mardi 23 juillet 2013

KHÔNG GẬP ĐƯỢC NHAU CŨNG GẮNG ... thơ Đỗ Quý Bái và câu chuyện thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

Cám ơn thi hữu Minh Lương đã cho biết tin về chi Hỷ Khương
Còn chi Tuệ Mai chắc đã đi vào miên viễn ? Tôi là hội viên của
TAO ĐÀN BẠCH NGA  cùng với các chi từng có giao tình  bằng
thi phú do chủ bút báo Phổ Thông mời nhập Tao Đàn qua buổi
ra mắt thơ tổ chức tại nhà hàng Thanh Thế gần chợ Bến Thành
năm xưa có ban Mây Tần (?) Kiên Giang ngâm vịnh thơ văn trúng giải
Thấm thoắt đã gần tròn hoa giáp Thấy lại hình chị còn mạnh khoẻ
thực là vui nên nối điêu cùng thi huynh mong hỏi thăm sức khoẻ
của chị và tất cả các đàn viên còn tại thế mà chưa tùng gập mặt
Chúc chư vị cùng tươi rói như chi Hỷ Khương

KHÔNG GẬP ĐƯỢC NHAU CŨNG GẮNG ...

Không gập lại nhau cũng gắng vui ...
Thời gian lặng lẽ chẳng ngừng trôi

Coi thường danh lợi lo niềm đạo
Ca tụng tin yêu giữa cuộc đời  

Không gặp lại nhau vẫn gắng thương
Con tằm tới thác vẫn tơ vương
Ta đem gieo rắc trong nhân thế
Những truyện tin yêu khắp nẻo đường

Không gặp lại nhau cũng nhớ  chơi
Còn bao kỷ niệm với người đời
Cái vui đàm luận thơ cùng nhạc
Mắc kệ ai chê : chỉ vẽ vời

Không gặp lại nhau vẫn mỉm cười
Cho lòng sảng khoại trí xanh tươi
Cho hoa rực rỡ hơi hương ngát
Tự tại an nhiên giữa kiếp  người

Không gập lại nhau lại muốn chào
Chào người đúc hạnh trí thanh cao
Dù cho vật đổi sao rời nữa
Cách cảm thần giao vẫn có nhau

Không gập lại nhau nghĩ vẫn say
Say thơ say phú truyện xưa nay
Say hôm hội họp trong Thanh Thế
Hoa giáp gần tròn lại nhớ  ngày

Không gặp lại nhau thử kiếm đi
Kiếm tìm thăm bạn buổi hàn vi
Dược phòng Ngã Sáu ( Ngọc Diệp ?) còn không chị ?
Đứng vững tới nay mới lạ kỳ !

LTĐQB
 
 

SỐNG NGÀY NÀO
( Họa lại bài thơ Còn Gặp Nhau...
của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương )

Sống ngày nào cảm tạ an vui
Khoảnh khắc qua mau như nước trôi.
Danh lợi bon chen rồi cũng mất!
Tình thương còn lại ở trên đời.
 
Sống ngày nào mở rộng tình thương
Duyên nợ yêu đương mãi vấn vương.
Chung thủy trọn đời dù biến đổi!
Yêu thương bền chặt mãi chung đường.
 
Sống ngày nào thích thú vui chơi
Ai biết ngày mai còn ở đời?
Giải trí thanh tao vui bạn hữu
Tâm hồn tỏa rộng thật xa vời!
 
Sống ngày nào hãy nhớ vui cười 
Ngắm ánh bình minh hoa nở tươi.
Thăm hỏi thắm tình khi nói chuyện
Ngày mai có thể biệt ly người!
 
Sống ngày nào nhớ nói lời chào
Tâm thiện chân tình chẳng tự cao. 
Trần thế vô thường - đời biến đổi!
Thương yêu trao gởi thắm tình nhau.
 
Sống ngày nào nhớ chẳng no say
Bệnh tật khổ tâm mãi đến nay.
Kiêng cử , dưỡng sinh tập mỗi sáng
An vui thanh thản giữ hàng ngày.
 
Sống ngày nào nhớ bước chân đi
Giúp đở tha nhân trong phạm vi.
Chánh niệm trong tâm luôn nhớ nghĩ
Trần gian thay đổi theo chu-kỳ.
 
Minh Lương Trương Minh Sung
Cali. ngày 05 / 05 / 2011
 
----- Original Message -----
From: 
To: undisclosed recipients
Sent: Tuesday, June 26, 2012 6:17 PM
Subject: [DiendanDanToc] Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và những dòng thơ đi vào lòng người

 

Kỷ lục gia - nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và những dòng thơ đi vào lòng người
(Kỷ lục) - Chỉ mới nói chuyện qua điện thoại nhưng vừa gặp chúng tôi, bà đã đón tiếp như những người đã quen biết từ lâu, thậm chí như người trong nhà. Người mà chúng tôi muốn nói đến là nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Tên tuổi của bà từ lâu đã được nhiều người biết đến. Riêng bài thơ Còn gặp nhau đã nhận được sự mến mộ của nhiều người do những dòng thơ thấm vào từng ngóc ngách của mọi tâm hồn yêu thơ! Bài thơ 7 đoạn này câu chữ khi đọc lên nghe rất đỗi đơn sơ giản dị nhưng lại hàm chứa ý nghĩa sâu xa về tình người, tình đời, ý đạo.
Thưa nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, có phải bà đến với thơ ca do người thân hướng dẫn?
- Bằng giọng rất Huế bà tươi cười nói: Gia đình tôi làm thơ cha truyền con nối, đến tôi là đời thứ năm. Cách đây ít lâu một nhà nghiên cứu văn học đã viết: "Những nhà thơ nổi tiếng năm đời trực hệ trong một gia đình vương giả ở Huế”. Từ ông sơ là vua Minh Mạng đến ông cố là người con thứ 11 của vua là Tuy Lý Vương Miên Trinh, người được nhắc trong câu thơ của vua Tự Đức "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”. Đến ông nội tôi là Tiểu Thảo Hồng Thiết, sang cha tôi là Ưng Bình Thúc Giạ Thị và đến Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, kéo dài đến nay 192 năm.
Lúc nhỏ, tôi có may mắn gần cha tôi nhiều và được ông cụ dạy cho cách làm thơ. Với cha tôi, thứ nhất thơ phải rõ nghĩa, thứ hai trong thơ phải có nhạc và chính thơ có nhạc thơ mới "bén rễ” sâu trong lòng người!

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

Thưa bà, có phải một bài thơ đúng hơn một bài hò của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã được lưu truyền, nhiều người thuộc lòng cứ ngỡ là ca dao?
- Đó là bài "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, Ai câu, Ai sầu, Ai thảm, Ai thương, Ai cảm, Ai nhớ, Ai trông. Thuyền Ai thấp thoáng bên sông, Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”. Những câu thơ này Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cha tôi viết về vua Duy Tân. Thuở ấy vua Duy Tân có khi giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở bến Phu Văn Lâu chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn chuyện quốc sự. Không ngờ vận điệu của câu hò được truyền tụng trong dân gian và vô hình chung trở thành ca dao in trí nhớ nhiều người. Nỗi niềm của người viết trong khung cảnh đó đã làm câu hò trở nên bất hủ. Cha tôi còn viết một câu hò khác về Đào Duy Từ "Khi trông lên đò Trạm, khi ngó xuống Lũy Thầy, đố Ai có biết dạ này thương Ai?”.

Bài thơ "Còn Gặp Nhau” của bà rất nổi tiếng, nhưng không phải ai cũng biết được hoàn cảnh ra đời của nó như thế nào?
- Tôi xin thưa rõ câu chuyện cho có đầu có đuôi. Năm 1964, tờ bán nguyệt san Phổ Thông của nhà văn Nguyễn Vỹ nơi tôi cộng tác thường xuyên, đưa tin sẽ xuất bản tập thơ Đợi Mùa Trăng của Hỷ Khương. GS.TS văn chương Pháp Nguyễn Văn Cổn từ Pháp đã viết thư về cho ông Nguyễn Vỹ đề nghị được viết bài tựa cho tập thơ, dù tôi và ông Cổn chưa bao giờ liên lạc với nhau. Ông Nguyễn Văn Cổn là bạn thân của GSTS Trần Văn Khê. Ông thường đưa thơ của tôi cho anh Khê xem. Từ đó, anh Khê với tôi liên lạc qua thư từ. Sau một thời gian, chúng tôi trở thành anh em kết nghĩa.
Bài thơ Còn gặp nhau của nhà thơ Hỷ Khương được nhiều người biết đến
Năm 1993, GS.TS Trần Văn Khê tham gia trong đoàn của Tổng Thống Francois Mitterand sang thăm Việt Nam. Khi vừa đến TP.HCM, anh Khê có nhắn tôi và Thúy Hoan lên gặp anh ở khách sạn Rex. Anh em gặp nhau hết sức vui mừng. Sau đó, anh Khê đi theo đoàn liên tiếp mấy ngày. Trước khi trở lại Pháp, anh nhắn tôi lên để giã biệt. Do bị ốm, không đi được nên tôi đã gởi cho anh một bài thơ trong đó có 4 câu: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi, Chỉ có tình thương để lại đời”.
Lúc lên máy bay anh đã họa lại bài thơ, nhắc lại lúc chúng tôi gặp nhau, 4 câu thơ sau đây anh đã họa lại 4 câu trên: "Nắm tay hiền muội rộn niềm vui, Quên cả thời gian vẫn cứ trôi. Chỉ nhớ không gian thâu ngắn lại, Tao phùng bao phút đẹp trên đời”. Về sau tôi đã làm thêm 6 đoạn nữa, thành ra bài thơ có 7 đoạn như mọi người đã biết.

Những câu thơ trong bài Còn gặp nhau chữ nghĩa bình dị nhưng khiến cho người đọc nhớ mãi?
- Tôi cũng lấy làm lạ. Khi viết tôi chỉ dùng những câu chữ đơn giản, có lẽ nhờ vậy mà đi vào lòng người. Một vị giáo sư đại học nói với tôi rằng: "Tôi lấy thơ Hỷ Khương ra đọc cho các em sinh viên nghe: Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi. Bao nhiêu thú vị ở trên đời. Vui chơi trong ý tình cao nhã, Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời”. Tôi nói với các em: "Nhà thơ Hỷ Khương nói vui chơi ở đây là vui chơi trong ý tình cao nhã thì cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời vì có ý nghĩa”.
Hòa thượng Thích Giác Toàn - Viện Chủ Tịnh Xá Trung Tâm - sau khi đọc tập thơ Hãy Cho Nhau, đã nói với tôi: "Cô Hỷ Khương ơi, cô làm thơ dễ dàng như thế, làm ra được những câu thơ như vậy là tu bao nhiêu kiếp”. Nghe lời dạy của Hòa thượng lòng tôi rất xúc động.

Thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương dễ đi vào lòng người còn vì đọc lên đã thấy nhạc điệu ẩn chứa trong đó…
- Bài thơ Còn gặp nhau có nhiều nhạc sĩ dùng phổ nhạc. Trong đó, riêng Giáo sư Võ Tá Hân là phổ trọn cả bài. Tôi bảo với ông: "Làm sao mà giỏi thế?”. Ông trả lời: "Thơ Hỷ Khương đã là bản nhạc rồi nên rất dễ phổ, bỏ đi một chữ cũng không được”. Hiện có rất nhiều hội đoàn ở Mỹ xin phép dùng bài Còn gặp nhau do nhạc sỹ Võ Tá Hân phổ nhạc để làm nhạc nền.

Thơ của bà được rất nhiều người dùng để viết thư pháp, hẳn là có nhiều câu chuyện thú vị từ đây?
- Cuối năm 2004, tôi thật bất ngờ khi nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông mà cho tới nay tôi cũng chưa biết là ai. Người đó nói rằng: "Chị Hỷ Khương ơi, người ta khắc thơ của chị lên đá để bán trong hội hoa xuân. Một phiến 200 đô la, nhưng không đề tên chị. Tôi muốn mua mà không đủ tiền”. Tôi hỏi: "Không để tên sao anh biết thơ tôi”, người ấy trả lời: "Ai mà không biết”. Tôi nghe rồi cũng quên.
Sau đó, khi tôi cùng một số bạn học cũ đi ngang hội hoa xuân, một người bạn trong nhóm rủ vào chụp ảnh. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện những phiến đá khắc thơ mình trong hội hoa xuân từ người đàn ông nọ. Tôi kể lại, các bạn nghe thấy rất vui và rủ nhau đi tìm. Rất nhanh chúng, chúng tôi đã gặp gian hàng triển lãm thư pháp với một dãy đá nhiều màu khắc hai câu thơ: "Lợi danh như bóng mây chìm nổi, Chỉ có tình thương để lại đời”.
Nhà thơ Hỷ Khương và phiến đá khắc một trong những câu thơ tâm đắc của bà
Một người phụ nữ ra chào hỏi hết sức vui vẻ: "Thưa chị, chị có phải là chị Hỷ Khương không? em thấy chị trên sách, trên báo, trên ti vi”. Tôi nghe lấy làm lạ. Người phụ nữ lại nói: "Chúng em tính xong hội hoa xuân sẽ đem một phiến đá đến tặng chị”. Một người bạn của tôi nói ngay: "Chúng tôi có sẵn xe, bà cho đưa ra xe dùm”. Phiến đá ấy giờ đã trở thành một kỷ vật của tôi.

***
Lúc tiễn chúng tôi, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thân tình dặn bằng những dòng thơ trong bài Dặn Lòng, "Giữ yên nếp sống dịu hiền, Gây chi sóng gió thêm phiền lòng nhau. Khi đời đã chẳng vào đâu, Trăm năm mua lấy chữ sầu ích chi”. Một bài thơ không có chữ nghĩa nào "to tát” cả mà đã giúp nhiều người giải tỏa những phiền muộn lo âu.

Khánh Bình (thực hiện) - kyluc.vn

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương năm nay 75 tuổi. Bà sinh ra ở Vỹ Dạ (Huế) nhưng vào Nam sống từ năm 1961. Bà là tác giả của nhiều tác phẩm: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2005), Thơ tình và tình thơ (2006), Thơ dâng cha mẹ (2007), hồi ký về thân phụ Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1996, tái bản có bổ sung 2002, 2011)… .

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire