samedi 22 juin 2013

Ôi, Đàn Năm Xưa Réo Rất Buồn



 Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Liên

  Thể lọai: Hồi ký

Tháng Tám năm 1963, anh Thu Mim qua đời. Gia đình tôi được tin anh mất vào một chiều Chủ Nhật, Ba Má tôi không có nhà, ông bà đang đi dự một buổi tiệc cưới. Người đưa tin, hai người quen ở nhà thờ, nhận được cú điện thoại từ Đà Nẵng gọi vào và đến nhà báo
tin cho gia đình chúng tôi. Họ đứng nơi ngưỡng cửa nói chuyện, nhưng từ chối không ở lâu. Họ nói riêng với anh Đa Vít, người em kế của anh Thu Mim. Và anh Đa Vít báo cái tin buồn ấy cho chúng tôi, bầy em nhỏ, lúc ấy còn đang cười đùa, chọc phá lẫn nhau. Anh Đa Vít lặng thinh rất lâu trước khi báo tin cho chúng tôi. Anh Mim chết rồi. Bốn chữ ngắn. Không thất thanh. Không nước mắt tuôn trào. Bốn chữ lặng lẽ. Nhưng chúng tôi bàng hoàng, và cả bốn đứa em gái cùng khóc. Những chữ ngắn ngũi ấy đã thay đổi cái nhìn của chúng tôi, những đứa em nhỏ của anh tôi, với cuộc đời, từ đấy.

Anh tôi tử trận ở Quảng Tín. Ngày xưa Quảng Tín là một phần của tỉnh Quảng Nam. Đối với đầu óc của một đứa trẻ con học lớp Nhì, tôi không biết rõ Quảng Tín nằm ở một địa thế nào, ngày ấy. Nhưng tôi không còn thấy thương yêu cái tên ấy nữa, vì nó chỉ gợi cho tôi một cảm giác mất mát nào đó mà mình không cầm giữ được. Một cảm giác rất buồn, rất đau không sao diễn tả được.

Chiến trường Việt Nam dạo ấy chưa sôi động ra mặt, nhưng tình hình chính trị miền Nam Việt Nam lại rất bất ổn. Những cái tên đăng trên trang nhất của báo chí mỗi ngày: Tổng Thống Diệm, Cụ Cẩn, Bà Nhu, Viện Hóa Đạo, những động từ xuống đường, đàn áp, tự thiêu đầy ngập trên tin tức. Gia đình tôi không ai về được Đà Nẵng kịp để đón anh Thu Mim vì tình hình miền Trung rất xáo động giữa Phật Giáo và Công Giáo, máy bay Hàng Không Việt Nam không bay được. Quan tài anh được mang về Sài Gòn bằng máy bay quân sự. Hôm ấy là ngày thứ ba, và quan tài anh được quàn tại nhà thờ Cơ Đốc ở Ngã Tư Phú Nhuận. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy một quan tài, và trong ấy là một người thân yêu của tôi nằm bất động, không còn nói, còn cười, còn suy nghĩ nữa. Và tôi hiểu những chữ “vô cùng thương tiếc” người ta hay gắn trên những tràng hoa tang là thế nào.

Chi tiết về cái chết của anh tôi, gia đình tôi biết mập mờ. Những người bà con ở Đà Nẵng cho Ba Má tôi biết anh tôi chết vì bị đạn bắn trúng bắp vế, viên đạn thấu vào động mạch chính, nhưng trực thăng vần hoài trên trời không xuống kịp để đón anh vì đạn Việt Cộng bắn như mưa không cho trực thăng đáp. Anh tôi tử thương vì máu ra quá nhiều không kịp cấp cứu. Anh qua đời vừa lúc chiếc trực thăng cứu thương hạ cánh để mang anh về căn cứ quân sự ở Đà Nẵng.

Nhiều năm đã qua, câu hỏi ngày xưa được đặt trở lại. Vì sao không có một đại diện nào của Lực Lương Đặc Biệt Hoa Kỳ đích thân nói rõ ràng lý do sự tử trận của anh tôi, mà chỉ qua những tin tức từ người bạn cùng đội ngũ kể lại.Viên đạn oan nghiệt kia, chưa ai khẳng định đó là đạn từ phe bạn hay đạn của phe thù. Nhưng trong chiến tranh điều gì cũng được người ta chấp nhận một cách đơn giản cả. Và trong những ngày thương khó ấy, thêm một niềm uất hận hay phẫn nộ cũng không thay đổi cái chết của anh tôi và cũng chẳng phải là một điều dễ dàng cho gia đình Ba Má và các em anh. Người kề cận với anh Thu Mim những ngày gần cuối của đời anh là người bạn cùng đội ngũ, anh Toản. Nhưng anh Toản lúc tỉnh, lúc say không rõ ràng; những gì anh nói lúc anh say không giống lúc anh tỉnh. Và gia đình tôi không gặp được anh Toản những ngày ấy để hỏi thêm chi tiết cái chết của anh Thu Mim cho tường tận. Anh Toản chết gần một năm sau ngày anh Thu Mim chết. Anh Toản không chết trận, nhưng chết trong lần về phép Sàigòn, chết trong một cơn say, gia đình anh không hay biết. Những gì anh biết, theo anh về bên kia thế giới.

Anh Toản và anh Thu Mim là những người bạn thân từ những ngày tiểu học, bạn cùng lớp, cùng thầy, cùng nhà thờ, cùng tuổi thơ, cùng Đội Bạch Mã. Nhưng cái tuổi nhỏ yêu đời và đầy nhiệt huyết của các anh, tôi không biết được vì lúc ấy tôi chưa ra đời. Đối với tôi, tuổi ấu thơ của các anh tôi là những huyền thoại mà tôi chỉ được nghe các anh kể lại cho đám đàn em.

Anh Thu Mim chỉ mới 21 tuổi khi anh mất. Cái chết của anh tôi đã đánh thức gia đình tôi, những người quen biết trong nhà thờ, các bạn bè của anh rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam là có thật, và cuộc chiến ấy có ảnh hưởng đến mọi người, kể cả chúng tôi, những người ở Sàigòn, chứ không chỉ làvới đời sống của riêng những người ở miền quê. Những năm đầu của thập niên 60 là những ngày đầu người Mỹ bước chân vào cuộc chiến tranh chống cộng của Miền Nam Việt Nam. Những cố vấn chiến sự, chiến lược Mỹ bắt đầu qua Việt Nam. Họ cần những người thông thạo Anh ngữ để làm thông dịch viên đi theo họ những nơi họ đi. Trường dạy Anh ngữ mở nhan nhãn khắp nơi. Anh Thu Mim giỏi Anh ngữ. Tôi còn nhớ những năm tôi bốn, năm tuổi, mỗi buổi sáng tôi thường bị đánh thức bởi bài học Anh Ngữ trong radio của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ mà anh tôi đang tập đọc theo. Những bài ca của giọng ca Astrud Gilberto và The Platters đã là những bài ca tôi nghe quen thuộc mỗi sáng trong Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Rớt Tú Tài, anh tôi bỏ trường nội trú mà Ba tôi đang gởi các anh theo học, quyết định dùng khả năng Anh ngữ của mình để đi làm thông dịch viên cho Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ Má tôi đã âu lo, đã khóc khi anh báo tin anh đã gia nhập quân ngũ với chức Trung sĩ đồng hóa. Má tôi đã buồn rầu nói, “Má nghe người ta nói Việt Cộng thà giết một người thông dịch viên còn hơn giết mười người lính.” Sự lo âu của Má tôi không đủ để làm chùn chân anh tôi. Trong một bức hình anh gởi về cho Má tôi sau ngày ra đi, anh đứng giữa núi rừng miền Trung, mặc đồ trận, mang súng. Trong thư gởi kèm theo anh cho biết đơn vị anh đã đổi về Quảng Tín. Anh hứa với Má, “Con vẫn đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi đêm.” Phía sau bức hình anh viết, “Con hy vọng Chúa không để con phải bao giờ dùng những vũ khí này.”

Khi anh tôi mất, Chính phủ Mỹ gởi thư chia buồn với Ba Má. Lời chia buồn đơn giản như mọi lời chia buồn gởi đến gia đình các tử sĩ. Và tuy gia đình chúng tôi không biết và cũng không trông đợi, nhưng họ lại báo tin cho Ba Má tôi hay, ông bà được chính phủ Hoa Kỳ bồi thường một số tiền tử tuất vì cái chết của con trai mình. Có lẽ đã là hợp đồng anh tôi đã ký kết khi gia nhập làm thông dịch viên cho các cố vấn quân sự Hoa Kỳ? Và phòng khách nhà Ba Má tôi, vừa mới dọn về trong một khu phố ở Cầu Kiệu, treo đầy những tràng hoa cườm màu tím sẫm của bao nhiêu người thân quen gởi đến phân ưu.

Anh Thu Mim mất đúng ba tháng sau ngày sinh nhật thứ 21 của anh. Nhưng anh đã sống rất nhiều. Anh già dặn hơn đám em của anh khi chúng lên tuổi 21. Ba tôi mua đất ở Hội Trung Việt Ái Hữu ngoài Hạnh Thông Tây để chôn con trai. Ba tôi, năm ấy, mới 50 tuổi. Để những người họ hàng xa, tin dị đoan bảo Ba tôi rằng, năm này là năm tuổi của ông. Ngày đám ma anh Thu Mim, trời mưa lất phất buồn thê lương. Bãi tha ma với ngôi mộ mới đắp, trông thật ảm đạm. Lần đầu tiên tôi biết mất một người thân yêu là như thế nào, và tôi hãi hùng cái chết. Anh vẫn còn sống, nói cười, chỉ mấy tháng trước đây. Anh tôi đã đi học xa nhà gần ba năm, lần chót chúng tôi gặp anh khoảng mùa hè năm trước, gia đình tôi còn ở Đà Lạt. Anh về lại Đà Lạt để giã từ Ba Má và các em. Bức hình anh chụp với gia đình ngày ấy, trông anh cũng như bao giờ, đẹp trai, lãng bạt, và phong trần. Những năm đầu thời niên thiếu, anh mê phim cao bồi Mỹ, tự tay anh, anh đã khâu sửa bao nhiêu chiếc quần Levi’s mua ở chợ trời Đà Lạt và may những chiếc áo choàng da. Người anh lớn của chúng tôi, khi du học ở Singapore đã mua gởi về cho các em trai một cặp súng Colt giả bằng sắt. Những con đồi sau nhà thờ Đà Lạt đã là nơi các anh tôi chơi bao nhiêu trò chơi cao bồi và da đỏ của thời niên thiếu. Anh Thu Mim và anh Đa Vít đã biến những con đồi ấy thành ngọn đồi OK Coral không biết bao lần. Các anh tôi biết cởi ngựa, biết quay vòng lasso, rút súng và quay tay súng nhanh như Kirk Douglas, Gary Cooper và Robert Taylor. Những năm vào đời, anh Thu Mim bỏ các trò chơi cao bồi da đỏ để trở thành James Dean và nổi loạn.

Đám tang anh Thu Mim có nhiều người đi tiễn đưa anh. Cả nhà thờ đi dự. Anh có giọng hát hay trong nhà thờ. Anh giỏi Kinh Thánh nên anh đã hướng dẫn nhiều lớp học Kinh Thánh cho thanh niên. Anh chọc phá bao nhiêu người trong trường nội trú khi Ba gởi anh vào học đạo. Mọi người đều yêu anh vì anh trêu diễu mọi người, vì anh ăn nói có duyên và vì tính nhũn nhặn của anh. Nhưng tất cả những thương yêu ấy không kềm giữ được con ngựa chứng trong anh tôi. Anh chết bất ngờ, để những người ở lại không phải chỉ là một nỗi buồn thương mà còn là niềm sững sốt, bàng hoàng. Anh không phải là mẫu người chết sớm. Anh là tinh thần của những cuộc vui, những buổi họp mặt. Nhưng anh Thu Mim trở thành người thanh niên đầu tiên trong nhà thờ chúng tôi thuở đó chết vì chiến tranh với Việt Cộng. Nối tiếp sau anh, bao nhiêu thanh niên trong nhà thờ tôi đã trở về lại khuôn viên nhà thờ, cũng là sân trường tiểu học của thời thơ bé, trong quan tài; và bao nhiêu bà mẹ trong nhà thờ tôi đã thành như Má tôi, mất con trai trong cuộc chiến dai dẳng ấy.

Ngày đưa tang anh trời mưa, một chiều tháng tám ngoài nghĩa trang buồn não ruột. Lúc chôn anh, có bốn người con gái, chưa hề biết nhau, cùng ngã quị khóc anh như khóc một người tình. Ba chị trong ấy, tôi có nghe nói đến tên nhưng chưa dịp gặp, và một người thứ tư, đó là lần đầu tiên gia đình tôi biết đến tên chị, Chị Lệ. Đám tang người nào cũng mặc áo màu trắng, chị Lệ bước vào nhà thờ, mặc áo dài đen, tóc xõa dài, đeo mắt kiếng màu đen. Chị đẹp não nùng. Cả bốn chị đều đẹp cả. Mỗi người mỗi vẻ đau thương, mỗi người mỗi vẻ sang cả. Trông họ như những đóa hoa hồng bị bão tố dập vùi, tan tác. Tôi còn quá nhỏ để cảm thấu được niềm đau của một người con gái vừa lớn mất người yêu mình ngoài trận mạc, rồi cũng để bẽ bàng nhận thức rằng người tình hào hoa ấy, bao nhiêu lời chàng hứa cho mình, chàng còn hứa hẹn gì với bao người khác nữa.

Anh Thu Mim đào hoa. Anh lớn rất vội. Thế hệ anh chịu ảnh hưởng triết lý và văn chương của tuổi trẻ thời đại, Jean Paul Sarte, Phạm Công Thiện, và Bonjour Tristesse của FranVoise Sagan. Anh để mái tóc bồng bềnh như James Dean, áo sơ mi trắng không cài hết nút, cổ áo bẻ cao, quần jean, áo blouson da màu đen. Những đêm đi chơi về khuya ở Đà Lạt, anh về nhà, áo blouson khoác hờ hững trên vai, Má tôi không muốn nhìn anh. Anh có mùi rượu trong hơi thở, mùi thuốc lá trong áo jacket. Mỗi lần trông thấy con mình như vậy chắc lòng Má tôi lại tan tác thêm chút nữa. Con người thật của anh Thu Mim, tuy hay đùa giỡn với mấy em, nhưng những tấm hình chụp anh bất thần những năm anh theo học trường đạo của nhà thờ, tôi không thấy anh cười. Lúc nào cũng ngồi riêng trong một góc, mắt nhìn xuống đất như đang nghĩ ngợi gì. Anh mất rồi mà các chị bạn gái, tình nhân của anh khi đến nhà thăm Ba Má tôi, chị nào cũng vẫn muốn được gọi Ba Má tôi là Ba Má. Những năm sau khi anh Thu Mim mất, lần lượt các chị đến nhà thăm chào Ba Má tôi để xuất ngoại, người thì theo gia đình về Pháp, người thì đi du học, người thì lập gia đình và theo chồng về Mỹ. Người nào cũng giữ mối tình cho anh tôi không phai lợt dầu sau ngày đám tang anh, đã có chị vẫn còn giận dữ hỏi anh Đa Vít, “Mấy con bé nào dám khóc trong đám tang của anh Thu Mim vậy?”

Ba tôi đặt tên cho các con theo tên trong Kinh Thánh. Thu Mim là một viên ngọc quý đeo trên áo của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Bản Kinh Thánh tiếng Việt, gọi viên ngọc ấy là viên ngọc Hoàn Thiện. Nhưng ở nhà Ba Má gọi anh là Thu Mim. Anh tôi chỉ mới 21 tuổi, nhưng anh không còn ngây thơ. Những thùng thư cũ của anh, những thùng hình của anh mang về nhà Ba Má tôi, anh Đa vít thâu soạn cất tất cả, không cho chúng tôi và Ba Má được cất giữ. Những tập truyện ngắn anh viết, những chuyện tình mà mấy chị tôi đọc và mắt bỗng ướt long lanh. Bao nhiêu là những lá thư tình của những người con gái yêu anh Thu Mim. Bao nhiêu là hình chụp những ngày còn vui của anh với những người đàn bà mà chắc anh cũng đã yêu. Mấy đứa em nhỏ thừa hưởng mấy thùng sách của anh để lại. Ba Má tôi chỉ giữ được hai cuốn album những hình anh Thu Mim cất giữ ghi lại những ngày thơ ấu với gia đình và bạn hữu. Xem album anh như xem cả chuyện đời anh. Anh đã ngăn nắp sắp những bức hình theo ngày tháng với những lời chú thích tên mọi người trong hình. Xem album anh mới thấy anh đã quí mến kỷ niệm và thương yêu gia đình và các em anh đến chừng nào. Trang đầu của cuốn album ngày thơ ấu, anh tôi để những hình của mình từ ngày tiểu học, những hình thẻ học sinh và căn cước của anh, với tựa đề, “Thu Mim qua các thời đại”. Từ hình năm vỡ lòng, hình nào của anh cũng một cặp mắt buồn và đầy vẻ trầm ngâm. Tâm hồn anh từ những ngày còn trẻ đã là một giòng sông với những đợt sóng ngầm Ba Má tôi không bao giờ hiểu nổi. Tư tưởng anh được bồi đắp bằng những ưu tư và những cuộc nổi loạn mà tâm hồn bình dị của Ba Má tôi đã không sao cảm thấu. Con ngựa chứng trong anh không tìm thấy trong đám bầy em anh. Trong album anh có hình, một tấm thẻ căn cước cũ năm 18 tuổi của anh. Anh có cặp mắt to và buồn, người làm giấy tờ đánh máy nhầm tên Việt Nam của anh là Nguyễn Hoàn Thiên, thiếu mất một dấu nặng. Ba tôi cứ chép miệng than hoài đó chắc là một điềm anh phải qua đời quá sớm.

Ba Má tôi có được mấy cuộn magnetic tape anh Thu Mim thâu những bài ca anh hát với bạn bè. Giọng anh buồn và ấm trong máy hát. Anh hát nhiều bài, trong ấy có hai bài ca Lạnh Lùng và Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, nghe mà tưởng như lời trăn trối của một người tình nhân, như thể anh biết những ngày chia xa sắp đến, “Lúc anh ra đi, lạnh giá tâm hồn, hoa mai rơi từng cánh bên đàng, lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi ...” và “Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh... Em ơi có đâu ngờ đến rằng, có tình nào không phai như tình anh với em?” Ba Má tôi mở nghe giọng anh hát hằng đêm, nghe tiếng hơi thở của anh trong lời ca, để ngỡ là con trai mình vẫn còn sống đâu đó. Tôi thuộc lòng những bài ca anh tôi hát. Và tưởng tượng đấy có thể nào đã là lời anh nhắn lại với chị nào trong bốn chị “người yêu” của anh. Ba tôi cũng như Má tôi không bao giờ nguôi ngoai được sự mất mát của đứa con trai tài hoa, yêu dấu cho đến ngày ông bà qua đời. Hai mươi lăm năm sau, khi Má tôi qua đời, dọn dẹp lại những đồ vặt vãnh của Má, tôi tìm thấy một chiếc bóp màu đỏ rất đẹp của Má từ thời ở Sàigòn, trong ấy là tấm hình anh tôi đứng trên đồi Quảng Tín, và bức hình anh đã chết, trước giờ tẩm liệm. Bà đã cất dấu cho riêng bà, mang theo với bà ngày di tản. Anh Thu Mim đã là đứa con bà yêu nhất trong bầy con tám đứa.

Có thật chiếc trực thăng cứu thương đến nhưng không đáp kịp hay nó đã đến trễ nên anh tôi phải chết vì một vết thương không đáng chết; hay là viên đạn kết liễu đời anh tôi là viên đạn bạn hay thù, vẫn là những câu hỏi, lâu lâu bất chợt đến giữa vòng mấy anh chị em tôi. Là những câu hỏi được đặt ra, và không ai muốn lặp lại, hay tìm cách trả lời. Chúng tôi muốn quên. Muốn tránh vì sợ phải phải đối diện với những câu trả lời mình không muốn nghe hay những sự thật nào thêm tức tưởi. Lý do nào, những dữ kiện ngày ấy không rõ ràng, và gia đình tôi, những người Việt vô tư, những người dân hiếu hòa, không ai đặt một câu hỏi tại sao. Bốn mươi năm trước, hình ảnh những người cố vấn Mỹ đầu tiên đến Việt Nam là những hình ảnh ân cần. Người Mỹ với sự văn minh, và lòng tử tế của họ. Người Việt Nam mộc mạc, ít ai nghĩ rằng nước Mỹ cũng có những kẻ bệnh hoạn có lòng khinh bỉ và coi thường mạng sống của một người dân da màu, dân nhược tiểu. Có thật anh tôi đã được hết lòng cứu cấp chăng? Hay tai nạn của anh chỉ được thờ ơ xem là một tai nạn của các vai phụ trong những phim chiến tranh, chỉ có sinh mạng của những người tài tử da trắng vai chính mới là hệ trọng. Đối với Ba Má tôi, anh tôi muôn đời là người chiến sĩ đã ngã gục nơi chiến trường giữa núi rừng trùng điệp của tỉnh Quảng Tín. Những gì Ba Má không biết ngày xưa, một giả thuyết mới về cái chết của anh tôi hai mươi mấy năm sau cũng chẳng ích gì hay thay đổi được gì, hoặc giúp gì cho ai đặng điều tra cho tận tường hơn được nguyên nhân cái chết của anh, và cũng chẳng làm cho thân nhân anh thêm hạnh phúc hơn. Chỉ một người duy nhất may ra có thể biết rõ ràng cái chết của anh Thu Mim. Anh Toản. Anh Toản chết, sự thật nào anh biết cũng đi theo anh xuống tuyền đài. Nhưng mà rồi sự thật nào cũng chẳng ích chi cho những người ở lại. Anh tôi đã chết. Chúng tôi chẳng cùng được lớn lên có anh và biết thêm về anh. Cái chết đến với mỗi người. Như một người đi vào giấc ngũ đợi chờ, mọi kỹ niệm, mọi ý thức thương đau của họ rồi cũng bị họ quên lãng; như một máy điện toán đã tắt, một tủ lạnh bị rút điện. Xác thân còn đó nhưng mọi ý niệm đã tan biến vào không gian.

Đôi khi mấy chị em tôi hỏi nhau, nếu anh Thu Mim đã không qua đời năm anh 21 tuổi, bây giờ anh đang ở đâu, làm gì, anh sẽ ra sao? Anh và nếp đời phóng túng, có thể nào anh đã bằng lòng đứng lại lập gia đình với một chị nào trong bốn người thiếu nữ khóc bên quan tài anh ngày ấy, như anh đã hứa với Ba Má tôi rằng, tháng tám anh sẽ về Saigòn đi hỏi vợ? Và có chắc gì anh đã mang được hạnh phúc đến cho người ấy như một người chồng, người cha yêu bổn phận mình?

Anh Thu Mim qua đời sớm, anh còn hoài là một huyền thoại trong lòng chúng tôi. Anh Thu Mim năm 16 tuổi, tạc bức tượng bán thân của Baden Powell, và triển lãm trong kỳ trại họp mặt Hướng Đạo toàn quốc tại Đà Nẵng. Bức tượng anh khắc đã được giải thưởng đặc biệt của Phó Tổng Thống. Anh được ban khen và được Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ bắt tay khen tặng. Anh Thu Mim với những ngón tay tài hoa đã vẽ lại bao nhiêu là những bức phác họa những người đàn bà đẹp đã đi qua đời anh. Anh Thu Mim với những truyện ngắn làm nao nao lòng người đọc. Và anh Thu Mim tự học và ngồi đàn dương cầm những chiều mưa Đà Lạt trong căn nhà sau nhà thờ. Giọng ca anh trầm, ấm và lãng đãng buồn theo những lời ca của điệu nhạc buồn của Chopin, “Ôi đàn năm xưa, réo rắt buồn ngân rung bao lời cũ nhắc ta bao ngày xa xưa ... ” và lời ca tiếng Việt của bản Chủ Nhật Buồn, “... Bước chân người đến bên tôi, đến với tôi thì muộn rồi... Dẫu qua đời mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người...” Và giọng ca ấm và mạnh của anh, mỗi buổi sáng, buổi chiều anh hát bản Besame Besame Mucho trong phòng anh trên đồi Đà Lạt. Anh Thu Mim, đứa con trai hoang đàng của Ba Má tôi. Anh tôi và những người bạn thân tình của anh. Chúng tôi nhìn xem cuộc đời những người bạn lãng tử của anh để xem cuộc đời họ đã ra sao. Có thể đấy là con đường anh cũng sẽ đi nếu anh đã còn sống? Có những người đã qua đời hoặc đã tử trận trong lứa tuổi thanh xuân hay trong cuộc chiến dai dẳng như các anh Toản, anh Yên. Hay anh Tuyền, lạc lõng giữa xứ người, và mất sau mấy năm đầu qua Mỹ? Hay các anh Cự, Long, Hổ, Chi, Đê, Bổn, bây giờ đang ở phương trời nào? Các anh đã vào lứa tuổi 60 rồi. Những người bạn tuổi thơ Đà Nẵng của anh tôi, Sanh, Thương, Xếp, Hồng, Thành, và những người anh, người bạn thời Bạch Mã: U rim, Mạo, Hưng, Tuấn, Minh, Nghĩa, và Đa Vít? Hay anh Khoa, chú Đại? Như câu thơ cuối của bài thơ tiền chiến, còn lãng đãng, “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”

Và các chị Therèse, Lệ, Bạch Mai, Linda? Trong cõi đời này có ai còn nhớ gì mối tình và người tình nhân của những ngày 18, đôi mươi nữa không?

Nguyễn Thị Ngọc Liên
Cho ngày sinh nhật thứ 60 của anh tôi
California, 2002


2008-03-13 06:44:32


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire