samedi 16 novembre 2013

NGÔ ĐÌNH MIÊN LAN MAN CHUYỆN “VĂN CHƯƠNG KHÔNG BẰNG XƯƠNG CÁ MÒI”





LAN MAN CHUYỆN


“VĂN CHƯƠNG

KHÔNG BẰNG XƯƠNG CÁ MÒI”





Tối hôm qua, cháu ngoại ôm cổ tôi thỏ thẻ:
- Ông ngoại chỉ giùm con đi, cô giáo dạy văn ra đề khó quá hà!
Cái “khó quá hà” của cháu tôi, té ra là một cái đề luận văn phân tích bình luận câu nói dân gian: “Văn chương không bằng xương cá mòi”.
Người Bình Thuận hầu như đều quen thuộc câu nói này. Dân tứ xứ đi chơi ở Bình Thuận cũng thường được nghe hướng dẫn viên du lịch nhắc đến như là câu mở đầu cho một bài tràng giang giới thiệu về vùng du dịch nổi tiếng cả nước và thế giới: Mũi Né- Phan Thiết.
Cháu ngoại ơi, cháu làm khó ông rồi. Hồi xưa, học trung học, ông đã nhiều lần làm bài luận này nhưng chưa bao giờ đạt được điểm cao. Cho tới bây giờ, nhiều người cũng đã viết về chuyện này trên báo chí, trong văn chương… Chuyện nhiều người đã biết, nhiều người đề cập, được trưng lên giấy trắng mực đen, do vậy đối với tôi, thành ra là một đề khó, thậm chí khó hơn đối với cháu ngoại tôi. Đành vậy, hãy cứ để cho đầu óc mình thư thả một chút, như ngồi xe đạp chậm rãi vừa đi vừa suy nghĩ lan man trên con đường hơi ngoằn ngoèo, được tạo ra từ những chữ “văn chương không bằng xương cá mòi” khó chịu này.


I

Cách nay mấy năm, khi tôi chưa về hưu, một lần đi chung nhóm công tác thực tế xuống một xóm nghèo làng biển ở Phan Thiết để coi đời sống của bà con như thế nào, gặp một gia đình có bốn đứa con, trai gái đủ, đứa lớn chưa qua 15 tuổi, nhưng cả nhà chỉ có một đứa là còn đang đi học. Tôi hỏi người đàn bà chủ nhà còn trẻ, sao không cho các cháu tới trường. Tôi nghe được câu trả lời khá thản nhiên, nhẹ nhàng kèm theo nụ cười hơi bẽn lẽn:
- “Văn chương không bằng xương cá mòi” mà chú!
Ừ, vậy là biết rồi, từ nay các cháu khỏi mơ tưởng đến “văn chương” đi, mỗi ngày cứ ngồi cạy sò thuê cho chủ vựa cũng kiếm được số tiền bằng một ngày lương của công nhân bình thường mà…

Tôi có thầy giáo dạy toán thời trung học, giờ vẫn thỉnh thoảng gặp nhau ở Phan Thiết. Hôm ngồi quán cà phê, nhắc lại chuyện xưa, thầy kể, hồi nhỏ, nhà nghèo, mẹ thầy cố gắng bươn chãi nuôi thầy ăn học, hàng xóm ít có nhà cho con học chữ nên thường hay dè biểu mẹ thầy bằng câu “văn chương không bằng xương cá mòi”. Mẹ thầy im lặng. Thầy nghe, lòng hơi buồn, nhưng lại càng quyết tâm học hành để coi cái “xương cá mòi” kia có thực là hơn cái sự nghiệp “văn chương” sáng láng này không. Cuối cùng, sau khi thầy hoàn thành cơ bản sự nghiệp “văn chương”, trở thành giáo sư toán dạy học tại Phan Thiết, tình cờ số mệnh an bài, người mẹ của các con thầy lại là con một nhà hàm hộ(1)

Ông cố tôi, những năm đầu thế kỷ XX, cũng là một người học hành “Tứ thư ngũ kinh”, trong lúc nạn quốc bị ngoại xâm, học thời suy vi, đang tuổi thành niên, gia đình xin hỏi cưới con gái một nhà hàm hộ, bị từ chối, nghe bà mối nói lại, chủ gia hàm hộ nhắn một câu: “Văn chương không bằng xương cá mòi”. Sau này, ông cố tôi cưới bà cố là con nhà địa chủ, vì bà “Chẳng tham ruộng cả ao liền/ Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ”. Ông nội tôi được sinh ra trở thành nông dân, muốn làm ruộng lúa tốt, trúng mùa, phải mua phân xác mắm về bón ruộng. Đến đời ba tôi, sơn hà nguy biến, ông không cần phân vân chọn “văn chương” hay “xương cá mòi” mà hành động giống như mọi người dân yêu nước khác: tham gia kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược…

Một câu nói dân gian, tròn một thế kỷ, trong những hoàn cảnh không giống nhau nhưng có cùng một ý nghĩa và bất kỳ ở đâu, lúc nào, cả hai bên “văn chương” lẫn “xương cá mòi” đều có mối liên hệ gắn bó với nhau, không hề rời nhau, trong đó luôn khẳng định vai trò mạnh mẽ của con cá mòi đáng nể kia.

II

Cá mòi trên vùng biển Bình Thuận thường có 3 loại: cá mòi cờ (clupanodon thrissa), cá mòi dầu (dorosoma cepedianum), cá mòi chấm (clupanodon punctaus). Trong đó, nhiều nhất là cá mòi dầu.
Từ những năm đầu thế kỷ XX đến khoảng trước năm 1960, lượng cá mòi chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng đánh bắt hải sản của Bình Thuận, là nguyên liệu chính để chế biến nước mắm và các sản phẩm khác từ cá. Nước mắm Phan Thiết, về số lượng và chất lượng đã nổi tiếng cả nước từ cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1930, tổng sản lượng nước mắm Bình Thuận đạt 40 triệu lít. Năm 1955, nhà máy cá hộp USING được thành lập đặt tại phường Bình Hưng, đường Bà Triệu, Phan Thiết (nay là đường Võ Thị Sáu), mỗi tháng làm ra 70000 hộp cá. Cá được đóng hộp là cá mòi, cá trích…(2). Từ sau 1960, không biết vì sao, cá mòi ít dần trên vùng biển Bình Thuận và cho tới hôm nay, trong chợ cá Phan Thiết, hiếm thấy cá mòi được bày bán hàng ngày. Vì vậy, hiện nay, nguyên liệu chính dùng để chế biến nước mắm hầu hết là cá nục, một phần nhỏ là cá cơm. Người viết bài này xin mở ngoặc ở đây một chút. Mọi người đến Phan Thiết lúc này, sẽ dễ dàng nhìn thấy trên tất cả bảng hiệu của các xưởng chế biến hoặc cửa hàng bán nước mắm đều ghi kèm tên nhãn hiệu mấy chữ “nước mắm cá cơm”. Như vậy, nếu có ai đó cắc cớ hỏi mua “nước mắm cá nục” sẽ gặp khó khăn rồi…

Trong quy trình chế biến nước mắm, sản phẩm cuối cùng của nó là xác mắm, là những thứ còn sót lại của cá sau khi đã thành nước mắm các loại, bị phân hủy gần hoàn toàn thành một hỗn hợp như bùn đặc còn lẩn vụn xương cá… Đây lại là nguyên liệu chính để chế biến phân xác mắm, một loại phân hữu cơ dùng rất tốt cho cây trồng. Tất cả sản phẩm của những nhà hàm hộ làm ra không có thứ nào là không biến thành tiền được. Do vậy, họ ngày càng giàu có. Ở Bình Thuận trước đây, nhiều nhà hàm hộ bỏ nhiều tiền ra mua ruộng đất, kiêm thêm địa chủ. Ngược lại, một số địa chủ mua nhà lều(4) làm nước mắm, trở thành hàm hộ. Trước năm 1975, theo thống kê, Bình Thuận có trên 200 nhà hàm hộ quy mô lớn. Hiện nay, số hộ chế biến và kinh doanh nước mắm trong tỉnh nở rộ như nấm sau mưa, nhiều đếm không xuể. Phân xác mắm làm ra cũng nhiều không kém và giá trị vật chất của nó ngang bằng với lúa (5).
Trên thực tế, nếu tách riêng xương cá mòi ra thì hoàn toàn không có giá trị gì cả. Nó chỉ có giá trị khi là phụ phẩm cuối cùng từ quy trình chế biến nước mắm, đó chính là xác mắm. Nhưng sự so sánh lạnh lùng “Văn chương không bằng xương cá mòi”, đã làm đau lòng không ít người “tham” cái sự học ở đời. Học thuật, văn chương, khoa cử… tất cả đều không bằng thứ phế phẩm, đồ bỏ đi của quy trình chế biến nước mắm.
Quả thật, trong thực tế lịch sử từ khi tỉnh Bình Thuận được thành lập (1697) đến khoa thi Hương cuối cùng (1918), so sánh với “xương cá mòi”, thì sự nghiệp “văn chương” ở đất Bình Thuận thật là khiêm tốn. Theo “Quốc triều hương khoa lục” và “Đại Nam nhất thống chí” (quyển 12), qua 221 năm, chỉ có 18 người đỗ cử nhân, 1 người đỗ tiến sĩ. Đa số người đỗ đạt ra làm quan và cũng có người nhận được chức vụ quan trọng trong triều đình Huế.
Câu nói dân gian trên, về mặt không gian, có lẽ chỉ xuất hiện trong phạm vi tỉnh Bình Thuận, vì từ Phan Rang trở ra và từ Đồng Nai trở vào, người ta ít nghe hoặc không nghe nói đến. Về thời gian phát xuất câu nói trên, phỏng chừng phải tới đầu thế kỷ XX, thời điểm mà nghề làm nước mắm tại Bình Thuận đã trở thành một ngành sản xuất kinh doanh lớn mạnh về quy mô và lợi nhuận, đủ điều kiện hình thành một tầng lớp tư sản mới, tư sản hàm hộ. Vì chỉ có như vậy, lượng xương cá mòi (hay xác mắm mòi) mới có nhiều đến mức độ nào đó để trở thành một mặt hàng hóa bán buôn không nhỏ, có thể đủ tư cách làm chỗ dựa vững vàng cho câu nói dân gian đầy tự tin như một lời khẳng định bất di bất dịch kia.

III

Bỗng dưng tôi nhớ tới một chuyện “bia dư cà phê hậu” của nhóm văn nghệ bản xứ nước mắm. Sau 1975, một bạn văn chương rời bút, bỏ biển lên ngàn, sống bằng nghề mới: mua xác mắm ở Phan Thiết, Phan Rí, chở lên cao nguyên bán cho nhà vườn trồng rau ủ thành phân bón. Rau xanh được bón phân xác mắm là tốt phải biết. Người sống quen với mùi giấy mực, giờ phải chung đụng hàng ngày với xác mắm, kinh khủng cở nào, mùi của nó thấm vào da thịt, không có xà phòng thơm nào có thể tẩy rửa hết được. Mỗi lần về Phan Thiết lấy hàng, anh thường gặp gỡ bạn bè văn nghệ chí cốt, vẫn “cao đàm khoát luận” về văn chương, lại lim dim mắt sảng sảng đọc thơ bên ly rượu đế nhậu cùng với cóc, ổi... Tình cảm anh em văn nghệ nghèo với nhau, thương lắm. Mua bán xác mắm tuy cực nhọc nhưng lời nhiều. Do vậy, chỉ hơn chục năm sau, anh bạn văn nghệ của chúng ta nhờ duyên phận với “xương cá mòi” mà đã có tích lũy tư bản kha khá. Gặp thời mở cửa, kinh doanh du lịch trở thành miền đất hứa, anh liền đầu tư mở một khách sạn khá lớn ở trung tâm thành phố du lịch nơi cao nguyên, lấy tên tiếng Pháp của một loài hoa vương giả đặt cho khách sạn: Rose(3). Từ ngày chuyển qua ngành kinh doanh sang trọng nghe toàn mùi thơm tho này, anh hiếm khi về lại Phan Thiết, ít liên lạc với anh em văn chương “thời xác mắm”. Bạn cũ nhớ anh, có dịp lên cao nguyên, tìm thăm, anh tiếp thiếu nhiệt tình, từ đó bạn bè văn chương một thời nhiều người xa dần, xa dần…
Gần đây, trong một bữa nhậu tình cờ cùng nhóm bạn bè văn chương thời “xác mắm” của anh, có người nhắc lại câu chuyện trên và kết thúc bằng mấy câu thơ:
Ngày xưa anh đi bán phân
Nghe mùi thúi quắc mà gần anh em
Từ ngày anh mở ô- ten
Hoa hồng” thơm lựng, anh em xa dần
Ngày xưa anh đi bán phân…

Nghe tiếng bia rót vào ly cạn và ai đó nói giọng cảm khái: e hèm, “Văn chương không bằng xương cá mòi”. Lại là câu nói dân gian thâm sâu đầy áo nghĩa đó…
Nhân đây xin nói thêm một chuyện cũng thuộc thể loại truyền miệng có liên quan tới câu nói trên kia.
Đã từ lâu, nhiều người thuộc nhiều thế hệ ở Bình Thuận cho rằng: đất Bình Thuận có long mạch ẩn tại Phan Thiết, nhưng lại bị hai ngọn “tà sơn” là núi Tà Dôn và núi Tà Cú đứng ở hai đầu trấn yểm nên người Bình Thuận không thể nào “phát dương quang đại” được. Hơn nữa, câu “văn chương không bằng xương cá mòi” mà mọi người thường nhắc, chính là một lời nguyền số mệnh ứng với người Bình Thuận chính gốc. Nhưng đối với những người không phải nguyên quán Bình Thuận, nếu họ đến sống tại Phan Thiết một thời gian và có để lại dấu ấn riêng của mình, sẽ nhận được chúc phúc của long mạch, không bị ảnh hưởng bởi lời nguyền số mệnh kia, sau khi rời khỏi đất Bình Thuận, phần đời về sau của họ sẽ như rồng gặp mây, sự nghiệp “văn chương” rạng rỡ. Cuộc đời một số nhân vật lịch sử trong thế kỷ XX đã có sự trùng hợp lý thú với truyền thuyết kia. Vào năm 1907, Huỳnh Thúc Kháng đến Bình Thuận (cùng với Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp… bàn việc mở Dục Thanh học hiệu), Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết dạy học tại trường Dục Thanh năm 1910, Ngô Đình Diệm được triều đình Huế bổ làm tuần vũ Bình Thuận năm 1930 và đặc biệt hơn hết là hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Lào) đã thiết kế, giám sát và nghiệm thu công trình kiến trúc độc đáo tại Bình Thuận: Tháp nước Phan Thiết, trong thời gian từ 1928- 1934, khi ông đảm nhiệm chức kiến trúc sư trưởng khu công chánh Nha Trang(6).

IV

- Sau hơn nửa thế kỷ chiêm nghiệm, bây giờ thầy đã có kết luận về nhân quả của câu “văn chương không bằng xương cá mòi” chưa?
Đó là câu hỏi tôi đặt ra với thầy giáo dạy toán ngày xưa của tôi, trong một quán cà phê. Nhìn xa xăm vào màn mưa mỏng ngoài trời như có như không, với dáng vẻ của một nhà hiền triết, thầy đắn đo trả lời:
- Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội (7) .
Ly cà phê tôi đang cầm trên tay suýt nữa rớt xuống đất. Đúng là thầy giáo của tôi…
Lâu nay, nhiều người, trong đó có tôi, thường nghĩ đơn giản rằng “văn chương không bằng xương cá mòi” chỉ là thể hiện sự so sánh hơn thua dưới góc độ vật chất đơn thuần. Học hành làm chi cho lắm, đỗ đạt nhiều thì đã làm sao, có lấy chữ lấy bằng cấp mà đổi được nhiều tiền hay không? Cũng giống như ở nông thôn có câu: “Lấy giạ đong lúa, chớ ai lấy giạ đong chữ”(8), vậy thôi! Trên thực tế, các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo… những người quan tâm đến giá trị văn hóa tinh thần ở Bình Thuận mỗi khi đề cập đến vấn đề “văn chương không bằng xương cá mòi”, hầu như đều tỏ rõ thái độ bênh vực bên yếu thế, dùng nhiều lý lẽ chặt chẽ và các thành quả đem lại của sự nghiệp “văn chương” trong lịch sử để biện minh rằng giá trị “văn chương” không hề thua kém “xương cá mòi”. Nhưng tất cả những lý lẽ đó suốt cả thế kỷ nay dù có mạnh đến đâu cũng chưa hề lay chuyển được chỗ đứng của “xương cá mòi”, hơn nữa, bên “xương cá mòi” không thấy có động thái gì phản bác lại nhằm khẳng định hơn nữa vị trí của mình, mà chỉ lặng lẽ tiếp tục làm ra giá trị như vốn nó phải là như vậy. Đến đây, bỗng dưng tôi chợt liên tưởng tới nhân vật AQ trong truyện của Lỗ Tấn (9) rồi giật mình xót xa thay cho phe “văn chương” của mình.

Chỉ tròn trịa mười chữ nhưng câu trả lời của thầy đã giúp tôi hiểu tôi thêm một chút và càng hiểu thầy tôi nhiều hơn. Nửa thế kỷ- một cuộc đời và sự liên hệ biện chứng sâu xa… “Văn chương” là đại biểu cho một giới: giới trí thức. “Xương cá mòi” đại biểu cho một giai tầng có thể tạo nên thực lực vô cùng hùng hậu: lực lượng vật chất. Thì ra, câu nói dân gian trên vốn dĩ từ trong thâm sâu nội tại của nó đã tiềm tàng bản chất triết học hiện đại, đã nói rõ ra sự phân chia giai cấp xã hội và số phận của những giai tầng xã hội này trong lịch sử rồi. Dân gian ta uyên thâm quá! Tôi học gần hết đời mà chưa hiểu được bao nhiêu về biện chứng của cuộc sống, nhưng dân gian Bình Thuận từ hơn một thế kỷ trước, chỉ với một câu nói trên đã đủ điều kiện để xã hội tôn vinh là tông sư triết học.

- Tục ngữ nói đố có sai! Tôi thầm nói với mình. Cháu ngoại của ông ơi! Ông biết nó chính là nó, nó là như vậy, nhưng ông không biết phải bày biểu làm sao cho cháu hiểu, hiểu theo sự phù hợp với lứa tuổi của cháu và hợp với yêu cầu làm bài của cô giáo. Một đề luận văn hết sức bình thường, vừa nhìn sơ qua thì tưởng nhẹ hều nhưng khi thực sự đụng vào rồi thì mới biết nó nặng ngàn cân. Cháu yêu ơi, ông lại mất ngủ đêm nay rồi…/.


(1): Hàm hộ: hộ gia đình chuyên sản xuất nước mắm quy mô lớn, diện gia đình giàu có nhất ở miền biển Bình Thuận từ khi ngành chế biến nước mắm phát triển vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1975.
(2): Các số liệu trên được lấy từ “Địa chí Bình Thuận”, 2006.
(3): Hoa hồng.
(4): Nhà xưởng chứa nhiều thùng lều làm nước mắm. Thùng lều hình trụ, được làm từ những tấm ván gỗ (loại chuyên dùng) ghép lại, có nhiều kích cở thùng, chiều cao từ 1m- 3m, đường kính từ 1m- 3m, thùng lớn có thể chứa nhiều tấn cá muối chượp.
(5): Theo thời giá hiện tại (2013) giá trị mua bán một tấn phân xác mắm bằng một tấn lúa thương phẩm: 5- 6 triệu đồng.
(6): Cụ Huỳnh Thúc Kháng được giao quyền chủ tịch nước khi chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự hội nghị Fontainebleau ở Pháp vào năm 1946. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sau này trở thành chủ tịch nước Lào.
(7): Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênnin: vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
(8): Ở Bắc gọi là “cái đấu”.
(9): Truyện vừa “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn (1881- 1936), là kiệt tác của văn học Trung Quốc hiện đại. Nhân vật chính AQ là hiện thân của phép “thắng lợi tinh thần”, biểu hiện tích cách của dân tộc Trung Quốc, đặc biệt là thời kỳ sau cách mạng Tân Hợi (1911).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire