mercredi 5 juin 2013

"MỘT BUỔI SÁNG CHỦ-NHẬT Ở NHÀ" LÊ XUÂN NHUẬN

MỘT BUỔI SÁNG CHỦ-NHẬT Ở NHÀ

 

 

TÔI đi ăn sáng về thì thấy cô Băng-Sương đã đợi sẵn ở chòi gác của các anh an-ninh. Cổ là chị của một người em dâu của tôi. Lúc sáng sớm cổ đã gọi điện-thoại xin đến thăm tôi. Tôi mời cổ lên lầu.

Trung-Úy Lê Văn Vọng, em tôi, mất tích trong vụ Việt-Cộng tấn chiếm Xã Tân-Cảnh thuộc Quận Dakto, Tỉnh Kontum, vào “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Sau Hiệp-Định Paris 27-1-1973, tôi đã hỏi chuyện các cảnh-nhân và quân-nhân bị bắt tại mặt trận ấy và được đối-phương trao trả tại Quân-Khu I, thì một số cho biết có thấy Vọng bị thương và bị địch dẫn đi, và một số khác xác-nhận đã thấy em bị giặc bắn chết bỏ xác bên bìa rừng.

Hồi đó, để dò-hỏi thêm tin-tức về em rể của mình, Sương vào Nha-Trang tìm thăm tôi. Là một thiếu-nữ đẹp, ăn mặc hợp thời-trang, nói-năng hoạt-bát, giao-thiệp rộng, cổ xông-xáo hoạt-động trong ngành buôn hàng chạy. Ngay lần đầu tiên gặp nhau ấy, cổ đã nói với tôi:

– Em không ngờ chỗ ở của anh mà lại đơn-sơ như thế này!

Tôi thấy bị chạm tự-ái, bỏ vào buồng trong như có việc cần.

Thiếu-Tá Nguyễn Văn Thắng, Chánh Sở Viên-Chức/Tiếp-Trợ, lúc ấy đang ngồi nói chuyện với các con tôi ở bên ngoài cửa sổ, quay mặt vào nói với Sương:

− Ông nuôi cả một gia-đình, tiền đâu mà sắm-sửa. Kinh nhật-tụng của ông là hai câu thơ Cung-Oán mà ông dán trong phòng-giấy đối-diện với bàn-viết của ông:


Mùi tục-lụy lưỡi tê tân khổ

  Đường thế-đồ gót rỗ khi-khu...

 

Nhưng Sương không hiểu.

Lúc chào giã-từ tôi, cổ còn nói:

–Ước chi em ở gần anh thì “ông Phụ-Tá Vùng” có thua gì ai!

Câu nói ấy tôi làm sao quên...

 

Sau một lát chuyện-trò, Sương đi vào mục-đích chính.

Cổ muốn mượn của tôi chiếc xe Jeep, mang số ẩn-tế nhưng có thiết-trí nhiều máy vô-tuyến truyền-tin, để chở một số hàng từ Đà-Nẵng ra Huế, cốt-yếu là qua lọt trạm kiểm-soát hỗn-hợp trên đỉnh Đèo Hải-Vân.

 

Thảo nào, ít nhất thì tôi cũng đã bị một sĩ-quan, Thiếu-Tá Tôn Thất Xanh, thuộc Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I, đeo sát hai ngày liền để xin mượn chiếc xe của tôi, nói là chỉ để di-chuyển một vòng mà thôi.

 

Tôi rán giữ mình cho khỏi run, dằn từng tiếng một:

– Không được! Và từ nay tôi không muốn thấy mặt cô nữa!

 

Đó là lần thứ hai Sương đến thăm tôi.

Lần này, tuy cả hai đều ở Đà-Nẵng, song là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối-cùng cổ tiến tới để “ở gần tôi”.

*

Thấy khách đã ra về, Thiếu-Úy Ngô Anh Tuấn đưa cô Vũ Thị Hoa lên gặp tôi.

Hoa là mật-viên đã móc nối được thông-dịch-viên Teleski của Phái-Đoàn Ba-Lan.

Cô xin điệp-trưởng Tuấn cho cô được gặp cấp chỉ-huy cao nhất, để cô yên-tâm với những hoạt-động đầy tính phiêu-lưu và phi-pháp mà Tuấn giao choliên-hệ mật-thiết với kẻ thù của Thế-Giới Tự-Do*.

(*Xem sách “Cộng-Sản Đông-Âu” của Lê Xuân Nhuận.)

 

Cuộc tiếp-xúc chỉ có tính-cách tâm-lý-chiến.

Tất cả những gì liên-quan đến Hoa thì tôi đã biết. Ngược lại: nhân-viên gác cổng; tài-xế trực; vũ-khí, máy-móc và tài-liệu đầy phòng; chốc chốc lại có người gọi điện-thoại và âm-thoại đến; chỉ cần chừng đó là đã đủ cho cô thỏa-mãn rồi.

*

Ngang đây, Người Bạn Đồng-Minh gọi đến, đề-nghị cho hai cộng-sự-viên của anh được đến gặp tôi. Tôi đồng ý.

Nguyên Ferguson có tổ-chức một số đường dây tình-báo riêng. Theo nguyên-tắc nghề-nghiệp, mỗi lần nhờ ngành Đặc-Cảnh điều-tra về người nào thì anh phải trao danh-sách cả năm/bảy người, với những đặc-điểm khác nhau, để người hiếu-kỳ khó đoán ra ai là mục-tiêu. Tôi bảo anh:

– Anh làm thì đỡ cho tôi. Hãy tin tôi, đừng giấu gì tôi mà chậm-trễ và tốn-kém bội phần.

Từ đó, anh gửi-gắm các thông-dịch-viên của anh cho tôi, và tôi đã giúp họ vượt nhiều khó-khăn.

Về sau, anh dùng thêm hai người Mỹ, mà anh giới-thiệu với tôi là Addison và Baker.

Theo kế-hoạch chung, tôi thỏa-thuận biệt-phái đến hợp-tác trực-tiếp với họ một số Trưởng Mối của tôi mà anh nhận xét là xuất-sắc. Điều-kiện của tôi là chỉ chống Cộng, không được dính vào nội-tình Việt-Nam. Tùy theo diễn-tiến, chính Ferguson sẽ thông-báo cho tôi biết kết-quả từng vụ qua từng giai-đoạn.

Một thời-gian sau, thấy kết-quả tốt, Đại-Úy Nguyễn Công Văn ra lệnh cho các Trưởng Mối biệt-phái ấy cũng phải báo-cáo lên Sở Tác-Vụ đầy-đủ chi-tiết về những hoạt-động liên-quan.

 

Một hôm, Sở Tác-Vụ trình lên tôi một số báo-cáo đáng chú ý. Khi đọc đến tường-trình của Trưởng Mối Nguyễn Nam, tôi nổi giận gọi ngay các cấp chỉ-huy trực-hệ của anh vào la rầy. Đó là một cuộc tiếp-xúc giữa Trưởng Lưới Addison với một cán-bộ Việt-Cộng thuộc Tỉnh-Ủy Quảng-Nam, tại một “nhà an-toàn” trong Tỉnh Quảng-Tín. Addison không cho Nam cùng dự, nhưng Nam nói là cần dự cho biết để về tường-thuật lên Cấp Trên, nên người phối-tác Hoa-Kỳ này cho treo một cái màn ngăn đôi căn phòng, để ảnh ngồi phía trước mà chuyện-trò với mục-tiêu, còn người phối-tác Việt-Nam kia thì nấp đằng sau mà nghe-ngóng nội-dung.

Tôi bảo thuộc-viên không nên lép vế quá đáng. Mình cần họ phương-tiện và kỹ-thuật, nhưng họ cần mình an-toàn và hiệu-nănglà điều thiết-yếu hơn. Nếu còn gặp các trường-hợp tương-tự, mình không ngang hàng với họ thì thôi, đừng thèm đóng vai chầu-rìa; đợi về trình tôi, tôi sẽ hỏi cấp chỉ-huy của họ.

Tôi gọi điện-thoại phản-đối sự-việc với Ferguson.

Người Bạn Đồng-Minh đã xin lỗi tôi, và hứa từ nay hai bên đều dự mọi cuộc tiếp-xúc. Tôi nói tôi không đòi cho các Trưởng Mối của tôi, dù có tư-cách Đồng-Trưởng-Lưới với các người bạn phối-tác Mỹ, tham-dự mọi cuộc gặp mặt; tôi chỉ bất-bình những sự sắp-xếp có vẻ linh-động nhưng thiếu tế-nhị như đã xảy ra mà thôi.

 

Nhân-viên phòng-vệ gọi máy báo tin; tôi nhìn xuống cổng nhận-diện đúng là hai Trưởng Lưới Mỹ, bảo mở cổng cho họ vào và đưa họ lên gặp tôi.

Addison xin lỗi tôi xong, Baker xin nêu thắc-mắc. Ảnh hỏi:

– Ngoài việc nhờ các bạn Việt-Nam điều-tra, theo-dõi, giám-thị, tiếp-cận, móc-nối, tuyển-mộ, như mấy lâu nay, chúng tôi có thể tiếp-tục nhờ cả những việc lặt-vặt, thí-dụ mua sắm bưng dọn đồ-ăn thức-uống?...

Thấy đó cũng là thắc-mắc chung, tôi giải-đáp:

– Các anh không thể ra chợ mua về vài tô bún Huế, phở Bắc hay hủ-tiếu Nam. Bưng dọn không có nghĩa là làm tôi-tớ. Nhiều chủ-nhà vẫn làm như thế để tỏ lòng hiếu-khách, đặc-biệt khi nhà neo-đơn. Hơn nữa, bưng dọn cũng là cơ-hội để kiểm-soát lần chót mọi món bày ra, tránh những đáng tiếc, nhất là khi cần củng-cố niềm tin giữa các bên. Tóm lại, đó là vấn-đề phân-công phân-nhiệm. Nếu thấy có người nấp sau phông màn để nhắc tuồng cho các diễn-viên thì ai cũng công-nhận vai trò đó tuy khiêm-nhường nhưng cần-thiết; còn nếu thấy có người phải nấp lén để nghe trộm thì ai cũng cho rằng đó là việc làm bất-minh. Làm bẽ mặt người khác là vấn-đề xử-thế.

 

Cả hai xin lỗi tôi lần nữa, cám ơn và cáo-từ tôi khi nghe chuông điện-thoại reo.

*

Thiếu-Tá Thái Văn Hòa, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Ngãi, báo-cáo rằng gia-đình Phạm Văn Đồng ở Quận Mộ-Đức đã chuẩn-bị sẵn-sàng để đón tiếp mấy người Mỹ sẽ đến thăm nhà thờ họ Phạm sáng hôm nay.

Đó là hai nhà-báo Hoa-Kỳ, một nam một nữ. Nhân dịp họ đến Hà-Nội phỏng-vấn Thủ-Tướng Chính-Phủ Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa, Đồng đã nhờ họ khi vào Miền Nam thì tìm đến chụp lại giùm bức ảnh của thân-phụ mình.

Tôi đã thảo-luận với Hòa về việc này rồi. Cấp Trên chỉ cần chỉ-thị tổng-quát là bảo-vệ an-ninh cho các ký-giả ấy; nhưng những sự-kiện biến-ảo có thể xảy ra nhân dịp này thì cấp chỉ-huy trực-tiếp tại địa-phương nếu có ý-thức chính-trị và tinh-thần trách-nhiệm cao, phải cẩn-thận dự-phòng.

Chán gì cách có được tấm ảnh ấy mà Đồng không làm từ mấy mươi năm nay? Dù thân-nhân hiện quản-lý nhà thờ ấy có chống-Cộng đến mấy đi nữa, chắc họ cũng không cản-trở một đồ-đệ vô-gia-đình có ảnh để nhìn ngắm mà tưởng nhớ đến công ơn sinh-dưỡng của cha mình? Có thể tin là Việt-Cộng sẽ không thực-hiện khủng-bố, phá-hoại vào dịp này; nhưng nếu chúng không bạo-động mà lại cho cơ-sở đến khiêu-khích, như treo cờ, giăng biểu-ngữ, rải truyền-đơn, hô khẩu-hiệu, hoặc “hiền-lành” hơn thì công-khai nhờ các nhà báo ấy chuyển đến Đồng thư chúc-tụng, kiến-nghị ủng-hộ Đồng và đồng-bọn, v.v... Những sự việc ấy sẽ là đề-tài thời-sự nóng bỏng đối với ngành truyền-thông Mỹ, có hại cho ta rất nhiều; tuy thế, nếu ta bắt-bớ, ngăn-chận tại chỗ, thì lại có hại nhiều hơn.

Thuyết-phục hơn hết là có thân-nhân của các nạn-nhân Việt-Cộng, với những tài-liệu và hình-ảnh cụ-thể, đứng ra phản bác ngay thủ-đoạn tuyên-truyền của đối-phương...

 

Tin-tưởng ở cặp Hồ Anh Triết, thiếu-tá Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực, và Thái Văn Hòa, Chánh Sở Đặc-Cảnh, trong vụ này, tôi chỉ nhắc-nhở Hòa như trên, và dặn:

– Nếu chưa cần có hành-động tức-thời thì chỉ chụp ảnh những kẻ lạ mặt và giật dây, theo-dõi từ xa, rồi sẽ nhận-diện và truy-tầm sau...

*

Tôi vừa gác máy, định đọc xấp hồ-sơ còn đợi trên bàn, thì Điệp-Trưởng Phạm Văn Miễn dẫn Lan và Thu-Nga lên.

Hai nữ mật-viên này là đôi bạn chí-thân, cùng học lớp 12 Trường Tư-Thục Bồ Đề với cùng một thầy giáo là Vĩnh Linh. Linh là cựu cán-bộ cộng-sản. Thời-gian gã bị tù ở Đảo Côn-Sơn, gã là một trong số những cán-bộ trung-kiên, lén-lút cùng nhau trau dồi lý-thuyết Mác+Lê và chia sẻ kinh-nghiệm đấu-tranh.

Gã mang thập-tự-giá trước ngực để nấp bóng cái huyền-thoại một thời là “tín-đồ Đạo Kitô thì không phải là cộng-sản”.

Gã hoạt-động tích-cực trong tổ-chức Gia-Đình Phật-Tử địa-phương nên được Thị-Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất Đà-Nẵng quý trọng, nam nữ thiếu-niên học-sinh Phật-Tử kính yêu.

Riêng cặp Lan−Thu-Nga xem gã là thần-tượng. Linh sống độc-thân trên một căn gác, và hai cô thì đeo sát gã đến nỗi Đặc-Cảnh sở-tại cũng nghi hai cô là cơ-sở Việt-Cộng, và khó lòng dòm-ngó trong phòng gã hoặc giám-thị bên ngoài, vì hai cô làm tai-mắt báo-động và bảo-vệ cho gã tận-tình.

 

Với kế-hoạch của tôi, Ngành Đặc-Cảnh Vùng I đã tuyển-dụng được cặp Lan−Thu-Nga. Tôi giao cho thầy giáo cũ của hai cô, là Miễn, điều-khiển điệp-vụ này.

 

Đêm qua, hai cô đã chụp ảnh cảnh một chồng báo “Cờ Giải-Phóng” và tài-liệu của Liên-Khu V Việt-Cộng mà Linh mang về giấu trong phòng, nơi chứa đầy kinh sách Phật-Giáo, và chọn mỗi loại một bản đưa ra cho Miễn mang đi chụp sao xong trả lại chỗ cũ tức thời.

 

Nhờ Lan và Thu-Nga mà Ngành Đặc-Cảnh xác-nhận được việc Vĩnh Linh đã tái hoạt-động cho Việt-Cộng.

Gã vẫn là nhân-vật nằm vùng hợp-pháp quan-trọng của địch tại Thị-Xã Đà-Nẵng và Tỉnh Quảng-Nam, nhất là sau khi tên Hà Kỳ Ngộ, cựu Bí-Thư Thành-Ủy, bị Công-An Quốc-Gia bắt giam và đã trở thành phế-nhân, và tên Lê Độ, đội-trưởng Đặc-Công, bị Đặc-Cảnh bao vây hạ-sát tại trận.

Vĩnh Linh không bao giờ tiếp đón đồng-chí tại nhà. Do đó, Lan và Thu-Nga chỉ có thể nghe thấy và thu-thập những gì có thể được tại chỗ ở của gã mà thôi. Tuy nhiên, xuất-phát từ đó, Ngành Đặc-Cảnh đã phát-hiện được hầu hết các mối quan-hệ bí-mật của gã, và đã tuyển-dụng được hai tên quan-trọng nhất trong số các cán-bộ Việt-Cộng nội-thành. Vì địch thiếu người, vả lại cũng để khai-thác khả-năng đa-diện của mỗi cá-nhân, nên những phần-tử này cầm nắm nhiều đường dây trùng-lập nhau, cấp Liên-Khu, cấp Tỉnh, cấp Thành. Những điệp-vụ này đã được cách-trách, trích-tri, đối với cả Miễn; hơn nữa, Miễn còn đảm-trách một mục-tiêu khác.

*

Tôi đang tiếp hai cô thì nhân-viên an-ninh gọi máy báo-cáo có mấy sĩ-quan Không-Quân xin lên thăm tôi.

Tôi ra cửa sổ nhìn xuống thì thấy hai người bạn của cháu tôi; Đại-Úy Tân đứng đợi ở cổng và Đại-Úy Nhiên thì ngồi ở quán giải-khát bên kia đường nhìn qua. Tân xin dùng máy điện-thoại ở cổng nói chuyện với tôi.

Vì nghề-nghiệp, tôi đã chấp-nhận càng quen biết nhiều người càng tốt. Hai bạn trẻ này đã đến thăm tôi vài lần, và có một lần đã gặp dịp tán-tỉnh mấy nữ-sinh-viên Viện Đại-Học Đà-Nẵng lúc ấy có mặt tại nhà tôi.

Tôi hỏi các ảnh có việc gì khẩn-cấp không. Tân trao máy cho Nhiên lúc ấy vừa chạy qua. Tôi bảo các ảnh lần sau hãy đến, vì tôi đang bận việc.

Nhiên xin lỗi:

– Thấy có các cô, bọn cháu tưởng là...

*

Sau khi tôi khen-ngợi và khuyến-khích Lan và Thu-Nga trong công-tác được giao-phó, hai cô khều tay và nháy mắt với Miễn tỏ ý muốn nhờ anh nói giùm với tôi một điều gì đó. Tôi nói:

– Không được. Chính miệng các cháu phải nói ra thì người nghe mới đánh giá được những cảm nghĩ của các cháu.

Hai cô nhường nhau, cuối cùng Lan ấp-úng:

− Chúng cháu xin làm mọi việc bác bảo, nhưng xin bác tha cho thầy Linh!

Tôi hỏi:

– Tha nghĩa là thế nào?

Thu-Nga đánh bạo:

– Nghĩa là không bắt!

Tôi lại hỏi:

– Thế thì việc các cháu làm mấy lâu nay không phải là để có thêm bằng-chứng cụ-thể để kết tội Vĩnh Linh hay sao?

Hai cô nhìn nhau, bỗng nhiên nước mắt trào ra. Lan run giọng nói:

– Thầy Miễn nói là bác sẽ tha cho!

Tôi thấy tội-nghiệp cho hai cô bé. Việc phân-tích tình-cảm của họ đối với gã mần tuồng chính-trị kia, tôi đã giao cho Miễn. Tôi vội trấn-an Lan và Thu-Nga:

– Đúng thế, bác sẽ tiếp-tục để cho Vĩnh Linh* tự-do, nếu đương-nhân không phạm tội hình-sự và không... xâm-phạm An-Ninh Quốc-Gia...

 

Hai cô được tôi biếu mỗi người hai bộ Từ-Điển Anh-Việt Việt-Anh cỡ lớn, và một chiếc áo mưa nhựa màu kiểu mới, ra về với nét mặt hân-hoan.

(*Sau 30-4-1975, tôi nằm trong Trại Tạm Giam Chợ-Cồn, Đà-Nẵng, nghe loa phát-thanh đề-cập Vĩnh Linh là Chủ-Tịch Ủy-Ban Nhân Dân Phường sở-tại.)

*

Miễn chưa xuống xong, chuông điện-thoại đã reo. Qua hệ-thống riêng của Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kỳ, Đại-Úy Ngô Phi Đạm, Chánh Sở Tác-Vụ, báo-cáo là có hai nhân-viên Đặc-Nhiệm của mình vừa bị Cảnh-Sát sở-tại tạm giữ vì đã nhận tiền hối-lộ của một người chủ số-đề. Nguyên họ theo rình, bắt được người làm-cái ấy với đầy-đủ sổ sách và tiền tang. Số-đề là một loại cờ-bạc bị cấm; nếu bị bắt thì không những chỉ bị tịch-thu hết tiền mà còn có thể bị tù. Hai nhân-viên kia nhận tiền “trà nước” để tha cho người chủ-đề.

Đây là một tệ-nạn làm đau đầu, mà cũng là một thảm-cảnh làm đau lòng những người có ưu-tư.

Nhân-viên nào cũng phải hoạt-động gian-khổ nhiều ngày mới có một lần tiếp-xúc với mật-báo-viên, mà mỗi lần như thế thì chỉ ăn ké được một tô phở, hút ké được vài điếu thuốc, chưa tới hai trăm đồng; nếu anh-ta ăn-cắp thì-giờ hành-sự và lợi-dụng chiếc xe Honda-2-bánh của cơ-quan cấp cho, để đi chở “thồ” hành-khách, thì mỗi ngày anh-ta kiếm được cả chục mối, mỗi mối đến năm trăm đồng! Vật-giá đắt-đỏ, lương-tiền ít-oi, khích-lệ cách nào để cho ai cũng chú-tâm vào trách-vụ của mình? Huống chi, trong vụ này, chỉ trong nháy mắt, họ được chủ-đề dúi cho cả chục ngàn đồng!

 

Mới nghe ngang đây thì chuông điện-thoại hệ-thống quân-sự reo.

*

Trung-tá Huệ, Phó Sở I An-Ninh Quân-Đội, cho tôi biết là đêm qua Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải có bắt được một chiếc tàu nước ngoài xâm-nhập vào hải-phận của ta. Thủy-thủ-đoàn khai là ngư-dân của Đài-Loan, đi làm biển bị lạc đường. Hiện Phòng Nhì và An-Ninh Quân-Đội đang sơ-vấn nội-bọn.

Huệ thông-báo là lát nữa sẽ chuyển-giao nội-vụ cho tôi chấp-lý, và tàu đang được kéo vào bến Cảng Đà-Nẵng sáng nay.

*

Tôi trở lại với Đại-Úy Đạm.

Vụ chiếc tàu quan-trọng hơn nên cần giải-quyết trước.

Ở Vùng I này, không những chỉ có tàu của Đài-Loan, mà còn có cả tàu của Bắc-Việt và của Đảo Hải-Nam thuộc phe cộng-sản Trung-Hoa, thỉnh-thoảng bị bắt gặp, khi thì khai là vào xin tránh bão, khi thì khai là bị lạc hải-trình.  Đối với mỗi quốc-tịch ta có một đường-lối đối-xử khác nhau, nhưng điều tiên-quyết vẫn là xác-nhận xem chúng thật-sự xuất-phát từ gốc-gác nào.

 

Hồi tôi còn coi Ngành Đặc-Biệt ở Vùng II, trong một nỗ-lực phối-hợp với Nha Công-Tác thuộc Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, chính tôi đã đích-thân, cùng với các viên-chức từ Sài-Gòn ra, chận bắt ngang hải-phận Tỉnh Khánh-Hòa và xuống lục-soát một chiếc ghe mà tin-tức nội-tuyến cho biết là của Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lược dùng để chở một số cán-bộ tình-báo chiến-lược ngụy-trang ngư-dân xâm-nhập vào Miền Nam.

Giấy-tờ tùy-thân của chúng đúng là Thẻ Căn-Cước bọc nhựa của Cảnh-Sát Quốc-Gia cấp; số và sổ đăng-bạ ghe thuyền của chúng đúng là của Chính-Quyền Quốc-Gia Tỉnh Ninh-Thuận cấp.

Điện hỏi nguyên-quán, nhà cầm quyền địa-phương xác-nhận quả thật có những dân chài, với họ tên, ngày sinh, nơi sinh, số thẻ căn-cước, đúng như đã thấy; và tìm-tòi khắp nơi, kể cả lặn xuống rà-kiếm dưới đáy ghe, chúng tôi cũng không thu-thập được một dấu-vết gì khả-nghi.

Chúng tôi đã định trả tự-do cho chúng tại chỗ.

Thế nhưng, sau khi đưa chúng về trụ-sở và thẩm-vấn kiên-trì, Ngành Đặc-Cảnh đã lần lần moi ra sự thật, và đã xuống ghe, dựa theo lời khai chỉ-dẫn của can-nhân, dò lại thì tìm thấy, dễ như trở bàn tay, những tài-liệu bí-mật cùng với những bộ-phận rời của một chiếc máy vô-tuyến truyền-tin tối-tân.

              

Cả bọn đều là gián-điệp của Miền Bắc, được huấn-luyện kỹ-càng và được cấp phát đầy-đủ chứng-từ giả-mạo tinh-vi, để đóng vai dân biển của Miền Nam*.

(*Xem cuốn “N.Đ.B.” của Nguyễn Mâu.)

*

Tôi liền ra lệnh triệu-tập các bộ-phận liên-hệPhòng Thẩm-Vấn của Đại-Úy Phùng Văn Tư, Phòng Đặc-Nhiệm của Trung-Úy Phạm Văn Dũng, Phòng Điều-Vụ của Trung-Úy Lữ Kế Xươngđến trụ-sở làm việc ngay.

Xong, tôi gọi điện-thoại đến tư-thất Ông Tổng-Lãnh-Sự Trung-Hoa Quốc-Gia (Đài-Loan), báo tin và xin ông cho tôi mượn, như những lần trước, một thông-dịch-viên biết nhiều thứ tiếng Trung-Hoa.

 

Tiếp theo, tôi nhờ Sĩ-Quan Trực tại Bộ Chỉ-Huy CSQG Vùng tìm giùm Chánh-Sở Tư-Pháp là Trung-Tá Nguyễn Văn Long**.

(**Xem bài “Trung-Tá Nguyễn Văn Long”)

Tôi định nhờ Long nhận lãnh hai nhân-viên Đặc-Nhiệm Vùng về để Bộ Chỉ-Huy Vùng giải-quyết.

 

Theo đề-nghị của tôi mà Đại-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Vùng đã chấp-thuận, Sở Tư-Pháp chỉ truy-tố nhân-viên Đặc-Cảnh phạm-pháp khi nào có sự đồng-ý của tôi.

(Về mặt quản-trị nhân-viên, tôi cũng giành phần chủ-động. Đại-Tá Lộc đã đồng-ý; và Trung-Tá Tạ Văn Sánh, Chánh Sở Nhân Huấn, cùng Đại-Úy Nguyễn Dạng, Chủ Sự Phòng Quản-Trị, đã chuyển-giao phần-vụ thuyên-chuyển, bổ-nhiệm, thưởng/phạt nhân-viên Ngành Đặc-Cảnh cho Đại-Úy Trần Đình Dung, Chánh Sở Viên-Chức/Tiếp-Trợ thuộc quyền của tôi.)

 

Dở chừng thì chuông điện-thoại hệ-thống Bưu-Điện reo, Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc nhắc tôi phái người đến phỏng-vấn bà chị của Trung-Tướng Hoàng Xuân Lãm, nguyên Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I, để biết thêm về tình-hình đời sống dưới chế-độ cộng-sản. Bà lâu nay sống ở phía Bắc Vĩ-Tuyến 17, vừa mới vượt tuyến vào Nam tìm Tự-Do, hiện đang tạm-trú tại tư-dinh của Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, đương-kim Tư-Lệnh Quân-Khu.

 

Lại thêm một chuyện phiền-phức: Đại-Úy Nguyễn Công Văn, Phó Sở Tác-Vụ, gọi máy vô-tuyến báo-cáo là anh vừa mới tông xe, gây thương-tích cho một người đi đường.

*

Vào ngày chủ-nhật mà công-việc vẫn nhiều như mọi ngày thường.

 

Không thể tiếp-tục ngồi nguyên một chỗ mà chỉ-huy, mà phải chính mình ra tay làm lấy một số việc của cấp thừa-hànhnhư trong đa-số trường-hợp kháctôi vội ôm theo chồng hồ-sơ hiện-hành xuống lầu, ra hiệu cho tài-xế và vệ-sĩ lên xe...

 


 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire