mercredi 11 décembre 2013

Chân Dung Việt Nam Sau Ngày 2-9-1945 (Tiếp theo – Bài 3)GS Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Chân Dung  Việt Nam Sau Ngày 2-9-1945
 
(Tiếp theo – Bài 3)
GS Bút Xuân Trần Đình Ngọc
 
 
Những vụ tàn sát các chiến sĩ Quốc gia do ông HCM và đảng VM chủ trương thì phải nói xẩy ra suốt hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ông HCM tuân lệnh Quốc tế CS (Comintern) thành lập đảng CS Đông Dương ngày 3-2-1930 kéo dài cho đến sau ngày cưỡng chiếm được Sàigòn, 30-4-1975 và sau đó cả vài, ba chục năm, đến nay cũng vẫn còn những tù nhân chính trị như Đại Úy Nguyễn hữu Cầu, tù nhân lương tâm đã ở trong tù CS gần 40 năm, mắt đã gần mù và thân thể chỉ còn thoi thóp, nhưng vẫn chưa được thả.
 
Người ta nhớ lại, cuộc chính biến tháng 10 năm 1917 (chứ không thể gọi là cuộc cách mạng, một sự lạm dụng từ ngữ) tại Nga Sô lật đổ Nga hoàng (czar) và nền quân chủ phong kiến, một tay đồ tể Stalin đã giết hơn 20 triệu dân Nga không theo y. Ở Hoa lục, số nạn nhân CS lên đến trên 65 triệu, những cuộc thảm sát hàng loạt vô cùng kinh hãi vì quá dã man. Một nước rất nhỏ như Căm bốt, Khmer Rouge, Khờ Me Đỏ do Pol Pot và Ieng Sari, Dutch v.v…cũng giết gần 2 triệu dân Căm bốt, 1/6 hay 1/7 tổng dân số. Còn Hồ chí Minh, báo Ba Lan xếp hạng ông ta vào những đồ tể có nợ máu với nhân dân thế giới: HCM đã giết 1.7 triệu người Việt chưa kể quân lính ngoại quốc như Mỹ, trên 58,000 và cả quân Tàu Cộng hàng nhiều chục ngàn khi sang đánh hôi cho CS Bắc Việt với số quân đổ vào là 320,500 người theo như báo chí Trung quốc tự khai cùng với nhiều chục tỉ Mỹ kim quân viện cho Bắc Việt. Tuy nhiên tổng số nạn nhân của HCM cả thảy là 10 triệu người bị giết trong 4 cuộc chiến (có 800,000 chết biển và rừng) do HCM gây ra chứ khg chỉ là con số 1.7 triệu do báo chí Ba lan hài ra như trên.
 
Ở Bắc Việt những năm từ 1945 trở về sau, chỉ xin nêu tượng trưng những cái tên như vụ VM tấn công bất thình lình và giết người QG ở phố Ôn như Hầu Hà Nội, các lãnh tụ Trương tử Anh, Lý Đông A và nhiều chiến sĩ VNQDĐ, Đại Việt và nhiều đảng phái khác bị giết không kịp trở tay. VM cũng thanh toán các đảng viên đệ tứ CS (Trotskyst) như Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm, Trần văn Thạch v.v…và nhất là vụ thủ tiêu Đức Thày Huỳnh Phú Sổ, vị Giáo chủ và sáng lập đạo Hòa Hảo tại vùng Hậu Giang Nam Phần.
 
Vụ Quỳnh Lưu khởi nghĩa, VM cho cả Sư đoàn do Văn tiến Dũng làm tư lệnh, bao vây giết sạch cả ông bà già và con nít; vụ tín đồ Cao đài ở Quảng Ngãi bị tàn sát cả ngàn người, vụ Thanh Bồ - Đức Lợi, vụ Tết Mậu Thân (1968) 7 ngàn dân vô tội tại Huế bị giết rồi đẩy xuống hố chôn tập thể v.v…Ngày nay, ngày Tết Nguyên đán vẫn là ngày thân nhân đội khăn tang, kêu khóc trước bàn thờ những người đã bị giết oan (thợ mộc, thợ hồ, con nít, ông già bà cả, thanh niên xứ đạo CG, Linh mục, GS ngoại quốc đang dạy Đại học Huế v.v…)
 
Trong thập niên 50 không có những vụ tàn sát tập thể tại miền Bắc (ngoại trừ Quỳnh Lưu, Nghệ An 1956) nhưng những người làm việc cho CP Quốc gia như Xã trưởng, Trưởng Ấp, Cảnh sát, Cán bộ nông thôn, Trùm, Trưởng người CG, Linh mục, Thầy giảng v.v…đã bị giết hại rất nhiều. Xã T.B bên cạnh làng tôi chỉ vài tháng VM thủ tiêu hai Xã trưởng QG, người này chết, người khác lên thế cũng bị giết luôn. Thật quá dã man và vô nhân đạo! Nhiều Xã, thôn khác tại Bắc Việt, ngay cả huyện, phủ cũng bị những cuộc sát hại đó vì Việt cộng chỉ muốn độc quyền cai trị và độc quyền “yêu nước”, không muốn bất cứ ai ngoài họ được tham dự vào việc nước. Với họ, chẳng thà họ dùng bọn ngu si thất học hay bọn du thủ du thực cong lưng theo họ, bảo gì nghe nấy, cho làm chức việc làng xã, ngay cả phủ huyện còn hơn là để cho người có học, có tư cách, thương yêu dân làm, mà lại là người có tinh thần QG và nhất là chống lại họ. Đó là cái chính sách sai lầm và thiệt thòi vô cùng tận cho nước Việt và con dân Việt. Chính bởi cái lòng dạ hẹp hòi này mà tới nay, Việt Nam vẫn còn là một trong 10 nước nghèo và lạc hậu nhất hành tinh. Xã hội VN tha hóa, tham nhũng, dốt nát, dân chúng nghèo đói cực khổ, chưa biết bao giờ thoát ra khỏi cảnh lầm than cơ cực. Sự hi sinh của quân, dân hai miền Nam, Bắc từ gần nửa thế kỷ nay trôi ra sông ra biển ngay cả những cái chết vì bom đạn của gần 10 triệu dân Việt trong 4 cuộc chiến thảm khốc cũng trở nên vô nghĩa!
 
Các Phòng Thông Tin Tuyên Truyền Sau Tổng Khởi Nghĩa
  
  Sau ngày 19-8-1945, tôi đã đi coi nhiều phòng triển lãm tại Hà Nội và cảng Hải Phòng của chính phủ Việt  Minh. Các phòng triển lãm này chủ yếu trưng ra tội ác do thực dân Pháp và quân phiệt Nhật gây ra cho đồng bào ta.
Hình ảnh đầu tiên đập ngay vào mắt người coi là nạn đói Ất Dậu, cao điểm là tháng Ba năm 1945 với 2 triệu người chết đói. La liệt những bộ xương người thật, đầu lâu trơ sọ, cảnh chụp các thây người chết đói phu hốt rác thảy lên các xe rác thành phố đem đi chôn tập thể. Hình vẽ lớn cảnh các người mẹ nằm chết, chuột bọ đang rúc rỉa trong khi đứa con dăm tháng còn cố day vú mẹ. Hình chụp hàng đoàn người gầy trơ xương, y như những bộ xương cách trí biết đi, mặt mày nhăn nhúm, quần áo rách nát đi lang thang trên đường về nơi vô định, theo sau là những đứa trẻ chậm chạp, gầy gò có lẽ chỉ một lát nữa là gục xuống đường vì đã quá mệt vì đói. Hình chụp những ngôi làng vắng hoe, chẳng còn người, chó mèo cũng không và vài cái bộ xương cách trí còn đi được đang ngất ngưởng loạng choạng đi kiếm xem có còn gì bỏ vào bụng may ra kéo dài thêm vài ngày nữa kiếp sống. Dân thành phố có một số may mắn chưa trải qua cơn đói thập tử nhất sinh đó nhưng bất cứ ai, kể cả người ngoại quốc nhìn những hình ảnh thực này cũng phải lạnh xương sống. Những phụ nữ yếu bóng vía như chị tôi thì chỉ nhìn thoáng rồi tránh xa dù đó chỉ là hình ảnh được ghi lại. Vì sao? Vì nó tang thương, đau đớn quá, không bút mực nào tả xiết và nhìn lâu ắt phải khóc vì họ cũng là người như mình, đồng bào ruột thịt, họ phải trải qua cái đói thảm thiết chưa từng bao giờ thấy. Bạn đọc qua những con số thống kê này là biết:
 
Trích: Hồi Ký Tháng Ba Đói (cùng tác giả TĐN)
…Nhật cũng ép Pháp phải ký một thỏa ước thương mại với Nhật, ngoài những ưu tiên Nhật được khai thác như mỏ than, thủy điện v.v...Pháp còn phải cung cấp cho Nhật:
Năm 1941   700,000 Tấn gạo (T)    Pháp chỉ giao  được 585,000T
         1942   1,050,000T                              “             973,908T
         1943   1,125,000T                              “          1,023,470T
          1944    900,000  T                              “            500,000T
       Cộng chung, số gạo Pháp giao cho Nhật là 3,081,378T
Ðể có hơn 3 triệu tấn gạo này, nông dân Việt phải sản xuất hơn 6 triệu tấn thóc, chưa kể thóc ăn để làm mùa và làm giống, tức phải có trên 10 triệu tấn thóc trong 4 năm. Với một số dân nhỏ nhoi lúc đó, nông cụ thô sơ, làm thế nào để có được số thóc như Nhật và Pháp qui định cho khỏi tù tội, tịch biên gia sản? Nông dân miền Bắc chết đói là lẽ đương nhiên.   Gia đình nào có 40 tạ thóc chẳng hạn, phải bán cho Pháp 30 tạ tức ¾ số thu hoạch, nếu không đủ phải mua ngoài để bù vào, với giá 200 đồng/tạ trong khi Pháp chỉ trả 25đ/tạ.
       Về giá cả, do áp lực của Nhật và cũng do Pháp thiếu tiền để mua vì Nhật bắt cung cấp “chùa” mà không trả tiền, Pháp đã ép giá nông dân Việt cả về gạo, thóc và đay gai.
       Giá thị trường lúc đó khoảng 200 đồng Ðông Dương một tạ (100kg) thóc; nhưng như trên đã nói, Pháp chỉ trả nông dân ta 25 đồng trong khi giá vốn đã 80 đồng.
Sưu cao thuế nặng, dân Việt è cổ ra đóng cho Pháp, Pháp lấy tiền đó mua gạo hối lộ cho Nhật để được yên thân. Khi Nhật chưa đến Ðông Dương (1939), Việt Nam chỉ đóng 44,308,000 đồng tiền các thứ thuế; đến năm 1944 thuế tăng hơn gấp đôi: 98,072,000 đồng.
       Dù vậy, Pháp vẫn phải in thêm tiền Ðông Dương để cung ứng cho các nhu cầu của quân đội Nhật. In thêm tiền có nghĩa lạm phát. Năm 1943, số tiền lưu hành là 723 triệu, gấp 7 lần Ngân sách Ðông dương 4 năm trước đó và đến 1944 lên đến 1 tỉ 52 triệu đồng. Vì vậy vật giá tăng cao, người dân Việt sống trong thời kì gạo châu, củi quế. Người dân quê lúc đó có câu đồng dao:
       Ba đồng, gạo tẻ  một thưng
       Mẹ con chết đói vì chưng không tiền.
       Lạm phát, tiền nhiều trong tay thực dân và quân phiệt, đâu có đến tay nông dân nghèo khó Việt nên chỉ 3 đồng một thưng, một đấu gạo mà mẹ con vẫn chết đói.
       Ngoài gạo, Nhật cũng đòi Pháp phải cung cấp ngô (bắp) để nuôi ngựa, lừa Nhật dùng để thồ chiến cụ.
Năm 1942: Pháp giao 124,923 tấn ngô; 1943: 98,700 tấn; 1944: 18,263 tấn; đầu năm 1945: 12,134 tấn.
       Theo tài liệu của Toàn quyền Decoux, làng Thượng Cẩm, huyện Thái Ninh, Thái Bình có 4000 người chết còn 2,000, trong đó có 900 suất đinh (trai tráng) chết còn 400. Sau tết Ất Dậu (1945), có ngày 20,000 người chết trong lúc đó, lừa ngựa Nhật vẫn được no đủ.
       Cũng theo tài liệu của Toàn quyền Decoux:
       tỉnh Thái Bình         dân số 700,200    chết 260,000
Vựa thóc Nam Ðịnh                   680,000       “  229,650
       tỉnh  Ninh Bình                    200,000       “   37,936
       tỉnh  Hà Nam                       400,000       “   50,383
Văn phòng Toàn quyền Decoux tổng kết 1 triệu người Bắc Việt chết đói nhưng con số thực phải cao hơn nhiều.
       Cũng nói thêm, vừa phần trong Nam không có chương trình cứu đói ngoài Bắc vì Pháp, Nhật lơ là đã đành, Chính phủ Nam triều do vua Bảo Ðại cầm đầu cũng để mặc dân chết đói. Hai triệu người chết, không lẽ hoàng đế đang nắm quyền cai trị không biết. Cho dù ông ở Huế,  quan  Khâm sai đại thần, quan Tổng trấn Bắc kỳ lại không báo cáo hằng ngày cho ông thảm cảnh người chết đói la liệt ở Hà nội, Hải phòng, Nam định, Thái bình, Hà Nam, Phủ lý và ở mọi vùng thôn quê trên đất Bắc và Bắc Trung Việt như Thanh hóa, Nghệ an, Hà tĩnh vv... Nếu ông không biết, ông đắc tội với Dân tộc, nếu ông biết mà ngồi nhìn cho thần dân của ông chết đói, ông vừa là một ông vua bù nhìn vừa đắc tội với thần dân của ông.   Hết trích
 
Các Phòng Triển lãm của VM khai thác tối đa về nạn đói làm đồng bào ta chết gần 2 triệu người. VM lên án Pháp, Nhật và vua Bảo Đại cũng như chính phủ Trần trọng Kim đã để dân chết trong khi chính VM cũng góp tay trong việc tịch thu nhiều tấn thóc của nông dân dùng để ăn cầm cự và làm mùa. VM dùng thóc này để nuôi quân vì cũng có nhiều người dân cùng đường đành phải xung phong theo VM kiếm cái ăn cho đỡ chết, chờ thời, nhưng khi đã vào thì rất khó ra vì đó là qui luật của đảng để giữ đảng viên trong lúc VM đang cần rất nhiều nhân lực để đánh Pháp với vũ khí tối tân và nhiều hơn gấp bội.
 Kế đến các Phòng Triển Lãm kể tội ác của thực dân Pháp trong việc đánh sưu cao thuế nặng, thuế thân, thuế ruộng, thuế điền thổ, thuế chợ, thuế nhà, làm xâu, bắt lính v.v... Rồi chính sách ngu dân làm dân tộc ta mù chữ, lạc hậu, thụt lùi, con cái nông dân không được đi học, đành chịu dốt nát kéo dài kiếp nô lệ hết thế hệ này sang thế hệ khác. Căm giận thay! Rồi nạn cường hào ác bá tham nhũng thối nát đục khoét dân lành, xách nhiễu người dân đến từng lon gạo, mớ khoai, điếu thuốc mỗi khi phải đi xin chúng chứng nhận giấy tờ, sổ gia đình v.v.... Ác nhất là bọn Mật thám, Sen đầm Pháp mà VM gọi là bọn chó săn, bọn Việt gian theo Tây liếm gót giầy Tây  rình rập, theo dõi ngày đêm, để ý từng cử động nhỏ nhặt của dân, bắt bớ những nhà hoạt động cách mạng như đảng trưởng Nguyễn Thái học và 12 liệt sĩ Yên Bái, như ông Phan bội Châu, Phan chu Trinh, Hồ chí Minh, ông Nguyễn hải Thần, các đồng chí trong đảng VM v.v...(được ca tụng nhiều nhất trong khi họ nói rất ít về VNQDĐ và các đảng QG). Rồi bọn thực dân và chó săn tra tấn dã man các nhà cách mạng của ta, treo ngược lên xà nhà, thủ tiêu, tù đầy Sơn La, Lai châu, Lao Bảo, Hỏa lò Hà Nội...không có ngày ra!
 Guồng máy cai trị của Pháp thì tham nhũng thối nát, xách nhiễu dân lành, bất công xã hội đầy dẫy khắp mọi nơi khiến dân chúng nghèo nàn cơ cực mà chỉ làm giầu cho một bọn tham quan ô lại làm việc cho Pháp và đi sát hoặc buôn bán với Pháp.
Những phòng triển lãm này có mặt ở khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải dương v.v...  Đã sẵn căm thù Pháp thực dân bóc lột tận xương tuỷ, nay lại được nhìn chính những hình ảnh dã man của chúng vì thế lòng dân oán giận, thề phải phanh thây uống máu giặc Pháp mới hả... Và vì thế Tổng Khởi Nghĩa bùng lên, Cách Mạng ra đời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ chí Minh và đảng Việt Minh để mang lại cho toàn dân Việt một cuộc sống no ấm, yên vui, công bằng xã hội, xoá đi cảnh giầu nghèo quá cách biệt người ăn không hết người lần không ra, xoá đi cảnh người trù dập, hà hiếp, bắt nạt người, xoá đi những tàn tích xấu xa của thực dân phong kiến để nâng cao dân trí, thực thi Dân chủ, sống đời Tự do vì Hồ Chủ Tịch tuyên bố: “Không gì quí bằng Độc lập và Tự Do”.
Những phòng Thông Tin này mở cửa sáng đêm và hiện diện tại các thành phố cả 6 tháng cho đến 1 năm khi không còn người vào xem. Rập khuôn theo các nước CS đàn anh, VM làm công tác thông tin tuyên truyền y hệt như các nước đó và họ đã thành công mỹ mãn dù có nhiều điều không bắt nguồn từ Sự Thật nếu Sự Thật có hại hay làm giảm uy tín của “cách mạng”!
 
Ở thôn quê ban thông tin tuyên truyền Xã, Thôn v.v…làm những cái chòi cao cả chục mét, có thang để trèo lên. Cứ mỗi tối, khoảng 7 giờ chẳng hạn, ban thông tin lên đó đọc tin tức và những bài bình luận hay lệnh lạc từ cấp trên cho cả thôn, cả xóm, cả làng cùng nghe. Xen giữa những bài đọc là các ca khúc mà ai cũng thuộc lòng:
Bao chiến sĩ anh hùng…, Người người đều mong du kích quân, du kích quân….Một mùa thu năm xưa cách mạng tiến ra đất Việt….
Phát thanh như vậy cho đến khuya lắc khuya lơ mới thôi. Vì mỗi tối đều có nhiều bài, theo chỉ thị, được nhắc đi nhắc lại cho mọi người hiểu rõ nghĩa vụ công dân trong một nước Độc lập như ngày nay. Nó hoàn toàn không giống một chút nào với những công dân nô lệ như trong thời Pháp thuộc (mới thoát ra khỏi ít lâu nay thôi).
 
(còn tiếp)
GS Bút Xuân Trần Đình Ngọc




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire