dimanche 11 novembre 2018

Ðôi điều ít biết về nhà văn Nguyên Vũ và nghe đọc truỵên Vòng Tay Lửa.

Kính mời quý anh chị nghe đọc truỵên Vòng Tay Lửa, phần audio có nhiều bài nhạc lính xưa thật cảm động.
Câu chuyện kể có những giai đọan gắn liền với lịch sử thời Việt Nam Cộng Hòa.
Có lẽ sẽ có một số binh lính ngày xưa sẽ thấy lại sự thật về một lúc nào đó của bản thân mình thời chinh chiến.
Cám ơn tác giả đã post bài và thu âm.
Caroline Thanh Hương


 tt
tt

Mời quý anh chị đọc chút tiểu sử về tác giả Nguyên Vũ, trích từ báo Người Việt.



Ðôi điều ít biết về nhà văn Nguyên Vũ


Du Tử Lê
Ðầu thập niên 1960s, khi chiến sự bắt đầu lan tràn, chính quyền miền Nam VN, đã ban bố chính sách động viên, quân dịch. Vì thế, hầu hết thanh niên thời đó, phải nhập ngũ. Cũng chính vì thế mà, số lượng những người cầm bút cũ cũng như mới mặc áo lính, được ghi nhận là một con số đáng kể.

Sinh hoạt quân đội, chiến tranh, dù muốn hay không cũng là môi trường phong phú, giàu có chất liệu cho những người làm công việc sáng tác ở tất cả mọi lãnh vực; từ thơ, văn tới âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh…


Từ trái qua: Nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nguyên Vũ. (Hình: NHP)
Những cây bút chọn khía cạnh quân đội, chiến tranh làm đề tài chính hoặc, nghiêng nặng về lãnh vực này, được dư luận xếp vào hàng ngũ “những nhà văn quân đội.”
Nhưng không phải nhà văn quân đội nào cũng được người đọc đón nhận, như một tác giả nổi tiếng. Có số lượng sách tiêu thụ lớn.
Số nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm Văn Bình, hay Linh Phương… Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện Tình Buồn,” và “Mười Hai Tháng Anh Ði”; Linh Phương với “Kỷ Vật Cho Em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Ðào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú… Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
Theo nhà báo Ngọc Hoài Phương, hiện cư ngụ tại miền Nam California thì, những bài viết đầu tiên của Nguyên Vũ xuất hiện trên báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện, năm 1965.
Thời gian đó, nhà báo Ngọc Hoài Phương, tuy còn rất trẻ nhưng được chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện chọn vào vai trò phụ tá tổng thư ký tòa soạn, kiêm nhiệm trang văn nghệ; sau khi các nhà báo đàn anh như Sao Biển, Tâm Chung từ chối nhận lãnh trách nhiệm này.
Theo lời kể của nhà báo Ngọc Hoài Phương thì, thời gian đó, Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu là sĩ quan pháo binh, trú đóng ở miền Tây.
Thoạt đầu, Ngọc Hoài Phương khuyến khích họ Vũ viết về đời pháo thủ của mình, để Ngọc Hoài Phương lấy tiền nhuận bút, cho bạn tiêu vặt trong những lần về phép Sài Gòn.
Không ngờ, loạt bài của Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt.
“Ðược cái Nguyên Vũ viết rất nhanh,” Ngọc Hoài Phương kể.
“Buổi tối anh em đi chơi, ăn nhậu với nhau tới khuya mới giải tán. Về nhà, họ Vũ có thể viết tới sáng. Vì thế, sau mỗi tuần về phép Saigon, trước khi trở lại đơn vị, bao giờ Nguyên Vũ cũng gửi lại tòa soạn Thời Luận số bài đủ để ‘đi’ cả một tháng. Nhờ thế mà tòa soạn rất yên tâm về loạt bài của Nguyên Vũ. Nghĩa là người phụ trách là tôi, không phải lâu lâu lại nhắn tin ‘…Hết bài rồi. Gửi bài gấp…’ như từng xẩy ra với nhiều nhà văn viết feuilleton khác.” Nhà báo Ngọc Hoài Phương nhấn mạnh.
Vẫn theo lời kể của Ngọc Hoài Phương thì ông không nhớ nhà văn Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu cộng tác với báo Thời Luận bao lâu? Ông chỉ biết sau một thời gian ngắn, tên tuổi họ Vũ nổi tiếng khắp nơi, nên Nguyên Vũ được nhiều báo Sài Gòn thời đó, mời viết feuilleton cho họ. Và, cũng vì thế mà Nguyên Vũ không còn thì giờ viết cho Thời Luận nữa.
Trong loạt bài chủ đề “Văn Học Miền Nam,” nhà văn Nhị Linh đã viết về Nguyên Vũ, một đoạn ngắn, với các chi tiết, như sau:
“Trước 1975, Nguyên Vũ là tác giả của nhiều tác phẩm về cuộc đời lính.
“Sinh năm 1942 ở Hải Dương, Nguyên Vũ (tên thật Vũ Ngự Chiêu) học khóa 16 Thủ Ðức, sau khi tốt nghiệp trở thành lính pháo binh.
“Sau 1975, Vũ Ngự Chiêu học tiếp ở Mỹ, lấy bằng tiến sĩ sử học, viết nhiều công trình sử học bằng tên thật và bút danh Chính Ðạo.”
Về một số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyên Vũ, được Nhị Linh liệt kê gồm có:
“Ðời Pháo Thủ (ký sự chiến trường) do Chọn Lọc in năm 1967 là một tác phẩm thuộc giai đoạn sớm của nhà văn Nguyên Vũ.
“Thềm Ðịa Ngục do Ðại Ngã in năm 1969, cũng có nhiều chi tiết liên quan đến pháo binh, mặc dù nhân vật chính thuộc biệt động quân đang chịu án do tội ‘đào binh’ phải đi làm ‘lao công’…”
Phần tư liệu trong bài viết của mình, nhà văn Nhị Linh cũng chụp lại bìa một số tiểu thuyết của Nguyên Vũ, như “Uyên Buồn, Nguyệt Thực, Bóng Tối Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang, Sau Cơn Mộng Dữ, Lửa Mù, Ðêm Hưu Chiến, Mồ Hôi Mũ Ðỏ, Vòng Tay Lửa (tập một)”… (2)
Mặt khác, vì trên mạng có quá ít tư liệu về nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, nên một độc giả đã gửi câu hỏi đại ý “Nguyên Vũ là ai” cho trang mạng Wikipedia-Mở. Và trang mạng này chọn một câu trả lời tương đối đầy đủ nhất của độc giả Tường Vi Trắng, cách đây 7 năm, nguyên văn như sau:
“Câu trả lời hay nhất: Chính Ðạo là một trong hai bút danh của Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975. Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QLVNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp tiến sĩ Sử tại Ðại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại Ðại Học Houston năm 1999.
“Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có “Ðời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Ðịa Ngục (truyện), Ðêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Ðêm Da Vàng (trường thiên), v.v… Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Ðổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Ðỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.
“Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Ðạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945) gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Ðạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.
“Ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (1945-1975) tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963); Từ Ðiện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Ðại; Mùa Phật Ðản đẫm máu (1963); và ‘Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long.
“Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của một số người. Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Ðó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó.” Nguồn: http://www.geocities.com/docsu17/noichuy
(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:
(1) Ðược biết, cũng như bài “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” của Vũ Hữu Ðịnh, bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của Linh Phương do thi sĩ Trần Dạ Từ đưa cho cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, sau khi hai bài thơ vừa kể, đã được đăng trên một tờ báo do ông phụ trách.
(2) Nguồn Wikipedia-Mở



Những góc khuất của người lính trong văn xuôi Nguyên Vũ
Nguồn:nguoiviet.com – Friday, September 11, 2015
Du Tử Lê
(Tiếp theo và hết)
Sau một thời gian, thấy công trình tim, óc của mình bị các nhà xuất bản “bóc lột” một cách quá tay, nhà văn Nguyên Vũ (một trong vài nhà văn thuộc 20 năm VHNT miền Nam, có số lượng sách tiêu thụ lớn nhất – tính chung cho cả nhà văn gốc quân đội và dân sự); họ Vũ đã thành lập nhà xuất bản Ðại Ngã để tự in sách của mình, cũng như của bằng hữu (3).
doi dieu it biet2
Nhà văn Nguyên Vũ. (Hình: Bìa sách “Xuân Buồn Thảm”)
Ðiều đáng nói là ấn phẩm của họ Vũ mang tên nhà Ðại Ngã, bao giờ cũng cao hơn những ấn phẩm cùng loại, cùng số trang (độ dày) của các nhà XB khác, từ 10 tới 15%.
Lại nữa, phần trăm mà nhà Ðại Ngã để cho các nhà phát hành cũng ít hơn thông lệ…
Thế nhưng hầu như nhà phát hành hoặc nhà sách nào, cũng phải “order” ấn phẩm của Nguyên Vũ, vì nhu cầu của độc giả toàn quốc khá lớn.
Có thể có nhiều lý giải khác nhau về sự kiện họ Vũ là một trong vài nhà văn có số lượng sách tiêu thụ cao nhất miền Nam, giai đoạn 1954-1975.
Riêng tôi, tôi nghĩ, tuy thời điểm đó, chúng ta có khá nhiều nhà văn viết về đời sống, sinh hoạt của người lính… Nhưng tuyệt nhiên, người đọc không thể tìm thấy hình ảnh người lính trong tiểu thuyết, bút ký Nguyên Vũ là những hình ảnh cường điệu, kiểu “lính hào hoa,” “lính đa tình” hoặc, hình ảnh người lính như những “hoàng tử” trong tâm tư các em gái hậu phương. Những cường điệu, những phấn son tô hồng đó, hoàn toàn trái ngược với đời thực của người lính, trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc mà, cam khổ vốn là thuộc từ người lính phải kinh qua…
Tôi muốn nói, người lính trong văn xuôi họ Vũ, dù cấp bậc nào, cũng là một người bình thường, với những bi phẫn của đời lính chiến. Bút lực hay ý thức vai trò nhà văn của họ Vũ, đã soi rọi vào những góc khuất buồn, vui, nhục nhằn của đời lính – – Tựa đó là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng dẫn đường hoặc, trách nhiệm, tâm thái văn trước nhiễu nhương, tang tóc của tổ quốc.
Nếu không kể Phụ Bản là 3 bài thơ của họ Vũ, có tên chung: “Những bài ca buồn đời lưu dân,” (thì,) ngay chương thứ nhất, tiểu tựa “Ói Máu,” ghi Quy Nhơn ngày 31 tháng 3,1975, tác giả đã tâm sự:
“…Tôi cũng hiểu mình chỉ là, và chỉ muốn là, một nhà văn. Tôi không hề có tham vọng chính trị. Nhưng nhà văn, theo tôi, không thể tự cô lập trong thế giới chữ nghĩa riêng mình. Con dân một nước chậm tiến, nơi những con triều văn minh kỹ nghệ Tây Phương mới chỉ phá vỡ thế giá cũ nhưng chưa đủ sức tạo dựng những khuôn thước mới, nơi những kẻ cai trị thường nhìn những người cầm bút như bầy chó dại, như loài chuột mang vi trùng dịch hạch, một nhà văn dường phải đảm nhiệm vai trò người giác đấu, một Promotheus đánh cắp lửa trời, mang ánh sáng xuống trần gian. Mỗi chữ, mỗi câu là nỗi vinh quang và hổ nhục của những phấn đấu không ngừng nghỉ trong sứ nhiệm phục hồi quyền chức con người mà đã nhiều thế kỷ, dân tộc Việt bị tước đoạt…” (Xuân Buồn Thảm, tr. 23) (4)
Những dòng chữ trên, được họ Vũ viết trong “Những ngày cuối cùng của Nam Việt Nam,” đầy hỗn loạn, xáo trộn với những thủ đoạn, bắt bớ, thanh toán, trừ khử với nhiều lý do từ nhiều phía trong cơn hấp hối, giữa tâm bão thời thế cực kỳ hiểm nguy này. Dù được cảnh báo, can ngăn từ bằng hữu (và cả từ cha, anh), nhưng tư cách, lương tri nhà văn đã không cho phép họ Vũ đi tìm cho cá nhân mình, một nơi chốn ẩn núp an toàn!
Trong phần “bạt” cuối sách, những con chữ tươm, đẫm ưu tư của họ Vũ về một giai đoạn lịch sử, đất nước, con người, cũng được ông ghi lại, như những hồi chuông, hoặc những nén nhang tâm tưởng, thắp lên, một lần nữa, cho đồng bào (hay đất nước của mình?).
doi dieu it biet 3
Sách của nhà văn Nguyên Vũ. (Hình Nhị Linh)
Tác giả viết:
“… Mười năm… Mùa Ðông thứ mười giữa lòng Paris, đọc và nhuận sắc những điều đã viết mười năm xưa trước khi trao cho nhà xuất bản tập bút ký Xuân Buồn Thảm này. Những cảnh, những người, những tâm động của một khoảng thời không vỡ tim, nát óc còn kích xúc lên hệ não những bồng bềnh, chếnh choáng của cơn mộng dữ. Và rồi, như trong cơn địa chấn, như phiên chợ ma, như ngày đại hội của những vong hồn uổng tử – trong tôi – nghiêng đảo tiếng pháo bom cầy nát ruộng đồng, làng mạc; ngạo nghễ nhẩy mứa những ngọn lửa hồng, những cuộn khói xám chì mờ phủ mục tiêu, những thây ma vỡ nát, phình trương, chết đủ cách, đủ kiểu. Trong tôi, gợn lạnh tiếng thét rú thê lương của những kẻ bất đắc kỳ tử giữa trận tuyến, hay được khéo léo ngụy trang, che lấp bằng bản nhạc quân hành, những bản cải lương mùi mẫn từ những chiếc loa phóng thanh của một trại cải tạo hay một trại giam cứu. Trong tôi, chập chờn nghiêng đảo những khuôn mặt phính tròn, dư thừa da thịt và lạc thú, nhói buốt những tiếng cười khả ố của bầy quạ ưng chiến tranh nơi trà đình, tửu quán, công viên hay dinh thự. Trong tôi, khảm khắc xuống thật sâu những nếp nhăn khắc nghiệt của thời gian và cơ khổ trên khuôn mặt của ông lão 70 đang oằn run dưới gánh củi độ nhật trưa nắng cháy thung lũng Quế Sơn; khô cằn rễ khoai, rễ sắn cứng như đay gai giữa hàm răng sữa của đứa cháu Nông Sơn vừa dứt vú mẹ. Trong tôi, hình ảnh những con tàu địa ngục vượt Thái Bình Dương mùa Xuân năm nào, những hình ảnh rũ mỏi, tả tơi trên những con lộ máu dẫn từ cao nguyên về hướng biển, từ Quảng Trị, Thừa Thiên đổ vào hay Quảng Tín kéo ra Ðà Nẵng, những kinh hoàng thô bạo của bầy thú điên trên những tầu, thuyền ‘tìm tự do.’ Trong tôi, như lửa bốc, như gió cuồng, như mật đắng…” (Xuân Buồn Thảm, tr. 195, 196).
Ở chương chót của “Xuân Buồn Thảm,” chương thứ 11, tiểu tựa “Ra Khơi,” ghi Côn Sơn ngày 28 tháng 4, 1975, họ Vũ viết:
“H. vụng về đưa tay chấm nước mắt. Một khoảng im lặng não nề nhẹ giăng xuống, đong đưa những giọt sương giá lạnh đã tám năm qua vây phủ bóng dáng H. trong tâm tưởng tôi.
“- Chắc là khó gặp lại H. – Tôi đứng lên, đốt thuốc. Những ngón tay run nhẹ: –
Mong vui vẻ bên đó.
“- Ngồi thêm chút nữa đã.
“H. nói, mặt nhìn về căn nhà mát của Thiệu, đã được tạm sử dụng làm nơi ngủ đỗ cho hơn trăm gia đình Sư Ðoàn 5 Không Quân. Tôi thở dài, định nói ngồi thêm bao lâu cũng chẳng thay đổi được gì.Tôi phải trở về đó, nơi gia đình tôi và bằng hữu đang chờ đợi. Nhưng cũng không thể giấu mặt chính mình những quyến luyến, bịn rịn không rời. Vì chỉ đôi, ba phút nữa, khi tôi rời bỏ góc vườn tối tăm, ngổn ngang những thân gỗ ẩm lạnh hơi sương này, tất cả chỉ còn là sương khói, là hư ảnh – – những kỷ niệm, những tháng năm mòn mỏi khắc khoải, trong một cuộc chơi thường được gọi là tình yêu giữa thời đại loạn…” (Mùa Xuân Buồn Thảm, tr. 176, 177) (5)
Tác giả chia tay với cuộc tình có tới 8 năm gắn bó với H., theo tôi, cũng có thể hiểu, đấy cũng chính là sự chia tay của một tấm lòng, một trái tim của một nhà văn, với một đất nước!
Ðó là đất nước hay, tổ quốc của nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, qua những trang viết gần như nhật ký, những ngày cuối cùng của miền Nam vậy.
Chú thích:
(3) Một số tác phẩm đầu tiên của nhà văn Phan Nhật Nam, do nhà Ðại Ngã XB, trước tháng 4, 1975.
(4) Ðoạn văn in chữ nghiêng theo nguyên bản.
(5) “Xuân Buồn Thảm” tái bản lần thứ nhất, bởi nhà xuất bản Văn Hóa, Houston, TX, 1992.
……………………………………………………………………….
Điểm, Sơ Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt (1975- 12015) quyển 2
Nguồn: vietbao.com -12/09/2015
Đặng Phú Phong

Đọc truyện ngắn của Lê Đức Luận.

Có những chuyện kể cười ra nước mắt đấy các anh chị ạ.
Kính mời quý anh chị đọc một bài viết rất cảm động của tác giả Lê Đức Luận.
Caroline Thanh Hương
Résultat de recherche d'images pour "số trời"


Số Ở Nhà “Công Thự” – Lê Đức Luận

November 8, 2018 |
Hai Búng vào nhà dưỡng lão hơn bốn tháng nay, thường xuyên gọi điện thoại cho tôi – cà kê đủ thứ chuyện ở viện dưỡng lão và bao giờ cũng kết thúc bằng một câu rất thuyết phục: “Mầy lên xem cơ ngơi mới của tao – Thiên đàng nếu có, cũng đến thế là cùng”. Tôi nghe mê tơi, cũng muốn xin vào Viện Dưỡng Lão …
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng – Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết – quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông… Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy – Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hắn căn dặn thêm: “Đến Búng, hỏi tên tao thì ít người biết mà hỏi “Cậu Hai Phạm” thì ai cũng biết – Muốn tìm đến nhà thì hỏi “nhà ông Thầy Năm Tử Vi” thì sẽ ra ngay”.
Có lần tôi hỏi hắn:
– Tại sao mày lớn lên ở đây mà ít người biết tên thật Phạm Bình Nhâm, chắc mày muốn giấu tên để người ta gọi “Cậu Hai Phạm” cho oai?
Hắn giải thích:
– Không phải vậy mà do phong tục miền Nam – người ta thường xem cá tính, hình dạng, rồi lấy thứ bậc trong gia đình ghép vào thành tên gọi như: Hai Lúa, Ba Cao …một cách gọi cho gần gũi thân thương. Còn tao, vì hay ăn nói bổ bả, đôi khi làm thơ, đặt vè tố cáo, châm biếm mấy thằng bê bối, ức hiếp dân lành, nên chúng ghét, tìm cách vu cáo: Phạm lỗi này, tội kia … Nhưng chúng chẳng làm gì được tao, chỉ gọi “thằng Hai Phạm”- tức là hay phạm lỗi cho bỏ ghét – riết rồi dân trong làng nghe quen tai, họ gọi tao “cậu Hai Phạm”.
Hôm tôi đến thăm Hai Búng – xem căn phòng rộng khoảng mười mấy mét vuông, kê một chiếc giường đơn và một cái tủ nhỏ đã thấy chật – “Cơ ngơi” ấy làm sao so sánh được với ngôi nhà ngói cổ ba gian, hai chái, rộng thênh thang, lúc nào cũng mát rượi … nằm giữa một vườn cây ăn trái hơn năm mẫu của cha ông bao đời vun đắp ở gần chợ Búng mà Hai Búng sẽ là người thừa kế. Vậy mà bây giờ Hai Búng kêu tôi tới xem cái “cơ ngơi” này với lời ca tụng: “Thiên đàng nếu có, cũng đến thế là cùng”. Có lẽ Hai Búng đã “ngộ” được lẽ sống ở đời rồi chăng…?
Nhớ lần đầu tiên Hai Búng đưa tôi về nhà ở chơi mấy ngày trong dịp nghỉ phép sau khi diễn hành ngày Quân Lực -19-6 năm 1967 ở Saigon. Khi trở lại Đà Lạt học năm chót, vùng đất trù phú này với những vườn cây trái êm đềm và sự nhân hậu, chân tình của của cha mẹ Hai Búng, biểu lộ đức tính hiền hòa, mộc mạc của người miền Nam, đã làm tôi lưu luyến … Vì vậy, khi ra trường tôi chọn Sư Đoàn 5 BB, vùng hoạt động gồm ba tinh Bình Dương, Bình Long, Phước Long (danh từ quân sự gọi: Khu 32 Chiến Thuật) – căn cứ đóng ở Lai Khê, chỉ cách Búng hơn 15 cây số. Còn Hai Búng chọn Biệt Động Quân – rày đây mai đó, rất ít khi được về thăm nhà.
Khi đơn vị nghỉ dưỡng quân hay được nghỉ phép vài ba ngày, tôi thường ghé thăm ông bà thân sinh của Hai Búng. Ông Bà rất mừng … Sự hiện diện của tôi, mẹ Hai Búng hình dung ra bóng dáng đứa con trai yêu dấu – thằng Nhâm. Còn tôi, qua hình dáng của bà gợi cho tôi nhớ về người mẹ thân yêu ở tận ngoài Trung – xa lắc . Sự tương giao đó đã tạo nên mối thâm tình và tôi được xem như một thành viên trong gia đình Hai Búng.
Mỗi lần Hai Búng về phép, tôi cũng xin nghỉ phép vài ngày về chơi với Hai Búng, nếu đơn vị không bận hành quân. Gặp nhau, hai đứa tán đủ thứ chuyện: Ngoài chuyện gian nguy ở chiến trường, chuyện tình yêu, chúng tôi hay nói đến sự phi lý của một cuộc chiến tranh không cần thiết, về nỗi buồn và bất hạnh trong chiến tranh. Đôi khi hai đứa ngồi im lặng hằng giờ, nhâm nhi ly rượu nếp than (do mẹ Hai Búng nấu) nơi chiếc bàn đá sau vườn, nhìn những đàn chim bay về tổ, ríu rít tiếng kêu gọi đàn khi nắng chiều sắp tắt mà mơ về một ngày thanh bình – một ngày giã từ vũ khí.
Có lần tôi nói với Hai Búng:
– Một mai hết chiến tranh, mầy về đây vui hưởng thú điền viên như Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa: “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu” và sẽ sống: “Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp / Trong thú yên hà mặc tỉnh say”…
Hai Búng thẩn thờ:
– Số tao không được như vậy. Ông già tao xem số tử vi, bảo rằng: Cung Điền Trạch của tao có chính tinh miếu vượng mà gặp tuần triệt nên khó được thừa kế tài sản của tổ tiên, nhưng lại có các sao Thiên Khôi, Thiên Việt, Hóa Lộc, Hóa Quyền chiếu mạng nên sẽ sống ở khu vực có nhiều cơ quan, nhiều bạn bè, người phú quý lui tới … Vậy là chỉ ở trong “công thự”?
– Công thự là nơi ăn ở, làm việc của mấy quan to, cấp cho những người có danh phận, làm gì đến phiên mày?
Hai Búng giải thích:
-Sang thì công thự mà hèn thì chung cư, trại gia binh, nghĩa là lá số cho thấy tao sẽ không có nhà riêng.
Tôi không hiểu nhiều về khoa tử vi và cũng không mấy tin vào lá số, nhưng khi nghe Hai Búng nói vậy, tôi không có ý kiến, vì ông già Hai Búng giỏi về khoa tử vi và rất nổi tiếng – trong nhà lúc nào cũng đông khách đến nhờ xem tử vi, đa số là người Saigòn. Bởi vậy tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện:
– Chờ xem!
Ngày tháng trôi qua, cuộc chiến mỗi ngày thêm ác liệt, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Khi cuôc chiến sắp tàn, tôi được tin Hai Búng bị thương nặng trong trận đánh ở Xuân Lộc, đang điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, nhưng không thể rời đơn vị để về thăm.
Sau đó bao nhiêu biến cố dồn dập, tôi không liên lạc được với Hai Búng trong một thời gian dài. Rồi một hôm vào khoảng tháng Giêng năm 1979, hai đứa gặp nhau ở một nơi cách xa chợ Búng cả ngàn cây số – Trại tù K5 – Tân Lập Vĩnh Phú, trên vùng Trung du Việt Bắc.
Tôi nhớ mãi lần gặp gỡ buổi trưa hôm ấy: Mừng mừng … tủi tủi… Hai Búng đặt bàn tay gầy guộc lên bờ vai xương xẩu của tôi, run run khẽ nói:
– Mầy vẫn còn sống?
Lẽ ra tôi phải nói những lời ân cần, hỏi han sức khỏe tôi lại buông một câu lãng xẹt: “Trại mày ở đẹp à nghen – tường gạch, mái ngói, giống như …”
Tôi chưa nói hết câu, Hai Búng cười ngấc ngưởng, ngắt lời:
– Giống như “công thự”? Số tao ở nhà “công thự” mà mầy.
Tôi định chen vào để chữa lời nói lãng xẹt vừa rồi: “Tường cao, cửa sắt kiên cố thế kia thì đám tù hết phương trốn thoát, chứ đẹp cái nỗi gì?”. Nhưng Hai búng cứ nói miết:
-Có cổng tam quan, có thằng đứng gác ngày đêm cho mình ngủ (Hai Búng hạ giọng nhìn quanh, sợ bọn ăn-ten nghe lén) – chỉ khác thời trước là mình ra, vào cổng hắn không bắt súng chào.
Hai Búng cười khùng khục, rồi tiếp:
-Nhưng “công thự” này không đồ sộ bằng cái “công thự” đầu tiên tao được ở.
-Ở đâu? Tôi hỏi.
-Khám Chí Hòa. Hai Búng trả lời.
Tôi thắc mắc hỏi tiếp:
– Làm sao mày lại vô khám Chí Hòa?
Hai Búng vừa nói vừa kéo tôi vào chỗ bóng mát dưới gốc cây bàng:
– Chuyện dài như tiểu thuyết – Trận Xuân Lộc bắt đầu ngày 9-4-1975, Liên Đoàn 7 BĐQ của tao phối hợp với Trung Đoàn 48 của SĐ18 BB phòng thủ từ núi Chứa Chan, Giá Rai đến Xuân Lộc. Bốn ngày sau, ngày 13-4-1975 tao bị thương khá nặng, được trực thăng bốc về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Đang nằm điều trị trong bệnh viện, nghe bản tin buổi sáng ngày 30-4 trên radio: Dương Văn Minh ra lịnh quân đội VNCH buông súng – chờ bàn giao” – Tao khóc!
– Tao không thể nào quên được nổi thê thảm của những thương binh VNCH bị đuổi ra khỏi nơi điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa vào ngày 1-5 – trong đó có tao. Đau thương, uất hận lắng vào tiềm thức, có lúc trổi dậy, khiến thơ, vè trong tao trào ra. Thế là chúng gán cho cái tội “biệt kích văn nghệ”, tống tao vào khám Chí Hòa.
– Hơn 5 tháng nằm trong cái “công thự” này, chúng điều tra tới, điều tra lui, nhưng thơ, vè của tao chỉ truyền khẩu, không có bằng chứng cụ thể. Môt hôm chúng đưa tao lên văn phòng gặp Vũ Hạnh, chắc là để tên này nhận diện. Tao biết hắn, nhưng hắn đâu biết tao là ai. Hắn hỏi mấy câu: “Bút hiệu của anh là gì? – Anh đã có bao nhiêu tác phẩm đã xuất bản”. Tao trả lời: “Tôi làm gì có bút hiệu, có tác phẩm – Anh hỏi thế là cho tôi lên mây rồi”. Chúng thấy tao chẳng có tên tuổi gì trong giới nhà văn, nhà báo mà chỉ là thằng “phất phơ miệt vườn”, nên chúng chuyển tao vào trại Suối Máu (Biên Hòa). Tháng 7 năm 1977 chúng tống tao xuống tàu đưa ra đây.
– Thôi chuyện còn dài, sắp tới giờ lao động rồi, mầy ở đây chờ tao, tao có chút quà cho mầy, tao mới được thăm nuôi.
– Ông Bà cụ ra đây thăm mầy?
– Không – “người ơn”- Ông Bà già yếu lắm rồi.
– “Người ơn” hay người yêu?
-Chuyên dài như tiểu thuyết. Có dịp tao sẽ kể cho nghe.
Cuối năm 1981, tôi và Hai Búng được thả cùng ngày từ trại tù Tân Lập – Vĩnh Phú. Trên chuyến tàu xuôi Nam, Hai Búng kể tôi nghe về “người ơn” của hắn. Hắn thẩn thờ nhìn qua khung cửa toa tàu, và với một giọng trầm buồn, hắn bắt đầu câu chuyện:
-“Khi nghe loa phóng thanh phát ra, cứ khoảng nửa giờ một lần: “tất cả thương bệnh binh phải rời khỏi nơi đây trong ngày hôm nay” (ngày 1-5-1975). Lúc bấy giờ người cụt tay dìu kẻ què chân, khập khiễng với đôi nạng gỗ, xiêu vẹo từng bước đi về hướng cổng bệnh viện, nước mắt lưng tròng…Còn những người cụt cả hai chân hay hai chân bó bột ngay đơ không thể lê bước như tao thì anh em đỡ ra khỏi giường, đặt xuống sàn nhà và nói vài câu an ủi: “Rán lết ra ngoài rồi sẽ có người giúp đỡ, tụi tôi không biết làm sao hơn được”- Họ tiếp tục ra đi…
“Những anh em cụt cả hai chân, họ chống hai bàn tay xuống đất lấy thế nhấc người lết tới, mỗi lần cũng được vài ba gang tay; máu mủ, cát bụi bầy nhầy dính trên bông băng tơi tả – không có ngôn từ nào diễn tả hết nỗi thương đau. Còn tao, hai chân bó bột, không đứng lên được, cũng bắt chước làm theo thao tác ấy để ra khỏi khu nhà hồi sức.
“Con người khi đứng trước lằn ranh sinh tử, bản năng sinh tồn được vực dậy và khi sự khổ đau đến tột cùng, con người hướng sẽ về ân sủng thiêng liêng – Tao cầu xin Đức Mẹ Maria và tiếp tục lết ra cổng. Bỗng từ xa có tiếng gọi, rồi một người con gái chạy đến ôm tao. Nàng khóc nức nở: – “làm sao ra nông nổi thế này hở anh?”. Lúc đó sự sống hình như được điều khiển bởi bản năng, tao không còn nhớ rõ làm sao nàng đưa tao vào chiếc taxi đậu trước công bệnh viện. Nàng đỡ tao ngồi bênh cạnh, khẻ nói: – “Em đưa anh về nhà em, rồi sẽ tính sau”. Tao bừng tỉnh nói với nàng: – “Nhà tôi ở gần chợ Búng, nếu có thể được, cô cho về đó với mẹ tôi”. Nàng quay qua hỏi người tài xế taxi, anh ta đồng ý. Khi xe lăn bánh, tao nhìn lại phía sau cánh cổng bệnh viện khép hờ, còn nhiều thương binh đang bò lếch ra cửa – tao bật khóc…và hỏi bâng quơ: “Đêm nay họ về đâu, rồi ngày mai sẽ ra sao?”. Nàng cũng khóc và vỗ về: “Biết làm sao bây giờ – cầu xin Chúa đoái thương”. Đêm hôm ấy nàng ở lại với tao, sáng hôm sau nàng về và hẹn sẽ lên thăm. Cha mẹ tao đưa nàng ra chợ Búng, đón xe cho nàng về Sài Gòn.
“Nàng là ai? – chắc mầy đang nóng lòng muốn biết? Hắn hỏi, nhưng không đợi tôi trả lời, tiếp tục kể: – Nàng là y tá chăm sóc khoảng 20 thương binh dãy nhà A, nơi tao đang nằm điều trị. Nàng không có nét đẹp kiêu sa để người ta chiêm ngưỡng mà nàng có “đôi mắt biết nói”, trên môi như luôn sẵn nụ cười duyên dáng và đặc biệt cái giọng “bắc kỳ hà nội” êm như ru… Mỗi lần nàng đến chăm sóc vết thương, như mang theo một luồng gió mát cho các thương binh – một chút gì đó mơ hồ như người chị, người em, người tình đang an ủi, vỗ về nỗi đau mất mát … Với tao, nàng là một bà tiên.
“Từ hôm đưa tao về nhà, sau đó mỗi tuần hai ngày, nàng lên chăm sóc vết thương cho tao, nhờ vậy, chỉ mấy tháng sau đôi chân tao lành lặn, đi đứng được. Nhưng rồi tao bị bắt – một lần nữa lại làm khổ thân nàng. Nàng dò hỏi khắp nơi, cuối cùng biết tao bị giam trong khám Chí Hòa, nàng đưa ba tao vào thăm. Ba tao là người rất có nghị lực, đứng trước những nghịch cảnh, ông vẫn giữ thái độ bình thản, nhưng hôm ấy đôi mắt ông thật buồn như báo trước một điềm chẳng lành. Tao cố làm ra vẻ chuyện bị giam ở đây không có gì quan trọng cho ba tao đỡ lo, tao bông đùa: “số con được ở trong công thự mà ba – cái công thự này to hết biết”. Ba tao không cười mà chi nói: “Lá số tử vi chấm đúng thì lời bàn ít khi sai”. Không ngờ buổi thăm nuôi hôm đó là lần gặp gỡ cuối cùng – Từ đây, tao không bao giờ còn được nghe tiếng nói của ba tao. Ông đã chết ở trại tập trung Bùi Gia Mập.
Nói đến đây hắn mếu máo, nghẹn lời, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Một lát sau hắn tiếp: “Lần thăm nuôi mới đây, nàng đưa lá thư của mẹ tao viết ngắn gọn mấy câu: “Nhâm à – Ba con đã mất gần hai năm nay rồi. Lúc trước mẹ sợ con buồn, hại đến sức khỏe, không cho con biết. Nhưng không thể dấu mãi được, nay thì mẹ cũng nguôi ngoai và nhờ Trời thương đã cho mẹ thêm một đứa con gái, chăm sóc mẹ rất chu đáo và an ủi mẹ trong lúc cô đơn. Con an tâm học tập tốt để sớm về với mẹ”.
“Lợi dụng lúc tên quản giáo cho phép nàng ra bếp nấu đồ ăn, nàng kể chuyện bị bắt và cái chết của ba tao: – Khoảng năm 1978, trong nhà luôn luôn có người đến nhờ ba tao xem số tử vi có đi vượt biên được không. Chính quyền kết tội ba tao lợi dụng sự mê tín di đoan để xúi dục người ta vượt biên. Họ bắt ba tao đưa vào trại tập trung Bùi Gia Mập. Ở đây, mỗi tháng một lần, nàng dẫn mẹ tao vào thăm nuôi. Ba tao không phải chết vì đói hay suy dinh dưỡng mà bị rắn độc cắn, trong lúc vào rừng chặt nứa. Nàng nói: – khi hay tin ba mất mẹ ngất xỉu và mê man mấy ngày liền, khi tỉnh lại mẹ sống như người mất hồn. Em đã lên ở với mẹ, chăm sóc cho mẹ, mẹ hồi phục dần dần… Một hôm em ngỏ lời với mẹ: “Từ nay con xin làm con gái của mẹ – mẹ chịu không? Mẹ ôm em vào lòng, khóc nức nở… mẹ thổn thức nói: “cảm ơn Trời Phật đã cho ta thêm một đứa con gái”. Đến đây thì tao không còn kềm được xúc động, nắm lấy tay nàng, run run khẻ nói: – Em là “người ơn” của gia đình anh. Nàng ngước lên, “đôi mắt biết nói” ấy rưng rưng nhìn tao, nàng nói qua hơi thở “bây giờ em là em gái của anh”…
Con tàu tiếp tục xuôi Nam, đến ga Tuy Hòa tôi chia tay Hai Búng. Từ đây chúng tôi ít có dịp gặp nhau – một phần vì xa xôi cách trở (tôi ở ngoài Trung, còn Hai Búng ở trong Nam), một phần bị quản chế không thể ra khỏi nơi cư trú, và tiền bạc cũng rất eo hẹp. Mãi đến khi được gọi vào Sài Gòn phỏng vấn để đi Mỹ theo chương trình HO, tôi mới có dịp ghé thăm Hai Búng. Lúc này thì “người ơn” đã trở thành “người vợ” yêu quý của Hai Búng.
Chúng tôi được đi cùng chuyến HO 5, cùng xin định cư ở tiểu bang Virginia (VA). Hai gia đình chúng tôi cùng xin về quận Fairfax, thuê apartment trong cùng trong một building để bầu bạn có nhau. Thời gian đầu ở xứ lạ quê người, ai cũng trải qua những khó khăn nhất định. Nhưng được sống trong môi trường tự do với sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan từ thiện và xã hội, làm cho mọi người lên tinh thần và nhìn thấy tương lai. Hai Búng vì cặp giò không khỏe, chỉ xin được việc làm nhẹ; vợ Hai Búng xin làm phụ bếp – đồng lương hai người đều thấp, nên đủ điều kiện xin housing. Hai Búng là người may mắn được cấp nhà housing trước tiên. Hôm dọn nhà, Hai Búng vui vẻ nói với mọi người: “Không phải tôi có thân thế hay lo lót, chạy chọt gì đâu, đừng nghĩ như khi mình còn ở trong nước. Tôi được nhà sớm là do lá số tử vi chiếu mạng – số tôi được ở nhà “công thự”.
Mấy năm sau, vợ chồng tôi dành dụm đủ tiền đặt cọc mua một căn townhouse, tôi rủ Hai Búng, nhưng hắn bảo: “Số tao không có nhà riêng, chỉ ở công thự thôi”. Vợ chồng Hai Búng an phận và bằng lòng với căn housing này. Họ sống hạnh phúc bên nhau, đi đâu cũng có đôi có bạn như hình với bóng… Rồi một ngày đau buồn chợt đến, không sao tả xiết: Nhung – vợ Hai Búng đột ngột qua đời vì bịnh tim (heart attack). Hai Búng hụt hẫng, đau thương đến cùng cực – phát cuồng … Ngày ngày Hai Búng thơ thẩn ra vào trong căn housing đầy ắp kỷ niêm, nói lảm nhảm một mình: “Sao bà ra đi nhanh thế, chẳng nói với tôi lời nào? – Sao bà không để tôi săn sóc cho bà?”. Đến bữa ăn, Hai Búng xới bát cơm, so đôi đũa để trên miệng chén, rồi nói: – Bà ăn đi kẻo nguội … Có hôm tìm được món ăn lạ trên internet, Hai Búng cặm cụi nấu nướng theo chỉ dẫn, rồi bày biện tươm tất trên bàn thờ, đốt nhang thì thầm khấn vái. Bốn bề tĩnh lặng như tờ, Hai Búng ứa nước mắt, nhìn lên ảnh vợ lồng trong khung kính, nói như trách móc: “Sao bà không ăn miếng nào, cứ ngồi đó cười?”.
Chỉ hơn ba tháng, sau ngày vợ mất, tinh thần lẫn thể xác của Hai Búng suy sụp thảm hại. Đứa con gái duy nhất, theo chồng ở CA, thinh thoảng lên thăm, thấy tình cảnh bi đát của bố, cố năn nỉ, thuyết phục mời bố về ở với nó, nhưng Hai Búng từ chối và nói với con gái: “Ở đây hằng đêm, mẹ con vẫn về nói chuyện với bố – xuống dưới đó mẹ con có chịu đi theo không?…”
Thấy tình cảnh cô đơn như vầy, có thể không bao lâu Hai Búng sẽ suy sụp hoàn toàn, nên hằng tuần tôi đến thăm, an ủi và bà nhà tôi làm vài món ăn khô mặn tiếp tế cho Hai Búng. Tình bạn thâm giao giữa hai chúng tôi, Hai Búng có nghe những lời khuyên giải của tôi mà nguôi ngoai phần nào sầu muộn. Nhưng nhà dưỡng lão mới là nơi Hai Búng “ngộ” được cái lẽ vô thường trong kiếp nhân sinh và thân phận tuổi già… từ đó Hai Búng tìm được sự thanh thản trong tâm hồn.
Hôm tôi đến thăm Hai Búng ở nhà dưõng lão, Hai Búng thuyết về: Chuyện đạo, chuyện đời, chuyện tu, chuyện tập (tập thể dục) – nói miết-quên thôi… Mấy giờ ở chơi với Hai Búng, điều làm tôi xúc động khi Hai Búng kéo ngăn tủ nhỏ, chỉ cho tôi xem và giải thích lai lịch của mỗi kỷ vật: “D9ây chiếc áo dài ngày cưới, còn đây là chiếc áo bả mặc trong ngày “lễ hâm hôn” cách đây mấy năm; những chiếc cà vạt, găng tay, mũ nỉ này bả mua tặng tao trong ngày sinh nhật; mấy tập album và một hộp nhỏ để hai chiếc nhẫn cưới và chiếc nhẫn ra trường. Hai Búng kết luận: “Gia sản của tao bây giờ chỉ còn từng ấy – đó là bảo vật”.
Nắng chiều đã tắt, tôi chào tạm biệt. Hai Búng đưa tôi ra tận chỗ đậu xe. Tôi nổ máy, Hai Búng quay lại đứng trước cửa nhà dưỡng lão vẫy vẫy tay chào… Trên sân vắng lặng, chẳng có bóng người, Hai Búng vẫn còn đứng đó, mắt thoáng buồn sau cặp kính lão… Tôi nhẹ chân “ga” vòng xe lại trước cửa nhà dưỡng lão, hạ kính cửa xe, định nói vài lời. Nhưng lúc đó Hai Búng quay lưng, cố giấu những giọt nước mắt đang lăn trên má. Tôi nhấn “ga” cho xe chạy thẳng, nhìn kính chiếu hậu thấy cánh cửa nhà dưỡng lão Elmwood House đã khép lại – im lìm …
Chiều nay, mây trời như thấp xuống, sương thu rơi nhẹ như làn khói mỏng tỏa mờ khu rừng phía trước và khói sương cũng phủ mờ các tầng cao của building làm cho khu dưỡng lão trở nên tịch mịch, buồn hiu… trong đó, giờ này có những người một thời vang bóng đang sống: Như Cụ Vỹ, râu tóc bạc phơ như một “tiên ông”, luôn xuất hiện trong các cuộc biểu tinh chống Cộng ở công viên Lafayette (Presidents Park), Washington DC; hay như ông Công Tử Hà Đông (HHT) đã từng phóng bút “giữa rừng phong” với nhiều bài phiếm luận khinh bạc và bây giờ có thêm Hai Búng…
Lê Đức Luận
(Tháng 10 -2018)