dimanche 9 mars 2014

Chủ đề về Con rươi



  Con rươi

 
Còn gọi là Paloto
Tên khoa học  Eunice viridis
Thuộc họ Rươi Nereidae
A. Mô tả con rươi
Rươi là một loại run sống dưới nước bơi dễ dàng trong nước. Rươi trưởng thành dài 60-70mm, bề ngang chừng 5-6mm. Thân hình dẹp với hơn 50 đốt màu hồng, xanh nhạt, nâu nhạt hay màu trắng. Đầu rươi tương đối nhỏ, nhưng mắt lại to. Phần trước của rươi to hơn phần sau trong khi các dốt lại ngắn hơn. Cơ thể rươi rất đối xứng, lưng và bụng phân biệt rõ ràng. Rươi sống quanh năm dưới đất, trong lớp bùn đáy sông hay trong các ruộng nước. Môi trường sống thích hợp cho rươi là nước phải thật nhạt. Khi đến thời kỳ sinh sản rươi chui ra khỏi hang, phần sau chứa đầy tế bào sinh dục đứt lìa khỏi phần trước và trôi nhanh lên mặt nước. Chúng bôi tung tăng đây đó, phóng ra vô số trứng hay tinh trùng làm cho mặt nước có màu trắng đục như sữa. Trứng tinh trùng kết hợp với nhau thành một thế hệ mới. Trong khi đó phần đầu của rươi vẫn sống dưới hang đào sâu đến 30-40cm để tái tạo phần đuôi. Phải đến 1 năm rươi mơi trở lại tình trạng cũ. Lúc đó phần sau của vô vàn con rươi, đứt ra, trôi lên mặt nước khoảng tử 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng để hoàn thành chức năng sinh sản gọi là "hiện tượng Swarming". Đó chính là lúc vớt rươi vì chúng nhiều vô kể nếu không rươi sẽ chết và chìm xuống đay sông.

B. Phân bố và thu hoạch rươi
ở nước ta tại các cửa sông có nhiều loại rươi, ở miền bắc nước ta vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch, trời đang thường bỗng mát hẳn, nhiệt độ có khi xuống dưới 250C, vòm trời u ám, có mưa lất phất là dấu hiệu cho biết thời điểm đàn rươi kéo nhau lên mặt nước.
Công dụng: trong nhân dân nhất lá vùng có rươi được coi  là nguồn thức ăn bổ, vì nhiều chất đạm, ngoài ra rươi còn là thức ăn cho cá. Tuy nhiên những người có bệnh hen tránh ăn rươi có thể vì rươu có chất gây nên cơn hen.


Đậm đà rươi rang muối cuối tuần

Hương vị thơm ngon, giòn giòn, hấp dẫn của món rươi rang muối khiến ai cũng phải mê mẩn.

Cứ mỗi độ thu về, người Hà Nội lại không ai bảo ai mà đều chờ đợi đến mùa rươi, để được thưởng thức hương vị độc đáo của thứ đặc sản tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn này. Mùa rươi năm nay đang đến, cùng thử làm món rươi rang muối nhân dịp cuối tuần nhé!

Nguyên liệu:

- Rươi: 300gr
- Lá lốt: 3 mớ
- 1 muỗng nhỏ muối trắng
- Bột mỳ, bột ngô
- Dầu ăn

Thực hiện:

Bước 1: Rươi khi mua về, các bạn làm sạch như sau: chuẩn bị một ít nước ấm, đũa dài, rổ. Cho rươi vào nồi, đổ từ từ nước ấm vào, dùng đũa khoắng thật kỹ nhưng nhẹ nhàng, sau đó vớt ra từng ít một, cho vào rổ, xả sạch dưới vòi nước, nhặt bỏ rong, rác, để thật ráo nước.
Bước 2: Trộn đều 1 muỗng bột mỳ với 3 muỗng bột ngô để làm áo bột.
Bước 3: Cho từng thìa rươi vào bát bột, đảo nhẹ tay để bột bám đều vào rươi rồi đem chiên vàng giòn.
Bước 4: Rửa sạch lá lốt dưới vòi nước, để ráo (H4) và thái chỉ lá để rán giòn trang trí (H5)
Bước 5: Trong 1 chảo khác, cho dầu nóng và chiên lá lốt trong vài phút để lá lốt giòn (H6)
Bước 6: Muối trắng đem rang nóng, khô để đảo với rươi đã chiên vàng giòn cho ngấm (H7). Chú ý không cho nhiều muối nếu không món rươi sẽ rất mặn, chỉ 1 thìa nhỏ café là đủ.
Bước 7: Cho rươi ra đĩa, trang trí và thưởng thức lúc nóng. Chúc các bạn ngon miệng.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với rươi rang muối nhé!
Phương Anh


Trắng đêm vớt "lộc trời"

Vào những ngày này, cứ khoảng 2h sáng, con đường ra cánh đồng xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) đã tấp nập người và xe. Cả cánh đồng loang loáng ánh đèn, chi chít lưới giăng, xôn xao tiếng nói cười của những người dân đang tranh thủ đi vớt rươi.


Người dân Hưng Nhân soi đèn vớt rươi khi thủy triều rút
“Lộc” ai người nấy hưởng
Mùa rươi ở Hưng Nguyên bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, mỗi tháng rươi lên 2 đợt theo con nước thủy triều vào đầu và giữa tháng, mỗi đợt vào 2-3 ngày. Vào ngày rươi lên, người đi rươi phải dậy từ nửa đêm, chuẩn bị sẵn lưới, xô, thau chậu và vợt để ra đồng. Khi nước thủy triều lên, các cánh đồng ở ven sông đều ngập đến nửa mét, những bó lưới lần lượt được căng xung quanh thửa ruộng của mình để khi nước thủy triều rút, rươi không trôi ra sông hoặc trôi sang thửa ruộng của người khác. Lưới căng xong, mọi người lên bờ ngồi đợi. Khoảng 4h sáng, thủy triều rút còn chừng 10cm nước, mọi người tay vợt, tay đèn pin đi vớt rươi. Trong ánh đèn lấp loáng, những bước chân cần mẫn lội quanh ruộng nước, những bàn tay tỉ mỉ nhẹ nhàng luồn xuống dòng nước vớt từng con rươi bé nhỏ.
Chị Trần Thị Trang ở xóm 6, xã Hưng Nhân cho biết: “Ngày xưa theo bố đi rươi, lúc đó chưa có lưới, mọi người phải be bờ thật cao, thật chắc để khi nước rút rươi vẫn đọng nhiều trong ruộng. Rủi hôm nào đắp bờ không chắc để bị vỡ thì coi như về tay trắng. Dụng cụ vớt rươi lúc bấy giờ cũng rất thủ công, đa phần phải dùng những chiếc rá tre mắt nhỏ, cứ vớt được một lát lại phải rửa vì bị bùn đất bám đầy. Ngày nay với vợt và lưới, công việc đỡ vất vả đi nhiều”.
Sau gần 1 giờ cặm cụi, anh Hoàng Văn Dương ở xóm 6, xã Hưng Nhân vớt được cả cân rươi, nhưng ở thửa ruộng bên cạnh của ông Hợi, bà An, lại vớt được rất ít. Người dân nơi đây không ai ta thán, bởi họ quan niệm: “Rươi là “lộc trời”, trời ban cho ai thì người đó hưởng”.
Hưng Nguyên là vùng trũng của tỉnh Nghệ An, hàng năm trung bình người dân phải hứng chịu từ 2-3 trận lũ. Vì vậy, mỗi mùa rươi về, người dân lại động viên nhau: “Ông trời luôn có mắt, không bao giờ tuyệt đường sống của ai. Rươi chính là lộc trời ban cho vùng đất chịu nhiều gian khó này”.
Ruộng tốt, rươi nhiều
Xã Hưng Nhân có 7 xóm có nghề đi rươi. Nước rút sớm nhất là cánh đồng các xóm 6, 7 và muộn nhất là các cánh đồng sát mép sông của người dân xóm 1, 2. Vì thế, thời gian đi rươi ở mỗi xóm mỗi khác, tùy thuộc con nước rút nhanh hay chậm. Thuận tiện nhất là những người có ruộng gần sát mép sông, họ chỉ cần đắp kín bờ ruộng, chừa lại một rãnh nhỏ rồi thả túi lưới chờ nước rút hết nâng lưới mang rươi về nhà.
Với những người đi rươi, điều quan trọng nhất không phải là kỹ năng vớt rươi mà chính là phải biết chăm chút ruộng đồng của mình. Anh Hoàng Văn Đông ở xóm 3, xã Hưng Nhân cho biết: “Muốn rươi vào ruộng mình nhiều thì ngoài việc xới đất cho xốp để rươi làm tổ, còn phải bón phân chuồng làm thức ăn cho rươi. Đặc biệt, khi cấy gặt tuyệt đối không được phun thuốc sâu, nếu không rươi sẽ vào ít”.
Đi rươi nhiều năm, anh Đinh Văn Tiến ở xóm 1, xã Hưng Nhân chỉ cần nhìn vào ruộng là biết ruộng đó đợt này có nhiều rươi hay không. “Ruộng nào mà có nhiều cái lỗ nhỏ, nơi rươi chui xuống ẩn náu thì ngày mai rươi sẽ nổi lên nhiều. Và những ruộng có nhiều rươi phải chăm sóc đất tốt để con rươi có thức ăn, phát triển và nổi lên nhiều hơn vào năm sau”, anh Tiến nói.
Theo anh Hoàng Văn Dương, phải đến tháng 11 âm lịch mới vào chính vụ, rươi mới lên nhiều. Những ngày đầu vụ nên thường bán được giá cao hơn. Trung bình mỗi cân rươi bán tại ruộng có giá từ 400.000 - 500.000 đồng, mỗi vụ các gia đình đi rươi phải kiếm thêm được vài chục triệu đồng.
Ngày nay, dù ở nhiều nơi như: Hải Dương, Hải Phòng người ta đã có thể nuôi rươi để bán, nhưng là nguồn rươi hoàn toàn tự nhiên như rươi Hưng Nguyên vẫn có thương hiệu và được ưa chuộng trong cả nước.
Văn Thanh
  

Rươi và những bí ẩn chưa lời giải
Ai cũng biết rươi là một đặc sản quý và hiếm, không phải vùng đất nào cũng có và không phải mùa nào cũng có...
Ai cũng biết rươi là một đặc sản quý và hiếm, không phải vùng đất nào cũng có và không phải mùa nào cũng có, không phải cứ có tiền là mua được ngay. Bởi đơn giản, rươi là một sinh vật hiếm, với rất nhiều bí ẩn.

Những ai đã từng ăn rươi, từng thấy rươi (rươi sống) thậm chí như chúng tôi là những người dân địa phương từ khi sinh ra đã thấy rươi, đi vớt rươi hàng mấy chục năm nay, nhưng rươi vẫn là một ẩn số. Mỗi lần nhắc đến rươi là cả một câu chuyện dài, cả một cuộc tranh luận không lời kết, mỗi người, mỗi cách. Tất cả, chỉ dừng lại ở phỏng đoán, kinh nghiệm chứ chưa có bất cứ giải thích khoa học nào cả.


Rươi sinh sản và phát triển bí ẩn

Rươi chỉ có rải rác ở một số tỉnh địa phương đồng bằng vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợ như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Ở Hà Tĩnh, rươi chỉ có ở một ít vùng gần hạ lưu sông Lam: xã Xuân Hồng, Xuân Lam, huyện Nghi Xuân. Thậm chí trong cùng một cánh đồng, vùng có rươi, vùng không; thửa ruộng có rươi, thửa ruộng lại không có.

Có những cụ già ở các địa phương sống gần hết cả đời người, đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần rươi nổi, nhưng cũng không biết rươi sinh sản như thế nào, khi nào, sống ở đâu và ăn thức ăn gì. Cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào giải thích về loại sinh vật này. Chỉ biết vào những tháng mùa đông, rươi lại nổi lên mặt nước khoảng 1-2 giờ đồng hồ, rồi lại biến mất.

Rươi nổi và bơi trên mặt nước như con đỉa. Có khi nổi dày đặc, đỏ cả mặt nước.

Những người nông dân đã không biết bao nhiêu người, bao nhiêu lần xới đất sâu, tỉ mỉ ở những vùng đất có rươi nổi để tìm. Nhưng sau khi nổi và biến mất người ta không tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của rươi sót lại. Kể cả những thửa ruộng đắp bờ kín không cho nước chảy ra.

Nhiều người giải thích huyền bí cho rằng, nó sống ở tầng đất thứ 9, nhưng thân rươi lại vô cùng mềm và dễ vỡ. Chỉ cần chạm nhẹ vào thân nó, là nó có thể vỡ ra và chết. Nên rươi không thể chui nhanh xuống đất như vậy được.

Hàng năm, rươi lại càng ít dần đi. Nhưng theo kinh nghiệm của dân dịa phương, những thửa ruộng nào phun nhiều thuốc cỏ, thuốc trừ sâu thì năm sau ở thửa ruộng đó, rươi sẽ nổi ít hơn.

Rươi xuất hiện lạ lùng

Không ai biết nó sinh sản vào mùa nào, như thế nào, con nào là con đực, con nào là con cái hay là lưỡng tính. Nên cũng không ai biết khi rươi xuất hiện trên mặt nước là lúc bắt đầu hay kết thúc cuộc đời của nó. Chỉ biết rằng khi xuất hiện, nó nổi đồng loạt trên mặt nước, thấy đỏ cả mặt ruộng như ổ cá tràu con, khoảng 1-2 giờ, rồi tất cả “biến mất”. không ai biết chắc chắn nó nổi ngày nào, giờ nào.

Chỉ theo kinh nghiệm bao nhiêu năm của người dân địa phương chúng tôi, thì rươi chỉ xuất hiện vào 3 tháng là tháng 9,10,11 âm lịch hàng năm.

Rươi thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30; mồng 1, mồng 2: ngày 14, 15 rằm. Các ngày khác chỉ nổi rải rác, ít và khi có, khi không.

Những ngày cuối tháng, rươi lại thường nổi vào lúc 1-2 giờ sáng; những ngày giữa tháng, ngày rằm, rươi lại thường nổi đồng loạt lúc 19-20 giờ. Các ngày khác có khi lại nổi lúc 7-8 giờ sáng. Tuy nhiên, các ngày, giờ rươi nổi cũng rất thất thường, thay đổi, không cố định. Không ai biết mà giải thích.

Nhiều khi đến ngày rươi nổi, cả xóm, làng đều ra đồng, chờ để vớt, nhưng lại không thấy. Có khi bỗng nhiên thấy rươi nổi nhiều đỏ cả đồng, cả xóm, làng lại ùn ùn kéo nhau ra đồng vớt rươi.

Cách đánh bắt độc đáo

Rươi chỉ nổi ở những cánh đồng vùng nước lợ, có con thuỷ triều lên xuống của các con sông chảy qua các con hói, lạch vào đồng.

Vào trong cánh đồng, nó cũng chỉ có ở những vùng biển, thửa ruộng gần con nước lên xuống. Những nhà có ruộng vùng này, họ đắp bờ ruộng cao lên quá mặt nước và tháo cho nước chảy qua một chỗ, đồng thời dùng lưới nhỏ hứng rươi. Ở những vùng đất chung thì mọi người cùng nhau dùng vợt để vớt.

Ở các khúc hói, lạch, mỗi khúc một lại có một “trộ” rươi, được người ta ngăn lại đón rươi theo vùng nước. Các “trộ” rươi này được người ta thầu khoán với hợp tác xã. Thường đây là những chỗ có được nhiều rươi nhất. Sau khi đưa rươi về, ngươi ta phải chăm giữ cẩn thận trước khi nhập bán.

Rươi thích nhiệt độ lạnh từ 1-8C . Người ta phải dùng đá lạnh mới tan ra để cho rươi vào, có như vậy rươi mới sống được một thời gian vài ngày trước khi được lái buôn đưa đi để bán sang Trung Quốc.

Người dân địa phương không ai dám ăn rươi

Lúc trước rươi nhiều và rẻ. Đến mùa rươi, cả làng thơm phức mùi chả rươi. Chúng tôi, có khi ăn chả rươi cả tuần liên tục, làm thức ăn chính hàng ngày.

Gần 7-8 năm nay, rươi ít dần, giá cao vọt, dù thèm, nhưng hầu như trong làng không ai dám bỏ ra hàng trăm ngàn bỏ ra để mua rươi ăn. Những nhà đánh bắt được cũng chỉ dành bán đi lấy tiền. Chỉ cần 10kg là họ cũng đã có gần 1,5 triệu, bằng thu nhập bình thường của cả gia đình trong một tháng.

Rươi là mặt hàng xa xỉ, siêu lợi nhuận

Trước đây, rươi nhiều, chưa có người buôn bán nơi khác đến nên rươi bán rẻ. Nhưng, trong khoảng 7-8 năm trở lại đây rươi càng ngày càng ít đi, trong khi đó có các lái buôn từ Thanh Hóa vào mua để bán sang Trung Quốc nên giá rươi tăng vọt và trở thành mặt hàng "xa xỉ” với giá 130 ngàn/1kg, có khi lên tới 160 ngàn đồng.

Trung bình các ngày nhiều rươi mỗi nhà vớt được 10-20kg, những người ít thì 4-5kg. Nhiều nhất có một số nhà, chỉ trong một đêm (hay đúng hơn là trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ) vớt được 100kg rươi và tính theo giá hiện nay tương đương thu lại 13-15 triệu đồng, ít nhất mỗi nhà cũng có 200-300 ngàn đồng mỗi đêm.

Những đêm rươi nổi nhiều cũng phải đến khoảng hơn 4 tạ rươi, đem lại cho người dân khoảng gần 60 triệu đồng/đêm. Tính qua 3 tháng mùa rươi, người dân ở đây thu về hơn 600 triệu đồng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire