dimanche 17 mars 2013

Bút Xuân và câu chuyện số 53 đường Trương Minh Giảng

Tết Mậu Thân khi VC tấn công Sàigòn, tôi còn đang ở ngôi nhà tại đường Nguyễn huỳnh Đức. Nhà này do tôi chỉ huy thợ xây cất, 3 tầng suốt, trên đó là cái sân thượng với một căn phòng nhỏ để tôi lên đó đọc sách cho yên tĩnh hoặc ban đêm lên ngủ. Nhà trong Nam xây tốn hơn nhà ngoài Bắc vì tầng nào cũng phải có nhà tắm và cầu tiêu, lại có chỗ làm bếp, đun nấu cho một gia đình.

Giữa năm đó người ta mách cho tôi căn nhà số 53.. Trương minh Giảng hai vợ chồng li dị muốn bán. Tối đó, tôi sang gặp chủ nhà, chỉ sau nửa giờ tôi đặt cọc mua căn nhà vì tôi không bớt một đồng. Nhà mặt đường Trương minh Giảng-Trương minh Ký từ 1954 đến 1975 lúc nào cũng có giá vì ai cũng thích có một căn nhà nơi đó đã khang trang, xây cất kiên cố đẹp đẽ, ở cũng tốt mà làm cửa hàng buôn bán cũng tốt, khi muốn bán, bán rất dễ và có lời.
Nhà này nhìn sang miếng đất trống của nhà thờ Nam, tức ở ngay biên giới Trương minh Giảng (tên trước 4-1975) và Trương minh Ký, cách mấy căn là Nam Việt Ngân hàng. Đặt cọc căn nhà này nhưng chưa đề biển bán căn nhà ở đường Nguyễn huỳnh Đức thì lấy tiền đâu trả chủ bán để lấy nhà. Vậy mà chúng tôi cũng bán được nhà chỉ sau hai tuần và đã dọn vào nhà mới suông sẻ.

Tôi ở như vậy được một năm, vẫn đi dạy học nhiều trường và làm Tổng thư ký Tòa Soạn/Chủ bút bán nguyệt san Tinh Thần Nha Tuyên Úy Công giáo QLVNCH. Ngôi trường tôi yêu mến là Trung tiểu học Đồng Tiến, tôi làm Giám học và Tổng Giám thị và là Giáo sư dạy nhiều lớp ở đó. Ngôi trường thứ hai tôi yêu mến là trường Trung học Thánh Mẫu sau chợ Bà chiểu-Gia định, mấy lớp 11 và 12 mỗi niên khóa các em học sinh rất quyến luyến và thỉnh thoảng cha Giám học (LM Nẫm) lại tổ chức cho tôi cùng các em đi cắm trại ở Biên hòa hay Thủ đức, Lái thiêu v.v…rất vui, nhiều kỉ niệm.
Lúc đó tôi đã được giải ngũ (động viên khóa 13 SVSQTB Thủ đức) nên yên chí đi dạy và làm báo. Khi có giờ, tôi cũng viết cho nhiều nhật báo như Xây Dựng, Hòa bình, Bút Thép, Chính Luận những tờ báo có uy tín và thỉnh thoảng gửi bài cho Thời Nay, Phổ thông, các đặc san Sinh viên v.v…
Khi tôi ở trong căn nhà mới đường Trương minh Giảng được khoảng 6 tháng, người em họ của tôi tên Ch. lúc ấy có nói với tôi và nhà tôi:
“Thưa anh chị, em có ông anh rể tên T. anh ta mới bị giải ngũ không có công việc làm. Anh ta đã có gặp anh chị hôm đám cưới em. Em có nói với anh ta là anh có ngôi nhà mặt đường Trương minh Giảng, anh chị và các cháu ở chứ không buôn bán gí vì chị thì đông con, anh đi dạy học nhiều trường cũng thoải mái. Anh ta nhờ em nói với anh chị cho anh ta mướn cửa hàng để làm ăn sinh sống, không bao giờ anh ta quên ơn anh chị.”
Nể lời chú em, tôi bằng lòng cho anh này mướn cái cửa hàng. Chúng tôi có cửa sau để lên lầu (4 tầng và cái sân thượng rộng thênh thang). Tôi bắt anh ta ký giấy mướn một năm, tiền nhà thay vì nghìn bạc một tháng (tiền VNCH năm 1970), anh ta năn nỉ xin trả 700, sau này nếu làm ăn được sẽ tăng lên 800, rồi 900; có như thế anh ta mới trả nổi.
Nghĩ tình anh ta là anh em với người em mình, vả lại tôi đi dạy học, nhà tôi lo việc nội trợ bận rộn vì đông con, tôi bằng lòng cho anh ta mướn làm cửa hàng sửa TV.
Chỉ trả được 3 tháng tiền nhà, anh này trổ mòi đểu cáng không trả nữa. Tôi đã gặp anh ta nhiều lần nhưng vô hiệu. Tôi giơ tấm giấy giao kèo ra, anh ta thách tôi đi kiện. Vì hệ thống tư pháp miền Nam lúc đó còn nhiều sơ hở và bất công, lấy cớ là bênh vực dân nghèo, dân đi ở mướn nhưng thực tế chỉ làm cho những kẻ mướn lưu manh sinh lòng tham lam cướp nhà của gia chủ. Dù có trưng bằng cớ không trả tiền nhà nhiều tháng, dù có tờ giao kèo nhưng đã có rất nhiều chủ nhà chịu thua kẻ thuê mướn điếm đàng. Khoảng mùa Xuân năm 1970, vì làm ăn mỗi ngày mỗi xuống, thợ sửa bỏ đi vì y xử tệ, khách sửa không có, cửa tiệm đóng cửa hoài hoài. Sau đó y bắn tiếng với tôi là cho y một số tiền thì y sẽ dời đi.
Y đòi 1 triệu, tiền lúc đó còn giá trị, chỉ 30-35 đồng một tô phở bò giá 5 đôla bây giờ.
Tôi thấy y quá vô lý khi ăn cướp của tôi một số tiền lớn như thế. Nhân sắp ra tranh cử Dân biểu Quốc hội, tôi bàn với nhà tôi không cho y, khi tôi đắc cử Dân biểu chắc chắn tôi phải đòi Công lý cho tôi. Và tôi lấy lại cái cửa hàng đã bị y chiếm cả năm nay.
Nhưng nhà tôi nói thôi anh cứ cho y đi. Thứ ăn cướp của người chắc không bền đâu. Tôi thu xếp đưa cho y 1 triệu bạc mà lòng đau như cắt. Người em tôi không được một lời khuyên can thằng anh cọc chèo làm bậy dù tôi có nói với chú ta xin bớt cho tôi vì con đông (vợ chồng anh ta lấy nhau lâu nhưng không có con).

Rồi tôi cũng giao tiền và lấy lại được cái cửa hàng. Tuy chưa buôn bán nhưng nhờ tầng trệt thuận tiện, các Vận động viên cho tôi (tranh cử Dân biểu năm 1971) chỉ xẹt vào lấy truyền đơn, bích chương, khi thuận tiện, ăn bữa cơm với gia đình tôi hay có khi chỉ vài ổ bánh mì thịt nhà tôi làm để sẵn, lại mau mau đi xuống Hóc Môn hoặc Bình chánh, sang Tân Bình làm nhiệm vụ tôi giao phó: giới thiệu tôi với các cử tri. Hàng trăm nữ sinh và nam sinh các lớp 10, 11, 12, có cả phụ huynh các em giúp tôi. Các cụ già, các thanh niên nam nữ qui tụ lại cả vài, ba trăm người. Có những buổi tối họ không hẹn mà cùng về nhà tôi, ngồi chật ních một tầng trệt, bàn ghế phải mướn tháng, cơm nước nấu không kịp, đãi đằng bình thường cơm dưa muối nhưng tình người thật đầm ấm. Tôi đã làm nhiều công việc nhưng chưa có việc nào vất vả như khi ra tranh cử Hạ Nghị Viện VNCH năm đó.

Ăn cướp được tiền của tôi rồi, hai vợ chồng tên T. rất hí hửng ăn tiêu sung sướng của không mồ hôi nước mắt. Vậy mà chỉ 4 tháng sau, vợ anh ta bị chứng bệnh ung thư tử cung bộc phát, rồi qua đời đột ngột khi chị này mới ngoài ba mươi tuổi trước đó rất khoẻ mạnh. Số tiền ăn cướp của tôi phải chi phí vào đám ma cho vợ cũng không còn bao nhiêu.
Nghe nói khi CS vào Sàigòn, anh ta lấy một nữ cán bộ CS nhưng sau đó mấy năm anh ta bị một cơn bạo bệnh và qua đời khi tuổi cũng còn khá trẻ.
Quả báo nhãn tiền trong trường hợp tôi vừa kể. Người ta thường nói ông trời có mắt.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire