mardi 21 mai 2013

TẢN ĐÀ: Ôi Thôi... Bức Dư Đồ Rách Ai Bồi ? Lê Xuân Quang


 

TẢN ĐÀ: Ôi Thôi... Bức Dư Đồ Rách Ai Bồi ? Lê Xuân Quang

Bước vào thế kỉ 20, nền Thi Ca Việt Nam xuất hiện nhiều Thi nhân chói ngời hào quang bởi các tác phẩm của họ. Trưóc hết phải kể ngôi sao của miền núi Tản, sông Đà: Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà là bút danh của nhà thơ, thể hiện lòng yêu quê hương).

Nguyẽn Khắc Hiếu sinh ngày 25.5.1889 tại làng Khê Thượng (Bất Bạt, Sơn Tây), cách Núi Tản Viên mươi cây số, nằm cạnh Sông Đà - con sông nổi tiếng, được Nguyễn Tuân đưa vào văn chương (Kí sự Sông Đà), sau đó, bây giờ - nó góp phần thắp sáng cả đất nước (bởi Nhà máy thủy điện Hòa Bình).


Tản Đà mồ côi cha lúc mới 3 tuổi. Đến 4 tuổi - cụ bà, mẹ nhà thơ - phải bươn chải kiếm sống, không có điều kiên chăm con (...) ông Phó Bảng  Nguyễn Tái Tích - anh cùng cha khác mẹ với Tản Đà - đưa ra Hà Nội chu cấp ăn học, rèn cặp, hi vọng em mình tiến trên đường cử nghiệp. Trong khi đi học ở trường Qúy Thúc, Tản Đà say mê người con gái họ Đỗ ở phố hàng Bồ... Chí tiến thủ cùng người đẹp thôi thúc, năm 1912 - mới 23 tuổi, cậu Ấm Hiếu (tên tục gia đình thường gọi ), như được tiếp thêm sức mạnh - quyết về trường thi  Nam Định, với hi vọng tràn trề: Cầm tấm bằng Cử  nhân đến cưới giai nhân họ Đỗ. Thật trớ trêu, năm đó Nguyễn Khắc Hiếu trượt!

Trở về, chính mắt chứng kiến người mình yêu lên kiệu hoa với ngưòi khác.  Tản Đà suy sụp tinh thần, điên loạn... dẫn đến những quyết định mang tính ở ẩn, quên sự đời: Vào Hương Sơn tìm hồ qủy... tế Chiêu Quân ở Non Tiên... nhịn ăn ở ấp Cồ Đằng và rất nhiều hành động mang tính bất đắc chí...(1). Thương bạn, Thi sĩ Nguyễn Thiện Kế (cũng là anh rể) đưa Tản Đà về chăm sóc, khuyên giải... Tản Đà nhận ra lẽ sống và chọn cho mình hướng đi mới: Quên mối tình oan nghiệt kia, cưới vợ, bỏ hẳn ý định tiến thân bằng con đường cử nghiệp, chuyển hướng sang viết văn... Trong thời gian 4 năm (1912 - 1915, sau tập hợp in thành Tản Đà Văn Tập) Tản Đà viết nhiều thi phẩm. Năm 1916 Tản Đà công bố tác phẩm đầu tay Còn Chơi, ngay lập tức được dư luận chú ý! Tiếp đó trong 23 năm (1916 - 1939), Tản Đà cho ra đời 35 tác phẩm và hàng chục bài đăng trên các báo viết... 

Riêng về Thơ, Tản Đà có: Khối tình (lớn, con) - 3 tập I, II, III (1916 - 1918, 1932); Giấc mộng (lớn, con) - 3 tập 1917, 1929, 1932); Còn chơi (1924,1925) và rất nhiều tác phẩm đủ thể loại bao gồm: Thơ, Văn, Nghiên cứu, Tạp luận, Dịch thuật... Nếu đem con số 23 năm từ lúc bắt đầu công bố tác phẩm (1916) đến lúc về với cát bụi (1939), người đọc sửng sốt vì khối lượng tác phẩm đồ sộ của tác gỉa. Trung bình mỗi năm Tản Đả công bố đều đặn hơn 1,5 đầu sách cùng hàng chục bài viết đăng trên sách báo, tạp chí...
Khi đề tựa cho cuốn Thi Nhân Việt Nam (1942), Hoài Thanh viết trang trọng ngay trước khi vào sách, bằng một bài ai điếu: Cung Chiêu Anh Hồn Tản Đà, cùng với những lời kính cẩn: ’’... Trên hội Tao đàn, chỉ tiên sinh là người của 2 thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho cho một lớp người để  chứng gíam công việc lớp người kế tiếp. Ở địa vị ấy, còn có ai xứng đáng hơn tiên sinh...’’ (2).

Tôi đã viết một bình luận về bài thơ Thề Non Nước của Tản Đà.
Chỉ một bài viết với vài chục trang thì thật qúa ít. Ít - không chỉ chọn có một bài hay trong Còn Chơi (1925)  mà còn qúa nhiều bài hay trong những thi phẩm nổi tiếng có gía trị về nghệ thuật thi ca và, điều quan trọng: Thơ Tản Đà là dấu tích còn nóng bỏng hơi thở của thời đại, của lịch sử nước nhà - chưa được viết đủ lời ca ngợi... Bây giờ đã vậy, lúc xưa cũng thế: Người đọc đền dành cho Tản Đà lòng yêu mến - kính trọng.

Thơ được người đọc đón nhận nồng nhiệt đã đành, tác gỉa Tản Đà còn làm người đọc ngưỡng mộ đến độ: Khi thấy ông im tiếng, vắng bóng trên văn đàn (vì một lí do bình thường), những độc gỉa yêu thích đã trăn trở chờ đón... rồi đâu đó có người hoang tưởng tung tin: Tản Đà đã chết!
Riêng chi tiết này đã làm nên một giai thoại văn chương tuyệt tác:

Mai Lâm - nhà gíao đang dậy học ở  Cao Bằng, cách Hà nội hơn 300 cây số - nghe tin tờ An Nam Tạp Chí đình bản (Báo do Tản Đà làm chủ bút), rồi lại lóang thoáng tin đồn: Thi Sĩ Tản Đà đã... chết! Nhà gíao đau sót, dành cho Thi sĩ những lời thương nhớ, coi nhà thơ ’’không còn’’ - như chính sự mất mát của người thân yêu mình - bằng bài’’Viếng Thi Sĩ Tản Đà’’. Bài thơ chứa chan tình cảm của một người yêu thơ, khi hay tin thần tượng của mình... ’’ra đi vĩnh viễn’’. Có thể coi đó là cơn Sốc lớn đến với Mai Lâm. Ông cảm khái viết, ghi lại trạng thái tâm lý của mình khiến người đọc cùng đồng cảm. ’’Viếng Thi Sĩ Tản Đà’’ là ’’cuộc tình đơn phương’’ giữa người đọc và Thi sĩ. Bài viết lặp đi, lặp lại câu: ’’Ôi Thôi!’’ - cứ như tiếng đọc điếu văn trước mồ - Ô hô... Ai tai - sau mỗi đoạn ca ngợi công đức của người đã khuất:

Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời...
Xa trông mây nước ngậm ngùi
Tấm lòng thương nhớ mấy lời viếng thăm
...
Ôi thôi hỡi bác Tản Đà...
Có phen run rủi hai ta tương phùng…

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà…
Chí cao nghiệp lớn ai người nối theo…
Bức Dư đồ rách ai bồi
Báo An Nam nghỉ ai rồi lại ra...

Đà dù cạn, Tản dù mòn
Danh thơm thi sĩ vẫn còn truyền lâu...  

Ít lâu sau, thấy Thi Sĩ Tản Đà lại xuất hiện trên Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bẩy (của ông Vũ Đình Long), ông Mai Lâm vui mừng, tất tả mang bài thơ viếng bạn của mình về Hà Nội tìm tác gỉa - thi sĩ... Gặp nhau, trong tiệc rượu - cả hai vui thú bình bài thơ của Mai Lâm... Tản Đà sửa vài chỗ của bài thơ... làm bài mới đáp lại thịnh tình của bạn rồi cho đăng cả 2 trên TTTB. Bài đáp lại của Thi sĩ Núi Tản - sông Đà như gói ghém tâm tư tình cảm của mình với cuộc đời, với những người ái mộ lại có phần cao ngạo - trào lộng:

Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau...

Nực cười cho bác Mai Lâm...
Con tằm còn trả nợ đời chưa xong...

Nực cười cho bác Mai Lâm...
Bức Dư đồ rách không bồi
Báo An Nam nghỉ biết đời nào ra
Hủ nho vô ích nước nhà...

Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Còn ai thi sĩ lại còn tri âm
Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau  

Ở bài Xướng của Mai Lâm có 2 câu đáng chú ý, gợi cho người đọc sự liên tưởng:

Bức Dư Đồ rách ai bồi
Báo An Nam nghỉ ai rồi lại ra?

Tản Đà trả lời trong buồn nản:

Bức Dư Đồ rách không bồi
Báo An Nam nghỉ biết đời nào ra 

An Nam Tạp Chí lúc đó do Tản Đà làm chủ bút. Giờ Chủ bút ’’chết’’, nếu có thể tái bản, ai sẽ là người thay thế? Một sự luyến tiếc tài năng!

Còn ’’Bức Dư Đồ Rách’’ là một sự kiện văn học, nổi tiếng thời kì Tản Đà sung sức.  Để tìm hiểu thấu đáo về sự kiện BĐDR chúng ta đi ngườc thời gian về những năm đầu của thế kỉ 20: Sau khi đánh chiếm Hà thành, Tổng Đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, thực dân Pháp tạm thời bình ổn được tình hình. Thực hiện chính sách Chia để Trị bằng cách: Chia Việt Nam thành 3 Kỳ (vùng): Bắc Kỳ - Trung Kỳ - Nam Kỳ. Bắc và Trung Kỳ đặt dưới chế độ Bảo Hộ của Pháp.  Chính quyền do chính phủ Nam Triều - Vua quan nhà Nguyễn - trực tiếp điều hành. Nhưng thực chất Pháp vẫn gían tiếp lãnh đạo. Ngay đến việc để vua nào lên ngôi… phế truất vua nào (như trường hợp các vua Duy Tân, Hàm Nghi) cũng do chính quyền Pháp quyết định.

Còn Nam Kỳ (…) coi như Pháp chiếm trọn, thiết lập chế độ Thuộc địa. Nam Kỳ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.
Ở mỗi vùng, miền, mỗi địa phương lại có những quan quân đặt ra luật riêng… ’’lệ làng’’ khiến đất nước không còn là đất nước thống nhất. Tấm bản đồ vẽ trên mặt giấy thể hiện chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, chỉ là bức vẽ, còn trên thực tế, Bức Dư Đồ - thực chất đã ’’Rách’’ nhiều chỗ, nhiều khoảng cách, nhiều lỗ hổng… 

Cám cảnh, Tản Đà viết bài thơ đầu tiên diễn tả tâm trạng mình trước đất nước bị họa xâm lăng: Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 1 ra đời trong hoàn cảnh này. Bài thơ in lần đầu năm 1921, trong tập thơ Còn Chơi. Đến năm 1925 được tuyển chọn in trong tập Thơ Tản Đà:

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con chắu lấy làm chơi (3)
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi. (4)

Các nhà văn, nhà thơ đương thời cảm tác cùng tác gỉa, lên tiếng hưởng ứng, ủng hộ tư tưởng của Tản Đà bằng cách có nhiều bài họa lại… Tản Đà đồng cảm liền viết bài họa lại thứ 2 - Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 2, đăng trên ĐPTB (Đông Phương Thời báo), số 635,- năm 1927:

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi
Ta bồi cho chúng chị em coi
Giận cho con chắu đà hư thế
Nghĩ đến ông cha dám bỏ hoài.
Còn núi còn sông: Nhìn vẫn rõ
Có hồ có giấy dễ mà chơi.
Bởi chưng hồ giấy ta chưa có
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi. 

Như được chắp thêm cánh, đồng hành bay bổng cùng Tản Đà, các nhà nho, nhà văn có tâm huyết, yêu đất nưóc, dân tộc cùng tham gia họa lại BDĐR… Tản Đà viết tiếp bài thứ 3 - Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 3, đăng trên ĐPTB số 636 - 1927:

Đành chịu ngồi trông rách tả tơi
Buồn chăng? Hỡi các chị em ơi!
Nghĩ cho lúc trước thương người vẽ
Ngó lại xung quanh hiếm kẻ bồi
Hồ giấy bây giờ mua kiếm khó
Non sông ai hỡi đợi chờ ai?
Còn núi còn sông còn ta đó
Có lúc ta bồi chúng bạn coi. 

Cuối cùng Tản Đà tổng kết cuộc họa thơ do ông khởi xướng bằng bài Vịnh BDĐR - 4, đăng trên ĐPTB số 643 - năm 1927:

Có lúc ta bồi chúng bạn coi
Chị em nay hãy tạm tin lời
Dẫu cho tài có cao là thánh
Chưa dễ tay không vá nổi trời
Hồ giấy muốn mua, tiền chẳng sẵn
Non sông đứng ngắm lệ nhường rơi
Việc nhà chung cả ai ai đó
Ai có cùng ta sẽ liệu bồi? 

Đây chỉ là vài trong số rất nhiều thi phẩm trác tuyệt của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Không phải dễ đâu người đời yêu qúy, tôn vinh nhà thơ, như nhà phê bình có uy tín - Hoài Thanh, đại diện những cây bút, viết - vinh danh nhà thơ Núi Tản - Sông Đà (như trích dẫn ở trên).
Có thể khẳng định dứt khoát: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu , là thi hào của dân tộc là nhà thơ lớn, hàng đầu - của nền văn học Việt Nam đầu thế kỳ 20!

Berlin 20.12.2007

(1) - Trích trong Tuyển tập Tản Đà - do Nguyễn Khắc Xương (con trai Tản Đà) tuyển chọn, khảo dị, đính chính. Xuân Diệu viết lời giới thiệu. Nhà xuất bản Văn Học - năm 1986
(2) - Thi Nhân Việt Nam , trang 15, nxb Văn Học năm 2002
(3) - Câu này  in lần đầu (1921) trong Còn Chơi:
Ấy trước ông cha mua để học
Mà sau con chắu nghĩ là chơi’’
Khi in trong Thơ Tản Đà (1927) tác gỉa sửa lại như trên (Chú của Nguyễn Khắc Xương).
(4) - Tôi (LXQ) đã đọc một số dị bản khác, câu kết của Vịnh BDĐR - 1, như sau:
 (Thôi để rồi ta liệu lại bồi)

----------------------------------------

MAI  LÂM :
VIẾNG  THI SỸ TẢN ĐÀ (*)
(Nguyên Xướng)

Ông Mai Lâm là giáo viên dậy học ở Cao Bằng. Khi nghe phong thanh An Nam Tạp Chí đình bản, lại có tin đồn Thi Sỹ Tản Đà chết... Nhà giáo thương tiếc Tản Đà, làm thơ viếng bạn. Toàn văn bài Viếng như sau :

Ôi thôi, hỡi bác Tản Đà
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời

Xa trông mây nước ngậm ngùi
Tấm lòng thương nhớ mấy lời viếng  thăm.
Nhớ ai vấn vít tơ tằm
Nước non ai kẻ đồng tâm hẹn hò
Thơ đầy túi, rượu lưng hồ
Dẫu cho kiết cũng danh nho nước nhà !

Ôi thôi, hỡi bác Tản Đà !
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.

Tôi với bác, bác với tôi
Tuy không quen biết cũng người đồng bang.
Lại thêm cùng mối văn chương
Chung tình non nước, tơ vương bên lòng.
Bấy lâu tôi những ước mong
Có phen run rủi tương phùng hai ta.

Ôi thôi, hỡi bác Tản Đà!
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời

Làm chi vội mấy bác ơi
Chí cao nghiệp lớn ai người nối theo
Thuyền nan ai giữ mái chèo ?
Con tầu bản quốc, ai liều sóng khơi ?
Bức dư đồ rách ai bồi ?
Báo An Nam nghỉ, ai rồi lại ra ?

Ôi thôi, hỡi bác Tản Đà !
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.

Than ôi ! còn đất còn trời
Còn non còn nước, đâu người nước non ?!
Đà dù cạn, Tản dù mòn
Danh thơm thi sỹ vẫn còn truyền lâu.
Hồn thơ phảng phất nơi đâu
Chút tình có thấu cho nhau chăng là

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời !
(TTTB năm 1934)

xxx

CƯỜI BÁC MAI LÂM !
(Tản Đà họa lại bài viếng của nhà giáo Mai Lâm)

(Khi thấy Tản Đà xuất hiện trên Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Mai Lâm mang bài thơ viếng bạn về Hà Nội tìm gặp. Hai người vui mừng đọc và bình bài thơ của Mai Lâm... Tản Đà tu chỉnh chút ít bài của Mai Lâm, làm bài thơ này, rồi cho đăng cả hai trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy của Vũ Đình Long).

Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau

Cõi đời đã lánh xa đâu
Mà cho ai nhớ, ai sầu, hỡi ai !
Tóc tơ vương vất còn dài
Con tằm còn trả nợ đời chưa xong
Lửa hương còn chất bên lòng
Nho tàn còn vẫn trong vòng trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau

Suối vàng ai đã vội đâu
Mà cho ai tiếc, ai sầu, hỡi ai !
Bức Dư Đồ rách không bồi
Báo An Nam nghỉ biết đời nào ra
Hủ nho vô ích nước nhà
Rượu thơ còn vẫn la cà trăm năm

Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm
mà lầm khóc nhau

Hồn thơ đã mất đi đâu
Mà cho ai khóc, ai sầu, hỡi ai.
Dưới trên còn đất còn trời
Còn non còn nước, còn người nước non
Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Còn ai thi sỹ, lại còn tri âm.

Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khócnhau !

( TTTB -  năm 1934)
(*) Tuyển tập Tản Đà NXB Văn Học HN năm 1986)

xxx

NÓI CHUYỆN VỚI ẢNH

 Người đâu? Cũng giống đa tình
Ngỡ là ai - lại là mình với ta
Mình với ta dẫu hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai
Năm nay mình mới ra đời
Mà ta ra trước đã ngoài đôi mươi.
Cuộc nhân thế câu cừơi tiếng khóc,
Nghề sinh nhai lối dọc đường ngang.
Đầu xanh ai điểm hơi sương,
Những e cùng thẹn, những thương cùng sầu.
Đôi ta vốn cùng nhau một tướng,
Lạ cho mình sung sướng như tiên,
Phong tư tài mạo thiên nhiên
Không thương không sợ, không phiền không lo.
Xuân bất tận trời mcho có mãi,
Mảnh gương trong đứng lại với tình.
Trăm năm ta lánh cõi trần
Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai!

Tản Đà Văn Tập (1912 - 1915)
Lê Xuân Quang


http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=7291
          
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire