1. THẤT NGHIỆP
Chuyện vui của: Phạm Hồng Ân
Vợ
chồng tôi làm chung trong một hãng Mê-Đi-Cồ. Suốt 10 năm sát cánh bên
nhau, đi đi về về trên chiếc xe đời cũ, có số Mai đạt thành tích kỷ lục.
Tuy chẳng may mắn hơn ai, nhưng nhờ hai trái tim già cùng đập chung một
nhịp, cùng chia xẻ những buồn vui trong công việc, nên chúng tôi thơ
thới an phận dưới bàn tay quyền lực của Xếp – mặc dù đó chỉ là hãng Bù
Tèo, đồng lương không bao giờ nhích khỏi 10 đầu ngón tay.
Những
tưởng thuận buồm xuôi gió cho đến ngày Rì-Thai hưởng thú đó đây, nào
ngờ đùng một cái, Xếp khẩn cấp họp toàn bộ, rồi thản nhiên tuyên bố : vì
sự sinh tồn của Xếp, vì kinh tế phức tạp của đất nước, nên Hãng đành
phải Mu qua Mể sản xuất. Thế là, hàng trăm công nhân ngó nhau lơ láo,
mỗi người tự ôm lấy tờ giấy thất nghiệp lủi thủi chia tay, trông ai oán
như những tên lính bị bức tử giữa trận tiền.
Vì
là hãng Bù Tèo, nên công nhân đa số là người Việt lớn tuổi. Họ đến Mỹ
muộn màng, chưa kịp cắp sách đến trường học vỡ lòng tiếng Anh, đã vội
chui vào các hãng Bù Tèo để kiếm sống. Bởi hàng tháng, họ phải đứng mũi
chịu sào chi trả các Biu bất đắc dĩ, như : thuê nhà, điện nước, viễn
thông, tiện ích công cộng…v…v.
Người
Việt lớn tuổi nào cũng đều chứa chan tình cảm, luôn ôm ấp quá khứ son
vàng trong lòng. Với tôi, bây giờ, 10 năm làm ở hãng Bù Tèo là một quá
khứ son vàng. Nơi đó, tôi có thêm những bạn già tri kỷ, những đồng
nghiệp tận tụy cho công việc. Những cảm thông, lo toan giống nhau từ
hoàn cảnh đến nguyện vọng. Nơi đó, không nhiều thì ít, vẫn đủ tiền nong
để chi trả các Biu hàng tháng. Vẫn đủ chút dư gửi về giúp đỡ Việt Nam,
vẫn thoải mái trong cách sống, từ ly cà phê đậm đà hương vị…đến những
bữa ăn phong lưu, đôi lúc, trong các quán ăn sang trọng.
Những
bạn già tri kỷ như bố Dừng, như lão Thịch, như Phộc gầy, Vũ béo, Tỷ
xỉn…Có người quá ngũ tuần. Có người vừa lục tuần. Những tuổi tri thiên
mệnh. Những tuổi, ở Việt Nam, các bạn già của tôi đã về vườn cắm câu,
giã từ chốn phồn hoa phiền toái. Vậy mà, giờ đây, chúng tôi hẹn nhau mỗi
ngày, chạy hết chỗ này đến chỗ khác xin việc để làm. Đến đâu, người ta
cũng hẹn lần hẹn lựa, bảo đợi bảo chờ. Sẽ thế này, sẽ thế kia. Sẽ…đến 6
tháng trôi qua, trợ cấp thất nghiệp hết, mà bọn già chúng tôi thì ngóng
dài cả cổ, trông mòn cả mắt, vẫn chẳng thấy có ma nào lưu tâm gọi tới.
Có lần, tự an ủi cho thế thái nhân tình, bố Dừng thì thào:
-
Có lẽ, kinh tế Mỹ xuống, từ lúc xảy ra nạn khủng bố 911. Tui thấy, từ
lúc đó, hết hãng này tới hãng nọ, sa thải công nhân rần rần.
Lão Thịch ra vẻ trí thức:
-
Kinh tế tư bản có chu kỳ. Lúc nó lên tới Mắc-xi-mum thì đương nhiên nó
phải xuống. Và tới khi xuống Mắc-xi-mum thì ắt nó sẽ lên.
Tỷ xỉn chen vào:
- Kinh tế xuống, Giốp mất. Tại sao Mỹ còn thuê công nhân Việt Nam sang đây làm?
Phộc gầy chẳng thua:
- Mẹ, mình là cư dân ở đây lâu năm, lương chỉ có 8 đồng. Vậy mà Mỹ lại thuê dân xứ khác qua đây lao động trên 10 đồng một giờ?
Vũ béo giảng hòa:
- Thì thằng Mỹ lúc nào chẳng có cái vô lý của nó!
Tôi
ngậm ngùi ngó từng mái đầu bạc, đang băn khoăn trước số phận đắng cay
của cuộc đời. Nếu hãng BùTèo không Mu qua Mể, bọn đầu bạc chúng tôi đã
không gãy gánh giữa đường, sẽ trót lọt đi đến chặng cuối hành trình, rồi
hả hê trọn vẹn với niềm vui Rì-thai của mỗi đứa. Chỉ còn vài năm nữa –
người trẻ nhất trong bọn già, muộn màng lắm cũng chưa đầy 10 năm – Vậy
mà chúng tôi bị hất ra, bị đẩy ra khỏi công việc một cách chua chát như
thế.
- Còn một Giốp nữa, tôi nghĩ, ít ai tìm tới. Mình thử đánh liều một phen, xem sao?
Bố Dừng đưa hai tay lên, huênh hoang, như hài lòng với sự suy nghĩ táo bạo của bố.
Vũ béo chồm tới, kéo tay áo bố Dừng:
- Giốp nào? Nói nhanh lên đi bố!
- Ba-đì Giốp.
Bọn già chưng hửng, ngó nhau, như chưa ai hiểu ý bố Dừng.
- Ba-đì Giốp là cái thá gì? Nghe lạ quá cha nội!
- Là nhà quàn, là chỗ mai táng đó!
Phộc gầy le lưỡi ra cả tấc, hai đầu gối khụy xuống, muốn nằm lăn đùng xuống nền gạch.
- Tôi có trải qua rồi. Ớn lắm mấy ông ơi!
Tỷ xỉn phà khói thuốc vào mặt Phộc gầy, gay gắt:
- Trải qua làm sao? Ớn làm sao?
Phộc gầy run run kể:
-
Trước khi làm hãng Bù Tèo, tôi có vào đó xin việc. Sau khi Ính-tơ-viêu,
nó nhận liền. Trước khi Tren-ninh, nó dẫn tôi vào phòng xác, tiến đến
một chiếc giường có phủ tấm Đờ-ráp trắng toát. Nó bảo tôi hãy th, ử giở
tấm Đờ-ráp ra xem. Vừa giở ra, tôi bỗng thấy một khuôn mặt nát bấy, đầy
máu, và kinh khiếp hơn nữa, là đôi mắt – đôi mắt cứ mở to, trừng trừng
nhìn tôi như thù oán từ kiếp nào. Tự dưng, tôi lăn đùng ra, không còn
biết trời trăng mây nước chi nữa hết…
Nhìn
mặt Phộc gầy lúc này, bọn đầu bạc chúng tôi đã có cảm giác ớn da gà
rồi, huống hồ chi phải cầm tận tay, phải thấy cảnh tượng đó tận mắt.
Thôi, tốt hơn hết, đành tránh qua một bên. Hãy để những trái tim già đập
những nhịp đập bình an. Bỗng, lão Thịch lôi đâu ra một tấm Phờ-Lai-Ơ
của Bưu Điện. Cả bọn xôn xao, tranh nhau ghé mắt vào tấm Phờ-Lai-Ơ. Bưu
Điện tuyển “Mail Handlers”, nhưng chỉ làm tạm thời, theo mùa lễ. Hết
mùa, nhân viên lại được trả về nhà, ngồi chơi xơi nước. Trong bọn đầu
bạc, Tỷ xỉn là người trẻ nhất, rành tiếng Anh nhất, được chúng tôi cử
ra, dịch tiếng Việt tấm Phờ-Lai-Ơ.
Tỷ
Xỉn được đề cử, lỗ mũi chợt phồng to, như trái cà chua chín rục. Bình
thường, hắn nói năng hoạt bát, nhưng khi dịch câu gì từ tiếng Anh ra
tiếng Việt, giọng hắn trở nên lập cập là cà, như mắc tật cà lăm từ lúc
nào.
-
“Mail Handlers” là…là…chọn lựa, và…và…sắp xếp thư từ. Và…và…chất thư
hay chuyển thư ra từ các thùng chứa. Nói chung…là…Giốp đòi hỏi dùng sức
lao động để nhấc nổi một vật nặng tối thiểu là 40 Pao. Và phải…phải luôn
đứng, luôn chuyển động trong suốt thời gian làm việc.
Tôi nóng nảy:
- Tóm lại, đây là một Giốp dùng sức lao động, không cần có kiến thức kiến ngủ gì phải không?
Ở
Việt Nam, sau 1975, bọn đầu bạc chúng tôi đã từng vác thuê gánh mướn,
từng kê vai khuân bao gạo chỉ xanh 100kg, từng bê cây rừng có chu vi
bằng một vòng ôm của mấy em tay dài…thì “Mail Handlers” chỉ là chuyện
nhỏ đối với chúng tôi.
Tờ
mờ sáng, tôi hẹn Tỷ xỉn ở cây xăng vùng Ít-Sán-Đỉa-Gồ Ghề (East
Sandiego). Lúc này, giá xăng đã lên đến đỉnh cao: $4.50 cho một Gá-Lồng.
Từ đây đến chỗ Ấp-Bờ-Lai phải chạy trên 20 Mai, đi và về mất gấp đôi,
lại phòng khi kẹt xe dọc đường, thôi thì đành trút bóp đổ đầy bình xăng.
Sau
khi tìm nơi đậu xe, tôi dắt Tỷ xỉn đi lòng vòng quanh ngọn đồi, nơi có
khu Bưu Điện rất lớn, nằm ngất ngưởng trên đó. Phòng Sớ-Vịt ở phía cuối
tòa Biu-Đinh dài thòng như toa xe lửa. Muốn đến đó, hai đứa đi bộ khoảng
khá xa, leo dốc xuống dốc muốn hụt hơi. Vậy mà khi cầm xấp đơn trên
tay, những mệt nhọc bỗng tan biến đâu mất, nhường chỗ cho một niềm vui
đang nôn nả trong lòng. Rồi phút chốc, niềm vui lại tan biến, khi hai
đứa chăm chú vào xấp đơn, muốn xây xẩm mặt mày.
Xấp
đơn có tất cả 14 trang giấy khổ lớn (loại 8.5x11 in.), chi chít những
chữ. Từ mục: tiểu sử, đến nơi ăn chốn ở, rồi quá trình học vấn, quá
trình làm việc, quá trình phạm pháp, bao nhiêu lần ra tòa, bao nhiêu
Tít-Kịt giao thông, đi lính lúc nào, tham gia chiến tranh gì? v…v…
Chỉ
đọc sơ qua xấp đơn, Tỷ xỉn chưa uống rượu đã thấy xỉn dài dài. Còn tôi
thì tá hỏa tam tinh, chợt nhớ lại cái thời sau 1975, bị công an việt
cộng kêu lên hỏi cung tá lả, vì can tội: nợ máu với nhân dân. Nhưng lỡ
rồi, lỡ lên lưng ngựa thì phải phóng thôi. Tôi và Tỷ xỉn tìm một xó yên
tịnh, thả hồn ngược về quá khứ, nhớ từng chi tiết chính xác để đưa vào
lá đơn.
Gần
3 tiếng đồng hồ trôi qua, sau khi nộp đơn, chúng tôi mới được gọi vào
văn phòng. Tưởng Ính-Tơ-Viêu ngay, Tỷ xỉn chợt đứng nghiêm trang, ngó
thẳng lên trần nhà, lầm thầm khấn vái. Nhưng nào có may mắn như Tỷ xỉn
nghĩ, bà Mỹ già lạnh lùng chỉ vào địa chỉ của một Cờ-Li-Níc ở phía nam,
bắt chúng tôi đến thử nước tiểu, và hẹn 10 ngày sau, trở lại
Ính-Tơ-Viêu.
Chỉ vậy thôi, Tỷ xỉn lính quính như gà mắc đẻ. Hắn cười nói huyên thiên, tay chân múa may loạn xạ.
- Chắc như bắp, tau với mày sẽ vô Giốp Bưu Điện. Chắc như bắp.
- Tại sao ông biết: chắc như bắp?
Tỷ xỉn gật đầu, quả quyết:
- Nếu không chọn mình, nó bắt mình thử nước tiểu mần chi?
Thây
kệ, tôi cũng vui lây với niềm vui của Tỷ xỉn, để chờ đến 10 ngày sau,
trở lại nơi đó bằng nỗi hy vọng dâng trào. Giờ hẹn là 7 giờ 30 sáng,
nhưng mới có 6 giờ, chúng tôi đã lái xe lên đến đỉnh đồi. Phòng Sớ-Vịt
chưa mở cửa. Dãy Biu-Đinh Bưu Điện còn ngái ngủ im lìm trong sương lạnh
của buổi sớm mai. Lố nhố một vài nơi, cũng có người đứng chờ như chúng
tôi. Họ hút thuốc, nói chuyện, và cười giỡn để quên đi thời gian căng
thẳng.
Đúng
7 giờ 30, cửa phòng Sớ-Vịt mở, một người Mỹ chạy ra chỉ chúng tôi trở
về khu Biu-Đinh đầu tiên. Thế là, mọi người túa ra, lặng lẽ nối chân
nhau, lũ lượt đi ngược lại con đường. Lúc này, nhìn đoàn người dài như
con rắn, Tỷ xỉn lại bắt đầu xỉn:
- Trời ơi! Người đông như kiến thế này, lại toàn Mỹ với Mể, tôi sợ họ không chọn đến mình đâu, ông ơi!
Mặc
cho Tỷ xỉn thở than, đám đông cũng lần lượt chui tọt vào căn phòng
thênh thang, có không khí nghiêm trang, lặng lẽ dễ sợ. Mỗi người một
ghế. Mỗi ghế đều có đóng mảnh gỗ phía trước, dùng cho người ngồi có thể
kê giấy lên viết một cách thoải mái. Trước mặt đám đông là chồng hồ sơ
cao nghệu. Trên cao là tấm bảng xanh, chạy dài từ góc tường này đến góc
tường kia.
Một
nhóm nhân viên Bưu Điện hiện ra, họ tự giới thiệu tên tuổi, rồi thao
thao bất tuyệt, nói về ngành Bưu Điện, về các Giốp, về vị trí nằm khắp
nơi trên thành phố Sán-Địa-Gồ- Ghề. Sau cùng, họ lại phát cho chúng tôi
một xấp hồ sơ nữa. Hồ sơ mới này gồm có: nội qui, điều lệ về công việc,
giao kèo làm Phun-Thai, Ố-Vờ-Thai - nếu cần – làm cả ngày lễ, chủ
nhật…Ngoài ra, còn có các mục khác như: chọn nơi làm, khai báo trường
hợp sa thải ở nơi làm trước, khai báo thời gian phục vụ quân đội, thời
gian phạm tội…Mỗi mục đọc qua, chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng đến toát mồ
hôi hột.
Lúc này, Tỷ xỉn bỗng vui lên, liến thoắng ngó về phía tôi, tủm tỉm cười hoài:
- Tôi đã nói rồi. Phen này, chắc như bắp.
Sau
2 tiếng đồng hồ quần thảo với xấp hồ sơ, nhân viên Bưu Điện lại gọi
từng người lên xem xét, bổ túc và hỏi han. Tôi và Tỷ xỉn đang ngơ ngáo
trước cảnh tượng mỗi lúc mỗi đổi thay, giống như chú nai rừng ngờ nghệch
khi đi lạc vào thành phố, thì nhân viên Bưu Điện bảo chúng tôi trở về
phòng Sớ-Vịt chờ đợi, từng người một sẽ lần lượt vào gặp Xếp
Ính-Tơ-Viêu.
Nghe tới tiếng Ính-Tơ-Viêu, mặt Tỷ xỉn bỗng xám lại, bí xị. Hắn thở dài một hơi, rồi ngã nhẹ vào vai tôi:
- Nãy giờ, tui tưỡng Ính-Tơ-Viêu xong. Hóa ra, chưa có chi hết. Trời ơi! Phen này chắc bỏ mạng giữa sa tràng.
Tôi nhỏ nhẹ, an ủi:
- Bình tĩnh lại đi! Chuẩn bị tinh thần để gặp Xếp. Ở hiền gặp lành. Đừng lo!
Đám
đông rồng rắn lại từ từ nối nhau, trở lại phòng Sớ-Vịt. Cửa phòng đã mở
rộng. Nhưng lâu lâu, mới có một người được gọi tên, vào gặp Xếp. Tất cả
các ghế trong phòng Sớ-Vịt đã bị đám đông tới trước, chiếm gọn. Tôi và
Tỷ xỉn đành kéo nhau ngồi bẹp xuống nền gạch, chống cằm chờ đợi Xếp gọi
đến tên mình.
Lại
vài tiếng đồng hồ chậm chạp trôi qua, mới có một ông Mể ra cửa, gọi tôi
vào phòng. Tôi đoán là Mể, vì ông ta lùn tịt, lại bụng phệ. Cách phát
âm thì lơ lớ giọng Sì-Bế-Nịt. Và khổ thay, tiếng nói của ông quá nhỏ, ri
rí như người đang lên cơn nhức răng.
Cuộc
Ính-Tơ-Viêu khó khăn, rồi cũng trôi qua. Tôi cố vận động giác quan, trí
nhớ và cả sự suy đoán nữa…để khổ sở trả lời các câu hỏi hóc búa của ông
Mể một cách chớp nhoáng. Đại khái, tôi xin ghi sơ lược những câu hỏi ra
đây:
- Trước kia, làm ở đâu? Công việc gì? Mô tả công việc đó?
- Áp-Bờ-Lai vào đây, có biết để làm Giốp chi không?
- Theo anh, “Mail Handlers” là Giốp gì? Phải làm những công việc gì?
- “Mail Handlers” là Giốp nặng nhọc, anh biết vậy, tại sao lại Áp-Bờ-Lai vào đây?
- Nếu được chọn, anh sẽ làm thế nào để Giốp này phát triển mạnh thêm?
Cuối
cùng, ông Mể cầm xấp đơn của tôi lên, đầu gật gù OK lia lịa. Trước khi
chia tay, ông còn hẹn với tôi 2 tuần sau, chắc chắn sẽ có thư báo đến
nhà.
Hai
tuần lại đến. Tôi và Tỷ xỉn nhận được lá thư có nội dung giống nhau như
in. Người ta cám ơn sự xin Giốp của chúng tôi, nhưng rất tiếc, người ta
đã từ chối, vì chúng tôi không đủ năng lực đảm nhận công việc này. Tỷ
xỉn bỗng tự ái, chửi thề một hơi:
- Mẹ, cái Giốp chỉ dùng sức lao động, làm quần quật suốt ngày. Có động não động niếc chi đâu mà không năng lực?
Tôi tiu nghỉu kéo Tỷ xỉn ngồi xuống ghế, mệt mỏi thì thào:
-
Hơn một năm trời kiếm việc khắp nơi, chẳng nơi đâu cần tới. Rồi từ đây,
cứ đà này, làm sao mình có bạc chi tiền thuê nhà hỡi Tỷ?
Tỷ xỉn ngó lên trần nhà, uể oải nói:
- Chịu khó xin Hao-Sinh.
- Nhưng, xin Hao-Sinh nào phải có liền. Người ta chờ đợi ít nhất vài ba năm. Trong thời gian chờ đợi, mi tính sao?
Tỷ xỉn chợt cười lớn, thuận tay chỉ thẳng ra công viên:
- Còn tính sao nữa cha nội: Hôm-Lét.
*PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 4/12/2007)
|
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire