samedi 18 mai 2013

St Petersburg & Sài Gòn , Một Dòng Lịch Sử ? Cao Đắc Vinh , Cali 2013/03/31

St Petersburg & Sài Gòn , Một Dòng Lịch Sử ?
Cao Đắc Vinh , Cali 2013/03/31

Theo Phật Pháp thì Sinh Lão Bệnh Tử rồi lại ... Sinh
Con người chết đi sống lại theo kiếp luân hồi . Trong cuộc sống , đứa bé sinh ra từ trẻ trở thành già rồi già lại hoá trẻ . Mọi sự trên đời , đôi vòng nhật nguyệt biến thái không ngừng nhưng xét kỹ , tất cả đều chuyển vận theo cùng một phương thức quỹ đạo và mọi hình thể mang hình tròn hay bầu dục .
Hành tinh chúng ta xoay quanh Mặt Trời , Mặt Trăng chuyển vận quanh ta theo chu kỳ sáng trưa chiều tối và mỗi năm 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông cũng đến rồi lại đi ... Sau mùa Đông lạnh giá , chúng ta thường thấp thỏm chờ đợi mùa Xuân trở lại , cây cỏ cũng theo phép nhiệm mầu tái sinh đâm chồi nẩy ngọn và cứ thế loanh quanh cuộc sống , muôn vật chỉ là một vòng tròn bất di bất dịch .
Quay sang hỏi lịch sử thì ta nghe và nhận thấy những gì ?


- Vào thế kỷ thứ 17 , sau khi phá tan pháo đài Nyenskans của người Thuỵ Điển trên dòng sông Neva , Nga Hoàng Peter The Great xây dựng thành phố St Petersburg trên bờ biển Baltic . Suốt 2 thế kỷ , nơi đây trở thành kinh đô của Đế quốc Nga cho đến Cách mạng tháng mười năm 1917 , lãnh tụ Bolshevik Vladimir Lenin lên « ngôi vua » với triều đại Cộng Sản và chỉ ba ngày sau khi ông ta chết , 26/01/1924 , thành phố « St Petersburg » Petrograd được dân Nga còn sôi sục mùi cách mạng đổi thành Leningrad để mọi người nhớ ơn bậc « vĩ nhân » . Ai oán thay , sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1991 , dân tộc Nga đã nhìn thấy « vĩ nhân » của họ qua hình ảnh « con người có đuôi » và Leningrad bị xoá sổ để quay về với St Petersburg như xưa .
Biển Hồ Ladoga lớn nhất Âu Châu , từ hàng thế kỷ vẫn đổ nước nguồn vô tận vào vịnh Finland qua dòng sông thơ mộng Neva . Ôi Neva ! giống như tên gọi của nàng kiều xinh đẹp , năm tháng êm đềm chẩy quanh thành phố St Petersburg như để rửa sạch hết bụi trần của dòng lịch sử nơi đây ?
Nào ai biết ... nước sông miệt mài chẩy , êm ả trên mặt hồ rồi cũng đổ ra biển để về nguồn ... Biển vẫn còn , hồ thì vẫn thế , sông Neva vẫn chẩy và St Petersburg vẫn còn đây ...
- Cũng vào thế kỷ thứ 17 , Prey Nokor là một làng đánh cá của người Miên , hải cảng quan trọng để tầu bè buôn bán ở biển Thái Bình nhưng sau khi người Việt đến lập nghiệp rồi chiếm cứ thì đổi tên thành Sàì Gòn . Người Miên từ đó mất Đồng Bằng Sông Cửu Long và mất cả biển trời to lớn ấy . Bây giờ họ chỉ còn vịnh Thái Lan là cửa ngoã thông với bờ Thái Bình Dương nhưng chúng ta thử đặt lịch sử câu hỏi vì sao người Miên đã mất Prey Nokor ? Vì đâu nên nông nỗi này ... mà họ phải chịu cảnh nước mất nhà tan ?
Dòng sông lịch sử bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 16 , vua Miên là Chey Chettha cho phép người Việt tị nạn đến lập nhà tạm trú trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh nhưng khi vua muốn cản lại làn sóng di cư và sự xâm chiếm đất đai thì đã trễ vì người Việt định cư quá đông mà vua quan nước Miên giai đoạn đó lại đang chiến tranh với nước láng giềng Thái Lan nên đành « an phận » mất đất ! Thời Pháp thuộc , Prey Nokor được đổi thành Sài Gòn rồi 2 thế kỷ sau , khi Đảng Cộng Sản Việt Nam tiến chiếm miền Nam năm 1975 thì Sài Gòn bị xoá tên trên bản đồ và giống như Leningrad trở thành Hồ Chí Minh huyền thoại .
Viết đến đây , bỗng nhớ đến miền thượng du Tây Nguyên nước tôi , chính quyền hiện nay , giống như vua Miên quan cổ triều đình , không trưng cầu dân ý , bất chấp lòng dân mà tự ý cho phép cả vạn người Tầu sang sinh sống ở đấy để tìm quặng mỏ Bô Xít và thành hôn với con gái Việt . Lịch sử sẽ lại tái diễn mất đất , mất nước như vua Chey Chettha ngày xưa ? Đặt câu hỏi thì trong chúng ta , ai cũng mường tượng được câu trà lời vì lẽ nhìn lại sử sách trong quá khứ , khi thế thời thuận lý , tất cả chỉ là sự tái diễn như chuyện kể của « một cỏi đi về » .
St Petersburg có dòng Neva thơ mộng thì ở miền Nam nước Việt cũng có sông Sài Gòn bắt nguồn từ tỉnh Phum Daung bên Cao Miên , chạy quanh những tỉnh thành miền Nam và thủ đô trên 30 cây số trước khi đổ vào Nhà Bè và trôi ra Biển Đông .
Nếu « cuộc đời là bể khổ » thì nước sông Sài Gòn từ bao thế kỷ nay , tháng ngày vẫn cuốn ra bể Thái Bình những đau thương tang tóc của miền đất triền miên trong chiến tranh này . Sau khi vãn hồi tiếng súng , tiếc thay hận thù vẫn sôi sục trong tim người chiến thắng để hành hạ kẻ thua « cải tạo » chết trong những trại tù cô lập giữa rừng xanh hay chìm sâu ngoài biển cả . Ước mong sao những gì cao đẹp thuộc về đất nước tôi sẽ mãi mãi ở lại và trường tồn như thành phố St Petersburg miền Bắc Cực .
- Vì đâu mà dân tộc Nga muốn « Cái gì của St Peterssburg phải trả lại cho St Petersburg » ?
- Có phải do dân trí cao ? Dân chủ tự do được tái lập nên sau bao năm điêu linh bởi hoang tưởng chủ nghĩa đã giúp họ ngóc đầu lên với thế giới ngày nay ?
Thế thì phải đòi hỏi huỷ bỏ cho bằng được điều 4 Hiến Pháp hiện nay bởi đó là con đường chính dân tộc Nga đã vạch sẵn ... Lòng tôi xao xuyến tự hỏi liệu thành phố St Petersburg và Sài Gòn có cùng dòng lịch sử như kiếp nhân sinh luân hồi ?
Tôi viết bài này để nhớ đến một người bạn ... một lần hai đứa nắm tay nhau đi ngang hông chợ Bến Thành và bạn tôi đã quả quyết nói rằng : « Sài Gòn mãi trường tồn trong lòng dân Việt như St Petersburg trong tâm khảm người Nga ... » .
St Petersburg & Sài Gòn , một dòng lịch sử ?
Bởi vì sự thật , việc thật một khi đã được phơi bầy thì lịch sử sẽ tái diễn và Sài Gòn lại trở về với tên Sài Gòn một ngày không xa ... Vẫn còn đó những con đò xuôi mái chèo trên sông Sài Gòn lượn quanh Đồng Bằng Cửu Long ... tựa như câu chuyện thành phố Leningrad sau 67 năm điêu linh lại trở về với St Petersburg để mãi mãi ôm kiều nữ Neva tắm trên dòng sông lịch sử .
Cao Đắc Vinh , Cali 2013/03/31

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire