dimanche 7 octobre 2012

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ Bài số 6 HỒ TẤN VINH



MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 6
HỒ TẤN VINH

Lê Văn Viễn
Khi nghe nói tới Bình Xuyên thì người ta thường nghĩ tới Bảy Viễn và đám ‘ăn cướp’. Thật ra, Bảy Viễn chỉ là người thứ ba trong một nhóm giang hồ (Mười Trí chỉ huy chi đội 4, Bảy Viễn chỉ huy chi đội 9, Tư Hoạnh chỉ huy chi đội 21, Tư Tỵ chỉ huy chi đội 25, hai cha con ông Tám Mạnh và rễ Hai Vĩnh chi đội 7, Mười Lực chi đội 3, Năm Chẳng chi đội 2, Bảy Môn, Tư Huỳnh . . . (một chi đội lúc bấy giờ là một trung đoàn).
Bảy Viễn chỉ học hết lớp ba trường làng, sau này học võ nghệ với một Sãi Cả Miên. Để có tiền xài, Bảy Viễn có đi ăn cướp, nhưng không ăn cướp nhà thường dân mà ăn cướp trại mộc ở Bình Triệu, cướp sở cao su Dầu Tiếng hay lúc cần tiền thành lập quân đội thì bắt cóc công tử Bạc Liêu, rồi đòi Hội Đồng Trạch trả cả triệu bạc. Khi Hội Đồng Trạch hiểu lý do, Hội Đồng Trạch vui vẻ trả tiền chuộc con và công tử Bạc Liêu không hề có bị đánh đập gì.
Lúc bấy giờ, dân chúng còn xài đồng xu, tấm giấy bạc 100 đồng có hình bộ lư. Nhà nào có một ‘bộ lư’ là kể như khá giả. Mà một triệu đồng là tới 10 ngàn tấm bộ lư lận, đủ mua một ngàn cây súng và nuôi một ngàn quân. Nguồn gốc tài chánh của quân đội Bình Xuyên không phải từ Pháp hay Mỹ. Bảy Viễn không có xin ngoại bang nào một xu nào hết.
Và tiền cướp được có giúp cho dân làng Bình Xuyên mua đất để lập nghiệp. Dân cư ở đây rất nghèo, không có ruộng đất để cày cấy. Họ sống bằng nghề chăn vịt hay cấy mướn (làng này ở phía Nam Chợ lớn, nằm giữa sông Saigon và sông Soài Rệp)
Tháng 6 năm 1948, Bình Xuyên bị Việt Minh trở mặt đánh úp.
Trước đây, năm 1946, Bảy Viễn được Nguyễn Bình phong chức Khu phó Khu 7, nhưng chưa đi nhậm chức. Tháng 6 năm 1948, Nguyễn Bình lại thăng Bảy Viễn lên chức Khu Trưởng Khu 7 và mời Bảy Viễn vô Đồng Tháp để nhậm chức. Bảy Viễn biết Nguyễn Bình âm mưu giết mình nhưng vẫn đi.
Ngày 20-5-1948, Bảy Viễn rời Rừng Sác đem theo 200 lính thiện chiến thuộc Bộ Đội An Điền. Ngày 25-5-1948, Bảy Viễn nhận chức Khu Trưởng Khu 7. Đang ở Đồng Tháp, ngày 29 tháng 5, Bảy Viễn được tin thủ hạ ở Đông Soài Rệp bị Việt Minh tước vũ khí. Bảy Viễn tức tốc quay về. Ngày 10-6 Bảy Viễn về đến Bình Hòa thì được tin trọn khu Bình Xuyên đã bị Việt Minh chiếm.
Bảy Viễn không có con đường nào khác hơn là cho liên lạc với Pháp xin về thành.
Tướng Việt Minh Huỳnh Văn Nghệ lúc bấy giờ là Khu trưởng Khu 8. Nguyễn Bình biết Huỳnh Văn Nghệ là bạn thân của Bảy Viễn nên trước đây giao cho Huỳnh Văn Nghệ nhiệm vụ mời Bảy Viễn vào Đồng Tháp. Bây giờ Bảy Viễn đang lui binh thì Huỳnh Văn Nghệ lại cho quân của khu 8 truy kích Bảy Viễn. Nhưng khi đến lãnh thổ của Mười Trí thì quân của khu 8 bị chận lại.
Mười Trí ra nghiêm lệnh không cho quân truy kích vào địa phận của mình. Ai vào thì cứ bắn, không cần có lệnh nữa.
Sắp xếp xong, Mười Trí tiếp đải Bảy Viễn một ngày một đêm. Khác với các đảng viên cộng sản như Bảy Trấn, Tám Nghệ vì chỉ biết tuân đảng lệnh nên bắt buộc phải bỏ nhân tính, không thể sống theo đạo lý giang hồ, Mười Trí và Bảy Viễn đã từng ăn cơm tù chung và lập kế vượt Côn Đảo chung, nên có nhiều tâm sự nói với nhau. Hôm sau, đích thân Mười Trí tiển đưa Bảy Viễn ra khỏi địa phận của mình.
Ngày 13-6-1948, Bảy Viễn kéo 3 tiểu đoàn về thành và được gắn lon Đại Tá.
Quân Bình Xuyên được chánh thức thừa nhận là quân đội bổ túc của chánh quyền của cựu Hoàng Bảo Đại, được phát lương hằng tháng. Sau đó, Bảy Viễn trúng thầu khu giải trí Đại Thế Giới nên có tiền xây cất Tổng Hành Dinh và từ chối lương của Pháp, tự mình trả lương cho lính của mình.
Lúc cao điểm, lực lượng Bình Xuyên có 20.000 quân. Có lúc quân đội Bình Xuyên chịu trách nhiệm an ninh con đường Saigon – Vũng Tàu dài 100 cây số và đường thủy Saigon - Rừng Sác. Nơi nào có Bình Xuyên thì Việt Minh không dám lại gần. Nói về kinh nghiệm chiến trường thì lực lượng Bình Xuyên lúc đó là lực lượng thiện chiến nhứt nhờ có ba năm chiến đấu chống Pháp.
Người ta thường chê bai Bảy Viễn hai điểm: một là học dốt, hai là làm tiền dơ bẩn. Về học lực, Bảy Viễn và Vua Quang Trung bằng nhau. So với Hoàng đế sáng lập 270 năm triều đại nhà Minh, Bảy Viễn học hơn Chu Nguyên Chương một lớp.
Về chuyện tiền bạc thì cách kiếm tiền của Bảy Viễn sạch và oai phong hơn cách của Ngô Đình Cẩn.
Trong thời loạn lạc, Bảy Viễn có làm hai việc hiển hách mà giới giang hồ phải nể và Bảy Viễn có thể tự hào với hậu thế.
1 - Trước năm 1948, lúc còn hợp tác với Việt Minh, Việt Minh có đưa cho Bảy Viễn một danh sách các nhà trí thức quốc gia mà CS kết án tử hình và ban lệnh cho Bảy Viễn thi hành. Ai cũng biết cải lệnh của CS là chết. Bảy Viễn nhận lệnh nhưng không hèn nhác thi hành lại ngang nhiên thông báo cho họ trốn, và những người bị bắt rồi thì thẩm vấn vài câu bá láp rồi ra lệnh thả ra. Tay của ‘thảo khấu’ Bảy Viễn vì lăn dưa nên có dính sình chớ không có dính máu các nhà ái quốc VN như bàn tay của Hồ Chí Minh hay của Ngô Đình Diệm.
2 - Khi bị Nguyễn Bình mời vô Đồng tháp để nhận chức Khu trưởng khu 7, ai cũng biết Nguyễn Bình gài bẩy để giết nhưng mặc dầu các cố vấn (Lâm Ngọc Đường) kịch liệt phản đối, Bảy Viễn vẫn hiên ngang đi vào chỗ chết và tả xông hữu đột đi ra.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 7 tháng 10 năm 2012

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire