TRƯỚC THÁNG TƯ ÐEN 1975Cuối năm 1973 (ngày 26-9), tôi đến Vùng I đảm-trách Ngành Ðặc-Cảnh tại đây.
Ngay lần đầu tiên tôi dự phiên họp hỗn-hợp với các cấp chỉ-huy an-ninh, tình-báo và phản-gián dân-sự và quân-sự tại địa-phương (Đại-Tá Phạm Văn Phô, Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn I; Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Ðội; Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I; v.v...), Thiếu-Tướng Hoàng Lạc (Tư-Lệnh-Phó Quân-Khu I, đại-diện Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I, cho biết tình-hình chung, nhất là ngay giữa và xung quanh thành-phố Ðà-Nẵng (nơi Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I đặt tổng-hành-dinh, nơi bây giờ là thủ-phủ cuả Miền Trung) với các vấn-đề cụ-thể như sau:
Kho xăng lớn nhất cuả Quân-Khu I ở Liên-Chiểu, sát bên chân đèo Hải-Vân, đã bị Việt-Cộng tấn-công mấy lần rồi;
Các bồn xăng dự-trữ quan-trọng khác, ở giữa nội-thành, cũng đã bị đặc-công Việt-Cộng cắt rào thép gai dở chừng;
Xe lửa từ Huế vào khỏi hầm Ðèo Hải-Vân là bị Việt-Cộng giựt mìn đều đều;
Ðặc-biệt ngay ở phiá nam Núi Ngũ Hành-Sơn, trực-thăng cuả Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng cũng thường bị Việt-Cộng bắn sẻ, nên ông phải tránh vùng đó bằng cách bay vòng ra xa ...
Tôi không cần thắc-mắc tại sao cả một Quân-Đoàn đóng ở đó, mà các cơ-quan và đơn-vị Quân-Lực và Cảnh-Lực sở-tại đã không thanh-toán được các ung-nhọt kinh-niên này.
Tôi liền tự-nguyện đảm-trách việc phục-hồi và bảo-đảm an-ninh lâu đài cho các nơi kể trên.
Tôi còn đề-nghị để cho Cảnh-Lực nói chung, mà thật ra là Ðặc-Cảnh cuả tôi nói riêng, do tôi đích-thân nhập-cuộc, đảm-nhận vai trò chủ-trì trong các hoạt-động cả chìm lẫn nổi, tiễu-trừ cộng-sản và duy-trì an-ninh lãnh-thổ, trên bất cứ vùng đất nào có thường-dân cư-trú và sinh-hoạt, bắt đầu từ các Thị-Xã, Tỉnh-lỵ và Quận-lỵ, trên khắp Quân-Khu.
Tôi chỉ xin một chữ ký cuả Tư-Lệnh Quân Ðoàn I và Quân-Khu I, thông-báo việc này cho hết thảy các cơ-quan và đơn-vị quân-sự trên toàn Vùng đều biết để tuân-hành.
Sau khi Trưởng Phòng 2 và Chánh Sở An-Ninh Quân-Ðội hoan-nghênh, Thiếu-Tướng Tư-Lệnh-Phó tán-đồng, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân Ðoàn I và Quân-Khu I, đã chấp-thuận đề-nghị ấy cuả tôi.
Một cuộc hành-quân “gương-mẫu”
Khi tôi xuống sân thì có thể nói là hầu hết các cấp nam+nữ nhân-viên tại Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I đều đổ dồn ra mọi cửa lớn và cửa sổ để xem quang-cảnh mới lạ mới thấy lần đầu.
Bên này là hai trung-đội Cảnh-Sát Dã-Chiến, khác hẳn trung-đội danh-dự trong lễ thượng-kỳ mỗi sáng đầu tuần, vì có mũ sắt trùm lưới ngụy-trang và mang ba-lô hành-quân, với vẻ mặt nghiêm lạnh khác thường. Bên kia là hai toán Thám-Sát Ðặc-Biệt, mặc áo quần Cảnh-Sát Dã-Chiến, nhưng đội bê-rê màu xanh lá cây cuả Lực-Lượng Ðăc-Biệt và được trang-bị nhiều loại súng máy lạ mắt. Phiá trước là một toán Ðặc-Nhiệm cuả Sở Tác-Vụ mặc giả thường-dân: đồ đen, đồ nâu, mũ vải, nón lá, dép nhựa, giày bố...
“Thám-Sát Ðặc-Biệt” là danh-xưng mới cuả “Thám-Sát Tỉnh” (PRU: Province Reconnaissance Unit) do cơ-quan CIA trực-tiếp tổ-chức và sử-dụng, bí-mật đột-nhập căn-cứ Việt-Cộng, do-thám, phục-kích, tấn-công, kể cả bắt cóc đối-phương. Sau Hiệp-Ðịnh Ðình-Chiến Paris 1973, Thám-Sát Tỉnh được chuyển-giao cho các Tỉnh-Trưởng; nhưng các Tỉnh-Trưởng không cầm nắm được họ. Sau đó, CIA chuyển-giao cho Cảnh-Sát Quốc-Gia; Bộ Tư-Lệnh CSQG giao cho Khối Hành-Quân là nơi điều-hợp Cảnh-Sát Dã-Chiến và Giang-Cảnh; nhưng nơi đây không biết sử dụng PRU cách nào cho phù-hợp với nhau. Cuối-cùng, PRU được giao cho Bộ Tư-Lệnh Ðặc-Cảnh, và mang tên “Thám-Sát Ðặc-Biệt”; nhưng Cảnh-Sát Quốc-Gia và Ðặc-Cảnh vẫn để cho Thám-Sát Ðặc-Biệt được bán-tự-trị (quản-trị nhân-số, lương-bổng, v.v...) và hoạt-động riêng, như hồi còn là PRU.
Nhận thấy đó là lực-lượng hữu-ích mà tôi cần có, như những đơn-vị biệt-kích cuả Công-An ngày xưa, nên tôi đích-thân trực-tiếp sử-dụng, không để phí phạm tiềm-năng cơ-hữu cuả Ngành mình.Kể từ dịp này, tôi cho các cấp chỉ-huy Thám-Sát Đặc-Biệt được mang cấp-hiệu giống như Cảnh-Sát Quốc-Gia, để có uy-tín trong cuộc hành-quân phối-hợp, và người dẫn đầu của đơn-vị ấy hôm đó là đại-úy Trần Văn Phú (2), Chỉ-Huy-Phó của Liên-Đội TSĐB Vùng I dưới quyền tôi.
Cảnh-Sát Dã-Chiến thì thỉnh-thoảng cũng có đi hành-quân, nhưng hoặc là dưới quyền Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Sát Sắc-Phục, hoặc là dưới quyền Uỷ-Ban Phụng-Hoàng, tuy có Ðặc-Cảnh tham-gia nhưng không thuộc quyền chỉ-huy cuả Ðặc-Cảnh, nên không khai-dụng được tin-tức tình-báo cấp-thời. Tôi muốn kiêm phần trực-tiếp điều-động lực-lượng ấy trong các hoạt-động chống Cộng để tận-dụng và phát-huy tiềm-năng cuả mọi người.
Tôi có thể tập-trung các bộ-phận Biệt-Tác, Ðặc-Nhiệm, và Thám-Sát Ðặc-Biệt, thuộc Ðặc-Cảnh, tại bất-cứ địa-điểm nào khác, để làm nơi xuất-phát; nhưng tôi cố ý trình-diễn như thế là để nói lên cho mọi người biết rằng: Cảnh-Sát Dã-Chiến cũng phải hành-quân diệt-Cộng; các đơn-vị thuộc các Khối khác nhau cuả Cảnh-Sát Quốc-Gia cũng có thể phối-hợp công-tác với nhau; và từ nay tại Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I đã có người đứng ra tổ-chức và điều-hợp các hoạt-động chủ-động và tích-cực rồi (điều mà các nơi khác chưa ai làm). Vì thế, chúng tôi gọi đây là một cuộc hành-quân gương-mẫu.
Tôi đích-thân đi đến Xã Hoà-Long, thuộc Quận Hoà-Vang, Tỉnh Quảng-Nam, ủy-nhiệm cho Thiếu-Tá Ngô Phi Ðạm (Chánh Sở Tác-Vụ cuả Nha Ðặc-Cảnh) điều-khiển các đơn-vị khác nhau phối-hợp với nhau, bố-trí công-tác cho từng bộ-phận và cả từng cá-nhân tham-gia cuộc hành-quân này.
Ðây là khu-vực Việt-Cộng nấp lén bắn súng lên trực-thăng cuả Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, bao gồm những rừng cây rậm-rạp, xen lẫn với những tảng đá, ngôi mộ, hào rãnh, lều chòi, từ phiá nam Núi Non Nước vào đến ven làng. Việt-Cộng không ám-sát, bắt cóc, phục-kích, tuyên-truyền, thu mua; chúng không trực-tiếp nhắm vào đối-tượng trên đất, mà chỉ nhắm vào mục-tiêu trên không: ấy là nhân-vật quan-trọng số một cuả toàn Quân-Khu. Muốn làm việc đó, chỉ cần vài tay thiện-xạ, am-thạo ngõ-ngách xung quanh để dễ tháo lui, có chỗ cất giấu súng đạn an-toàn, có thể nấu nướng ăn uống tại chỗ để khỏi về nhà, và hẳn là có những đồng-loã canh gác cảnh-giới mọi sự bất-thường. Chúng có thể dùng ngụy-thức làm ruộng, làm rẫy, giữ bò, chăn dê, tát cá, bắn chim, câu ếch, bẫy cu...
Trong cuộc hành-quân này, chúng tôi không tấn-công, đột-nhập, chạm súng; mà chỉ áp-dụng các kỹ-thuật chuyên-môn về mặt chìm cuả Ngành mà thôi.
Về mặt nổi, chúng tôi đã khám-phá ra được, cuả đặc-công Việt-Cộng, nhiều chốt điểm quan-sát, hang hốc nấp-ẩn, lối nẻo thoát-thân; cũng như lùng tìm, tịch-thu được cuả chúng nhiều vũ-khí, lương-thực, v.v... cất giấu rải-rác xung quanh...
Ðặc-biệt là tôi chưa nhờ địa-phương, nhất là bên phiá Quân-Lực, tiếp sức, như Bộ Tư-Lệnh Quân Ðoàn I & Quân-Khu I đã chuẩn-y; nhưng khi thấy chúng tôi đến hoạt-động, các nhân-viên Cảnh-Sát Xã và nhiều Nghiã-Quân đồn-trú gần đó đã tự-động đến tham-gia.
Các cuộc hành-quân “gương-mẫu” tiếp theo
Sau đó, tôi cho học-tập để rút kinh-nghiệm, và hướng-dẫn thêm, để Sở Tác-Vụ của Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm (1) tự mình làm theo những gì tôi đã đề ra .
Tôi đã tổ-chức hành-quân như thế tại Liên Chiểu, thiết-lập màn lưới an-ninh, tình-báo và phản-gián quanh vùng Kho Xăng cuả Quân-Khu.
Ðặc-Cảnh Vùng I chúng tôi cũng làm một việc tương-tự kéo dài từ bên ngoài Ðèo Hải-Vân, thuộc hoạt-vực cuả Tỉnh Thừa-Thiên, vào quá bên trong Ðèo ấy, thuộc lãnh-thổ cuả Tỉnh Quảng-Nam, để phục-hồi an-ninh cho các chuyến xe lửa từ Huế vào trong này.
Nhiều toán Nghiã-Quân và một số Ðịa-Phương-Quân ngoài này cũng tự-nguyện đến hợp-tác với chúng tôi.
Về các Kho Xăng phụ, ngay giữa thành-phố Ðà-Nẵng, thì công-tác cuả các thuộc-viên cuả tôi được thi-hành dễ-dàng và nhanh-chóng hơn.
Tôi đã giữ được an-ninh cho toàn Quân-Khu I
Khi các kế-hoạch cuả tôi đã được tiến-hành trôi chảy, nhanh chóng, tại Ðà-Nẵng và các vùng xung quanh, tôi cho áp-dụng tại khắp các Tỉnh khác, từ Quảng-Trị, Thừa-Thiên, vào Quảng-Nam, Quảng-Tín, Quảng-Ngãi.
Các Chánh-Sở Ðặc-Cảnh cấp Tỉnh nói trên đều là thành-phần ưu-tú. Họ có đủ khả-năng nghề-nghiệp, tinh-thần chống Cộng, và quyết-tâm phục-vụ; nhưng vì còn gặp hoàn-cảnh khó-khăn và chưa có đủ phương-tiện làm việc thích-ứng, nhất là không được các giới-chức cao hơn, từ Trung-Ương đến cấp Vùng, có vốn liếng điều-nghiên, có đầu óc sáng-tạo, và có ý hướng tiền-phong, bật đèn xanh cho, nên trước đó đã chỉ đóng khung công-tác hằng ngày, dù là tích-cực, trong lề lối hành-sự thông-thường theo sáng-kiến và nỗ-lực riêng của mình mà thôi.
*Tôi nhận-định rằng cộng-sản không phải chỉ là các đơn-vị quân-sự hay các lực-lượng vũ-trang phục-kích, tấn-công, pháo-kích chúng ta mà thôi.
Do đó, dù không có các lực-lượng chính-quy làm gió bão thì chính các tổ-chức chính-trị và dân-sự cuả chúng cũng vẫn là những ổ ẩn và nôi nuôi cho các loại mối mọt và dịch-khí, đủ sức đục rỗng, xoi mòn, làm sụp đổ nền-móng cuả Quốc-Gia.
Ði vào thực-tế mới thấy, Quân-Lực chỉ mới đối-phó hữu-hiệu với các đơn-vị quân-sự cuả địch trên các chiến-trường mà thôi; còn thì bỏ trống phần lớn lãnh-thổ cuả ta: các đại đơn-vị khi hành-quân xong thì về doanh-trại; Ðịa-Phương-Quân cuả Quận, Nghiã-Quân cuả Xã, phần lớn co cụm trong đồn, cố-thủ trong vòng rào vọng gác, trụ-sở Chi-Khu, nhất là ban đêm. Mình không hiện diện bên ngoài để bảo-vệ dân, làm sao mong dân bên ngoài tay không mà bảo-vệ cho mình bên trong?
Trong vụ VC "tổng tấn công" Tết Mậu-Thân tại thành-phố Pleiku (nơi trú-đóng của Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn II, và là thủ-phủ cuả Vùng II, dưới thời Trung-Tướng Vĩnh Lộc, thời-gian tôi coi Ngành Đặc-Cảnh tại Vùng II), ngót cả tuần-lễ không thấy một người lính Bộ-Binh nào, kể cả Cảnh-Sát địa-phương, ra hoạt-động ban ngày chứ nói gì ban đêm. Tôi phải tự-nguyện đích-thân xuống phố, điều-động Sở Tác-Vụ cuả Biên-Tập-Viên Nguyễn Văn Ðộ, (sau này là thiếu-tá, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Khánh-Hòa) thuộc Ngành Ðặc-Cảnh Vùng II cuả tôi, thức suốt mọi đêm để tuần-tiễu, cứu-cấp đồng-bào bị hoả-tiễn cuả Việt-Cộng liên-tục bắn vào, chữa lửa, cô-lập các nơi có hoả-tiễn chưa nổ, kiểm-chứng tại chỗ để giúp Không-Quân khỏi xạ-kích lầm xuống thường-dân vẫn luôn cuống-quýt kéo nhau di-chuyển chỗ ngủ hỗn-loạn trong đêm khuya...
Lúc ấy Hoa-Kỳ chưa đề-xuất Kế-Hoạch “Cảnh-Sát-Hoá”, mà tại thủ-phủ cuả Vùng II tôi đã chứng-tỏ được là Cảnh-Lực có thể làm được nhiều việc tiếp tay với Quân-Lực, bảo-vệ an-ninh cho đồng-bào. Nay thì, dù cho Kế-Hoạch ấy đã bị các nhà lãnh-đạo Việt-Nam Cộng-Hoà bức-tử, tôi thấy nó vẫn có giá-trị lớn-lao, nên tôi liều-lĩnh đơn-phương thi-hành trong phạm-vi quyền-hạn cuả tôi.
Và kết-quả là...*Ngoài các thành-quả công-tác khác, riêng về vấn-đề phục-hồi và duy-trì an-ninh cho các vùng đất có dân-chúng cư-ngụ và sinh-hoạt trên khắp lãnh-thổ toàn Vùng I, tôi đã đạt được kết-quả:
- Ðã phá vỡ Ổ Ðặc-Công Việt-Cộng vùng nam Núi Ngũ Hành Sơn, vốn chuyên bắn sẻ lên phi-cơ trực-thăng cuả Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng. Kể từ cuối năm 1973, đã tái-lập và duy-trì an-toàn 100% cho đường bay cuả Tư-Lệnh Quân Ðoàn I & Quân-Khu I khắp vùng nói trên.
- Ðã thanh-toán các phần-tử Ðặc-Công Việt-Cộng nội-thành Ðà-Nẵng. Kể từ cuối năm 1973, chúng không còn cắt rào thép gai để mong vào phá-hoại các bồn xăng dự-trữ cuả ta.
- Ðã chận đứng vĩnh-viễn mọi nỗ-lực cuả Ðặc-Công Việt-Cộng vùng nam Ðèo Hải-Vân. Kể từ cuối năm 1973, chúng không còn tấn-công Kho Xăng lớn nhất cuả Quân-Khu I ở Liên Chiểu, sát Ðèo Hải-Vân.
- Ðã chấm dứt tức-thì mọi toan-tính cuả Ðặc-Công Việt-Cộng vùng bắc Tỉnh Quảng-Nam vốn giựt mìn đều đều các chuyến xe lửa, giết hại hành-khách thường-dân, hằng ngày từ Huế vào. Kể từ cuối năm 1973, đã tái-lập và duy-trì an-ninh 24/24 giờ trên tuyến thiết lộ này.
- Ðã triệt-tiêu mọi hoạt-động khủng-bố và phá-hoại cuả Biệt Ðộng Việt-Cộng nội-thành, vốn thường-xuyên quấy rối phố phường đông dân. Chỉ trừ một vụ Việt-Cộng xúi-giục trẻ-con ném chất nổ gây thương-tích cho Cảnh-Sát Lưu-Thông, còn thì kể từ cuối năm 1973, đã tái-lập và duy-trì an-ninh hoàn-toàn tại khắp các thành-phố và Thị-Xã trong toàn Quân-Khu I. ...
Tôi đã giữ được an-ninh cho vùng dân-cư trên khắp Vùng I, trong một năm rưỡi sau cùng tôi đảm-trách Ngành Ðặc-Cảnh tại Vùng này (cho đến ngày thất-thủ toàn Vùng). Tôi đáp-ứng được kỳ-vọng mà Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình (Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia) và Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây (Trường Ngành Ðặc-Cảnh Trung-Ương) đã đặt vào tôi, đồng-thời thực-hiện được lời hứa của tôi với Bộ Tư-Lệnh Quân Ðoàn I & Quân-Khu I, nhất là với Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng mà tôi mãi hoài kính yêu.*Nhiệm-vụ của Quân-Lực là bảo-quốc (giữ nước: giữ đất, giữ lãnh-thổ quốc-gia). Nhiệm-vụ của Cảnh-Lực là an-dân (giữ an-ninh cho dân-chúng. VNCH có thời có Phủ Tổng-Ủy An-Ninh, VNDCCH và CHXHCNVN có Bộ An-Ninh).(1) Chánh Sở Tác-Vụ, phụ-tá của tôi, là cựu Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm, hiện là đại-diện hệ-thống báo-chí “Saigon Nhỏ” tại thủ-đô Washington, DC. Phụ-tá của Đạm là cựu Đại-Úy Phạm Khả, hiện là thương-gia ở Illinois.(2) Chỉ-Huy-Phó Liên-Đội Thám-Sát Đặc-Biệt Vùng I là cựu Đại-Úy Trần Văn Phú, hiện là viên-chức sở Mỹ hưu-trí ở Florida.(trích từ cuốn hồi-ký "Về Vùng Chiến-Tuyến" - 1996)
mercredi 19 juin 2013
TÔI ÐÃ GIỮ ÐƯỢC AN-NINH* CHO VÙNG I TRƯỚC THÁNG TƯ ÐEN 1975 , Lê Xuân Nhuận
TÔI ÐÃ GIỮ ÐƯỢC AN-NINH* CHO VÙNG I
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire