mercredi 25 décembre 2013

Truyện Ngắn Đôi Ngả Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Truyện Ngắn
          
              Ðôi  Ngả
 
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
 
               
 
 
 
Thân tặng quí bạn trẻ đang thao thức tìm một lí tưởng phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cho đời mình...
 
        Ngủ một giắc ngắn từ chập tối cho đến lúc nghe tiếng chó sủa vang và tiếng Trọng gọi, tôi choàng dậy và đáp vội ra:
      “Anh Trọng ngồi đó chờ Hiên một chút. Hiên thay quần áo đây...”
      Tiếng Trọng đáp từ ngoài sân:
      “Gớm, con gái gì ngủ khoẻ thế! Ðêm nay người ta chờ đến giờ đi lễ chứ ai ngủ như cô.”
      Nghe Trọng nói, tôi hơi mắc cỡ, hai má thấy nóng nóng. Nhưng mặc anh, tôi nhủ thầm, tôi biết anh hay ghẹo tôi lắm.
      Xỏ chân vào đôi dép, tôi đến phía bàn học khêu to ngọn đèn Hoa kỳ lên và vồ lấy cái lược, soi vào gương chải đầu.  Vừa từ trong chăn bông dầy ấm áp ra, lại mặc phong phanh có một cái áo cánh, tôi bỗng rùng mình cảm thấy lạnh. Khỏi phải nói cái lạnh khan trời mùa Ðông ở Bắc Việt. Tôi nghe rõ tiếng lập cập hai hàm răng đập vào nhau mà tôi cố kìm lại cũng không được.
 
      Gió heo may bên ngoài thổi ào ào từng cơn làm những tầu lá cau cọ vào nhau nghe soàn soạt. Ở buồng bên, tôi nghe tiếng mẹ tôi vừa nói chuyện với Trọng vừa sửa soạn quần áo cho mấy đứa em tôi.
      Xoa hai tay vào nhau mấy giây cho ấm, tôi chải vội mớ tóc và  lấy kẹp,  kẹp lại. Rồi tôi kéo ngăn kéo bàn học, ngần ngừ lấy cây son và hộp phấn dì Khuy đi Hà nội về mới cho từ tháng trước. Nửa muốn bôi một tí lên má và môi cho đẹp để mừng Chúa Hài Ðồng đêm nay, nửa ngần ngại. Tôi chỉ sợ có ai quen nhìn thấy lại bảo là tôi làm dáng. Tôi đã mười ba tuổi, làm dáng một chút có sao! Nhưng tôi vẫn ngần ngại.
      Thôi, cứ chấm lên má một tí phấn và thoa nhẹ trên môi một tí son. Rồi tôi bắt chước dì Khuy bậm hai môi lại cho chất son nhạt bớt và đều, rồi soi vào gương.  Dưới ánh đèn dầu vàng vọt không đủ sáng, tôi thấy khuôn mặt tôi đẹp hẳn lên. Tôi thử nhoẻn cười. Hàm răng trắng, bóng, nhỏ và đều vằng vặc như ăn ý hết mình với đôi môi trái tim tươi hồng. Hai cái má lúm đồng tiền ngày càng sâu xuống mỗi khi cười làm tôi tự hãnh diện ít người trong giáo xứ, trong làng có. Ai cũng nói là tôi thừa hưởng hàm răng đều từ bố tôi và cái má lúm tự nhiên từ mẹ tôi. Những lúc vui chuyện, bố tôi nói ngày xưa chỉ vì thương đôi má lúm đồng tiền của mẹ tôi mà lấy. “Thế không còn cái gì nơi mẹ bố thương nữa sao?” Tôi hỏi lại bố như thế và bố tôi chỉ cười.
      Tôi nhìn kĩ vào đôi mắt. Vành lông mày cong hình bán nguyệt và hàng lông mi dài tô điểm đậm đà cho đôi mắt to, đen láy. Tôi tự hài lòng, mải ngắm mình trong gương, tôi quên cả Trọng đang chờ tôi ngoài kia.
      “Xong chưa, Hiên?”
      Tôi giật mình đánh thót một cái như người đang ăn trộm bị bắt quả tang. Tôi đáp vội:
      “Em ra đây.”
      Trong lúc thảng thốt, tôi lấy khăn mặt ướt lau hết phấn son trên má, trên môi đi.
      “Con đi trước với anh Trong, nha mẹ. Tụi con còn phải dượt lại mấy bài hát trước giờ lễ nữa.”
      “Ừ,” mẹ tôi nhìn tôi âu yếm, “coi chừng kẻo trời tối lăn xuống ruộng đấy!”
      Cả Trọng và tôi cùng cười:
      “Mẹ làm như tụi con còn bé như thằng Sửu, con Lam không bằng...”
      Hai đứa em, Sửu và Lam, nghe tôi nói đến tên, chúng đòi đi với tôi. Hai đứa chạy theo ra sân:
      “Em muốn đi với chị Hiên, anh Trọng để nghe tập hát.”
      Tôi phải dỗ dành chúng nó:
      “Sửu và Lam chờ bố về rồi cùng đi với bố mẹ chứ đi với chị không được. Thày giáo Miễn khó lắm, không cho tụi em đứng nghe ca đoàn dượt đâu. Vả lại, Sửu và Lam còn phải ngồi với Nghĩa binh nữa chứ.”
      Hai đứa nghe tôi nói đến Nghĩa binh - Thiếu Nhi Thánh thể ngày nay - liền nhớ ra bổn phận, chúng “à” lên một tiếng rồi lủi thủi trở vào nhà. Bố mẹ tôi sẽ dẫn Sửu và Lam đi sau.
 
      Ra khỏi cổng ngõ, con đường làng nhỏ tráng xi-măng dài hun hút hiện mờ mờ trước mặt. Trời tối đen như mực, hai người đi cách nhau chừng mười bước không nhìn thấy nhau. Từ một con đường phía xa thẳng góc với con đường tôi và Trọng đang đi, chập chờn những ánh đuốc lập loè như những bóng “ma trơi” tiến về phía nhà thờ. Ðó là đuốc của dân hàng xứ đốt lên soi đường để đi lễ nửa đêm. Nếu đến được gần đó thì sẽ thấy quang cảnh nhộn nhịp khác thường. Cả chục người đi theo một cây đuốc, vừa đi họ vừa nói chuyện, cười đùa rất vui vẻ. Nhưng tôi với Trọng cách xa họ quá và chỉ trong khoảng khắc, những con “ma trơi” đó khuất vào các bụi cây không còn trông thấy nữa.
 
      Lúc ở trong nhà, tôi chỉ cảm thấy lạnh chứ không cảm thấy gió. Bây giờ ra đến đường, gió cứ hun hút thổi vào mặt, luồn vào tay, vào người làm cái lạnh càng tăng lên.
      Người tôi run rẩy đi không muốn vững. Ðã vậy, hai bên ruộng lúa dế giun, côn trùng kêu inh ỏi như một bản nhạc hợp tấu của thiên nhiên. Những bóng đen lúc ẩn, lúc hiện trong những lùm cây xa xa làm tôi nổi gai ốc. Trí tưởng tượng bắt tôi nhớ đến những chuyện ma trong vùng do người làng kể lại, nào con ma cụt đầu ở cây  đa cầu gỗ, con ma xõa tóc ở bụi ruối xóm Giếng mà chúng tôi sắp phải đi qua.
      Giá không có Trọng cùng đi và đêm nay không phải là đêm Chúa giáng sinh thì không có cách gì làm tôi đi trên con đường này, giờ này được.
      Tôi đi sát vào Trọng như để tìm nơi anh một chút che chở và một chút hơi ấm, miệng nhẩm khẽ một kinh Kính mừng. Bỗng Trọng lên tiếng:
      “À Hiên, mười hai giờ cha xứ bắt đầu dâng lễ mà bây giờ chắc cũng gần mười một giờ rồi. Chúng ta chỉ có ngót một giờ để dượt lại.” Anh nhìn qua tôi, “Hiên lạnh lắm sao?”
      Tôi gật đầu, nghiến hai hàm răng vào nhau, xuýt xoa:
      “Hiên lạnh quá anh Trọng à!”
      Ðang đi bên phía trái, anh đổi sang phía phải của tôi và lấy một cánh tay quàng lên vai tôi:
      “Ðể anh đi đầu gió chắn gió cho Hiên. Chịu khó một đỗi nào! Vào phòng hội nhà xứ là ấm liền đấy mà.”
 
      Nhờ có Trọng, tôi cảm thấy ấm hơn và phấn khởi hơn.
      Tôi không biết vì sao cứ lúc nào tôi bị trở ngại, bị khó khăn là cũng được Trọng giúp đỡ dù Trọng không phải bà con ruột thịt với tôi. Trọng chỉ là con bác Ðối, láng giềng của bố mẹ tôi. Nhà tôi và nhà Trọng cách nhau có một dậu găng thưa và hai cái sân gạch lớn dùng để đập lúa, phơi thóc mỗi vụ gặt của hai nhà,  làm như nối liền với nhau. Bố mẹ tôi và hai bác Ðối rất thân thiết, đối xử với nhau như anh chị em một nhà. Còn bọn trẻ chúng tôi thì khỏi nói, có một chút gì ngon ngon, chúng tôi cũng kêu anh em Trọng sang ăn và ngược lại, có quà bánh gì Trọng cũng để phần tôi và Sửu, Lam.
 
      Dạo đó còn thời Pháp thuộc, vào khoảng đầu thập niên 30, tôi và Trọng cùng học trường tiểu học Pháp - Việt làng bên cạnh, làng Phượng Hải. Trọng năm đó học lớp Nhất (Cours Supérieur), còn tôi mới lớp Ba (Cours Élémentaire).
Hồi đó chúng tôi phải học hai năm lớp Nhì, lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année) và lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2ème année).
      Trọng hơn tôi đến ba lớp vì vậy bất cứ bài vở nào Trọng cũng có thể chỉ cho tôi được khi nghe thầy giáo chưa hiểu cặn kẽ nhưng lớp lại quá đông, thầy không thể chỉ hết.
      Những bài Pháp văn như Luận văn, chính tả, văn phạm, Cách trí, học thuộc lòng v.v... tôi học tương đối dễ nhưng với môn Toán thì tôi chịu thua. Khi có những bài toán khó bóp trán không ra là thế nào tôi cũng phải cầu cứu đến Trọng. Và lần nào anh cũng sốt sắng giải cho tôi; có khi anh dượt lại các công thức liên hệ từ đầu cho tôi dễ hiểu cho đến khi tôi áp dụng chúng làm được một mình những bài toán tương tự, anh mới thôi.
     
      Trước mắt tôi lúc đó, Trọng như một thần tượng. Anh rất đạo đức, dễ thương, cởi mở, có lòng bác ái thương người. Anh thông minh, học xuất sắc nhất trong giáo xứ, trong làng nhưng anh rất nhã nhặn, khiêm nhường. Bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, nếu có ai nhờ anh làm giúp việc gì, dù dễ hay khó, anh cũng cố gắng làm đến nơi đến chốn khiến ai cũng vừa lòng và khen ngợi.
      Anh với tôi còn có nhiều kỉ niệm vui buồn với nhau, đi học, đi chơi với nhau, đi tập hát, đi lễ sáng hoặc đến nhà thờ đọc kinh tối; những buổi hội xuân làng bên, những phiên chợ theo mẹ đi bán thóc, những buổi ra đồng phụ giúp bố mẹ việc đồng áng nhất là mùa gặt. Mới mùa vừa rồi tôi đã thử kéo đá với anh bằng cách đeo thừng vào vai đi trong sân cho thóc rụng ra nhưng chỉ được khoảng  mười phút anh nói tôi còn thấp và lại yếu nữa nên vai thừng của anh nặng lắm, không tiếp tục được, làm mọi người hiện diện cười ngặt nghẽo.
 
      Trọng thân thiết với tôi đến nỗi nhiều lúc tôi cứ nghĩ anh là anh trai của tôi; tôi làm nũng với anh, đòi anh cái này, cái kia và nếu không được như ý thì hờn giận. Nhưng Trọng rất hay, tôi không bao giờ giận anh được quá nửa ngày. Có giả vờ làm mặt nghiêm với anh để anh biết tôi đang giận anh cũng chỉ được một lúc, vì sau đó anh rủ tôi chơi cờ “ca-rô”, chơi giải gianh, đánh luyến, hái ổi, trèo sung, hái khế, nhảy cò cò, đánh khăng, nhảy dây ...hoặc anh
bất chợt làm tôi phì cười vì một câu nói đùa, một câu chuyện ngộ nghĩnh...Thế là tôi hết giả vờ giận anh được nữa. Vả lại phải thành thực thú nhận rằng những lúc “giả đò” đó, trong tôi có hai con người. Một con người muốn giận hờn anh, làm khổ anh cho ...bõ ghét vì tức với anh điều gì đó; một con người khác lại chỉ muốn làm hòa vì hờn giận thì không khí căng nghẹt thở, không chịu được. Tôi vốn được tiếng là hiền lành không đanh đá như mấy nhỏ bạn.
      Thực ra anh chiều tôi hết mức, còn hơn cả em gái anh. Trái lại, tôi chỉ chiều anh được ba phần mười. Hôm đó anh muốn đá bóng nhưng không có con trai, mấy đứa em thì còn nhỏ quá. Anh bảo tôi đứng làm “gôn” cho anh sút, tôi nói con gái không biết chơi đá bóng và không chịu đứng mặc dù anh đã đặt hai cục gạch hai bên và chỉ cho tôi cách đón trái bóng. Khi thấy tôi không hưởng ứng, anh tiu nghỉu bỏ đi, mặt buồn bã. Tôi phải chạy theo níu anh lại, nói tôi bằng lòng làm “gôn” cho anh sút, mặt anh mới tươi tỉnh trở lại. Hồi đó tụi trẻ thôn quê ít khi có bóng da. Chúng tôi thường trèo lên cây bòng (bưởi trong Nam) hái một trái to nhất, đem xuống giấu bố mẹ vùi vào đống tro nóng cho quả bòng tầu ra, mềm đi và lại dai, đem ra đá. Khi có đủ năm, sáu quân mỗi bên, trận đấu “bòng” cũng hào hứng không kém các đội bóng thiệt trên tỉnh. Ðội nào thua phải cõng đội kia đi hai vòng sân.  
      Cũng lại những trò chơi. Một lần, vào buổi trưa thứ năm chúng tôi được nghỉ học - các trường học thời đó nghỉ ngày thứ năm, chỉ học bốn ngày kia nhưng học hai buổi, mỗi buổi khoảng ba tiếng -  Trọng và tôi xách cần đi câu ở một cái hồ lớn làng bên, cách nhà chừng ba, bốn cây số.  Hồ này cá nhiều lắm vì mỗi năm người làng thả cá con xuống cả mấy thúng, sinh sôi nẩy nở ra, nhưng cho người tứ xứ câu tự do, câu được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, chỉ trừ thả lưới, đánh giậm, cất vó. Ðã nhiều lần tôi và anh Trọng câu được cá rô, cá chuối - tức cá lóc trong Nam, dân quê ta hồi đó không biết, những con cá chuối này ở đâu thì chúng ăn hết những con cá con khác, không còn lại một con – có khi cả lươn, ếch, cá trắm nhỏ nữa. Hồ ngay trước mặt một ngôi chùa lớn, chùa Bông Gạo – dân chúng vẫn gọi thế vì chung quanh chùa trồng khá nhiều loại cây này.
 
      Sau khi giật được ba con cá rô to bằng bàn tay người lớn, mình vàng lườm; anh Trọng được bốn con;  tôi đi vòng vòng cho khỏi “dừng” chân thì khám phá ra những mảng bông súng, năm mười bông mới nở, đẹp như những viên ngọc lưu li mà xưa nay tôi thích hơn cả bông sen. Ngặt một nỗi, súng ở hơi xa bờ, tôi đoán chừng phải hơn ba tầm cần câu mới tới. Tôi trở lại chỗ Trọng đang ngồi câu:
 
      “Anh Trọng à, lại đây Hiên chỉ cho anh coi mấy bông súng đẹp lắm.”
      “Ðể anh giật nốt con này đã!”
      Tôi thấy cái phao của anh động đậy, nhưng nó động đậy thật nhẹ và động hoài, có nghĩa con mồi quá khôn, nó không đớp gọn một miếng mà cứ rỉ rả rỉa tí một cho kì khúc giun rã ra, vào miệng nó an toàn.
      “Thôi anh ơi! Gặp thứ đã bị chết hụt rồi. Hết miếng mồi này đến miếng mồi khác cho nó ăn no bụng thôi. Ði! Lại đây với em!”
      Nói xong, tôi chẳng kịp để cho Trọng đồng ý, tôi kéo phắt anh đứng lên. Anh đành cầm cần câu đi theo tôi.
      Chỉ vài chục bước chúng tôi ngừng lại, tôi chỉ tay cho Trọng thấy:
      “Anh có thấy mấy bông súng kia đẹp ơi là đẹp không? Anh hái cho Hiên vài bông đi!”
      Trọng nhìn theo tay tôi chỉ, nhưng lắc đầu:
      “Ðẹp đó nhưng xa quá anh không với tới được!”
      Tôi nhìn anh năn nỉ:
      “Hiên thích bông súng lắm mà ao nhà mình không có. Anh cố hái cho Hiên một bông thôi. Lấy cái cần câu này khều vào. Ði anh!”
      Trọng biết không can tôi nổi vì Trọng thường nói “Hiên muốn là trời muốn”.  Anh đứng nhìn mấy mảng bông súng chăm chăm, tính kế hoạch khều bông súng. Xong anh cầm cần câu, tháo dây và lưỡi ra để trên bụi tơ hồng, xắn thật cao ống quần rồi bảo tôi:
      “Hiên đứng trên bờ này, không được lội xuống kẻo lỡ ao sâu chết đuối. Ðể anh lội từ từ ra khều nó vào. Nhưng anh e chỗ này hơi sâu đây...”
      Men theo bờ hồ, anh bước xuống, từng bước, từng bước cẩn trọng tối đa, tay nhăm nhăm cái cần câu chưa được hai mét. Mới ra được sáu bảy bước, bỗng anh rú lên một tiếng rồi cả người anh chìm nghỉm.
      Sau mấy giây đồng hồ, anh trồi lên khỏi mặt nước, lắc mạnh đầu ướt như chuột lột cho nước văng ra, nói với lên bờ với tôi:
      “Chỗ này sâu quá Hiên ơi! Anh ướt hết quần áo rồi!”
      Ðứng trên bờ, tôi vừa lo cho anh vừa không nín được cười. Tôi rối rít:
      “Thôi, thôi... anh Trọng bơi vào bờ đi. Hiên không cần bông súng nữa!”
      Nhưng dù nghe tôi nói thế, Trọng cũng cố bơi ra tới nơi và lôi vào bờ cho tôi nguyên mảng cây bông súng với bốn năm bông hoa và hàng chục cái nụ thật đẹp. Anh chịu mất cái cần câu quí ở dưới  hồ, cái cần bằng tre già vàng óng anh đã dụng công vót kĩ, hơ lửa uốn nắn mấy ngày trời mới xong.
      Sau này mỗi lần nhắc lại chuyện hái bông súng, chúng tôi còn cười đau cả ruột.
 
      Có thể nói một ngày tôi không găp Trọng là tôi đã bồn chồn. Thiếu anh, tôi thấy thiếu vắng một cái gì thân thiết, một cái gì bảo vệ và che chở, an ủi và giúp đỡ, một cái mà tôi nghĩ không thể thiếu trong cái tuổi ngây thơ, hồn nhiên của tôi.
 
                               ****************
     
Nhà thờ xứ Phượng Lâm tuy khá lớn nhưng vẫn không đủ chỗ cho mọi người trong giáo xứ đêm Giáng sinh. Trừ một số người phải coi nhà vì sợ đi hết cả thì ăn trộm đến viếng, một số bệnh hoạn đau yếu, một số các bà mẹ có con thơ quá nhỏ và các cụ già mắt yếu, chân tay run rẩy, còn thì ai cũng có mặt ở nhà thờ.
      Lễ lạc ở quê tôi hồi đó, không những là để thờ phượng tôn kính như ý nghĩa thứ nhất, nhưng lễ lạc cũng là dịp để gặp gỡ, thưởng thức, hàn huyên, xum họp theo ý nghĩa thứ hai.
      Vừa bước chân vào nhà thờ, dù là nhà thờ quá quen thuộc với tôi từ mười ba năm nay, tôi không khỏi ngỡ ngàng và bồi hồi cảm động.
      Kế bên bàn thờ chính là một cái hang đá thật lớn gần bằng một gian nhà. Các thanh niên - có cả Trọng - và các cụ già đã lấy bao xi-măng, sơn mầu đá và xếp đặt rất khéo, chỗ lồi ra, chỗ lõm vào y hệt hang thật; cỏ rêu, cây cối, hoa lá mọc trên núi rất tự nhiên.
      Dạo đó ở thôn quê còn rất hiếm điện nhưng cha xứ đã nhờ được một người quen trên Hà nội mua giùm nhà xứ một cái máy phát điện nhỏ chạy xăng, có thể cung ứng cho vài chục ngọn điện 40, 50 watt. Vì vậy, hang đá được trang hoàng bằng những bóng đèn mầu nhỏ xíu trông rất dễ thương.
      Ðẹp nhất là bộ sinh nhật, bộ tượng khá lớn năm nào cũng được trưng bày cho đến hết mùa Giáng sinh mới thôi. Chúa Hài Ðồng thật xinh xắn với đôi mắt long lanh, linh hoạt, với nụ cười tươi nằm giữa máng cỏ đầy rơm vàng óng. Quì hai bên là Ðức Mẹ và ông thánh Giuse, trông dịu hiền và đáng yêu làm sao! Mấy con bò, lừa quì ngay bên máng cỏ đang thở hơi ấm cho Chúa. Phía ngoài, cùng với dàn đèn là ngôi sao năm cánh sáng rực chiếu vào hang đá. Từ hang đá tỏa ra một không khí huyền nhiệm mà say đắm, thiêng liêng nhưng thân thiết mà tới nay tôi vẫn không sao quên được những hình ảnh đáng yêu đó. Và cũng cho tới nay, dù đã được chiêm ngưỡng rất nhiều hang đá nhưng tôi chưa thấy hang đá nào đẹp, uy nghi và có sức hấp dẫn lạ lùng như hang đá xứ Phượng Lâm năm đó.
 
      Khi chúng tôi vào đến trong nhà thờ thì chuông hai vừa đổ, giáo dân đang đọc kinh chờ cha ra nhưng thay vì lên ngay gác đàn chỗ dành cho ban thánh ca, thày giáo Miễn ngoắc chúng tôi lên trước hang đá, cùng quì xuống chiêm ngưỡng Chúa Hài đồng. Thật đúng như ý tôi vì tôi cứ sợ đứng trên gác đàn sẽ không nhìn rõ Chúa, Ðức Mẹ và ông thánh Giuse. Chúng tôi quì đó, yên lặng để tâm hồn bay bổng lên với Chúa. Mắt tôi bị chóa bởi ánh đèn rực rỡ từ hang đá, hồn tôi ngợp bởi những điều cao trọng thiêng liêng và mầu nhiệm đêm Giáng Sinh và tôi cảm một cách mơ hồ như đang bay bổng giữa chin tầng trời cao vút cùng với các thiên thần.
      Trọng quì kế tôi, nghiêm trang, kính cẩn. Có một lúc nhìn sang anh, tôi thấy đôi mắt anh như lạc đi và người anh run nhẹ lên. Bằng một phản ứng tự nhiên, tôi nắm lấy tay anh, hỏi khẽ:
      “Anh Trọng, anh lạnh sao?”
      Nhưng anh không trả lời, chỉ nhìn tôi khẽ lắc đầu như có ý nói anh không lạnh cho tôi yên tâm. Bàn tay anh nắm chặt lấy tay tôi cho đến lúc chúng tôi rời hang đá để lên gác đàn sửa soạn ca khúc đầu tiên.
      Cho đến nay, kể đã mấy chục năm, tôi vẫn còn cái cảm giác hồi hộp sung sướng lúc quì trước tượng Chúa Hài đồng đêm đó và bàn tay mềm ấm của Trọng. Tuy nhiên, những tình cảm ấy, những cảm giác ấy là hoàn toàn thanh sạch vô tội ở cái tuổi mười ba ngây thơ của tôi. Nó không gợn vẩn một chút gì trần tục và nhờ vậy, những hình ảnh đó là những hình ảnh đáng ghi nhớ mãi mãi trong đời tôi.
 
      Mặc dù tôi rất cần đến Trọng để chỉ vẽ thêm cho tôi về Toán, anh cũng không thể cùng học mãi với tôi tại trường tiểu học Pháp - Việt Phượng Hải.
      Mùa hè năm sau, anh đậu Cao đẳng tiểu học (C.E.P.C.I)  và sau đó anh phải lên Nam định để tiếp tục ban Trung học. Thời đó, chỉ những thành phố như Hà nội, Nam định, Thái Bình ... mới có trường trung học. Ở Hà nội mới có Ðại học (tôi không biết rõ về các trường ở Trung và Nam Việt). Các xã, tổng hoặc phủ huyện chỉ có trường dạy đến lớp Nhất (hết tiểu học) là cùng. Nhiều nơi chỉ có tới lớp Ba, học xong lớp Ba đi thi lấy bằng Sơ học Yếu lược, nếu đậu có thể ra Lý trưởng, Phó lý, Chưởng bạ hoặc có khi cả Chánh, Phó tổng. Dân nước ta hồi đó còn quá ít học phần vì chánh sách ngu dân của người Pháp, phần vì đa số nghèo túng không thể cho con ăn học.
 
      Trường trung học anh Trọng theo học là trường Saint Thomas Nam Ðịnh. Trường này do các Sư huynh điều khiển và là trường có tiếng đào tạo học sinh xuất sắc do kỉ luật cao, giáo sư tận tâm và tổ chức qui mô.
      Bữa nghe anh nói với tôi là anh sẽ lên tỉnh học, tôi choáng váng mặt mày. Tôi không thể tưởng tượng anh lại đi xa như thế. Từ quê tôi lên đến thành phố Nam định chừng trên 30 km nhưng lúc đó phương tiện di chuyển thô sơ thành coi là xa.
      Tôi khóc vùi, mặc cho anh dỗ dành sao tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi không muốn khóc nhưng sao tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Trọng bảo tôi:
      “Hiên phải để anh đi học cho thành tài chứ? Ở mãi trong cái lũy tre xanh của xứ Phượng Lâm này thì anh cũng đến thế thôi. Khi nào có lễ lớn hoặc Tết hoặc nghỉ hè anh sẽ về thăm Hiên.”
      Tôi lấy tay áo quệt nước mắt đứng nhìn anh. Tôi có cảm tưởng từ nay tôi sẽ mất anh vĩnh viễn.
     
      Hè năm sau anh về thật. Anh được về thăm nhà  hai tuần lễ. Không thể kể xiết nỗi vui mừng của tôi cho đến một buổi chiều, trên đường đến nhà thờ đọc kinh tối, Trọng bảo tôi:
      “Hiên à, anh phải nói cho em nghe điều này...”
      Nhưng anh bỏ lửng đó, không nói tiếp, mắt nhìn ra khoảng không trước mặt, suy tư, xa vắng. Tôi cảm thấy có lẽ là điều rất quan trọng, bèn giục:
      “Anh nói ngay em nghe đi!”
      Trọng vẫn chậm rãi:
      “Từ hồi lên học ở Nam định, anh có gặp một số Sư huynh và mấy Cha. Các ngài khuyên anh nên dâng mình cho Chúa. Anh đã đi dự những khóa tĩnh tâm đặc biệt về Ơn gọi và sau khi suy xét kĩ lưỡng với chính lòng anh, anh đã nhất quyết theo con đường lí tưởng của đời anh. Mấy hôm nay, anh có hỏi ý kiến bố mẹ và bố mẹ cũng đồng ý...”
      “Nghĩa là anh đi tu?” Tôi bối rối ngắt lời anh.
      “Phải, anh đi tu. Anh dâng cuộc đời cho Ðức Kitô. Từ nay anh không làm điều gì riêng tư cho anh nữa mà anh chỉ làm cho Ngài. Cuộc đời anh đã thuộc về Ngài.”
      Tai tôi ù, mắt tôi mờ đi. Tôi bước bên Trọng mà như bước trên mây, trên gió. Trọng còn nói nhiều, nhiều lắm như muốn giải thích cho tôi hiểu nhưng tôi không còn nhận ra một điều gì phải hay trái, hay hay dở từ cửa miệng của anh nữa. Với trí óc của tôi lúc đó, tôi không nghĩ gì xa xôi ngoài một điều hễ Trọng đi tu thì anh thuộc về nhà Chúa, nhà chung, thuộc về các cha các thầy. Anh không thể đánh bạn với tôi, đi chơi với tôi, kèm toán cho tôi và anh cũng không thể ở xứ Phượng Lâm này. Tôi sẽ mất anh mãi mãi.
      Buổi kinh tối hôm đó là buổi đọc kinh chia trí nhất của tôi từ bé đến giờ.
                           
                                  **********
 
      Sau lần đó, Trọng trở lên tỉnh và mãi ba năm sau anh mới lại về thăm nhà một lần nữa.
      Lúc đó, tôi đã đậu xong bằng Cao tiểu và đi dạy học từ lớp Ba trở xuống được một năm. Tôi đã mười tám tuổi, tương đối gọi là có học trong xã hội thời đó, có chút nhan sắc và gia đình tôi cũng khá giả do bố mẹ tôi cần cù chăm bón mấy mẫu ruộng, thửa vườn.
      Vì vậy, có nhiều mai mối đến gặp bố mẹ tôi, nhất là mẹ. Nhưng tôi chẳng bằng lòng đám nào. Ðến lúc này, đến lúc tôi đã biết thế nào là yêu đương, thương nhớ, tôi mới nhận ra rằng cái tình cảm mà ngày xưa tôi dành cho Trọng như của đứa em gái đối với anh trai, cái tình cảm ấy ngày một nảy nở, lớn dần, sâu đậm và đến bây giờ thì nó đổi thành tình yêu, một thứ tình yêu chân thành, tha thiết với tất cả ý nghĩa cao đẹp, trân trọng của nó.
      Tôi cố giữ kín không thổ lộ cho ai biết nhưng rõ ràng là chàng trai nào đến “coi mắt”, tôi cũng dửng dưng, lạnh nhạt, tôi không thấy ai bằng “anh Trọng của tôi” cả. Vì vậy, tôi thấy khó lòng ăn đời ở kiếp với họ.
      Có một ngưòi duy nhất đọc được nỗi lòng của tôi. Ðó là mẹ tôi. Ðôi khi ngồi một mình với tôi, bà khuyên giải tôi hết lời. Nhưng những lời khuyên của mẹ chẳng giúp ích gì cho tôi. Mẹ muốn tôi quên Trọng đi, “để cho anh đi tu” và hãy nghĩ đến việc lập gia đình cho “yên bề gia thất”. Tôi không dám cãi mẹ, nhưng trong thâm tâm, tôi không cảm thấy một chút phấn khởi gì khi lấy một người chồng mà tôi không yêu, mà người đó không phải là Trọng.
      Lần về đó, sau bữa cơm chiều, Trọng sang rủ tôi ra bờ sông dạo mát. Từ ngày biết anh quyết chí đi tu, tôi âm thầm chịu đựng một mình, buồn thì lấy mấy đứa học trò làm niềm an ủi, hoặc kèm bài vở cho mấy đứa em đang cần đến tôi - Sửu, Lam và ba đứa em của Trọng.
      Trong ba năm xa vắng, tôi chỉ nhận được duy nhất một lá thư của anh viết về thăm tôi và gia đình tôi. Trong thư anh nói anh không dám thư từ nhiều cho tôi và cả cho gia đình anh. Anh cũng không muốn nhận thư từ từ gia đình vì anh sợ sự quyến luyến của gia đình – cũng như của tôi – làm anh phân tâm, không tu học được. Anh nói thời gian thử thách đó rất quan trọng cho anh vì nếu anh “chào thua” thì sẽ thua luôn, không tiếp tục tu học được nữa.
      Trong thư anh cũng thú nhận đã có lần anh tính “bỏ cuộc” trở về đời sống cũ tại Phượng Lâm, trong đó có mái ấm gia đình anh và có tôi mà anh ví như cô em gái dễ thương, nhưng rồi anh cầu xin Chúa và Chúa lại xuống ơn cho anh được kiên trì trong ơn gọi.
 
Vì vậy luôn trong ba năm đó, tôi không gửi cho anh một lá thư nào – theo lời yêu cầu của anh. Chỉ mỗi năm một lần, khi bác Ðối lên tỉnh thăm anh vào dịp hè, lúc bác về tôi mới hỏi thăm bác xem anh có được khoẻ không. Chỉ có thế, tuyệt nhiên tôi không hỏi thêm gì khác.
Nay nghe mấy đứa em nói anh đã về, lòng tôi thổn thức bồi hồi như năm nào cùng anh quì trước máng cỏ Chúa Hài Ðồng, tôi nao nức muốn nhảy chân sáo sang nhà bác Ðối để gặp anh ngay. Nhưng đúng lúc đó, có cái gì làm tôi khựng lại. Anh sắp là Linh mục, tôi còn gặp anh làm gì nữa? Hãy quên anh đi! Và tôi nén lòng ngồi chấm bài cho học trò  -  mà nào tôi có chấm được quyển nào - cho đến lúc Trọng sang gọi tôi.
Tôi ngỡ ngàng nhìn anh đứng trước cửa. Vẫn cái dáng thanh thanh, cao cao, khoẻ mạnh, tuy có hơi đen và gầy đi, vẫn nụ cười đôn hậu và hồn nhiên, vẫn giọng nói trầm ấm ôn tồn, cái giọng mà tôi rất thích khi Trọng hát ở bè trầm...Trọng mở lời trước:
“Hiên tệ vậy thôi. Biết anh đã về mà không thèm sang gặp anh...”
Chợt nhìn thấy Trọng, không biết tại sao người tôi run lên, đang ngồi trên ghế mà tôi có cảm tưởng như muốn té xuống đất. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, tôi cảm động quá không nói nên lời. Buồn thương, hờn giận, yêu ghét... lẫn lộn trăm mối tơ vò ... đến nỗi tôi cứ ngồi đó trố mắt nhìn anh.
“Kìa, sao Hiên không trả lời anh đi?”
Tôi cố trấn tĩnh tinh thần để trả lời anh nhưng tôi vẫn luống cuống, không biết phải chống chế như thế nào.
“Em...em tính sang anh ngay khi mấy đứa nhỏ nói anh đã về. Nhưng em...em sợ anh đi đường xa nhọc mệt cần nghỉ ngơi, em chưa dám quấy anh. Vả lại...vả lại...anh sắp là Linh mục rồi, em phải...em phải...xưng hô với anh ra sao đây...?”
Trọng cười ngất:
“Em tưởng anh mặc áo chùng thâm thế này là sắp thành Linh mục rồi sao? Anh còn phải học thêm nhiều lắm, còn mấy năm nữa may ra mới xong. Nhưng anh dặn em điều này nhé, dù sau này anh đã là Linh mục thì em vẫn cứ xưng hô và gọi anh như trước. Em chịu không?”
Nhìn Trọng cười vui, trong khoảng khắc tôi quên ngay những hờn giận cũ để hòa nhập vào với niềm vui của Trọng:
“Chịu...”
Chúng tôi dắt theo hai đứa nhỏ con cô chú Viện - cô Viện là em ruột bác Ðối -  đến thăm gia đình từ mấy ngày nay, rồi cùng ra bờ sông. Ngồi trên bờ đê lộng gió, chúng tôi thả hồn theo tiếng sáo diều vi vu và ngắm cảnh mặt trời lặn phía bờ sông bên kia. Hai đứa trẻ chạy trên đê đuổi bắt những con châu chấu. Xa xa, cánh đồng lúa chín vàng sắp được gặt. Vài chú mục đồng ngất ngưởng trên lưng trâu thổi sáo đánh trâu về chuồng.
Tôi không còn nhớ rõ những điều Trọng nói với tôi buổi chiều đó nhưng tựu trung anh nói nếu anh không dâng mình cho Chúa mà ở phần đời lập gia đình thì tôi là người vợ lí tưởng của anh vì anh có “rất nhiều tình cảm” với tôi, lúc vui, lúc buồn, những kỉ niệm ấu thơ, sự gắn bó giữa hai gia đình v.v... Nhưng anh đã nghe tiếng Chúa gọi, anh không muốn đi theo một tiếng gọi nào khác, dù là tiếng gọi có nhiều mãnh lực của tình yêu. Tình yêu của Chúa đã đủ cho anh và anh no đầy trong ân sủng Chúa, anh không cần đến bất cứ tình yêu nào khác.
Cuối cùng, Trọng khuyên tôi nên lập gia đình và theo anh, chẳng phải chỉ có mình anh là xứng đáng với tôi mà còn rất nhiều thanh niên khác trong xứ, trong làng hoặc làng khác cũng rất xứng đáng với tôi...
Tôi chỉ yên lặng nghe Trọng nói, lòng tan nát, không góp một lời nào. Trọng thấy tôi lặng yên tưởng là tôi đã thuận theo ý kiến của anh nên bắt qua chuyện khác.
 
Trời tối sầm lúc nào không hay. Chúng tôi dắt tay hai đứa trẻ cùng trở về nhà. Ðàn vạc bay ngang trời bắt đầu đi ăn đêm kêu “quác, quác” nghe thật buồn và xa vắng.
 
                      ******         *******
 
Sau mười năm kể từ ngày Trọng lên tỉnh học ban Trung học, anh đã chịu chức Linh mục mùa Ðông năm đó, đúng vào dịp lễ Giáng Sinh. Lễ thụ phong tại nhà thờ chính tòa địa phận do Ðức Giám mục sở tại đặt tay. Cả hai gia đình bác Ðối và gia đình tôi đều vui mừng khôn xiết. Trọng nhận bố mẹ tôi như bố mẹ đỡ đầu vì trong những năm học hành của Trọng, chính bố mẹ tôi cũng phụ giúp với bác Ðối trong các khoản học phí, sách vở, giấy bút v.v... Dạo đó học cao rất tốn phí mà Chủng viện còn nghèo, chỉ đài thọ phần nào thôi, còn gia đình tu sinh phải lo liệu thêm. Vả lại ngoài sự giúp đỡ vật chất, Trọng vẫn coi bố mẹ tôi như bố mẹ ruột và coi tôi với mấy em tôi như em ruột Trọng. Chỉ một ngày sau khi chịu chức Linh mục, Trọng trở về Phượng Lâm để hàng xứ ăn mừng và dâng lễ mở tay.
Một sự ngẫu nhiên kì lạ giống như có một bàn tay sắp xếp trước là lễ mở tay của Trọng lại trùng đúng vào ngày tổ chức hôn lễ của tôi với Phúc - người chồng sắp cưới của tôi.
Tôi xin sơ lược về Phúc vài hàng. Phúc là đồng nghiệp của tôi từ ba, bốn năm nay tại trường tiểu học Phượng Ðình. Phúc xấp xỉ tuổi Trọng và sau khi đậu Cao đẳng tiểu học, Phúc ra Hà nội tiếp tục học.
Quê Phúc ở Phượng Xá cũng khoảng vài chục cây số cách Phượng Lâm. Mới học đưọc hơn năm, mẹ Phúc mất, Phúc phải bỏ dở việc học về quê giúp đỡ gia đình. Sau đó, Phúc xin được một chân dạy học ở Phượng Ðình, nơi tôi đang dạy. Trong mấy năm quen biết và cùng dạy với Phúc, tôi nhận thấy Phúc là một thanh niên hiền lành, tốt tính và kiến thức cũng khá rộng. Mới đầu khi nghe Phúc nói Phúc yêu tôi, muốn lập gia đình với tôi, tôi chỉ cười. Tôi nghĩ không thể nào có chuyện đó xẩy ra vì tuy rằng về văn hóa, tư cách con người, đức tính và diện mạo... không có điểm nào tôi có thể chê Phúc, trái lại, tôi có cảm tình với anh là khác. Nhưng thú thật, tôi chưa yêu ai như yêu Trọng. Tôi không thấy một người thanh niên nào khả dĩ thay thế Trọng trong trái tim non dại của tôi. Vậy lấy để làm gì cho khổ cả cuộc đời của tôi và của người ta? Tuy biết láng máng tôi còn yêu Trọng nhưng Phúc vẫn bền chí. Anh giữ phong thái đàng hoàng, đứng đắn nhưng anh tìm cách lấy lòng tôi, lấy lòng bố mẹ và các em tôi bằng đủ mọi cách.
Mẹ tôi là một “đồng chí” rất đắc lực của Phúc. Cả nhà nói mãi rồi tôi cũng xiêu lòng. Vả lại, chính Trọng cũng khuyên tôi nên đi lấy chồng. “Con gái có thì” anh nói thế và chỉ khi nào tôi lập gia đình, anh mới yên tâm về tôi. Anh viện cớ tôi như em gái anh.
Sau bao nhiêu nghi thức lỉnh kỉnh ở nhà quê lúc đó như chạm ngõ, đặt trầu, ăn hỏi, và sau khi mãn tang mẹ Phúc, gia đình Phúc và bố mẹ tôi quyết định cho tôi và Phúc làm phép cưới vào dịp lễ Giáng Sinh.
Về đến nhà, nghe tin lễ cưới của tôi, Trọng chạy ngay sang nhà tôi. Gặp anh, tôi mừng quýnh:
“Cha Trọng...”
Trọng gắt lên với tôi:
“Anh đã bảo Hiên rồi, sao Hiên không nghe lời anh gì hết. Cứ gọi anh là anh thôi. À, em sắp làm lễ cưới với Phúc phải không? Phúc là người tốt và giỏi lắm đấy.”
Tự dưng tôi thấy giận anh ghê gớm. Anh không biết  vì anh mà tôi phải lấy Phúc sao?
“Anh biết không, vì anh khuyên em mà em đi lấy chồng đó. Anh còn trách em không nghe lời anh. Ðàng nào anh cũng nói được. Anh có biết em khổ lắm không?”
Nói xong, tôi đứng khóc mùi, y như ngày xưa lúc tôi mười ba, mười bốn tuổi đầu hờn giận anh vậy. Trọng đến bên tôi, đặt một tay lên vai tôi và vuốt tóc tôi. Anh âu yếm nói:
“Anh hiểu em rất nhiều, Hiên à. Nhưng em biết đấy, chúng ta mỗi người có một con đường để đi, phân ra đôi ngả. Ngả anh chọn chông gai hơn, khó khăn hơn rất nhiều ngả em sẽ đi. Nhưng Chúa đã định thế. Chúng ta nên tuân theo ý Ngài...”
 
Do sự sắp xếp của Trọng và sự đồng ý của cha xứ, lễ mở tay của Trọng được định vào sáng thứ bảy tuần đó và đặc biệt trong lễ mở tay, Trọng có nhã ý làm phép cưới cho tôi với Phúc.
Lúc trao nhẫn vào tay Phúc, tôi quá cảm động và luống cuống để chiếc nhẫn tuột khỏi tay, chú giúp lễ đứng cạnh phải nhặt giùm tôi.
Tâm trạng tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì tôi sắp là vợ, là mẹ, tôi sắp có bổn phận với người chồng ăn đời ở kiếp với tôi. Buồn vì tôi chỉ có một giấc mơ trong  đời mà giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Mãi mãi chỉ là mơ thôi. Mãi mãi chỉ là đôi ngả song song như Trọng nói.
Lấy Phúc chừng được hơn một năm, chúng tôi có đứa con đầu lòng, bé Phượng, tôi lấy tên xứ đạo đặt cho con gái. Thỉnh thoảng Trọng về thăm chúng tôi từ một giáo xứ nghèo nàn , heo hút vùng biển. Trọng đòi bế bé Phượng lúc đó mới tám, chín tháng mũm mĩm, dễ thương vô cùng, đôi mắt đen láy giống mắt tôi như đúc.
Tôi bảo con vừa trao bé Phượng cho Trọng:
“Con ra cha Trọng... à... bác Trọng bồng đi con!”
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
 
                               

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire