dimanche 11 juillet 2021

Chân Giả, thơ trần Văn Lương và nghe lại tiếng hát Jo Marcel với bản nhạc Biết Nói Gì Đây.

Kính mời quý anh chị đọc và suy ngẫm về bài thơ Chân Gỉa của anh Trần Văn Lương để nghiệm sự giống nhau giữa hai hình ảnh, người trong gương và bộ mặt của ai đó sau cái gương kia.

Nếu hình ảnh tươi đẹp trong gương là hình ảnh thật không sửa đổi và hình ảnh đó có biểu hiện được đúng người, đúng cảnh thì sự trùng hợp đó đưa đến nghi vấn ai thật, ai giả.

Cám ơn anh Lương và kính chúc anh Lương và quý anh chị một ngày vui, mạnh.

Caroline Thanh Hương


Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.

 

Dạo:

    Nhìn gương ta lại thấy ta,

Băn khoăn tự hỏi ai là thật đây!

 

 

Cóc cuối tuần:

 

      

,

.

    , 
    ?

        

 

 

Âm Hán Việt:

 

         Chân Giả

Ngẫu kiến kính trung nhân,

Thập phần tượng ngã thân.

Mang nhiên tâm khổ lự,

Thùy giả dữ thùy chân?

     Trần Văn Lương

 

 

 

Dịch nghĩa:

 

         Thật Giả

Tình cờ thấy người trong gương,

Hoàn toàn giống mình.

Lòng mờ mịt buồn rầu lo nghĩ,

Ai là thật và ai là giả?

 

 

 

Phỏng dịch thơ:

 

        Thật Giả

Trong gương hiện lão già,

Chẳng lẽ chính là ta.

Ai thật và ai giả,

Ải này há dễ qua?

   Trần Văn Lương

      Cali, 7/2021

 

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

     Trước gương người nhăn mặt nhíu mày,

trong gương người cũng nhíu mày nhăn mặt.

     Thử nói xem, đó là người đứng trước gương

nhìn người ở trong gương, hay là người ở trong

gương nhìn người đứng trước gương?

     Nếu không có người đứng trước gương

thì chẳng có người ở trong gương.

     Và nếu không có người ở trong gương

thì cũng chẳng có người đứng trước gương.

     Thế thì cả hai đều thật ư? Cả hai đều giả ư?

     Hay là một thật, một giả? Nếu thế thì ai thật, ai giả?

    Làm sao phân biện đây?

    Tuy nhiên, thật cũng thế, mà giả cũng thế!

    So đo mãi thì đến ngày nào mới minh bạch được. (*)

    Than ôi, lại vướng vào khẩu nghiệp!

    Lão tăng tội lỗi!

 

Ghi chú:

 

(*)  Tín Tâm Minh của tam tổ Tăng Xán:

 

Âm:

"

      Chí đạo vô nan,

      Duy hiềm giản trạch,

      Đãn mạc tắng ái,

      Đỗng nhiên minh bạch.

...

"

 

Nghĩa:

     Đạo lớn không có gì khó,

     Miễn đừng so đo chọn lựa,

     Chỉ cần không yêu ghét,

     Thì tự nhiên sáng rõ.

Nồi Rau Lang Luộc, thơ Trần Văn Lương, và nghe nhạc xưa.

Kính gửi quý anh chị bài thơ của anh Trần Văn  Lương với chủ đề về một câu chuyện thời xa xưa, khi lời chưa ngỏ hay tình chưa tỏ thì cuộc đời thoáng một chốc đã đổi thay không gian và thời gian.

Nồi Rau Lang Luộc với những vầng thơ chở tình non trẻ, nhưng lời thơ tơ vương đưa chúng ta vào một miền quê Việt Nam mà ngày xưa từng quen thuộc.

 

"Dạ dày còn trống rỗng,

 

Vội vàng luộc mấy cọng rau lang,

Lót lòng cùng nắm cơm vắt luôn mang,  

Cầm cự đến lúc về làng ăn tối."

thơ Trần Văn Lương 


Cám ơn anh Lương và kính chúc anh và quý anh chị một mùa hè an vui.

Caroline Thanh Hương

tt 


Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:

     Tình đà bỏ bến sang ngang,

Để ai luộc mãi rau lang một mình.

 

 

Cóc cuối tuần:

 

       Nồi Rau Lang Luộc

     

Em có biết đã bao năm rồi đó,

Kể từ ngày em bỏ bến sang ngang,

Bỏ lại quê xưa, bỏ gã trai làng

Thui thủi cạnh nồi rau lang than thở.

      

Chắc em không còn nhớ

Chúng mình đà có một thuở bình yên,

Với chuỗi ngày vui sống thật hồn nhiên,

Dù gia cảnh hai bên toàn khác biệt.

     

Anh nghèo khó, đời trăm ngàn thua thiệt,

Em giàu sang chẳng biết đến buồn đau.

Sân trường dù sáng sáng chạm mặt nhau,

Thỉnh thoảng mới có một câu chào hỏi.

     

Tan trường em rẽ lối,

Tung tăng về với gia đình,

Anh tất tả linh đinh,

Chân cao thấp một mình ra canh ruộng.

     

Dạ dày còn trống rỗng,

Vội vàng luộc mấy cọng rau lang,

Lót lòng cùng nắm cơm vắt luôn mang,

Cầm cự đến lúc về làng ăn tối.

 

Một hôm bỗng em bất ngờ tìm tới,

Anh thẹn thùng chẳng biết lủi vào đâu,

Mặt đỏ nhừ lúng búng chẳng ra câu,

Khi em chỉ nồi rau trên bếp lửa.

    

Em ngỏ ý muốn được dùng chung bữa,

Anh phân vân toan kiếm cớ phớt lờ,

Nhưng bất thần gặp ánh mắt ngây thơ,

Đành khẽ thốt một tiếng ừ miễn cưỡng.

     

Em thỉnh thoảng trốn nhà ra ruộng,

Để được anh chiều chuộng "đãi" rau lang.

Lòng anh tuy khấp khởi rộn ràng,

Nhưng vẫn cảm thấy bẽ bàng tủi phận.

 

Bèn đâm ra vớ vẩn,

Thầm tự vấn lắm phen,

Có phải vì em sung sướng đã quen,

Nay gặp món nghèo hèn nên ngon miệng?

     

Và từ đó, mỗi lần em thăm viếng,

Anh cố không nghĩ đến chuyện nghèo giàu,

Chỉ lom khom lo chăm chút nồi rau,

Để vui vẻ cùng nhau trong thoáng chốc.

     

Hết lớp nhất, em rời ra tỉnh học,

Anh quê nhà khó nhọc với ruộng nương.

Và mỗi khi có dịp lướt qua trường,

Lòng thổn thức nghe nhớ thương vời vợi.     

    

Nhưng may mắn, mỗi năm khi hè tới,

Em từ xa khăn gói trở về làng.

Cứ vài ngày, em lại tạt ghé sang,

Cùng nhấm nháp món rau lang ngày cũ.

 

Anh nhiều lúc chập chờn trong giấc ngủ,

Muốn nhờ rau bày tỏ giúp nỗi lòng,

Thốt lên giùm câu thương nhớ chờ mong,

Nhưng đành tiếc là rau không biết nói.

     

Rồi cứ thế, hai mảnh đời hai lối,

Bảy năm trời thoắt đã vội vèo qua,

Cuối cùng em cũng bỏ xóm bỏ nhà,

Mặc áo mới về phương xa vĩnh viễn.

     

Đứa ở lại, đứa chân trời góc biển,

Có còn chăng chút kỷ niệm mà thôi.

Em ê hề mỹ vị chốn xa xôi,

Anh quê cũ chăm chăm nồi rau luộc.

                     x

                 x      x     

Khung cảnh dầu quen thuộc,

Tiếng người năm trước còn đâu!

Mải lăng quăng dánh vật với cơn sầu,

Ngoảnh mặt lại, nồi rau đà cháy khét.

                   Trần Văn Lương

                       Cali, 6/2021   

Gió nam hây hẩy lướt qua cỏ cây cho ngọn rau lang mơn mởn trong vườn nhà. Nắng hanh vàng cho chùm cà chua chín đỏ ẩn mình trong lá xanh. 
Rau lang luộc chấm mắm cà chua rất lạ.
Trang Thy
Loại rau dân dã ấy được người dân quê tôi chế biến món ăn mang hương vị đặc trưng tạo nên dư vị khó phai. Đấy là món ngọn rau lang luộc chấm mắm cà chua bao đời nuôi sống người dân quê thuở còn gian khó. Và, giờ là món ăn được nhiều người ưa chuộng sau những bữa tiệc thừa mứa sơn hào hải vị.
Ngọn lang nên chế biến món ăn sau khi hái vì để lâu sẽ cứng và mất đi vị ngọt dịu ẩn trong những mầm rau tươi xanh. Nhẹ tay rửa rau qua nước rồi vớt ra rổ cho ráo. Chọn quả cà chua khía chín mọng rửa sạch rồi cho vào tô đặt trong nồi hấp cách thủy trước khi trộn với mắm. Giống cà chua này trái lớn với những rãnh bên thân, hương thơm thoang thoảng gọi mời.
Khi luộc phải khéo léo để rau không sượng và giữ vị ngọt lành. Nước sôi sùng sục trên bếp thì cho ít muối hạt và ngọn lang vào nồi rồi dùng đũa trở nhẹ để rau mềm mại. Khi rau vừa chín, nhấc xuống khỏi bếp và vớt ra đĩa. Nước mắm mặn mà pha với ít đường, cùng ớt và tỏi băm nhỏ. Cà chua hấp chín lột vỏ rồi múc phần thịt trộn vào tô mắm. Rau xanh đặt cạnh mắm đỏ trông thật bắt mắt.
Dùng đũa gắp những cọng rau xanh non chấm vào mắm cà rồi chậm rãi đưa vào miệng thưởng thức. Vị mặn của mắm, chua dịu từ cà hòa cùng vị ngọt của đường, quyện với vị cay của ớt lẫn hương thơm của tỏi làm tê tê đầu lưỡi. Cắn vỡ cọng rau thêm vị chát dịu xen lẫn ngọt lành. Những hương vị riêng quyện vào nhau tựa bao suối nhỏ góp nước thành sông đong đầy cảm xúc.
Rau lang luộc chấm mắm cà chua được "ưu ái" trong suốt bữa cơm. Con trẻ lần đầu thưởng thức đưa chén xin cha bới thêm cơm rồi gắp rau chấm vào mắm ăn ngon lành.