mardi 18 février 2014

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN (chương 20 – 23)

Đọc tiếp bài trước

http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/02/17-nam-trong-cac-trai-cai-tao-cua-csvn_15.html

Phần 3 

Trại Cải Tạo Thủ Đức (16NV)

 photo bc3a1c-sc4a9-quc3a2n-y-trong-tre1baa1i-sc6a1n-la1.jpg



Chương 20.Trại Cải Tạo Thủ Đức

Cảm tưởng đầu tiên khi đến trại Thủ Đức là chúng tôi thật sự ở tù!  Trại là trung tâm cải huấn nữ can phạm của thời Việt Nam Cộng Hòa.  Nó đã được xây dựng từ thời thực dân Pháp, tôi không biết rõ lắm, nhưng quả thật là rất kiên cố.  Gần mười lăm tháng ở trại Long Thành, chúng tôi chưa hề bị nhốt trong phòng giam, nhưng khi vừa đến trại Thủ Đức, điều đầu tiên mà họ làm là khóa trái cửa phòng lại ngay sau khi chúng tôi đi vào.
Trại nằm trong thị xã Thủ Đức, cách Sài Gòn khoảng 15 cấy số.  Một vòng rào làm bằng tường xi măng bao quanh trại với kẽm gai bên trên.  Hai bên của cánh cổng chính bằng sắt là hai vọng gác.  Ở mỗi góc tường có một chòi canh.  Một cái sân rộng phía sau cổng chính dẫn đến một bức tường ngăn cách sân với khu trại giam bên trong; chỉ có một cánh cổng nhỏ ở bức tường ấy.  Vài kiến trúc ở phía góc sân được dùng làm văn phòng cho cán bộ và cho ban giám thị.  Qua bức tường ấy, chúng tôi đã phải đi giữa một con hẻm hẹp khoảng một mét rưỡi có hai bức tường ở hai bên trông giống như giao thông hào.
Đầu tiên, tôi được dẫn vào một phòng giam ở khu B.  Có hai cái bục xây bằng xi măng cao khoảng một thước ở sát hai bên tường.  Phần giữa hai bục ấy là lối đi dẫn đến một cái nhà cầu ở cuối phòng.  Những bức tường xây quanh cái sân nhỏ phía trước phòng giam, do đó chúng tôi chỉ thấy được những người cùng buồng giam chứ không thể nhìn thấy được những người ở khác buồng.  Bốn mươi người được nhốt trong một phòng giam có một nhà cầu với hai lỗ cầu được thông bằng nước và một vòi tắm.  Ít ra thì nó cũng sạch sẻ hơn cái cầu xí ở Long Thành.
Vài ngày sau, họ di chuyển tôi đến nhà giam số 4 trong khu A cùng với các bạn khác; chúng tôi chuẩn bị để di chuyển!  Hình bát giác của nhà giam số 4 khiến nó trông giống như ngôi nhà thờ.  Vài người nói rằng nó cũng đã từng là nhà nguyện cho các nữ tu đạo Công giáo, và trại Thủ Đức này cũng từng là nhà dòng.
Nhà giam số 4 giam được khoảng bốn trăm người.  Chúng tôi ngủ trên những cái bục xi măng cao hơn lối đi khoảng một thước.  Một cái nhà vệ sinh lớn nằm phía bên phải của phòng giam có bốn lỗ cầu, hai vòi tắm và một bồn rửa mặt.  Có rất nhiều khung cửa sổ chung quanh với những song sắt và một cánh cửa duy nhất đi ra một cái sân rộng ở gần cổng đi ra sân trước của trại.  Ba buồng giam khác nằm đối diện với phòng giam số 4 cũng thuộc khu A, do đó chúng tôi có thể trông thấy các bạn tù khác ở những phòng giam kia.  Tất cả chúng tôi trong khu A là được chuẩn bị để di chuyển.  Trại Thủ Đức chỉ là trạm trung chuyển, do đó chúng tôi không phải làm gì cả ngoại trừ người nào muốn tình nguyện đi bửa củi cho nhà bếp.
Mỗi sáng, một cán bộ đến buồng giam để mở cửa; ông ta đứng ở cửa, và chúng tôi phải ngồi tại chổ đếm số theo thứ tự từ số 1 đến số cuối cùng.  Chúng tôi chỉ có nửa giờ để ra ngoài sân phơi nắng hay tập thể dục rồi lại phải vào lại buồng giam để nghe đọc báo cho đến giờ cơm trưa.  Buổi chiều, chúng tôi thay phiên nhau để tắm giặt.  Sau khi ăn chiều, cán bộ lại đến để kiểm tra trước khi đóng cửa buồng giam; đôi khi chúng tôi phải đứng xếp hàng ở trong sân để điểm vào phòng, nhưng thường thì cũng ngồi đếm số trong phòng giống như buổi sáng.
Khi chúng tôi đến trại Thủ Đức, đã có hai nhóm trại viên di chuyển khỏi trại để đi đến trại nào đó ở miền Bắc Việt Nam.  Đó là hai nhóm từ trại Long Thành: nhóm thứ nhất đã rời trại Long Thành sau mấy tuần đầu và nhóm nữa thì mới vừa rời trại Long Thành cách đó không lâu.  Tôi nghe nói họ được chuyển đi trại Nam Hà ở miền Bắc.
Lần này là đến phiên chúng tôi.
Thời gian ở trại Thủ Đức là lúc mà chúng tôi khỏe nhất trong các trại cải tạo.  Ngoài việc không phải làm gì, chúng tôi còn được ăn uống tương đối đầy đủ hàng bữa với cơm và canh cà chua hay bí xanh cùng một ít thịt.  Chúng tôi bảo nhau rằng họ bồi dưởng chúng tôi để sẵn sàng đi lao động khổ sai!  Đó là câu nói đùa nhưng cũng không xa với thật tế.
Khoảng mười ngày sau, vài nhóm trại viên khác đến lấp đầy các phòng giam ở trại Thủ Đức, và số còn lại ở trại Long Thành cũng được đưa qua đây luôn.  Các cán bộ đến phòng giam số 4 để đọc danh sách các trại viên chuẩn bị để di chuyển, ai không có tên thì được dời sang phòng giam khác.  Tôi thuộc nhóm di chuyển.
Chúng tôi không làm gì nữa kể từ hôm ấy, chỉ túm tụm nhau bàn tán về cái trại sắp tới.
Hai hôm sau, một cán bộ đến phòng giam số 4 và gọi Tuân cùng tôi đi hỏi cung, và rồi hai chúng tôi được dời sang một phòng giam khác để số còn lại chuyển đi vào đêm hôm ấy.  Họ được di chuyển đến trại Lào Kai và Quảng Ninh ở miền Bắc Việt Nam



Chương 21. Tôi Ở Lại Đề Điều Tra

Thật ra thì không có gì đặc biệt để kể về trại Thủ Đức vì đó chỉ là một trạm trung chuyển!
Khi Tuân và tôi ở lại để bị hỏi cung thì họ chuyển chúng tôi đến khu B của trại.
Ngoại trừ khu A có bốn phòng giam có chung cái sân rộng, các nhà khác trong trại đều được ngăn cách nhau bởi những bức tường, do đó trại viên trong các nhà giam khác nhau không thể trông thấy nhau được ngoại trừ lúc đi lãnh cơm ở nhà bếp.  Nhưng luôn luôn có một cán bộ hay một thi đua đi kèm.
Có nhiều loại trại viên được giam ở trại Thủ Đức như: tội phạm hình sự, những người trong cái mà VC gọi là “những tổ chức phản động”, những người đã đứng lên chống lại Cộng Sản sau ngày 30 tháng tư năm 1975, những người tổ chức vượt biên hay vượt biên bị bắt lại, những nhà triệu phú bị bắt khi VC đánh tư sản mại bản trong chiến dịch “cải tạo kinh tế tư bản”, và những nhân viên của chế độ cũ.  Họ giam mỗi loại trong mỗi khu khác nhau.  Khu A là để dành cho những trại viên tạm thời chờ đợi để di chuyển.  Khu B giam những nhân viên chế độ cũ và các nhà triệu phú.  Khu C giam giữ tội phạm hình sự, các người trong những tổ chức chống đối và thuyền nhân.
Không như ở trại Long Thành, tôi không thể biết được có bao nhiêu trại viên trong trại Thủ Đức vì họ được đưa đến và chuyển đi liên tục và vì chúng tôi không trông thấy nhau.
Cái gọi là khu B thì chỉ có một dãy nhà với hai buồng giam và cái sân phía trước bao quanh bởi các bức tường.  Khi được đưa đến đây, đã có khoảng một trăm trại viên khác ở đó trước rồi.  Họ đã được chuyển đến từ trại Long Thành và chưa được chuyển đi ra miền Bắc.  Tôi rất ngạc nhiên về sự hiện diện của vài người như các ông Cang, nguyên đặc ủy trưởng của cơ quan tình báo, Trang trưởng ban A8, Lương trưởng ban A10, Việp và Nhụ chánh nhất tòa thượng thẫm Sài Gòn.  Trong phòng giam số 1, hầu hết các trại viên là nhân viên củ của chính quyền Nam Việt Nam và vài triệu phú như dược sĩ La Thành Nghệ, ông vua kẽm gai Hoàng Kim Qui.  Phòng giam số 2 gồm các trại viên từng làm trong lực lượng cảnh sát và cơ quan tình báo Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng tôi không phải làm gì suốt thời gian ở khu B, và do một lý do gì đó mà tôi không rõ, ban giám thị trại lại dường như rất dễ dàng đối với chúng tôi hơn lúc nào hết.  Họ không đóng cửa phòng giam cho đến sáu giờ chiều mỗi ngày và cho phép chúng tôi được đi lại trong sân, nấu nướng và tập thể dục.
Cuộc hỏi cung đã được diễn ra gần hai tháng.  Đầu tiên tôi phải đi làm việc hàng ngày rồi về phòng viết đi viết lại bản khai báo những điều mà họ hỏi.  Sau đó, thỉnh thoảng họ mới kêu tôi lên một lần, và rồi họ không còn gặp tôi nữa vì có lẽ đã xong.
Điều họ muốn hỏi tôi là tất cả những gì mà tôi biết được có liên quan đến “lực lượng thứ ba”, những người mà tôi đã theo dõi từ năm 1970 đến 1972 trước khi tôi làm việc cho ban A17.  Vài người trong nhóm này đang làm việc cho VC như bà Ngô Bá Thành, hiện đang làm dân biểu trong quốc hội của VC.  Họ cũng đã là những người đã từng làm xáo trộn hậu phương để giúp cho VC có thêm cơ hội để thôn tính miền Nam Việt Nam.  Tôi chẳng ưa bọn này vì họ là những người đứng cửa giữa để hưởng lợi của cả hai phía.
Tôi nghĩ rằng những điều mà tôi biết về Lực Lượng Thứ Ba là quá ít ỏi bởi vì lúc ấy tôi chỉ theo dõi họ dưới tư cách là ký giả cho tờ nhật báo “The Saigon Post”.  Những gì tôi nhìn thấy về họ chỉ là diện bên ngoài!  Bà Ngô Bá Thành là người đã tốt nghiệp Luật khoa ở Đại Học Sorbonne, Pháp; chồng bà ta là Ông Ngô Bá Thành, một bác sĩ thú y làm giáo sư cho trường Đại Học Nông Lâm Súc Sài Gòn.  Luật sư Trần Ngọc Liễng thì đã từng làm bộ trưởng quốc phòng thời Đệ nhất Cộng Hòa.  Đại tướng Dương Văn Minh, chủ tịch của Hội đồng tướng lãnh của Quân Lực Nam Việt Nam, người đã lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.  Tất cả bọn này đã từng giữ những chức vụ cao ở Nam Việt Nam trước đây.  Họ chống đối với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, hay do một lý do nào khác mà tôi không biết, đã liên kết với những tăng lữ Phật Giáo Ấn Quang để hình thành cái gọi là “Lực Lượng Thứ Ba”; một lực lượng mệnh danh là đứng giữa nhưng chỉ chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chứ không hề chống lại VC.
Mọi điều tôi viết cho VC là điều mà họ đã biết rồi vì họ cũng có nhiều người trà trộn trong “Lực Lượng Thứ Ba”.  Lực Lượng thứ Ba, những kẻ đã giúp VC thôn tính miền Nam Việt Nam gần đây; tôi không hiểu tại sao VC lại hỏi tôi về họ.  Họ đã nghi ngờ điều gì đó chăng, hay VC muốn có bằng cớ để lật đám này xuống.  VC thì luôn luôn làm như vậy với những ai không phải là Cộng Sản.  Tôi nghĩ thật là ngu khi họ muốn chiếm một địa vị nào đó trong guồng máy của Cộng Sản mà không gia nhập Đảng Cộng Sản.  Ngay cả dù cho họ có muốn gia nhập đảng Cộng Sản đi nữa thì họ cũng chỉ giữ được những chức vụ nhỏ thôi chứ làm sao mà leo lên được những chức vụ cao như lúc họ ở trong chính quyền miền Nam Việt Nam trước đây?  VC chỉ xử dụng những người này tạm thời mà thôi để lấy lòng dân chúng; bây giờ đây có lẽ là lúc mà VC muốn loại trừ những người này ra khỏi tổ chức.
Thêm hai đợt di chuyển nữa xảy ra vào thời gian này, nhưng Tuân và tôi vẫn còn ở lại trại Thủ Đức để điều tra.  Hai tháng sau, chúng tôi chuyển đến khu D, bỏ trống khu B cho những trại viên được chuyển đến và chuyển đi.



Chương 22. Khu D Trại Cải Tạo Thủ Đức

Hai tháng sau đó, chúng tôi được dời qua khu D của trại.  Đã có thêm hai lần di chuyển ra Bắc nữa xảy ra, nhưng không ai trong nhóm chúng tôi bị chuyển đi.  Chúng tôi gồm khoảng một trăm trại viên hầu hết đến từ trại Long Thành.  Họ chia chúng tôi thành hai đội: đội 1 gồm những người đã từng làm trong chính quyền Nam Việt Nam cũ và đội 2 gồm những người từng làm trong Lực lượng Cảnh Sát và Cơ quan Tình báo trung ương của Nam Việt Nam.  Ngoài ra còn vài người là những người bị bắt trong khi VC đánh tư sản mại bản như dược sĩ La Thành Nghệ, và ông vua kẽm gai Hoàng Kim Quy.
Khu D của trại Thủ Đức nằm ở cuối trại trong một khoảng đất rộng khoảng một mẫu được bao bọc bởi bốn bức tường.  Một bên tường là khu C, một bên là khu B, và hai phía kia là khu đất trống ngăn cách trại với khu dân chúng chung quanh.  Có hai vọng gác nằm ở hai góc tường nối khu D với các khu B và C.  Hai cánh cửa rộng khoảng một thước, một mở ra khu đất trống bên ngoài trại còn một thì dẫn vào khu C và đi vào nhà bếp.
Có hai dãy nhà song song nhau và song song với bức tường ngăn cách với khu B: dãy nhà giữa là dành cho các trại viên làm ở nhà bếp và ban thi đua, cái còn lại nằm gần bức tường là phòng giam của chúng tôi.  Cả hai đều là nhà gạch với mái ngói và nền gạch bông.  Cấu trúc trông rất mới, có lẽ chúng vừa được sửa lại để làm phòng giam.
Hai đội chúng tôi được ở trong hai phòng thuộc căn nhà thứ 2 bao quanh bởi hàng rào kẽm gai với một cái sân chung tráng xi măng ở phía trước.  Tôi ở trong phòng giam thứ hai.  Đó là một căn phòng rộng khoảng tám thước dài khoảng mười lăm thước, có một gian ở đầu phòng dùng làm nhà vệ sinh.  Khi chúng tôi dọn vào, căn phòng trông có vẻ rất mới.  Nó trông giống như một nhà kho vừa mới tân trang lại để làm phòng giam.  Sơn và nền còn rất mới.  Không có gì trong phòng, do đó chúng tôi phải lót chiếu cói lên sàn nhà để làm chổ ở.  Ba dãy chiếu được cách ra bởi một khoảng trống làm lối đi.
Để giăng mùng, chúng tôi phải cột hai hàng dây kẽm vào hai đầu tường dọc theo lối đi.  Đồ đạc của chúng tôi thì phải chất xuống chỗ nằm.  Căn phòng trông giống như chổ tạm trú.
Tôi trải tấm pon-sô phía dưới chiếc chiếu cói để ngăn độ ẩm của nền gạch như tôi vẫn thường làm, và đặt cái ba lô vào phía sát tường.  Chỗ nằm của tôi sát bên ngưỡng cửa, do đó tôi có thể nhìn thấy được bên ngoài phòng giam dù có đóng cửa đi nửa.  Cánh cửa phòng giam làm bằng loại cửa song sắt kéo.
Cán bộ cử Uyển làm đội trưởng đội 2.  Họ chia đội thành ba tổ và bảo Đôn, Tuân và tôi làm tổ trưởng.  Điều khó khăn cho tôi là trong tổ của tôi đa số là những sếp củ của tôi.  Nhưng ở trại Thủ Đức, chúng tôi chưa phải làm lao động nhiều; sự thành lập tổ đội chỉ có mục đích điều hành sinh hoạt hàng ngày mà thôi.
Ban giám thị trại không đóng cửa phòng giam vào ban ngày và cho phép chúng tôi được đi bách bộ trong vòng rào ngăn cách khu nhà.  Chúng tôi phải ngồi khoảng hai giờ mỗi ngày để nghe đọc những tờ nhật báo như “Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân”, “Sài Gòn Giải Phóng”, và đôi khi tờ tập san “Tuổi Trẻ”.   Những  tin tức trong những nhật báo hoặc tập san này hầu hết là những tin về những thành công của VC trong các lãnh vực kinh tế và chính trị.
Cửa phòng giam được đóng lại lúc sáu giờ chiều; chúng tôi phải họp tổ đội sau khi ăn cơm tối.  Đội trưởng phổ biến những chỉ thị của cán bộ.  Thời gian sau, họ cho chúng tôi một TV để trong phòng, và chúng tôi được xem TV thay vào những buổi họp.
Cũng nhờ dịp này mà chúng tôi có dịp xem những ca sĩ mặc áo bà ba với quần đen, quấn khăn rằn quanh cổ.  Hầu hết những bài ca này chúng tôi đã được học ở trại Long Thành, nhưng những ca sĩ lại hát ở một nhịp điệu nhanh hơn và với một giọng cao hơn, chúng tôi không thể bắt chước được điều này.  Những tin tức trong TV thì cũng chỉ là những tin về sự thành công của VC trên các lãnh vực nông nghiệp, kinh tế, và chính trị.  Không có điều nào về hiện tình trong nước và quốc tế ngoài những thành công của các nước xã hội chủ nghĩa và sự thất bại của các nước tư bản.  Các phim để giải trí thì thường là những phim Liên Xô với những chủ đề nêu bật những ưu điểm của chủ nghĩa Cộng Sản và những mặt xấu của chủ nghĩa Tư Bản và Phong Kiến.
Tình trạng ăn không ngồi rồi ở trại Thủ Đức khiến ngày càng trở nên dài hơn!  Chúng tôi phải tìm những gì đó để làm như chơi cờ tướng, viết những thực đơn tưởng tượng, nấu nướng, hoặc tụ tập nhau uống trà và tán dóc.  Tôi dùng hầu hết thời gian của mình để tập vẽ chân dung.  Đôi khi tôi phải tình nguyện đi chẻ củi nhà bếp để có được thêm phần cơm cháy.
Cuối năm 1976, cán bộ bảo chúng tôi phải canh tác khu đất khoảng một mẫu ở bên ngoài vòng rào trại.  Chúng tôi trồng bí đỏ, cải xanh, và rau muống.  Mảnh đất cũng quá nhỏ đối với một trăm trại viên nên chúng tôi cũng chỉ làm vào buổi sáng mà thôi.
Tết năm 1977, chúng tôi được phép găp gia đình.  Mẹ tôi cùng vợ con tôi lên thăm tôi trong hai mươi phút như quy định của trại.  Trại chỉ cách nhà khoảng mười lăm cây số.  Gia đình tôi bảo rằng họ thích như thế vì rất gần nhà, và họ mong sẽ gặp tôi thường xuyên hơn trong thời gian sắp tới.  Vợ tôi vẫn còn ở nhà nuôi con và phụ mẹ tôi để làm việc nhà.  Con tôi thì cũng vẫn không cho tôi bế nó.  Còn mẹ tôi thì cũng vẫn im lặng như mọi khi.  Bà đã vượt qua quá nhiều đau khổ để có thể thốt nên lời.  Tết năm ấy, chúng tôi có nhiều thứ để ăn Tết, nhưng không ai có thể thưởng thức được vì ai cũng suy nghĩ về gia đình mình ở cách không xa nơi đó là bao.  Càng gần nhà thì lại càng nhớ nhà nhiều hơn.
Vào khoảng tháng ba năm 1977, nhiều đứa trẻ được đưa đến ở đầy trong khu B của trại.  Chúng là những đứa trẻ khó dạy của các gia đình được đưa vào để “học tập cải tạo”, và những đứa trẻ bụi đời bị bắt trong những chiến dịch “làm sạch thành phố” của VC.  VC gọi chúng là tàn dư của “Mỹ Ngụy”.  Sau đó thì gạch được chở vào đầy trong trại.  Chúng tôi lại phải di chuyển số gạch ấy chất thành đống dọc theo khu C và D.  Họ đang chuẩn bị để xây dựng thêm, nhưng tôi không chứng kiến được vì sau đó không lâu tôi đã phải chuyển đi trại Tân Lập


Phần 4


Trại Cải Tạo Tân Lập, Vĩnh Phú



Chương 23. Cuộc Hành Trình Đi Vào Địa Ngục


Ngày thứ Bảy 16 tháng 4 năm 1977, chúng tôi không đi lao động như thường lệ!  Tên cán bộ vào phòng giam rất sớm báo tất cả trại viên mang đồ đạc ra sân trước để khám xét định kỳ.  Ở trại Thủ Đức này, thường chỉ có khám xét khi sắp có sự di chuyển, do đó chúng tôi luôn phải chuẩn bị tư thế để ra đi.  Chúng tôi phải mang tất cả đồ vật cá nhân ra sân, đặt riêng rẽ từng cái một và chờ đợi cán bộ hoặc “Ban Thi Đua” đến khám.  Theo quy định của trại, chúng tôi không được phép giữ mọi vật bén nhọn vì lý do an toàn, không được giữ lương khô, muối, hay tiêu ớt để đề phòng trốn trại.  Nhưng họ có quyền tịch thâu bất kỳ cái gì mà họ muốn.   Chúng tôi thường dấu những thứ “bất hợp pháp” ở những nơi kín đáo hoặc bỏ lại trong phòng để dùng lại sau này, và nếu chúng tôi có di chuyển thì để lại cho người khác vậy.  Cán bộ và Ban Thi Đua cũng biết điều ấy nên họ khám rất chu đáo khắp nơi trong sân cũng như trong phòng giam.  Tuy nhiên làm sao họ có thể tìm được hết mọi thứ mà chúng tôi đã cố tình dấu.

Tôi vừa bị một cơn cảm lạnh mấy ngày qua, một thứ bệnh thương hàn thì đúng hơn; tóc tôi rụng khá nhiều! Một trại viên bác sĩ tên Tôn Thất Hưng đã chữa bệnh cho tôi bằng châm cứu, bằng xông hơi lá bạch đàn hái trong trại, và bằng vài viên Tylenol.  Vài người cho tôi biết Tôn Thất Hưng là bác sĩ “dõm” vì anh ta không nói được giọng Huế dù có dòng họ Tôn Thất, một giòng họ hoàng gia ở Huế, và anh ta lại trông quá trẻ so với số tuổi năm mươi theo giấy tờ.   Anh ta có cho tôi xem giấy của anh ta là Bác sĩ Tôn Thất Hưng, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Lyon, Pháp, và Văn Bằng Châm cứu tại Tokyo, Nhật Bản.  Tôi không biết anh ta là Bác sĩ thật hay giả, nhưng trong hoàn cảnh ấy, tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác hơn là giao tính mạng mình cho anh ta.  Tôi còn gặp lại Tôn Thất Hưng năm năm sau này khi tôi trở lại trại Thủ Đức; khi đó anh ta không làm Bác Sĩ nữa mà chỉ là một trại viên như mọi người khác.  Anh ta được thả vào năm 1985 sau mười năm cải tạo chỉ vì tội xử dụng giấy tờ giả mạo theo như lúc đọc lệnh tha.

Sáng hôm ấy, tôi có cảm giác sẽ bị di chuyển vì tôi có nghe nói đã có một số trại viên ở nơi khác chuyển tới vào ngày hôm qua.  Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại có linh cảm này, nhưng kể từ khi bị giữ lại để điều tra sau khi bạn bè tôi bị đưa đi vào năm 1976, tôi luôn luôn chuẩn bị tư thế.  Cái thông cáo về ba năm cải tạo vừa ban hành hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi; tôi trở thành nghi ngờ khi nghe thông báo của “Đảng và Nhà Nước” về chính sách đối với nhân viên của “Ngụy quân và ngụy quyền”.  Họ bảo rằng chúng tôi phải đạt được “Tiến Bộ” trong thời hạn ba năm để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước! Tôi nghĩ rằng một lần nửa họ lại chơi chữ.  Tôi không thể biết tôi sẽ ở trong trại bao lâu, và tôi có thể chịu đựng được bao lâu?  Trong thâm tâm, tôi chỉ mong gia đình tôi quên được tôi, coi như tôi đã chết từ những ngày “giải phóng”.  Một tháng, một năm, rồi thì ba năm, và rồi bao nhiêu năm nữa tôi phải ở trong trại?  Tôi không muốn ở lại trại Thủ Đức vì nó quá gần nhà tôi.  Tôi không thích tạo hy vọng cho gia đình tôi để rồi họ sẽ thất vọng khi nhận ra sự thật.  Một sự di chuyển thật xa có lẽ là một giải pháp.  Với ý nghĩ đó, tôi mang đồ đạc ra sân không một chút lo âu.

Hôm nay Đàn, một trại viên trong ban thi đua chỉ được phép đứng quan sát trong khi bốn cán bộ khám xét rất kỹ mọi vật của trại viên sau khi họ đã khám xét trại viên từ đầu đến chân!  Đó là lần đầu tiên mà chúng tôi bị lục soát cẩn thận như vậy.  Tôi đoán linh cảm của tôi chắc là đúng.  Sau khi khám xét xong, một cán bộ khác cầm giấy đi đến gọi tên từng trại viên. Ai có tên thì ở lại ngoài sân còn ai không có thì có thể đi vào phòng giam.  Trong danh sách, có tên của một trại viên đang bệnh nặng không thể ra sân trước đó, tên cán bộ gọi một trại viên khác điền vào cho đủ số.  Tôi thấy vài người bạn tôi như Tuân, Hạnh, Lộc, Trung, Vinh, Tâm, có trong số ra đi, nhưng vài người khác có chức vụ cao trong Cơ quan như Cang (cựu Đặc Uỷ Trưởng), Lương (Giám đốc A10), và Trang (Giám đốc A8) lại trở vào buồng giam.

Chúng tôi được đưa qua khu A của trại Thủ Đức, giam vào trong phòng giữa gần cửa khu.  Từ đó, chúng tôi có thể nhìn thấy những trại viên mới chuyển đến, đa số họ tóc tai dài thòng, da rám nắng như những người từ rừng rậm mới ra.  Hầu hết họ đều trẻ hơn chúng tôi.  Tôi bỗng nghe một giọng ca lập đi lập lại một khúc ca buồn nảo nuột: “Buổi sáng mùa đông, người lính trẻ trong tù, hai tay ôm song sắt, trông ngóng về phương xa. Người lính khe khẻ nói, mình ơi hởi mình ơi, vì anh không dám giết, nên anh làm tù nhân, vì anh không dám giết, nên anh đành xa em.”

Vinh, trước là nhân viên của tôi, la lên hỏi những người ấy từ đâu đến, và tôi nghe một giọng từ phòng bên vang lên: Tây Ninh!  Tôi đoán có lẽ là họ đã ở những trại trong chiến khu D của Việt Cộng trước đây và giờ đây họ được đưa về để cùng chúng tôi di chuyển đến một nơi khác.  Trại Thủ Đức chỉ là một trạm trung chuyển.  Từ khi tôi bị giữ lại để điều tra, tôi luôn chuẩn bị tư thế để ra đi vì tôi không nghĩ rằng VC lại giữ chúng tôi ở một nơi quá gần Sài Gòn như vậy.  Nhưng vấn đề là bao giờ thì đi, và đi đâu?  Một hải đảo hay rừng Trường Sơn, hay Bắc Việt là những nơi mà tôi luôn nghĩ đến.  Trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng đó sẽ là một nơi nào đó ở miền Nam , ít ra tôi vẫn còn ở trên “đất nước tôi”.  Tôi chưa thể xem miền Bắc như là đất nước tôi được dù trong thật tế nó là một phần của Việt Nam .  Những cái nón cối của người dân miền Bắc, những bộ đồng phục kaki màu vàng, xe đạp, dép râu, và những khuôn mặt đầy sát khí của người dân miền Bắc là những điều quá xa lạ đối với tôi!  Trong chiến tranh, chúng tôi đối đầu với VC, nhưng chúng tôi không thù hận chúng; chúng tôi không giận dữ đối với chúng.  Khi nói về những người lãnh đạo miền Bắc, chúng tôi vẫn dùng những từ ngữ nhã nhặn.  Ngược lại, họ luôn căm thù chúng tôi dường như là họ chỉ muốn giết chúng tôi ngay nếu có thể.  Họ đã được dạy căm thù từ khi đi học.  Những hình ảnh của những đứa trẻ miền Bắc trong những bộ đồng phục với khăn quàng đỏ la hò những khẩu hiệu dử tợn luôn luôn ám ảnh trong đầu tôi.  Con tôi sẽ như thế nào đây trong một thứ xã hội như thế?  Ngay cả trong chiến tranh, tôi vẫn chỉ muốn một xã hội đàng hoàng, không phải một thứ xã hội sắt máu.  Lời ca của bài hát do ai đó đang lập đi lập lại khiến tôi nghĩ đến xã hội tương lai (hay có thể là trong hiện tại).  “Vì anh không dám giết, nên anh làm tù nhân!”   Thật là một hoàn cảnh bi thảm.

Bửa ăn trưa và chiều được Cang và Trang, những sếp cũ của chúng tôi mang đến.  Họ không dám nói chuyện với chúng tôi mà chỉ nhìn chúng tôi bằng một cái nhìn buồn bã.  Trong trại, những trại viên được ở lại ít ra đã biết tình trạng sống của họ, còn những trại viên ra đi phải chấp nhận mọi điều xấu xảy ra cho họ ở nơi khác.  Tôi nghĩ tôi phải chấp nhận mọi điều xảy đến cho tôi vì tôi đã đặt cuộc đời tôi trong tay kẻ thù. Điều tốt nhất là im lặng chịu đựng những bất hạnh xảy đến, ngay cả cái chết nếu cần thiết.  Tôi nhớ đến lý thuyết của nhà Phật dạy rằng “sống gửi, thác về” để tự an ủi mình.

Khoảng nửa đêm, trong khi đang ngủ thì một cán bộ vào phòng giam gọi chúng tôi dậy chuẩn bị lên đường. Tôi đã sẵn sàng cho việc ấy, nhưng không nghĩ là nó đến quá nhanh như vậy.  Tôi vội vàng bỏ quần áo, chăn màng vào balô.  Một ít thức ăn còn lại lúc thăm nuôi hôm Tết như một hộp đường, một hộp bột gạo lứt, một ít thịt chà bông, tôi cố nhét chúng vào hai cái túi nhỏ của balô.  Cái pon-sô được cột chặt vào bên cạnh ba-lô, cái bi-đông nước uống phía bên kia, và chiếc chiếu cói đặt lên trên, xong tôi gài chặt nắp ba-lô lại. Mọi vật chuẩn bị giống như lính chuẩn bị hành quân.  Tôi thử ba-lô lên vai xong bỏ lại xuống sàn ngồi đợi.  Mọi người trong phòng giam đã xong xuôi.  Đèn ngoài sân đột nhiên bật sáng.  Cán bộ đi lại và nói chuyện ồn ào.  Tôi nghe tiếng xe phía bên ngoài tường rào ngăn cách trại giam với cổng chánh.

Khoảng hơn một giờ sau, một cán bộ cùng hai người vũ trang đi vào phòng giam kêu tên từng trại viên.  Chúng tôi sắp hàng đi theo hai tên cán bộ vũ trang qua cánh cửa nhỏ đi ra ngoài sân trước.  Vài chiếc “Molotova” đã đậu sẳn đó và chúng tôi được đưa lên sàn che kín của một chiếc xe sau khi đã bị còng hai người chung vào một bằng một loại còng thô sơ do những lò rèn ở địa phương làm ra.  Loại còng này không có dây xích nên tay chúng tôi không thể cử động được dễ dàng.  Đó cũng là lần đầu tiên tôi bị còng, tuy nhiên tôi chẳng nghĩ gì cả và cũng chẳng thấy xấu hổ nửa.  Tôi chấp nhận điều này như một chuyện dĩ nhiên trong trại, và rồi có lẽ tôi còn sẽ phải chấp nhận bao nhiêu điều xấu hơn nửa.  Hai tên cán bộ vũ trang ngồi ở hai bên sau của xe và mỗi xe chứa khoảng bốn mươi trại viên.  Chúng tôi phải chờ cho đến khi đủ 410 trại viên lên xe.  Xe rời khỏi trại Thủ Đức vào khoảng bốn giờ sáng ngày 17 tháng 4 năm 1977, tôi đã ở trại này đúng bảy tháng 12 ngày.

Mười chiếc Molotova cùng một chiếc xe nhỏ dẫn đường rời cổng trại vào sáng sớm, nhưng cũng đã có một vài xe đạp trên đường phố.  Tôi thấy ai đó trong xe ném vật gì xuống đường, và sau này tôi mới biết họ đã gửi thư về nhà báo tin di chuyển.  Tôi không biết thư có tới nhà không, nhưng tôi nghĩ đó quả là một hành động gan liều vì rất dễ bị trừng phạt nếu bị phát hiện.

Lần này, đoàn xe không che dấu lộ trình mà đi thẳng ra Tân Cảng trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hoà cách trại Thủ Đức khoảng mười lăm cây số.

Chúng tôi được tháo còng và leo lên chiếc tàu Sông Hương.  Vài người cho biết đó là tàu Việt Nam Thương Tín, tàu đã từng đưa một số người di tản từ đảo Guam trở về Việt Nam trước đây.  Bốn trăm mười người chúng tôi được đưa vào một hầm tàu đầy bụi than.  Hầm tàu rộng khoảng 200 thước vuông cao khoảng bốn thước chỉ có một lỗ trống vuông mỗi cạnh khoảng sáu thước ở phía trên.  Cạnh vách hầm ở phía giữa có một nhà xí làm bằng nan gỗ bọc chiếu cói.  Bàn cầu là một cái bàn có khoét lỗ tròn trên mặt bàn và một cái sô đặt phía dưới.  Chúng tôi phải trải chiếu trên sàn hầm bằng sắt để chiếm chổ riêng, tuy nhiên vì hầm tàu quá nhỏ so với số 410 người nên mỗi người chỉ vừa một chỗ để ngồi dựa trên đồ đạt.  Tôi được lên tàu sớm nên giành được một chỗ khá cao ở góc hầm nơi để những bao than.  Điều này giúp tôi rất nhiều vì sau một ngày lênh đênh trên biển, phân và nước tiểu từ nhà cầu lan ra lênh láng trên sàn.  Trên bốn trăm người mà chỉ có một cái sô nhỏ không thể nào đủ để đựng những thứ tiêu hoá.

Thức ăn và nước uống được thòng xuống từ trên sàn tàu bằng một sợi dây qua cái lỗ.  Họ cho chúng tôi ăn mì gói.  Tôi đột nhiên nhớ đến những con gấu trong sở thú Sài Gòn mà trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn đi xem.  Chúng tôi trông giống những con thú bị nhốt trong hầm và được những người nuôi thú cho ăn từ trên cao.  Điều tệ hại hơn là có quá đông lũ chúng tôi trong một cái hầm nhỏ và dơ dáy; trong khi đó chỉ có vài con thú được nhốt trong một cái hầm được dọn dẹp sạch sẽ hơn.  Tôi không thể ăn được gì trong những ngày này vì quá mệt và hôi hám!  Mỗi khi quá đói, tôi cố nhấm nháp một ít mì gói khô và nhấp một ngụm nước để tránh việc đi tiêu tiểu tiện càng nhiều càng tốt.  Tôi không muốn bước trên sàn tàu đầy những thứ bẩn thỉu!

Tàu rời cảng khi trời bắt đầu sáng.  Tôi nghĩ chắc khoảng tám giờ.  Tuân, bạn tôi và tôi cá nhau đoán nơi mà chúng tôi sẽ đến.  Tôi đoán một nơi nào đó ở miền Bắc, còn Tuân thì bảo đảo Côn Nôn, nơi đã từng giam những trọng tội và tù chính trị của chính quyền Nam Việt Nam trước đây.  Tôi không hiểu tại sao tôi lại đoán chúng tôi sẽ đi ra miền Bắc.  Có lẽ tôi đã nghe nói đến những đợt đi ra Bắc trước đây.  Tôi không biết chắc các bạn tôi đã bị đưa đi đâu, nhưng tôi biết họ đã bị di chuyển đến một nơi nào đó ở miền Bắc Việt Nam.

Từ khi Tuân và tôi bị giữ lại để điều tra, đã có thêm ba chuyến di chuyển ra Bắc nữa, vậy thì lần này tôi nghĩ chắc cũng không khác.  Chúng tôi đợi tàu ra đến biển để nhìn hướng mặt trời. Vài người khác cũng nhập bọn với chúng tôi để suy đoán.  Chúng tôi chưa thể biết tàu đã ra đến biển chưa, nhưng đến sau bửa ăn trưa đầu tiên khi mặt trời nghiêng về hướng tây, chúng tôi đoán có lẽ tàu đã ra biển và dựa vào hướng của mây bay cùng với hướng của bóng mặt trời chúng tôi biết tàu đang tiến theo hướng Bắc.  Mọi người đều thất vọng.  Chúng tôi trong thâm tâm đều hy vọng ít ra chúng tôi vẫn ở miền Nam cho dù ở bất cứ trại nào!

Bốn trăm mười trại viên trong đó có khoảng 50 người từ khu D trại Thủ Đức, những người từng làm trong chính quyền Nam Việt Nam, trong Lực lượng Cảnh Sát, Tình Báo, và khoảng năm mươi từ khu C, những người trong những tổ chức chống Cộng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 như “Lực Lượng Phục Quốc” của Đạo Công Giáo, những Giáo Phái Cao Đài, Hoà Hảo.  Số còn lại đến từ Tây Ninh gồm những sĩ quan Cảnh Sát từ Trung Sĩ đến Trung Uý.  Họ hầu hết trẻ hơn chúng tôi.  Chúng tôi đang tiến về Bắc Việt, một vùng đất hoàn toàn xa lạ với chúng tôi dù rằng thật ra đó là một phần của lãnh thổ Việt Nam.  Chúng tôi đã từng nghe nhiều điều về miền Bắc, về sự đói nghèo của phần đất ấy, về cái gọi là “sắt máu” của Cộng Sản Bắc Việt.  Lần này có lẽ chúng tôi có cơ hội để nhìn sự thật.

Xế chiều, tàu tròng trành như đang gặp bão.  Vài người bị say sóng ói mữa khắp khoang hầm trộn lẫn với phân và nước tiểu tạo thành một mùi hôi thối khó chịu.  Vài người dùng nước để rửa, nhưng càng làm cho khoang hầm dơ bẩn hơn lên.  Những chổ gần cầu xí bị vây bẩn nên một số người phải dời sang những chổ cao hơn làm khoang hầm trở nên chật chội hơn.  Không ai có thể ngủ được trong tình trạng đó.

Tôi ngồi bó gối nghĩ đến gia đình, vợ con tôi.  Họ sẽ như thế nào khi biết tôi đang di chuyển đến một nơi vô định?  Lần sau cùng gặp con tôi, nó không cho tôi bế!  Tôi muốn mở ba-lô để lấy hình ra xem, nhưng không được vì quá chật chội, tôi đã phải nhường chổ cho bạn bè.  Thêm vào đó, tôi không muốn làm việc ấy trước mặt mọi người.  Ai cũng nghĩ đến gia đình trong hoàn cảnh ấy nhưng cũng phải che dấu đi bằng mọi cách.

Đột nhiên, một giọng hát từ đâu đó cất lên với bản nhạc “Ngày Anh Xa Vắng”.  Mọi người im lặng lắng nghe.  “Đợi chàng một hai năm, hay là cả đời xuân xanh, ngày nao đầu pha tuyết sương, vẫn mong tái ngộ một lần.”  Bài ca được viết cho người vợ có chồng đi chinh chiến, nhưng trong hoàn cảnh ấy, lời ca lại thích hợp hơn lúc nào hết.  Người đang ca là Hồ, trong nhóm trại viên từ Tây Ninh.  Hồ không phải là ca sĩ; giọng anh lại không trau chuốt, nhưng rất buồn.  Anh có diện mạo của một người đàn bà với dáng ẻo lả. Sau này chúng tôi thường gọi anh là “chị Hồ”, tuy nhiên trong cuộc sống chung, anh có nhiều nghị lực hơn mọi người tưởng.

Khi giọng ca của Hồ chấm dứt, nhiều người tham gia thay phiên nhau hát những bài “nhạc vàng” đã lâu bị cấm đoán trong trại.  Vài người dùng muỗng gõ nhịp.  Đám đông bắt đầu tụ tập quanh Hồ.  Gần hai năm từ cái ngày “giải phóng”, tôi hứng khởi lắng nghe những bản nhạc quen thuộc của ngày xưa.  Mọi người dường như quên đi hoàn cảnh bi thảm đang diễn ra!  Không ai ca hay; cũng không có nhạc cụ nào đệm theo, nhưng những bản nhạc xưa dường như thấm sâu vào tâm tư mọi người.  Gần gũi với “nhạc cách mạng” hầu như hàng ngày từ lúc vào trại, chúng tôi khát khao được nghe những dòng nhạc êm ái của “nhạc vàng” để xoa dịu tâm tư và cũng để gợi lại những kỷ niệm của ngày xưa.  Không ai dám ca nhạc vàng trong trại vì chẳng ai muốn bị kỷ luật.  Nhưng giờ đây trong hoàn cảnh bi thảm này, tôi nghĩ chẳng ai còn lo sợ đến “chánh sách” nữa.

Đám đông tiếp tục đến khoảng nửa khuya, nhưng rồi lơi dần.  Bổng nhiên có một nhóm trại viên đánh nhau và la lối ở bên khu dành cho khu C trại Thủ Đức.  Mọi người nhìn cảnh ấy, nhưng không ai muốn can   thiệp vào.  Một nhóm trẻ trong nhóm “Thanh niên Phục Quốc” đang đánh một trại viên mà chúng cho rằng đã làm “ăn-ten” ở khu C.  Những người bị cho là “ăn-ten” là những trại viên đã báo cáo lên cán bộ những việc xảy ra trong trại viên.  Có đôi khi một người bị nghi ngờ làm “ăn-ten” chỉ vì người ấy làm đội trưởng và không đủ khôn khéo để làm vừa lòng mọi người, nhưng cũng có khi vì người ấy muốn tiến bộ để sớm về với gia đình.  Sống trong trại không đơn giản như ngoài xã hội vì phải đối phó với nhiều hạng người mà không thể tránh va chạm trong cuộc sống hàng ngày.  Ngoài ra, còn phải tránh sao khỏi là mục tiêu đối với cán bộ nữa. Tôi đã chọn một thái độ “nín thở qua sông” từ lúc vào trại đầu tiên là trại Long Thành, nhưng đôi khi tôi không tin tôi có thể làm vừa lòng mọi người.  Ca dao Việt Nam nói rằng: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê.”  Sống trong trại cải tạo, tôi luôn cảnh giác với việc đổ cho trại viên khác là “ăn-ten”.  Vài người vì ghét nhau thường hay nói xấu nhau, ai biết được?  Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là im lặng quan sát một cách kỹ càng để tự bảo vệ lấy bản thân mình.

Một lúc sau, ba trại viên từ khu C là Long, Tri và Dũng đi về phía của khu D tìm Uyển và Đôn định “thanh toán”.  Chúng cho rằng Uyển và Đôn là “ăn-ten” ở khu D trại Thủ Đức.  Tôi không chắc điều này, tuy nhiên tôi nghĩ Uyển và Đôn đều là những người có học, Uyển tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa còn Đôn là Kiến Trúc Sư, tôi nghĩ họ không thể dể dàng làm “chó săn” cho Cộng Sản.  Nhưng ai mà biết được?  Tuân và tôi khuyên những người ấy đừng làm những điều thiếu suy nghĩ như vậy vì chúng tôi chưa biết chắc gì về Uyển và Đôn.  Ngoài ra, điều gì sẽ xảy ra sau này vì chúng ta vẫn còn đang ở trong trại?

Sự lộn xộn này đã làm đứt đoạn những bản “nhạc vàng”; mọi người về chỗ riêng ngồi im lặng dựa vào những đống đồ đạt mà nhìn lên trời. Không ai có thể ngủ được trong hoàn cảnh ấy.  Tôi nhắm mắt cố tập trung tư tưởng.  Không lâu sau khi vào trại, tôi thử tập một vài điều mà tôi biết được về Yoga.  Hàng đêm trước khi đi ngủ, tôi thường ngồi xếp bằng một lúc, hai tay đặt trên đùi, mắt nhắm lại, và tập trung tư tưởng cố không nghĩ đến gì cả.  Tôi thường tập như vậy để tách mình ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn.  Đôi lúc trong lúc mơ màng, tôi cảm thấy mình nhẹ như lông, dường như có thể bay khỏi mặt đất; đôi lúc, tôi bị chìm vào giấc ngủ say mơ thấy mình đang ở trên một cánh đồng đầy hoa cỏ, mỗi bước đi như những cánh chim bay bổng, hoặc mơ giấc mơ của một cậu bé học trò đang cấp sách đến trường mà mỗi bước đi trên đường như có cánh dưới chân.  Thức dậy, tôi thử phân tách những giấc mơ ấy, nhưng không thể được!  Tôi nghĩ rằng đó chỉ là những ước mơ của tự do khi tôi đang bị giam hãm trong tù.

Sáng sớm hôm sau, một trận mưa nhỏ làm cho tình trạng hầm tàu trở nên bi thảm hơn.  Trại viên dùng mọi vật có được để che thân và đồ đạt.  Nước mưa trộn với phân và nước tiểu tạo thành những vũng nhầy nhụa trên sàn hầm rất khó tránh khi muốn di chuyển.  Hầm tàu càng lúc càng bẩn thỉu!  Trại viên phải ngồi co lại tại chỗ tránh di chuyển trừ trường hợp cần thiết. Thức ăn cùng với nước trong thùng được thòng xuống từ những cái giỏ tre, trại viên cử người nhận rồi chia cho nhau.  Dù rằng chúng tôi quá đói và mệt, không ai có thể ăn hay ngủ được giữa mùi hôi thối ấy!  Tôi không biết điều gì ghê gớm hơn đang chờ đợi ở trại miền Bắc, nhưng tôi vẫn mong tốt hơn là hãy ra khỏi nơi này để tránh được tình trạng quá tệ hại.

Khoảng sau khi phát phần ăn trưa, tàu ngừng lại.  Vài trại viên trước là Hải Quân Việt Nam đoán rằng tàu cập bến nào đó ở miền Trung, có thể là Cam Ranh hay Đà Nẳng, bởi vì quá sớm để đến Bắc Việt.  Tôi không biết có đúng vậy không, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong chúng tôi sẽ được đưa đến một trại ở miền Trung để ít ra chúng tôi còn được ở trên phần đất nước của chúng tôi.  Bắc Việt quá xa lạ với chúng tôi dù rằng thực tế thì đó cũng là phần lảnh thổ của Việt Nam.  Trong niềm mong mỏi đó, chúng tôi đặt mọi thứ vào lại trong túi ba-lô chuẩn bị rời tàu. Ít ra thì chúng tôi không còn ở trong căn hầm bẩn thỉu này!

Chúng tôi chờ đợi, chờ đợi, và đợi chờ cho đến trời tối.  Trời vẫn còn mưa, nhưng cũng đã nhỏ dần.  Chúng tôi không nhận được mì gói cho bữa ăn chiều như thường lệ mà chỉ được dưa hấu.  Không có gì để cắt ra, chúng tôi đành phải đập dưa vào sàn tàu.  Võ dưa ném vào những vũng lầy nhầy làm cho sàn hầm thêm kinh khủng.  Nhưng không ai còn để ý nữa vì ai cũng nghĩ sẽ rời nơi này.

Khi trời đã tối hẳn, mái che hầm tàu mở rộng.  Một chiếc thang được thòng xuống cho mọi người lần lượt leo lên boong.  Vài hòn đảo nhỏ hiện ra mờ mờ từ đàng xa, đôi ba chiếc thuyền với những cánh buồm cuộn nhiều múi đặc trưng của miền Bắc khiến chúng tôi biết rằng chúng tôi đã đến cảng Hải Phòng.  Không còn Nam Việt Nam, không còn miền Trung nữa, chúng tôi đã đến miền Bắc Việt Nam, đến trung tâm của Cộng Sản Việt Nam!  Mọi người đều thất vọng.

Phía bên kia đầu tàu cũng có trại viên leo lên boong.  Chúng tôi không biết còn có thêm một hầm tàu khác nữa.  Chúng tôi đứng vào hai hàng, một cán bộ còng hai người đứng cạnh nhau trước khi chúng tôi lên bờ. Tay phải tôi còng chung vào tay trái của Nghiệp, bạn tôi, chúng tôi bước lên hai tấm ván bắt từ tàu lên bờ.  Với cái còng không dây còng hai tay của hai người, một khi tay người này di chuyển, tay người kia cũng phải di chuyển cùng chiều để tránh bị tréo tay, do đó Nghiệp và tôi di chuyển rất khó khăn trên cầu.  Tôi được nghe kể rằng trong lúc lên bờ, có hai người từ nhóm bên hầm kia bị rơi xuống biển mất tích mà không ai cứu.  Vài người nghĩ rằng họ tự tử, nhưng tôi thì cho rằng một người trong họ bị trượt và kéo theo người kia; họ không thể gượng lại được vì cái còng và đồ đạt nặng nề trên vai.

Một hàng xe đò đang chờ sẵn trên bến.  Nghiệp và tôi lên ngồi vào giữa chiếc xe đầu vì chúng tôi lên sớm. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều nhưng trời tối vì đang mưa lâm râm.  Tháng tư ở miền Bắc trời vẫn lạnh vì mưa phùn gió bấc, đó là những gì mà tôi thường đọc trong sách nói về miền Bắc.  Chỗ ngồi chúng tôi ở phía tài xế nên tôi ngồi phía cửa sổ xe có thể nhìn quang cảnh bên ngoài.  Bến cảng nơi chúng tôi lên hoàn toàn hoang vắng. Cầu tàu đổ nát vì đã bị nhiều trận bom.   Ánh sáng từ những chiếc thuyền buồm trên vịnh Hạ Long lấp loáng từ xa.  Bóng của những hòn đảo nhỏ trông như những con quái vật khổng lồ vươn lên từ biển cả.  Đó là một thắng cảnh của Việt Nam, nhưng làm sao chúng tôi có thể thưởng thức được trong hoàn cảnh thế này!

Một cán bộ phát mỗi người chúng tôi một ổ bánh mì cho chuyến đi trong khi chúng tôi chờ trên xe.  Đoàn xe bắt đầu chuyển bánh vào khoảng nửa đêm.  Tôi cho rằng Việt Cộng quen với việc hoạt động về đêm. Đó là lần thứ tư tôi bị di chuyển từ lúc vào trại.  Lần đầu tiên từ trường Chu Văn An đến Long Thành, lần thứ hai từ Long Thành qua Thủ Đức, lần thứ ba từ Thủ Đức đi Tân Cảng, và đây là lần thứ tư: lần nào cũng bắt đầu vào nữa đêm, đó có lẽ là thói quen của chúng!

Thành phố Hải Phòng ở gần đó.  Đoàn xe chạy qua nơi nào đó trong thành phố nổi tiếng này, thành phố lớn thứ nhì ở miền Bắc.  Tôi nhìn thấy những căn nhà lá chen lẫn với nhà gạch.  Vài ngôi nhà nửa gạch nửa lá; con đường đi rải rác những hố bom: dấu vết sự tàn phá của chiến tranh.  Thành phố tối om vì thiếu ánh sáng; vẫn còn những cột đèn dầu của thời Pháp thuộc.  Tôi thấy một quán café có ánh đèn néon.  Tên cán bộ theo xe nhắc chúng tôi đóng cửa sổ xe để tránh dân chúng giận dữ ném đá vào chúng tôi, những kẻ thù của họ trong chiến tranh!  Nhưng, tôi chẳng thấy dân chúng trên đường phố ngoài vài đứa trẻ con ngó một cách lơ đểnh vào đoàn xe.  Vài chiếc xe đạp chở đầy phía sau đang chạy trên đường phố.  Thành phố rất im lìm trong đêm vắng.

Đoàn xe ra khỏi thành phố sau vài phút; tôi đoán đó chắc chỉ là phần ven thành phố. Trời có trăng.  Tôi cố nhìn ra đường để xem sinh hoạt của nhân dân miền Bắc, nhưng chẳng thấy gì.  Cảm thấy mõi mệt và đói bụng sau hai ngày trên tàu, tôi ăn một ít bánh mì, uống một ngụm nước rồi chìm vào giấc ngủ.

Tôi giật mình thức dậy vào sáng sớm khi đoàn xe chạy trong một khu rừng.  Có một vài người đẩy xe đạp thồ chất đầy củi bên lề đương.  Đó là lần đầu tôi nhìn thấy cái gọi là “xe đạp thồ” của miền Bắc.  Loại xe này chỉ có khung xe và hai bánh xe.  Người ta dùng thanh gỗ dài cột vào ghi-đông để dễ lái; và họ cột những đồ nặng vào khung xe.  Người ta không thể ngồi trên yên xe vì thật ra không có yên xe nào cả, họ phải đi bộ bên hông xe để lái bằng tay trái và giữ thăng bằng chiếc xe bằng tay mặt.  Loại vận chuyển này đã nổi tiếng trong trận đánh Điện Biên Phủ để chuyển súng đạn cho chiến dịch.  Những người đàn bà đi hai bên đường gánh hay đội những gánh củi to.  Cái nghèo của miền Bắc hiện ra rất rõ nét ở những sinh hoạt này.

Vào sáng sớm, đoàn xe rẽ mặt vào một con đường mòn gồ ghề xuyên qua khu rừng bồ đề.  Đến một cái suối, xe đầu tiên ngừng lại chờ đợi cả đoàn xe, rồi cả đoàn lần lượt chạy thẳng xuống suối!  Dòng suối chảy xiết; chúng tôi lo sợ vì đang bị nhốt trong xe với chiếc còng trên tay.  Tài xế dường như quen thuộc lối đi nên lái chầm chậm qua suối một cách dể dàng. Qua thêm ba suối như vậy nữa thì tới một con sông lớn. Tên cán bộ cho biết đó là nhánh của sông Hồng, con sông lớn nhất miền Bắc.  Tôi tự hỏi làm thế nào để qua được con sông lớn như thế này mà không có cái cầu nào cả.  Đó không phải là con suối, và tôi nghĩ nó cũng không cạn như con suối!  Tôi nhìn thấy một con đường dốc đi thẳng xuống bờ sông.  Đoàn xe ngưng lại khoảng một giờ thì có một chiếc phà nhỏ từ bờ bên kia sông qua.  Đấy là một chiếc ca-nô nhỏ kéo một chiếc mãng tre nhỏ.  Nó chỉ có khả năng chở một chiếc xe mỗi lần! Xe tôi là chiếc xe đầu của đoàn xe nên được lên phà trước.  Sông chảy siết vì mùa nước.  Phà chạy ngược dòng kéo chiếc xe qua bờ bên kia, và rồi có vài người cột dây cáp vô phà quay ròng rọc kéo phà vào bờ sông.  Chiếc phà qua lại bờ kia để kéo một xe khác.  Mọi việc diễn ra như trong chuyện đời xưa!  Phải mất năm tiếng đồng hồ mới xong đoàn xe.

Tay phải tôi bị sưng lên.  Còng quá chật mặc dù cổ tay tôi nhỏ.  Tôi cố xoa bóp nó bằng tay trái.  Ngồi bên cạnh tôi Nghiệp không nói gì, dường như đang ngủ dù tôi biết rằng anh ta vẫn thức.  Tôi hỏi tên cán bộ để đi tiểu rồi cùng Nghiệp đi ra một bụi cây bên đường.  Tôi cảm thấy nhẹ hơn sau khi ấy.  Dân chúng nhìn chúng tôi tò mò.  Vài đứa trẻ con mặc quần đùi và áo vá đùm la lên: “Nguỵ, Nguỵ”, nhưng không thấy ai ném đá như chúng tôi đã được báo trước.  Tôi muốn hỏi chúng vài câu nhưng không dám.  Vài trại viên ném cho chúng ít bánh mì; chúng chụp lấy rồi ăn ngon lành.  Vài đứa trẻ còn chạy đến gần xe để nhận dưa hấu.  Các cán bộ phải xua chúng ra xa khỏi đoàn xe.  Đoàn xe bắt đầu chạy lại khi bắt đầu chiều.

Rừng nối tiếp rừng, núi tiếp nối với núi, đoàn xe phải vượt qua nhiều con suối.  Tôi ngồi gật gù mệt mỏi ở băng ghế và thức tỉnh khi trời bình minh.  Đoàn xe lắc lư trên con đường đầy hố bom.  Những đồi chè hiện ra hai bên đường trông giống như đường đi Đà Lạt ở Cao Nguyên miền Trung.  Đây đó có những đoàn người mang gùi trên lưng đi hái chè, họ thoáng ẩn hiện giữa những hàng cây chè thẳng tắp.  Vài người dân chạy xe đạp trên đường với chiếc cuốc cột trên sườn xe.  Họ đang đi làm cho những nông trại tập thể!  Chúng tôi đã được nghe nói về việc cải cách ruộng đất ở Bắc Việt từ năm 1955, không còn ai còn được làm chủ ruộng đất nữa; mọi cái đều là của chung.  Trong mười bài học tập khi mới vào trại, chúng tôi đã được dạy rằng đất đai và công cụ sản suất là của mọi người dân trong xã hội.  Việt Cộng bảo rằng đó là việc làm chủ tập thể.  Nhân dân làm chủ tất cả, “nhưng không có gì cả!”   Mức hưởng của mỗi người tuỳ công lao động mà người đó đóng góp.  Chúng tôi thì đùa rằng “ai làm ít lảnh ít, làm nhiều lảnh nhiều, và ai không làm thì hưởng hết!”

Chúng tôi đang đi vào một thành phố nhỏ vào sáng sớm.  Tôi nhìn thấy hàng chử “Uỷ Ban Nhân Dân Thị xã Phú Thọ” trên nền đỏ treo trước căn nhà gạch có cột cờ treo lá cờ đỏ ngôi sao vàng, cờ của Bắc Việt.  Phú Thọ là một phần của tỉnh Vĩnh Phú (gồm 2 tỉnh cũ: Vĩnh Yên và Phú Thọ) ở miền Trung Du Bắc Bộ.  Thị trấn quá nhỏ với vài căn nhà gạch số còn lại hầu hết là nhà lá.  Những cánh đồng khoai mì và đồi chè xác nhận rõ ràng đặc sản của vùng.  Cây soan nằm thành hàng giữa những cánh đồng và dọc theo đường.  Dân địa phương dùng cây soan để cất nhà lá vì chúng có nhựa đắng có thể tránh được mối mọt.  Vào mùa đó, cây soan đang ra bông màu tím nhạt.  Những ngọn đồi trồng cây cọ để lấy lá lợp nhà.  Dân miền Nam dùng lá dừa nước còn dân miền bắc thì dùng lá cọ để lợp nhà.  Hầu hết nhà cửa trong vùng thường có vách đất với một cái ao nhỏ phía trước nhà.  Sau này tôi mới biết rằng dân chúng đào ao để lấy đất đấp nền nhà và trét vách còn ao thì để nuôi cá.

Qua khỏi Phú Thọ, đoàn xe rẽ mặt trên một con đường gồ ghề để vào một khu rừng.  Những dãy núi thoáng hiện đàng xa.  Vài người dân miền núi nhìn chúng tôi một cách tò mò khi đoàn xe đi qua.  Họ là những người thuộc các sắc tộc Thái, H”Mông, Tày, tôi không biết rõ, lưng họ đều mang gùi và tay cầm rìu.  Đồi núi bao bọc lấy thung lũng.  Những cánh đồng lúa bậc thang trên lưng đồi trông từ xa giống như những con rắn đang bò ra khỏi hang. Nhà sàn với mái cong và cao là một đặc trưng của miền núi.  Những đứa trẻ con bụng ỏng dơ dáy chơi đùa bên cạnh những con heo thả rong.  Những con chó nằm lơ đểnh ở hiên nhà.  Mọi vật tò mò nhìn chúng tôi khi đoàn xe đi qua.  Ở nơi xa xôi này, xe hơi là cái gì rất bất thường đối với mọi người.

Khoảng trưa, đoàn xe đi qua một con suối rộng và chảy mạnh tên là “A-Mai” ở một cái bến nhỏ tên là “Bến Ngọc” rồi chạy trên một con đường đất sét rộng khoảng sáu thước.   Hai bên đường có nhiều nhà lá hơn trước.  Một khu nhà gạch vây quanh bởi một hàng rào tre và kẽm gai dầy có tấm bảng mang tên “Trường Phổ Thông Công Nông Nghiệp Số 1” nằm bên phải con đường.  Trẻ con khoảng từ 10 đến 15 tuổi mặc quần đùi áo xanh bạc màu đang làm trên những cánh đồng quanh trường dưới sự trông chừng của những công an mặc quân phục.  Tôi tự hỏi chúng là tù hay là học sinh của trường?  Đoàn xe cuối cùng ngừng lại trước cửa của trại: chúng tôi đang đến trại cải tạo Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú sau một ngày rưỡi đi xe từ cảng Hải Phòng.  Lúc đó khoảng giữa trưa ngày 20 tháng 4 năm 1977.

Caroline Thanh Hương: Lạc Thuỷ Đỗ Quý Bái và bạn hữu hoạ thơ cụ Tản Đà Vịnh Bức Dư Đồ Rách và những bài sưu tầm về Tản Đà.
image

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire