mercredi 11 septembre 2013

"TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG của tác giả "VĂN NGUYÊN DƯỠNG (KỲ 2/4).



Kính gửi quý anh chị bài Tản Mạn Về Cung Trầm Tưởng của tác giả Văn Nguyên Dưỡng.

Quý anh chị có thể tìm lại đọc những bài đã post trước đây khi nhấn vào đường dẫn bên dưới.

 Caroline Thanh Hương
 photo 122.jpg

TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG (KỲ 1) của tác giả Văn Nguyên Dưỡng.

 TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG (KỲ 1) của tác giả Văn Nguyên Dưỡng, pdf

  photo 123.jpg

 TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG   VĂN NGUYÊN DƯỠNG   (KỲ 3/4)

 photo 121.jpg

TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG Ky`4/4 cho't của tác giả Văn Nguyên Dưỡng.

TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG Ky`4/4 cho't của tác giả Văn Nguyên Dưỡng pdf

 photo 124.jpg



với những vần thơ Cung Trầm Tưởng phổ nhạc

( Mùa Thu Paris /Mùa Thu Không Trở Lại /Tiễn Em /Kiếp Sau )

                                                                            



                                                                            

RedRose



LTS: Cuối năm, Toà soạn xin gởi đến quý độc giả một bài viết về Văn Học, Học Thuật, tác giả là Huynh Trưởng của chúng tôi, năm nay đã trên 80 tuổi, nhưng Ông vẫn còn tráng kiện và muốn đóng góp một chút gì“ cho nền Văn Học tại Hải Ngoại

Bài viết được chia làm bốn (4) kỳ. Xin mời quý độc giả thưởng lãm và theo dõi.


                     

TẢN MẠN VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG

NHÀ THƠ LỚN CỦA NHÂN LOẠI
QUA “MỘT HÀNH TRÌNH THƠ” VÀ VĂN HỌC VIỆTNAM
                                                                                                                                              VĂN NGUYÊN DƯỠNG
(KỲ 2/4)

Quãng hành trình thứ nhất là một Cung-Thơ lãng mạn. Quãng hành trình thứ hai là một Cung-Thơ dấn thân đầy nghi hoặc mặc dù đã tận tuỵ cung hiến như một chiến sĩ. Quãng hành trình thứ ba là một Cung-Thơ của người tù vong thân đã can

đảm vượt lên như một đấu sĩ, và vững vàng chiến thắng --ít nhất là chính mình-- như một triết nhân. Hành trình sau đó là một hành trình Cung-Thơ phục sinh. Nếu hiểu Cung... là cung đường cũng không sai. Xuyên suốt, trên tất cả và cao hơn tất cả, Cung-Thơ là một nhà thơ nhập cuộc ở giai đoạn lịch sử mà Cung Trầm Tưởng gọi là thế kỷ hung man. Nói rõ ràng hơn là thế́ kỷ hung bạo và man rợ dưới sự thao túng huỷ diệt của những kẻ vô thần và vô sản đã dùng bạo lực gạch một vết hằn to tát và sâu đậm trên đất sống của loài người từ Âu sang Á, trong đó có mảnh đất Việt Nam thương yêu của chúng ta. Trong thế kỷ đó, Cung đã sống trong mộng, chiến đấu với thực tế, để được trở về với mộng. Thơ Cung nói lên hoàn toàn về thứ định mệnh tự thân vùng dậy và vượt lên, vượt lên mãi. Nói như thế có lẽ đúng hơn khi nói về Cung. Và đó là cách mạng của thi ca không riêng của Cung mà của văn học Việt Nam.



Những tháng năm đầu từ Pháp trở về miền Nam, Cung Trầm Tưởng vẫn tiếp tục làm thơ lãng mạn. Hình như mãi đến mấy năm sau từ năm 1958 trở đi, nhất là sau dòng thời gian binh biến dồn dập từ năm cuối năm 1961, 1963 và cho đến 1968 khi CSVN tấn công vào Sài Gòn và toàn miền Nam, chúng tôi chỉ mới nhận thấy ít nhiều thay đổi trong tứ thơ của ông. Ông bắt đầu ray rứt và nghi ngờ về một cuộc chiến mà ông gọi chung cả hai miền Nam Bắc là “đánh thuê”. Một phần của nguyên lý có lẽ là Cung đã nhìn thấy rõ ý đồ của Bắc Kinh trong ván bài Đông Dương: sử dụng lực lượng CSVN của Hồ Chí Minh chẳng những đã nhuộm đỏ Hà Nội rồi mà còn muốn nhuộm đỏ cả Vạn Tượng, Nam Vang và Sài Gòn; mặt khác, lại nhìn thấy Washington bày bàn cờ “Tướng” to lớn --loại cờ người-- ở miền Nam, đánh nhau chí choé, mà hầu hết trí thức miền Nam nhìn thấy đã thở... dài, nào riêng gì một CTT:



Khoé mắt nhìn để mong,

Hàng mi buông để khóc
Khi thấy mỗi chúng ta đang đánh mướn
                        Trận chiến phá quê hương, giết tình người.
                                                          
                                Và:

                        Cứu rỗi hồn làm chi!
                        Từ khi sầu trần đoạ
                        Đã nhiễm trùng hoài nghi.

                        Trời dông la: Cấm cửa!
                        Thắp nến niệm tâm kinh
Sao thấy mình lạc tiếng.

Thì ra tôi mới biết
Sau lú lẫn tin dâng
Hư vô lùa bóng tối
Vào xoá lối thiên đường.

  Vì vậy, dù là một quân nhân của miền Nam, trong thời kỳ năm bảy năm đó CTT đã mang tâm sự một chiến sĩ đánh nhau với CSVN như bị sức hút của chiến trường cuốn vào --như một loại kim khí bị sức hút không thể cưỡng được của nam châm-- nói như người Pháp nói: mỗi chiến sĩ vào chiến địa là “tuer ou être tué “: Cung gọi là “bản năng dung nham”. Vì vậy, với tấm lòng đầy nhân ái của một thi nhân, lúc đó Cung đã viết về những chiến sĩ đối tuyến bằng những dòng thơ rộng lượng:

                        Bên chiến hào đối mặt
                        Hẳn cũng như tôi
                        Đang say mùi thuốc súng,
                        Mùi mê yên mị dược
                        Đánh thuốc lú hồn ta
                        Đang vô thức miên du
                        Trước khổ đau đồng loại.

                                  Và


                                               


                       Tôi muốn ngã xuống trên một lằn ranh màu trắng

                       Không vướng víu hận thù

                       Người lính ấy miên du

                       Bên chiến hào tử địa.



Dĩ nhiên, Cung Trầm Tưởng --cũng như những người ý thức miền Nam thuở ấy-- đã không thể rộng lượng được với những tên đầu sỏ:



                        Lấy thịt đồng bào làm mồi cho súng ngoại,

                        Bởi cuộc chiến các người gây ra

                        Là vô luân và phi lý.



Trong những năm tháng ấy, dù không ngắn ngủi, Cung thi nhân cảm thấy cô đơn với những nỗi buồn thầm lặng, không lãng mạn, chỉ nhen nhúm lửa hoá-luyện thi ngữ, chưa thay đổi lớn, lửa chưa lên sắc xanh nên khí huyết thơ chưa lên màu mận, chưa trở thành “một vừng vu sử thơm an nhiên” tuy vẫn làm người yêu thơ thấm như nhấp chất men. Xin dẫn dụ mấy bài thơ cô đơn buồn mưa Sài Gòn:



          1.      ĐÊM NẰM NGHE MƯA MÁI PHỐ.



                        [BẢN CŨ]                                                          [BẢN MỚI]



    Nằm trông ra cửa sổ,                                      Nằm trông ra cửa sổ,

                Mái dồn nhạc đêm mưa,                                 Mái dồn nhịp đêm mưa,

                Buồn hoang ngoài phố lạnh                         Buồn hoang ngoài phố lạnh

                Vào lay cửa lòng hờ.                                       Vào lay cửa lòng hờ.



    Nằm trông ra nước mắt                                  Nằm trông ra nước mắt

               Trời gần. Vắng tha ma.                                    Trời gần. Vắng tha ma.

               Trăm năm gầy cổ thụ                                       Trăm năm gầy cổ thụ                             

               Khom lưng mỏi kiếp già.                                 Khom lưng mỏi kiếp già.



   Nằm trông ra đơn chiếc                                   Nằm trông ra đơn chiếc

               Đèn vàng màu ký ninh,                                    Đèn vàng màu ký ninh,

               Gió khuya về lay lắt,                                          Gió khuya về lay lắt,

               Ốm sao mà rùng mình.                                     Ốm sao mà rùng mình.

                                                                                

    Mưa đêm ý nhạc dồn...                                     Mưa gieo vó ngựa chồn...

                Nghĩ đời rồi thiu thiu                                         Nghĩ đời rồi thiu thiu

                Nghe ra bước cô liêu                                        Nghe như cỗ xe xiêu

                Đi trong sa mạc hồn.                                         Lăn trong nghĩa địa hồn.

                  

Bài thơ trên Cung Trầm Tưởng viết năm 1958. Bài lục bát dưới đây Cung viết năm 1965 về một góc nghĩa trang ở buổi chiều trời úp trần mây đổ cơn mưa  trên một thân me già rũ lá, một thân xe thổ̉ mộ bỏ hoang xác rã, một cánh dơi ghê lạnh vụt qua, những ngôi mộ tử sĩ chìm lút trong lãng quên hay chăng chỉ còn trong mối sầu âm dương cách biệt của những cô phụ khăn sô ngày nay mang hình ảnh hoá đá của thời gian. Những hình ảnh buồn cảnh buồn người ở một góc tĩnh của thế kỷ chiến tranh với những lời thơ đẹp lạ lùng:



                            2. ĐẤT NGHĨA MỘT CHIỀU MƯA



Ngồi trông rũ tóc mưa rơi

Me côi một gốc nói lời cổ sơ.

Bãi nhăn nhàu vết lăn xưa

Một xe thổ mộ giờ trơ gỗ gầy.

Ngồi trông úp xuống trần mây,

Cỏ xanh bia mộ đã dầy ngút quên.

Chiều nhoà vào xứ không tên,

Thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời.

Ngồi trông vút bóng chim dơi

Mà ghê lạnh cả đất trời thâm sâu.

Sương khăn sô, tấm phủ đầu

Che hồn ẩm mốc mối sầu âm dương.



Đó là cung đường thứ hai của Cung Trầm Tưởng. Trên cung đường nầy, chúng tôi nhận thấy Cung làm mới mẻ lục bát của những trăm năm trước từ Thiên Nam Ngữ Lục thế kỷ XVII đến Đoạn Trường Tân Thanh thế kỷ XIX. Một thuộc sử thi, một thuộc bình dân lẫn bác học. Lục bát của CTT hoàn toàn lạ lẫm với những thi ngữ cũ nghĩa mới hay những thi ngữ mới mang những nỗi buồn miên man. Cung đăng thơ trên tạp chí Sáng Tạo và nhiều tạp chí văn học khác ở Sài Gòn.



Lúc đó, Cung biết mình đang dấn thân, thực sự dấn thân từ năm ba mươi tuổi, tức là vào khoảng năm 1962:



                        Tuổl ba mươi phiến đá chồng lệch vai.

Nửa đeo thơ, nửa thồ đời...



Và



                        Rồi thấy mình không ngoại cuộc

                        Đời reo lên như một giác đấu trường.



Thơ là đời. Rõ lắm. Thơ theo Cung vào cõi chết sau ngày 30 tháng 4, năm 1975. Thơ và ý chí vượt lên của CTT trên cung ̣đường vào cõi chết này --cung đường thứ ba cuả Cung-Thơ quyết định vận mệnh của Cung-- không còn là giấc mơ hay sự mập mờ miên du nữa mà rất hiển nhiên, rất thực, Cung đã trở thành một đấu sĩ của một giác đấu trường tận cùng gay go. Chàng thanh niên lãng mạn thuở tây du và anh chiến sĩ dung nham đầy lòng hoài nghi thực sự bừng tỉnh khi bị rơi vào tận cùng của luyện ngục đỏ. Nhưng lạ thay trong một thực tế sống chết như vậy mà thơ Cung lại không hiện thực như thơ của hàng nghìn người tù chính trị khác: Hàng trăm bài thơ đã được Cung viết với thứ thi ngôn ẩn dụ [métaphore], hoán dụ [métonymie], trừu tượng [métaphysique], biến tự [métaplace], chuyển vị pháp [hyperbate], hoán trang hay hoán trạng ngữ [hypallage], nhân cách hoá [personnalisation] hay ngược lại, kể cả tỉ giảo ngữ [philologie comparée hay comparaison] mang tính siêu thực, siêu thực ở độ cao nhất  --siêu của siêu thực-- ngây ngất thi men mới, mạnh lắng như những ng̣ọn sóng ngầm địa chấn hay phới bổng vào khí quyển như thanh khí hạo nhiên. Tất cả mọi thứ hiện hữu, cảnh vật, con người đã biến dạng vào tận cao, tận sâu, tận ảo trong cõi thơ của Cung. Mười năm tù, hơn ba tập thơ viết bằng hai tay thuở ấy và ba tập khác sau đó, chúng tôi không thể trình bày trong khuôn khổ bài tản mạn nầy. Phải một quyển sách dày vài trăm trang, nếu viết đầy đủ hơn.



Chỉ xin viết tóm lược:



Dù có những sở thích và ham muốn rất người, chúng tôi cũng tự tạo cho mình sự trân trọng khi thưởng thức tứ tuyệt của riêng mình: đàn bà đẹp, thơ đẹp, hoạ & khắc đẹp và kiến trúc hoành tráng.

  Mỹ nhân, điêu khắc & hội hoạ và kiến trúc hoành tráng không thiếu, nhưng chỉ nhìn từ xa, hay nhìn trên các trang in sao chụp của báo chí, tập san hoặc trên  màn ảnh như nhìn trong mơ mà ở trong hoàn cảnh của một thư sinh nghèo trước đây hay một chiến sĩ sau đó --chỉ có cây súng và vài manh áo trận-- không thể nào vói tới. Thơ thì, ngược lại, quá gần vì hình như nó đã có sẵn trong hồn trên từng bước đi vào khói lửa, hay ngay cả trong những giấc ngủ chập chờn. Thơ của mình thì ít, thơ của người thì nhiều. Dù đọc ít và hạn chế trong mấy ngôn ngữ Việt, Hán Việt, Pháp và Anh chúng tôi không hẳn đã không có cái nhìn chín chắn về nền thi ca thế giới từ trước đến nay. Hàng nghìn những đại thi hào trên thế giới và hàng trăm thi sĩ lớn trong nền thi ca đất nước. Mỗi người yêu thơ đều có những thần tượng thi ca riêng và những nhà thơ lớn chọn riêng với những bài thơ đẹp của từng thi nhân như những viên ngọc quí giữ riêng. Cá nhân chúng tôi, suốt trên hàng nghìn dặm hành trình của kiếp sống và hơn sáu mươi năm sau khi trưởng thành thực sự vào đời đi tìm sự thật cho đến nay, với quan niệm mỹ học và sự thưởng thức thơ như một nhu cầu không thể thiếu, từ đó chúng tôi --xin nói rõ, chỉ riêng trong tầm nhìn của chúng tôi-- chỉ thấy có bốn nhà thơ lớn nhất của nhân loại trong mọi thời đại.



 Hai vị mà mọi người yêu thơ đều biết là Lý Bạch (701-762) ở thời kỳ đầu của Nhà Đường Trung Hoa và Rabindranath Tagore (1861-1941) của Ấn Độ. Về hai đại thi hào nầy chúng tôi xin được miễn thêm thắt cũng không xin trích dẫn một dòng thơ nào. Vị thứ ba là Abu’l-Ala al-Ma’arri, một nhà thơ mù mắt. Ông cùng Al-Mutannabi là hai thi nhân lớn Ả-rập ở đầu thế kỷ XI được quần chúng khối Ả-rập Trung Đông ngưỡng mộ và là người mà đại thi hào Omar Khayyam --được cả khối Hồi Giáo thế giới tôn sùng-- chịu ảnh hưởng lớn vì ông chẳng những là tiền bối của Omar, dù chỉ cách nhau chừng ba bốn thập niên, mà còn được Omar kính phục. Danh tiếng của Omar vọng xa tận Âu châu trong nhiều thế kỷ sau đó nhưng Al-Ma’arri rất ít người biết đến mãi cho đến khi thơ của ông và của nhiều nhà thơ khác thuộc khối Hồi Giáo Ả-rập được nhà văn Reynold A. Nicholson dịch ra Anh ngữ mang tựa đề “Studies in Islamic Poetry” (Cambridge University Press, 1921) cùng với hai quyển khác là “Mystics of Islam” và “Studies in Islamic Mysticism”. Không thể biết rõ Al-Ma’arri làm bao nhiêu bài thơ. Chỉ biết khi đọc thơ của Al-Ma’arri chúng tôi nhận thấy ông có tư tưởng sâu sắc về kiếp sống con người. Thí dụ: Con người sống theo khải thị của những nhà tiên tri mang “lời” của Thượng Đế hay sống theo lý trí và tình cảm của chính mình? Đời có đáng sống và vô nghĩa hay không? Có Thượng Đế hay không? Có kiếp sau hay không?  Và có lẽ vì câu hỏi này mà ông thường nói về sự phục sinh. Nhiều nhà viết văn học sử Anh và Pháp ghi nhận là ông ít làm thơ về tình yêu và chiến tranh như các nhà thơ đồng thời khối Ả-rập. Tuy nhiên chúng tôi nhớ nằm lòng mấy câu thơ dưới đây mà tôi tin rằng không một thi nhân nào đọc qua mà không giật mình về sự lớn lao, lạ lùng và lộng lẫy về thi ca của một nhà thơ mù tả một người đẹp:



Khi nàng cười thì trân châu xuất hiện,

Khi nàng hạ tấm voan thì trăng rằm lồ lộ;

Vũ trụ hẹp quá không chứa được nàng,

Vậy mà nàng bị nhốt trong trái tim tôi.



            Nguyễn Hiến Lê cho rằng bốn câu thơ này là một nửa bài thơ của nhân loại.

Tôi tự hỏi một nhà thơ “mù” làm sao “thấy” được sự lộng lẫy tuyệt vời của một mỹ nhân mà cả vũ trụ không chứa được nàng chỉ riêng nhà thơ nhốt được trong trái tim của mình? Phải chăng “nhãn thức” của một thi nhân là thứ tầm nhìn xuyên vũ trụ, xuyên mọi vật dù hữu thể hay vô hình. Sự cao ngạo của thi nhân đẹp và thơ làm sao ấy, dễ làm cho lòng người yêu thơ rung động. Tầm nhìn đó là tiết phẩm toả xa của con tim và khối óc thực tinh anh, trong sáng, đầy ắp tình yêu. Sự cao ngạo đó là tuyệt kỹ của tâm hồn cao vời chỉ những nhà thơ mới có được. Và những ấn tính này mới chỉ là vài phần lớn lao trong muôn vàn lớn lao khác của một đại thi hào của nhân loại.

 Những câu thơ trên do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch, in trong quyển sách ông dịch từ một tác phẩm Anh ngữ của Will Durant viết về thế giới Hồi Giáo mà tôi đọc nhiều năm về trước, không nhớ rõ tựa, vì ông Nguyễn Hiến Lê không ghi tựa sách của Will Durant. Cả quyển sách dịch dày hơn hai trăm trang tôi chỉ nhớ có bốn câu thơ này. Rất tiếc nhà biên soạn Nguyễn Hiến Lê khá lơ đãng nên cũng không ghi rõ các câu thơ đó trích dịch trong bài thơ nào; ông chỉ nói là của một nhà thơ mù Ả-rập trúng một giải thi ca nào đó trong đầu thế kỷ XI, nên buộc chúng tôi phải đi tìm tông tích đích thực của tác giả vì tầm vóc của bốn câu thơ lớn quá. Từ đó tôi lần ra cả khối Ả-rập trong đầu thế kỷ này chỉ có một thi hào mù từ năm bốn tuổi vì bịnh đậu mùa là Abu’l Ala al-Ma’arri người xứ Syria thuở đó bao gồm cả Iraq và Syria ngày nay. Tôi cũng tìm được quyển “Studies in Islamic Poetry” của Reynold A. Nicholson” và đọc được gần bốn mươi bài thơ của al-Ma’arri dịch sang Anh ngữ. Tôi tìm hiểu tiểu sử của nhà thơ và tìm đọc trên mạng internet được thêm nhiều bài thơ khác nữa của al-Ma’arri nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy vết tích của bốn câu thơ Nguyễn Hiến Lê dịch sang Việt ngữ. Chỉ có một bài có lối tả na ná như bốn câu thơ đó xin ghi lại dưới đây, nhưng bài thơ này nói về sư gian dối và “bộ mặt của Sự Thật” chớ không phải của một mỹ nhân, xin để ý bốn câu chót:

            THE TRUTH HIDES HER FACE

            Experience nests in thickets of close shade,
            Who gives his mind and life may hunt it down.
            How many months and years have I outstayed!
            And yet, I think myself a fool and clown.

            And falsehood like a star all naked stands,
            But truth still hides her face in hood and veil.
            Is there no ship or shore my outstreched hands
            May grasp, to save me from this malicious sea?

Bài thơ nầy là bài thứ 11 trong một loạt 37 bài thơ của al-Ma’arri do Reynold A. Nicholson dịch từ tiếng Ả-rập ra Anh ngữ đăng trên mạng Google (7) đại ý có nội dung:

                  NÀNG SỰ THẬT CHE GIẤU MẶT
                        
           “Kinh nghiệm làm tổ trong lùm bụi phủ lấp,
             Người có tư tưởng có thể bị đời đốn quị.
             Bao tháng năm rồi tôi vẫn đứng bên ngoài!.
             Và tự nghĩ mình là một kể khờ dại hay một thằng hề.

             Và sự dối trá như một vì sao trần truồng đứng trơ đó,
             Nhưng nàng Sự Thật còn che giấu khuôn mặt
             Trong choàng mạng và tấm voan của mình.
 Phải chăng không có con thuyền hay bến bờ nào
 Mà đôi tay tôi có thể với tới được để tự cứu mình
                                         khỏi vùng biển ác hiểm này?”

Tôi không biết dịch bài thơ trên đây như thế nào cho đẹp. Việc sưu tầm gốc tích bốn câu thơ dịch không ghi xuất xứ của Nguyễn Hiến Lê chỉ đưa đến kết quả: Một là tôi chưa đủ khổ công tìm cho ra nguồn gốc bốn câu thơ dịch của Nguyễn Hiến Lê trong hàng nghìn bài thơ của al-Ma’arri hay của một thi sĩ Ả-rập (mù) nào khác. Hai là ông Nguyễn Hiến Lê dựa vào bốn câu thơ cuối trong bài thơ trên đây của Abu’l Ala al-Ma’arri mà phóng dịch bốn câu thơ tuyệt tác ghi trong quyển sách của ông dịch từ một tác phẩm của Will Durant (cũng không thấy Nguyễn Hiến Lê ghi tựa tác phẩm của nhà văn, nhà biên soạn, nhà phê bình kiêm sử gia Will Durant --hay Tiến sĩ William James Durant--  mà ông này thì có quá nhiều tác phẩm không biết quyển nào mà dò cho ra?). Nếu điều thứ hai nầy đúng thì tôi đành khen rằng: “Chúng ta có một Nguyễn Du mới mà không hay!..” Vì bốn câu thơ ông phỏng dịch đã biến “Nàng Sự Thật” thành một nàng... thật sự chẳng khác nào Nguyễn Du đã biến một cô kiều rách bên Tàu thành một nàng Kiều lành hiếu trinh vẹn toàn và cũng biến những câu thơ đẹp tả tiếng đàn trong câu truyện Bá Nha–Chung Tử Kỳ của một bài thơ chữ Hán thành những câu thơ về tiếng đàn vô cùng đẹp và não nề của nàng Kiều khi nuốt lệ đờn cho Thúc Sinh nghe trước mặt Hoạn Thư (tiếc rằng tôi không nhớ nên không tìm lại được tài liệu Hán văn nói trên vì kỳ thực lúc đó tôi không quan tâm đến văn học). Có điều đáng khen là ông Nguyễn Hiến Lê vẫn cho bốn câu thơ mà ông dịch là của vị thi sĩ mù nào đó chớ không phải của ông. Nghĩa là Nguyễn Hiến Lê vẫn giữ một nửa chân tính --honnête-- của người cầm bút vì chỉ làm cho thơ người khác đẹp hơn mà thôi. Không như một ông thi sĩ giáo sư tiến sỉ CSVN (!) nào đó tên Hoàng Quang Thuận làm tập thơ gì đó đã “ẵm trọn” cốt truyện của một nhà văn CS khác đồng thời, lại được cả giới lãnh đạo chính trị lẫn văn học CSVN tâng bốc và đề nghị lĩnh giải văn học Nobel năm nay. Dĩ nhiên ông thi sĩ tiến sĩ này bị một thi sĩ CS khác lật tẩy đưa lên các mạng internets văn học trong nước và quốc ngoại. Chuyện dài “đạo văn” xưa, nay, kể ra không ít. Ở hải ngoại cũng có một nhà thơ kiêm chủ báo và một tiến sĩ hợp tác bình và dịch một áng cổ văn nổi tiếng của người xưa lại cũng “ẵm” luận án tiến sĩ bằng Anh ngữ của một tiến sĩ khác, chỉ sửa đổi câu văn cho có vẻ khác đi, rồi đăng được mấy kỳ báo, nên luận án chưa bị ẵm trọn vì việc đạo văn này cũng bị tác giả bản luận án phát hiện; ông chủ bút xin lỗi qua quít vài câu bằng Anh ngữ trên báo của mình, rồi thôi... huề cả làng. Riêng tôi nghĩ làm như vậy là bất chính –malhonnête.
 Nếu chúng tôi nhầm lẫn thì trân trọng xin lỗi lịch sử văn học Việt Nam vì sự ngu dốt của mình. Xin nhờ những bậc cao minh thông suốt thi ca Anh, Việt, Nôm và Hán ngữ giúp làm sáng tỏ các ẩn khuất văn học tồn đọng. Chúng tôi cho rằng sự tôn trọng sự thật của bất cứ một người cầm viết chân chính nào --un certain écrivain honnête, dù vô danh-- cũng cần thiết cho sự lớn mạnh của nền văn học Việt Nam.

Trở lại nhà thơ mù Ả-rập, thiển nghĩ nếu Abu’l Ala al-Ma’arri không là tác giả của bốn câu thơ mà ông Nguyễn Hiến Lê dịch --hay phóng tác-- bỏ hẳn đi, thì vẫn là một trong nhà thơ lớn nhất của nhân loại vì al-Ma’arri có tư tưởng về kiếp sống con người và tầm nhìn về cõi sống vô cùng lớn lao mà các nhà thơ lớn khác của mọi thời đại rất ít người có được. Ông có thứ triết lý sống khác hơn những nhà thơ Ả-rập khác trong thời kỳ đó: “Duy ngã bất duy tôn”. Nghĩa là ông không theo tông giáo nào kể cả Hồi Giáo đang thịnh hành trong cả khối Ả-rập từ mấy thế kỷ trước. Hay đúng như người ta nói al-Ma’arri không làm thơ chiến tranh và thơ tình mà làm thơ về cái ẩn sâu của kiếp người? Tuy nhiên, về bốn câu thơ “dịch” của Nguyễn Hiến Lê chúng tôi vẫn chưa hết thắc mắc và cũng nghĩ thêm rằng nếu al-Ma’arri có làm bốn câu thơ tả về một mỹ nhân thật sự như ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch, thì trước ông ắt hẳn có hàng nghìn người khác --hay ít nhất một  Reynold A. Nicholson-- biết đến rồi. Sao mà tìm mãi không thấy ở đâu...

Nhà thơ lớn thứ tư của nhân loại có tầm vóc lớn ngang các đại thi hào thế giới nói trên là Cung Trầm Tưởng của chúng ta hôm nay. Tư tưởng của CTT trong thơ vô cùng lớn. Thi ngôn của CTT lại vô cùng phong phú, lấp lánh mỹ từ, lồng trong sáu, bảy thức thi pháp siêu thực mà tôi đã nêu lên ở trên; xin lặp lại lần nữa: ẩn dụ pháp [métaphore], hoán dụ pháp [métonymie], trừu tượng [métaphysique], biến tự pháp [métaplace], chuyển vị pháp [hyperbate], nhân cách hoá (personnalisation), hoán trang hay hoán trạng ngữ [hypallage], kể cả tỉ giảo ngữ [comparaison] mà chúng tôi ghi nhận ngay từ tập thơ đầu tiên. Từ tập thơ thứ hai trở đi cho đến hết tập bảy cuối cùng là những chặng đường phát triển và chuyển hoá với thi ngữ vô cùng mới lạ, đặc trưng, độc đáo mà tiếng thơ vẫn mang đầy chất thơ. Bất cứ ở thể thơ nào, ngũ ngôn, thất ngôn hay lục bát ....

Đọc thêm
 
Đọc và nghe đọc Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế (Confessions of an Economic Hit Man)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire