samedi 29 mai 2021

Huy Văn và bài viết kỷ niệm lịch sử, Ngày Định Mệnh, thơ Trần Văn Lương, Quê Xưa Nào Có Thế.

 Kính gửi quý anh chị một bài viết có giá trị lịch sử vào dịp Quốc Hận năm hai ngàn hai mươi một của anh Huy Văn, Ngày Định Mệnh và cùng chủ đề bài thơ của anh Trâ`n Văn Lương Quê Xưa Nào Có Thể.

Có thể đối nhiều người, nhất là thế hệ trẻ chưa bao giờ biết và hiểu niềm đau của những người thế hệ trước những năm một chín bảy năm, có thể qua  những tài liệu này có thể hiểu được thế hệ người đi trước.

Cám ơn anh Huy Văn và anh Lương.

Caroline Thanh Hương

 


 


NGÀY ĐỊNH MỆNH

    Tiếng loa kêu gọi tập họp vang lên liên tục. Đám bộ đội ôm súng hối hả chạy về các vọng gác. Hoạt cảnh quen mắt lúc đầu làm mọi người thót bụng, nhưng sau gần một tháng chung đụng thì ba mớ “lên gân“ của kẻ coi tù đã trở thành một màn hài kịch không hơn không kém.

   Mỗi lần có tập họp- dù chỉ để ngồi ngoài sân cờ xem phim tài liệu của chiến trận vừa qua, hay loại phim tuyên truyền cho chế độ- thì y như là chúng sắp sửa đem ai đó ra xử bắn. Đám nón cối lúc nào cũng đằng đằng sát khí đứng bao quanh, súng chĩa ngang người, mắt trừng trừng thật căng thẳng.

   Nhưng có điều gì đó làm chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi thì thầm dọ hỏi, vì lần này chúng bắt tù tàn binh tập trung vào buổi sáng. Lúc này chỉ mới hơn 9 giờ! Đành là đỡ lo lắng hơn những lần điểm danh bất thần vào buổi tối, hay cả lúc nửa đêm, nhưng vẫn là nỗi hoang mang của những kẻ đang nằm trong rọ, hay đúng hơn là trong cảnh tù đày. Chuyện gì nữa đây?! Mọi người nhìn nhau thầm hỏi.

    Chuyển trại! Lời thông báo ngắn gọn của tên chính trị viên, đại diện ban quản giáo được chúng tôi đón nhận trong hoang mang như thường lệ. Đi đâu? Câu hỏi chỉ nằm trong đầu, hoặc trao đổi qua tiếng thì thào với người đang đứng kề bên. Tù không có quyền thắc mắc và cai tù thì không cho biết thêm chi tiết, ngoại trừ mọi thứ phải được chuẩn bị trong thời gian nhanh nhứt.

   Danh sách phân toán và phân nhóm để lên xe vừa đọc xong, thì chúng tôi mới có cơ hội xì xào khi trở vào thu xếp đồ đạc. Thật ra cũng chẳng có gì để thu xếp, vì từ lúc bị "hốt" đi từ quận Nhứt- Đà Nẵng, cho tới hôm nay, anh em tàn binh nhiều lắm là thêm được vài bộ domino làm từ bình ắc quy hay vài vật dụng cần thiết chế biến từ bất cứ thứ gì có thể gom góp được trong doanh trại, vốn là hậu cứ của một Tiểu Đoàn Công Binh Kiến Tạo, mà vị Tiểu Đoàn Trưởng là chồng của một ca sĩ nhạc Twist kiêm nghệ sĩ sân khấu thời danh của thập niên 60.

   Cũng một hoạt cảnh như khi chúng tôi bị gom lần đầu! Cả một hàng dài Molotova và xe vận tải đều căng bạt kín mít. Vẫn là cảnh hai tên nón cối non choẹt ôm súng đứng canh trong xe. Vẫn là câu căn dặn có tính cách doạt nạt thường lệ : “ …Ngồi trên sàn xe. Không được đứng lên vì bất cứ l‎‎y’ do gì…” .

   Khi di chuyển, chúng tôi lại suy đoán dựa theo hướng xe lăn bánh để thầm hình dung đoạn đường sẽ dẫn về đâu. Từ sân cờ ra khỏi cổng, nếu rẽ trái thì vào phố Hội An hay ra biển, còn quẹo phải thì ra Điện Bàn…Quẹo phải! Vậy là đoàn xe đang trở ra phía Vĩnh Điện ngoài quốc lộ 1... Sau đó lại quẹo phải!

   Vậy là đoàn xe đang ngược bắc, chạy hướng về Đà Nẵng, lúc nhanh, lúc chậm. Khi thì nghe tiếng gió ào ạt và tiếng bánh xe nghiến trên đường; lúc thì có nhiều tiếng máy nổ của xe cộ các loại, cùng với âm thanh hỗn tạp của những vùng đông dân cư. Khoảng hơn một tiếng sau thì xe quẹo trái, chạy thật chậm trên một đoạn đường dằn xóc rồi dừng hẳn lại. Đến nơi rồi!

   Vừa bước xuống xe và nhìn quanh một vòng, đã nghe tiếng xì xào của vài bạn tù gốc Quảng Nam. Thì ra đây là Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, nơi đào tạo tân binh cho Sư Đoàn 3 BB và cũng là nơi các đơn vị thuộc Tiểu Khu Quảng Nam cũng như Biệt Động Quân chúng tôi, thỉnh thoảng về “hấp“ , tái bổ sung, hay dưỡng quân ngắn hạn.

   Sau một màn điểm danh và phổ biến những điều ngăn cấm tù binh, liên quan tới việc không được tự tiện rời chỗ ở và đi lòng vòng trong doanh trại, chúng tôi được quản giáo chia thành từng nhóm 50 người, rồi giao cho vệ binh dẫn về các “sam“  ( salle ) để chính thức trở thành tù nhân ngay trong quân trường mới hơn một tháng trước còn là chiếc nôi nuôi dưỡng sức sống của các đơn vị cơ hữu trong vùng.

   Dù đang cuối xuân nhưng nắng đủ nóng để mọi người đổ mồ hôi như tắm. Một số ra ngoài tìm bóng cây để hóng mát thì bị đám nón cối đuổi trở vào bên trong “sam“  với lý do “…ăn mặc hở hang, kém văn hóa! “  Nhìn lại thì ai nấy đều chỉ có quần đùi trên người và điều này làm cho mấy em nón tai bèo mắc cỡ, hay tỏ vẽ khó chịu, hoặc trừng trợn khi đi ngang qua “sam“ của chúng tôi.

   Không có thông báo hay giải thích rõ rệt về chuyện dời trại hồi ban sáng, nhưng đã có lời rỉ tai về một cuộc tập trung toàn bộ sĩ quan của QLVNCH thuộc vùng Quảng Nam về một chỗ, để kiểm kê số lượng và dễ bề kiểm soát, hay còn để thực hiện một việc gì đó rất quan trọng.


- Biết đâu sẽ có trao trả tù binh nay mai!? Không lẽ trong đó không phản công  hoặc “mấy ổng“ bỏ rơi mình hay sao?!

- Phải đó! Chắc là phải có một giải pháp cho tù binh của hai bên. Nếu không thì cần gì tụi nó phải đưa tụi mình về đây cho mất công?!

- Cả tháng nay không có chút tin tức gì từ thế giới bên ngoài. Không có radio, không tiếp xúc được với ai. Mình bị bưng bít mọi chuyện. Chỉ toàn là ba mớ tuyên truyền của tụi nó không hà!


   Những lời đoán già, đoán non cứ thế mà trao qua, đổi lại cả ngày. Nét lo âu hiện rõ trên gương mặt của mỗi người. Mặc dù mức độ căng thẳng không đến nỗi như lần bị lừa  “…tập trung đi học tập cải tạo từ 7 giờ đến 9 giờ sáng …” như gần một trước đó; nhưng mỗi lần có thay đổi trong sinh hoạt của tù tàn binh, là ai nấy lại thấy xốn xang và buồn bực trong lòng.

   Đã vậy, nơi tập trung vừa qua và lần này đều là những doanh trại của quân đội, là những nơi đã từng in màu áo trận, hay đã từng vang rền tiến chân đưa theo nhịp quân hành. Bảo sao không bùi ngùi, không rấm rức, không buồn đau khi mà số phận nghiệt ngã, đã đưa mọi người lọt vào trong quyền sinh sát của lũ ngông cuồng đang say men chiến thắng!

  Tiếng lách cách của những quân cờ chơi trong thinh lặng (hay chơi để mà chơi, chơi để không bắt trí óc vốn rã rời phải cố công suy niệm ) càng làm tăng thêm không khí vốn đã nặng nề từ khi những người thua cuộc phải chấp nhận một sự thật quá đỗi thương tâm.

   Tiếng thì thầm của từng nhóm bạn, tiếng thở dài lẻ loi của ai đó trong góc tối hầu như ngưng bặt cùng một lúc, khi những ngọn đèn vàng vọt trong “ sam “ vụt tắt. Đêm dần trôi trong lặng lẽ. Đêm mờ bóng vực, trầm lắng đến tận cùng tâm thức. Dưới khe hở của lớp tường lợp tôle là vòm sáng mờ mờ, nhợt nhạt từ xa dọi vào làm khung cảnh trong “ sam “ càng trở nên u tịch. 

   Tiếng rù rì của những câu chuyện trao đổi cũng đã im bặt từ lâu. Không gian thinh lắng như trầm tích. Ngoài tiếng động của những bước chân tuần tiểu  kèm theo lời xì xào của đám vệ binh, thì tiếng động còn lại là chỉ là  những tiếng trở mình sột soạt trên nền chiếu của ai đó trong góc tối.

   Một ngày đã qua. Một ngày lê thê, vô cảm, đã trôi vào quá khứ của thời gian suốt từ lúc Đà Nẵng rơi vào tay nón cối. Lại là một đêm dài của tương lai vô định và của số phận đã bị đóng khung. Đêm mất ngủ khiến nhiều người còn nằm co quắp dưới nền xi măng mặc dù bên ngoài nắng đã lên cao. Đa số đã thức dậy từ lâu và đang nằm, ngồi thả khói trong tư lự. Lại là những suy tư miên man về thân phận tàn binh. Lại những âu lo và phiền muộn đủ làm khô khốc cả người.

   Không ai muốn đối diện thực tại não nề. Mọi thứ đều như trong giấc mơ và nỗi buồn thì cứ chất ngất trong cùng tận đáy lòng, nên hiếm hoi lắm mới thấy tàn binh nở một nụ cười- cho dù chỉ là một nụ cười gượng gạo- để tự dối lòng và tạm quên thực tại.

   Cách lãng quên đời tốt nhứt là …hút thuốc! Cũng may là khi còn trong Hội An, ngày nào chúng tôi cũng có cơ hội ném tiền qua hàng rào để được người dân thảy lại những bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ nên bây giờ mới có thể “Mang cơn sầu đời trải thành sương mộng. Vàng tay khô trên từng nhánh lụy phiền“. 

   Cả buổi sáng không có tên nón cối nào đến “làm phiền“  chúng tôi. Hình như đám cảnh vệ cũng lơ là trong việc ngăn chận tù tàn binh ở các “sam“ chạy qua, chạy lại, xì xào trao đổi tin tức. Cũng chẳng có gì để nói cho nhau nghe ngoài những câu chuyện bâng quơ về mọi thứ trên đời, trong đó niềm hy vọng- dù không mấy lạc quan- về một ngày được trả tự do là đề tài được nhắc đi, nhắc lại nhiều nhứt.

   Cứ thế, buổi sáng rồi buổi trưa uể oải trôi qua trong một ngày nắng thật đẹp. Lại giải khuây và giết thì giờ quanh mấy bàn cờ tướng hoặc domino, hoặc bó gối ngồi nhìn trời, ngắm đất trong thinh lặng. Không nói ra nhưng ai cũng biết người bạn đồng cảnh đang lo gì, nghĩ gì sau bộ mặt trầm tư qua làn khói thuốc.

   Cá nằm trong rọ, thú nhốt trong chuồng, người trong tù ngục, chắc chắn đều có chung một khát vọng: Tự Do! Nhưng tự do nào mới được, khi mà ra khỏi nời này cũng có nghĩa là bước vào một nhà tù lớn hơn, vì ngoài kia người dân cũng đang đối diện với nghịch cảnh đổi đời và cũng đang oằn mình vì mớ gông cùm cộng sản đang lần hồi siết chặt! Đường nào cũng bí rị, cũng tối đen. Đáng buồn thay cho thân phận tàn binh!

   Đến trưa thì có lệnh tập trung ngay trước cửa “sam“ . Bước ra ngoài đã thấy các nơi khác cũng vậy. Nếu không có đám nón cối ( lại nón cối! ) ôm súng đứng giăng hàng như thể đang dàn chào, thì quang cảnh không khác gì một buổi tập họp của các tân binh trong quân trường trước đây.

   Nhưng lần này lại có không khí nghiêm trọng hẳn ra, vì không chỉ có đám bộ đội đứng trước sân tập họp, mà phía sau “sam“, ngay sát vòng rào lưới mắt cáo có giăng kẽm gai, cũng có bóng dáng của những cây AK chĩa ngang hông. Lại một phen hồi hộp và lo lắng. Có chuyện gì nữa đây!?

   Như đoán biết sự bồn chồn của mọi người, tên quản giáo chậm rãi đi tới đi lui trên thềm xi măng, tay giơ cao đếm số người đang đứng thẳng hàng trước mặt mình rồi mới sửa bộ, tằng hắng vài tiếng, sau đó mới trịnh trọng tuyên bố:

“ Báo cáo cho các anh rõ! Đúng 12 giờ trưa hôm nay, Sàigòn đã hoàn toàn được giải phóng! Bộ đội đã vào dinh Độc Lập và Tổng Thống của các anh đã đầu hàng quân cách mạng vô điều kiện… “

   Tên quản giáo ngừng lại giây lát, như thể đang thăm dò phản ứng của chúng tôi. Những cái đầu vốn đã cúi nhìn xuống đất, nay lại càng gập sâu hơn nữa. Trời đang xế trưa. Nắng gay gắt như đang hừng hực lửa mà lòng chợt lạnh đến rùng mình. Thật vậy sao?! Mơ chăng?! Không thể nào! Chỉ mới đúng một tháng mà đã mất cả một miền nam vào tay giặc. Không! Mất cả quốc gia mới đúng!

    Chúng tôi còn đang bàng hoàng, thì câu nói kế tiếp của tên quản giáo vang lên như một lời hù dọa, để chính thức phủ đầu những kẻ đang thật sự sa cơ:

“ Bây giờ thì đất nước đã hoàn toàn được giải phóng rồi. Hòa bình rồi! Các anh cũng đừng mơ tưởng tới việc trao trả tù binh. Hãy chăm lo học tập cải tạo tốt thì may ra còn được cho về đoàn tụ với gia đình. Cách mạng vốn rộng lượng khoan hồng nhưng những kẻ phản động nào còn cố tình chống đối cách mạng thì sẽ bị trừng trị thẳng tay…”

   Như để chứng minh cho sự thật lịch sử, tên quản giáo giơ cao  chiếc radio, mở âm lượng tối đa để chúng tôi nghe những gì đang được tiếp vận từ đài phát thanh Sài Gòn. Đoạn nhạc mở đầu và giọng xướng ngôn quen thuộc đã không còn. Thay vào đó là những bài hát cộng đồng, những bản nhạc sắt máu mang âm hưởng ngũ cung của nhạc Tàu, rồi giọng đọc “sốt rét“ nhưng cũng không kém phần đanh thép của ai đó, cứ nhai đi nhai lại những khẩu hiệu an dân và đầy tính chất tuyên truyền cho chế độ.

   Tên quản giáo cứ thế mà  gằn giọng răn đe này nọ. Hắn còn nói nhiều chuyện khác nữa, nhưng không ai còn để tâm đến làm gì. Cả tháng nay mọi người cố nuôi hy vọng để bây giờ thất vọng não nề. Nỗi đau buồn không bút mực nào diễn đạt cho thật đúng những gì chúng tôi đang cảm nhận trong lòng.

   Im lặng! Không ai nhìn ai. Chúng tôi trở vào trong “ Sam ” bằng những bước chân nặng nề như treo đá. Lòng quặn thắt từng hồi. Giữa trưa mà tưởng như đang bước vào bóng tối. Mặt trời bỗng “đen“ hơn bao giờ hết! Đen hơn tất cả những gì người nhạc sĩ thời danh nào đó đã ta thán trong bài hát của ông ta mấy năm trước đó.

   Lịch sử Việt Nam đã vừa thay trang mới. Miền Nam tự do đã không còn tồn tại trên chính trường thế giới. Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử và chúng tôi, những chiến sĩ của tiền đồn chống cộng hôm qua, cũng vừa mới được kẻ chiến thắng chính thức công bố số phận của mình: số phận nghiệt ngã của những tù binh không có ngày trao trả.

   Lúc đó là 2 giờ chiều, ngày thứ Tư 30 tháng 4 năm 1975! Cũng là ngày định mệnh của cả một Dân Tộc!

HUY VĂN

 

 

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần mùa Quốc Hận.

 

Dạo:

     Xin người hãy rõ thực hư,

Quê tôi xưa có đâu như thế này.

 

 

Cóc cuối tuần:

 

 

     Quê Xưa Nào Có Thế  

 

Hỡi người bạn Hoa kỳ vừa quen biết,

Bạn cho hay mới ở Việt nam về,

Mang trong tim nỗi thất vọng não nề,

Vì thực tế không hề như quảng cáo.

         

Dưới lớp vỏ phồn vinh giả tạo, 

Chỉ toàn là lừa đảo gian manh,

Lớn bé gì đều trộm cắp như ranh,

Chúng cũng chẳng nể nang hành trang bạn.

 

Bạn chua chát và lạnh lùng phê phán:

Từ dân thường đến cán bộ, công an,

Nếu xét về xảo trá với dã man,

Chỉ Tàu Cộng, Bắc Hàn may sánh nổi.

 

Này bạn hỡi, xin tạm ngừng kết tội,

Hãy bình tâm nghe tôi nói đôi lời,

Giờ bắt đầu bạn mới hiểu chúng tôi

Sao đã phải cắn răng rời quê mẹ.

     

Quê tôi xưa nào có thế,  

Chỉ vì nay dưới chế độ phi nhân,

Nên thói hư tật xấu đã nhiễm dần,

Con người chẳng còn lương tâm, đạo đức.

                        x

                   x        x     

Nếu bạn đến mấy mươi năm về trước,

Khi miền Nam còn được hưởng tự do,

Khi người dân còn hạnh phúc ấm no,

Bạn ắt thấy đầy một kho khác biệt.

 

Dù chưa hẳn là hoàn toàn siêu tuyệt,

Chính quyền xưa đà hết sức cho dân,

Từ chuyên viên hành chánh đến quân nhân,

Vì đất nước, chẳng ngại ngần sống chết;

           

Khác hẳn lũ vượn Ba Đình ác nghiệt,

Đang hoành hành trên đất Việt ngày nay,

Trước giặc Tàu thì uốn gối khoanh tay,

Với dân chúng, lại hăng say sách nhiễu.

     

Bạn ắt thấy, dẫu mang thân nhược tiểu,

Quê tôi xưa nào có thiếu anh hùng,

Và dù cho súng đạn thiếu bổ sung,

Vẫn can đảm đương đầu cùng lũ Chệt;

 

Không có chuyện ngư dân mình bị giết,

Lại nhát hèn và sợ sệt ngoại bang,

Chẳng dám nêu tên thủ phạm rõ ràng,

Chỉ trâng tráo nói quàng là "tàu lạ".

     

Bạn ắt thấy dân đen ngày vất vả,

Nhưng đêm về sống thư thả an nhiên,

Không hề lo bị những kẻ có quyền

Cướp mảnh đất tổ tiên mình để lại.    

     

Bạn ắt thấy tuổi học trò thơ dại,

Khi đến trường đều được dạy Công dân,

Nên sau này, dù gặp cảnh gian truân,

Còn giữ được chút nhân luân phẩm giá.

     

Bạn ắt thấy gái quê nghèo tơi tả,

Tắm mồ hôi chịu vất vả miệt mài,

Vẫn giữ gìn tiết hạnh đợi ngày mai,

Dù hai bữa sắn khoai nhiều hơn gạo.

     

Bạn ắt thấy miền Nam tôi nhân đạo,

Luôn kính vì xương máu của thương binh,

Nên dù cho là kẻ địch của mình,

Cũng cứu chữa thật tận tình chu đáo.

     

Bạn ắt thấy rằng tự do tôn giáo

Là một điều được bảo vệ ưu tiên.

Từ dòng tu đến thánh địa, chùa chiền,

Không hề bị chính quyền gây rắc rối.

     

Bạn ắt thấy, dẫu không là tuyệt đối,

Người dân luôn có tiếng nói của mình.

Nếu không làm tổn hại đến an ninh,

Thì chẳng có ai rình mò kiếm chuyện.

     

Bạn ắt thấy, dù khổ vì chinh chiến,

Dân không ai vượt biển bỏ quê nhà,

Hoặc qua tay lũ đầu nậu tà ma,

Bị lừa đến phương xa chui vào rọ.

      

Quê tôi đó, ngày xưa như thế đó, 

Chẳng may vì làn sóng đỏ tràn sang,

Nên dân tôi phải rời bỏ xóm làng,

Thân mất nước lang thang nhờ xứ lạ.

                        x

                   x        x     

Giáo chức Mỹ, truyền thông... toàn thiên tả,

Thật đáng buồn cho tất cả giờ đây.

Nếu không may, cứ tiếp tục đà này,

Hoa kỳ ắt sẽ có ngày nhuộm đỏ.

     

Dân Mỹ nếu không kịp thời tỉnh ngộ,

Đất nước này sẽ khốn khổ lao đao.

Và một khi Cộng sản bước chân vào,

Chẳng còn có nơi nào mà tỵ nạn.

 

Mỹ nếu thành Cộng sản,

Dân Việt rồi biết di tản về đâu!

              Trần Văn Lương

        Cali, mùa Quốc Hận 2021