm, nên làm trối chết, kiệt sức, đấu tố anh em… để lấy điểm với cán bộ, cũng như đau xót cho quý bà ở nhà, dắt díu con cái đi vùng “kinh tế mới” cho chồng sớm được tha! Sau 10 “bài học tập,” tới buổi “thu hoạch” thì cứ nghĩ là viết hay thì được tha về, viết dở thì ở lại “học” tiếp.
 
 Trước ngày 29 Tháng Ba, 1975, khi Cộng Quân chưa vào Đà Nẵng, một số người thuộc phe hòa hợp hòa giải tin tưởng thời cơ đã đến nên đã sắp đặt đưa Bác Sĩ Phạm Văn Lương lên làm thị trưởng Đà Nẵng, tin sau đó được đài BBC loan báo.
 Trong lần phỏng vấn bà quả phụ Phạm Văn Lương tại Nam California, bà xác nhận với chúng tôi Bác Sĩ Phạm Văn Lương chưa bao giờ là thị trưởng Đà Nẵng, nhưng có chuyện là khi có nguồn tin này, một vị trung tá đã đến gặp ông xin làm tài xế cho ông, để nhờ ông che chở, lánh nạn. Sao có người “ngu” đến mức như thế! Ngày 5 Tháng Tư, 1975, Bác Sĩ Phạm Văn Lương cùng nhiều y sĩ khác bị đưa vào nhà tù Kỳ Sơn, và một năm vào ngày 3 Tháng Tư, 1976, Bác Sĩ Lương đã uống thuốc ngủ cùng 10 viên cloroquine để tự tử. 
Trong những ngày cuối cùng của miền Nam, Tướng Dương Văn Minh vẫn còn tin tưởng Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Nhưng cuối cùng, tiếng than cuối cùng tuyệt vọng của “Tổng Thống ” Dương Văn Minh là: “Thầy giết tôi rồi!” Có những người làm lớn hoặc từng “làm rung rinh nước Mỹ” mà còn ngây thơ như vậy, thì đừng trách chi một thằng lính như tôi tin tưởng vào lời của “cách mạng” đem đủ 10 gói mì ăn liền, là… ngu!
 Quân tử, ngay thẳng, ngây thơ mà đối đầu với tiểu nhân, xảo trá, độc ác thì không chết cũng bị thương. Tôi đâm ra nghi ngờ rằng, khó “đem đại nghĩa để thắng hung tàn,” và thời nay thấy nhan nhản chuyện “cường bạo áp đảo cả chí nhân!”

Ấp Chiến Lược với nhân chứng người thật, việc thật.

tt tt

Kính mời quý anh chị đọc bài hồi ký về ấp Chiến Lược của anh Nguyễn Nhơn.
Sau đó, chúng ta tìm hiểu thêm Ấp Chiến Lược là gì? Bài viết thứ hai này là của anh Lê Xuân Nhuận.
Chân thành cám ơn những người đã viết lại lịch sử thời Đệ Nhất Cộng Hoà rất quý báu này.
Caroline Thanh Hương
Résultat de recherche d'images pour "ấp chiến lược là gì"

Kính chuyển
Nguyễn Nhơn

Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa - Ấp Chiến Lược

Trời vào Thu tháng !0, bâng khuâng nhớ ngày thành lập Đệ Nhất VNCH 26 tháng 10 năm 1956.
Mới đây, nhân nói về vụ Quảng Đức tự thiêu, có ông giới thiệu vào web Tâm Thường Định, đọc cái gọi là " Một Số Hồ Sơ CIA Giải Mật về Cuộc Chiến Việt Nam ".
Gã nhà quê xứ Thủ ngay tình mon men vào đọc. Quen tật làm biếng, chỉ đọc các tiểu tựa, thấy toàn là những vấn đề moi móc Tổng thống Diệm và các yếu kém của chế độ nhằm mục tiêu lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vậy thôi.
Đáng lẽ thì sổ toẹt cái cho rồi, nhưng đọc thấy cái tiểu tựa " Chương trình Ấp Chiến Lược thảm bại lớn vì bị VC trà trộn vào " chẳng đặng đừng click cái link vào đọc.
Cả cái điện tín mật chỉ có một câu chủ yếu: THE STRATEGIC HAMLET PROGRAM IS HIGHLY DANGEROUS BECAUSE, ALTHOUGH THE AMERICANS AND THE GOVERNMENT OF VIETNAM ARE EITHER UNWARE OF OR UNWILLING TO FACE IT, THE STRATEGIC HAMLETS ARE INFILTRATED WITH VIENAMESE COMMUNISTS (VC), WHOSE PRESENCE WILL MAKE ITSELFT KNOWN IN DUE COURSE. ( Tạm dịch: Chương trình Ấp Chiến lược nguy hiểm cao độ bởi vì , mặc dầu người Mỹ và chánh phủ VN hoặc không quan tâm hoặc không muốn nhìn nhận, các Ấp Chiến Lược bị việt cọng xâm nhập mà sự hiện diện của chúng sẽ được xác nhận đúng lúc.)
Câu xác định nầy là một thứ xác định " miển phí " ( Affirmation gratuite ), nghĩa là lẽ tự nhiên, khỏi cần chứng minh. Từ thượng tầng quốc gia như Phủ Tổng thống cho đến các đồn nghĩa quân vẫn xãy ra " nội tuyến, nằm vùng " hà huống gì nơi các ấp chiến lược xa xôi, hẻo lánh.
Vấn đề đặt ra là: Các ấp chiến lược ấy có ngăn chận việt cọng kiểm soát dân tình, đời sống của người dân các ấp ấy hay không?
Tôi nói bằng kinh nghiệm bản thân:
Sau một năm phục vụ tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, tôi được thuyên chuyển về tỉnh tân lập Chương Thiện, giữ chức vụ Trưởng ty Nội an kiêm Đặc trách Ấp Chiền lược vào tháng 4 năm 1963.
Khi ấy việc xây dựng ấp mới đã ngừng lại. Công việc chính yếu lúc đó là tổ chức các đoàn " thanh niên chiến đấu ", huấn luyện và võ trang tại chỗ.
Kết quả là lực lượng thanh niên chiến đấu phụ trợ các " đội dân vệ " giữ vững an ninh thôn ấp có hiệu quả.
Mặc dầu là một tỉnh kém an ninh bên rừng U Minh, các thôn ấp ban ngày khá an ninh. Chỉ khi đêm về du kích việt cọng mới xuất hiện quấy phá.
Sau đảo chánh 1/11/1963, tôi về Biên Hòa làm Chánh văn phòng Tỉnh trưởng kiêm Trưởng ban Ấp Tân Sinh ( New Life Hamlet ).
Khi đó tình hình các ấp thiệt là kém an ninh. Hầu như chỉ có các ấp ở Tỉnh lỵ, quận lỵ là tương đối an ninh. Phần còn lại là bất an ninh.
May mà Mỹ đổ quân vào đẩy lùi các đơn vị việt cọng trở vào các chiến khu, chương trình xây dựng - phát triển nông thôn mới khởi phát mạnh mẻ.
Khởi đầu, cố vấn Mỹ giúp tổ chức, huấn luyện và trang bị các đoàn " cán bộ biệt chính " ( Special Political Cadree ) mà thực chất là đòan cán bộ võ trang mở đường và bảo vệ các đoàn xây dựng ấp chiến lược.
Qua Đệ nhị VNCH, công tác xây dựng - phát triển nông thôn được lần hồi ổn định và cuối cùng với danh xưng " Chương trình Bình định - Xây dựng - Phát triển Nông thôn ".
Theo như danh xưng 3 bước:
- TỰ PHÒNG với công tác rào ấp - tổ chức đội Nhân dân Tự vệ giữ gìn an ninh thôn ấp.
- TỰ QUẢN: tổ chức đoàn ngủ hóa dân ấp và bầu ra BAN TrỊ SỰ Ấp để tự quản trị công việc trong ấp.
TỰ TÚC PHÁT TRIỂN: Đề ra các dự án chăn nuôi - Đào ao thả cá - Đào mương dẫn nước cho nông nghiệp ...
Giờ cuối, tỉnh Biên Hòa có 243 Ấp đều là ấp A- B, nghĩa là an ninh hoặc khá an ninh, chỉ có rất ít ấp kém an ninh.
Công việc làm hơn 12 năm ròng rả chỉ vắn tắt đôi hàng nhưng mỗi khi nghĩ tới bồi hồi trong dạ.
Từ những bước ban đầu " Ấp Chiến Lược " chỉ chú trọng về an ninh. Càng về sau càng có kinh nghiệm máu xương, vừa bình định vừa xây dựng và phát triển theo kế hoạch vững chắc và hữu hiệu.
Đời sống đồng bào nông thôn ngày càng ấm no, sáng sủa.

Bỗng nhiên giặc phương bắc ùa vào " giải phóng " trở thành nghèo đói triền miên và bị áp bức thậm tệ.
Ngày nay, hán ngụy vẫn khua chiêng " Nông Thôn Mới " mà ở miền cao:
Cô giáo trẻ chun bao nylon để anh chú kéo qua suối đi dạy.
Trò nhỏ đeo dây cáp qua sông đi học.
Bé gái tan học về đói lã người men theo cầu ván gập ghình té kinh chết đuối!
Đó là thảm cảnh xã hội ngày nay.
Mong sao bọn hán ngụy tranh giành quyền lực, giết nhau để câu sấm Trạng hiển linh mau lẹ:
" Bỉnh chúc vô minh Quang tự diệt
Trọng Ngân bạc Phúc sản tiêu tan "

Nguyễn Nhơn

10/10/2018 

ẤP CHIẾN LƯỢC
Lê Xuân Nhuận
Có một số người cho rằng Chương-Trình Ấp Chiến-Lược đã giúp chính-quyền Ngô Đình Diệm bình-định xứ-sở, triệt-tiêu cộng-sản, đem lại đời sống an-bình cho dân-nhân Miền Nam dưới chế-độ Đệ-Nhất Cộng-Hòa; và “cha đẻ” của Chương-Trình được gọi là Quốc-Sách ấy chính là Cố-Vấn Ngô Đình Nhu (sic).
Theo họ thì sau cuộc Cách-Mạng 1-11-1963, vì Trung-Tướng Dương Văn Minh đã hủy bỏ quốc-sách Ấp Chiến-Lược nên cộng-sản mới có thể dễ-dàng lấn chiếm và đánh thắng Miền Nam (sic).
Sự Thật là “Ấp Chiến-Lược” bị hủy-bỏ bởi Sắc Luật số 103/SL/CT, do Thủ-Tướng Nguyễn Khánh ký ngày 9 tháng 3-1964 (xem Tham-Chiếu 1).
Để các thế-hệ sau này hiểu biết chính-xác về thực-chất của Chương-Trình Ấp Chiến-Lược, ta hãy tìm đọc các tài-liệu lịch-sử ‒ mà các cá-nhân nói trên đã không biết đến, hoặc đã cố-ý không đề-cập đến mà còn tự-ý thêm-thắt bịa-đặt ra ‒ hầu bắt mọi người phải nghe những lời ca-tụng vu-vơ dựa trên những điều không hề xảy ra.
*
Nhưng, trước tiên, tôi xin nói về những gì mà chính bản-thân tôi biết được về Ấp Chiến-Lược.

 

Trái: hàng rào ấp chiến lược (ảnh dodungdayhoc.books.officelive.com)
Phải:


Phải: Dân ngồi phơi ngoài nắng trong một ấp chiến lược (ảnh security.dantri.com.vn)
Từ năm 1954, nhất là sau khi Đức Quốc-Trưởng Bảo Đại bổ-nhiệm và Ông Ngô Đình Diệm đã nhậm chức Thủ-Tướng Quốc-Gia Việt-Nam, việc làm của tôi quá nhiều và quá “quan-trọng”.
Vừa là biên-tập-viên (góp bài cho “Tuần-Báo Tiếng Kèn”; viết “Mục Thời-Luận”, trả lời “Thư Thính-Giả”, soạn bài “Quân-Nhân Tìm Hiểu”, giới-thiệu tân+cổ Nhạc Việt-Nam và “Nhạc Ngoại-Quốc” hằng ngày cho Đài Quân-Đội; tóm-lược tình-hình cho nhật-báo “Bản Tin”; viết bài phóng-thanh cho “Đại-Đội Võ-Trang Tuyên-Truyền”; viết các bài bình-luận đặc-biệt để Trưởng Phòng Năm Quân-Khu sử-dụng tại các nơi khác; kể cả thảo diễn-văn cho các Tư-Lệnh Quân-Khu), tuyên-truyền-viên lưu-động, phóng-viên chiến-tranh (war correspondent), thuyết-trình-viên tại các buổi “Học Tập Chính-Trị và Công-Dân Giáo-Dục”, v.v..., tôi còn là giám-đốc Chương-Trình Phát-Thanh hằng ngày “Tiếng Nói Quân-Đội” ‒ cho khắp Đệ-Nhị Quân-Khu (từ Tỉnh Quảng-Trị vào Tỉnh Bình-Thuận, tức là cả Quân-Khu I lẫn Quân-Khu II sau này).
Công-việc quá nhiều đến nỗi tôi được chỉ-định mà không thể đến giảng môn “Tác-Động Tinh-Thần” (tiền-thân của Tâm-Lý-Chiến tức Chiến-Tranh Tâm-Lý, và về sau là Chiến-Tranh Chính-Trị) tại “Trường Sĩ-Quan Đập Đá” (nơi xuất-thân của thiếu-úy ‒ về sau là trung-tướng ‒ Trần Văn Trung), cũng như tại lớp đào-tạo “Tình-Báo Ấp Chiến-Lược” ở gần vùng Phủ Cam.
Việc làm quá “quan-trọng” ‒ góp phần tích-cực và hữu-hiệu củng-cố địa-vị của (Thủ-Tướng rồi Tổng-Thống) Ngô Đình Diệm ‒ đến nỗi Bộ Tư-Lệnh Đệ-Nhị Quân-Khu đã đề-nghị Bộ Tổng-Tham-Mưu ban thưởng cho tôi “Quân-Công Bội-Tinh” ‒ là một huân-chương chỉ dành cho các sĩ-quan tràn-đầy chiến-công và dạn-dày thâm-niên, trong lúc tôi chỉ là một quân-nhân trừ-bị ‒ “văn-nghệ-sĩ và ký-giả” mà “được” “động-viên chuyên-môn” (như các nhạc-sĩ Lâm Tuyền, Văn Giảng, Lê Trọng Nguyễn, v.v... trong Ban Tân-Nhạc thuộc Đài của tôi). Tuy không được cấp mề-đay, nhưng việc đề-nghị như thế chứng-tỏ Miền Trung đã đánh giá tôi “cao” đến ngần nào.
Nhắc lại chuyện cũ dài-dòng là để nhấn mạnh một điểm: trong khoảng 1954-1956 (2 năm nhiệm-kỳ quân-dịch pháp-định cộng với 6 tháng lưu-dụng vì nhu-cầu quân-vụ) của tôi, đã có ít nhất là một Lớp Đào-Tạo cán-bộ “Tình-Báo Ấp Chiến-Lược” được mở ra tại Huế.
Tóm lại, “Ấp Chiến-Lược” đã có nằm trong chương-trình hoạt-động của chính-quyền Ngô Đình Diệm, do Cố-Vấn Hoa-Kỳ, đặc-biệt là Đại-Tá CIA Edward G. Lansdale (xem Tham-Chiếu 2) đề ra, chậm nhất là từ năm 1956 rồi.
*
Thế nhưng...
Mãi đến ngày 3 tháng 2 năm 1962 (8 năm sau ngày chấp-chánh), sau khi chế-độ đã suy-thoái rồi, Tổng-Thống Ngô Đình Diệm (và Cố-Vấn Ngô Đình Nhu) mới áp-dụng Chương-Trình “Ấp Chiến-Lược” (xem Tham-chiếu 3)
*
Năm 1962, tôi được đưa đi thụ-huấn một khóa tình-báo đặc-biệt (là khóa cao-cấp đầu tiên mà CIA huấn-luyện cho một số viên-chức Cảnh-Sát Công-An, Phó Đốc-Sự Hành-Chánh, và sĩ-quan Quân-Lực VNCH được chọn-lọc kỹ). Sau đó, tôi được sung vào một tổ-chức, về phía dân-sự, gọi là “Đoàn Công-Tác Đặc-Biệt” (SOC= Special Operations Corps) ‒ không phải là “Đoàn Công-Tác Đặc-Biệt Miền Trung” của Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn do Ông Dương Văn Hiếu cầm đầu. Đoàn SOC này, trực-thuộc Phủ Đặc-Ủy Tình-Báo Trung-Ương về mặt chuyên-môn, và được sự yểm-trợ của Nha Tổng-Giám-Đốc Cảnh-Sát & Công-An về mặt hành-chánh, hoạt-động bí-mật, dưới thời Đại-Tá Nguyễn Văn Y, là người kiêm-nhiệm cả hai chức-vụ đứng đầu Phủ ĐUTBTƯ và Tổng Nha CSCA. Đoàn gồm có nhiều Đội. Riêng Đội của tôi (tôi là Phụ-Tá Điều-Hành kiêm Phiên-Dịch-Viên) thì hoạt-động tại Cao-Nguyên Trung-Phần, có trụ-sở riêng, đóng tại Ban Mê Thuột, bên trong là “Đội Khảo-Cứu Địa-Lý”, bên ngoài là “Phòng Cảnh-Sát Tư-Pháp” (sở-dĩ dùng ngụy-danh này là vì trước đó tôi là Trưởng Phòng Cảnh-Sát Tư-Pháp tại Nha Cảnh-Sát Công-An Cao-Nguyên Trung-Phần ‒ hồi đó tuy mặc dân-phục nhưng đã đến tận phạm-trường chấp-lý các vụ phạm-pháp, nên đã có người biết mặt, biết tên).
Vì là “khảo-cứu địa-lý” nên tôi phải nắm vững tình-hình nông và sơn-thôn, trong đó có các Địa-Điểm Dinh Điền, các Khu Trù Mật, và nhất là các Ấp Chiến Lược vừa mới bắt đầu thành-hình trong năm 1962. Đồng-thời, vì là công-tác tình-báo, lần đầu tôi có cố-vấn CIA. Do đó, với óc tìm-tòi, tôi đã có dịp đọc được bản tài-liệu gốc tiếng Anh về “Ấp Chiến Lược”, đặc-biệt là nguồn gốc của nó, cùng với những kinh-nghiệm, ưu+khuyết-điểm của Ấp Chiến-Lược rút được từ thực-tế thi-hành trước đó tại các nước Mã Lai và Phi Luật Tân.
I
Tóm-tắt về Ấp Chiến-Lược
Người được công-nhận như một “Tổng Giám Đốc Điều Hành” của Chương-Trình Di-Dân Lập Ấp (nguyên-lai của Ấp Chiến-Lược) trên bình-diện quốc-tế là Sir Robert Thompson, một sĩ-quan không-quân và là một chuyên-gia chống-khuynh-đảo của nước Anh. Ông được cử làm Bộ-Trưởng Quốc-Phòng Thường-Trực cho nước Mã-Lai, thực-hiện hữu-hiệu sáng-kiến làng-xóm tái-định-cư (Village Resettlement) của Tướng Gerald Templer của Anh trong việc đánh dẹp Bộ-Đội Giải-Phóng Dân-Tộc Mã-Lai (MNLA= Malayan National Liberation Army) của đảng cộng-sản Mau Mau tại nước này, từ cuối thập-niên 1940 đến thập-niên 1950.
Về Việt-Nam, có nhiều tài-liệu liên-quan, nhưng tôi tạm lấy một tài-liệu được xem là công-trình sưu-tập và biên-khảo đứng-đắn từ Văn-Khố Việt-Nam tại Viện Đại-Học Texas Tech (Vietnam Archive, Texas Tech University), để tóm-lược dưới đây.
The Use of the British Village Resettlement Model in Malaya and Vietnam, 2002 (Việc sử-dụng kiểu-mẫu của Anh về Tái Định-Cư Xã Ấp tại nước Mã Lai và nước Việt Nam):
Tại Việt-Nam, từ 1952 đến 1954, tướng Pháp Francois Linares cho tái-định-cư khoảng 3 triệu người Việt ở Miền Bắc, đặc-biệt vùng đồng-bằng sông Hồng-Hà, vào các “làng được bảo-vệ” mà họ gọi là “nông-thị” (agroville) tức là thị-trấn ở nông-thôn, tức là “Khu Trù-Mật”. Đó là chính-sách “bình-định bằng sự phồn-thịnh”. Pháp cung-cấp dồi-dào các tiện-nghi xã-hội và kinh-tế, bảo-vệ và khuyến-khích lập các lực-lượng bán-quân-sự để tự-vệ, dựa vào nguồn tài-trợ sớm nhất của Hoa Kỳ cho Pháp sau khi xảy ra chiến-tranh Triều-Tiên. Phóng-viên chiến-tranh tên-tuổi Bernard Fall, sau khi đến thăm 2 khu kiểu-mẫu tại Khôi Lộc thuộc Tỉnh Quảng-Yên và Đông Quan tại Tỉnh Hà-Đông (Miền Bắc) đã tuyên-bố rằng “các Ấp Chiến-Lược của Pháp này rập đúng khuôn-mẫu của Anh bên Mã-Lai.”
II
Các chương-trình di-dân lập-nghiệp
1/ “Ấp Chiến-Lược” (giai-đoạn 1): gom dân tại chỗ, rào ấp tại chỗ.
Tại các vùng nông-thôn hay sơn-cước, dân-chúng cư-ngụ rải-rác và đi làm việc tùy-tiện, nên cộng-sản có thể liên-lạc, di-chuyển từ nhà này qua nhà khác, một cách dễ-dàng, để tuyên-truyền, dò-hỏi tin-tức, thu+mua vật-liệu, xây-dựng cơ-sở, lợi-dụng nhân-lực (ép-buộc đi phá cầu, phá đường, chôn mìn, kể cả tham-gia tấn-công đồn bót), rủ-rê hoặc bắt-cóc đi theo chúng (nếu chống-đối thì chúng giết chết...). Chương-trình “Ấp Chiến Lược” quy-tụ dân-chúng vào một khu nhà tập-thể, có rào và hào bao quanh, có cổng vào/ra chung, ở đó trai-tráng được cấp vũ-khí thay phiên canh gác, sáng mới mở cổng ra ngoài làm việc, chiều tối về nhà đóng chặt cổng lại. Cộng-sản không thể vào Ấp tiếp-xúc hay huy-động dân. Các Ấp như thế sẽ có tác-dụng như một dãy đồn tiền-phương cho các quận-lỵ xung quanh thị-xã. Nếu bị tấn-công thì dân trong Ấp tự mình chống-lại, báo-động cho Quận để lực-lượng Quận sẽ đến tiếp-cứu. Mục-đích là để giữ dân cũng như tài-nguyên khỏi lọt vào tay đối-phương, có tính chiến-thuật (về mặt quân-sự: cầm-cự tạm-thời để chờ viện-binh).
Vì “Ấp Chiến-Lược” có một diện-tích nhỏ hơn một ấp thông-thường, và phải được lập tại một vị-trí thuận-lợi về mặt giao-thông, nên tuy gom dân “tại chỗ” (tức là trong làng, trong quận sở-tại mà thôi) nhưng đa-số dân cũng phải rời bỏ nhà-cửa vườn-tược của mình.
2/ “Địa Điểm Dinh Điền” (giai-đoạn 2): di dân, khai hoang, lập ấp.
Tài-liệu chính-thức nói rõ là “điều-hòa dân-cư: di-chuyển (đến những tỉnh khác, miền khác) những nông-dân thiếu đất canh-tác ở miền Trung-Châu Trung-Phần, những công-nhân không chuyên-nghiệp khiếm-dụng ở các đô-thị, một số ít người di-cư tị-nạn vì lý do gì chưa được an cư lạc nghiệp như đại-đa-số người di-cư khác, cựu chánh-trị-phạm, cựu binh-sĩ đang cần trở lại đời sống bình thường nhưng không có phương tiện, đồng-bào vượt tuyến, Hoa-kiều tị-nạn và Việt-kiều hồi-hương chưa có cơ sở làm ăn, một số đồng-bào Thượng, để giúp cho họ sống đời định cư, định canh, hưởng những điều kiện cải tiến dân sinh.”
“Địa-Điểm Dinh Điền” cũng là một khu tập-trung, nhưng so với “Ấp Chiến-Lược “ thì “Địa-Điểm Dinh Điền” rộng lớn hơn, dân-số đông hơn, nhà cửa thoáng hơn, sinh-hoạt có tổ-chức hơn, vừa làm nghề cũ đã có từ quê-hương cũ, vừa học và làm nghề mới do chính-quyền huấn-luyện và trợ-cấp tại quê-hương mới. Nhân-lực nhiều hơn, phương-tiện dồi-dào và tân-tiến hơn (có cả nông-cơ), lực-lượng tự-vệ mạnh hơn, có thể cầm-cự với địch lâu hơn.
Nói chung là di-chuyển dân đi xa hơn, tái-định-cư, khai-phá đất mới, sản-xuất quy-mô hơn, có tính chiến-lược (tự-phòng), chú-trọng cả về kinh-tế, văn-hóa, xã-hội, tiến tới tự-túc để sẽ sáp-nhập vào nền hành-chánh địa-phương.
Người dân, thuộc nhiều gốc-gác khác nhau, bỏ hẳn nhà cửa, họ-hàng, mồ-mả tổ-tiên, đến lập một cuộc sống mới tại vùng đất mới khai-hoang.
3/ “Khu Trù Mật” (giai-đoạn 3): định-cư, lập-nghiệp (Dinh Điền lý-tưởng).
Khi nào có Địa-Điểm Dinh Điền nào “có những khu gia-cư khang-trang (nhà cửa có sân, vườn cây ăn trái, chuồng nuôi gia-súc), có khu công-sở (trụ-sở Hội-Đồng Quản-Trị, nhà hộ-sinh, nhà phát thuốc, giếng nước, trường học, phòng thông-tin, chùa, nhà thờ, chợ, bến xe đò, v.v...), có đường sá, cầu cống, kinh lạch để tiện việc giao-thông” tức là không những tự-túc mà còn tiến lên phồn-thịnh, thì sẽ được nâng lên cấp “Khu Trù Mật”.
Dân-cư tại “Khu Trù Mật” nổi bật là chung gốc-gác (địa-phương, chính-kiến, tín-ngưỡng).
 
III
Đệ-Nhất Cộng-Hòa Thực-Hiện Thế Nào
Trong những năm đầu của nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa, liền sau Hiệp-Định Geneva 1954, đa-số cán-bộ/bộ-đội cộng-sản từ Miền Nam phải tập-kết ra Miền Bắc, số ít cơ+cán CS gài lại thì phải nín thở đợi lệnh ‒ đồng-thời cộng-sản Miền Bắc từ rừng-núi về tiếp-thu thành-thị thì phải chăm lo tái-thiết, cải-tạo, ổn-định tình-hình sau cuộc chiến-tranh, rèn cán chỉnh quân, nên chưa đủ sức quấy rầy Miền Nam ‒ trong lúc đó thì dân Việt ghét Pháp và cũng không yêu Bảo Đại, chính-quyền của Thủ-Tướng rồi Tổng-Thống Ngô Đình Diệm nhờ có Hoa Kỳ ép Pháp rút quân, và giúp dẹp yên các phe đối-lập, nhận được viện-trợ của Mỹ dồi-dào và có hoàn-cảnh ngưng bắn thuận-lợi nên đã tóm gọn được các phần-tử cộng-sản lộ-diện, củng-cố chế-độ và thực-hiện các chương-trình phục-vụ đồng-bào. Người dân Miền Nam nhờ đó đã hưởng được nhiều năm khá bình-yên, đầy hy-vọng vào tương-lai.
Đệ-Nhất Cộng-Hòa lợi-dụng thời-cơ, đốt giai-đoạn, xếp bỏ kế-hoạch “Ấp Chiến-Lược” (giai-đoạn 1), bỏ lơ các ấp nông-thôn & sơn-thôn, tiến lên xây-dựng các “ Địa-Điểm Dinh Điền” (giai-đoạn 2) kể từ năm 1957.
Mục-đích nêu ra (xem phần II đoạn 2 trên kia) thật là tốt-đẹp, chính-đáng, cụ-thể, cấp-thời.
*
Hồ-sơ tài-liệu tóm-tắt mà tương-đối đầy-đủ nhất về thành-tích hoạt-động của Đệ-Nhất Cộng-Hòa là cuốn “Thành-Tích SÁU NĂM HOẠT-ĐỘNG CỦA CHÁNH-PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA” Kỷ-Niệm Đệ-Lục Chu-Niên Chấp-Chánh của Tổng-Thống Ngô-đình-Diệm – Ngày Quốc-Khánh 26-10-1960 (cuốn này đã được Ông Hồ Đắc Huân, cựu SVSQ khóa 2 Hiện dịch Nha Trang, hiện ở Little Saigon, Hoa-Kỳ, in lại trong năm 2007).
Ngẫu-nhiên, năm 1960 cũng là năm “bản lề” giữa thời-kỳ “thành-công” 6 năm đầu và thời-kỳ “thất-bại” 3 năm sau của triều-đại Ngô-Đình, như tôi đã ghi trong bài “Năm 1960 đối với Đệ-Nhất Cộng-Hòa”.
*
Nói chung, từ 1954 đến 1960:
* Cấp 1 (“Ấp Chiến Lược”): Chưa thực-hiện (cho đến 1962);
* Cấp 2 (“Địa-Điểm Dinh Điền”): Đã thực-hiện từ 1957;
* Cấp 3 (“Khu Trù Mật”): Mới bắt đầu thực-hiện từ 1960.
*
Nói riêng về chương-trình “Dinh Điền”:
Một “Phủ Tổng-Ủy Dinh Điền” được thành-lập vào ngày 23-1-1957, được tổ-chức như một Bộ, nhưng lại được đặc-biệt đặt dưới quyền điều-khiển trực-tiếp của Tổng-Thống.
Nội-các của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm gồm có 14 Bộ, nhưng lại có đến 16 tổ-chức (Phủ Tổng-Ủy, Phủ Đặc-Ủy, Nha Tổng-Giám-Đốc, Phái-Đoàn, Cuộc, Học-Viện, Nha) trực-thuộc Tổng-Thống; trong số các cơ-sở trực-thuộc này thì “Phủ Tổng-Ủy Dinh-Điền” được xếp đứng đầu, tức là ưu-tiên trên hết mọi lãnh-vực hoạt-động khác của chính-quyền.
Tại Vùng liên-hệ (như Cao Nguyên Trung-Phần) có một Quản-Đốc Dinh-Điền kiểm-tra đôn-đốc việc thi-hành các chỉ-thị của Trung-Ương và đặc-biệt phụ-trách các vấn-đề an-ninh trong Vùng; tại Tỉnh có một Trưởng-Khu Dinh-Điền; và tại mỗi Địa-Điểm Dinh-Điền có một Địa-Điểm-Trưởng (dân-chúng gọi là “Ông Địa”). Về việc thi-hành ngân-sách do quỹ quốc-gia đài-thọ, các thủ-tục chi-tiêu và thanh-toán theo đúng nguyên-tắc của Ngân-Sách Quốc-Gia.
Trong năm 1957-58 (năm đầu), phong-trào di-dân dinh-điền ồ ạt quá, rồn rập quá và gần như không có chuẩn-bị đầy-đủ, kết-quả có bề rộng mà chưa có bề sâu, thì năm 1959-60 phải nói là công cuộc Dinh-Điền đã được thực-hiện theo một kế-hoạch đã được nghiên-cứu rất kỹ-càng. Những địa-điểm thành-lập trong các năm sau đều đã tiến-triển như mong muốn nhờ có thời-giờ chuẩn-bị, có hoàn-cảnh chọn-lựa kỹ địa-điểm cũng như di-dân và các cơ-cấu của Phủ Tổng-Ủy, sẵn có trớn lại thêm có kinh-nghiệm sống trong công-tác, đã hoạt-động một cách hữu-hiệu...” và “Đã đưa họ đến những vùng đồng ruộng bao-la không có người khai-thác hết ở miền Nam, và những vùng đất cao thuộc miền Đông Nam-Phần và Vùng Cao-Nguyên Trung-Phần đất rộng người thưa” và, ngoài việc canh-nông thông-thường và các nghề tiểu-công-nghiệp, còn “sản-xuất gai và ki-náp, phát-động phong-trào trồng cây cao-su, thí-nghiệm trồng nhiều cây kỹ-nghệ khác như bông vải, thuốc lá, ...”.
Tính đến ngày 26-10-1960, về số Địa-Điểm Dinh-Điền đã được thành-lập: năm 1957 là 16, năm 1958 là 32, năm 1959 là 36, năm 1960 là 42, tổng-cộng là 126 Địa-Điểm. Tại Cao-Nguyên Trung-Phần, nhiều nhất là ở Tỉnh Pleiku, rồi đến Tỉnh Darlac, xuống đến Tỉnh Quảng-Đức. Tại Đất Cao Miền Đông Nam-Phần và Nam Trung-Phần, nhiều nhất là ở Tỉnh Bình-Tuy, rồi đến Tỉnh Phước-Long, xuống đến các Tỉnh Bình-Long, Phước-Thành, Long-Khánh, Tây-Ninh, Ninh-Thuận, Bình-Dương, Phước-Tuy và Phú-Yên... .
Nói về số lượng Dinh Điền thì ở Tỉnh Pleiku là nhiều nhất, có đến 25 Địa-Điểm, kế đến là ở Tỉnh Darlac với 22 Địa-Điểm; riêng ở Tỉnh Quảng-Đức có 7 Địa-Điểm.

IV
Nguyên-Nhân Thất-Bại
Tôi bị chế-độ Đệ-Nhất Cộng-Hòa cất chức, quản-thúc, rồi đày đi khỏi Huế lên Cao-Nguyên Trung-Phần (vùng “nước độc và nguy-hiểm”), đến Ban Mê Thuột vào tháng 8 năm 1960. Hồi đó các Nha cấp Phần có quyền “tự-trị” địa-phương (chưa bị khép vào khuôn-khổ như khi hợp-nhất Cảnh-Sát với Công-An thành Cảnh-Sát Quốc-Gia theo Sắc Lệnh số 146/NV ngày 27-6-1962, hai năm về sau). Giám-Đốc Nha Công-An & Cảnh-Sát Phần này là Thiếu-Tá Nguyễn Văn Luận (về sau thăng cấp đại-tá, làm Tiểu-Khu-Trưởng kiêm Tỉnh-Trưởng Tỉnh Bình-Định), có thành-lập một bộ-phận đặc-biệt (hoạt-động bên ngoài) riêng của Nha này, do Ông Nguyễn Hữu Liêm (về sau là Trưởng-Ty CSQG Tỉnh Darlac) chỉ-huy, gồm có Phòng An-Ninh Chính-Trị, Phòng Cảnh-Sát Tư-Pháp, và Đội Biệt-Kích. Biệt-Kích thì đi lùng diệt cộng-sản khắp cao-nguyên. An-Ninh Chính-Trị do Ông Nguyễn Giang phụ-trách, Cảnh-Sát Tư-Pháp do tôi, Lê Xuân Nhuận đảm-đương (nhưng hai chúng tôi làm việc chung với nhau, cả chính-sự lẫn hình-sự).
Thoạt tiên, tôi được phái về điều-tra các vụ bê-bối tại Địa-Điểm Dinh-Điền Kiến-Phúc (?) phía nam quận-lỵ Kiến-Đức của Tỉnh Quảng-Đức (hồi đó Quận-Trưởng là Đại-Úy Nguyễn Văn Thanh).
Từ một vụ nhỏ là dân-chúng bị buộc phải nạp phí-tổn chụp hình, mặc dù việc thầu nhiếp-ảnh (cũng như mọi khoản chi-tiêu khác của Phủ Tổng-Ủy Dinh-Điền) đã được Hoa-Kỳ đài-thọ cho “Ngân-Sách Quốc-Gia”. Rồi nhân dịp có “cấp cao” (từ Phần xuống thấu Tỉnh, Quận) đến làm sáng-tỏ nỗi oan của người dân nghèo, nhiều đơn khiếu-nại về những vụ khác, lớn hơn, đã được đồng-bào nạp thêm... .
Cho đến một hôm tôi đi từ Ban Mê Thuột vào Dinh-Điền ấy thì bị Việt-Cộng phục-kích (tôi bị lật xe, gãy một xương vai và hai xương sườn), các vụ tiếp theo được giao cho các bạn khác điều-tra... .
*
Nói chung là Đệ-Nhất Cộng-Hòa (thật ra là chính Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và Cố-Vấn Ngô Đình Nhu) tại Miền Nam đã thực-thi Chương-Trình Di-Dân Lập-Ấp này theo cách mà các nhân-vật tên-tuổi một thời đã ghi như sau (xem Tham-Chiếu 4)
Họ Ngô quan-niệm người dân chỉ đóng một ít tiền thuế mà được thụ-hưởng biết bao lợi-ích, nên khi cần dựng các khu tập-trung, Địa-Điểm Dinh Điền, thì phải góp phần cùng với chính-quyền, phải dùng công-sức của mình mà tham-gia phát-triển cộng-đồng. Người dân thì bị lao-động không lương theo lối dân-công, phải cung-ứng thêm vật-liệu, phải đóng góp tiền, và chịu đựng các tệ-nạn; đi ra làm việc trễ hơn và phải trở về sớm hơn, cộng với đường đi xa hơn, nên việc sản-xuất cũng như tinh-thần giảm-sút rõ-ràng.
*
Sau ngày Cách-Mạng 1-11-1963, tôi làm Trưởng-Ty Cảnh-Sát Quốc-Gia Tỉnh Quảng-Đức.
Vì Hội-Đồng Quân-Nhân Cách-Mạng, do Trung-Tướng Dương Văn Minh cầm đầu, chưa ổn-định xong tình-hình nội-bộ các tướng và nội-các mới, đâu thể nghĩ gì đến các... Địa-Điểm Dinh-Điền xa-xôi, nên đa-số dân tại nhiều Dinh-Điền tự-động kéo nhau bỏ về quê xưa.
Chính tôi đích-thân đứng ra tại các ngã ba, nhất là Daksong ở Quận Đức-Lập (nơi từ các hướng Kiến-Đức trên Quốc-Lộ 14 và Khiêm-Đức trên Liên-Tỉnh-Lộ 9 thuộc Tỉnh Quảng-Đức nhập vào để lên Ban Mê Thuột, hầu dùng Quốc-Lộ 21 mà về Quốc-Lộ 1 ở Nha-Trang hòng ra Miền Trung) để chận họ lại. Về phương-diện Cảnh-Sát Hành-Chánh, di-chuyển đi xa mà không xin phép, tức là phạm tội gì đó nên phải trốn-tránh sau khi có biến-cố lớn xảy ra, nên tôi cho bắt một số cầm đầu để hỏi lý-do.
Qua cuộc điều-tra & phối-kiểm, tôi biết đại-khái như sau:
Họ là dân gốc các Tỉnh Quảng-Trị, Thừa-Thiên, Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, Bình-Định (phía Bắc Trung-Phần). Trong công-cuộc phát-triển cộng-đồng, cải-tiến dân-sinh, (mục-đích tốt-đẹp) chính-quyền Ngô Đình Diệm đã thực-hiện nhiều chương-trình không phải song-song với nhau mà lại chòng-chéo lên nhau. Thí-dụ:
Phủ Đặc-Ủy Công-Dân-Vụ coi về Phát-Triển Cộng-Đồng, Tổ-Chức Làng Mạc, bằng cách tổ-chức Hội-Đồng Xã, các đoàn-thể nhân-dân (các Hội; các Ban; các Câu-Lạc-Bộ; các Nghiệp-Đoàn, các Hợp-Tác-Xã, các Hiệp-Hội Nông-Dân; các Đoàn Nông-Dân Cách-Mạng Quốc-Gia, Đoàn Thanh-Niên CMQG, Đoàn Phụ-Nữ CMQG, Đoàn Thiếu-Nhi CMQG, Thanh-Niên Cộng-Hòa, Thanh-Nữ Cộng-Hòa, v.v...), huấn-chính (huấn-luyện chính-trị) nhân-dân, phối-hợp với các lực-lượng quân-sự và an-ninh để trấn-an nhân-tâm (riêng tại các tỉnh Miền Trung và Cao-Nguyên thì tham-gia hành-quân tuần-sát, chiến-dịch “Tố Cộng”, Dân-vận, Thượng-vận, v.v...), vận-động nhân-dân đóng-góp, tính đến 1960, là 23,840,320 nhân-công và 144,210,686.00 tiền mặt; huấn-luyện Trưởng Ấp, Liên-Gia-Trưởng, công-dân giáo-dục, chủ-nghĩa Nhân-Vị; tổ-chức meeting, biểu-tình, liên-hoan văn-nghệ; bắn chết, bắt sống, và vận-động cán-bộ VC về đầu-thú; kêu gọi thanh-niên trốn quân-dịch theo VC quay trở về; phát-giác VC nằm vùng và các phần-tử tiếp tay; vận-động nhân-dân khám-phá cơ-sở kinh-tài, tịch-thu vũ-khí của VC; hướng-dẫn nhân-dân lập khu trù-mật, làng kiểu-mẫu; tham-gia quy thôn, quy ấp; sửa chữa nhà cửa, sửa đập, đắp đê, đào mương, làm vườn ương cây, phát thuốc, sửa phòng đọc sách, dựng chòi phát-thanh, kiểm-tra dân-số, tổ-chức Liên-Gia Tương-Trợ; hướng-dẫn nhân-dân trồng-tỉa, chăn-nuôi, làm tiểu-công-nghệ; huấn-luyện cán-bộ Thú-Y, làm chuồng và hướng-dẫn chăn nuôi; tổ-chức các lớp văn-hóa bổ-túc; v.v... nghĩa là dẫm đạp lên các Bộ Nội-Vụ, Quốc-Phòng, Thông-Tin, Quốc-Gia Giáo-Dục, Y-Tế, Lao-Động, Canh-Nông, Công-Chánh và Giao-Thông, Điền-Thổ và Cải-Cách Điền-Địa, v.v... .
Phủ Đặc-Ủy Công-Dân-Vụ cũng dẫm đạp lên cả Phủ Tổng-Ủy Dinh-Điền, Phủ Tổng-Ủy Hợp-Tác-Xã và Nông-Tín, Nha Tổng-Giám-Đốc Xã-Hội, Nha Tổng-Giám-Đốc Thanh-Niên, v.v... là những cơ-quan cũng cùng trực-thuộc Tổng-Thống... .
Đó hẳn là một trong các lý-do chính-yếu tại sao cả loạt Tổng-Trưởng & Bộ-Trưởng do chính Tổng-Thống Ngô Đình Diệm bổ-nhiệm đã xin từ-chức.
Cũng cần ghi thêm là chính Tổng-Thống Ngô Đình Diệm đã đích-thân ngồi trên phi-cơ trực-thăng đi quan-sát địa-thế và dùng ba-tông chỉ vào các nơi mà ông muốn thành-lập Dinh-Điền tức Khu Trù-Mật về sau. Nhưng người thi-hành, thay vì làm dấu tọa-độ chính-xác trên các bản đồ, đã chấm một số khu rừng có nhiều gỗ quý (cẩm-lai, trắc, gụ, v.v...) để cho nhà thầu khai-thác lấy tiền bỏ vào túi riêng.
Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục cũng khai-thác rừng theo kiểu đó. Trong bài “Chín Năm Bên Cạnh Tổng-Thống Ngô Đình Diệm - Mạn đàm với cựu Đổng Lý Quách Tòng Đức”, Ông Lâm Lễ Trinh đã viết: “Về tin đồn Đức cha Thục làm kinh tài (khai thác lâm sản, mua thương xá Tax, làm chủ nhà sách Albert Portail, v.v...), ông Đức cho rằng TT Diệm tin TGM Thục không làm điều gì sai quấy, ngài phải kiếm tiền nuôi sống trường Đại học Đà Lạt do Ngài thành lập.”
*
Trở lại với vụ đồng-bào Dinh-Điền bỏ về làng cũ sau ngày Cách-Mạng 1-11-1963:
Chính-quyền Đệ-Nhất Cộng-Hòa nói chung đã dùng chiêu-bài “Đả-Thực, Bài-Phong, Diệt-Cộng” để đẩy đa-số dân quê vào bước đường cùng: các chức-sắc làng thì là tàn-tích Bảo Đại phong-kiến, mấy cậu học-sinh có bằng “xép-xi, đép-xi” thì là tay-chân của Pháp thực-dân, bà-con họ-hàng gần/xa của các cán-binh Việt-Minh thì là cơ-sở cộng-sản nằm vùng; những kẻ lừng-khừng không chịu sốt-sắng tham-gia “Phong-Trào Cách-Mạng Quốc-Gia” thì là phản-động; và cả thành-phần lè-phè thì bị liệt vào bốn giới “tứ đổ tường” (cờ-bạc, rượu-chè, hút-xách, dâm-ô); đều bị “đấu-tố” liên-miên, qua các buổi meeting, các cuộc biểu-tình, các lớp “học-tập chủ-nghĩa Nhân-Vị, đạo-đức cách-mạng của Ngô Tổng-Thống”, các đợt “Tố Cộng”; để rồi cuối-cùng, nếu không bị giết, thì “được” đưa đi Dinh-Điền (tức là trục-xuất ra khỏi địa-phương, một cách lưu-đày).
Ngẫu-nhiên hầu hết họ là tín-đồ Phật-Giáo. Và nhân cơ-hội gọi là “Phật-Giáo lật đổ Nhà Ngô”, dân các Dinh-Điền Darlac đã ùa theo nhau trở về quê cũ, nên các đương-nhân từ các Địa-Điểm ở Quảng-Đức này cũng kéo nhau đi.
Tôi có báo-cáo lên trên; nhưng Nha CSQG Cao-Nguyên Trung-Phần, nhất là Tổng-Nha CSQG, chắc không nhận được lệnh gì rõ-ràng trong lúc tình-hình toàn-quốc, đặc-biệt Thủ-Đô Sài-Gòn, còn đang căng-thẳng sau cuộc chính-biến, nên không trả lời. Cấp trên của tôi tại chỗ là tỉnh-trưởng thì cũng chẳng thể làm gỉ khác hơn.
Thế là Chương-Trình Dinh-Điền tự-động kết-thúc, không cần lệnh-lạc của ai.
V
Các “Khu Trù-Mật”
Có một số người lẫn-lộn thứ-tự ra đời giữa “Dinh Điền” và “Khu Trù-Mật”. Tôi viết rằng “Khu Trù Mật” có sau “Dinh Điền” vì các lý-do sau đây: Trong cuốn Thành-Tích Sáu Năm (1954-1960) là tài-liệu chính-thức của Đệ-Nhất Cộng-Hòa, nghĩa là tính đến ngày 7-7-1960, không có báo-cáo là đã thành-lập một “Khu Trù Mật” nào cả, mà chỉ nói là đang “tổ-chức các địa-điểm (Dinh-Điền thành-lập từ năm 1957) thành một đơn-vị có thể trở nên về sau một “Khu Trù-Mật” có những khu gia-cư khang trang...” và mãi đến 3 tháng sau, vào ngày 3-10-1960 thì Tổng-Thống Ngô Đình Diệm mới đọc thông-điệp tại Quốc-Hội rằng “Trong số 19 khu trù-mật dự-trù cho năm 1960, 17 khu đã khánh-thành...”
Như trong báo-cáo của Phủ Tổng-Ủy Dinh-Điền đã có nói rõ (trong cuốn “Thành-Tích Sáu Năm Hoạt-Động của Chánh-Phủ Việt Nam Cộng Hòa”, 1960): “Có thể nói trong năm 1957-58, phong-trào di-dân dinh-điền ồ ạt quá, rồn rập quá và gần như không có chuẩn-bị đầy đủ, kết quả có bề rộng mà chưa có bề sâu, thì năm 1959-60 phải nói là công cuộc Dinh-điền đã được thực hiện theo một kế hoạch đã được nghiên cứu rất kỹ càng. Những địa-điểm thành lập hơi vội vàng trong năm đầu đã được lần lần củng cố và cải tiến. Những địa-điểm thành lập trong các năm sau đều đã tiến triển như mong muốn nhờ có thời giờ chuẩn bị, có hoàn cảnh chọn lựa kỹ địa-điểm cũng như di-dân và các cơ cấu của Phủ Tổng-Ủy, sẵn có trớn lại có thêm kinh nghiệm sống trong công-tác, đã hoạt động một cách hữu hiệu.” (trang 22)
Đó là nói về Dinh-Điền, nhưng theo những gì tôi đã tìm hiểu tại chỗ thì đoạn báo-cáo trích trên có thể được “hiểu” và “viết” như sau:
“Trong năm 1957-58, phong-trào di-dân dinh-điền ồ ạt quá, rồn rập quá và gần như không có chuẩn-bị đầy đủ, vì: về địa-điểm thì Trung-Ương chưa chọn đủ nhiều; về quê-quán thì lẫn-lộn cả dân Miền Nam lẫn dân Miền Bắc di-cư; về nghề-nghiệp thì lẫn-lộn nhiều ngành khác nhau; về chính-trị thì lẫn-lộn giới được chính-quyền khen với giới bị chính-quyền chê; về văn-hóa thì lẫn-lộn các tín-ngưỡng khác nhau; v.v... Sau đó, đã được lần lần củng cố và cải tiến: đồng-bào tín-đồ Ky-Tô-Giáo được các linh-mục hướng-dẫn tách riêng; những ai được chính-quyền xem là đã “tốt” rồi cũng được chiếu-cố nhiều hơn; và các tay nghề ngành nào thì được đưa vào cảnh-trí thích-hợp với ngành ấy hơn... nhờ có thời giờ chuẩn bị, có hoàn cảnh chọn lựa kỹ địa-điểm cũng như di-dân và các cơ cấu của Phủ Tổng-Ủy, sẵn có trớn lại có thêm kinh nghiệm sống trong công-tác, đã hoạt động một cách hữu hiệu.”
Cho nên chính-quyền “tổ-chức các địa-điểm (Dinh-Điền) thành một đơn-vị có thể trở nên về sau một Khu Trù-Mật có những khu gia-cư khang trang...” (trang 15).
Như thế chứng-tỏ là “Khu Trù-Mật” “cao cấp” hơn “Địa-Điểm Dinh-Điền” nhờ được chọn lựa kỹ địa-điểm cũng như di-dân. “Khu Trù-Mật” là “Dinh-Điền lý-tưởng” vậy.
Ngay việc đặt tên cũng đã nói lên điều đó: toàn Tỉnh chỉ có một Khu Dinh-Điền bao gồm nhiều Địa-Điểm Dinh-Điền, trong lúc mỗi một địa-điểm như thế trong Tỉnh mà được nâng lên loại-hạng trù-mật thì được gọi là Khu Trù-Mật (mỗi Tỉnh có nhiều Khu Trù Mật).
Kết-quả: kể từ 1960, Chương-Trình “Khu Trù-Mật” ra đời. Theo Thông-Điệp của Tổng-Thống Việt-Nam Cộng-Hòa Ngô Đình Diệm đọc tại Quốc-Hội ngày 3 tháng 10 năm 1960 thì “Trong số 19 khu trù-mật dự-trù cho năm 1960, 17 khu đã khánh-thành...”
Riêng các “Khu Trù-Mật” của đồng-bào Ky-Tô-Giáo La-Mã, do các linh-mục cai-quản thì tiến-triển nhanh và phát-đạt nhất, và còn tồn-tại lâu dài... .
 
VI
Ấp Chiến-Lược
Phủ Tổng-Ủy Dinh-Điền đã được thành-lập từ ngày 23-1-1957, trong lúc Ấp Chiến-Lược” thì phải đợi đến năm 1962 (8 năm sau ngày TT Ngô Đình Diệm chấp-chánh) mới được chính-thức ra đời (như đã nêu trên).
Phủ Tổng-Ủy Dinh-Điền thì trực-thuộc Tổng-Thống, mà lại được nêu trước tiên, trên mọi cơ-quan chính-quyền (và các Khu Dinh Điền ở Tỉnh thì được tự-trị). Còn Ấp Chiến-Lược” thì chỉ là một bộ-phận phụ-thuộc của Bộ Nội-Vụ (và chỉ có một Phòng tại Tòa Hành-Chánh Tỉnh) mà thôi.
Cho nên Ấp Chiến-Lược” không có mặt, nên không đóng góp một chút công-trạng” gì vào các thành-tựu được kể, và chỉ có, vào những năm đầu (1954-1960) của nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa.
*
Vì cả 3 chương-trình đều có di-dân, và mỗi Ấp (Chiến-Lược)” hay Địa-Điểm (Dinh-Điền)” hay Khu (Trù-Mật)” đều có hàng rào kẽm gai và hào hố bao quanh (mặc dù mức-độ, tầm-vóc, và chủ-đích khác nhau), cho nên từ năm 1962 trở đi dân-chúng gọi chung là Ấp Chiến-Lược”.
Và sau 1975 thì Ấp Chiến-Lược” được một số người kể công (ma) trong việc ngăn-chận cộng-sản xâm-lăng”.
*
Thật ra, Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, nhất là Cố-Vấn Ngô Đình Nhu dù là chính-thức công-bố vào năm 1962 nhưng đã âm-thầm bắt đầu khởi-công “Ấp Chiến-Lược” từ cuối năm 1961, và xem nó là “quốc-sách” ‒ công-cụ (biểu-tượng) chủ-chốt của ý-thức-hệ (chủ-nghĩa Nhân Vị) và uy-tín của chế-độ Nhà Ngô, mũi nhọn tác-động cách-mạng chính-trị và văn-hóa, mang lại một sự thay đổi chính-yếu cho bản-chất xã-hội Miền Nam Việt-Nam. Cố-Vấn Ngô Đình Nhu tuyên-bố từ nay chỉ chuyên đích-thân và trực-tiếp lo cho “Ấp Chiến-Lược” mà thôi, đặt hết sự-nghiệp chính-trị vào chương-trình này.
Và khi trả lời Phóng Viên Báo Toronto Globe and Mail, hồi đầu năm 1963 và được in lại trong Nguyệt San Gió Nam, Ông Nhu đã xác định rõ ràng: “Tôi phải nói ngay rằng Chủ Thuyết Nhân Vị của tôi... . Hiện nay cái học thuyết Nhân Vị mà tôi cổ võ là một nền dân chủ đấu tranh trong đó tự do không phải là món quà của Ông Già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh phục bền bỉ và sángsuốt trong đời sống thực tế, không phải trong một khung cảnh lý tưởng mà trong những điều kiện địa lý chính trị đã được định sẵn. Chính cái quan niệm về tự do nầy đã khai mào cho toàn bộ chương trình ACL. Hệ thống Ấp Chiến Lược nầy sẽ làm thay đổi cơ cấu chính trị thượng tầng của chính phủ hiện tại... .” (5-5-1963, tr.68)
Trong bức điện-văn gửi Bộ Ngoại-Giao Hoa-Kỳ vào ngày 19-9-1963, Đại-Sứ Mỹ Cabot Lodge đã kể: “Nhu nói thật nhiều, lập đi lập lại rằng ông ta đã sáng tạo ra các ấp chiến lược, rằng ai cũng bảo, kể cả người Mỹ, rằng ông ta sẽ không làm nổi được đâu, song ông ta vẫn đã làm được” (Nguồn: FRUS, vol. IV, 129).
Mặc dù các tài-liệu của Phương Tây cho thấy là "Ấp Chiến Lược" bắt nguồn từ Anh ở Mã Lai và Mỹ ở Phi Luật Tân, và cả Pháp ở Miền Bắc Việt-Nam, đồng-thời tài-liệu của Phương Đông cũng cho thấy là từ Triều Nguyễn của chính Việt-Nam (Đại Nam Thực Lục đã ghi: Tiểu Phủ Sứ Nguyễn Tấn [1820-1871] đã áp-dụng kế-sách gom dân lập ấp phòng-thủ như thế từ năm 1863 trong việc đánh dẹp thành-công người Mọi Đá Vách ở Tỉnh Quảng-Ngãi), nhưng Ông Ngô Đình Nhu vẫn tự cho là, và tự-hào rằng mình đã sáng tạo ra nó.
Tuy nhiên, nỗ-lực một cách tuyệt-vọng của họ Ngô đã diễn ra trong một hoàn-cảnh ngày càng bất-lợi kể từ sau năm 1960. Trước hết, Đại-Tá (nay là Thiếu-Tướng) Edward G. Lansdale, người khách-tại-gia mà là bảo-trợ-viên vừa là tri-kỷ vừa là ân-nhân của TT Ngô Đình Diệm đã rời khỏi ông từ cuối năm 1956 rồi. Trước đó, phía Mỹ có 2 khuynh-hướng: bình-định bằng sức mạnh Quân-Sự, và bình-định bằng thế mạnh Kinh-Tế. Nhưng cả hai đều liên-quan đến An-Ninh: Quân-Sự để tái-lập An-Ninh, và An-Ninh để phát-triển Kinh-Tế. Lansdale thiên về kinh-tế (bảo-vệ cho dân an-cư lạc-nghiệp thì được lòng dân); Diệm cũng nhắm vào kinh-tế (kiểm-soát để dân không theo Cộng-Sản thì dân trung-thành với mình ‒ cho nên từ năm 1957 đã đốt giai-đoạn, thực-thi chương-trình “Dinh-Điền”). Nhưng giữa Lansdale và Diệm vẫn có một chút bất-đồng (ngoài cái tỷ-lệ phiếu bầu cho Diệm trong cuộc “Trưng Cầu Dân Ý” mà Lansdale gợi ý là nên thấp hơn cho khả-tín hơn, nhưng Diệm không nghe), một chút mà là một trời một vực: cũng cùng một việc cải-tiến dân-sinh mà theo Lansdale thì việc đó làm cho dân quê thấy rằng Diệm yêu-quý dân quê, mà theo Diệm thì việc đó làm cho mọi người thấy rằng dân quê mang ơn Diệm nên tuân-phục Diệm. Lúc đó Mỹ cũng đã có hướng về phản-du-kích-chiến, bình-định nông-thôn, song le viện-trợ Hoa-Kỳ thì vẫn kèm theo đòi-hỏi chính-quyền Đệ-Nhất Cộng-Hòa thực-thi dân-chủ, điều mà Diệm & Nhu vẫn mãi chối-từ. Sau cùng, Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và Cố-Vấn Ngô Đình Nhu quay qua nhờ sự cố-vấn của Sir Robert Thompson, Trưởng Phái-Bộ Anh BRIAM (British Advisory Mission) là nguời chủ-trương sử-dụng tim-óc thay cho bom-đạn, thế nhưng quan-niệm về tim+óc thì vẫn bất-đồng giữa hai bên. Ngoài ra, một mặt thì cộng-sản đã mạnh hơn, một mặt thì đồng-bào đã bất-mãn hơn, trong khi Đồng-Minh Hoa-Kỳ thì lạnh nhạt với Nhà Ngô hơn.
Tôi đã đến thăm ban ngày, cũng như ngang qua ban đêm, một số “Ấp Chiến-Lược”, dọc theo quốc-lộ 14 tại Cao-Nguyên Trung-Phần, từ Tỉnh Darlac xuống Tỉnh Quảng-Đức.
Lý-thuyết, và cả nhìn thấy, thì thật khả-quan. Nhưng Dân Vệ Ấp chận xe xét người qua lại trước đường hơn là đề-phòng du-kích lén lút sau rào; và khi lúa chín, đáng lẽ sáng mai thì dân ra gặt, đêm nay dân phải ở lại trong Ấp, cộng-sản ở ngoài tự-do gặt hớt tay trên. Lính Quận chỉ có một đường đến Ấp; cộng-sản đánh Ấp thì hẳn gài mìn, đào hố, đắp mô, tạo chướng-ngại-vật; lính sợ phục-kích nên không hoặc chậm đến nơi; đến nơi thì sự đã rồi.
Cộng-sản quả thật có bị thiệt-hại, nhưng do các hoạt-động khác, nhất là chiến-dịch “Tố Cộng”, chứ không phải do “Quốc-Sách Ấp Chiến-Lược”, bởi lẽ giản-dị là rừng núi bao-la, ruộng rẫy mênh-mông, cộng-sản lội suối băng đồng, chứ đâu chỉ có đi trên các đường dẫn đến Ấp hay Địa-Điểm hay Khu nào đâu mà bảo là “quốc sách” (chiến-lược) ấy đã chận đường tiến quân của họ từ bưng vào thành, từ Bắc vào Nam. Hơn nữa, người dân vẫn phải ra ngoài (ruộng-đồng, rẫy-rừng) làm việc, dù là ban ngày, thì cũng vẫn bị cộng-sản tiếp-xúc, dò tin, móc nối, thu mua. Một khi cộng-sản đã quyết “nhổ” một “chốt” nào thì họ lập hẳn sa-bàn, tập-dượt kỹ-lưỡng, rồi dùng lực-lượng áp-đảo (người và vũ-khí), hễ đánh là thắng chớp-nhoáng, lính Quận không tiếp-ứng kịp, lương-thực vẫn bị cướp đi, súng-ống lấy được của ta ngày càng làm giàu cho kho vũ-khí của đối-phương.
Tóm lại, “Ấp Chiến-Lược”, dù cho số lượng ít hơn Ấp thật ngoài đời (hằng vạn), nhưng nếu thành-hình sớm hơn thì chúng cũng vẫn sẽ là một dãy tiền-trạm, nếu không tự-vệ thì cũng là một vành đai báo-động, bao quanh các Quận, góp phần không ít cho việc quốc-phòng. Còn “Địa-Điểm Dinh Điền” hay “Khu Trù-Mật” thì lại quá ít (chỉ hơn một trăm), mỗi một đơn-vị đứng riêng một góc, như một ốc-đảo, không đáp-ứng được nhu-cầu đề ra. Trong lúc đó, các Ấp còn lại ngoài đời (hằng vạn) suốt 8 năm qua vẫn là hành-lang giao-liên, thông-tin, tiếp-tế, tuyển-mộ, ẩn-náu, xuất-quân, để địch ngày càng mạnh hơn (họ đã có thể công-khai ra mắt Mặt Trận Giải Phóng từ năm 1960).
Đến khi Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, nhất là Cố-Vấn Ngô Đình Nhu, từ giai-đoạn 2 và giai-đoạn 3 vào năm 1962 (chỉ hơn một trăm Dinh-Điền và Khu Trù-Mật) sực tỉnh mà quay trở xuống lại giai-đoạn 1, muốn dựng cấp-tốc một loạt 8,000 “Ấp Chiến-Lược” cho năm 1962 và 12,000 Ấp cho năm 1963, tổng-cộng 20,000 Ấp (đáng lẽ có thể đã thực-hiện xong, nếu chịu thi-hành giai-đoạn 1 chậm nhất là từ năm 1957). Nhưng dù chỉ cốt có lượng hơn là có phẩm, mãi đến năm sau, cuối năm 1963 mà chỉ mới có hơn 7,000 Ấp (hiện-diện ở trên hình-thức, trong đó chỉ có khoảng 1,500 Ấp là đáng kể thôi), lúc đó thì đã muộn rồi, đã quá muộn rồi.
Trong cuộc họp của Ủy Ban Liên Bộ Đặc-Trách Ấp Chiến-Lược vào ngày 12-4-1963, Cố-Vấn Ngô Đình Nhu đã nhận xét: “Tôi nhận thấy việc tiếp viện cho các ACL bị VC tấn công không được thực hiện đúng mức và kịp thời. Các tỉnh phải liên lạc thường xuyên bằng vô tuyến với các quận để thông báo tin tức cho nhau đề cao cảnh giác, đồng thời cấp quận cũng phải liên lạc luôn luôn với các ACL để hỏi biết tình hình, tin tức, và đốc xuất họ đề cao cảnh giác, nhất là về ban đêm và các ngày nghỉ lễ, chiều thứ bảy, ngày chủ nhật. Thường, tôi thấy các địa phương còn thiếu ý thức cảnh giác, nhất là trong những ngày nghỉ, vì vậy tôi yêu cầu các ông tỉnh trưởng, quận trưởng phải cố gắng làm việc nhiều hơn trong những ngày đó. Nếu cần nghỉ, thì nghỉ vào những ngày khác trong tuần, để tránh qui luật cố định mà địch có thể lợi dụng”.
Năm tháng trôi qua, vào ngày 6-9-1963 Cố-Vấn Ngô Đình Nhu lại triệu tập một cuộc họp của Ủy ban liên bộ đặc trách ấp chiến lược, với nhiều bộ trưởng, tướng lĩnh, do Nhu chủ tọa. Trong cuộc họp này, Nhu đã phiền-trách các tướng tá: “Sau mỗi lần VC tấn công một ấp chiến lược (ACL), tôi yêu cầu các Khu chiến thuật và cấp tỉnh, quận tổ chức hành quân trả đũa tức thời. Vấn đề này tôi đã đề cập nhiều lần nhưng chưa thấy các nơi tích cực thi hành. Nếu ta không hành quân trả đũa, thì đương nhiên ta khuyến khích địch tấn công mạnh các ACL. Tôi cũng nhận thấy bên quân đội không chú trọng nhiều tới việc yểm trợ công tác xây dựng ACL”.
Nguồn: “Intra Ministry Committee for Strategic Hamlets, Douglas Pike Collection: Other Manuscripts, Texas Tech University.
Quân-Đội mà không chú-trọng nhiều đến “Ấp Chiến Lược” thì “quốc sách” ấy hẳn đi về đâu?
(xem Tham-Chiếu 5)


Tham-Chiếu 1:
... Chương Trình Ấp Chiến Lược bị gián đoạn và sau đó bị hủy bỏ qua sắc luật SL.103/SL/CT, giải tán ủy ban đặc trách Ấp Chiến Lược ở trung ương và vùng, do thủ tướng Nguyễn Khánh ký ngày 9 tháng 3-1964. ...”
Nguồn: Từ Điển Chiến Tranh Việt Nam. Nguyễn Kỳ Phong. Garden Grove, CA: Nhà Sách Tự Lực, 2009 (trang 16).
“... 9.3.1964 - Giải tán Ủy-Ban đặc-trách Ấp Chiến Lược, ở Trung-ương và Khu (SL.103/SL/CT) ”
Nguồn: Hai Mươi Năm Qua. Đoàn Thêm. Los Alamitos, CA: Xuân Thu (trang 383)
Trở lên
Tham-Chiếu 2:
Lansdale, Edward
“Chuyên viên chống nội-loạn và du-kích-chiến. Giúp Philippines đánh tan quân cộng-sản Huk, dựng ghế nguyên-thủ cho Tổng-Thống Magsaysay, và từ năm 1954 qua giúp Ngô Đình Diệm. ...”
Nguồn: Việt Nam Niên Biểu, Nhân Vật Chí. Chính Đạo. Houston, Texas: Văn Hóa, 1997 (trang 195)
Lansdale, Edward Geary:
Được Tổng-Thống Elpidio Quirino của Phi-Luật-Tân đích-thân yêu-cầu sung vào Phái-Bộ Quân-Trợ Hoa-Kỳ tại Phi-Luật-Tân để giúp cơ-quan quân-báo của nước này đánh dẹp cộng-sản Hukbalahap (Huks), vào lúc Ramon Magsaysay vừa được cử làm Bộ-Trưởng Quốc-Phòng, và Lansdale được chọn làm sĩ-quan liên-lạc với ông ta. Hai người trở thành bạn thân, cùng đi quan-sát chiến-trường. Lansdale giúp quân-lực Phi triển-khai hoạt-động tâm-lý-chiến, dân-vận, và phục-hoạt tù-binh Huks. Ông đã tạo-dựng cho Magsaysay sau đó trở thành “vị tổng-thống tài-ba nhất” của Phi. Vào năm 1953, Lansdale được chọn là một trong các tay tình-báo giỏi nhất của Hoa-Kỳ để sung vào Phái-Bộ của thiết-tướng (gan lì như sắt thép) Mỹ John W. O'Daniel tại Đông-Dương, (trung-tướng mà tự xuống lon thiếu-tướng cho đúng thủ-tục ngoại-giao để làm) cố-vấn phản-du-kích-chiến cho binh-lực Pháp chống Việt-Minh. Năm 1954, Lansdale được Tổng-Thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đặc-phái trợ-giúp riêng cho Ông Ngô Đình Diệm, với tư-cách Chỉ-Huy-Trưởng “Phái-Bộ Quân-Sự Sài-Gòn” (SMM= Saigon Military Mission), mang danh quân-sự mà nằm ngoài Phái-Bộ Cố-Vấn Viện-Trợ Quân-Sự Mỹ (MAAG) tại Việt-Nam, hoạt-động tình-báo mà nằm ngoài cơ-cấu Tình-Báo CIA tại Việt-Nam, nhận lệnh và báo-cáo trực-tiếp lên Giám-Đốc Tình-Báo Trung-Ương (CIA) Allen Dulles tại Hoa-Kỳ, cấp-tốc đáp nhờ chuyến thủy-phi-cơ đầu tiên nhân bay tuần-thám trên Biển Nam-Hải từ căn-cứ Không-Quân Clark, đến sẵn Sài-Gòn từ cuối tháng 5, trước khi Ông Ngô Đình Diệm từ Pháp về nước (vào ngày 25 tháng 6), bắt tay vào việc bằng cách cuốc bộ hoặc đi xích-lô (trong lúc lính quèn của Pháp thì dùng xe Jeep do Mỹ viện-trợ). Tại Miền Bắc Lansdale áp-dụng chiến-thuật tuyên-truyền đen; ngụy-tạo tài-liệu về tội ác của Việt-Cộng và Hoa-Cộng; phao tin có mấy sư-đoàn lính Tàu đã vượt biên-giới qua cướp-bóc và hiếp-dâm dân ta; in các sách bói đứng tên các nhà chiêm-tinh và lý-số nổi tiếng ở Hà-thành tiên-đoán cộng-sản sẽ thảm-sát lương-dân và Miền Nam sẽ sớm phồn-vinh; đồn miệng là Việt-Minh sắp-sửa đổi tiền khiến đồng bạc “cụ Hồ” mất giá 50%; rỉ tai rằng “Đức Mẹ” đã đi vào Nam khiến số tín-đồ Ky-Tô-Giáo di-cư tăng 300%; dùng chí-nguyện-quân Phi phá-hoại máy-móc và hệ-thống giao-thông trước khi rút lui; tổ-chức các lực-lượng bán-quân-sự nằm vùng sau khi Việt-Minh đến tiếp-thu... .Tại Miền Nam Lansdale giúp loại Tướng Nguyễn Văn Hinh; huấn-luyện quân-đội; móc nối các lãnh-tụ giáo-phái Cao-Đài và Hòa-Hảo về với chính-quyền; cải-tuyển cựu lực-lượng Cao-Đài do Tướng Trình Minh Thế chỉ-huy để đánh dẹp Bình-Xuyên; đặt kế-hoạch cho cuộc Trưng-Cầu Dân-Ý truất-phế Bảo-Đại với mánh-lới “xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”; được TT Ngô Đình Diệm xem là người bạn Mỹ tín-cẩn nhất, mời vào ở chung, tâm-sự cả chuyện tình yêu nam-nữ của mình. Neil Sheehan viết rằng Đệ-Nhất Việt-Nam Cộng-Hòa của Diệm là do Lansdale dựng nên... . Năm 1963, trong bộ tham-mưu của Tổng-Thống Mỹ Kennedy, Lansdale chống lại mưu-toan lật đổ TT Diệm nên bị mất chức.
Nguồn: Edward Geary Lansdale. 1991. In the Midst of Wars. New York: Fordham University Press.
Trở lên
Tham-chiếu 3:
Theo Ông ĐOÀN THÊM
(Cựu Phụ-Tá Đổng-Lý Văn-Phòng Phủ Tổng-Thống Đệ-Nhất Cộng-Hoà):
“3-2-1962.- Thiết lập Ủy-ban Trung-ương đặc-trách Ấp Chiến-lược. Ủy-ban họp mỗi tuần một lần, do Cố Vấn Ngô-đình-Nhu chủ tọa, gồm đa-số các Bộ-trưởng và cao-cấp quân-dân-chính (SL 11/TTP)”
Nguồn: Hai Mươi Năm Qua - Việc từng ngày (1945-1964). Đoàn Thêm. Houston, Texas: Xuân Thu, 1965 (trang 314)
Theo nhà văn CHÍNH ĐẠO
(Tiến-Sĩ Vũ Ngự Chiêu):
“3/2/1962:
*Saigon: Diệm ký nghị định số 11/TTP, tuyên bố quốc sách Ấp Chiến Lược, và thành lập Ủy Ban Liên Bộ đặc trách Ấp Chiến Lược...”
Nguồn: Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 - Tập I-C: 1955-1963. Chính Đạo. Houston, Texas: Văn Hóa, 2000 (trang 241)
Theo Tiến-Sĩ NGUYỄN ĐÌNH TUYẾN
(Cựu giáo-sự Đại-Học Vạn Hạnh và Đà Lạt):
Ngày 22 tháng 3 năm 1962
Hơn 4,000 Ấp Chiến Lược được chính phủ Ngô Đình Diệm công bố thành lập ở Miền Nam Việt Nam. Các ấp chiến lược này được tổ chức theo kiểu mẫu của các làng chống Cộng bên Mã Lai đã giúp Mã Lai thanh toán hiểm họa đỏ...”
Nguồn: Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam 1945-1975. Nguyễn Đình Tuyến. Houston, Texas: Đại Học Đông Nam, 1995 (trang 63)
Ý-Kiến: Tổng-Thống Ngô Đình Diệm (và Cố-Vấn Ngô Đình Nhu) cầm quyền từ 7-7-1954 đến 1-11-1963 (là hơn 9 năm), mà mãi đến năm 1962 (tức là 8 năm sau − cũng là 2 năm sau khi đã bước vào thời-kỳ suy-thoái rõ-rệt của chế-độ từ năm 1960 rồi), mới chịu đem cái "bửu bối" Ấp Chiến-Lược ra mà thi-hành, thì làm sao mà bảo là Ấp Chiến-Lược đã vô-hiệu-hóa được hoạt-động của cộng-sản tại Miền Nam Việt Nam?
Trở lên
Tham-chiếu 4:
Theo Ông NguyỄn HỮu Hanh
(Cựu Cố-Vấn Kinh-Tế, Tài-Chánh của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm;
Cựu Tổng-Giám-Ðốc Ngân-Hàng Quốc-Gia Việt-Nam [1955-1962]):
... Ông (Ngô Đình Diệm) làm việc rất nhiều, cả ngày lẫn đêm, bởi ông chẳng có trò giải trí nào, không chơi môn thể thao nào, không có món tiêu khiển bất cứ kiểu nào. Môn giải trí duy nhất của ông là đi thanh tra các dự án xây dựng mới, các vùng kinh tế mới, các khu định cư mới, những gì mà ông tin rằng ông đã làm vì quyền lợi dân chúng. Bởi vì ông rất nôn nóng nhìn thấy những việc này tiến triển nhanh chóng, nên những viên chức có trách nhiệm thường gian lận và nói dối ông. Một ngày nọ, khi tôi đi thăm vùng đồng bằng sông Cửu Long, dân chúng trong vùng đã chỉ tôi xem những cái cây mới mà viên tỉnh trưởng bắt họ trồng trong một dự án tái định cư để ông Diệm đi thanh sát. Theo lời đề nghị của các bô lão địa phương, người tài xế của tôi đã nhổ thử một cây lên cho tôi xem: đó là một cành cây mới cắt được cắm xuống đất ướt! Ở nông thôn người ta biết tôi rất gần gũi với Tổng thống và tôi dám nói sự thật với ông, vì vậy họ không ngần ngại tiết lộ các trò gian lận và những cuộc trình diễn dỏm của đám tỉnh trưởng và quận trưởng.
Một lần khác tôi tới thăm một vùng kinh tế mới gần Mỹ Tho; tôi nhìn thấy một dãy hàng cây ăn quả dọc lộ có vẻ như sắp chết héo. Tôi dừng xe lại, bước tới coi. Một người nông dân tiến tới phía tôi và hỏi nhỏ tôi có muốn coi mấy cây hay không. Anh ta nhổ lên một cây và đưa cho tôi: đó là một cái cành được cắt khỏi cây và cắm xuống đất. Anh ta lập tức biến mất, rõ ràng sợ bị nhìn thấy nói chuyện với người lạ. Sau này tôi được biết là những việc như vậy xảy ra rất thường xuyên, bởi vì các viên tỉnh trưởng và quận trưởng đều muốn tỏ cho Diệm thấy là họ đã mở mang các dự án mới một cách mau chóng, họ muốn được ông Diệm đánh giá cao, muốn “ghi điểm”, và thăng chức. Tôi nghe nói một lần ông đến thăm một dinh điền mới với một ông trung tá, trách nhiệm về dinh điền này, ông cầm lên xem một cành cây có trái; bỗng nhiên cành cây rơi xuống đất, ông biết là cành cây mới được cắm. Ông quay lại nhìn ông trung tá, mặt ông đỏ bừng; ông hét lên, ông cầm cây ba ton của ông, đánh vào người ông trung tá. Ông này quì xuống lạy xin tha tội, mặt tái mét và nước mắt rưng rưng; vài ngày sau ông trung tá bị cách chức và đày đi nước độc.”
(Trích từ cuốn hồi-ký “Brushing the World Famous” (“Làm việc với các nhân vật danh tiếng thế giới”)
Theo cựu Đại-Tướng CAO VĂN VIÊN
(qua bài viết của Ông Lâm Lễ Trinh):
“LLT: Trong hồi ký “Vietnam. Histoire secrète d'une victoire perdue” (nxb Perrin, Paris, 1986), giám đốc CIA William Colby xác nhận kế hoạch Ấp Chiến Lược, Strategic Hamlets... . Đúng như vậy không?
CVV: Kế hoạch Ấp Chiến Lược là một việc phải làm để tách CS ra khỏi nhân dân, tách cá khỏi nước, như đã từng thí nghiệm tốt ở Mã Lai với tướng Robert Thompson. Tại VN, có những sơ sót trong việc thi hành bởi một số tỉnh trưởng dàn cảnh, để lấy điểm với thượng cấp.
(Trích từ “MẠN ĐÀM VỚI ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊNcủa Lâm Lễ Trinh, ngày 27.1.2006)
Theo Ông Dương hiẾu Nghĩa
(cựu đại-tá - Trong lần diện-kiến Tổng-Thống Ngô Đình Diệm vào đầu tháng 11-1960 trước khi được bổ đi làm Quận-Trưởng Quận Bình-Minh thuộc Tỉnh Vĩnh-Long):
“... Tôi quyết định phải lợi dụng cơ hội duy nhất và hiếm có nầy để thẳng thắn và vắn tắt trình bày những nhận xét của cá nhân tôi về mặt chánh trị, kinh tế, và những điểm bất lợi cho cả chánh phủ lẫn nông dân ở địa phương, đang tạo hậu quả tai hại là sự thất nhơn tâm, vì người dân gặp quá nhiều phiền phức, mất niềm tin vào chánh quyền. Tôi nói:
“Thưa Tổng Thống, các Khu Trù Mật thật sự không có trù mật chút nào. Về phương diện vật chất, người nông dân bị mất đất mất ruộng, đôi khi còn mất cả mùa màng vì phải phá đi sạch sẽ kể cả mồ mả của tổ tiên, cho công tác xây cất Khu Trù Mật, mà không bao giờ được bồi thường thiệt hại. Người dân địa phương còn phải đóng góp công sức và thì giờ vào công tác, mà không bao giờ được trả thù lao (coi như làm xâu). Có trù mật thiệt, nhưng chỉ có trù mật một buổi, vào ngày Tổng Thống xuống khánh thành mà thôi. Trước cả ngàn người dân quê từ các nơi trong tỉnh được huy động về để biến khu đất hoang thành Khu Trù Mật, bằng cách bứng đủ mọi loại cây ăn trái đem về trồng, trang trí, để Tổng Thống và phái đoàn thưởng thức. Có nhiều cây dừa, cau, mới trồng chỉ có một ngày mà đã lên cao hơn 10 thước, đầy trái... Có nhiều cây bưởi “năm roi” của miền Tây mới trồng có một ngày mà có đầy những trái bưởi ngọt “Biên Hòa” vàng ánh, không phải ghép cành mà là ghép trái! Cũng vậy, cam quít trái mùa nhờ kỹ thuật cao “gắn trái ngoài chợ vào”, nên vẫn có trái đỏ cây, đầy vườn, đầy khu... Khu phố chợ vừa mới xây cất xong mấy hôm trưóc, hôm qua còn tạm dùng làm chỗ ngủ cho dân công mà hôm nay có đầy đủ các hiệu chạp phô, tiệm thuốc tây, tiệm thuốc bắc, quán cơm, tiệm cà phê, phòng mạch bác sĩ v.v... từ quận tỉnh mới dọn vào. Ngoài nhà lồng chợ, thì cảnh buôn bán tấp nập. Nhà bảo sanh mới hôm qua còn là phòng họp của ban điều hành buổi lễ khánh thành, mà hôm nay đã có vài người mẹ nằm sanh (không biết từ đâu được đưa đến), giường nệm trắng tinh, tươm tất...
“Mới nhìn qua thì thật là trù mật, nhưng khi Tổng Thống và phái đoàn ra về rồi, thì dân và hàng hóa đâu lại về đó. Vài ngày sau, hoang tàn trở lại với hoang tàn. Cây không trái, lá lìa cành,... cả một màu vàng héo, không còn thấy có một sinh khí nào ở cái khu mà vừa mấy ngày trước đây Tổng Thống và phái đoàn chánh phủ, ngoại giao đoàn... thấy là quá trù mật... Nếu Tổng Thống thật sự muốn thấy cảnh hoang vu vắng vẻ nầy, thì xin Tổng Thống bất thần đi viếng thử bất cứ Khu Trù Mật nào mà Tổng Thống vừa đến khánh thành một hai ngày trước đó.
“Tôi cũng trình bày luôn với Tổng Thống vấn đề an ninh của Khu Trù Mật. Từ ngày khởi công thành lập cho tới ngày khánh thành (và sau đó về lâu về dài an ninh cho một khu đất bỏ hoang) là cả một gánh nặng phí phạm cho lực lượng địa phương. Chính phủ không tranh thủ được nhân tâm của người dân, mà còn phải bị thất nhân tâm hoàn toàn. Người dân quê càng ngày càng xa chánh quyền, như thế thật là không có lợi cho nỗ lực chống cộng....
“... Qua mẩu chuyện nhỏ nầy, cá nhân tôi thấy Tổng Thống Ngô đình Diệm có chịu khó nghe và tìm hiểu tình hình, nhưng lúc nào Tổng Thống cũng có vẻ như bị bưng bít, (nghe thì không nghe được sự thật, thấy thì chỉ thấy toàn là những cảnh được thuộc cấp dàn dựng) lại còn được những người ở chung quanh Tổng Thống cố tình sơn phết cho ông một lớp sơn phong kiến và quan liêu (mà ở bản thân Tổng Thống tôi không thấy có), rất là tai hại cho người lãnh đạo lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, cũng rất có hại cho đất nước nữa. Và tôi nghĩ đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ra cái chết cho Tổng Thống vào ngày 2 tháng 11 năm 1963....”
(Trích từ bài viết “VỀ CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM của Ông Dương Hiếu Nghĩa - Saturday, July 19, 2008 12:33 AM)

AP CHIEN-LUOC
“In 1961 the rapid increase of insurgency in the South Vietnamese countryside led President John F. Kennedy's administration to decide to increase United States support for the Diem regime. Some $US65 million in military equipment and $US136 million in economic aid were delivered that year, and by December 3,200 United States military personnel were in Vietnam. The United States Military Assistance Command, Vietnam (MACV) was formed under the command of General Paul D. Harkins in February 1962. The cornerstone of the counterinsurgency effort was the strategic hamlet program, which called for the consolidation of 14,000 villages of South Vietnam into 11,000 secure hamlets, each with its own houses, schools, wells, and watchtowers. The hamlets were intended to isolate guerrillas from the villages, their source of supplies and information, or, in Maoist terminology, to separate the fish from the sea in which they swim. The program had its problems, however, aside from the frequent attacks on the hamlets by guerrilla units. The self-defense units for the hamlets were often poorly trained, and support from the Army of the Republic of Vietnam ( ARVN) was inadequate. Corruption, favoritism, and the resentment of a growing number of peasants who were forcibly being forced to resettle plagued the program. It was estimated that of the 8,000 hamlets established, only 1,500 were viable.”
Đại Ý:
“Trong năm 1961, cường-độ dấy loạn ở vùng nông-thôn Miền Nam Việt-Nam gia-tăng nhanh chóng đã khiến chính-quyền của Tổng-Thống John K. Kennedy quyết-định gia-tăng yểm-trợ của Hoa Kỳ cho chế-độ Diệm. Khoảng 65 triệu Mỹ-kim quân-dụng và 136 triệu Mỹ-kim kinh-viện đã được chuyển-giao trong năm ấy, và vào tháng chạp thì đã có 3.200 nhân-viên quân-sự tại Việt Nam. Bộ Tư-Lệnh Quân-Trợ Hoa-Kỳ được thành-lập (MAC-V) dưới quyền của Tướng Paul D. Harkins vào tháng 2 năm 1962. Then chốt của nỗ-lực chống khuynh-đảo là Chuơng Trình Ấp Chiến Lược, ra đời để củng-cố 14,000 làng xã Nam Việt-Nam thành 11,000 ấp kiên-cố, trong mỗi ấp đều có nhà cửa, trường học, giếng nước, và tháp canh. Mục-đích của các ấp này là tách rời du-kích ra khỏi các làng, tức nguồn cung-cấp tiếp-tế và tin-tức, hoặc, nói theo ngôn-ngữ của Mao Trạch Đông, là tách cá ra khỏi nước. Tuy nhiên, chương-trình này đã vấp nhiều khuyết-điểm, chưa kể các đơn-vị du-kích vẫn tấn-công vào ấp thường-xuyên. Các bộ-phận tự-vệ trong ấp thường thì không được huấn-luyện chu-đáo, và sự tiếp-viện từ Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa thì không thỏa-đáng. Tệ-nạn tham-nhũng, bè-phái, và lòng oán-hận của dân quê ngày càng gia-tăng, vì họ bị buộc phải rời bỏ xóm làng cũ, đã gây tổn-hại cho chương-trình. Người ta ước-tính là trong số 8,000 ấp đã được dựng lên, chỉ có 1,500 ấp là có thể đứng vững được.”
Nguồn: “The Fall of Ngo Dinh Diem” - http://countrystudies.us/vietnam/27.htm
trở lên

Trở lên


Mời đọc thêm:

Những bài về Ngô Đình Diệm
 Hồng Y Francis Spellman và chiến tranh Việt Nam (Trần Thị Vĩnh Tường)
Ông Ngô Đình Diệm Biết Làm Thơ? (Thanh Thanh)
Ngô Đình Diệm (Lê Xuân Nhuận)
Ấp Chiến Lược (Lê Xuân Nhuận)
Johnson gọi Diệm là “Thằng nhãi” (Lê Xuân Nhuận)
Lại "Chín Năm Bên Cạnh TT Ngô Đình Diệm"! (Lê Xuân Nhuận)
Ông Bà Ngô Đình Nhu Dưới Mắt Người Đời (Lê Xuân Nhuận)
Đọc bài viết của Ông Tôn Thất Thiện (Lê Xuân Nhuận)
Chế Độ Ngô Đình Diệm: Từ Hiến Pháp Phi Dân Chủ... (Nguyễn Kha)
Tôn Thất Thiện: Cần thẩm định lại giá trị của Ông Ngô Đình Diệm & nền Đệ nhứt Cộng Hòa (Tôn Thất Thiện)
Trả lại sự thật cho lịch sử (Vtruong2602)
Vụ Ám Sát Ngô Đình Diệm Và J.F.Kennedy (Phạm Viêm Phương, Mai Sơn dịch)
Về Đề Nghị Xây Tượng Ngô Đình Diệm (Ca Hát)
Cách Mỹ Chọn Đồng Minh Tại Châu Á: Trường Hợp NĐD (Lý Nguyên Diệu)
tt