vendredi 25 octobre 2013

Bí mật cụm mộ cổ ở công viên Tao Đàn

Bí mật cụm mộ cổ ở công viên Tao Đàn

0:55

 Sau khi trang du lịch Rough Guides (Anh) tung tin Công viên Tao Đàn (TP.HCM) là một trong những địa điểm bị ma ám ''ghê rợn nhất thế giới'', nhiều người đã liên tưởng, thậm chí thêm thắt chuyện về cụm mộ bí ẩn đã tồn tại rất lâu tại công viên này. Thanh Niên Online đã lần theo nhiều dấu vết tìm hiểu và phát hiện những điều thú vị, giải đáp bí mật của cụm mộ cổ này.


Ngôi mộ bí ẩn tại công viên Tao Đàn
Đi cùng chúng tôi là Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Đức Mạnh, Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH-NV), ĐH Quốc gia TP.HCM.
Di tích cổ hơn trăm năm ít người biết đến
Những ngôi mộ này nằm ở phần phía tây bắc của công viên Tao Đàn, cách đường Trương Định khoảng 35 m về phía bên phải, cách giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định khoảng 55 m về phía tây bắc. Đây là vị trí rất dễ dàng nhìn thấy với những ai đi qua công viên Tao Đàn. Tuy nhiên, nhiều người dân thường dạo chơi hay người bán hàng ở đây mỗi ngày, thậm chí bảo vệ làm việc từ lâu năm, hầu như đều không biết lai lịch ngôi mộ của ai, có từ khi nào. Điều đó đã tạo nên sự bí ấn và nhiều câu hỏi quanh cụm mộ ở công viên Tao Đàn.

Mộ có các vòng tường bao vây vòng, ngăn ngang tạo thành ba lần cổng vào lăng mộ. Mộ bao gồm tiền sảnh - sân thờ và nhà mộ.
Lối vào mộ có các trụ cột đài sen hình khối chữ nhật. Mặt trước và phía trong của thân trụ có ô khuông trang trí hình chữ nhật lồng vào nhau. Tuy nhiên, hiện bên trong không còn dấu vết chữ viết hay hoa văn trang trí. 
Giữa sân trước có bức bình phong tiền hình chiếu thư đặt trên bệ đỡ.
Nhà bia thể hiện kiểu nhà một gian hai chái. Mái ngói ống đổ trước - sau theo trục mộ với mỗi mái 11 ống ngói. Dọc đòn nóc thể hiện hai khối tượng voi phục châu đầu vào mộ.
Nhà mồ liên kết nhà bia qua một rãnh máng nước. Mái lợp 10 ống ngói, viền đòn nóc và đặc biệt có đắp gờ hình đầu rồng và ngẫu tượng voi phục cách điệu.
Nhìn tổng thể bên ngoài những ngôi mộ này, Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh đánh giá: Mộ có cấu trúc lăng song táng một nấm mộ dạng lăng, quy mô mộ lớn.
Có thể thấy, từ bình phong hậu đến trụ cổng ngoài của ngôi mộ dài nhất 11,2 m; rộng nhất là 7,6 m.
Ngoài ra, kiến trúc của ngôi mộ khép kín, cầu kỳ.
“Đặc biệt, mộ xây dựng bằng hợp chất, còn gọi là mộ Ô dước - loại nhựa cây đặc sản của rừng Trường Sơn và nông thôn Việt Nam”, Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh cho biết.
Theo nghiên cứu, phân tích, Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh xác định đây thuộc loại hình mộ phổ biến trong văn hóa Việt từ thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 20.
“Ở miền Bắc, loại mộ này chỉ dành cho hoàng gia (như lăng mộ vua Lê Dụ Tông, hoàng hậu, vợ chúa, công chúa,…). Riêng ở Nam bộ, mộ này cũng có trong lăng Hoàng Gia (Gò Công, Tiền Giang), Lăng Mạc Cửu (Hà Tiên, Kiên Giang), Lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc, An Giang).
Tại TP.HCM, mộ dạng này phổ biến gắn với nhiều danh tướng - danh sĩ - danh nhân thời các Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn (nhiều nhất 2 thế kỷ 18-19). Có thể thấy kiểu mộ này ở mộ anh em tổng đốc Lê Văn Duyệt, Lê Văn Phong, Phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý, Thượng thư Trần Văn Học, Võ Di Nguy, Trương Tấn Bửu và kể cả dạng mộ tưởng niệm dành cho quận công Võ Tánh (trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận)…”, ông Mạnh phân tích thêm.
Cổ mộ của ai?
Đi quanh, tìm hiểu thêm ngôi mộ, ông Mạnh chỉ cho chúng tôi tấm bia mộ hiện còn một số chữ Hán. Ông Mạnh cho biết, hai bia mộ này do các con lập. Một bia đề: “Hiển khảo trọng giang (?) Ất Mùi (vị) (?) thu quyên (?) chủ húy tự trường Lâm Tam Lang chi mộ” - tức mộ cha là con trai thứ ba Lâm gia.
Bia kế bên là: “Hiển tỷ… chủ lâm nguyên thất… chi mộ”  - dịch nghĩa là mộ mẹ… vợ nhà họ Lâm.
 
Mộ có quy mô lớn

Kiến trúc khép kín, cầu kỳ với các vòng tường bao quanh
Ông Mạnh cho biết, theo truyền tụng, đây là mộ ông Lâm Tam Lang tự “Nguyên thất” mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và bà Mai Thị Xã - vợ ông. Họ Lâm người gốc Quảng Đông.
Đặc biệt, hậu duệ đời thứ 4 của ông Lâm Tam Lang là cụ Lâm Quang Ky - Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Phó lãnh binh Lâm Quang Ky là người đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo.
Hậu duệ đời thứ 7 của ông Lâm Tam Lang là ông Lâm Đình Phùng - chính là nhạc sĩ nổi tiếng Lam Phương.
Sát vách tường bao bên phải còn một mộ nhỏ tương truyền là của thuộc tướng bị bại trận đã tự sát chôn theo chủ nhân mộ chính.
Trong khi đó, lần dỡ thêm một đầu mối khác thì theo Danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020 của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM (VH-TT-DL), mộ cổ mang họ Lâm trong công viên Tao Đàn, được xây dựng năm Ất vị (1895).
 
Bia chữ Hán xác định là mộ phần của nhà họ Lâm
“Tổng thể công trình kiến trúc được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Đây là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn lại ở TP.HCM”, đánh giá hiện trạng di tích trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020.
Qua đó, theo Sở VH-TT-DL TP.HCM: “Sự tồn tại của mộ cổ mang họ Lâm góp phần đáng kể cho ngành khảo cổ học và nghiên cứu khoa học về loại hình mộ cổ của Việt Nam”.
“Cụm mộ trên là một trong những kỷ niệm cuối cùng của những thế hệ tiền hiền - hậu hiền trong nhiều lớp lương dân đi “mở nước” và xây đắp lãnh thổ và lãnh hải trên các nẻo đường thiên lý hướng về Nam”, Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Đức Mạnh kết luận.
Vì vậy, theo ông Mạnh, các ngôi mộ trong công viên Tao Đàn mang ý nghĩa linh thiêng. Cụm mộ ở đây cũng như rất nhiều công trình cổ mộ khác vẫn được người dân TP.HCM và Nam bộ tôn thờ và nhang khói thường niên, là biểu trưng cho truyền thống đạo lý “thờ cúng tổ tiên”, “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam. Cùng với đình chùa, những ngôi mộ cổ là đối tượng cần bảo tồn, gìn giữ.
Hiện nay, Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã và đang giúp TP thực hiện khai quật nhiều ngôi mộ để phục vụ cho mở đường, chỉnh trang đô thị, xây khu chế xuất, nhà cao tầng, trường học và cả trong các nhà dân.
Những kiến trúc quý (đặc biệt bia đá) đã được mang về Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nam bộ trưng bày. Nơi đây là địa điểm học tập, khảo cứu cho sinh viên các khoa Lịch sử, Nhân học, Văn hóa học, Đông Phương học, Việt Nam học.
Đồng thời, theo quy hoạch, TP.HCM sẽ dành riêng một khu vực để lưu tồn dạng mộ như Tao Đàn, phục vụ nghiên cứu, giáo dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tôn thờ tổ tiên, ghi ân người mở nước.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire