vendredi 30 août 2013

ĐỒI TRANH 3 MỘ hồi ký Hoàng Thế Định

ĐỒI TRANH 3 MỘ

                                                                        Hoàng Thế Định
(Viết để tưởng nhớ những chiến hữu đã chịu đày đọa thể xác lẫn tinh thần trong các trại giam Cộng Sản, một địa ngục trần gian, nơi mà con người phải cam chịu những nỗi nhục nhã còn đớn đau và tàn tệ hơn cả cái chết.)
Nguyện cầu anh linh, vong linh của tất cả nạn nhân Cộ̉ng sản được tái sanh về thế giới không hận thù, mãi mãi được an vui, hạnh phúc.

Kể từ sau 1975, cứ độ sau Tết, ở vùng núi thuộc tỉnh Quảng Trị nầy tiết trời nắng ráo và ấm áp, có năm đã thấy nắng gắt và nóng rát, thế mà năm nay, đã đến giữa tháng 3 mà trời vẫn còn mưa dầm dề và lạnh. Ở trong tù, thiếu ăn, thiếu mặc và nhất là cô đơn làm cho con người cảm thấy cái lạnh càng buốt giá thêm.
Tại trạm xá dành cho tù binh thuộc Đoàn 76 của bộ đội Cộng Sản, thường khi chỉ khoảng 10 tới 12 bệnh, mà nay 20 giường đã đầy. Giường của bệnh nhân tù được làm kỹ lưỡng hơn chỗ nằm của tù binh bình thường ở các trại giam; giường bệnh là 3, 4 tấm ván ghép lại, chiều dài 1 mét 8, rộng 8 tấc, các tấm ván được lắp đặt trên 6 ống đạn. Ống đạn bằng sắt là loại để chứa các đầu đạn súng đại bác 155 ly của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vất ngổn ngang trên chiến trường trước đây; và tù binh phải đi tìm nhặt các ống đạn đó đem về cho trại giam. May mắn cho tù nhân nào kiếm được và giấu riêng cho mình một thùng chứa đạn đại liên 60, thùng có nắp đậy kín có thể chứa đồ ăn khô mà không sợ chuột bọ rúc rỉa. Tù nhân thì nằm trên những tấm sắt gọi là “ghi” mà trước đây quân đội miền Nam và đồng minh dùng làm sân bay. Mỗi tấm ghi sắt dài chừng 4 mét rưỡi, ngang chừng 6 tấc được móc vào nhau làm thành hai thảm sắt trải suốt hai bên chiều dài của mỗi căn nhà mà họ gọi là lán, giữa là lối đi. Họ tộng 50 tù binh vào mỗi lán; ăn, ngủ, “họp đội” để chỉ trích phê bình, đấu tố nhau, hoặc ngồi nghe nhồi nhét chủ nghĩa Cộng Sản. Về mùa đông, thảm sắt toát ra hơi lạnh buốt tận xương, tù nhân nằm co quắp, tựa lưng vào người bên cạnh hầu truyền hơi ấm cho nhau; mỗi tù nhân chỉ được hưởng 6 tấc chiều rộng cho mỗi chỗ nằm của mình. Đến mùa nắng nóng, nhất là vào những tháng 5 và 6 với ngọn gió khô và nóng rát từ Nam Lào thổi sang, thì những tấm thảm sắt gọi là giường ngủ, hừng hực lên hơi nóng như những vỉ sắt nướng những tấm thân tù với da bọc xương và đẫm mồ hôi nhễ nhại, nồng nặc.
Sau hơn 2 năm lao động khổ sai với những bữa ăn là vài khúc sắn (củ mì) khô khan muốn tắc nghẹn ở cổ họng, tối ngủ trên những tấm ghi sắt mà chúng tôi thường chua chát gọi đùa là những tấm nệm có điều hòa không khí theo nhiệt độ bên ngoài; tình cờ tôi được chuyển đến trạm xá tù thuộc Đoàn 76. Trạm xá tù gồm có 3 nhà, cái lớn nhất dành cho bệnh nhân, được cất trên một khoảng đất ở giữa lưng chừng đồi, vị thế cao cách mặt ruộng tới 20 mét. Nhà thứ nhì nhỏ nhất nằm cách phòng bệnh nhân chừng 10 mét trên triền dốc đi xuống, nhà được ngăn đôi một bên là phòng chứa thuốc và đồ dùng tối thiểu để phục vụ bệnh nhân, phần còn lại là chỗ ngủ với 2 giường riêng biệt, một của anh y tá và một của tôi. Nhà thứ ba dựng ngay ở chân đồi, là nơi dành cho hai bác sĩ khác, ba y tá và hai người phục vụ ăn uống, căn chính được đặt một cái chảo lớn để nấu cơm, canh.
Một trạm xá mà có ba bác sĩ, bốn y tá và hai người phục vụ, tưởng như là một bệnh viện nho nhỏ, kỳ thật thì các y tá và bác sĩ đều phải lao động tay chân để phục vụ cho trạm xá như trồng rau, khoai, sắn; lại cộng thêm việc nuôi heo cho bộ đội quản lý tù. Dù sao thì mức độ lao động nơi đây không bằng một phần năm tại các trại tù. Khám bệnh và ghi thuốc điều trị chỉ được thực hiện vào hai buổi sáng thứ hai và thứ năm. Chỉ một y tá được cắt cử cấp thuốc và chích thuốc cho bệnh nhân tù và được miễn lao động tay chân. Sở dĩ họ đưa về đây đến ba bác sĩ vì họ muốn thiết lập một phòng giải phẫu nhỏ hầu có thể cấp cứu các tù binh bi tai nạn khi đi lao động, vì những vùng được chọn làm khu vực canh tác là những bãi chiến trường trước đây, nên rải rác khắp nơi là những bãi mìn hoặc lựu đạn chưa nổ. Chúng tôi đã nhiều lần giải phẫu cho những người dân địa phương bị thương vì đạp phải mìn cóc thuộc phía Cộng Sản hoặc cuốc phải lựu đạn hoặc đầu đạn M72 thuộc phía đồng minh. Có vài bệnh nhân bộ đội thuộc trong Đoàn 76 yêu cầu chúng tôi mổ cho họ, chúng tôi phải làm và với điều kiện họ phải viết giấy cam kết và một y tá của họ tham gia cuộc giải phẫu, vì chúng tôi không muốn bị “chụp mũ” cái tội giết cán bộ.
Tôi đến trạm xá nầy được chừng 6 tháng thì hai anh bác sĩ Hiền và Thông cùng với Quý, tên anh y tá ở cùng nhà với tôi, được thả tự do. Tôi ở một mình trong căn phòng. Thật là thích thú cho tôi khi được tự do ngồi viết thư về gia đình, hoặc ngồi gãy đàn guitare những lúc buồn nhớ nhà. Về sau nầy tôi nhớ lại quãng thời gian đó, thật buồn cười; đi ở tù mà lại mang đàn đi cùng. Hồi đó khi nhận được giấy gọi là “đi cải tạo” họ ghi “trại viên nhớ đem theo dụng cụ thể thao hoặc nhạc cụ”. Thế là tôi đã ngây thơ cả tin đem đàn theo, hóa ra đến lúc nầy lại có dịp cầm lại đàn.
Một đêm vào khoảng hơn 11giờ, tôi đang ngồi viết bản dự trù thuốc cần thiết cho những ngày tới bỗng nghe một tiếng thét lớn. Giữa đêm thanh vắng, từ một địa điểm cao, lại ở trong một thung lũng hẹp, xung quanh toàn đồi khá cao vây bọc, tiếng thét vang xa trong đêm khuya rồi vang vọng lại nghe thật hãi hùng. Tôi biết ngay là xuất phát từ căn nhà bệnh nhân nên xách vội cây đèn chạy ngay lên. Một đám bệnh nhân tù đang xúm quanh một người nằm sóng soài giữa đất trên lối đi thông ra bên hông trạm xá. Anh em bệnh nhân giạt ra hai bên khi thấy tôi đến. Tôi quỳ xuống đưa cây đèn dầu gần mặt và nhận ra là Thảo. Sau khi khám xét, tôi thấy tim mạch cũng như nhịp thở của Thảo không có gì đáng quan ngại, nhưng rõ ràng là Thảo đã ngất xỉu. Thảo còn rất trẻ, mới 22 và là Chuẩn úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, anh được chuyển đến trạm xá vì bệnh trĩ. Hai chứng bệnh thường xẩy đến cho hầu hết anh em tù nhân là đau răng và bệnh trĩ. Bị bệnh trĩ là vì tù nhân bị buộc phải lao động khổ cực không ngừng nghỉ, nhất là phải gánh hoặc vác nặng quá sức chịu đựng của mình. Còn bệnh hư răng là do không có điều kiện vệ sinh răng. Lại vì quá đói, trong khi đi lao động ở rừng sâu, anh em tù gặp gì có thể ăn được là bỏ vào mồm cho khỏi bị lả người. Có anh đã từng giấu vào trong túi quần một nửa con rắn được hun khói vội vàng, chờ đêm đến đói bụng, nằm trùm chăn nhai ngấu nghiến.
Anh em vực Thảo lên giường, tôi chích cho anh một ống thuốc trợ tim. Thảo tỉnh lại ngay, có lẽ vì chất thuốc đau xé thịt. Tôi hỏi chuyện gì xẩy đến cho anh thì Thảo chỉ lắc đầu quầy quậy, mắt đảo nhìn xung quanh dáng sợ sệt, rồi anh kéo tôi lại gần và nói nhỏ:
- Khó nói lắm anh Định ơi, em thấy lạ lắm, lạ lắm.
Thường ngày Thảo không phải là người nói lắp, thế mà bây giờ với một câu ngắn như vậy mà một hồi lâu anh mới nói xong, rõ ràng là có điều gì thật khiếp đảm xẩy đến với anh ta.
Tôi đang hỏi Thảo thêm mấy câu thì các anh em bệnh nhân đưa mắt làm hiệu, tôi nhìn ra cửa chính, một bộ đội quản lý tù đang cầm đèn bấm rọi sáng bực cấp để bước lên. Ông ta hỏi, giọng trịch thượng:
- Anh nào gây huyên náo vậy?
Mọi người im lặng, tôi không biết trả lời sao là nói rằng Thảo la hoảng trong khi ngủ mê.
Trạm xá tù nằm cách trạm xá của bộ đội quản lý trại giam thuộc Đoàn 76 chừng 50 thước, tiếng thét quá lớn dĩ nhiên họ biết ngay là phát xuất từ đâu.
Sáng hôm sau, khi tôi đang cuốc đất trồng rau khoai thì Thảo ngừng tay nhổ cỏ cho đám rau muống cạn gần đó, bước lại gần tôi, rồi sau khi đã cẩn thận nhìn quanh không có ai khác, anh nói nho nhỏ; lần nầy thì Thảo không còn nói lắp nữa:
-Anh Định ơi! Em nói thật với anh là đêm qua em đã thấy ma. Cũng như mọi đêm, trước khi ngủ, em ra ngoài đi tiểu, vừa ngang cửa thì rõ ràng con ma đứng chận ngang. Mà con ma nầy cụt một chân anh ạ. Đầu tiên em tưởng là một anh nào vừa ở ngoài bước vào, nhưng không phải, khi em giơ cao cây đèn dầu lên để xem thử ai thì nó biến mất như một làn khói bay tạt ngang. Em không dựng chuyện đâu!
Luật lệ được đặt cho tù nhân là ban đêm khi ra ngoài phải cầm đèn và tự nói “Tôi đi tiểu” hoặc “Tôi đi cầu”, dù không có bộ đội canh phòng gần đó.
-Anh tin em nói thật! Đến giờ đó mà em còn thức à?
Thảo phân trần:
- Như anh biết, sau khi mổ trĩ, em ít khi ngủ được vì đau và lại có kích thích như muốn đi cầu hoặc đi tiểu thành ra thường khi đến quá nửa đêm em mới chợp mắt.
- Có ai trong lán cùng thấy như em không?
-Em không rõ, em không dám nói chuyện nầy với ai cả ngoài anh.
Tôi hiểu Thảo không dám nói với mọi người về sự thật anh đã gặp, chỉ sợ quản lý tù lại gán cho anh cái tội “phao tin đồn nhảm”, “xuyên tạc hoặc hù dọa mọi người với ý đồ không tốt”. Đó là những câu mà họ thường trắng trợn gán ép tội lên chúng tôi, dù chúng tôi chẳng làm điều gì sai trái. Họ tìm đủ mọi cách để đánh đập tra tấn chúng tôi, họ trả thù vì trong thời gian chiến tranh, bản thân họ hoặc gia đình, bạn bè đã gặp gian khổ khó khăn hay mất mát sinh mạng vì bom đạn từ phía chúng tôi.
Tôi an ủi Thảo rồi bảo anh lên lán nghỉ ngơi, vì tôi biết đêm qua Thảo đã mở chong mắt chờ trời sáng.
Tù nhân la hét kinh hoàng giữa đêm khuya là chuyện rất thường xẩy ra trong các trại tù vì ngày ngày tù nhân bị hành hạ từ thể xác đền tinh thần. Biết rằng tù nhân nào cũng chỉ ngày đêm trông đợi được về với gia đình vợ con; bộ đội giam giữ tù đưa ra chiêu bài: “người nào lao động tốt sẽ được tha sớm”, thế là nhiều tù nhân đã dốc hết sức, làm việc không ngơi nghỉ, thân mòn sức kiệt. Họ còn dụ dỗ: “người nào khai báo thật thà về lý lịch bản thân cũng như bạn hữu, bà con thì sẽ được xét tha tội, về với gia đình”, dụng ý của họ là ngoài việc khai ra tất cả sự thật về mình, còn tố cáo những lý lịch hoặc việc làm của người khác hầu họ có thể bắt nhốt thêm những người mà họ xét ra nguy hiểm cho chế độ của họ.
Bao nhiêu năm tháng trôi qua, ngày về với gia đình vợ con vẫn biền biệt; không ai biết được hạn định tù của mình là bao lâu, vì vậy mà anh em tù chúng tôi thường chua chát gọi là “Án cao su”. Đã thế mà thần kinh lại luôn bị căng thẳng vì phải trải qua quá nhiều lần thẩm vấn, lặp đi lặp lại mãi việc kê khai lý lịch. Buổi sáng đang đứng tập họp từng hàng điểm danh để đi lao động khổ dịch, bỗng bị kêu tên bước ra khỏi hàng. Tù nhân không biết chuyện gì sắp xẩy ra cho mình. Họ nói: “Những anh vừa được gọi tên sẽ ở lại trại để cán bộ làm việc”. Nghe đến hai chữ “làm việc”, người tù nào cũng run sợ đến tái xanh mặt, vì hai chữ đó để gọi cho việc thẩm vấn. Phải chăng có người nào đó tố cáo mình làm chuyện gì hay nói câu gì mà họ gán cho cái tội “phản động”, hoặc giã rằng biết đâu trong lúc ngủ mơ mình đã chửi bới Cộng Sản. Ngoài ra tù nhân còn lo lắng cho vợ con, gia đình đang sống gian khổ, thiếu thốn mọi mặt ở quê nhà. Vợ thì ngày ngày thay chồng lo kiếm sống cho cả bầy con nheo nhóc, đêm lại phải đi họp tổ, họp đội, xóm phường để nghe những lời phê bình kiểm điểm, hoặc phải nhận những lời chỉ trích dù mình chẳng làm điều gì sai trái. Con cái thì không được học hành đầy đủ và cho dù chúng có học rất giỏi cũng không được vào đại học chỉ vì một lý do đơn giản: “Cha là ngụy quân ngụy quyền”. Xem ra cuộc sống của dân chúng thật sự chỉ là một nhà tù rộng lớn không hơn không kém.
Những đêm kế tiếp, mọi người đều nghe tiếng thét hãi hùng của Thảo vang trong đêm vắng, và lần nào cũng thấy anh ta nằm té xỉu. Mấy đêm đầu thì bộ đội quản lý tù còn xuống kiểm tra, về sau họ không màng đến nữa.
Mấy hôm sau, trạm xá tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân tù. Hai người bị sốt rét và một người bị cây ngã đè lên chân trong khi đi đốn cây trong rừng. Cả 3 đều được di chuyển từ công trường Sông Mực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Số là mấy tuần trước đây, 5 trại tù thuộc tổng trại tù Đoàn 76 mà mỗi trại chứa 500 tới 600 tù binh, phải cử phân nửa nhân số lên đường ra Thanh Hóa để tham gia chương trình làm đập thủy điện Sông Mực. Thoạt nghe cái tên cũng đủ hiểu giòng sông ở đó đen như thế nào. Hẳn là đen như số phận của những con người đang bị tù đày. Đoạn sông sẽ được chắn để làm đập thủy điện được bao bọc toàn là rừng già dày đặc. Tù binh ở trong rừng đó với những căn nhà lá tự tạo thô sơ. Họ ra lệnh cho tù binh phải đốn tất cả cây trong vùng. Với điều kiện sống hết sức khắc khổ, lại thiếu hụt mọi phương tiện so với một dự án quá lớn là làm đập thủy điện. Không có bất cứ kỹ thuật cơ khí nào, tất cả chỉ nương tựa vào sức của tù binh đang tàn tạ và một số ít nhân lực địa phương. Người dân cũng ốm o gầy còm không khác gì tù nhân bao nhiêu. Về sau, khi đập thủy điện hoàn tất, 2000 tù binh trở về lại trại tù cũ. Vài ngày sau buổi khánh thành “đập thủy điện”, một trận mưa lớn ập tới, đập đã vỡ tan tành, trôi theo giòng nước đen như mực.
Anh bệnh nhân tù bị cây gỗ đè nhưng may mắn không đến nỗi tàn phế mà chỉ có một chân bị sưng phù, tuy thế không bị gãy xương. Thấy anh dùng một cành cây làm nạng để chống mà đi, tôi vội kiếm cho anh ta một cặp nạng gỗ mà trước đây số anh em tù binh đi gỡ ghi sắt ở sân bay trực thăng thuộc Bệnh Viện Giải Phẫu Dã Chiến số 18 của Mỹ (18th Surgery Hospital) tại thôn Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị; đã mang về mấy thùng nạng gỗ.
Hai anh bệnh nhân sốt rét thì sau một bữa ăn thật no và được chích mỗi người một mũi thuốc Quinine, vừa đặt lưng xuống chiếu đã ngủ ngon lành như trẻ thơ.
Tâm, tên anh tù binh trẻ bị cây đè còn lần mò xuống đồi múc nước giếng tắm rửa, rồi mới trở lên lán ngủ. Tâm theo đạo Catholic, anh luôn đeo thánh giá dưới cổ, nhưng khéo léo che đậy để bộ đội quản lý tù không nhận ra. Sáng hôm sau, vừa thức dậy Tâm vội hỏi người nằm cạnh:
- Anh bạn, tôi mới đến nên không biết rằng ở đây cũng có người đi nạng như tôi, đêm qua anh anh ta đến thức tôi dậy và hỏi mượn tôi một cái nạng.
Người nằm cạnh Tâm nói:
- Không! Có ai trong lán đi nạng gỗ như anh đâu? Người đó thế nào, anh tả xem!
Tâm dùng cùi chỏ chống ngồi dậy, kể rành mạch:
- Anh ta mặc bộ đồ tù màu xanh, tôi thấy rõ là anh ta cụt một chân. Anh ấy vén màn tôi lên và nói, giọng cộc lốc: “Mi đau có một chân, cần chi tới 2 cái nạng, tao cần một cái”. Nói rồi anh giật một cái nạng trên đó tôi có máng cái khăn lau mặt còn ướt. Anh ấy vứt cái khăn lên chiếc gối tôi nằm. Chiếc gối còn ướt một chéo đây nầy.
Năm sáu anh bệnh nhân vừa dừng lại nghe câu chuyện của Tâm, cùng ồ lên một lúc. Mọi người đều thấy chỉ còn một cái nạng gỗ. Cả bọn kéo nhau đi ra sau lưng trạm xá lục tìm khắp nơi, cuối cùng họ thấy chiếc nạng gỗ của Tâm nằm dài trên đường mòn nhỏ. Con đường mòn nầy len lỏi giữa đám tranh rậm rịt và cao quá đầu người nối dài lên đến đỉnh đồi, trên đó có 3 nấm mồ. Không ai dám nhặt chiếc nạng gỗ đó.
Sự kiện ma xuất hiện trong khu vực trạm xá tù không còn là chuyện phải giữ kín nữa vì hằng đêm tất cả bệnh nhân đều thấy ma. Và không phải là một ma cụt chân mà là có tới 3 bóng ma. Người ta không còn nghe tiếng Thảo thét kinh hoàng về khuya nữa, vì Thảo nghĩ ra cách để không phải bước ra khỏi lán để đi tiểu về đêm: anh thủ một cái thùng sắt nhỏ có nắp đậy, ngồi trong màn và tiểu vào thùng rồi đậy kín xong để xuống đất. Không những một mình Thảo thực hiện như vậy, mà tất cả bệnh nhân trong trạm xá đều làm y một cách.
Tôi hỏi từng bệnh nhân thì ai cũng trả lời giống nhau: Đêm đêm, cứ vào khoảng nửa khuya, có ba “người” bước vào phòng bệnh nhân bằng lối cửa hông. Họ mô tả chi tiết từ áo quần cho đến cách đi đứng của từng “người”.
“Người thứ nhất” cụt một chân, mặc bộ áo quần tù màu xanh. Tôi gặng hỏi họ là tại sao họ biết rằng “người” ấy cụt một chân. Một anh đáp ngay:
- Người đó đi với một cái nạng gỗ nện trên nền đất, ống quần phía bên nạng gỗ dẹp lép và đong đưa không như phía chân khỏe, còn dáng đi khập khểnh không giống “hai người kia”
Một anh khác tiếp lời:
- “Hai người kia” dáng thấp hơn. Một “người” mặc một bộ đồ trận của quân đội mình, “người còn lại” thì chỉ mặc có quần đùi và áo 3 lỗ màu trắng.
Có một bệnh nhân tên Quyền, anh là em vợ của người anh họ của tôi, vì vậy tôi xem anh ta như người trong gia đình. Tôi thường gọi Quyền đến chỗ tôi để uống trà. Một lần, Quyền nói:
- Anh Định ơi, có lẽ em phải xin anh cho xuất viện, mặc dù vết mổ của em chưa lành hẳn. Em thấy ở đây không ổn, mọi anh em trong lán ít ai ngủ được vài giờ mỗi tối, vì các bóng ma cứ xuất hiện thường xuyên. Có lần em đánh bạo bật lửa lên thì thấy ba “người” ấy giống như bay xuyên qua vách ngăn giữa phòng bệnh và phòng ăn.
Ngược lại với Quyền, nhiều anh bệnh nhân tuy bệnh đã lành vẫn mong được ở lại trạm xá thêm vài ngày. Ở đây dù phải đối diện với sự kinh dị về những bóng ma, nhưng các bóng ma đó chẳng làm hại ai; còn hơn là trở về các trại lao động khổ sai quá cực khổ và căng thẳng.
Qua lời Quyền nói, tôi chợt nghĩ ra cách để các bóng ma không xuất hiện gần anh em: “để một ngọn đèn dầu chính giữa lán, ma tất không dám vào chỗ có ánh sáng”. Thế mà phương pháp đó thật hữu hiệu, từ đó các bóng ma chỉ xuất hiện ở phòng ăn kế bên. Tuy anh em không thấy nhưng lại vẫn nghe tiếng “lọc cọc” đi lại của “người cụt chân”.
Trời có vẻ dễ chịu hơn, không còn mưa lạnh như trước, nhưng vẫn còn nhiều mây. Một đêm, khoảng 10 giờ, tôi cầm đèn dầu bước lên phòng bệnh nhân để xem có anh em bệnh nhân nào cần gì không. Tất cả đều yên lặng, chỉ nghe vài tiếng thở đều của những bệnh nhân đã ngủ say. Tôi bước xuống bực cấp, mảnh trăng lưỡi liềm trắng đục khuất dần sau chòm cây ở vùng đồi bên kia. Về phòng, tôi lên giường nằm một lát rồi mới vói tay kéo màn muỗi xuống rồi thò đầu ra khỏi màn để thổi tắt ngọn đèn dầu. Ánh sáng dạ quang trên mặt đồng hồ tôi đang đeo chỉ đúng 10 giờ 15. Tôi là người tù duy nhất được ban giám thị trại giam cho phép đeo đồng hồ, vì cần dùng trong việc theo dõi nhịp tim, nhịp thở của bệnh nhân.
Trời không có gió mà sao tôi thấy một góc màn muỗi lay động. Bỗng nhiên cái giường tôi đang nằm như được nhấc bổng lên chừng 1, 2 tấc rồi lắc lư một cách lạ lùng. Tôi đã từng di chuyển trên rất nhiều phương tiện khác nhau, từ máy bay đủ loại, trực thăng cho đến loại tàu lớn nhỏ, có khi ngồi trên chiếc xuồng nang rất nhỏ và nhẹ; nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác nào giống như kiểu chao đảo của chiếc giường hôm nay.
Tôi chợt nghĩ ngay tới “họ”, những bóng ma. Từ bao lâu nay, mặc dù tất cả bệnh nhân tù đều thấy và kể rành mạch về ba bóng ma nhưng tôi ngạc nhiên không biết tại sao mình chưa bao giờ được chứng kiến. Tôi vẫn thường dùng lý luận khoa học để giải thích mọi hiện tượng, vì vậy mà tuy vẫn tin rằng anh em bệnh nhân không bịa chuyện, lòng tôi vẫn hoang mang vì chưa lý giải được sự kiện. Phải chăng giờ đây hiện tượng cái giường lắc lư là do các hồn ma tạo ra để chứng tỏ với tôi là có sự hiện diện của họ.
Tôi bắt đầu sợ, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh.Tôi tự nói thầm:
“Nếu thật sự có sự hiện diện của các anh, thì xin cái giường lắc mạnh vài lần rồi ngưng”.
Lập tức, cái giường của tôi lắc mạnh đến độ tôi phải níu chặt hai tay vào hai thành giường. Vài giây sau cái giường không lắc nữa, nhưng vẫn bay lơ lửng. Biết là các hồn ma có thật và đang ở gần tôi, người tôi như cứng đờ lại. Tuy thế trí não tôi vẫn sáng suốt như thường, tôi cố gắng chắp hai bàn tay mình thành búp hoa sen và để trên ngực rồi niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Thế là chiếc giường lập tức đứng yên trên đất.
Tôi vẫn giữ tư thế cầu nguyện như thế một lúc sau mới thôi.Tôi vén màn muỗi bước ra, thắp đèn sáng, nhìn quanh, tôi uống nước ừng ực vì cổ họng khô rát bởi sợ. Trong đời tôi chưa có lần nào gặp chuyện lạ lùng như đêm ấy. Tôi chẳng dám kể cho anh em bệnh nhân nghe sự việc xẩy đến cho tôi đêm đó, chỉ ngại họ thêm khiếp đảm.
Một hôm có một bệnh nhân từ trại tù số 5 chuyển đến trạm xá. Trại 5 giam giữ những anh em nghĩa quân, địa phương quân và hạ sĩ quan thuộc các đơn vị khác. Mặc dù là cấp bực thấp, các anh em đó vẫn bị đi tù vì họ bị gán cho là thành phần “có nợ máu với Cộng Sản”. Tên anh ta là Lê Phược, một nghĩa quân viên. Nhiều năm về sau, chúng tôi gọi đùa anh ta là “Đại tá nghĩa quân viên Lê Phược” vì số năm tù của anh ấy ngang bằng với các cấp tá. Thật ra thì trong Nghĩa Quân không có cấp bực quân hàm. Năm 1997 tôi có gặp Phược tại tiểu bang Tennessee, gia đình anh định cư tại đó.
Phược nổi tiếng về bạo gan, bạo gan trong chiến đấu. Vừa đến trạm xá, anh hỏi ngay người nằm bên cạnh:
- Tôi nghe nói ở đây có ma, tôi muốn xem ma ra sao. Trên đời nầy tôi chẳng sợ gì ráo.
Mấy anh bệnh nhân xung quanh chợt nghe liền hỏi đùa:
- Vậy chớ anh không sợ vợ à?
Phược gãi đầu:
- Thì... cũng có khi sợ vợ chứ, ấy là tại mình làm sai quấy, lăng nhăng với gái nầy nọ.
Một anh chen vào:
-Vợ mình thì mình sợ, chứ mình không sợ vợ người khác là được rồi!
Thế là cả bọn cùng cười rân.
Đến bữa cơm chiều, thấy ba bốn người bận rộn dọn dẹp một chỗ nằm để làm thành bàn ăn, Phược ngạc nhiên:
- Kế bên nầy có phòng ăn, tại sao mình không cùng qua bên đó ngồi cho thoải mái?
Cả bọn nhìn nhau, Tâm nói:
- Anh có nghe rằng ở đây có ma, nhưng anh không biết phòng bên đó là nơi mà “họ” thường xuyên xuất hiện.
Một anh khác thách thức:
- Anh muốn thấy ma, cứ sang bên đó mà nằm!
Phược nói giọng quả quyết:
- Ăn xong, tôi dọn sang bên đó ngủ cho các bạn xem. Đơn vị tôi thường đi hành quân về ban đêm, có khi tôi ôm xác đồng đội chờ trời sáng mới di chuyển, thế mà có thấy ma hoặc ai hiện hồn lên đâu?
Giữ lời hứa, Phược sang phòng ăn và chọn một chỗ nằm. Gọi là phòng ăn, nhưng người ta cũng để sẵn 4 giường bệnh, phòng khi bệnh nhân nhiều quá số giường ở phòng bệnh.
Phược chọn chỗ nằm sát vách và gần cửa ra vào.
Mặc dầu nói với anh em là mình lớn gan không sợ ma, nhưng khi chỉ có một mình với gian phòng rộng, bốn bề im lặng và tối đen, Phược cũng thấy rờn rợn trong người. Anh thắp cây đèn dầu và vặn thật thấp ngọn, chỉ để ánh sáng vừa đủ tỏa quanh anh ta chừng vài mét. Phược cố gắng ngủ, nhưng sao mắt anh cứ mở chong.
Bỗng anh nghe tiếng lộp bộp từ xa đang tiến về phía phòng ăn. Phược yên tâm vì nghĩ đó là tiếng chân của các bộ đội quản lý tù đi tuần tra hằng đêm. Anh chợt nghĩ ra rằng sở dĩ họ đi về phía anh vì thấy còn ánh đèn trong phòng ăn. Phược vói tay vặn thật thấp ngọn đèn và nằm lắng nghe. Anh không muốn bị rầy la vì chong đèn trong giờ ngủ. Nhưng không phải, vì anh không thấy ánh đèn bấm. Khi đi kiểm soát tù nhân, bộ đội nào cũng bấm đèn rọi chiếu khắp nơi.
Khi tiếng lọc cọc đến gần, Phược nghĩ là tiếng nạng gỗ của bệnh nhân bộ đội ở phòng bệnh của họ nằm không cách xa trạm xá tù bao nhiêu. Phược lại đoán không đúng nốt, tiếng nạng gỗ đang dừng ngay trước phòng ăn. Phược nằm im không dám thở mạnh. Anh luồn bàn tay phải thật êm xuống dưới gối anh và cầm chặt con dao nhỏ. Tù nhân nào dường như cũng có tự tạo một con dao không nhọn mũi (vì là luật trại tù cấm tất cả vật nhọn) và vừa đủ sắt để gọt sắn hoặc khoai trong bữa ăn.
Từ nhỏ, Phược thường nghe người ta nói rằng nếu thấy ma thì mình cầm bất cứ kim khí gì trong tay, ắt ma sẽ biến mất. Vì vậy mà Phược đã để sẵn con dao nhỏ dưới gối anh nằm. Không phải là ma cụt chân. Phược chỉ thấy một người dáng nhỏ con đang bước thẳng về phía anh. Người ấy đến và vén màn muỗi lên rồi vỗ vào chân Phược và nói:
- Anh bạn! Cho tôi hỏi điều nầy.
Phược nghe giọng lạ, không phải giọng của người miền Trung. Anh cố nhìn vào mặt người đó nhưng không thấy rõ, chỉ thấy người ấy mặc bộ đồ trận của QLVNCH. Phược hỏi:
- Anh hỏi gì mà giữa đêm hôm khuya khoắc như thế nầy?
Người ấy thản nhiên ngồi xuống bên mép giường và thân mật quàng tay qua vai Phược:
- Nhờ anh bạn chỉ hộ tôi đường về Sài Gòn!
Phược lấy làm lạ là tại sao trong giờ phút nầy người ấy lại hỏi vớ vẩn như thế. Phược nghĩ: “hay là người nầy là tù vượt ngục và đang tìm đường đi”. Phược cố gắng nhìn vào mặt người lạ, nhưng ngọn đèn không đủ sáng. Trong lúc đó thì hai người đứng bên ngoài cùng bước vào. Tiếng nạng gỗ lọc cọc lại vang lên. Phược từ từ luồn tay thật êm vặn lớn ngọn đèn dầu, thì bỗng dưng người đang ngồi cạnh anh đứng bật dậy và cùng với hai người kia lướt nhanh xuyên qua vách đất.
Phược muốn la lên nhưng cổ họng anh nghẹn cứng, người anh trơ ra, không cử động được. Một lúc sau anh mới cất tiếng lên được, anh gọi:
- Tụi bây ơi! Tụi bây ơi! Qua giúp tau một tay!
Vài anh bệnh nhân vẫn còn thức, nghe tiếng la, cầm đèn bước sang, họ giúp anh dọn đồ đạc trở lại phòng bệnh. Khi họ hỏi anh việc gì xẩy ra thì anh nói là hãy đợi đến mai sẽ thuật lại.
Sáng hôm sau, Phược, Quyền và vài anh bệnh nhân lớn tuổi khác đến gặp tôi. Họ thuật lại mọi chuyện ma xẩy ra từ bấy lâu trong khu vực trạm xá và hỏi tôi có sáng kiến gì trong sự việc vừa lạ lùng vừa khó xử nầy. Tôi an ủi họ:
- Tôi tin là các bạn nói sự thật về những gì đã thấy. Tôi cũng đoán biết những bóng ma đó là ai. Hai trong số ba người đó đều do tôi tẩm liệm xác họ.
Cả mọi người cùng ồ lên một lúc. Quyền hỏi:
- Thật thế hả anh Định? Thế sao không nghe anh nói cho ai biết?
- Tôi kể ra thì phỏng ích gì? Chỉ làm các anh thêm sợ mà thôi. Bây giờ thì mọi người đều thấy, tôi mới nói. “Người thứ nhất” mà các anh mô tả cụt một chân đó chính là anh đại úy Đ.R. trước đây ở trại 1. Vào cuối tháng 10 năm vừa rồi (1977), anh ấy bị tai nạn do đạn trái sáng nổ, mảnh nhôm xuyên da thịt cắm sâu vào ống xương đùi mang theo cả cỏ rác, đất bụi. Dĩ nhiên anh ấy bị nhiễm trùng rất nặng, nhất là bị viêm thối xương đùi. Vết thương rộng và sâu, hơn nữa anh ấy cũng gầy nên với ngón tay trỏ, tôi có thể sờ đến xương. Ống xương vụn nát mất hết ba phần tư chiều dày và viêm tới tủy, tôi biết là khó cứu vãn được chân đó. Trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ nhất là thuốc men, phòng mổ thì đơn sơ và chỉ giải quyết những trường hợp ít phức tạp, không thể vá xương hoặc đóng nòng vào tủy xương vân vân, vì vậy mà tôi đề nghị với ông bác sĩ bộ đội của Đoàn 76 là để cho tôi giải phẫu và cắt bỏ chân mới hy vọng cứu mạng anh ta. Ông ta nói với tôi là ông sẽ trình bày với cấp chỉ huy Đoàn 76, nghĩa là đoàn trưởng và chính ủy đoàn (trưởng đoàn về chính trị). Như anh em biết, trạm xá nầy là điểm điều trị chót cho anh em tù binh chúng ta. Họ không muốn đưa bệnh nhân tù ra ngoài cái Đoàn 76 nầy. Trong khi chờ đợi quyết định, tôi hết sức chữa trị cho anh ấy trong khả năng sẵn có ở đây. Vài ngày sau, ông bác sĩ của Đoàn 76 nói với tôi là họ không đồng ý cắt bỏ chân anh ta. Tôi thật sự không hiểu họ nghĩ hay biết gì về sự nghiêm trọng của tiến trình viêm xương và viêm tủy xương như thế nào. Thế là hằng ngày tôi phải chùi rửa vết thương anh ấy với nguồn mủ màu vàng và lục từ trong xương, tủy chảy ra. Anh em nhớ là trước đây ở bệnh xá hoặc các quân y viện của quân đội của chúng mình hồi trước thường dùng nước oxy già (Hydrogen peroxide) nạo sạch máu mủ nơi vết thương, rồi dùng nước sodium chloride mà anh em mình thường gọi là nước biển, để rửa sạch vết thương. Bây giờ ở đây, mọi thứ đều thiếu thốn, mình phải chế biến đủ cách. Tôi hòa nước muối loãng, đun sôi, xong để nguội rồi lọc qua bông gòn để rửa vết thương. Vết thương khá rộng nên có thể rửa đến tận xương. Xong rồi dùng tấm vải thưa quấn bột trụ sinh Penicillin và Streptomycin và nhét sâu tận xương đùi cho anh ta, đồng thời cũng chích thịt hai loại trụ sinh ấy.
Ở đây chỉ có hai loại đó. Dù đã tận tình chữa trị, bệnh chẳng thuyên giảm tí nào. Thân thể anh Đ.R càng ngày càng tiều tụy. Mỗi tuần hai lần đi lãnh thuốc cho bệnh nhân toàn trạm xá, tôi đều tường trình với họ về tình trạng bệnh và thân thể ngày càng gầy mòn của anh Đ.R, và mọi lần tôi đều yêu cầu giải phẫu cho anh ấy, nhưng vẫn không được chấp thuận. Ba tuần sau, thân thể anh ta chỉ còn da bọc xương. Tôi nói với ông bác sĩ Đoàn 76 là anh ta sắp chết. Ông ta đến nhìn anh Đ.R một chốc rồi bỏ đi, vài giờ sau ông ấy trở lại và bảo tôi sửa soạn dụng cụ để giải phẫu cho anh ấy. Lúc đó thì tôi từ chối, tôi biết rằng anh ấy sẽ không còn đủ sức để chịu đựng một cuộc mổ lớn. Tôi không muốn bệnh nhân chết trên bàn mổ dưới lưỡi dao của mình.
Tôi nói với ông ta:
- Đã quá muộn! Anh ấy sẽ chết trên bàn mổ thôi!
Ông ta giận dữ nhìn tôi:
- Mày không mổ thì tao mổ.
Một th/úy y tá dưới quyền ông ta phụ cho ông ta giải phẫu.Tôi làm nhiệm vụ gây mê.
Tôi quá buồn chán và căm hận vì không được chủ động trong việc liên quan tới sinh tử của anh em tù nhân chúng mình.
Vừa cắt lìa chân anh Đ.R., ông bác sĩ Đoàn 76 ra lệnh đem chôn cái chân ngay. Tôi gói cái chân trong một khăn vải mổ và trao cho một anh y tá tù đứng bên ngoài. Vừa khâu da ở vết mổ xong thì hiệu lực của thuốc mê cũng vừa dứt. Anh Đ.R. đã tỉnh nhưng tim anh yếu lắm, huyết áp không đo được. Tôi vẫn đứng phía trên đầu bàn mổ, anh nhìn lên tôi rồi từ từ nhắm mắt. Tôi đã từng chứng kiến cái cách nhắm mắt của những bệnh nhân đang lìa đời. Tôi lay hai vai vừa réo gọi tên anh. Anh Đ.R. khó khăn mở mắt ra, lờ đờ đảo quanh rồi nhắm lại, lần nầy anh đi luôn.
Trong phòng vẫn còn đầy đủ những người tham dự ca mổ. Tất cả đều im lặng. Anh y tá và tôi thay phiên nhau làm hô hấp nhân tạo nhưng chẳng có gì thay đổi, tôi quyết định chích thuốc kích thích tim-mạch trực tiếp vào cơ tim anh ấy, nhưng tất cả cố gắng đều vô hiệu. Mọi người lần lượt bỏ ra ngoài. Trong phòng mổ chỉ còn xác anh Đ.R. và tôi. Bên ngoài vang lên giọng sang sảng của một người mà tôi nghĩ là cấp cao trong Đoàn 76 (về sau tôi mới biết là chính ủy Đoàn 76). Ông ta ra lệnh phải chôn anh Đ.R. ngay trong đêm ấy. Ông bác sĩ bộ đội bước vào bảo tôi:
- Anh ra đào cái chân lên để cùng chôn anh ta một thể. Trại 3 sắp mang hòm sang.
Cuối tháng 10, trời vừa mưa vừa lạnh. Một anh y tá và tôi đi ra chỗ chôn cái chân. Nhờ có cây đèn pin mượn của bác sĩ Đoàn 76, chúng tôi tìm đến đúng chỗ không khó khăn. Anh y tá cầm đèn pin. Chỉ vài lát cuốc, tôi đã thấy ngay cái chân trần. Tôi ngạc nhiên hỏi anh y tá:
- Lúc tôi trao cho anh thì có cái khăn mổ bọc ngoài, mà sao bây giờ chân lại như thế kia?
- Cán bộ bảo tôi phải trả lại cái khăn mổ.
Họ muốn chôn cơ phận của một con người như chôn một khúc xương bò không hơn không kém.
Anh y tá không dám nhìn cái chân lìa xác trắng bệt, nhầy nhụa. Biết thế, tôi phải quyết làm nhanh, thò tay cầm cái chân lôi lên. Dù đã qua lần bao tay phòng mổ, tôi vẫn nhận ra cảm giác mềm nhũn của da thịt người đã lạnh ngắt. Tôi nhờ anh y tá gỡ hộ tấm áo mưa trên người tôi trải lên đám cỏ gần đó, rồi đặt cái chân anh Đ.R. lên và gói lại.Vì cái chân khá nặng, tôi đành phải ôm sát vào người và chạy vội vào khu nhà mổ. Nhờ dòng nước mưa xối xả từ mái tranh, tôi rửa thật sạch đất, cỏ còn dính vào cái chân anh ấy.
Trở lại phòng mổ, chúng tôi lo sửa soạn liệm anh Đ.R. Tôi nói anh y tá trở lại phòng bệnh và tìm trong hành trang của anh ấy một bộ áo quần.Vừa tắm rửa cơ thể anh ấy xong thì anh y tá cũng vừa bước vào và trao cho tôi một bộ quần áo tù màu xanh đậm còn mới tinh. Thật là vất vả cho anh y tá và tôi khi mặc áo quần cho anh Đ.R. Với người bệnh dù là hôn mê, giúp họ mặc áo quần vẫn dễ dàng hơn là với một xác chết. Chúng tôi vừa đặt anh Đ.R. vào hòm thì chính ủy Đoàn 76 đến và ra lệnh: “Các anh phải giải quyết nhanh lên!”
Không ai bảo ai, anh em tù chúng tôi lúc đó đều hiểu rằng họ muốn giấu nhẹm càng nhanh càng tốt những việc làm sai sót và kém cỏi của họ.
Trời vẫn mưa như trút nước.Với mấy cây đèn bấm mà mấy ông quản lý trại tù rọi đường, chúng tôi vác hòm anh Đ. R. lần từng bước đường đất đỏ trơn lầy, từ từ tiến lên ngọn đồi phía sau lưng trạm xá. Khi gần đến đỉnh đồi, đoàn người phải len lỏi giữa đám tranh dày chi chít và cao quá đầu người. Dù có hai chiếc dù của mấy bộ đội quản lý tù che trong lúc chúng tôi đào huyệt, nước mưa vẫn xối vào, thế là chúng tôi chia làm hai tốp; hai người đào và hai người tát nước ra khỏi huyệt. Dù đất đỏ lẫn với sỏi đá, chúng tôi cũng đào được một cái huyệt sâu. Cuối cùng thì mọi việc rồi cũng hoàn tất. Đó là chuyện về cái chết của anh đại úy Đ.R.”
Quyền hỏi tôi:
- Thế còn hai người kia? Người mặc áo quần trận của lính mình và người mặc áo ba lỗ với quần lót.
- Như hồi nãy tôi có nói, tôi đã tẩm liệm cho bác sĩ Vũ Đức Giang, anh Giang với tôi là bạn sơ giao, thế nhưng chúng tôi rất hợp ý nhau về phương diện âm nhạc. Anh ấy là một bác sĩ Thủy Quân Lục Chiến chỉ mới ra trường được vài tháng. Giang giã từ mẹ và người yêu rồi cùng đơn vị chuyển ra địa đầu giới tuyến tại tỉnh Quảng Trị. Anh đã bị bắt làm tù binh khi Quảng Trị thất thủ. Năm 1977, ngày 30 Tết Đinh Tỵ, anh ấy tự tử bằng thuốc Chloroquin.
Lúc đó tôi được bác sĩ thuộc Đoàn 76 cử sang trại 3 để cấp cứu anh Giang, nhưng đã quá muộn. Tôi đã xin quản lý trại 3 cho tôi được ở lại vài giờ để lo phần cuối cùng cho anh bạn trẻ xấu số. Đêm đó, tôi đã nhờ dược sĩ Thuận nằm cạnh Giang lấy trong túi xách của Giang một bộ áo quần lính quân đội Việt Nam Cộng Hòa để liệm cho anh ta.
Tôi chỉ đích danh bộ quần áo trận đó, vì nhớ một lần trong khi đi lao động, Giang đã tạt ngang thăm tôi trong bộ áo quần lính trận của quân đội mình. Không hiểu vì sao Giang lại có bộ áo quần trận bộ binh mà không là Thủy Quân Lục Chiến.
Sáng mồng một Tết Đinh Tỵ, một số anh em tù binh trại 3 đã gánh quan tài của Giang lên chôn ở đồi tranh phía sau trạm xá nầy. Còn người thứ ba thì tôi hoàn toàn không quen biết, chỉ nghe nói anh ta tên là V. Ban quản lý trại tù số 3 nói rằng anh V. tự tử, nhưng các anh em bạn tù tẩm liệm cho anh ấy trong đó có nhiều người kinh nghiệm về quan sát tử thi, đã quả quyết rằng V. không phải tự tử chết. Ngoài ra họ còn thấy trên cơ thể anh ta có nhiều vết bầm tím ở những vùng có cơ quan quan trọng bên trong, chứng tỏ rằng anh ấy đã bị quản lý tù đánh đến chết.
Hầu hết tù nhân ở trại 3 đều nghe rõ tiếng đánh thùm thụp trong phòng biệt giam vẳng ra và những tiếng kêu rên của anh V. Phòng biệt giam nầy như các anh em đều biết, trại tù nào cũng có; phòng được làm bằng các tấm ghi sắt sân bay ghép lại thành khối vuông, mỗi chiều chừng 2 mét, nóc và đáy cũng bằng loại ghi sắt nầy; vì thế mà anh em tù binh chua chát gọi phòng đó là “hộp cá”. Họ muốn để phòng kỷ luật nầy giữa nắng mưa./.

PDF]

Đồi Tranh Ba Mộ - Hoàng Thế Định

huongduongtxd.com/doitranhbamo.pdfTraduire cette page
thấy nắng gắt và nóng rát, thế mà năm nay, đã đến giữa tháng 3 mà trời vẫn còn ... nhà được ngăn đôi một bên là phòng chứa thuốc và đồ dùng tối thiểu để ..
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire