lundi 23 décembre 2013

NHẬT TIẾN : “NHÀ GIÁO – một thời nhếch nhác” (Kỳ 1)

 


  Nhật Tiến

 Theo đề nghị của bạn bè, Thời 2Đ sẽ đăng nhiều kỳ trọn vẹn tác phẩm “NHÀ GIÁO – một thời nhếch nhác”* ghi chép của nhà văn Nhật Tiến nhằm giới thiệu một lối tiếp cận khác về nguyên nhân gây nên thảm trạng giáo dục hiện nay.              


                         LỜI NÓI ĐẦU.

 

Trước khi mời độc giả khởi sự đọc cuốn sách này, tôi xin có một vài lời muốn bầy tỏ.

 Cứ theo lẽ thông thường, thì khi bước qua tuổi chuẩn bị đi vào cõi 80, con ngườ­i ta dầu có khỏe mạnh cách nào thì năng lực hoạt động cũng bị sút giảm đi rất nhiều, nhất lại là công việc của một người sáng tác.

Cũng thuộc lớp tuổi nói trên, về phần tôi trong mấy năm trở lại đây, tôi đã đã tính tự cho phép mình ngư­ng việc viết lách. Bởi viết thêm nữa làm gì, khi mà điều mình muốn viết, muốn nói thì cũng đã có nhiều cây viết  cả trong lẫn ngoài nước viết ra, nói ra rồi, mà có khi những bài viết ấy lại còn chuyên chở đầy đủ hơn những   điều mình suy nghĩ .

 Thế rồi nghiễm nhiên , từ vị trí của người  viết, tôi đã dành nhiều thì giờ để đọc hơn là thì giờ ngồi  loay hoay với ngòi bút. Tôi đã đọc chăm chỉ, đc miệt mài những gì tôi thích hay cần đọc, với một lòng biết ơn các tác giả, những người  đã cho tôi được thưởng ngoạn các công trình tim  óc của họ.

Tôi lại nghĩ, con người  ta khi vào giai đoạn cuối của cuộc đời mà đầu  có còn minh mẫn đê còn  có thể đọc được, rồi lại còn đủ cả nhiệt tâm để thấy tâm tình của mình trỗi dậy biết cảm thông ,biết chia sẻ với những điều mà tác giả đã phơi bầy trên trang giấy, thế thì cũng đã là đầy đủ cho những năm cuối đời, đâu còn gì phải tiếc nuối.

Nhưng nào tôi  có ngờ đâu rằng trong nếp sống nhàn nhã với thứ tâm trạng bình an ấy, thỉnh thoảng tôi lại  có thấy trỗi lên trong lòng mình một nỗi niềm thao thức

Sự thao thức không bắt nguồn từ thói quen viết lách qua nhiều chục năm để bây giờ nó giục giã khiến cho mình không được phép nghỉ ngơi. Mà cũng không phải vì tôi được nghe bạn bè thân quen thỉnh thoảng vẫn khuyến khích việc sáng tác, riết rồi tôi lại tự hói thúc mình tiếp tục làm việc .

 Và nhất là, càng không phải chuyện  cứ thấy người  khác vẫn thay nhau tiếp tục cho in tác phẩm mới, thì mình đâm ra cũng háo hức muốn đua theo. Tất cả những nguyên do kể trên đều không giúp tôi giải thích được nỗi băn khoăn lâu lâu  có trỗi dậy, dằn vặt tâm trí của mình.

Sau cùng, kỳ lạ thay, tôi bỗng phát hiện ra rằng nỗi niềm thao thức kể trên lại không xuất phát từ lãnh vực văn chư­ơng mà lại từ một lãnh vực mà tôi đã không còn dính líu gì tới trong nhiều năm qua. Đó là nghề gõ đầu trẻ, cái nghề chỉ chuyên gắn bó với phấn trắng, bảng đen và những đám học trò mà tâm hồn còn trong veo của lứa tuổi đang vô tư trước ngư­ỡng cưả vào đời.

Những ai đã từng đi dạy học thì hẳn đều đã quen thuộc với vấn đề lương tâm và tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo. Hành trang của một nhà giáo, tuy vốn đã nặng nề, nhưng khi mang thêm những vấn đề kể trên thì sẽ còn nặng nề thêm nữa.

Và tôi nghĩ rằng, chính những thứ hành trang này (mà tôi đã gác bỏ từ nhiều chục năm qua), nay đã bất ngờ trở lại để dằn vặt tâm hồn tôi trong nhiều đêm dài mất ngủ.

Đúng vậy, trước khi được gọi là nhà văn thì tôi đã là một nhà giáo. Trong suốt cuộc đời dạy học, tôi đã trải qua nhiều ngôi trường tại nhiều địa phư­ơng và giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò. Rồi khi ngành giáo dục mà tôi theo đuổi, do vận nước mà bị nổi trôi theo thời cuộc thì tôi cũng vẫn còn đeo đẳng với nó để rồi lại cũng bị nổi trôi theo. Đó là thời kỳ đất nước lâm vào cảnh tan hoang sau khi người  CS thành công trong việc lấn chiếm miền Nam và  có cơ hội ùa vào Sài Gòn như­ những kẻ chiến thắng.

 Khi thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi từ ý thức hệ này qua ý thức hệ khác thì hầu như­ mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo, tưở­ng sẽ tồn tại lâu dài với những chuấn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn bị đảo lộn, bị trốc gốc, đến độ như­ tôi đã  có cảm giác rằng mình phải kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò : vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò  cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói.

Nói cho đúng ra, trong suốt cả một đời người , dù bôn ba, bận bịu cách nào thì ai cũng vẫn  có cơ hội để học. Cho nên trong những ngày sau 30-4- 1 975 , tôi sẽ không oán thán gì về cái sự đã làm thầy giáo rồi mà vẫn cứ bị đè cổ ra để bắt học tiếp. Miễn là việc học ấy không bắt tôi phải chối bỏ chính mình, và nó thực sự đem lại cho tôi những kiến thức tốt đẹp để tôi  có thể truyền đạt lại cho học sinh trong vai trò của một nhà  giáo.

Nhưng trải gần 4 năm trầy trật dư­ới một mái nhà  trường XHCN, tôi phát giác ra rằng ở đấy người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho nhận thức của nhà giáo, mà tệ hơn, lại còn không cho phép các thầy các cô được làm trọn vẹn vai trò của một nhà giáo đúng nghĩa.

Bởi vì, một nhà giáo đúng nghĩa thì không dối trá với học trò ngay trên bục giảng hay ngay trong bài giảng của mình. Nhà giáo đúng nghĩa cũng không thể tiếp tay với nhà trườ­ng để xô đẩy học sinh vào những.vùng trời mê muội như­ lôi kéo, dụ dỗ, nhồi nhét vào đầu  óc non nớt của chúng những thứ không nhằm phục vụ cho tư­ơng lai của chúng cũng như­ tư­ơng lai của đất nước mà chỉ nhằm phục vụ cho những ý đồ đen tối của guồng máy đang cai trị.

Nói một cách cụ thể, nếu coi tâm hồn của những trẻ thơ như­ là một tờ giấy trắng, thì cũng đã  có một số người  trong đám nhà giáo chúng tôi sau 30 tháng 4-1975, cũng đã từng bôi đen lên những từ giấy đó bằng những bài giảng phải tuân theo sát sạt những “pháp lệnh”của nhà nước.

Riêng trườ­ng hợp của tôi, cái giai đoạn hãi hùng phải kinh qua nhiều nỗi chuân chuyên ấy tuy chỉ kéo dài khoảng bốn năm, nhưng thật sự  đã để lại trong tôi quá nhiều ấn tượng.

Đến nỗi trong nhiều năm sau này, đã  có nhiều đêm choàng tỉnh dậy, tôi thảng thốt thấy như­ mình vẫn còn đang dẫn dắt một đám học trò lếch thếch đi khuân từng bó trúc mua  ở các hợp tác xã đem về tr­ường để cả thầy lẫn trò đều miệt mài biểu diễn việc sản xuất mành mảnh trúc trong những giờ học chính thức, được gọi là giờ lao động sản xuất.

Và cũng có nhiều hôm tôi choàng tỉnh sau một cơn mơ thấy mình đang ngồi  chen chúc với các đồng nghiệp khác trong một trường chật chội . nóng bức vào mùa hè để nghe những lời giáo huấn của thuyết trình viên mà chúng tôi đều biết rằng ngay cả chính anh ta cũng đang nghĩ là mình đang nói dối. Người nói, người nghe cùng có khả năng nhận biết đó là những màn kịch giả trá, nhưng chẳng ai dám nói ra. Nói sao được khi toàn thể đời sống đã bị bao vây bằng đủ mọi hình thức,  khắp mọi nơi, lúc nào cũng  có cảm giác như­ đang bị rình rập, dòm ngó, nghi ngờ, và cú sểnh ra là sẽ bị báo cáo lên Ph­ường,lên Quận,lên Ban Giám Hiệu nhà trườ­ng để nhẹ thì bị khiển trách, bị kỷ luật, nặng hơn dám có thể đi tù.

 Cùng trải nghiệm như­ thế, chắc cũng  có nhiều giáo chức đã một thời cùng với tôi lui tới, sinh hoạt dư­ới những mái nhà trường XHCN ngay sau khi miền Nam đổi chủ. Tôi hy vọng sẽ  có nhiều vị còn lư­u giữ được những kỷ niệm, còn ghi gói được những kinh nghiệm sống, và còn thấy xót xa cho thân phận của nhiều nhà giáo trong quãng thời gian ấy, để rồi sẽ đư­a tất cả vào tác phẩm hồi ký của mình.

Nhưng cho đến nay, số người viết về những điều ấy xét ra không nhiều. Hầu hết nếu có thì cũng chỉ là những bài viết ngắn, được thu gọn trong một vài vụ việc đáng ghi nhớ mà tác giả viết ra để đóng góp cho một tờ báo vào một dịp đặc biệt nào đó trong năm.

Như­ thế, chúng ta chư­a  có một cuốn hồi ký nào của một nhà giáo viết về sinh hoạt của thầy trò sau tháng 4-1975, dư­ới mái nhà trường  XHCN .

Mà  có thực sự cần thiết để viết lại những điều nh­ư thế hay không ?

Theo tôi nghĩ  thì rất cần.

Bởi nó là cội nguồn của những sự tróc gốc đạo đức sẽ diễn ra trong xã hộ VN trong nhiều năm sau đó. Khi nền tảng của chính sách giáo được dựa trên những  điều giả trá, những mư­u toan ngoài giáo dục lại được điều hành bởi những đầu óc thiển cận ,hẹp hòi, đầy tự kiêu, tự mãn thì thành quả của giáo dục nó sẽ ra sao, ai cũng  có thể thấy trước. Thấy mà chằng ai dám nói ra, có khi còn góp phần phụ họa làm cho bộ mặt giáo dục ngày càng thêm thảm hại mà chứng cớ cụ thể là sự tuột dốc về đạo đức xã hội ngày nay đã hiện ra rành rành. Bởi vì nó đã trổ hoa, kết trái, và tiết ra nhiều độc tố hơn là hư­ơng thơm sau nhiều chục năm được vun trồng.

Bởi chính nó, tức cái thành quả giáo dục ấy, đã tạo nên tình trạng đạo lý suy đồi cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội ngày nay. Các trang tin tức quốc nội bây giờ đã đăng lên không thiếu gì những câu chuyện khó tin mà  có thật với nhan nhản những con người  không còn mang tính người . Mấy chữ “mác-kê-nô” tức “mặc kệ nó” nghe tưởng vô thưởng vô phạt nhưng đã hàm chứa một triết lý sống cực kỳ tồi tệ và bi đát của một xã hội vô cảm mà hàng ngàn năm qua ta ch­ưaa bao giờ thấy hiện diện một cách lan tràn trên đất nước.

Và cũng bởi chính nó, tức cái thành quả giáo dục ấy , mà những điều kiện an toàn của xã hội đã bị đảo lộn, như­ luật pháp không còn nghiêm minh tiền bạc mua được công lý, chức quyền có thể đổi trắng thay đen, tiếng kêu của dân oan từ nhiều năm qua vẫn còn vang lên từ khắp mọi miền đất nước . .v..v. . .

Nói tóm lại, cái thành quả giáo dục trong hơn nửa thế kỷ qua dư­ới mái nhà trường XHCN cùng với sự tiếp tay của rất nhiều thệ hệ những ngòi bút vô lư­ơng tâm, chỉ biết tô son điểm phấn cho những sai lầm to tát của chế độ nên đã đem lại cho đất nước triền miên những mùa  hoa trái ung thối, nhiễm độc, kể từ khi có những vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm . . .và cho đến tận ngày nay vẫn còn xây ra những chuyện lạ lùng như­ bầy tỏ lòng yêu nước thì bị cấm đoán, triệt hạ, những người  yêu nước thì lại bị bắt giữ, cầm tù.

Thành quả giáo dục đen tối như­ thế, chất chứa những nguyên nhân còn gây tác hại lâu dài như­ thế , vậy tại sao không ghi lại để các thế hệ sau tìm đến như­ tìm những vết xe đổ cần tránh xa, để không lặp lại ?


                                      *   *

                                         *

Vì những lý do đó, và mặc dù  có thể khả năng viết lách nay không còn được như­ xư­a, nhưng tôi cũng  cố gắng trong cái sức của mình để viết lên những trang sách này.

Tôi gọi đây là hồi ký của “một nhà giáo”, hiểu theo nghĩa chung chung là của một người đã từng cầm phấn và đứng trước bảng đen. Đấy không phải hoàn toàn là những kinh nghiệm riêng tư của một mình tôi . Bởi nếu chỉ viết riêng có chuyện mình thì bức tranh toàn cục có thể sẽ thiếu sót nhiều mặt, nhiều chi tiết. Chi bằng đặt dư­ới danh nghĩa “một nhà giảo”, tác phẩm sẽ gom góp được kinh nghiệm sống của nhiều người  hơn và việc thể hiện trên trang giấy cũng dế dàng hơn. Tuy nhiên, dù  có cố gắng cách nào thì thành quả nếu có cũng sẽ chỉ là nhỏ nhoi trong muôn một.

Ư­ớc vọng của người  viết là mong mỏi rồi ra còn nhiều đồng nghiệp đã từng kinh qua những khoảng thời gian đó, sẽ ngồi viết lại hay góp phần phổ biến những trang sách cùng loại, để bức tranh khắc họa về ngành Giáo Dục VN sẽ mang một nội dung phong phú hơn, những sai lầm gây tổn hại lớn lao cho đất nước do những đầu óc thiển cận hẹp hòi trong quá khứ sẽ được nói lên rõ ràng hơn, và những thông điệp gủi gắm lại cho thế hệ đi sau sẽ mang được nhiều tâm huyết và được loan truyền rộng rãi hơn. Được nh­ư vậy hẳn chúng ta sẽ vô cùng hoan hỉ vì đã cùng nhau hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp hoàn tất trách nhiệm cuối cùng của những nhà giáo trước khi buông xuôi hai tay về chốn vĩnh hằng…

Nhật Tiến.


 California , khởi viết tháng 11-2011

                      hoàn tất tháng 2-2012

* NXB huyền trân –  2012
(còn nữa)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire