dimanche 14 juillet 2013

Lấy chồng xứ lạ Nguyễn Tài Ngọc



Lấy chồng xứ lạ

Nguyễn Tài Ngọc

Tôi ít đọc những email luân chuyển những tin tức lẩm cẩm vì phần đông là vô bổ, không kiểm chứng, không đọc chẳng chết một con ruồi. Nếu là tiếng Việt, tin tức Việt Nam  thì văn viết lủng củng, và đôi lúc một người viết thêm lời bàn của mình thật giật gân giá-trị-không-đến-một-xu cho mẫu tin đó, rồi thiên hạ cứ chuyển tiếp tưới hột sen lên, chẳng hạn như:  "những hình ảnh lịch sử kho tàng văn hóa Việt,  người Việt Nam nào cũng cần phải xem", hay "tin tức thật cần thiết  người Việt nào cũng phải đọc để cảnh tỉnh". Who cares? Ai mà thèm quan tâm đến?


Tin những cô gái Việt Nam lấy chồng xứ lạ, Trung Hoa, Đài Loan, hay Đại Hàn, sang nước người bị gia đình chồng ngược đãi, có người phải tự tử chết, cứ chuyển tiếp vào email của tôi. Tôi nhận bao nhiêu email về cái clip video của các cô gái Việt Nam cởi quần áo trần như nhộng đi phô diễn trên khán đài để những ông Đại Hàn ngồi dưới chọn làm vợ. Mới đây nhất tôi nhận vài email cùng một đề tài "Những người con xa xứ (lấy chồng Hàn Quốc)"  kèm theo lời bàn mở đầu: "Các cháu Gái VN thân mến, xin các Cháu tha thứ cho chúng tôi, đã không giữ được Miền Nam Việt Nam, để Miền Nam mất vào tay bọn CSBV, để giờ nầy Các Cháu phải lâm vào tình trạng đau thương như thế nầy, chúng tôi thật là rất đau lòng.." 
Câu này đọc xong tôi thấy thối oăm không ngửi được, gây cái mùi thối vào computer của tôi nên tôi phải viết bài này để tẩy sạch cái mùi thối đó.
Trước hết, hãy bàn về phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc. Cũng như hôn nhân giữa gái Việt lấy trai Việt, một số cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc vì tình chứ không phải vì tiền:
          Chẳng tham ruộng cả ao sâu,
Tham vì anh Tú rậm râu mà hiền.
          Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.
          Chẳng tham nhà ngói ba tòa,
Tham vì một nỗi mẹ cha hiền lành.
          Chẳng tham nhà ngói rung rinh,
Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười.
Có những cô nhất định không xem tiền bạc của cải là gì, nếu chồng là người đần độn ngu ngốc. Họ thà lấy người trong mộng của mình:
          Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm.
Do đó, bài viết của tôi không nói về những cô này. Tôi chỉ muốn đề cập đến phần phụ nữ còn lại, ở những quốc gia nghèo đói như Việt Nam lấy nhau chỉ vì hy vọng có một đời sống vật chất phong phú,  trong tương lai có thể quay lại giúp đỡ gia đình, cha mẹ, anh chị em nghèo khổ còn sống ở Việt Nam, đi ngược lại những lời cảnh cáo:
          Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

và do đó lãnh hậu quả tai hại như trong tin tức chúng ta thường đọc về các cô lấy chồng nước ngoài: 
       
          Gái ngoan lấy phải chồng đần,
Hẳn là kiếp trước nợ nần chi đây.

Mỹ là quốc gia tìm thống kê gì cũng có. Ai vào Google sẽ thấy rất dễ dàng tìm số liệu một năm các bà vợ giận chồng mấy lần, bao nhiêu ông chồng bị dao chém phải vào nhà thương cấp cứu vì quên mua quà sinh nhật vợ, bao nhiêu ông chồng lái xe đi chơi lạc lối vì phải nghe lời vợ chỉ đường. Thế nhưng Việt Nam là quốc gia lạc hậu, rất ít thống kê để người đọc tham khảo. Tôi vào Google Việt Nam muốn tìm có bao nhiêu Việt Kiều sang Mỹ cả chục năm rồi mà vẫn nói tiếng Anh dở ẹc, ấy thế khi về VN thì cứ xổ tiếng Anh loạn xạ làm le thằng chột giữa đám mù, hay bao nhiêu Việt Kiều về Việt Nam ăn uống bị Tào Tháo rượt, nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy.

Tuy nhiên, rất may mắn tôi tìm được một nghiên cứu về  đề tài Thực trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, Nghiên cứu trường hợp xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy - Tp. Hải Phòng, vào năm 2009 mà Tiến Sĩ Hoàng Bá Thịnh trình bày ở trang web của Tổng Cục Dân Số (link trưng dẫn ở cuối bài). Tôi xin copy lại ở đây :

"        Tính đến cuối tháng 8/2009, xã Đại Hợp có 721 cô gái lấy chồng nước ngoài (trong đó có 188 phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc) chiếm 15,1% tổng dân số nữ của toàn xã. Nếu tính số phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 (độ tuổi sinh đẻ) chiếm 56,6% trong dân số nữ của xã, thì tỷ lệ các cô gái lấy chồng nước ngoài so với phụ nữ trong độ tuổi 15-49 ở xã Đại Hợp chiếm 26,6%. Nói cách khác, cứ 4 phụ nữ trong độ tuổi 15- 49 ở xã Đại Hợp thì có 1 phụ nữ lấy chồng nước ngoài.
     Trong mẫu khảo sát, 82% số hộ gia đình có 1 con gái lấy chồng Hàn Quốc, 15,3% có hai con gái lấy chồng Hàn Quốc, và 1,3% hộ gia đình có 3 con gái lấy chồng Hàn Quốc và Đài loan, 1,4% hộ gia đình có 4 con gái lấy chồng Hàn Quốc và Đài Loan.
      Phụ nữ lấy chồng nước ngoài ở xã Đại Hợp khởi đầu từ năm 1997 và trở thành một hiện tượng xã hội kể từ năm 2003 đến nay, với hai xu hướng lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc. Huyện Kiến Thụy có hai xã có phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhiều nhất là xã Đại Hợp và xã Đoàn Xá. Theo số liệu thống kê, số phụ nữ lấy chồng Đài Loan nhiều nhất với 487 người (chiếm 67,5% tổng số phụ nữ lấy chồng nước ngoài), tiếp theo là phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, với 188 người (26,1%), còn lại các nước khác với 46 người (6,4%). Nếu tính từ năm 2003 - thời gian có phụ nữ Đại Hợp lấy chồng Hàn Quốc - đến tháng 8/2009, số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc chiếm 30,2% tổng số phụ nữ ở xã Đại Hợp lấy chồng nước ngoài. Nhưng từ năm 2007, số phụ nữ lấy chồng Đài Loan có xu hướng giảm và gia tăng số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc. So sánh hai năm gần đây, số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc nhiều hơn phụ nữ lấy chồng Đài Loan là 2,9 lần (năm 2008) và 2,4 lần (tính đến tháng 8/2009).
      Cả 4 làng của xã Đại Hợp đều có phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhiều nhất là làng Quần Mục, tiếp đến là Đông Tác, Việt Tiến và Đại Lộc. Đa số phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 18-25 (87%),  26-30 (5,0%) và 31-35 (8,0%). Trong số 721 trường hợp lấy chồng nước ngoài, chỉ có 5 trường hợp (0,6%) lấy chồng Việt kiều. Có 15,3% gia đình có 2 con gái lấy chồng nước ngoài, 1,4% gia đình có 3 con lấy chồng nước ngoài, và 1,4% gia đình có 4 con gái lấy chồng nước ngoài."
          Một trong những động lực thúc đẩy phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài nói chung và lấy chồng Hàn Quốc nói riêng là yếu tố kinh tế. Khảo sát cho thấy, 53,0% cha mẹ có con gái lấy chồng Hàn Quốc nói rằng con họ có gửi tiền về cho gia đình. Mức độ gửi tiền như sau: 8,0% thường xuyên; 75,3% thỉnh thoảng, và 17,0% hiếm khi. Nhờ vậy, nhiều gia đình ở xã Đại Hợp đã có sự thay đổi về cuộc sống (sửa sang nhà cửa, mua đồ dùng trong gia đình). Những ngôi nhà to đẹp này được người dân địa phương gọi là “phố Tây”, “Nàng Kiều”.  "

Truyền thống của phong tục Việt Nam là trọng nam khinh nữ, như trong câu hai ở đây:

          Trăm con trai không bằng dái tai con gái,
          Trăm con gái không bằng cái dái con trai.

Câu đầu theo tôi hiểu có nghĩa là con gái đeo hoa tai đắt tiền ở dái tai, trăm con trai không giá trị bằng con gái. Câu thứ nhì thì ngược lại, cho thấy sự trọng nam khinh nữ của văn hóa Việt Nam hay Á Đông. Thế nhưng bây giờ sự thể đã đảo ngược, chỉ có con gái mới có cơ hội lấy chồng ngoại quốc mang tiền về cho gia đình nên thiên hạ muốn có con gái thay vì con trai.

Các cô gái trong xã Đại Hợp lấy chồng ngoại quốc tạo nên tình trạng  hụt hẫng, không phải trai thiếu gái thừa thời chiến tranh, mà là trai thừa gái thiếu. Con trai trong xã Đại Hợp phải đi sang xã, huyện, tỉnh, khác để tìm vợ.

Bảng 2. Lấy chồng nước ngoài và lấy vợ nơi khác ở Đại Hợp, 2007-2009 (người)

2007
2008
2009 (8 tháng đầu năm)
Tổng
Phụ nữ lấy chồng nước ngoài
48
112
87
247
Nam giới lấy vợ ngoài xã
68
74
48
190
Phụ nữ, nam giới kết hôn cùng xã
32
43
12
87
Nguồn: Số liệu thống kê UBND xã Đại Hợp.
Tóm lại, phần đông phụ nữ Việt Nam ở xã Đại Hợp đều mong muốn lấy chồng ngoại quốc để thoát ly cảnh nghèo túng.

Theo thống kê kể trên thì kể trong hai năm sau cùng, số phụ nữ ở làng Đại Hợp lấy chồng Đại Hàn là nhiều nhất, nhì là chồng Đài Loan.

Theo thống kê của Viện Xã Hội và Y Tế Đại Hàn thì vào  năm 2011, trong số tất cả cô dâu ngoại quốc lấy chồng Đại Hàn thì cô dâu Việt Nam  là nhiều nhất: 7,636 người, vượt hơn cả số cô dâu Trung Hoa.   

Đối với những cô này, nghèo đói là động lực thúc đẩy họ lấy chồng Trung Hoa, Đài Loan, hay Đại Hàn. Thế nhưng nói rằng chỉ vì một mình Cộng Sản Việt Nam tạo ra môi trường kham khổ bắt buộc họ phải đi tìm chồng giầu (họ không tìm được chồng VN giầu vì ít đàn ông VN có đời sống sung túc như đàn ông nước ngoài) thì tôi không đồng ý.

Không thể nào chối cãi là Cộng Sản Việt Nam đã góp phần rất lớn tạo nên một quốc gia nghèo đói. Trước 1975, vì cao vọng của Cộng Sản thôn tính miền Nam mà bao nhiêu tài nguyên quốc gia của cả hai miền Nam Bắc phải đổ vào vũ khí, súng ống, quân đội. Lo ngại cho  hiểm họa chiến tranh, các quốc gia trên thế giới không đầu tư, mở mang cơ xưởng, nên người dân ở Việt Nam không tìm ra được công ăn việc làm.  Sau khi Cộng Sản chiến thắng miền Nam tháng 4-1975, trong vòng mười năm, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Chỉ cho đến ngày 3-02-1994, khi Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, đưa đường cho Việt Nam  tham gia vào WTO (World Trade Organization - Hiệp Hội Thị Trường Thương Mại Quốc Tế) vào năm 2007 thì dân chúng mới có việc làm, đỡ nghèo đói vì có ngoại quốc đầu tư.

Tình hình chính trị vững vàng (không có biểu tình, đảo chính, lật đổ chính quyền), lương bổng công nhân thấp, phí tổn xây cất mở mang cơ xưởng ít tốn kém, và giấy phép thiết kế nhanh chóng làm cho các công ty ngoại quốc thi nhau đầu tư vào Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi để  tạo nên một xã hội giầu có thế nhưng tham nhũng lan rộng trong chính quyền nên vào năm 2012, theo thống kê của World Bank, GDP (PPP) per capita -Tổng sản phẩm sản xuất bình quân mỗi đầu người- của Việt Nam chỉ là $3,635/đầu người,  đứng hàng thứ 128 trong 180 quốc gia World Bank liệt kê. Đây là một con số quá khiêm nhường so với nước láng giềng Thái Lan kế bên, GDP per capita của họ là $9,875, gấp 2.7 lần của VN, và của Đại Hàn thì VN chẳng bao giờ bắt kịp: $30,722/per capita,  gấp 8.45 lần của VN.

Vì nghèo nên các cô gái lấy chồng nước ngoài để tiến thân. Theo tôi, trường hợp này không khác gì thời Việt Nam Cộng Hòa. Theo thống kê của IMF (International Moneytary Fund), GDP per capita của VNCH vào năm 1974 là $442.07 dollars/một người, đứng hàng thứ 103 trong 183 quốc gia IMF liệt kê. 36 năm sau, vào năm 2012, Cộng Sản Việt Nam đứng hàng thứ 128 trong 180 quốc gia. Sự chênh lệch về nghèo giữa hai chính thể tuy có, nhưng không là bao nhiêu. Trước 1975 tự do, dân nghèo. 2012 Cộng Sản, dân cũng nghèo.

Sự nghèo khó này khiến phụ nữ phải tìm đủ mọi cách để kiếm sống. Trước 1975 và sau 1975 đều có tệ trạng chị em ta, và tìm chồng nước ngoài. Bây giờ là thời đại Internet, tin tức truyền thông nhanh hơn sao xẹt nên vì thế mọi người cảnh tỉnh hơn. Ngày xưa tệ trạng cũng thế, gái lấy chồng nước ngoài cũng vậy, nhưng vì không có Internet nên ít người biết, thế thôi. Trước 1975, không những chị em ta kiếm ăn nhan nhãn khắp phố vì có lính GI Mỹ, mà các cô cũng tìm khách Việt Nam khắp nơi. Năm tôi học lớp 10, chỉ có 16 tuổi, đạp xe đạp ở khu đường Trần Nhân Tôn thì có một bà đang ngồi ở một sạp gỗ, bước ra  đường, nắm ghi-đông xe làm tôi phải dừng lại, hỏi tôi: "Em ghé không em?" .Ý bà ta hỏi tôi có muốn nằm ngủ với mấy cô giang hồ hay không, nhưng lúc bấy giờ tôi còn ngây thơ vô số tội, không hiểu bà ta hỏi tôi cái gì, nên hỏi bà ta ghé là ghé đi đâu?

Một điểm tôi muốn nêu ra là nhiều email chê chồng Trung Hoa, Đại Hàn, Đài Loan là hung dữ, ác độc, hành hung vợ. Tôi không hiểu tại sao họ không chê chồng Việt Nam, vì chồng Việt Nam cũng tệ hại như thế, nếu không hơn? Ở Mỹ trong một nhà thờ tôi biết có ông chồng VN đi nhà thờ ngoan đạo lắm nhưng về nhà thì đánh vợ, bắt vợ quỳ gối. Một ông chồng tôi quen sơ sơ, cãi nhau, gọi vợ là "mày tao", đấm vào mặt vợ. Một ông chồng hiểm độc khác phân tán hết tiền của gia tài sang tên người khác trước khi ly dị để không cho vợ một xu. Một ông chồng  chả làm gì ở nhà, tất cả do vợ hầu hạ. Ấy là nói ở Mỹ, luật pháp che chở cho phụ nữ, nam nữ bình quyền. Những trường hợp này chỉ có thể xẩy ra ở Hoa Kỳ vì vợ nhịn nhục, bị đánh  không thưa cảnh sát, chứ nếu thưa thì họ đã còng chồng cho vào bót lau toilette xem Paris By Night hay Asia 24 giờ một ngày. Tôi còn chưa kể đến nhiều Việt kiều về Việt Nam lấy vợ rồi khi sang đây chỉ  ở với vợ một thời gian ngắn rồi ly dị vợ. Ở Việt Nam thì tệ hơn nữa,  không có luật lệ bảo vệ phụ nữ thì các bà vợ trăm đường thiệt thòi, tình trạng tuyệt vọng không có lối ra. 

Dĩ nhiên là chính quyền và xã hội phải tạo ra điều kiện để nâng cao đời sống của dân chúng, nhưng đây không phải là thiết kế một chiều. Dân chúng mỗi người phải có ý thức đóng góp phần mình vào công việc cải cách đời sống. Một người không thể nào ngoài miệng chê bai thành phố đầy rác mà chính mình vất rác. Không thể nào thấy người ta ăn cướp mà chính mình cũng tham nhũng. Không thể nào phê bình người khác không lo cho dân nghèo khi chính mình chỉ quan tâm đến mình. Không thể nào thấy một việc làm sai lầm mà chính mình vẫn cứ làm. Xã hội không bắt buộc các cô lấy chồng ngoại quốc. Các cô làm theo ý của mình (hay gia đình khuyến khích), cho dù biết rằng có thể lấy lầm chồng.

Tôi không biết chắc, nhưng đoán là hôn nhân của phần đông phụ nữ Việt lấy chồng các nước Á Đông như Trung Hoa, Đại Loan, Đại Hàn được suông sẻ. Tài chính của người vợ và gia đình vợ được trở nên phong phú vì nếu không thì không cô nào ngu dại gì nhẩy vào nhà tù giam hãm tấm thân cả đời.  Chỉ có một thiểu số bị kẹt vào bi kịch không có lối ra. Phụ nữ Việt biết xác suất nguy hại này, nhưng đánh cuộc là mình không bị nằm trong số người xấu số đó. Không ai có thể ngăn chặn họ đi vào một con đường mà họ, hay chính chúng ta,  nghĩ rằng cơ hội thành công thoát khỏi sự nghèo khó nhiều hơn là thất bại.

Trong xóm Bàn Cờ lao động của tôi ngày xưa có đủ mọi thành phần: cô đi bán bar ở night club khách hàng là lính  GI Mỹ, cô ngủ với nhiều GI Mỹ đẻ ra con lai trắng, lai đen, cô lấy chồng người Phi-Luật-Tân. Tại sao họ làm như vậy? Vì họ không có khả năng kiếm tiền bằng trí óc nên phải dùng cơ thể để kiếm sống, không khác gì các cô lấy chồng Trung Hoa, Đài Loan, Đại Hàn, hiện thời. 

Tôi đồng ý với người viết câu "Các cháu Gái VN thân mến, xin các Cháu tha thứ cho chúng tôi, đã không giữ được Miền Nam Việt Nam, để Miền Nam mất vào tay bọn CSBV, để giờ nầy Các Cháu phải lâm vào tình trạng đau thương như thế nầy, chúng tôi thật là rất đau lòng..", hay là những người có ý tương tự như thế chỉ một điểm là Cộng Sản sau 36 năm chiến thắng miền Nam vẫn hướng dẫn quốc gia trong cái nghèo triền miên, nếu theo xếp hạng GDP thì 36 năm thời gian trôi qua vô ích vì Việt Nam bây giờ vẫn còn nghèo hơn thời chính thể VNCH, tạo ra nhiều mức sống bi thảm.

Thế nhưng: 

-thứ nhất, những người này có biết rằng thời VNCH đã có chuyện các cô lấy chồng nước ngoài vì tình cảnh nghèo đói, và chắc chắn  đã có cô bị chồng ngược đãi như bây giờ?

-thứ hai, trước tháng 4-1975, những người này đã làm gì để giúp các cô gái nghèo tránh tình trạng này chưa? Hay là họ cũng tham nhũng, có tiền đút lót cho con khỏi đi lính, làm chức lớn thì cho con mình đi ngoại quốc để trốn lính, ăn cắp tiền và quân nhu của Mỹ viện trợ, nếu quen biết lớn thì chạy chọt cho con em vào trường "điểm" không cần phải thi như bây giờ, khi lính tráng  chết ngoài tiền tuyến thì hậu phương ăn chơi nhẩy nhót, không quan tâm đến dân nghèo, không quan tâm đất nước, không thấy hiểm họa Cộng Sản, để rồi chính mình đóng góp vào việc VNCH rơi vào tay Cộng Sản, chính mình đóng góp vào việc xã hội nghèo khó, gián tiếp tạo nên nhiều tệ trạng?

"Actions speak louder than words" - "Hành động nói to tiếng hơn lời nói". Đây là một câu thành ngữ Mỹ nghĩa tương tự như "thùng rỗng kêu to" của mình. Khi có một vấn đề nan giải cần giải quyết, chúng ta cần phân tích vấn đề, tìm hiểu nguyên do, rồi tìm phương cách trị liệu nó. Nếu mình không có phương cách giải quyết thì nên giữ yên lặng. Phát biểu oang oang vô bổ cho cả thế giới biết là mình đã định làm (không có gì chứng minh), nhưng làm không được thì chỉ là đánh võ mồm như Don Quichotte.

Nguyễn Tài Ngọc
July 2013


Tài liệu tham khảo:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire