mercredi 15 janvier 2014

Truyện Ngắn Ăn Tết Trên Thuyền Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

Truyện Ngắn

      

         Ăn Tết Trên Thuyền

      
                 * Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
                              
                    
 
Gia đình tôi đang làm ăn ở thành phố Hải Phòng thì xẩy ra cuộc chiến tranh Pháp-Việt bắt đầu từ  ngày 26-12-1946.
Bố mẹ tôi quyết định phải rời thành phố về quê lánh nạn vì trong thành phố lúc đó, hai bên đánh nhau dữ dội lắm.
Cũng giống như ở Hà Nội, Nam Định và nhiều thành phố khác, toàn dân Hải Phòng, trong đó có bố mẹ và anh chị em chúng tôi, đã đứng lên diệt thực dân Pháp để giành Độc lập cho nước nhà. Bố tôi cùng với một nhóm đồng chí (Việt Nam Quốc Dân Đảng) đi cướp súng của Pháp ở Sáu Kho, Cảng Hải Phòng, chỉ lấy được dăm khẩu súng trường và một khẩu tiểu liên Thompson nhưng trong nhóm anh em, một người chết, ba người bị thương, trong đó có bố tôi. Bố tôi may chỉ bị nhẹ, hai người kia trọng thương, gia đình họ chuyển họ đi đâu chúng tôi cũng không rõ, chỉ có bố tôi là biết nhưng ông không cho gia đình biết những chuyện ấy bao giờ.
Nhờ mẹ tôi và các anh chị tôi săn sóc, bố tôi đã lấy lại sức, vết thương lành dần không làm độc (nhờ thuốc Dagenan uống và bôi) rồi bố tôi cùng gia đình tản cư ra khỏi thành phố Hải Phòng, lúc đó không khác một lò lửa và cái máy chém.
Mục tiêu cần phải tiêu diệt là bọn mũi lõ, mắt xanh và tất cả những đồn binh, trại lính, quân nhu, quân cụ
Tôi còn nhớ một trại lính Pháp ở trên đường xuống Cầu Rào (Hải Phòng) cháy mấy ngày đêm, hình như cháy một kho xăng, khói đen bốc lên mịt mù một góc trời. Nhà cất sát nhau trên những dẫy phố bị đục tường để đi thông qua nhau kháng chiến, vì thế không căn nhà nào còn nguyên vẹn vì tường lở, mái sập, hình ảnh chiến tranh phô bày ra khắp mọi phố xá, ra cả ngoại ô, cho đến lùm cây bụi cỏ.
Chủ tịch nước VNDCCH là ông Hồ chí Minh lại ra lệnh “tiêu thổ kháng chiến” thực hiện kế sách “đồng không nhà trống” để bao vây quân Pháp nên 70-80% nhà cửa, tài sản của dân chúng lúc đó bị phá hủy tan nát hoặc làm mồi cho ngọn lửa. Căn phố bố mẹ tôi mua ở đường Chavignon, số nhà 37 (dân chúng gọi nôm na là phố Cố Đạo vì hình như dẫy phố này được xây cất do Tòa Giám Mục Hải Phòng, lúc đó còn Đức Cha Lễ (tên VN) và các Linh mục ngoại quốc như Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bồ đào Nha v.v...) căn phố này khi chúng tôi rời khỏi cũng đã bị các anh em Tự Vệ Thành đục thông tường  làm các ổ kháng chiến.
Cuối cùng, VM rút lui an toàn ra khỏi thành phố nhường quyền làm chủ cho Pháp. Pháp và lính của Pháp không chết bao nhiêu vì súng đạn và cơ giới của chúng tối tân hơn VM rất nhiều. VM, đối lại, dù vũ khí thô sơ nhưng đánh theo lối du kích, kiểu chó cắn trộm khi đối phương không ngờ, lại lẩn như những con chuột trong những căn nhà ăn thông với nhau, hơn nữa lực lượng còn quá ít ỏi chỉ xua dân chúng xung phong làm bia đỡ đạn, nên VM cũng bảo toàn được lực lượng vốn chưa có bao nhiêu. Chỉ dân chúng chết, thành phần thanh niên xung phong chết nhiều nhất vì thanh niên với bầu máu nóng, với nhiệt tâm đối với Quốc gia Dân tộc (chứ không phải với Việt Minh Cộng sản vì lúc đó hầu hết dân Việt chưa biết CS là gì, một số biết thi rất ghét), họ không thể ngồi nhìn kẻ xâm lược ù lì ngoan cố kéo dài ách đô hộ trên đầu trên cổ dân Việt. Họ tự tổ chức đoàn ngũ (giống như bố tôi và các bạn đồng chí), đặt ra người chỉ huy và bày mưu tính kế đi cướp súng, cướp đạn của Pháp để diệt Pháp. Cán bộ VM đã bắt được liên lạc với họ và những lực lượng này trở nên lực lượng chủ yếu diệt Pháp lúc đó vì thực sự, một năm trước, khi cùng toàn dân cướp chính quyền, lực lượng VM chỉ lèo tèo một, hai tiểu đội với dăm khẩu súng trường Garant bắn viên một của Pháp.
Trong cơn binh lửa, gia đình tôi may mắn thoát ra khỏi thành phố Hải Phòng mà nhiều gia đình ngưòi thân, quen bị kẹt lại vì súng đạn quân Pháp bắn ra rất dữ dội. Một gia đình bạn của bố mẹ tôi, gia đình hai bác phán Quế, có nhà ở cùng phố, khi mới có tiếng súng thì hẹn hò với bố mẹ tôi là sẽ cùng đi tản cư với nhau, nhưng rồi khói lửa súng đạn dữ dội quá, mạng người thua mạng súc vật, ai nấy bắt buộc phải chạy cho nhanh ra khỏi thành phố nên xẻ đàn tan nghé, có những người đến lúc chết cũng không được gặp lại nhau.

Chặng đầu tiên gia đình tôi nghỉ lại là tỉnh Kiến An. Gọi là tỉnh nhưng đó là một thị trấn nhỏ, thưa thớt. Bác Hữu, anh họ bố tôi, đang sinh sống ở đó với nghề sản xuất vịt con, trứng vịt và làm nông. Đàn vịt đang đẻ của bác lúc đó cả ngàn con, mỗi ngày thâu được dăm, bảy trăm trứng nhưng bác Hữu nói số lượng lúa, bắp cung cấp cho chúng ăn cũng không ít gì. Vịt ăn cho mập nhưng không chịu đẻ hoặc đi đẻ bậy bạ ở ruộng của người ta, ấy là bị lỗ. Bác nuôi ba thằng bé chăn vịt khoảng 13, 14 tuổi cho ăn uống tử tế và trả công bằng thóc cho bố mẹ chúng.
Kiến An tương đối ít giao chiến hơn Hải Phóng ít ra là cho đến sáng hôm sau, sau khi gia đình tôi rời Kiến An. 
Người chạy ngược, kẻ chạy xuôi đầy đường. Xe ngựa, xe bò, xe đạp, lâu lâu mới thấy một chiếc xe đò. Đông nhất là gồng gánh, đi bộ lôi thôi, lếch thếch. Tôi chợt nhớ đến đàn vịt của bác Hữu  dưới những ngọn roi của mấy đứa chăn, mỗi đứa một bên, lùa đâu thì đàn vịt chạy ùa vào đó. Dù còn nhỏ, tôi cũng biết nghĩ là dân tộc tôi, một dân tộc biết cương thường, đạo lí, biết cái nhục vong quốc, đã từng vùng lên với các bậc anh hùng của mình như vua Quang Trung, Đức Thánh Trần, vua Lê Lợi v.v... đánh đuổi xâm lăng, đem lại Độc lập, Vinh quang và thanh bình cho đất nước mà đến giờ này lại bị các mưu đồ của hai phe Tư Bản và Cộng sản tranh giành làm bá chủ thế giới, dưới chiêu bài ý thức hệ, lùa dân tộc Việt vào quĩ đạo của chúng y như một đàn vịt để rồi tan tác phân li, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, máu chảy thành sông; xương chất thành núi.
Sau hơn một tuần đi bằng đủ thứ phương tiện và đi tắt đi băng qua nhiều xóm thôn, làng mạc, cực khổ trăm bề, mặc dù bố mẹ tôi đã chịu khó chi tiền xe cộ, ăn uống và trả công cho những người dẫn đường bởi nếu không có họ, chúng tôi không biết chỗ nào vào chỗ nào, có khi sa vào giữa trận địa mà không hay hoặc đi vào con đường cùng không có lối ra v.v...bởi lúc đó chưa có bản đồ, mọi sự đi lại chỉ dùng trí nhớ với cái cột mốc là cây cổ thụ này, cái miếu, cái đình kia làm chuẩn.(hon-viet.co.uk   trang Văn học NT)
Chúng tôi về đến nguyên quán với nỗi mừng không bút nào tả xiết. Tôi nhìn thấy cái cổng làng và cây đa đầu làng mà trong lòng xúc động đến rơi lệ.  Nơi đây là chốn chôn nhau cắt rốn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và của tôi làm sao tôi có thể quên được?
Vẫn là tuổi thiếu niên mới lớn, dở dở ương ương, ăn không no, lo chưa tới với chút xíu vốn liếng tiểu học, học rồi bỏ, bỏ rồi học lại vì thời thế và sinh kế gia đình, nhiều lúc ngồi nghĩ, với tình thế chiến tranh ngày một lan rộng, với việc mưu sinh bức thiết hàng ngày, có lẽ rồi tôi cũng như nhiều thanh, thiếu niên trong làng, trong xóm, sẽ phải đi chiến đấu rồi may ra sống sót mà về, mong cho có vài sào ruộng ở làng, cày sâu cuốc bẫm, tay làm hàm nhai sao cho yên phận một anh nông dân. Thế là xong, chứ mong gì được học được hành, bằng này cấp kia nở mặt nở mày với đời.
Quê tôi lúc đó còn khá yên mặc dù đã nhen nhúm hai phe Quốc gia và Cộng sản ở từng làng, từng tổng để sau này bùng lên tàn sát nhau. Chúng tôi ở quê được vài tuần thì sắp đến cái Tết Mậu Tí (1948, cách đây vừa đúng 60 năm, một lục thập hoa giáp), vào khoảng hơn nửa tháng nữa.
Chú Ba, chú kế với bố tôi, hỏi mẹ tôi cho tôi đi thuyền theo chú vào Thanh Hóa buôn dưa hấu một chuyến bởi tôi có nói riêng với chú để chú nói với mẹ tôi cho tôi đi.
Sau lần suýt chết ở Sáu Kho, bố tôi liên lạc lại với anh em trong nhóm. Lần này, ông dặn dò mẹ tôi rồi đi Thái Bình; mọi việc trong gia đình đều do mẹ tôi quyết định. Mẹ tôi chịu ảnh hưởng bố tôi, thường quan niệm con trai phải đi ra ngoài xã hội va chạm với đời thì mới học hỏi được nhiều điều hay. Bố mẹ tôi không muốn anh tôi và tôi tối ngày cứ ru rú trong nhà, quanh quẩn xó bếp, rốt cuộc chẳng biết cái gì. Vì vậy, khi nghe chú Ba đề nghị cho tôi đi theo chú vào Thanh Hóa buôn dưa, bà bằng lòng.
Vài bộ quần áo bỏ vào cái túi xách, một cái mũ cói đội trên đầu, chân dận đôi bata mẹ mới mua cho ở Hải Phòng, tôi chào mẹ, các anh chị rồi theo chú Ba và hai thằng em trai con của chú, Bình và Bảng, 22 và 20 và Bảo, con gái út của chú đã 17 tuổi, cùng nhau xuống thuyền. Ngoài ra còn có chú Dinh, một người làm công cho chú Ba, năm đó cũng khoảng trên 50 tuổi, rất quen sông nước, đã vượt biển vào Thanh Hóa nhiều lần và một anh chân sào nữa, anh Vỹ, để phụ với Bình và Bảng. Coi như tôi ít tuổi nhất, kế tôi là Bảo, con gái chú.
Đầu tiên, các chân sào phải dùng sào đẩy thuyền đi trong sông nhỏ ra sông Ninh Cơ, có khúc phải đeo giây thừng vào vai mà kéo. Ra đến sông Ninh Cơ, khúc Hành Thiện, công việc đã nhẹ bớt một phần vì sông lớn (nhánh của sông Hồng Hà), tính toán nước ròng mà đi. Gió không lớn chỉ hiu hiu, mùa này ra biển là xuôi nước nên mấy anh chân sào lúc này có quyền ngồi nghỉ, hút thuốc vặt, tán gẫu. Khúc sông nào có thể kéo buồm thì chúng tôi kéo buồm lên đi cho nhanh. Khúc nào không thuận gió, không thuận nước thì lại phải kéo giây và chèo vì lúc đó chưa thuyền nào loại này có máy đuôi tôm như ngày nay. Hơn nữa, người lái thuyền phải biết tính con nước lên hoặc nước ròng và hướng gió mà cho thuyền đi hoặc đậu lại chờ. Ngư phủ nước ta dạo đó đã biết lợi dụng thiên nhiên rất nhiều nên dù chưa có máy móc, họ cũng hành nghề thoải mái.
Đi thuyền thế này phải ăn ngày ba bữa, bữa nào cũng cơm, mới chịu nổi. Gió biển, gió sông mát rượi lại hoạt động, cất nhắc hoài nên rất mau đói. Tôi không hiểu thím Ba mua được thứ gạo đỏ mới gặt mùa rồi ở đâu mà cơm ăn cứ ngọt lịm như mía hấp. Hột gạo mầu đỏ hồng trông rất đẹp, hạt nào hạt ấy mập tròn chứ không dài như gạo trắng. Lúc chín, cơm dẻo và mềm, đơm vào cái chén men trắng trông đẹp và dù còn no cũng muốn ăn vì cái mùi ngát ngát thơm thơm, cái vị bùi bùi, ngọt ngọt ăn cơm không cũng thấy ngon. Gạo có nhiều nhựa nên nấu ít nước nhưng cơm luôn luôn mềm dù để nguội từ sáng đến chiều.
Mùi thơm của gạo đỏ không phải là mùi thơm gạo tám soan quí phái nhưng là mùi thơm nồng nàn, ấm áp và đậm đà của người nông dân.
Khởi hành từ 6 giờ sáng, thuyền đi qua Lạc quần, cống Múc, Ninh Cường (nơi có trường Latinh), xuống tới Quần Liêu thì tối. Chúng tôi cho thuyền vào kênh và cắm sào ngủ ở đó.
Kênh Quần Liêu là con sông đào (dài khoảng hơn cây số, tôi không nhớ rõ lắm) để nối hai con sông Ninh Cơ và sông Đáy (khúc Quần Liêu là gần nhau nhất) cũng tựa như kênh đào Panama, nối Thái bình Dương và Đại tây Dương với nhau. Nhờ con sông này mà thuyền bè qua lại đỡ được mấy ngày thuyền, nếu không, thuyền phải ra cửa biển và vòng trở lại.  Chú Ba nói chú có nhiều bạn quen ở trên bờ nhưng chú không muốn lên đó ngủ qua đêm, e làm phiền người ta. Để lúc về, nếu còn thì giờ, chú sẽ cho anh em chúng tôi lên chợ Quần Liêu chơi một lúc cho biết.
Ngày hôm sau chúng tôi qua sông Đáy. Con sông này lớn và chảy xiết hơn sông Ninh Cơ. Có lẽ lúc đó chưa có bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng, hay đã có mà chưa phổ biến đến vùng quê tôi nên tôi không biết chăng? Nhưng khoảng mấy năm sau, cứ nhìn thấy sông Đáy, tôi lại nhớ mấy câu thơ dễ thương của ông:
 
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phú Quốc
Sáo diều hiu hắt thổi đêm trăng
Và:
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Giấc mơ của Quang Dũng cũng như của hàng chục triệu người Việt mãi mãi vẫn chỉ là “giấc mơ thôi” vì đất nước chưa bao giờ được thanh bình thực sự, sắc mầu chinh chiến tới năm 1975 không còn nữa nhưng người dân vẫn đói khổ lầm than, vẫn chưa được hưởng tự do, dân chủ, vẫn bị đè nén, bức hiếp, thua một con chó tại Âu Mỹ! Ngay cá nhân Quang Dũng, nguyên Tiểu đoàn trưởng TĐ Tây Tiến, chỉ vì mấy bài thơ có đôi chút lãng mạn, ông bị hạ tầng công tác, bị ruồng bỏ đau buồn quá mà sinh bệnh rồi qua đời. Ông đã hi sinh hết cả cuộc đời cho chủ nghĩa CS (mà lúc đó ông không biết) nhưng rồi bọn cầm đầu không còn nhớ gì công lao vào sinh ra tử của ông, hất ông xuống một cách nhục nhã!).
     
Đi hết sông Đáy, tới cửa sông, bao la bát ngát rộng lớn vô cùng. Con thuyền nhỏ nhoi của chúng tôi chẳng thấm thía gì.
Ra khỏi cửa sông, chúng tôi ra biển. Chú Ba nói cho tôi biết đi đường biển này vào Thanh Hóa thì gần hơn đường sông nhiều nhưng khó đi hơn. Dù không có bão gió lớn nhưng mấy hôm nay biển động, con thuyền trườn lên tuột xuống khá mạnh. Rất may dạo đó, tôi bớt bị say sóng, còn Bảo thì nằm thẳng cẳng nhưng may không đến nỗi ói mửa. Chú Dinh cầm lái, chú giữ cho thuyền luôn luôn gối sóng và lướt theo sóng nên thuyền không bị vặn ngang, không gây ra những tiếng “rắc,rắc” chuyển động mạnh vào sườn thuyền làm vỡ thuyền.
Thuyền vào cửa sông Mã lúc trời vừa tối. Xong được chặng biển nguy hiểm, gian nan, chú Ba và chúng tôi đều mừng. Chú Dinh nói:
“Dù đã vượt biển và quen đi sông nước nhưng không thể thị tài, coi thường thiên nhiên. Bây giờ đang sóng lặng, gió êm đó, nhưng lát nữa, một cơn giông bất thình lình ụp tới, rồi mưa bão thế là thuyền có thể đắm như chơi. Vì vậy luôn luôn phải đề phòng!”
Chúng tôi bỏ neo để thổi cơm ăn và ngủ qua đêm vì suốt ngày vượt biển, thuyền chao đảo không thể thổi cơm được vả lại Bảo cũng nằm say sóng suốt ngày. Đi thuyền, canh rau ít ăn vì rau để lâu hư cũng có mà phần lớn vì chật chội, khó nấu nên chỉ nồi cơm và ấm nước chè khô là quan trọng, người đi thuyền chỉ cần hai thứ đó. Thức ăn mặn có cá khô hấp nồi cơm, hoặc rang trong nồi rang, một vại cà ghém hoặc giưa chua đã muối sẵn từ nhà, một hũ mắm tôm, hoặc mắm tép, mắm cáy, cứ thế cơm gạo đỏ đơm ra, dùng tay gỡ vài mảnh cá khô, cơm nóng nhai với cá chim khô, nó ngon làm sao! Lại còn giưa chua chấm nước mắm chắt, cà ghém mắm tôm, nồi cơm Bảo nấu to tướng mà bữa nào cũng hết nhẵn. Ăn xong, làm hùng hục, bắp thịt nổi cuồn cuộn, sáng mắt trong lòng, một bát nước chè khô đoạn hậu ấy là có thể nhảy xuống biển giỡn chơi với cá mập!
Ngày tư ngày Tết nói đùa cho vui vậy thôi chứ anh Vỹ, Bình, Bảng và tôi, bốn thằng thanh niên khoẻ mạnh và trai trẻ, thỉnh thoảng vẫn thấy đàn cá mập (cũng gọi là cá nhám, cá mập nhỏ) đi theo thuyền rình mò cả mấy cây số. Chắc chắn ở sâu hơn cũng có những con bố, con mẹ to hơn nhiều đi theo con. Cá mập luôn luôn đói, cạp cả cây cả gỗ nuốt cho đầy bụng nên thấy người đi qua đi lại trên thuyền, chúng thèm nhỏ rãi. Bơi qua bơi lại nhởn nhơ coi rõ hiền lành mà mình không may rớt xuống thì chúng xực mình chỉ mươi lăm phút, xương cũng chả còn.
Khoảng 9 giờ sáng vào ngày thứ 5 của chuyến đi, chú Ba để cho chú Dinh coi thuyền, ngoắc bọn trẻ tụi tôi lên mấy vườn dưa mua dưa hấu.
Dưa hấu bạt ngàn san dã, nhìn đâu cũng thấy dưa hấu. Giây trên luống đã tàn, đã héo chỉ còn lổm ngổm trái là trái. Chừng vài luống ngắn ngắn, nếu đếm cũng vài, ba chục trái, giống dưa quá sai trái! Người đàn bà tên Ninh, chủ vườn, tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Giọng Thanh hóa của bà tôi nghe không quen nên có tiếng bắt không được. Tôi chợt nhớ bố tôi nói người Tàu có cả mấy chục thứ ngôn ngữ (ông đã sang Tàu, Côn Minh, Vân Nam, Thượng hải...)và có những vùng không hiểu nhau, phải bút đàm chữ Hán mới hiểu.
Bà Ninh mời chúng tôi ăn nếm dưa xem ngọt ngon ra sao. Nhìn bà thoăn thoắt bổ dưa với hai bàn tay thô kệch, gân guốc không có vẻ gì là bàn tay của phụ nữ, tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường đối với người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng không phải, mãi đến chiều, tôi mới hay cớ sự.
Một quả dưa ruột đỏ tươi. Quả này nhiều người thích vì họ tin rằng dưa đỏ thắm như thế, đầu năm bổ ra, cả năm sẽ được may mắn. Quả kia ruột vàng như nghệ, trông cũng đẹp. Cả hai quả đều ngọt. cát lớn, da xanh đen,  nhẵn thín, to như cái lu nhỏ.
Tôi để ý những luống đất thấy đất pha nhiều cát, thảo nào dưa chả ngọt. Dưa hấu chỉ thích đất cát, ghét đất thịt. Chú Ba đặt cọc bà Ninh mua hơn trăm trái, hẹn mai bà cho người gánh dưa xuống thuyền. Xong, chú Ba lại dẫn chúng tôi đi mấy khu vườn khác. Mục đích của chú là mua loại dưa ngon đem về bán mới chạy. Chú nhất định không mua dưa xấu, dù giá có rẻ một nửa.
Buổi trưa hôm đó, khi đi ngang qua mấy thửa ruộng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy toàn đàn bà theo trâu hoặc bò cày ruộng. Vào căn nhà gần đó hỏi xin nước uống lại thấy một người đàn ông đang nằm trên võng ru con cũng y như ông chồng bà Ninh sáng nay là người đầu tiên chúng tôi vào hỏi mua dưa.
Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên của tôi với chú Ba buổi tối hôm đó lúc ăn cơm thì chú giải thích:
“Vùng này (chú có nói tên nhưng lâu quá không nhắc tới, tôi đã quên mất địa danh, hình như nó cũng không xa với Ba Làng) người ta còn theo chế độ mẫu hệ trong gia đình. Việc nặng nhọc như cày bừa, khuân vác, làm nhà, bổ củi...cũng như quyền quyết định những việc hệ trọng trong gia đình là thuộc về người đàn bà. Đàn ông chỉ ẵm con, cho con ăn, nấu nướng và các việc nội trợ khác. Tóm lại, vai trò của người vợ, người mẹ ở đây dành cho đàn ông và vai trò người chủ gia đình, người chồng, người cha dành cho đàn bà!”
Tôi nói đùa với chú, có Bình, Bảng và anh Vỹ phụ họa, tán thành:
“Như vậy làm đàn ông ở đây sướng hả chú? Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Cơm no bò cưỡi, nằm võng ôm con cả ngày!’
Chú Ba cười:
“Ừ thì dăm tuổi nữa mày vào đây lấy con vợ đi! Chao ơi, đừng có ham. Coi vậy chứ không sướng đâu. Như chú đây, làm gì thì làm chứ cứ ôm con và thổi cơm, rửa bát, quét nhà thì chú chịu. Đàn bà ở đây họ khôn đấy. Họ đẩy “việc nặng” cho đàn ông.”
Nghe chú nói đùa, chúng tôi cười ồ. Lúc đó tôi nghĩ đàn bà ở đây ham quyền bính trong gia đình vì cái quyền này cho phép họ làm chủ hết cả, cai quản hết cả, từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhưng quyền lợi đi đôi với bổn phận, mặc nhiên họ phải đảm đương việc mưu sinh và gánh vác mọi việc nặng nhọc cho người đàn ông, kẻ thứ yếu chỉ biết làm những việc lặt vặt trong gia đình.
Sau này, khi lớn khôn hơn, tôi mới nghiệm ra người đàn bà ở hầu hết mọi nơi đã tiến lên một bực. Họ vẫn áp dụng chế độ mẫu hệ để cai quản gia đình nhưng họ khéo hơn người đàn bà ở vùng tôi đến mua dưa là họ không phải cày bừa nặng nhọc mà vẫn “cơm no nằm võng ôm con cả ngày” hay đúng hơn, họ dành cho chính họ những công việc nhẹ nhàng, còn những việc nặng nề, họ lùa cho đàn ông. Đó chính là chế độ siêu mẫu hệ, nhất là hiện nay, ở Hoa Kỳ, nơi tôi đang ngồi viết truyện này hầu bạn đọc. Và hầu như chủng tộc nào cũng có những người đàn bà khéo khôn như thế. Có người nói:”Thời này là thời của phụ nữ” quả không sai.
Chiều hôm sau, khi thuyền dưa đã đầy, lại chuẩn bị đầy đủ gạo củi, đồ ăn, nước uống, chú Ba ra lệnh nhổ sào quay về.
Chúng tôi vượt biển bằng chèo và buồm. Rất may là biển êm nên đỡ lo. Gió nhẹ nhẹ có thể dùng buồm, còn 4 người, Bình và Bảng ở phía trước, chú Dinh và Vỹ ở phía sau, nhìn nhau chèo đều và thật mạnh. Chú Ba giữ bánh lái, Bảo lo cơm nước dưới khoang vì thuyền lướt rất êm, Bảo không say sóng như lúc đi. Riêng tôi ngồi tựa cột buồm ngắm trời, mây, nước. Tôi bảo chú Ba đang chỉ huy binh lính chèo thuyền:
“Chú chỉ cho con lái đi chú!”
Chú Ba cười hiền:
“Ngồi ngắm biển đi! Khi Vũ lớn, chú mới chỉ cho Vũ được.”
Tôi cố năn nỉ:
“Con nghĩ con lái được. Con đã cầm lái trong sông. Chú cứ cho con thử. Đi chú!”
Chú Ba thấy biển êm, thuyền lướt theo chèo và gió cũng nhẹ không có nguy hiểm gì, vả lại tôi là đứa cháu cưng nhất nhà của chú nên chú nhượng bộ:
“Lại đây! Phải để ý từng chút, không được lo ra nghe không?”
Tôi cầm bánh lái để chú đứng bên cạnh giảng giải và tôi làm theo lời chú. Bao nhiêu kinh nghiệm đi sông nước, chú truyền đạt cho tôi một phần. Tôi say mê đứng lái, có cảm tưởng như vị thuyền trưởng hay một ông tướng thời Đức Trần hưng Đạo đánh trận Bạch đằng giang hay vua Quang Trung Nguyễn Huệ, trận Rạch Gầm, Xoài mút.
Ngày 24 tháng chạp chúng tôi về đến kênh Quần Liêu. Nhưng kìa, sao thuyền bè chạy túa ra như lá tre, khói bốc lên hai ba đám và tiếng súng nghe nổ “đùng, đoàng” ở trong làng? Chú Ba ra lệnh cho tụi tôi đi chậm chậm xem tình hình ra sao kẻo bị lọt vào giữa trận chiến của đôi bên thì khổ. Gặp được một chiếc thuyền nhỏ từ trong bơi ra, chú Ba đón hỏi, người trên thuyền nói, quân đội Pháp nhảy dù xuống kênh Quần Liêu.
Chú Ba tái mặt. Làm sao chú có thì giờ và can đảm bơi trở ra biển để trở lại sông Ninh Cơ? Ai đã đi thuyền bè qua cũng biết, Quần Liêu như cái họng thông thương duy nhất, mọi tầu thuyền lớn nhỏ đều phải qua nếu không muốn tốn gấp năm, gấp bảy thì giờ và đường đất.  
Thuyền lớn, thuyền nhỏ càng lúc càng đổ ra nhiều. Người ta chạy giặc, tản cư, không lẽ chúng tôi lại đâm đầu vào? Thế là chú Ba phải cho thuyền chạy ngược trở lại (con đường vừa đi) khoảng vài cây số, nằm chờ tình hình. Chúng tôi hi vọng ngày hôm sau, ngày 25 Tết, kênh Quần Liêu được thông thương để chúng tôi có thể đi qua. Sang đến sông Ninh Cơ, dù sao cũng gần nhà, dễ xoay xở hơn.
Nhưng xưa nay, trời chẳng chiều người. Kênh Quần Liêu không vào được mà chúng tôi còn phải dời thuyền xuống phía Lạc Đạo cách Quần Liêu khá xa để tránh vùng chiến trường đôi bên đang thanh toán lẫn nhau.
Súng nhỏ vẫn nổ đùng đoàng cả ngày lẫn đêm làm như hai bên đang canh chừng nhau. Thỉnh thoảng một trái bích kích pháo nổ thật lớn. Ban đêm hỏa châu soi sáng cả vùng con kênh. Chúng tôi mệt quá, thiếp đi một lúc rồi lại tỉnh dậy, không dám ngủ thẳng giấc, sợ chiến trường di động tới, chạy không kịp.
Ngẩn ngơ như chiếc bách giữa dòng, ăn chực nằm chờ lại phải bơi thuyền đổi chỗ, tránh những sự nhòm ngó, rình mò của cả đôi bên, chúng tôi giật mình thấy đã 28 Tết. Chú Ba là người lo lắng nhiều nhất vì thuyền dưa kẹt đó, vài ngày nữa hết Tết, dưa bán mất giá, lỗ chổng chơ. Còn tôi thì chắc mẹ đang mong tôi từng ngày, từng giờ bởi mẹ luôn luôn mong muốn gia đình xum họp đầy đủ vào những ngày đầu năm. Thằng con út cưng của mẹ sao lại có thể vắng mặt được?
Lòng dạ tôi bồn chồn nóng như lửa đốt, có lẽ vì mẹ tôi đang lo cho tôi và bà chẳng biết tôi đang ở đâu, còn sống hay đã chết? Có lúc tôi muốn hỏi chú Ba cho tôi lên bộ đi về nhà (cũng khoảng hơn 30km, đi một ngày) nhưng nghĩ kĩ, tôi thấy cũng khó.
Tuổi thiếu niên như tôi đi đường, nhất là đường xa, bên nào cũng có thể nghi tôi là giao liên, liên lạc viên, có thể bắt bỏ tù, gán cho tội này tội khác, một trăm thứ tội, nếu họ muốn. (Thằng bạn cùng tuổi với tôi, thằng Phường, ở xóm Tây, Trà Đông, chỉ vì để trong túi một cái bản đồ vẽ tay đường đi từ Trà Lũ qua Kiến xương, Đống Năm, Thái Bình - nhà chị gái, anh rể nó ở đó nhưng nó chưa đi bao giờ -  Nó đi lối đò Sa Cao, qua đò, bị đồn du kích ngay bến đò bắt đi 5 tháng nay chưa được tha về, bố nó đi tìm khắp, hỏi không ra, còn mẹ nó khóc đến gần lòa cả hai con mắt.)
Nếu không may ở vào trường hợp khốn khổ khốn nạn đó, lấy ai bảo lãnh để xin cho tôi về? Bố tôi không có nhà vả lại cả hai bên đều đã bắt giam bố tôi nhiều lần vì tội chống đối họ, cả Pháp và Việt Minh. Những bất trắc xẩy ra trong thời kì chiến tranh là không thể nào ngờ được, không ai có thể biết trước  cái gì sẽ xẩy ra!
Hơn nữa, dù mới mười mấy tuổi đầu, tôi cũng đã biết nghĩ. Khi đi vui vẻ có nhau thì lúc hoạn nạn cũng phải cùng nhau chia sẻ. Chú Ba, các em tôi và chú Dinh, anh Vỹ, toàn những người ruột thịt, thân thiết, tôi nỡ nào bỏ họ lại để chạy một mình, cho dù tôi may mắn tìm về được đến nhà? Chú Ba thương quí tôi như con nên mới cho đi chứ tôi biết chú cũng sợ trách nhiệm đối với bố mẹ tôi khi cho tôi xuống thuyền, nhất là để vượt biển vào Thanh Hóa!
Có một ngôi chợ khá đông ở khoảng Giáo Phòng, Lạc Đạo (hai giáo xứ Công Giáo), người ta vẫn họp chợ Tết  mặc dù phải đề phòng máy bay bà già của Pháp đảo tới và đại bác theo sau ngay. Chú Ba bảo anh Vỹ, chú Dinh và Bình, Bảng gánh mấy đôi dưa lên đó xem bán được không. Chú hạ giá xuống một chút (người VN đã biết sale từ thời đó) nên các bà đi chợ đến lựa mua đông đảo.
Cả khu vực truyền miệng túa ra mua dưa hấu của chúng tôi, đoán phỏng chừng, họ cũng tiêu thụ được gần nửa thuyền. Chú Ba đã bớt lo vì tiền vốn dưa đã thu lại được hơn phân nửa. Bán thêm hai buổi 29 và 30 Tết nữa thì coi như tạm đủ vốn nhưng chưa có lời. Có người mách còn một cái chợ nữa ở cách đó hơn mười cây số, chợ Quỹ Nhất, lớn hơn chợ này nhiều.
Thế là chú Ba tính toán. Chú mướn hẳn một cái lều ở Giáo Phòng để đem dưa lên xếp vào, ngày hôm sau Bình và Bảo đứng bán. Còn đại đội binh mã gồm chú Ba, chú Dinh, anh Vỹ, tôi và Bảng thì bơi thuyền suốt đêm xuống chợ Quỹ Nhất bày dưa ra bán phiên chợ 29 Tết sáng hôm sau.
(còn một kì)
Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
 
 
 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire