mardi 2 octobre 2012

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Những dòng nước mắt trong những cảnh ngộ tang thương của các gia đình cựu tù “cải tạo”!
Bài 04
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Những dòng nước mắt đau thương trong những cảnh đoạn trường, với những vành khăn tang đã phủ lên những mái tóc của người vợ trẻ, những em thơ khóc cho những người Chồng, người Cha đã bị chết một cách tức tưởi trong các trại tù “cải tạo”. Những dòng lệ máu ấy, đã tuôn trào, đã chảy thành sông, đã tuôn ra biển cả, vì đã gào khóc khi biết tin Chồng, Cha của họ đã chết, mà không hề được nhìn thấy mặt nhau lần cuối, không được nhìn thấy nơi chôn cất người thân yêu cốt nhục của mình!!!
Hôm nay, qua bài viết thứ tư, cùng một tựa đề, người viết xin kể lại một trong những cảnh ngộ tang thương ấy:
Sau Hiệp định Gevène: 20/7/1954; có một người Mẹ đơn thân, vì chồng của bà đã chết trong lúc đi theo phong trào chống Pháp, cho nên bà đã dắt người con trai độc nhất của bà di cư vào Nam, để chạy trốn Cộng sản. Và, nơi dừng chân để định cư của bà là thành phố Đà Nẵng. Tại vùng đất mới này, bà đã tảo tần, khó nhọc để nuôi người con trai được cắp sách đến trường cho đến lúc trở thành một vị Sĩ quan ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Thiếu úy Nguyễn Đức Hậu, anh đã từng phục vụ tại Bộ Chỉ Huy C.1. Lực Lượng Đặc Biệt tại Đà Nẵng. Sau đó, qua những căn cứ thuộc C.1. cho đến ngày 30/4/1975, anh đã mang lon Đại Úy.
Ngày đất nước Việt Nam Cộng Hòa đã bị rơi vào tay của Cộng sản Hà Nội, cũng như các vị Sĩ quan khác, anh Hậu đã phải giã từ vợ và ba con thơ để đi vào nhà tù “cải tạo”. Ngày anh ra đi chưa được bao lâu, thì căn nhà của anh chị đã bị lực lượng Công an Đà Nẵng ra lệnh “trưng thu”; nghĩa là bị tịch thu, để cấp cho “cán bộ cách mạng” ở!
Bạo ngược
Trước thảm cảnh ngược đời ấy, vợ anh, đã phải nuốt nước mắt để giao căn nhà của mình tại Khu Xã Hội An Hòa, Đà Nẵng cho “cách mạng”, rồi dắt các con trở về nương thân cùng với Mẹ ruột của mình. Thân mẫu của chị Hậu, là người Mẹ hết lòng thương con, và các cháu, bà đã giúp đỡ chị bằng cách chăm sóc các con nhỏ của anh chị, để hàng ngày chị Hậu đi đến những vùng quê xa xôi, có khi phải lên tại khu chợ Ái Nghĩa để mua rau quả, sau đó, đem về Đà Nẵng bán kiếm từng đồng tiền lời, để vừa nuôi các con vừa mua quà “thăm nuôi” chồng!
Chị Hậu, tức chị Trang, từng là một nữ sinh có nhan sắc và duyên dáng, vì yêu anh, chị đã từ bỏ mái trường Trung Học Sao Mai, để trở thành một người vợ của một vị Sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt thời gian nuôi con, chờ chồng ở trong nhà tù “cải tạo”, chị không bao giờ có thể tưởng tượng được những gì đang chờ đợi chị. Nhưng đoạn trường thay! Một ngày cuối Đông, trong một lần giữa cơn mưa gió, chị phải lên tận vùng đất của huyện Hiên và Giằng, thuộc quận PhúTúc để mua, bán. Lần đó, khi trở về Đà Nẵng chị lâm trọng bệnh, rồi phải chết!
Tang thương!
Ngày chị Hậu vĩnh viễn rời bỏ người chồng đang còn ở trong trại tù “cải tạo” và các con. Mẹ và các con của chị chị đã gào thét, khóc ngất bên xác của chị! Trước cảnh ngộ ấy, bà con thân cận đã giúp đỡ cho mẹ các con chị đưa xác của chị lên nghĩa địa Gò Cà, vùng đất ở phía trên Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, để chôn cất!
Sau đó, những ngày không có mẹ, bà ngoại thì quá già, các con của anh chị Hậu đã thật sự không còn nơi để nương tựa. Mẹ chị đã đem tất cả những vật dụng gì có thể bán được đưa ra chợ trời để bán lấy tiền mua từng lon gạo,khoai sắn chút mắm, muối cho các cháu ăn qua ngày. Nhưng rồi mọi sự đã không dừng ở đó, mà sau những ngày tháng đau khổ vì mất con và lo cho các cháu; rồi một ngày bà ngoại của các con anh chị Hậu cũng đã lâm bệnh nặng, và cũng vĩnh viễn rời bỏ các cháu nhỏ của mình để ra đi!!!
Mất mẹ, mất bà ngoại, cha thì còn ở trong nhà tù “cải tạo”; các con của anh chị Hậu đã trở thành côi cút, không nơi nương tựa, trong nhà lại không còn gì để bán lấy tiền để chôn bà ngoại. Những người hàng xóm ngày xưa, họ đã đi lên “vùng kinh tế mới”, còn những kẻ mới đến, toàn là “gia đình cách mạng”. Giữa lúc ấy, thì có một người bạn của chị Hậu: cô giáo Tâm, nhưng sau ngày 30/4/1975, vì “lý lịch xấu” nên côTâm không được đi dạy nữa. va cô Tâm cũng từ trên “vùng kinh tế mới” trở về Đà Nẵng mua thực phẩm, thấy hoàn cảnh các cháu, con của bạn gái của mình đáng thương như vậy; song chị cũng quá nghèo, cho nên không làm sao giúp được điều gì; nhưng không thể làm ngơ, nên chị đã bảo các con anh chị Hậu hãy bán ngôi nhà nhỏ của bà ngoại để lại, để lấy tiền chôn cất bà, rồi sau đó, chị đã nhận nuôi các con anh chị Hậu; mà các con của anh chị Hậu đã gọi cô là “Dì Tâm” và cùng đi lên “vùng kinh tế mới” để sống với dì Tâm.
Tại “vùng kinh tế mới”, thuộc thôn Đông Bích, xã Hòa Khương, quận Hòa Vang, vì còn nhỏ, các cháu không thể làm những công việc nặng nhọc, nên cô Tâm sắp xếp cho các cháu ở trong ngôi nhà lá của mình. Thấy hoàn cảnh của các cháu và cô Tâm như vậy, cho nên mỗi ngày các cháu thường được đồng bào trong khu vực này bảo đến hái đậu phụng, lột vỏ mía cho một người từ Đà Nẵng lên làm chủ ruộng trồng mía và đậu ở đó, để có tiền mua sắm thêm những vật dụng cá nhân cần thiết, vì dì Tâm cũng nghèo như tất cả những người dân “kinh tế mới”. Vì thế, về chuyện đi thăm nuôi người cha còn trong tù, là khó thực hiện được!
Phần anh Hậu, kể từ lúc vợ mất; thì ở trong nhà tù, anh không còn được ai thăm nuôi nữa, anh cũng biết được tin tức về vợ và nhạc mẫu đều đã chết qua những người bạn tù khi được thăm nuôi do thân nhân kể lại. Nhưng về sau, anh không biết thêm điều gì nữa, bởi các con anh vì đã không có nhà ở, cho nên đã theo cô Tâm lên “vùng kinh tế mới”.
Bất lương!

Viết đến đây, tôi muốn nhắc lại những cảnh đời khốn khổ của những đồng bào ruột thịt của chúng ta ở những “vùng kinh tế mới”. Ở đấy, có những đồng ruộng nước, là của những người dân đã bỏ ra đi về các thành phố. Vì thế, khi đến chốn này, thì công việc đầu tiên, là đồng bào phải đốn cây rừng, cắt tranh đem về rồi cất lên những căn nhà lá để trú nắng che mưa. Sau đó, là phải dùng đôi tay trần của mình mà cầm cuốc, rựa… để khai khẩn ruộng và vỡ đất hoang giữa những đám cây cỏ, lau lách mọc cao quá đầu người, vì bị hoang phế nhiều năm, để trồng lúa, trồng khoai sắn. Nhưng mỗi lần trồng lúa, lúa chết, trông khoai sắn cũng chết, còn sót lại chút nào, thì chỉ nuôi những bầy chuột, chứ chẳng được ăn được bao nhiêu. Và vì giữa vùng rừng núi hoang vu, không có y tá, không có thuốc men gì cả, nên đa số người dân đã bị lâm vào rất nhiều bệnh tật, có người đã chết tại “vùng kinh tế mới”. Chính vì thế, nên sau đó, đồng bào đã bất chấp tất cả để rời bỏ “vùng kinh tế mới”, cùng nhau quay trở về thành phố, dù biết trước cũng sẽ phải sống ở những nơi gầm cầu, xó chợ!
Phần các con của anh chị Hậu, sau khi mất mẹ, rồi mất bà ngoại, mặc dù được “dì Tâm” cũng như mọi người thương yêu, đùm bọc, nhưng các cháu cũng phải cùng chung số phận như mọi người dân “kinh tế mới”. Các cháu không được đi học, vì “vùng kinh tế mới” không có trường dạy chữ, nhưng không nỡ để cho các cháu hoàn toàn dốt, cho nên “dì Tâm” và đồng bào cố gắng dạy cho các cháu biết đọc, biết viết mà thôi.
Ngày trở về của người tù “cải tạo”
Vào một ngày đầu thu, năm 1983, Đại úy Nguyễn Đức Hậu, tại “Trại cải tạo T.154” thường được gọi là “trại Tiên Lãnh” vì trại nằm tại xã Phước Lãnh cũ, sau 1975, đổi lại là xã Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng Nam, nhận được “Lệnh phóng thích” và “Giấy ra trại”. Anh Hậu được “xuất trại” và tìm đường về Đà Nẵng, nhưng về tới nơi, thì nhà cửa chẳng còn, con cái thì không thấy. Anh phải đi tìm hỏi thăm những người quen, thì mới hay, các con của anh chị đã theo cô giáoTâm lên “vùng kinh tế mới”.
Nhưng với thân xác tiều tụy, không có tiền để đi xe, biết làm sao để tìm gặp lại các con. Suy nghĩ một lát, anh Hậu chợt nghĩ: điều đó, đối với anh không là chuyện không làm được, vì đã từng lao động trong tù, cho nên anh đã quyết định đi bộ; và anh Hậu đã đi bộ, vừa đi vừa nghỉ, từ thành phố Đà Nẵng đến “vùng kinh tế mới” tại thôn Đông Bích, suốt cả một ngay đường.
Trùng phùng và Giai ngẫu tự Thiên thành
Có lẽ giây phút trùng phùng giữa người tù “cải tạo” và các con của mình, thì không một ai có thể dùng bất cứ một ngôn ngữ nào để có thể diễn tả cho trọn vẹn niềm hạnh phúc của chính họ.
Ngày ấy, dù đã xa, nhưng tôi chắc cho đến giờ phút này đây, nếu đọc được bài này, thì anh Hậu, chị Tâm và các cháu sẽ rưng rưng hay sẽ cùng nhau khóc khi hồi tưởng lại một buổi trùng phùng, một cuộc hạnh ngộ, mà trước kia, anh Hậu và chị Tâm không bao giờ có thể tưởng tượng ra nỗi.
Cuộc trùng phùng dó, đã diễn ra giữa những giọt lệ mừng vui của những đồng bào “vùng kinh tế mới” khi biết được một người đàn ông gầy guộc với bộ áo quần tù mầu xanh đã bạc đã tìm đến, và đang đứng trước mặt mọi người đó, chính là anh Hậu, người cha ruột của các cháu là con nuôi của “dì Tâm”.
Phần “dì Tâm” trong lúc các con nuôi của mình đang được anh Hậu ôm chặt vào lòng, và liên tiếp gọi Ba… Ba…thì chị không biết phải nói lời gì, mà chỉ biết rơi nước mắt!
Thế rồi, trong những ngày chung sống trong mái lều tranh cùng cô giáo Tâm, bên cạnh những tấm lòng yêu thương của những đồng bào đồng cảnh ngộ, thì một cuộc lương duyên đã tự Thiên thành: Một bữa tiệc “cưới”, chỉ đơn sơ là cơm trắng, mấy con cá đồng và rau luộc, do đồng bào “kinh tế mới” sắp xếp để “từ nay các cháu sẽ gọi dì Tâm là Mẹ” trước những dòng lệ mừng của mọi người, và đặc biệt nhất là giọt nước mắt long lanh sáng ngời như những viên kim cương từ trong khóe mắt của cô giáo Tâm, là bạn thân của chị Hậu. Cô giáo Tâm từng là một cô giáo xinh đẹp, duyên dáng, một thời được nhiều cánh mày râu theo đuổi; thế nhưng, kể từ sau ngày mất nước cho tới giờ phút đứng bên anh Hậu, đây là lần đầu tiên cô Tâm được làm vợ và làm mẹ của các con, và khi các con của anh chị Hậu đã không ngần ngại khi gọi “mẹ Tâm - ba Hậu”, thì những giọt lệ kim cương kia đã lăn dài xuống má, và đã thấm vào bàn tay của người tù “cải tạo” Nguyễn Đức Hậu giữa những tiếng cười và những lời chúc phúc của những đồng bào cùng cảnh ngộ tại “vùng kinh tế mới”.
Giờ đây, anh chị Hậu-Tâm cùng các cháu đã và đang chung sống ấm êm hạnh phúc bên mái ấm gia đình trên đất Hoa Kỳ. Người viết chân thành chúc mừng cho anh chị; và quả thật, mọi sự đều đã được Trời cao sắp đặt-an bài, đúng như những lời của cổ nhân đã dạy:
Lương duyên do túc đế, Giai ngẫu tự Thiên thành.
Paris, 28/9/2012
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire