samedi 15 février 2014

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 16 – 19) Hồi Ký Kale

Đọc tiếp bài trước

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/02/17-nam-trong-cac-trai-cai-tao-cua-csvn.html


Chương 16. Cuộc Sống Tiếp Nối Trong Trại

Một ngày chờ đợi đã trôi qua trong nỗi tuyệt vọng.  Mọi người đều trở về một cách chán nản với cuộc sống hàng ngày trong trại.  Một dãy thùng chờ lấy nước lại được xếp dài trên con đường chính như thường lệ.  Bửa ăn sáng với cháo và muối, trưa chiều với chén cơm cùng miếng canh bí đỏ với vài hạt đậu phọng lại tiếp tục như mọi ngày.  Nhưng không còn một trại viên nào ngồi ở ngoài sân giống như đêm hôm trước.  Hoặc là mọi người đều mệt mỏi về sự chờ đợi hay họ đã buồn ngủ vì thức quá khuya đêm qua, mọi trại viên đều đi ngủ sớm hơn mọi khi.
Bảy Sói, một cán bộ tên Bảy với chiếc đầu hói phụ trách khối 3 vào phòng giam vào sáng sớm và yêu cầu trại viên sau khi ăn sáng xong thì chuẩn bị để lên hội trường.  Mọi người lại trở nên sống động và vui vẻ với những hy vọng.  Vài người bỏ cả việc ăn sáng và xếp hàng sớm hơn người khác dường như họ muốn được về nhà ngay tức khắc vậy!  Khung cảnh không còn vẻ im lặng như những lúc sửa soạn lên lớp để học 10 bài học tập nữa; trại viên chuyện trò om sòm trên con đường đi lên hội trường.
Không có sự trang hoàng nào trong hội trường. 
Khi trại viên đến nơi, vài cán bộ khiêng vào hội trường một cái bàn và vài chiếc ghế, và rồi Hai Côn, giám thị trưởng đến để nói chuyện với trại viên.  Trong lời phát biểu, Hai Côn lập lại điều mà chúng tôi đã nghe nhiều lần rằng: “Chính sách của Đảng và Nhà Nước trước sau như một: đánh những kẻ chạy đi chứ không đánh những người ở lại!  Và chúng tôi phải đạt cho được tiến bộ trong việc học tập cải tạo để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước.”  Tôi tự hỏi làm sao họ có thể đánh được những người đã chạy đi!  Về việc chấm dứt một tháng cải tạo, Hai Côn nói rằng họ không nhận được chỉ thị nào của “trung ương” về việc này.  Việc trở về với xã hội của trại viên là tùy thuộc vào mức độ tiến bộ của mỗi người chứ không phải là vấn đề thời gian vì chúng tôi phải làm thế nào để thích ứng được với xã hội mới.  Trước khi chấm dứt lời phát biểu, Hai Côn cho biết là để thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, ban giám thị trại cho phép trại viên được viết thư cho gia đình để báo cho gia đình biết rằng chúng tôi sống tốt trong trại và đang có nhiều tiến bộ trong học tập cải tạo, và đồng thời khuyên nhủ gia đình thực thi đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước.  Chúng tôi không được cho biết địa điểm của trại mà chỉ được dùng bí số là 15NV cho địa chỉ nơi gửi.
Những điều đã xãy ra khiến mọi trại viên trở nên chán nản hơn bao giờ hết.  Đặc biệt những trại viên “lạc quan” đột nhiên hiểu rằng họ cần phải hiểu VC nhiều hơn những gì mà họ nghe VC nói.  Riêng đối với những người đã không tin rằng sẽ được về trong một tháng thì dù sao đây cũng là cơ hội để họ có thể biết tin tức gia đình.  Được viết thơ về nhà còn hơn là chẳng có gì mặc dù họ cũng thừa hiểu rằng họ sẽ không được viết hết mọi điều họ muốn.  Thơ chắc chắn là sẽ được cán bộ kiểm duyệt kỹ lưỡng, nhưng ít ra thì chúng tôi cũng có dịp để liên lạc được với gia đình.  Điều mà tôi muốn được biết nhiều nhất là con tôi là trai hay gái, và sức khỏe của vợ tôi ra sao sau khi sanh nở.  Mẹ và bà ngoại cũng là những người mà tôi muốn hỏi đến.
Chỉ có hai trang giấy để viết như quy định, làm thế nào để viết hết cho mọi người trong gia đình?  Trước hết, tôi nghĩ tôi phải dùng từ rất là khôn khéo để cho biết về tình trạng của tôi trong trại.  Tôi sẽ viết rằng mọi việc đều tốt đẹp, tôi được nuôi ăn uống đầy đủ và tôi có trồng thêm vài luống khoai lang để dặm thêm vào phần ăn hàng ngày nữa!  Sức khỏe tôi cũng tốt, do đó tôi có tặng cho bạn bè một số thuốc khi họ bị bệnh.  Dĩ nhiên, điều tôi muốn biết là con tôi là trai hay gái.  Sau khi hỏi thăm về mẹ tôi cùng bà ngoại, tôi còn phải viết một ít điều theo quy định của trại để khuyến khích gia đình tuân hành đường lối chính sách của chính quyền địa phương để giúp tôi trong trại, từ đó tôi có thể được ra về sớm hơn.  Điều này đã làm mất hết nửa trang giấy!  Những suy nghĩ về bức thư khiến tôi không còn để ý gì đến hoàn cảnh chung quanh trên đường từ hội trường về đến phòng.  Tuy nhiên tôi vẫn nhận ra rằng một sự im lặng bao trùm lấy bầu không khí chung quanh chứ không ồn ào như buổi sáng sớm khi đi lên hội trường.
Mọi người đang suy nghĩ về số phận của mình và về cái thủ đoạn mà VC đã dùng.  Trong thông cáo về việc cải tạo, chúng chỉ nói rằng chúng tôi phải mang theo thức ăn và quần áo chăn màn cho một tháng chứ không hề đả động đến thời gian cải tạo là một tháng!  Chúng tôi không thể bảo rằng chúng đã dối gạt, mà chính chúng tôi là những người không hiểu rõ ràng cái thông cáo ấy!  “Anh sẽ về một tháng hoặc một năm!” (…hay bao nhiêu năm nữa?)   Tôi nghĩ đến câu thơ trong bài thơ của Điệp mà rùng mình lo sợ.  Bao lâu nữa tôi sẽ về?  Tôi tự hỏi.  Đời tôi thì coi như đã chấm dứt kể từ ngày 30 tháng tư, nhưng gia đình tôi sẽ ra sao đây?  Tôi không muốn họ chờ đợi tôi trong tuyệt vọng.  Không có gì tồi tệ hơn là sinh ly!
Viết thư là điều chính yếu cho trại viên trong những ngày kế tiếp.  Vài người viết đi viết lại bức thư mà cũng hình như chưa vừa ý với nó.  Mọi người giờ đây dường như là đã phải chấp nhận số phận của mình như một điều dĩ nhiên.  Lắc đầu và nhún vai là câu trả lời cho ngày về.  Không còn ai bỏ thời giờ ra để ngồi uống trà, cà phê, hút thuốc và tán gẩu.  Có thêm vài trại viên trồng khoai lang trên khu đất còn lại trong trại.  Nước trong những hố đào gần nhà tắm bắt đầu khan hiếm hơn trước do đó tôi phải tưới rau và để những luống khoai cho nó mọc theo ý nó.  Tuy nhiên tháng bảy ở Việt Nam thì trời nhiều mưa nên cũng không đến nỗi nào.
Hai cán bộ phụ trách khối 3 là Bảy Sói và Tư Điệp đến lấy thơ hàng ngày, nhưng cả tuần sau vẩn còn vài trại viên chưa viết xong thư.  Họ không còn vội vã như trước đây nữa!  Thời gian không còn là vấn đề quan trọng đối với họ nữa.  Tôi đã cố gắng gửi thư sớm với hy vọng sẽ sớm nhận thư hồi âm, nhưng đôi khi tôi vẫn thấy tiếc vì tôi nghĩ tôi vẫn còn thiếu điều gì đó.
Bên cạnh việc viết thư cho gia đình, cuộc sống trong trại vẫn diễn tiến như lệ thường: trại viên thức dậy buổi sáng theo tiếng kẻng báo thức, tập thể dục mười động tác du nhập từ miền Bắc do vài trại viên hướng dẫn, ăn sáng với cháo và muối, ăn trưa và chiều với chén cơm và ít canh bí đỏ nấu với đậu phọng, họp tổ đội buổi tối trước khi đi ngủ.  Nhưng có một điều thay đổi là sau buổi họp ở hội trường thì chúng tôi phải thay phiên nhau xuống bếp để nấu nướng thay cho nhà thầu.  Ban giám thị trại đã cho biết rằng số tiền mà chúng tôi đóng khi đi trình diện đã hết, do đó kể từ ngày 15 tháng bảy chúng tôi phải làm mọi việc trong trại và “Chính Phủ và Nhân Dân” sẽ phải nuôi chúng tôi.  Sau buổi họp khoảng mười ngày, chúng tôi nhận được tám trăm đồng mỗi tháng được báo là của “Nhà Nước” cung cấp cho mỗi trại viên để mua sắm những thứ cần thiết như kem đánh răng, sà phòng, giấy vệ sinh, hay những thứ cần thiết khác cho phụ nữ.  Mọi việc xảy ra có nghĩa là chúng tôi phải chuẩn bị cho sự cải tạo dài hạn, nhưng mà bao lâu thì vẫn là một câu hỏi không có lời giải đáp.  Chúng tôi phải đạt được tiến bộ trong cải tạo để được tha về với xã hội.  Thế nào là tiến bộ?  Mười bài học tập đã qua; làm thế nào để đạt được tiến bộ trong khi chúng tôi chỉ ở trong trại mà không làm gì cả?
Để xử dụng thời gian trống trong trại, trại viên bắt đầu làm những việc như chơi cờ tướng, viết những thực đơn tưởng tượng, vẽ, chạm trên gỗ hay vỏ dừa, vân vân.  Anh bạn tôi tên Nguyện thì lại dùng hầu hết thời giờ để đi đào Hà Thủ Ô, một loại rễ của dây leo.  Anh ta xắt lát hà thủ ô, phơi khô, sao lên rồi nấu nước uống.  Vài người cho rằng rễ Hà Thủ Ô là một loại thuốc làm cho tóc đen hơn.  Tôi không biết điều đó đúng không, nhưng tôi thấy da Nguyện càng lúc càng đen trong khi tóc anh ấy thì càng ngày càng bạc nhiều ra mặc dù anh ấy mới ba mươi tuổi vào lúc đó!
Khi tôi không chăm sóc rau và khoai trên cánh đồng, tôi dùng thời giờ rảnh để học khắc gỗ, chạm bằng nhôm, và khắc sọ dừa để làm những “đồ mỹ nghệ”.  Cái búa để chạm thì làm bằng một bù lon bẻ cong lại; đục thì là một cọng thép lấy trong dây điện đập dẹp và mài bén 1 đầu.  Mọi vật đều được thu lượm quanh trại và được tôi chế tạo lấy.  Miếng nhôm được cắt thành những sợi nhỏ khoảng hai ly rồi mài trên nền xi măng.  Tôi vẽ hình lên những miếng gỗ được cắt bằng cái cưa nhỏ tự chế, mài nhẳn lên nền xi măng, rồi đục theo đường vẽ.  Dùng cái búa nhỏ, tôi nhét những sợi nhôm vào những đường kẻ sau đó giũa phẳng bằng một cái giũa làm bằng dây kẽm gai.  Để làm những đồ mỹ nghệ bằng gáo dừa, tôi dùng cái cưa tự chế cắt gáo dừa thành cái kẹp hình con cá vàng, mài lên nền nhà và đánh bóng bằng lá mít.  Sau đó tôi chạm vây cá, đầu và đuôi cá bằng cái đục nhỏ.  Sản phẩm làm ra trông cũng giống như những cái kẹp tóc bằng đồi mồi.  Tôi cũng không biết tôi làm những cái đó để làm gì, nhưng tôi cảm thấy thích thú với công việc này.  Tôi đặt những “tác phẩm” ấy bên đầu chổ nằm rồi nghĩ đến ngày trở về để trao tặng vợ tôi.  Tôi đã từng vẽ nên những đồ tôi làm thường đẹp hơn nhiều người và cũng vì tôi đã tốn nhiều thời gian cho chúng nữa.  Bức tranh tứ quý gồm bốn hình Mai, Lan, Cúc, Trúc được cẩn băng nhôm trên gỗ nâu.  Bức tranh mẹ bồng con là bức tranh cẩn nhôm hình người đầu tiên trong trại vì không ai có thể cẩn nhôm khuôn mặt người.  Tôi đã nghĩ đến vợ con tôi khi làm bức tranh này, đó là tấm mà tôi thích nhất.
Hai tuần sau khi gữi thư, chúng tôi nhận được bức thư đầu tiên của gia đình.  Hôm đó là ngày thứ bảy, Bảy Sói và Tư Điệp đến khu của khối 3 để trao thư.  Chúng tôi nghe thấy từ trước lúc hai cán bộ ấy trao thư cho nhà nữ.  Trại viên gọi nhau và nhờ các đội trưởng đi nhận thư, nhưng Bảy Sói và Tư Điệp chỉ muốn giao riêng cho từng người.
Bức thư tôi nhận được từ vợ tôi, mẹ tôi và bà ngoại tôi.  Trong thư còn có tấm ảnh vợ tôi đang bế con trai tôi khoảng một tháng tuổi.  Vợ tôi viết rằng con trai tôi thường khóc đêm khiến cô ta mệt lắm.  Mọi người trong nhà thương cháu lắm vì đó là đứa cháu đầu tiên trong gia đình.  Lúc sanh thì nó cân nặng khoảng ba kilô, không lớn lắm nhưng cũng đủ để vợ tôi khó khăn khi sanh nở.  Vợ tôi còn bảo rằng cô ta mong tôi học tập tốt để được về phụ nuôi con.  Mẹ và bà ngoại tôi cũng viết vài hàng trong thư cho biết hai người sức khỏe vẫn tốt và tiệm may cũng vẫn hoạt động như thường lệ.  Vì cha tôi là một “liệt sĩ” do đó mẹ tôi đã trở thành tổ trưởng tổ dân phố.  Vài “đồng chí” của cha tôi cũng có đến thăm và hy vọng rằng tôi sẽ được về sớm vì tôi là con trong một gia đình “có công với cách mạng!”  Họ chúc tôi có sức khỏe và thành công trong việc cải tạo để sớm trở về nhà.  Cách viết trong thư cũng giống như những gì mà Hai Côn đã nói lúc ở hội trường.  Tôi nghĩ không phải chỉ có tôi đang cải tạo mà cả gia đình tôi cũng đang bị cải tạo bởi VC.  Những danh từ rất xa lạ với ngôn ngữ Việt Nam trước đây được viết trong thư của gia đình tôi chỉ sau hai hay ba tháng là một bằng cớ hiển nhiên chứng minh sự thay đổi của xã hội bên ngoài.
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bức thư cho đến lúc gần như thuộc lòng từng chữ một.  Tấm ảnh vợ tôi đang ẵm con tôi đã được tôi đóng trong một cái khung làm bằng mảnh gỗ nâu đục lỗ và lồng vào một miếng mi-ca.  Miếng mi-ca này tôi nhặt được khi làm luống khoai; tôi phải dùng lá mít đánh bóng cho hết những vết trầy rồi dùng kem đánh răng chà cho trong lại.  Chỉ cái khung ấy mà tôi đã phải bỏ ra hàng tuần lễ để hoàn tất.  Nhưng đó là cái mà tôi yêu thích nhất và nó đã đi theo tôi suốt gần 17 năm trong các trại cải tạo.


Chương 17. Lệnh Tha Đầu Tiên

Cuộc sống trong trại lại nối tiếp như thường lệ mấy ngày sau khi nhận được bức thư đầu tiên của gia đình.  Ngoại trừ vài trại viên muốn cải thiện thêm cho phần ăn nên phải trồng rau hay khoai lang, số còn lại chưa phải làm gì cả.  Vẫn có cái căn tin nằm trong khu nhà bếp do những nhà thầu người Hoa để bán đồ vật và thực phẩm cho trại viên có tiền.  Với 800 đồng hàng tháng, tôi chỉ có thể mua được một cây kem đánh răng nhỏ, một ít thuốc rê, và 500 gram đường.
Khoảng tháng tám, VC buộc mọi người dân trong nước phải đổi tiền lần đầu tiên.  Họ dùng đồng tiền mới với trị giá là 500 đồng bạc miền Nam hay 400 đồng miền Bắc đổi lấy một đồng mới này, và họ chỉ cho phép mỗi người dân đổi được mười ngàn tiền cũ mà thôi, số còn lại phải gửi vào ngân hàng nhà nước.  Điều buồn cười xảy ra trong trại là có những trại viên mang vào trại quá nhiều tiền, họ phải nhờ những trại viên bạn bè khác đổi dùm.  Tôi cũng nghe nhiều điều xảy ra ngoài xã hội.  Nhiều người dân miền Nam giàu có đã phải nhờ những người bà con miền Bắc vào đổi dùm tiền, sau đó họ lại không nhận được số tiền đổi ra!  Tôi không biết điều này có xảy ra trong trại hay không bởi vì nếu có đi nữa thì chắc không ai dám nói ra.  Kể từ đó, thay vì 800 đồng, chúng tôi chỉ được một đồng sáu chục xu mỗi tháng.  Lúc đầu còn mua được phần như trước, nhưng sau đó thì chỉ có thể mua được một cây kem đánh răng mà thôi.  Kinh tế Việt Nam bị suy sụp quá nhanh sau lần đổi tiền!
Ban Giám Thị của trại bảo chúng tôi phải chuẩn bị cho ngày lễ Quốc Khánh đầu tiên ở miền Nam, ngày 2 tháng 9, 1975 (họ gọi là ngày Lễ Độc Lập).  Chúng tôi phải làm báo tường, tập ca hát trong ban đồng ca, và phải trang hoàng cho ngày ấy.
Tôi đã viết một đoản văn để đăng báo tường lấy tên là “Điếu thuốc rê”.  Nội dung đoản văn tôi muốn nói đến một chiều hướng đi xuống của cuộc sống của nhân dân miền Nam sau cái ngày giải phóng của VC.  Nhưng tôi lại cố dấu nó trong cách viết để cán bộ và ban giám thị trại không thể nhận ra.

Điếu thuốc rê.
Hắn ta ngắm nhìn những luống khoai lang thẳng tắp được thực hiện bằng chính công sức lao động của mình.
Hắn đặt chiếc cuốc xuống đất và ngồi lên cán cuốc.  Tay trái hắn giơ lên lau những giọt mồ hôi trên trán, còn tay phải thì thọc vào túi áo để lôi ra một chiếc hộp nhỏ.  Mở nắp hộp ra, hắn lôi ra một cuộn giấy quyến, xé một mảnh nhỏ, rồi để nằm trên bàn tay trái giữa 4 ngón tay.   Ngón tay cái kẹp lấy miếng giấy quyến.  Tay phải hắn nhúm lấy một miếng nhỏ thuốc rê từ chiếc hộp, rải ra trên miếng giấy quyến, và dùng ngón tay cái để giử cho thuốc nằm xuống mặt của miếng giấy quyến.  Tiếp theo, hắn dùng cả hai bàn tay cẩn thận cuộn thuốc vào trong miếng giấy quyến để biến thành một điếu thuốc, nhưng điều khác biệt là nó có một đấu lớn và một đầu nhỏ.  Cuối cùng thì hắn dùng nước bọt để dán điếu thuốc ấy lại.
Điếu thuốc rê trên môi hắn đã gợi hắn nhớ lại những điếu thuốc Winston, hay Lucky mà hắn thường hút không lâu trước đây.  Chỉ một vài tháng thôi mà dường như bao nhiêu năm đã trôi qua.  Hắn không thể ngờ rằng giờ này hắn có thể làm được những luống khoai như thế này, và hắn cũng không thể ngờ rằng hắn có thể cuộn được một cách thiện nghệ một điếu thuốc rê như thế này!
Hắn nghĩ tất cả đều đã thay đổi.
Trong ngày lên hội trường để nghe tuyên bố về việc chuẩn bị lễ Độc Lập, một sự kiện mà tôi không thể quên là vài trại viên đã được Ban Giám thị kêu lên để hát.  Nhiều người đã hát những bản nhạc cách mạng mà chúng tôi đã phải học trong trại, nhưng chị vợ tôi, Lan, lại hát một bản nhạc dân ca tên là Lý Chim Quyên.  Bài ca đã làm nhiều người phải rơi lệ vì những câu như: “Chim ơi chim xa rừng, là chim thương núi nhớ non.  Người cách xa con người, ơi đâu còn có gì buồn hơn.”
Tôi cũng phải tham gia vào một ban đồng ca để tập hát bản nhạc tên là “Việt Nam mến yêu”, một bản nhạc tiền chiến thường được nghe trước đây ở miền Nam.  Ban đồng ca do Bửu Uy, nguyên chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, làm ca đoàn trưởng.  Chúng tôi đã chọn bài ấy cũng vì nó có vẽ trung dung, không đến nỗi cực đoan như những bài mà chúng tôi đã phải học trong trại.  Bên cạnh đó thì Điệp và tôi lại được các trại viên khác cử ra để trang trí cho tờ báo tường của khối 3 vì chúng tôi cũng đã từng làm trang trí cho vài tập san sinh viên khi chúng tôi còn làm trong cơ quan, do đó tôi cũng hơi bận rộn.
Mọi người đều hy vọng sẽ có những điều gì đó xảy ra trong ngày quốc khánh của VC, ít nhất sẽ có sự phóng thích một số trại viên nào đó, và tôi nghĩ người nào cũng mong rằng mình sẽ có tên trong danh sách phóng thích ấy.  Những tin đồn lại được loan truyền ra.  Thơ của gia đình giờ đây lại được trở thành những điều để trại viên hy vọng.  Trong khi gia đình nói rằng họ mong chúng tôi sẽ cải tạo tiến bộ để được tha ra trong ngày quốc khánh thì trại viên lại suy diễn rằng gia đình họ đã biết sẽ có cuộc phóng thích trong ngày ấy mà không thể viết rõ ràng trong thư.  Vài người khác lại còn nói rằng gia đình họ có thân nhân làm trong bộ Nội Vụ của VC cho biết tất cả trại viên trong trại cải tạo sẽ được thả ra vào ngày Quốc Khánh vì VC muốn dùng ngày ấy để chứng tỏ chính sách khoan hồng của họ, và chúng tôi sẽ được đưa về Sài Gòn để dự buổi lễ phóng thích, một phần của buổi lể Quốc Khánh.
Trại viên lại sống trong hy vọng và chờ đợi.  Không khí trong trại lại sống động và nhộn nhịp hẳn lên, không còn cái vẻ im lìm như mọi khi kể từ khi ban giám thị tuyên bố chuẩn bị cho ngày lễ độc lập.  Vài trại viên có năng khiếu lại còn vẽ cả hình của Hồ Chí Minh để trang hoàng trong ngày ấy.  Mặc dù không còn những buổi thảo luận như lúc học mười bài học tập, nhưng các cán bộ lại thường xuyên đến từng phòng để quan sát chúng tôi làm báo tường, tập ca hát, vẽ, hay làm trang trí.
Vài ngày trước ngày 2 tháng 9, 1975, cán bộ lại đến phòng rất sớm khi chúng tôi vừa mới thức dậy để gọi chuẩn bị lên hội trường.  Mọi người lại trở nên sống động hẳn lên khi biết rằng hội trường đã được trang hoàng xong bởi những khẩu hiệu và bàn ghế che phủ bởi khăn bàn.  Không có tập thể dục sáng hôm ấy, và vài trại viên bỏ cả phần ăn sáng mặc dù đã được chia phần rồi.  Hy vọng có lẽ đã thành sự thật!  Hầu như mọi người đều chọn những bộ quần áo đẹp nhất để mặc vào và sắp hàng chờ đợi.  Những tiếng cười, những khuôn mặt vui tươi, và sự ồn ào náo nhiệt đã trở lại sau một thời gian dài im lặng!  Hai tháng rưỡi kể từ ngày vào trại, đây là ngày vui vẻ nhất của trại viên.  Vài người lại ngâm nga mấy câu hát của Vũ Thành An: “Ngày vui đã tới, chúng ta xây lại đời ta.”
Hội trường đầy những lá cờ của Mặt Trận Giải phóng và những băng khẩu hiệu đỏ chói.  Bức ảnh lớn của Hồ Chí Minh treo như thường lệ trên tường phía cuối với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do” ở phía dưới.  Một khẩu hiệu đặc biệt được chăng trên bức tường hông rất dễ nhìn khi bước vào hội trường: “Chào mừng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước”. 
Tiếng vỗ tay của trại viên vang vội cả hội trường khi Ban Giám Thị và Hội Đồng Cán Bộ tiến vào.  Hai Côn, trại trưởng đọc một bài diễn văn khai mạc rất dài.  Hắn ta nói những điều mà chúng tôi vẫn nghe trong mười bài học tập về sự thất bại của Đế Quốc Mỹ và của chủ nghĩa Đế Quốc, về chiến thắng của Cách Mạng Việt Nam và của chủ nghĩa Xã Hội.  Để kết luận, hắn ta dùng câu nói của Hồ Chí Minh rằng: “Hà Nội, Hải Phòng, và những thành phố khác có thể bị phá hoại, nhưng thắng xong giặc Mỹ, chúng ta sẽ xây dựng lại mười lần đẹp hơn.”  Hắn ta hy vọng rằng chúng tôi, những người được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, sẽ góp phần xây dựng đất nước khi được trở về xã hội, và rồi hắn ta giới thiệu đồng chí Bào trại phó, sẽ đọc danh sách phóng thích.
Tất cả trại viên đều phấn khởi khi thấy “đồng chí Bào” với chiếc cặp da trên tay tiến đến chiếc máy vi âm.  Hắn ta trân trọng rút ra một tờ giấy, đặt lên bục và nói:
Để thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, nhân danh Ban Giám Thị trại, hôm nay tôi xin loan báo danh sách phóng thích cho những trại viên đã thực hiện tiến bộ trong cải tạo và được về với xã hội để góp phần vào việc xây dựng lại đất nước.  Khi được trở về xã hội, tất cả các anh phải thực hiện chính sách của chính quyền địa phương”.
Danh sách mà “đồng chí Bào” đọc chỉ gồm khoảng 20 tên, và rồi hắn ta trở về chổ ngồi mà không nói thêm lời nào nữa hết.  Sau đó chúng tôi khám phá ra rằng những người được về trong danh sách phần lớn là những chuyên viên cần thiết và những người có công đã làm cho cách mạng trước đây.  Mọi người trong hội trường chờ đợi trong im lặng.  Sự chán nản và những tiếng thở dài thất vọng bao trùm cả hội trường.
Sau một phút, Hai Côn trở lại máy vi âm và nói rằng đối với những người còn ở lại để tiếp tục cải tạo, Đảng và Nhà Nước cho phép sẽ được nhận quà của gia đình hàng ba tháng một lần.  Chúng tôi sẽ được phép viết thư về nhà để cho biết ngày giờ và địa điểm đến gửi quà cũng như những thứ cần thiết của chúng tôi.  Và rồi Hai Côn tuyên bố bế mạc buổi lễ.  Những tiếng vổ tay lác đác để tiễn chào Ban Giám thị và các cán bộ.  Những sự kích thích khi trại viên đi lên hội trường đã nhường chổ cho sự chán nản khi chúng tôi trở về phòng.
Những ngày kế tiếp, chúng tôi không còn chuẩn bị gì cho ngày lễ Độc Lập; thay vào đó thì chúng tôi chỉ viết thư cho gia đình.  Các cán bộ cũng không nhắc nhở gì đến việc này, và ngày lễ Độc Lập ấy trôi qua một cách lặng lẽ mà không có một nghi thức nào hết ngoài việc chúng tôi có thêm phần ăn tươi (một miếng thịt khoảng 3 ngón tay trong bữa ăn trưa và chiều).
Nhận quà của gia đình, quả là thê thảm!  Chúng tôi sẽ ở trong trại bao lâu nữa đây?  Mỗi 3 tháng một lần và rồi bao nhiêu lần nhận quà của gia đình nữa?  Và rồi gia đình chúng tôi sẽ chịu đựng được bao lâu để mà lo cho chúng tôi trong hoàn cảnh này?  Trong lần đổi tiền vừa qua, hầu hết nhân dân miền Nam đã càng lúc càng nghèo hơn.  Chính sách của Cộng Sản là tạo nên sự bình đẳng trong dân chúng, không phải là sự bình đẳng trong giàu sang mà là bình đẳng trong sự nghèo túng.
Tôi nghĩ đến gia đình tôi và không biết sẽ xin gì trong thư.  Vợ tôi đang làm gì với đứa con mới chào đời?  Mẹ tôi ra sao?  Bà cũng vẫn ngồi bên bàn máy may hay đang làm gì?  Mẹ tôi đã nuôi tôi lúc còn bé, giờ đây lại phải phụ với vợ tôi để nuôi tôi tiếp tục cuộc sống trong trại cải tạo!  Cuộc đời bà chỉ là một sự hy sinh cho các con.  Tôi không muốn mình là một gánh nặng cho gia đình.  Nhưng tôi làm gì được đây trong hoàn cảnh khó khăn này?  Tôi cố chọn những thứ thật rẻ và thật cần thiết để xin như muối mè, mắm ruốc, thuốc rê, hột giống rau muống, và thuốc cảm lạnh.  Tôi cũng không quên hỏi về những tấm ảnh mới của con tôi.  Tôi đã viết đi viết lại bức thư cho đến hạn cuối cùng mới chịu gửi đi và chờ đợi gói quà đầu tiên.
Một tuần sau, chiếc xe thùng chở đầy quà tiến vào trại vào buổi sáng sớm.  Mọi người đều chờ đợi một cách nôn nao.  Các đội trưởng đến hội trường để lấy danh sách những người có quà và cho phép trại viên tuần tự đi lấy quà.  Những gói quà đã được mở ra để kiểm tra trước khi phát cho trại viên.  Năm kí lô mỗi gói quà không thể nào gói hết được những món cần thiết, nhưng ít ra nó cũng gói ghém được tình thương của gia đình dành cho trại viên.  Tôi run rẩy mở từng món để thưởng thức trọn vẹn tình cảm của mình.  Có mười tấm hình của vợ con tôi.  Bức thư thì còn được kiểm duyệt trước khi trao về cho tôi.  Tôi mang hình đi khoe với chị vợ tôi và các bạn trong phòng.  Con tôi đã lật qua được và không còn khóc đêm nữa.  Em gái tôi cho biết rằng những tấm hình này là do đồng chí Ba Son, bạn của em tôi chụp dùm.  Tôi không biết đồng chí ấy là ai, nhưng tôi cảm thấy không thích thú chút nào khi có người lạ trong gia đình mình.  Nhưng mà trong hoàn cảnh mới của đất nước thì điều gì xảy ra khác hơn được đây?  Giai đoạn của chúng tôi đã qua rồi.  Bây giờ là giai đoạn của các “đồng chí!”  Gia đình tôi cũng không thể nào ngoại lệ được.  Tôi buồn rầu mà nghĩ rằng: “Đất nước mất vào tay Cộng Sản là mất tất cả.”  Tôi nhớ lại câu nói ấy của Nguyễn Văn Thiệu rồi tự lắc đầu chán nản.
Mọi vui vẻ rồi cũng trôi qua, những lo buồn rồi cũng phải nhạt dần.  Chúng tôi cũng phải trở về với cuộc sống hàng ngày trong trại.  Ban Giám thị trại lại ra lệnh lao động tập thể trong toàn trại thay vì lao động cá thể, do đó đất đai lại được thu về cho trại.  Tôi không còn giữ được những luống rau và khoai của riêng mình nữa.  Mỗi sáng chúng tôi phải đi lao động trên những cánh đồng của trại ngoài những trại viên tới phiên trực để dọn dẹp vệ sinh hay lấy nước cho các trại viên khác.  Cuốc xẻng cũng là của chung.  Chúng tôi đã học tập về lao động tập thể trong mười bài học tập, và lúc này là lúc mà chúng tôi có cơ hội để thực hành những điều ấy.  Đó là lời giải thích của Ban Giám thị trại.
Đất đai trong trại là loại đất sét pha trộn với đá sỏi ở trên đỉnh đồi nên rất cứng khi gặp nắng.  Chúng tôi phải dùng cuốc chim để đào xới lên trước khi làm những luống thẳng tắp bằng cách chăng dây làm chuẩn.  Đó là một thứ lao động rất nặng, nhưng khi đó chúng tôi vẫn còn trẻ và vẫn còn sức lực.  Những trại viên lớn tuổi thì không làm luống; họ cắt hom khoai lang và trồng lên những luống mà chúng tôi làm sẳn.  Sau khoảng 1 tháng, quang cảnh trại thay đổi hẳn.  Không còn đất trống; những luống khoai thẳng tắp song song với nhau trông như những đùn cát trong bãi sa mạc.  Điều thay đổi nhiều nhất là mọi người trong trại trở thành nâu đen dưới ánh nắng mùa hè của miền nhiệt đới.  Chúng tôi phải lao động mỗi sáng từ bảy giờ tới trưa.  Tôi nghĩ đó là buổi đầu để chúng tôi tập làm quen với lao động chân tay.  Ngoài ra cũng không đủ đất để hai ngàn trại viên trong trại canh tác.  Chúng tôi vẫn còn được thời gian vào buổi chiều để làm những việc riêng.  Tôi không còn đất để trồng rau được nữa, do đó tôi dùng hầu hết thời gian rảnh để vẽ hình vợ con tôi hay làm những sản phẩm mỹ nghệ khác.
Không phải trại viên nào cũng có quà gia đình, và năm kí lô không thể nào đủ cho ba tháng, do đó trại viên trở nên thiếu năng lượng sau một thời gian ngắn lao động nặng nhọc.  Mặc dù lúc đó thì cơm cũng không đến nỗi ít lắm, nhưng thức ăn chỉ có canh với 1 ít bí đỏ và vài hạt đậu phọng thì không thể nào đủ cho cuộc sống.  Vài người đã bị phù thũng và  ghẻ ngứa.  Những con cào cào, dế, và bọ cây đã trở thành những con tôm bay.  Chuột, ếch nhái, rắn, và cắc kè đã trở thành những thứ thịt cao cấp.  Rau dại càng lúc càng hiếm.  Mọi cái gì không độc đều là những món ăn bằng cách này hay cách khác; chúng tôi đùa rằng cái gì nhúc nhích được là ăn được, con gì cũng ăn được ngoại trừ con bù lon!
Cái lon guigoz bằng nhôm là vật gần gũi với trại viên nhất.  Chúng tôi gắn vào đấy cái quay cầm cho dễ mang đi khắp nơi.  Vào buổi sáng khi đi lao động, nó là vật đựng nước uống, nó trở thành đồ để đựng những thứ cải thiện được trên hiện trường lao động, và trở thành cái nồi nấu khi trở về phòng.  Khi chúng tôi ngồi trong hàng hay khi lên hội trường thì nó trở thành cái ghế.  Thật là một vật có lợi cho chúng tôi!  Tôi có thể nói đó là thứ hữu dụng nhất cho trại viên trong trại cải tạo, và chúng tôi gọi nó bằng cái tên là “gô”.  Hũ chao sau khi ăn hết được làm thành điếu bát để hút thuốc lào hay làm đèn dầu.  Chai nước tương thì được cắt miệng để làm ly uống nước.  Không có cái gì bỏ phí hết!
Cuộc sống trong trại thì ngày này qua ngày khác đều diễn ra giống nhau: đi lao động, ăn uống, đợi nhận thư hay nhận quà, họp tổ đội trước khi đi ngủ, và làm mọi thứ linh tinh cho cuộc sống hàng ngày.  Mọi ngày đều rất dài như là người xưa thường nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.”
Khoảng ba tháng sau thì một số nữ trại viên được thả về trong đó có cả chị vợ tôi, Lan; chị ấy bỏ lại đồ đạc cho tôi.  Tôi cảm thấy mừng cho chị ấy, và cho cả vợ tôi nữa vì qua chị ấy vợ tôi có thể biết được sự thật về cuộc sống của tôi trong trại.  Đó là nhóm cuối cùng được thả tại trại Long Thành ngoài vài trại viên thả ra lẻ tẻ do sự cần thiết của VC.


Chương 18. Tết Ở Trại Long Thành

Lễ Tết đầu tiên ở trại cải tạo Long Thành đã được chuẩn bị chu đáo trước hàng tháng.  Tết là một ngày lễ quan trọng nhất đối với người Việt vì đó là những ngày để gia đình có dịp gặp gỡ nhau, để nhớ lại ông bà tổ tiên, và cũng để ăn mừng thành công của mùa màng.  Trong những ngày gần Tết, chúng tôi lại nghe tin đồn về việc VC sẽ bỏ cái Tết truyền thống Việt Nam để dùng Tết Dương Lịch thay vào hoặc dùng ngày Độc Lập của chúng để ăn Tết!  Chúng tôi bảo nhau rằng đó là một ý kiến tồi tệ nhất vì họ không thể cấm được dân chúng tự ăn Tết lấy.  Nhưng rồi Ban Giám Thị trại đã cho chúng tôi sửa soạn cái Tết đầu tiên trong trại như là một hành động để đánh tan dư luận ấy.
Mỗi khối có những nhóm khác nhau để lo chuẩn bị Tết gồm các tiết mục như ca nhạc, kịch, múa lân, làm báo tường, và trang trí.  Bên cạnh đó thì có một nhóm để làm chung cho toàn trại như làm bánh chưng và bánh tét. Bánh chưng để tượng trưng cho đất mẹ, và bánh tét thì để nhắc nhở công trạng của vua Quang Trung đã đại phá quân Thanh nhân ngày Tết.-  Làm cây nêu như một tượng trưng cho việc bảo vệ gia đình người Việt, và tổ chức những trò chơi chung như bóng chuyền, đá banh, nhảy bao bố, và bóng bàn.
Ngoài việc lo trang trí cho khối 3, tôi còn phải phụ làm cây nêu cho toàn trại.  Cây nêu là một cây tre cao để treo những thứ tượng trưng như cái khánh, bánh pháo (giả), và câu liễng đỏ viết chử Tàu.  Hai trại viên khác cùng với tôi được cán bộ dẫn đi lấy cây tre để làm cây nêu.  Hôm đó là ngày 23 Tết, ngày đưa tiễn ông Táo, vị thần giữ nhà về chầu Thượng Đế.  Gia đình người Việt thường tổ chức cúng tiễn ông Táo bằng những phẩm vật.  Chúng tôi đến nhà của một người dân ở gần trại để xin họ một cây tre trong lúc họ đang cúng vái.  Họ đã hỏi chúng tôi về cuộc sống trong trại, cho chúng tôi một ít đồ cúng và còn bảo rằng họ chỉ cho chúng tôi thôi chứ không cho cán bộ đâu!
Tôi rất lấy làm ngạc nhiên về cách nói này vì tôi nghĩ những người dân vùng này thường giúp đở VC trong chiến tranh.  Khi thấy tên cán bộ ra ngoài, một bà cụ bảo chúng tôi rằng trong chiến tranh gia đình bà đã nuôi dấu VC, nhưng bây giờ thì chính họ lại bị bóc lột tận xương tủy.  Trong chế độ cũ, họ không phải đóng thuế nông nghiệp, nhưng dưới cái gọi là chính quyền cách mạng, họ phải đóng góp hầu như tất cả những gì mà họ làm được cho cái thuế nông nghiệp ấy.  Dân chúng càng lúc càng nghèo trong khi VC thì càng ngày càng giàu có.
Tám tháng ở trong trại và mười tháng kể từ ngày “giải phóng”, đó là lần đầu tiên tôi nghe những lời bày tỏ sự bất bình của người dân trong xã hội mới.  Những người dân này lại là những người đã từng giúp đở VC trong chiến tranh.  Tôi không dám tham gia vào cuộc nói chuyện mà chỉ lắng nghe và gật đầu.
Chúng tôi định sẽ treo đèn lồng trong trại và trong các phòng.  Vài khẩu hiệu với những câu như: Chúc mừng Năm Mới hay Mừng Tết Bính Thìn, 1976 được treo ở cổng chính của trại và ở mỗi khối.  Chúng tôi cắt những bông giấy màu vàng và màu hồng dán trên các cây trong trại để tượng trưng cho hoa mai và hoa đào.  Hoa mai để tượng trưng cho Tết ở miền Nam, và hoa đào để tượng trưng cho Tết miền Bắc.
Trong những ngày Tết, các gia đình người Việt thường có những món tượng trưng như dưa hấu, pháo đỏ, bánh chưng và hoa mai, hoa đào.  Chúng tôi cũng có hầu hết những thứ đó, nhưng có điều chỉ là những thứ giả mà thôi!  Lần đầu tiên ăn Tết trong trại, chúng tôi đón mừng Tết một cách buồn bã thay vì vui tươi mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị tất cả một cách chu đáo.
Vài ngày trước Tết, thời tiết hơi se lạnh và màu trời vàng vọt.  Gió nhẹ thổi qua ngọn đồi Long Thành khiến tôi nhớ vô cùng cái Tết ở nhà cách đó khoảng 50 cây số.  Ai đang chùi bộ lư trong nhà mà tôi vẫn thường chùi hàng năm?  Tôi vẫn nhớ giọng nói oang oang của bà ngoại tôi đang hướng dẩn em gái tôi làm bánh mứt, những thứ đặc biệt vào mấy ngày Tết; đôi khi tôi cũng giúp bà để quậy nồi bánh đậu xanh.  Còn đâu hơi thơm quen thuộc và ấm áp của hương trầm bao phủ khắp nhà đêm giao thừa.  Mẹ tôi vẫn thường làm việc trong tiệm may của bà cho đến nửa đêm giao thừa, và có lúc tôi cũng phải phụ bà để hoàn tất công việc bởi vì những người thợ may thường đã về nhà họ để ăn Tết.   Tôi không hề quên được cách xếp đặt bàn thờ để đón ông bà.  Mọi thứ dường như hiện ra rất rõ trong tôi trong những ngày Tết đầu tiên xa nhà này.  Không có gì có thể thay thế được cái Tết trong gia đình!  VC bảo rằng chúng tôi cần phải làm quen với cuộc sống cộng đồng.  Chúng tôi phải làm sao đây nếu chúng tôi không muốn sống cộng đồng?  Mọi người chuẩn bị cho ngày Tết mà không ai có vẻ hứng thú một chút nào.
Đêm giao thừa, ban giám thị và các cán bộ đến từng phòng giam chúc Tết cho chúng tôi.  Chúng tôi phải thức để đón họ cho đến quá nửa đêm.  Họ chúc rằng chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ trong cải tạo ngỏ hầu sớm về với gia đình, nhưng không một ai còn tin tưởng vào những lời nói của họ nữa.  Trong ngày đầu năm, chúng tôi cũng chúc mừng nhau như một thói quen, nhưng tôi biết đó chỉ là phép xã giao mà thôi!
Những trò chơi đã chuẩn bị rất kỷ lưởng, nhưng chỉ có vài trại viên ghi tên tham dự.  Chúng tôi không thể nào lập được hai đội banh để chơi bóng tròn mà chỉ có chơi bóng chuyền giữa ba khối 1, 3 và 4.  Điều ngộ nghĩnh mà tôi vẫn nhớ là trong lần thi đấu nhảy bao bố thì hai người đạt giải nhất lại là hai người có một chân: đó là Nhàn, nguyên là cộng tác viên của tôi, và ông Đại Tá Phấn, nguyên đô trưởng Sài Gòn.
Mọi người vẫn hy vọng một cách mơ hồ về việc tha ra khỏi trại vào ngày Tết, nhưng rồi 3 ngày Tết đã trôi qua trong lặng lẽ.  Sau Tết vài ngày thì những chiếc xe chở đầy gạch xi măng đem vào trại.  Chúng tôi tự hỏi họ đang định làm gì đây?  Tôi thì nghĩ VC đang chuẩn bị để xây tường để củng cố trại.  Chúng tôi lại phải đem gạch chất thành đống dọc theo hai bên con đường chính, và rồi sau đó thì những bức tường lại được xây lên dọc theo 2 bên đường, bao quanh trại, và ngăn cách các nhà với nhau.  Không gian của chúng tôi càng lúc càng hẹp lại dần


Chương 19. Thăm Nuôi Lần Đầu

Ngày 19 tháng 8 năm 1976, để mừng sinh nhật của Hồ Chí Minh, chúng tôi không đi lao động mà đi lên hội trường.  VC gọi đó là để chào mừng ba ngày lễ lớn gồm có ngày 19 tháng 8 sinh nhật Hồ Chí Minh, ngày Nam Bộ Kháng Chiến 23 tháng 8 và ngày lễ Quốc Khánh 2 tháng 9.  Tôi chẳng muốn lên hội trường để nghe những bài diễn văn của chúng, nhưng chẳng có đường nào để tránh.  Thêm nữa, chúng tôi không phải đi lao động và còn có ăn tươi, ít ra cũng có một ít thịt.
Cờ xí và biểu ngữ treo đầy trong hội trường trước đó mấy ngày.  Kể từ khi Việt Nam thống nhất, chúng tôi không còn nhìn thấy lá cờ ba màu của cái gọi là Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ở đâu nữa mà chỉ còn thấy lá cờ máu của Bắc Việt.  Thêm một lần nữa, người dân miền Nam đã bị lợi dụng lòng yêu nước để VC biến cả nước thành một nước Cộng Sản.  Tôi tự hỏi không biết ai là Ngụy đây?
Trang trí trong hội trường luôn luôn như cũ với tấm hình Hồ treo giữa bức tường cuối, gần bên cái bục nơi các cán bộ ngồi, câu khẩu hiệu “không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” phía dưới.  Lần này thì chúng tôi ngồi trên những hàng băng ghế chứ không ngồi dưới đất nữa.  Kể từ khi bắt đầu lao động, trại viên trong khối 2 làm trong hội trường để đan rổ rá, làm chổi, và vài sản phẫm bằng tre.  Vì họ đa số lớn tuổi nên được phân công làm những việc nhẹ hơn.  Thêm vào đó thì cũng không đủ đất cho gần hai ngàn trại viên lao động.  Những trại viên trong khối 2 đã thu nhặt gỗ ở những căn lều cũ cho nạn nhân chiến cuộc để làm những hàng ghế băng trong hội trường.  Những cây gỗ mười phân vuông đã được chôn xuống nền đất của hội trường để làm chân ghế và đóng thành những thanh ngang để làm mặt ghế.  Những hàng băng ghế này ngồi cũng chẳng thoải mái chút nào, nhưng dù sao thì chúng tôi cũng không phải ngồi xuống đất nữa.
Cái bục cũng đã được làm cố định ở cuối hội trường và đặt sẳn bàn ghế cho cán bộ mỗi lần có hội họp.
Rất nhiều cán bộ vào hội trường sáng hôm ấy.  Sau khi đứng lên ngồi xuống mấy lần để chào đón ban giám thị như thường lệ, Thùy, giám thị trưởng giới thiệu nhà văn Hoài Thanh người sẽ thuyết trình về đề tài thơ của Hồ Chí Minh.  Thùy nói rằng Hoài Thanh là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, nhưng không ai trong chúng tôi biết về ông ta.
Hoài Thanh khoảng trên năm mươi, hơi mập và lùn với khuôn mặt vuông và hai gò má bầu.  Ông ta mặc áo bỏ vào trong quần chứ không bỏ ngoài như những cán bộ cao cấp khác, và ông ta lại thắt cà vạt nữa!  Một điều khác đã làm chúng tôi ngạc nhiên là khi ông ta ngồi vào chổ thì một cán bộ lại đem đến một chai bia thay vì ly nước như thường lệ!
Tôi cũng không nhớ nhiều về những điều mà Hoài Thanh đã nói trong buổi diễn thuyết về thơ của Hồ vì thơ của Hồ rất tầm thường, có thể nói là giống như thi ca hò vè của Việt Nam, có khi còn dở hơn, với những bài thơ lục bát, ngoài một tập thơ bằng chử Hán tên là “Ngục Trung Nhật Ký” mà chúng tôi nghĩ là không phải của hắn ta.  Điều duy nhất tôi nhớ về Hoài Thanh là lời mở đầu của ông ta với một câu rất bạo là: “Thơ của Hồ Chủ tịch sở dĩ hay vì đó là thơ của Hồ Chủ tịch!”  Tôi không biết sao ông ta lại dám nói như vậy trong một bài diễn thuyết cho chúng tôi nghe?  Một sự nhạo báng Hồ là một trọng tội trong quốc gia của VC!  Nhưng tôi nghĩ chắc là các cán bộ cũng không hiểu ẩn ý của lời ông ta nói vì khi thấy chúng tôi vỗ tay thì họ cũng vỗ tay theo.
Khoảng giữa trưa, sau khi Hoài Thanh rời hội trường, trại phó Bào lên nói vài điều về ba ngày lễ lớn.  Để kết luận, ông ta nói rằng để thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, trại cho phép chúng tôi có cơ hội để thăm gặp gia đình trong hai ngày 1 và 2 tháng 9.
Mười bốn tháng kể từ lúc vào trại, có lẽ đây là lúc mà tôi thấy kích động nhất.
Sau khi đã nghe chính sách của Đảng và Nhà Nước về ba năm tập trung cải tạo, tôi không còn tin tưởng được nữa.  Đầu tiên thì chúng bảo rằng chúng tôi phải mang theo thức ăn cùng quần áo chăn màn cho một tháng, và bây giờ thì ba năm tập trung cải tạo và sẽ được tha ra khỏi trại khi đạt được tiến bộ.   Chúng lại chơi chữ một lần nữa!  Thế nào là tiến bộ?  Không ai có thể giải thích được hay biết được điều này.  Tôi nghĩ rằng điều đó có nghĩa là chúng có thể giử chúng tôi mãi mãi hay có thể thả chúng tôi bất cứ khi nào nếu chúng muốn.
Con đường trở về với gia đình của tôi đã bị tắt nghẽn!  Cuộc sống còn lại của tôi, ngay cả nếu ở ngoài xã hội thì cũng chỉ là một sự vô vọng mà thôi.  Sống trong trại cải tạo thì cũng giống như một cuộc sống không có linh hồn.  Ngày này qua ngày khác, tôi sinh hoạt như một cái bóng: làm việc, ăn, ngủ với tiếng kẽng giống như một người máy hoặc như con chó Pavlov.  Tâm tư tôi không còn hiện hữu trong tôi nữa.  Đôi khi tôi vừa làm việc mà lại vừa nghĩ tới gia đình tôi, ngay cả trong giấc ngủ.  Họ chính là cứu cánh của cuộc đời tôi.  Được gặp gia đình, đó quả là sự kích thích vô cùng đối với tôi, và với những người khác nữa!  Viết thư và hai tuần lể chờ đợi, quả là lâu.
Tôi cũng không biết viết gì trong thư cho gia đình khi mà bức thư ấy sẽ bị các cán bộ kiểm duyệt cẩn thận.  Họ không muốn chúng tôi suy nghĩ nhiều về gia đình để mà an tâm cải tạo và tin tưởng tuyệt đối vào chính sách của Đảng và Nhà Nước.  Thật là một điều rất buồn cười khi bảo chúng tôi phải yên tâm để ở tù và tin tưởng vào những lời nói dối của chúng!  Nhưng chúng tôi cũng phải nói như vậy như một con vẹt.  Ở trong trại cải tạo, chúng tôi không những chỉ bị cưỡng bức lao động mà còn bị cưỡng bức suy tư nữa.  Trong bức thư cho gia đình gửi qua cán bộ, tôi chỉ viết để báo tin cho gia đình tôi về việc thăm nuôi cùng ngày giờ và địa điểm, hỏi thăm về bà ngoại tôi, mẹ tôi, về vợ con tôi cùng mọi người trong gia đình.  Tôi lén viết một bức thư khác cho vợ tôi và dấu trong cái quai của cái giỏ xách dự định sẽ mang ra cho gia đình tôi hôm thăm nuôi mặc dù tôi cũng biết trước là họ sẽ khám xét rất kỹ.  Tôi muốn cho vợ tôi biết rằng ngày trở về của tôi chắc là còn lâu lắm; mà vợ tôi hãy còn trẻ.  Tôi muốn cô ta hãy quên tôi đi mà làm lại cuộc đời khác, nhưng rồi tôi lại không đủ can đảm để viết điều ấy.  Tôi chỉ viết để khuyến khích vợ tôi hãy sống trong một xã hội mới không có tôi.  Tôi yêu cô ấy nhưng lại không muốn cô ấy bỏ phí cuộc đời.  Tôi chỉ muốn được gặp con trai tôi và nghĩ rằng vợ tôi sẽ tự nuôi con được cho dù cô ấy có rời tôi đi nữa.
Trong những ngày này, chúng tôi lại bận rộn di chuyển trong trại vì có một số trại viên mới đến.  Họ là những thành phần được gọi là nạn nhân của chế độ cũ gái điếm và gái bán bar và được đưa vào trại để được “phục hồi nhân phẩm”, một danh từ mới để thay thế cho việc bỏ tù!  Những trại viên mới này được ở trong ba nhà ở khối 1.  Chúng tôi phải dồn lại và khối 3 chỉ còn ở trong hai nhà thay vì ba như trước; những cái sạp gỗ của chúng tôi phải được đặt sát vào nhau.
Ngày 1 tháng 9, ngày đầu tiên trong lịch trình thăm nuôi, tất cả chúng tôi rất kích thích.  Mọi người đều chọn những bộ quần áo đẹp nhất để chuẩn bị.  Sau hơn 14 tháng lao động trong trại, bộ đồ đẹp nhất của tôi là cái quần đã sờn gối và cái áo đã sờn cổ!  Khoảng chín giờ sáng, vài người đã được gọi ra để thăm gặp gia đình.  Họ mang theo những cái giỏ xách trống, xếp vào hàng để được khám xét, và rồi đi ra.  Tôi cũng chờ đợi trong sự nôn nao.  Tôi không biết là gia đình mình sẽ lên thăm hôm nay hay ngày mai.  Bức thư viết riêng cho vợ tôi cũng đã dấu kỹ trong tay xách của cái giỏ.  Tôi nhìn cách khám xét của họ mà cảm thấy hơi an lòng.
Khoảng trưa, Điệp và tôi được gọi cùng lúc; tôi nghĩ chắc hai gia đình đã đi chung vì hai nhà ở gần nhau.  Đã bắt đầu đông trại viên được thăm nuôi vào thời gian ấy, do đó việc khám xét dễ dàng hơn.  Bà ngoại tôi, mẹ tôi cùng vợ con tôi đến thăm.  Tôi nhìn thấy mọi người khi đi đến gần nhà thăm nuôi, đặc biệt là vợ tôi đang ẵm con trong tay.  Con tôi trông rất nhỏ nhắn, hoặc là đã quá lâu tôi không nhìn thấy một đứa bé, tôi không biết rõ.  Vợ tôi thì trông gầy hơn trước dù rằng cô ấy vốn cũng đã gầy rồi.  Tôi cảm thấy tội nghiệp vợ tôi vì đã chịu quá nhiều đau khổ.  Ba năm hạnh phúc không đáng để cô ấy phải trải qua những đau khổ này.
Mười lăm phút không thể đủ để chúng tôi nói với nhau những điều muốn nói, và thêm vào đó còn có cán bộ quan sát nữa.  Họ luôn muốn chúng tôi nói dối về tình trạng của chúng tôi.  Những cuộc đối thoại của chúng tôi toàn là những lời nói dối, nhưng chúng tôi lại hiểu nhau qua những lời nói dối ấy.  Tôi thử bế con tôi, nhưng nó lại khóc đòi mẹ.  Bà ngoại tôi thì trông rõ ràng là già và gầy hơn, nhưng giọng bà vẫn oang oang.  Đó là lần cuối cùng tôi gặp bà, và cái hôn giã từ tôi vẫn nhớ mãi.  Mẹ tôi không nói lời nào.  Tôi nắm tay mẹ tôi và nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ tôi.  Mẹ tôi đã chịu đựng quá nhiều đau khổ kể từ khi ba tôi rời gia đình đi vào mật khu và chết trong ấy.  Cả cuộc đời mẹ tôi đã hiến cho con cái.  Tôi không biết nói gì với mẹ tôi mà chỉ nhìn bà.
Tôi nói nhỏ với vợ tôi về bức thư trong cái quai của túi xách, và vợ tôi cũng cho tôi biết cô ta có viết cho tôi bức thư để trong hộp mắm ruốc.  Dấu thư trong hộp mắm ruốc, một món đồ vừa nhầy nhụa lại hôi nữa, quả là một sáng kiến!  Tôi nhìn thấy vợ tôi khóc khi tôi hôn nàng lúc từ giã.  Mười lăm phút thăm gặp đã trôi qua.  Mọi người đứng lên một cách uể oải như muốn kéo dài thêm giây phút giã từ!  Các cán bộ phải bảo trại viên xếp hàng nhanh lên để vào trại nhường chổ cho nhóm khác; đó có lẽ là phương cách duy nhất để chấm dứt thời gian thăm nuôi.  Tôi xách hai túi quà chậm chạp đi xếp hàng. Vợ tôi quay đi chổ khác để dấu những giọt nước mắt.  Sự nao nức lúc chờ đợi đã nhường chỗ cho sự buồn bã lúc chia tay.  Trại viên bước vào trại mà còn quay mặt lại cho đến khi đã đi qua khỏi cổng trại, cánh cổng ngăn cách hai nhà tù: nhà tù của các trại viên trong trại cải tạo và nhà tù cho dân chúng trong xã hội xã hội chủ nghĩa.
Có quá nhiều trại viên thăm nuôi cho nên việc khám xét càng lúc càng dễ dàng hơn.  Không có đủ cán bộ, họ cho phép vài trại viên đội trưởng phụ làm việc này.  Tôi xếp mọi vật riêng rẽ ra từng cái một trên sàn của hội trường.  Cán bộ chỉ đứng quan sát trong khi một trại viên của khối 1 xét đồ đạc tôi bằng cách cầm lên rồi đặt xuống từng món một chứ không hề mở ra.  Tôi lo cho bức thư của vợ tôi, nhưng mọi việc diễn ra êm xuôi.
Bức thư mười trang giấy mà vợ tôi đã viết cả tuần trước khi đến thăm tôi.  Vợ tôi bảo rằng cô ta sẽ không có thời gian và cơ hội để nói với tôi những điều mà cô ấy đã trải qua từ lúc rời trường Chu Văn An về với gia đình.  Điều ấy đã từng xảy ra thế hệ này sang thế hệ khác trong các gia đình ở Việt Nam!  Sự xung đột giữa gia đình chồng với người vợ luôn là đề tài chính trong nhiều gia đình.  Người Việt Nam thường sống với nhau cả 3 thế hệ dưới một mái nhà, do đó sự đối kháng này khó có thể tránh được, đặc biệt là khi người vợ, một người lạ, sống một mình trong gia đình bên chồng.  Cái gọi là mẹ chồng và em chồng là những điều đã xảy ra tự ngàn xưa, tiếp tục đến bây giờ, và không biết còn xảy ra bao lâu nữa?  Tôi đã biết điều này từ ngày đầu tiên chúng tôi sống chung, và tôi cũng đã cố gắng để có mái nhà riêng.  Nhưng khi vợ tôi trở về lại với gia đình thì mọi cái lại trở lại như cũ, có thể còn xấu hơn vì không còn tôi ở nhà nữa.  Điều khó khăn cho vợ tôi là trong xã hội mới này, vì là nhân viên của chế độ cũ, vợ tôi không thể tìm được việc làm nào cho cuộc sống mà phải chia xẻ cảnh nghèo với gia đình tôi.  Thêm vào đó, theo một thói tục cũ của Việt Nam, người đàn bà khi đã có chồng thì phải ở chung với gia đình bên chồng một khi người chồng xa nhà, vợ tôi không thể nào làm khác hơn.
Về tình trạng của gia đình tôi, vợ tôi không nói gì rõ ràng mà chỉ viết rằng cô ấy đã phải thường xuyên đi xếp hàng để mua gạo và mọi vật dụng trong gia đình, nhưng ít ra thì cô ấy cũng mua được vài món.  Con tôi thì cũng đủ sữa trộn với nước cháo, và mặc dù bà ngoại tôi rất ghiền cà phê sữa, bà cũng phải nhường sữa cho cháu.  Không những trong trại chúng tôi học cách nói dối mà cả bên ngoài mọi người đều làm chuyện ấy.  Chúng tôi nói dối nhau và lại hiểu nhau qua lời nói dối ấy.
Đất nước thì tả tơi; dân chúng trong nước thì nghèo nàn, nhưng mọi người phải nói rằng đất nước ta giàu đẹp; khó khăn chỉ là tạm thời!  (Tạm thời đến bao giờ, hay là mãi mãi?)  Tôi biết về tình trạng của gia đình mình nên đã không xin gì cả.  Tôi không muốn làm gánh nặng cho họ.  Những gói quà của gia đình giúp tôi rất nhiều trong trại, nhưng lại là mối lo cho gia đình tôi vì họ phải chia xẻ cho tôi phần đã quá ít oi của họ.  Tôi không thể nào hiểu nổi một quốc gia mà người dân lại phải xếp hàng để mua mọi thứ cần thiết cho đời sống của họ.  Đó chính là một minh chứng hùng hồn cho câu nói “đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì mà Cộng Sản làm”.
Đêm ấy, tôi không thể nào ngủ được mà cứ nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những gì sẽ viết trả lời cho thư vợ tôi.  Tôi có thể viết gì bây giờ trong cảnh này ngoài việc trấn an cô ta với tình yêu của tôi?  Tôi cũng không biết được tình yêu của mình sẽ là sự an ủi hay là nỗi tuyệt vọng cho vợ tôi.  Mới có 25 tuổi, cô ấy đã phải đè nén bao nhiêu ham muốn để sống một mình nuôi con và chờ đợi cho một mối tình viễn vông và vô vọng, quả là một hoàn cảnh ngang trái!  Trong thư của vợ tôi, cô ấy viết rằng cô ấy rất hạnh phúc khi có được tình yêu của tôi dành cho cô ấy, một mối tình mà không dễ gì ai cũng có được.  Cô ấy có ý muốn đợi tôi ba năm như chính sách của Đảng và Nhà Nước quy định cho các trại viên trong trại cải tạo, nhưng điều gì đây nếu đó không phải là ba năm.  Cô ấy không biết cô ấy sẽ ra sao đây nếu mà chúng tôi chỉ còn gặp được nhau khi tóc đã bạc!
Tôi trả lời thư của vợ tôi thế nào đây khi mà chính tôi cũng không tin điều mà VC đã nói?  Đời tôi thì hình như đã hết rồi, còn vợ tôi thì thế nào?  Tôi không muốn ích kỷ, nhưng tôi phải nói gì đây?  Tôi vẫn nhớ câu nói : “mất đất nước vào tay Cộng Sản là mất tất cả”.  Nhưng mà tôi biết rằng vợ tôi sẽ không bỏ tôi được đến khi cô ấy không còn hy vọng gì, hoặc là khi tôi đã chết.  Đôi lúc tôi cũng có nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát khỏi mọi đau khổ cho chính tôi và cho vợ tôi nữa.  Tôi nghĩ đến mọi điều nhưng rồi chỉ viết ra những diễn biến trong tâm tư tôi khi tôi được gặp vợ con và gia đình mình.  Nhìn cảnh tượng vợ tôi ôm con, tôi biết rằng cô ấy đang hạnh phúc vì đứa con chính là những gì mà cô ấy đã mong ước.
Ngày 2 tháng 9, ngày lễ Độc Lập của VC, nhưng cũng không có tổ chức lễ lộc gì vì họ bận rộn cho ngày thăm nuôi cuối cùng của trại viên.  Tôi không còn chờ đợi ai đến thăm nữa mà chỉ ngồi tại chỗ đọc đi đọc lại bức thư và suy nghĩ về vợ con tôi.  Khoảng trưa, Điệp lại được gọi ra để nhận thêm quà.  Anh ta cho tôi biết rằng tôi có một gói nhỏ kèm theo.  Vợ tôi gửi thêm cho tôi một ít mì khô và quan trọng hơn là bức thư mà tôi nghĩ là cô ấy dấu bên trong.  Tôi lục kỹ và tìm ra bức thư nằm giữa cuộn mì khô.  Vợ tôi viết về những diễn biến trong tâm tư của cô ấy khi gặp tôi rằng cô ấy đã run rẩy và đổ mồ hôi giống như là bị bịnh khi thấy tôi đi từ trong trại ra.  Vợ tôi bảo là cô ấy nghĩ tôi đến từ địa ngục, và nghĩ rằng cô ấy chắc không thể nào gặp lại tôi được.  Trên đường về nhà, những người đi cùng còn bảo rằng ai mà hôn vợ sẽ bị phạt khi trở vào trại và hỏi tôi có bị phạt không(?)  Cô ấy muốn sẽ vượt qua mọi khó khăn để đợi tôi.
Tôi yêu cô ấy nhiều, nhưng tôi không muốn để cô ấy thất vọng.  Tôi không biết làm sao để cho cô ấy biết điều ấy.  Mặt khác, cô ấy đang sống trong hy vọng và hạnh phúc với đứa con.  Tôi không thể tiêu diệt giấc mơ của vợ tôi.  Người ta bảo rằng: sống là hy vọng; cô ấy đang sống, do đó tôi không thể giết chết sự sống của cô ấy. Trong thư, tôi đã viết rằng tôi sẽ yêu cô ấy mãi cho dù cô ấy có sống trong một cuộc sống khác không có tôi đi nữa!  Tôi không muốn cô ấy bỏ phí cuộc đời để đợi tôi, nhưng thật tình thì trong thâm tâm tôi vẫn mong một ngày trở về với cô ấy.  Dù không tin vào thời gian ba năm cải tạo như VC đã nói, nhưng tôi vẫn hy vọng điều đó là đúng.  Hai mặt trái ngược luôn luôn xung đột trong lòng tôi khiến tôi không đi tới một quyết định nào được nữa.
Thời gian thăm gặp đã hết, trong lúc chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau thì có vài chiếc xe đò trống đi vào trại đậu ở gần cổng chính.  Điều gì xảy ra đây?  Kể từ khi những người được gọi là nạn nhân của chế độ cũ đến trại chúng tôi cũng chờ đợi cho sự việc xảy ra.  Nhưng chúng tôi không mong nó xảy ra quá cận lúc chúng tôi vừa thăm nuôi.  Đồ đạc chúng tôi quá cồng kềnh.  Chúng tôi phải gói gọn chúng lại mặc dù chưa ai nói điều gì hết.
Mười giờ tối hôm ấy, Tư Điệp và Bảy Sói, hai cán bộ phụ trách khối 3 đến gọi chúng tôi sửa soạn để di chuyển.  Chỉ vài người đang nấu ở nhà bếp là còn ở lại để nấu nướng vài ngày chờ bàn giao lại cho những trại viên mới.  Chúng tôi hầu hết đã chuẩn bị và chờ đợi, nhưng chưa biết chắc mình sẽ đi đâu.  Một nhóm đã đi sang trại Thủ Đức vài ngày trước khi những nạn nhân của chế độ cũ đến.  Chúng tôi chắc cũng vậy thôi.  Vợ tôi cũng đã nói cho biết rằng Linh, anh rể của vợ tôi đã đi khỏi trại Thủ Đức đến một trại nào đó ở miền Bắc, do đó có lẽ chúng tôi sẽ thay thế các trại viên ở trại Thủ Đức.  Vài ngày trước khi thăm gặp gia đình, ban giám thị đã chiếu cho chúng tôi xem phim có tựa đề “Chuyện Chúng Mình” nói về đời sống của một trại viên trong một trại ở miền Bắc, và tôi nghĩ đó chính là chuẩn bị tinh thần chúng tôi cho cuộc di chuyển này.  Tôi đã sẵn sàng, không còn lo lắng gì cả vì ít ra tôi đã gặp được gia đình tôi.  Nếu điều gì đó xảy đến cho tôi, tôi sẽ chấp nhận nó như một điều dĩ nhiên.
Khoảng nửa đêm, chúng tôi rời khỏi trại Long Thành sau một năm hai tháng mười tám ngày ở trại này.

( Hết chương 8 – 19.  Xin xem tiếp chương 20 – 26. ) 

Liên lạc tác giả KALE:  thongtinlls3@gmail.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire