mardi 17 décembre 2013

"Văn Cao của Toán" - Một phận người

 

http://youtu.be/eXkkHPk-PlM

Mời các bạn xa gần cùng chia sẻ cảm xúc với LeVideo qua phim video "VĂN CAO CỦA TOÁN" - MỘT PHẬN NGƯỜI vừa được hoàn tất nhân Triển lãm ảnh lần đầu tiên của nhà báo Nguyễn Đình
Toán diễn ra tại Không gian văn hóa Việt, số 16 phố Lê Thái Tổ, Hà Nội trong các ngày 15 - 17 tháng 11 năm 2013 vừa qua. Không chỉ trưng bày những bức ảnh đẹp và có hồn về chân dung nhạc sỹ Văn Cao đáng kính trọng, Triển lãm còn đem lại cơ hội cho chúng ta cùng bày tỏ những suy tư, chiêm nghiệm một cách thành thực về thân phận của các văn nghệ sỹ tài năng nhưng lắm truân chuyên để người đời cần không chỉ yêu mến họ là đủ mà nên có cả cảm giác mang ơn hay mắc nợ họ. Xin cám ơn Nguyễn Đình Toán đã khởi đầu cho một tiến trình không dễ dàng nhưng chắc chắn là không thể đảo ngược để nhìn nhận lại quá khứ thăng trầm của làng văn nghệ với con mắt khách quan và trên hết là nhân văn hơn qua chân dung của các văn nghệ sỹ đích thực - một vốn quý vô giá cần trân trọng và gìn giữ của văn hóa nước nhà!



NGUYỄN TRỌNG TẠO
Chiều 15.11.2013, ngày Nghệ sĩ đa tài Văn Cao tròn 90 tuổi, cũng là lần đầu tiên Nguyễn Đình Toán bày triển lãm ảnh, mà toàn ảnh Văn Cao. 27 bức ảnh đen trắng chụp bằng phim âm bản như làm sống lại người nghệ sĩ đa tài đã đi xa 18 năm nay. Niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, gia đình, bạn bè của người nghệ sĩ trân kính… là nỗi ám ảnh khôn nguôi trên từng bức ảnh mà Toán tâm đắc. Có một sự trùng hợp thú vị là triển lãm ảnh Văn Cao của Toán tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Đức (cũ) cũng là nơi đúng 70 năm trước Văn Cao đã trưng bày những bức tranh đầu tiên của ông. Một cuộc triển lãm không chỉ gây bất ngờ với những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, yêu Văn Cao, yêu Toán, mà còn khiến cả chính chủ nhân của những bức ảnh cũng sững sờ trước công chúng của mình. Cuộc triển lãm nhỏ thôi, nhưng đã làm xôn xao công chúng và báo giới. Nhiều tờ báo đưa tin, đưa bài trang trọng. Nhiều trang mạng cá nhân gửi lên những cảm xúc và hình ảnh nóng hổi.


Điều gì đã hấp dẫn báo giới và công chúng đến vậy? Một câu hỏi không khó trả lời. Đó là Văn Cao của mọi người, nhưng cũng là Văn Cao của riêng Nguyễn Đình Toán.
Cuộc đời người trong ảnh
Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, một nhà hoạt động đầy số phận rủi may. Ông nổi tiếng từ năm 16 tuổi với ca khúc “Buồn tàn thu” đẹp tuyệt vời, nổi tiếng với thơ và hoạ, nổi tiếng là tác giả Quốc ca Việt Nam… Trong những năm đất nước chia cắt, nhạc của ông vang lên trên đài phát thanh của cả 2 phía “chiến đấu” lẫn nhau. Văn Cao cũng là nhân vật tham gia nhóm Nhân văn – Giai phẩm, tuy không bị khai trừ ra khỏi đảng CS (vì là tác giả Quốc ca), nhưng sau đó ông phải sống một cuộc đời lặng lẽ, vẽ minh hoạ cho báo và viết nhạc nền cho kịch để sống, và mãi 30 năm sau mới được trở lại với Thi đàn bằng tập thơ LÁ. Ngay cả bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” viết năm 1976 sau khi nước nhà thống nhất cũng không được thu thanh, cho mãi đến ngày ông mất mới xuất hiện trong cuốn băng VCD chân dung ông.
Ai cũng biết Văn Cao là nghệ sĩ đa tài cầm kỳ thi hoạ. Người ta yêu những bài hát của ông không chỉ vì đấy là những bài hát cách mạng mang hồn thiêng sông núi, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, mà còn yêu tâm hồn lãng mạn của ông với những “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Bến Xuân”… Trịnh Công Sơn coi âm nhạc Văn Cao sừng sững như núi, sang trọng như một ông Hoàng, còn âm nhạc của Sơn là những cánh đồng. Ánh Tuyết nổi tiếng vì biết chọn cho giọng hát của mình những ca khúc Văn Cao. Thơ Văn Cao lại chứa đầy khát vọng cuộc sống cùng với những khám phá cách tân mới lạ và độc đáo, tạo nên những ám ảnh ngôn từ mà lớp nhà thơ trẻ một thời luôn ngưỡng vọng. Khi 20 tuổi ông xuất hiện như một hoạ sĩ tài hoa, hai lần có tranh triển lãm Salon Unique cùng các họa sĩ nổi tiếng, tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức (1943 – 1944) Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm. Đặc biệt tác phẩm Cuộc khiêu vũ của những người tự tử (Le Bal aux suicidés) được báo chí đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Ông cũng tạo nên một làn sóng ái mộ bởi những tranh minh hoạ và bìa sách với phong cách Văn Cao.

Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Lớp trẻ thời nay ít biết một con người khác trong Văn Cao, đó là con người cách mạng. Ông tham gia đội biệt động diệt ác trừ gian của Việt Minh từ trước 1945, và đã bắn hạ tên Việt gian Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng. Năm 1946, Văn Cao được cử cùng Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Trung Bộ. Đầu năm 1947 ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10, và ông được giao nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để lập ra một phòng tuyến bảo mật ở biên giới phía bắc. Văn Cao cũng giữ nhiều chức vụ trong văn hoá văn nghệ kháng chiến như Uỷ viên ban chấp hành Hội văn hoá cứu quốc, Uỷ viên BCH hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá đầu tiên… Một con người tài ba như thế, bỗng chỉ vì vài bài thơ đăng trên báo Giai phẩm với tư tưởng tự do nghệ thuật, cảnh tỉnh sự biến chất, thoái hoá của tinh thần cách mạng mà bị “treo bút” suốt mấy chục năm liền. Những ca khúc tiền chiến và cả những ca khúc cách mạng của ông không được trình diễn trên miền Bắc XHCN, trừ bài Tiến quân ca tức Quốc ca Việt Nam cho đến thời kỳ đổi mới, khi ông đã gần 70 tuổi. Để rồi sau khi ông mất, người ta đã dựng tượng ông, đặt tên đường Văn Cao cho Thủ đô Hà Nội và gần chục tỉnh thành khác.
Ông chủ ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ.
Nguyễn Đình Toán là một người lính, một pháo thủ phòng không trong chiến tranh, về hưu sớm. Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với Văn Cao, người nghệ sĩ đa tài, đa gian truân, anh đã có sự đồng cảm chia sẻ sâu sắc. Anh như thấu hiểu số phận nghiệt ngã của Văn Cao, để rồi nhiều ngày, Toán đã đến nhà ngồi ngắm và chụp ảnh ông. Mà không chỉ với Văn Cao, Toán còn tìm đến với những Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu… những văn nghệ sĩ cùng chung số phận với Văn Cao sau vụ Nhân văn – Giai phẩm. Với chiếc máy ảnh cà tàng và những cuộn phim đen trắng, anh đã lưu giữ vô vàn hình ảnh về những con người đó.
Nhưng với Văn Cao, có một điều gì đó thật đặc biệt. Ông nhỏ con gầy gò và hay bị đau ốm. Toán như sợ ông không sống được lâu. Vì thế, anh chụp ảnh ông không biết chán. Văn Cao ngồi nhà với chén rượu buồn. Văn Cao vào bệnh viện. Văn Cao đi thăm bạn hay đón bạn bè nghệ sĩ đến thăm nhà, Toán đều xuất hiện. Ảnh Văn Cao của Toán ghi lại nhiều khoảnh khắc trầm tư, cô đơn mà ít gặp nụ cười của người nghệ sĩ đã tận đỉnh vinh quang. Ta gặp lại một “Ông Tiên buồn” dưới hai màu đen trắng.Văn Cao  với Võ Nguyên Giáp, với Trịnh Công Sơn, với Thái Bá Vân, với Nguyễn Thiên Đạo, với Phạm Duy, với Thanh Thảo, với Nguyễn Trọng Tạo, với Nguyễn Thuỵ Kha, với Nguyễn Huy Thiệp và với cả những con người hâm mộ chưa hề quen biết. Những bức ảnh của Toán chụp Văn Cao đâu chỉ là ánh sáng hay bóng tối, đâu chỉ là máy tốt hay máy xấu, đâu chỉ là kỹ thuật hay không kỹ thuật… mà đó là tấm lòng vui buồn cay đắng của nghệ sĩ với nghệ sĩ. Có lẽ vì thế mà cuộc triển lãm này của Toán đã làm chấn động lòng người…
Nguyễn Đình Toán nổi tiếng đã lâu, nhưng anh không thích người ta gọi mình là Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tôi gọi anh là Nhiếp ảnh gia thì anh cười: “Nhiếp ảnh gia hay Nhiếp ảnh xương thì cũng chả sao”. Nhưng Nhiếp ảnh gia thì có vẻ đúng với anh hơn.
Tôi chợt nhớ có lần thăm Hội Nhà Văn Trung Quốc, họ bảo gọi Nhà thơ là Thi sĩ có nghĩa là đã hạ Nhà thơ xuống một bậc. Bởi Thi sĩ ở Trung Quốc phải có tầm cỡ thì mới được gọi là Thi nhân. Và Thi Nhân rồi mới tới Thi gia.
Nhưng đối với Nguyễn Đình Toán thì tất cả những điều đó cũng chẳng quan trọng dân trọng gì. Cái đáng trọng nhất ở anh là Tự nhiên. Tự nhiên nhi nhiên là đạt Đạo. Cũng đúng như ảnh của anh vậy. Không bố trí. Không cố tình. Không cậu nệ. Thích thì chụp không thích thì thôi. Đã không thích thì có các vàng cũng không. Thế nên ai chơi với anh cũng quý, cũng trọng.
Hầu như vài ba chục năm nay, ngày nào cũng thấy Photo Nguyễn Đình Toán xuất hiện trên mặt báo. Ảnh về dân văn nghệ, sự kiện văn nghệ. Có thể nói, anh là Thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ. Có những kho ảnh vô cùng quý hiếm, tỉ như ảnh các nhân vật trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Đến khi tôi viết bài này, chỉ còn mấy vị trong nhóm chưa thăng. Anh chụp họ vì anh trọng họ, anh say mê họ. Cứ như là Trời đày anh xuống trần gian này để ghi lại những khoảnh khắc sáng tối của họ.
Người thầy mà Nguyễn Đình Toán quý trọng yêu thương nhất là Võ An Ninh. Võ An Ninh chụp Sa Pa. Còn anh thì chụp Võ An Ninh trên nền Sa Pa. Cụ Ninh đốt những tấm phim mà cụ không thích. Cụ không muốn để người ta thấy những tấm ảnh tấm phim mà mình không thích. Nguyễn Đình Toán rất nể phục cái cách xử thế của cụ Ninh với tác phẩm của chính cụ. Còn anh thì thú nhận là anh không xử được như cụ. Thế mới là Toán.
Tôi xem ảnh của Toán đã nhiều, nhưng vẫn bất ngờ trước những bức ảnh Văn Cao được công bố lần đầu. Tôi thấy cả nụ cười và nước mắt của người chụp ảnh và người “mẫu”, một người mẫu lầm lụi trong cô đơn và oai phong trong thành tựu.
Nguyễn Đình Toán còn lưu giữ nhiều “mẫu nghệ sĩ” quý hiếm. Hy vọng sau Văn Cao sẽ là những trải lòng khác của anh.
Hà Nội 11.2013

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire