samedi 4 juin 2022

Hai Lứa Con Của Mẹ, thơ Trần Văn Lương và xem show hình Nguyệt Hạ Du Hồn, show Caroline Thanh Hương.

Kính gửi quý anh chị bài thơ Hai Lứa Con Của Mẹ của anh Trần Văn Lương.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thế hệ cha, ông đã dần khuất núi mà nỗi đau như cứ bám vào thịt da người tỵ nạn năm nào.

Người đi đã đi, người ở lại cũng muốn đi khi có điều kiện và người di cư mới mang tài sản cướp bóc cũng ra xứ người.(không phải tất cả mọi người)

Đọc một bài thơ tràn đầy tủi nhục của anh Lương, chắc ít người đã hiểu chuyện vẫn làm ngơ và  điều chắc chắn là ai cũng có lý do riêng để mang củi về rừng...


Cám ơn anh Lương và kính chúc quý anh chị một ngày bình yên, khỏe mạnh.

Caroline Thanh Hương

  tt

 

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

 

Dạo:

       Đàn con Mẹ phải tha phương,

Đất xưa dẫu đó, quê hương không còn.

 

Cóc cuối tuần:

 

  Hai Lứa Con Của Mẹ

 

Kính thưa Mẹ, chưa bao giờ đất Việt,

Phải rơi vào cảnh khắc nghiệt đau thương

Khiến đàn con, dù nát thịt tan xương,

Vẫn sống chết tìm phương xa lánh nạn.

 

Chỉ vì muốn tránh gông cùm Cộng sản,

Con Mẹ đà hàng vạn bỏ ra đi,

Đứa giờ đây mộ địa đã xanh rì,

Đứa tróc vảy trầy vi nơi lữ thứ.

                           x

                      x        x

Tháng Tư ấy, lứa đầu tiên bỏ xứ,

Gánh chịu ngàn khổ sở, vạn oan khiên,

Suốt đêm ngày gắng vượt biển, vượt biên,

Chỉ già nửa đến được miền đất lạ.

 

Cuộc hành trình vất vả,

Xác người tơi tả rừng sâu,

Nước Biển Đông pha máu đục ngàu,

Ai tưởng được nỗi đớn đau ngày đó?

 

Trên đường bộ, người đi từng nhóm nhỏ,

Liều đưa chân, tính mạng phó cho Trời,

Rời quê mười, chỉ ba bốn tới nơi,

Số còn lại đành xương phơi rừng thẳm.

 

Đường vượt biển càng u sầu ảm đạm,

Người ra đi chết thảm thiết từng ngày,

Lớp bị lừa, lớp bị giết thẳng tay,

Kẻ thoát được chỉ may nhờ phép lạ.

 

Hải tặc Thái tung hoành trên biển cả,

Đớn đau thay cái giá của tự do,

Đã có bao trinh tiết bị dày vò,

Bao thân xác phải đi dò đáy nước.

 

Lòng run sợ khi bắt đầu cất bước,

Càng lo thêm khi chân được lên bờ,

Rồi mai kia trên đất khách bơ vơ,

Biết có sống đến giờ về quê cũ.

 

Trại tỵ nạn, thân rạc rài ủ rũ,

Cầu mong cho có nước rủ lòng thương.

Nếu chẳng may bị ép phải hồi hương,

Đành nhắm mắt can trường tìm cái chết.

 

Cuộc vượt thoát của triệu người con Việt,

Với muôn ngàn cảnh tử biệt sinh ly,

Dù lòng người có nhạt nhẽo quên đi,

Nhưng lịch sử ắt còn ghi khắc mãi.

                           x

                      x        x

Lứa kế tiếp, chịu thân tàn ma dại,

Sau những năm bị ngược đãi trong tù,

May mắn còn chưa ngủ giấc thiên thu,

Nay thoát được tay giặc thù tàn ác.

 

Phải làm lại từ đầu trên xứ khác,

Trong khi hồn lẫn xác đã xác xơ,

Tuy khó khăn, vẫn gắng sức trông chờ

Ngày quê cũ thấy Cờ Vàng phất phới.

 

Nhưng Xuân đến, Hạ qua rồi Đông tới,

Bao năm dài vẫn vời vợi trời quê,

Đất nước đà băng hoại đến thảm thê,

Chua xót biết ngày về còn xa lắc.

 

Dù sức yếu vì tuổi già cũng mặc,

Vẫn miệt mài cố nhắc thế hệ sau

Đừng quên rằng cha mẹ chúng tại sao

Phải liều chết bôn đào đi tỵ nạn.

                           x

                      x        x

Nhưng đất lạ vẫn còn vương đại hạn,

Vì bạo quyền xua cán bộ theo sang,

Kèm cả bầy tài phiệt đỏ ngụy trang,

Để phá phách hoặc mang tiền đi rửa.

 

Chúng mở tiệm và sắm nhà sắm cửa,

Sống xênh xang ngay giữa đất nước người,

Nghênh ngang như con cháu của ông Trời,

Tiền đầy túi, rong chơi không biết mệt.

 

Chúng theo lệnh lũ bầy tôi của Chệt,

Sang đây làm công việc của đặc công,

Xâm nhập vào giới chính trị, truyền thông,

Cả tôn giáo cũng vướng vòng ô trọc.

 

Con cháu chúng mang danh là "du học",

Học hành gì, chỉ lừa lọc lưu manh,

Siêu thị người, vào trộm cắp như ranh,

Làm nhơ nhớp thanh danh dòng máu Việt.

 

Cuộc chiến đấu ngấm ngầm nhưng khốc liệt,

Chúng ra tay quyết tiêu diệt Cộng Đồng,

Cố tỉa dần từng đoàn thể lưu vong,

Mấy ai thấy mà lòng không phẫn nộ?

                           x

                      x        x

Tháng Tư đến, thêm một lần lệ đổ,

Thêm một lần buồn khổ kiếp lưu vong,

Nửa đời qua luôn khắc khoải trong lòng,

Thương quê cũ giờ đã không còn nữa.

 

    Tháng năm dài lần lữa,

Đã lụn dần đốm lửa ngày xưa!

            Trần Văn Lương

      Cali, mùa Quốc Hận 2022