lundi 24 septembre 2012

Trường Tương Tư / Bạch Cư Dị / Lý Bạch và Tương Tư / Vương Duy






Hôm nay gửi lại các anh chị ,thầy cô những bàn luận trong Groupe Thất Hiền bài viết của anh William mà rất nhiều người ... quen
Cám ơn SP LCT đã lưu lại trong FR
Anh chị nào có cảm hứng cứ nối tiếp dòng thơ ... dịch, không thích , xin delete 
CRTH






Thưa Anh Lương,
Tôi đã nhận được mail của Anh và xin cám ơn Anh. Tính Anh thật phóng khóang. Khi về nhà tôi xem xong CD rồi tôi sẽ trao đổi thêm với Anh trong dịp Tết này.
Như Anh và Anh Đại San thảo luận, nếu không phải Trần Gia Lạc là tác giả thì bài thơ "Hạo hạo sầu, mang mang kiếp" là của ai Anh Lương nhỉ. Và Anh Lương vào website nào mà có cả chữ Hoa và chữ Việt, nhất là website đó thường không viết tên bài thơ, chẳng hạn như bài "Hạo hạo sầu, mang mang kiếp" này không thấy đầu đề. Thật sự theo chính sử thì Hàm Hương Quận Chúa (chứ không phải là Công Chúa vì không phải là con gái của một Tiểu Vương Hồi Giáo mà Thân phụ của Cô chỉ là lãnh tụ một bộ lạc Hồi giáo tương đối lớn, khỏang vài ngàn dân, và được Triều đình Mãn Thanh phong tước ngang tầm Quận Công thôi) là một nhân vật lịch sử có thật. Trên cơ thể nàng có một hương huyệt nhả hương tự nhiên và nhẹ hơn nước hoa tinh kết ngày nay. Trước khi Càn Long dùng vũ lực để uy áp Nàng vào cung thì Nàng đã có người yêu là một thanh niên cùng bộ tộc với Nàng rồi. Và trinh tiết của người phụ nữ Hồi giáo mang tính thiêng liêng thánh thể chứ không phải mang tính cao quý xã hội và danh dự gia tộc như Khổng giáo (của bốn quốc gia đồng văn dị chủng chúng ta). Do đó, Hàm Hương quyết liều mình để bảo tòan sự thanh khiết thánh thiện của Nàng. Càn Long là một vị vua giỏi của nhà Thanh nên dã sử Trung Hoa xây dựng Ông ta là người Hán được đưa vào cung khi còn bú sửa vì việc tranh giành ngôi báu. Đã hư cấu Càn Long mang giòng máu Hán tộc để ve vuốt tự ái của người Hán thì phải tạo ra người em trai Trần Gia Lạc của Càn Long để câu chuyện thêm phần khả tín thôi.
Tôi xin gởi đến Anh Lương và quý Anh, Chị bài "Trường Tương Tư" của Bạch Cư Dị. Bài thơ "xa quê, nhớ nhà, nhớ bạn hiền, và nhớ người yêu" này của Bạch Cư Dị được viết dưới nhan đề là "Trường Tương Tư" mặc dầu có ít nhất là bốn bài "Trường Tương Tư" cũng rất nổi tiếng của các tác giả khác mà tôi xin đính kèm để quý Anh, Chị đọc cho vui. Tương tư là một tâm cảnh xưa cũ của nhân lọai và của động vật cấp cao nhưng lại như là một khám phá mới rất riêng tư của mỗi một con người, nhất là những người đang và vừa vượt qua "khung cửa hẹp" của tuổi chuyển mình.
Thân kính,
William Tran
Trường Tương Tư
Bạch Cư Dị (772-846)
Biện thủy lưu
Tứ thủy lưu
Lưu đáo Qua Châu cổ độ đầu
Ngô sơn điểm điểm sầu
Tư tư du
Hận du du
Hận đáo qui thời thượng thủy hưu
Nguyệt minh nhân ỷ lâu
Trường Tương Tư
Đôi dòng Biện, Tứ chảy về đâu
Qua Châu đoàn tụ bến giang đầu
Núi Ngô điểm tuyết
Bạc đầu hoài hương
Tiếc hận mang mang gót viễn phương
Mong về bến cũ, hận còn vương
Tựa lầu trăng lạnh
Đêm trường nhớ ai !
Tương Tư


Lâm Ý Nương
Hoa hoa diệp diệp lạc phân phân
Chung nhật tư quân bất kiến quân
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn
Lệ châu ngân thượng cảnh thiêm ngân
Ngã hữu nhất thốn tâm
Vô nhân cộng ngã thuyết
Nguyên phong suy tán vân
Tố dữ thiên biên nguyệt
. . . . . .
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thuỷ
. . . . . .
Trường tương tư hề trường tương tư
Trường tương tư hề vô tận cực
Tảo tri như thử quai nhân tâm
Hồi bất đương sơ mạc tương thức
Tương Tư
Lá hoa rơi rựng tơi bời
Nhớ người chẳng thấy dáng người đâu đâu
Lòng đau đoài đoạn lòng đau
Lệ rơi lã chã dạt dào lệ rơi
. . . . . .
Đầu sông chàng ở đợi chờ
Cuối sông thiếp ở bơ phờ lòng đau
Nhớ nhau chẳng thấy mặt nhau
Nước sông cùng uống dạ sầu cùng chung
Trường Tương Tư
Lâm Bô (967-1028)
Ngô sơn thanh
Việt sơn thanh
Lưỡng ngạn thanh sơn tương tống nghinh
Quân lệ doanh
Thiếp lệ doanh
La đới đồng tâm kết vị thanh
Giang đầu triều dĩ binh
Nỗi Nhớ Khôn Nguôi
Núi ngô xanh, núi Việt xanh
Hai bên sông lạnh nghiêng mình đón đưa
Cách ngăn biết tỏ sao vừa
Chàng rưng rưng mắt, thiếp mưa lệ đầy
Chữ đồng chưa vẹn chia tay
Nước trong sông cạn rồi đầy bao phen
Trường Tương Tư
Lý Bạch (701-762)
Trường tương tư tại Trường An
Lạc vĩ thu đề kim tỉnh lan
Vi sương thê thê đạm sắc hàn
Tô đăng bất minh tứ dục tuyệt
Quyển duy vọng nguyệt không trường than
Mỹ nhân như hoa cách vân đoan
Thượng hữu thanh minh chi cao thiên
Hạ hữu lục thuỷ chi ba lãng
Thiên trường lộ viễn hồn phi khổ
Mộng hồn bất đáo quan san nan
Trường tương tư tối tâm cang
Trường Tương Tư
Trường An nổi nhớ nhung dài
Thu sang tiếng dế bi ai giếng vàng
Sương khuya lạnh lẽo chiếu chăn
Ngọn đèn mờ nhạt băn khoăn nổi niềm
. . . . . .
Quan san cách trở mộng tàn hồn ơi!
Nhớ thương thương nhớ tơi bời
Tương Tư
Vương Duy (701-761)
Hồng đậu sinh Nam Quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Nguyệt quân đa thái hiệt
Thử vật tối tương tư
Tương Tư
Cây Hồng đậu xứ Lĩnh nam
Đón mùa Xuân đến trổ mầm xinh tươi
Thật nhiều hái lấy chàng ơi
Hái bao nhiêu lại suốt đời tương tư


----------------


Thưa quí anh chị
Chữ Nho tôi thuộc loại dốt đặc. Tôi đọc thơ dịch cuả Xuân Ðào và Caron hay quá nên xin phép chôm chiã vài chữ cuả cả hai thi sĩ Xuân Ðào và Caro để chuyển qua thê tho luc bát. Mong quí vị không chê cười
Xin đa tạ
Ai trồng đậu đỏ xứ Nam
Muà Xuân vừa tới trổ mầm xinh xinh
Lẹ tay chàng hái hoa tình
Tương tư chàng đứng một mình ngẩn ngơ
bbt
2009/1/14 William Tran <jph.inc@gmail.com>
Thưa quý Anh Chị,
Trước đây Chị Hòang Dung điểm danh những Nhà Nho trong Club mà trọng Nam quên Nữ, nay tôi xin đề nghị thêm tên Chị Caroline nữa nhe. Bài "Tương Tư" của Vương Duy (701-761) chỉ có bốn câu "ngủ ngôn tứ tuyệt" rất cô đọng và rất khó dịch thơ, vậy mà Chị Caroline đã dịch thơ mà còn giảm chữ thành "tứ ngôn tứ tuyệt" thật tuyệt vời.
Tương Tư
Hồng đậu sinh Nam Quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Nguyện quân đa thái hiệt
Thử vật tối tương tư
Vương Duy
Tương Tư
Cây Hồng đậu xứ Lĩnh nam
Đón mùa Xuân đến trổ mầm xinh tươi
Thật nhiều hái lấy chàng ơi
Hái bao nhiêu lại suốt đời tương tư
Xuân Đào
Tương Tư
Đậu Đỏ miền Nam
Xuân về thấy ham
Lẹ tay em hái
Tương tư nhớ chàng
T Hương
Tôi thật lòng khâm phục cách dịch của Chị Caroline đã biến cái khách quan thành chủ quan, một cảnh vật thiên nhiên thành nỗi niềm tâm cảnh của một con người. Khi làm quan ở phương Nam, Vương Duy đã đem giống một lọai đậu Đỏ về nhà để trồng. Đến mùa Xuân thì cây đậu Đỏ đơm hoa kết trái, Vương Duy phu nhân rủ chồng cùng hái trái đậu, và càng hái nhiều thì lòng thương nhớ về cảnh cũ người xưa ở phương Nam càng thấm thiết. Chị Caroline đã vận dụng tài tình ngôi thứ để người con gái thành người chủ động hái đậu, và càng hái thì nàng càng nhớ chàng, người đã đem giống đậu này từ phương Nam về nhà.
Tôi đã dự định khi có thì giờ thì sẽ viết một bài về nỗi niềm Vương Duy khi ông làm Thượng Thư Hữu Thừa ở kinh đô và nhớ về đất cũ Lĩnh Nam (Việt của Bách Việt, và Việt quốc của Tây Thi) với tài nguyên, phong cảnh và con người văn vật phương Nam. Vì quan điểm trọng sĩ và nhân ái đó mà ông bị thăng giáng nhiều lần đến nổi ông chán nản và từ quan để sống một cuộc sống dân dã hiền lành như "Phật" nên ông được người đời gọi là "Thi Phật."

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire