mardi 16 octobre 2012

SỰ TRẦM LẶNG VÀ QUÂN BÌNH TÂM LÝ Lê Quốc Trung


SỰ TRẦM LẶNG VÀ QUÂN BÌNH TÂM LÝ



                                                                                           
                                                                                            Lê Quốc Trung

I.     Con người hôm nay đã đánh mất sự quân bình của bản thân mình

                
                Thật vậy, tiếng ồn đã thâm nhập cuộc sống con người thời đại, làm cho con người
không định hướng được :  Họ không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu nữa !

                Phải công nhận rằng, nơi và lúc im lặng càng ngày càng hiếm hoi trong đời sống thường
ngày của đa số những con người ngày nay.  Thậm chí ở nông thôn, với việc cơ giới hóa các công việc 
đồng áng, sự trầm lặng của người nông dân thanh thản bước đi sau con trâu cày đã trở thành một
cảnh vẽ trong bức tranh từ lâu lắm rồi, không còn là sự thật nữa.

                Thử nghĩ xem, sáng sớm ngay khi ra khỏi giường là đưa tay bấm TV để xem bản tin ngắn
đầu ngày, rồi tai lại nghe tiếng ầm ầm của chiếc xe đổ rác ngoài đường, những âm thanh của máy vi
tính bật lên để "check email", chuông điện thoại bàn, điện thoại cầm tay, tiếng hát của máy hát dĩa bỏ 
túi...truyền hình 24/24 v..v..vẫn cứ theo con người cho đến những nơi thanh vắng...Và hình như con 
người không còn sống trong trầm lặng được nữa !

                Thiếu trầm lặng, con người chẳng những sống ngoài lề của chính mình, nhưng còn thu hẹp
mọi tương quan giữa người với người, vì sự vắng mặt của đời sống nội tâm đem lại biết bao hậu quả
cá nhân và xã hội.  Thế nhưng, phải hiểu rằng :  con người không thể tự xả trống trong con người mình 
được.


                Người ta kể rằng :  "Một đệ tử muốn tìm môn sư để học đạo.  Khi đến gặp thầy, đệ tử đặt
rất nhiều thắc mắc xin thầy giải đáp.  Thay vì trả lời câu hỏi của học trò mới, thầy lấy ra một ly nước đầy 
để trên bàn, rồi lấy một ấm trà, thầy vừa lắng nghe vừa tiếp tục rót vào ly nước khiến cho nước trà chảy
tràn ra ngoài làm ướt xung quanh.  Nghĩ rằng thầy mình bắt đầu lẩm cẩm, nên anh mới đưa tay nhắc thầy,
nhưng thầy làm như không nghe thấy gì và cứ tiếp tục rót.  Một lúc sau, khi trò ngưng hỏi thì thầy cũng 
ngưng rót.  Rồi thầy thanh thản bảo người học trò mới tới :  "Lòng anh đã quá đầy như ly nước trà này.
Thầy có rót gì thêm thì cũng tràn ra vô ích.  Anh hãy về đi, lúc nào lòng anh có khoảng trống thì trở lại."

                Khoảng trống - trầm lặng - lắng nghe là 3 yếu tố cần thiết để lập lại thế quân bình tâm lý và 
nội tâm trong cái xã hội "đầy nghẹt" này.

                Cách đây hai năm, một viên chức trẻ nói với tôi :  "Thưa Thầy, em bị cuốn hút ngoài sức mình
vào trong guồng máy nhiệm vụ xã hội, sự nghiệp, bị kẹt cứng giữa lợi nhuận và hình ảnh thất nghiệp.  Em 
có cảm giác là đang đi xuyên cuộc sống trên một chiếc xe lửa vận tốc cao, không dừng bất cứ nơi nào, 
và sẽ tông mạnh vào bức tường của cái chết mà không có thời giờ nhìn ngắm phong cảnh xung quanh.  
Đôi khi em về vài ngày với gia đình để nghỉ ngơi, nhưng lại vẫn đem theo các tập hồ sơ, đem theo laptop
để làm việc...Có khi em nghĩ cần phải có một trở ngại lớn nào đó về sức khỏe thì may chăng mới kéo còi 
báo động được."  Đúng vậy !


II.    Muốn có quân bình tâm lý, con người cần sự "cô tịch và cần "tương quan xã hội"


                Chúng ta nhất định phải tìm ra con đường thinh lặng.  Đừng chờ đến khi "gãy" rồi mới tìm ra một cách
sống khác, ít ra theo định kỳ, hãy tìm một thời gian nghỉ ngơi cho thể xác và trí óc.  Đó là hình thức chính để giải 
độc tiếng ồn.

                Có nhiều bạn trẻ nghĩ rằng sự trầm lặng, sự cô tịch là nhu cầu của người già mà thôi.  Không đúng đâu !
Có lẽ một số người trẻ hiện nay đang nằm ở nghĩa trang, nếu có thể được, họ sẽ cho ta biết sự hối tiếc của họ về 
điểm này.

                Nhưng dù sao, chúng ta sẽ thấy rằng sự thoải mái thể lý này chỉ là một giai đoạn.
Trầm lặng không chỉ là vắng bóng tiếng ồn.  Sự thinh lặng tâm lý phải theo sau.  Do đó ta thấy rằng, nếu sự cô lập
phá hủy, thì sự cô tịch lại xây dựng.  Con người tự nhiên mong muốn được giao tiếp, được kết nối liên lạc.  Toàn 
bộ con người của mình được cấu trúc để gặp gỡ người khác.

                Nhưng, suy nghĩ kỹ, chính ở đây hiện ra sự nghịch lý :  sự khát mong được gặp gỡ người khác ít khi được 
mãn nguyện.  Ngoài sự hiệp thông trong chốc lát, con người nhanh chóng chua chát nhận ra rằng giữa mình và người 
khác, cho dù là người thân nhất, cũng có một phần không thể thông truyền được, một khoảng cách không thể nào 
vượt qua được. Jean Paul Sartre, khi đi đến tận cùng nhận định trên, đã diễn tả sự thiếu thông cảm giữa người với 
người và trong tâm trạng chán ngán, ông viết :  "Rồi đây, mãi mãi chúng ta sẽ cùng cô đơn bên cạnh nhau" (Huis Clos)

                Mặt khác, con người không chấp nhận hoặc sự cô tịch hoàn toàn, hoặc sự hiện diện liên lỉ của những người
khác.  Một sự cô tịch kéo dài sẽ làm trổi lên trong lòng người ấy một sự ước mong là phải có sự hiện diện của người 
khác.  Một đời sống cộng đoàn đầy tương quan cao độ sẽ tạo ra sự mong muốn ở một mình.  Cuối cùng, sự luân phiên
giữa cô tịch và hiện diện có vẻ như là qui luật căn bản cho thế quân bình tâm lý của con người bình thường.


Để thay lời kết :


                Cô tịch, trầm lặng, dần dần sẽ đưa đến sự bình an trong tâm hồn.
Tuy nhiên, cần cảnh giác trước bộ mặt tiêu cực của sự thinh lặng trong cách cư xử đối với người khác.  Thinh lặng dửng 
dưng :  xem người khác chỉ là một bối cảnh cho một cuộc sống ích kỷ không chút quan tâm đến họ.  Thinh lặng khinh bỉ :
nhìn xuống kẻ khác với cái nhìn trịch thượng.  Thinh lặng của một tâm hồn trống rỗng, không có gì để nói, không có gì để 
chia sẻ.  Thinh lặng hèn nhát trước sự lấn át của bất công, của phản đạo đức, sợ phải liên hệ, sợ phải dấn thân, phải đối 
diện với sự xấu, sự thật.

                Bên cạnh những điểm tiêu cực trên, chúng ta còn thấy một dạng tích cực của sự thinh lặng, đó là sự thinh lặng
biết "lắng nghe".  Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng mỗi người cần có trong quan hệ xã hội.  Phải công 
nhận rằng, khả năng lắng nghe không phải là một thái độ tự nhiên của con người.  Chúng ta có khuynh hướng tập trung vào
chính mình hơn là mở rộng tầm nhìn về người khác.  Phải kiên nhẫn tập luyện.  Lúc bấy giờ chúng ta thấy rõ hơn giá trị của 
khả năng lắng nghe.  Lắng nghe với hai lỗ tai, nhưng nhiều lúc với con tim, trong sự tôn trọng lẫn nhau, thông cảm cho nhau,
chấp nhận nhau trong sự khác biệt và đây cũng là thái độ của con người trưởng thành.


                                                                                                                               GS. Lê Quốc Trung

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire