lundi 24 mars 2014

"Nợ", bài viết Võ Hiếu Nghĩa

NỢ 
VÕ HIẾU NGHĨA

Chuyện đời, mặt trái, mặt phải tuy là hai mặt trái ngược nhau, nhưng lại luôn cặp kè  nhau, nửa bước không rời xa. Như là chuyện mắc nợ hay không mắc nợ, có tiền hay không có tiền – “To be or not to be”… Khôi hài nhất là ngân hàng khi chứa đầy tiền lại ghi là nợ, mà khách hàng đã gởi hết tiền vào ngân hàng, không còn tiền mặt nào nữa, thì được ghi là có. Nợ hay có (debit, credit), có hay nợ, biết sao là đúng đây. Trong khi công ty làm ăn (phân biệt với các công ty tài chính) của mình có vốn thí dụ  1 triệu thì ghi là có, mà khi công ty đi vay thì tiền đó lại gọi là nợ. Tóm lại, nợ hay có, chỉ phải ghi rõ ai là chủ từ mới được. 

Trong thế kỷ đạo đức trước kia, ai sống no đủ, không bị thiếu thốn nợ nần mới là người có phước đức ông bà để lại. Ai bị nợ nần ngập đầu ngập cổ, là người nghèo nàn, bạc phận. Benjamin Franklin, tổng thống vĩ đại của nước Mỹ từng nói :”Thà lên giường ngủ không ăn tối còn hơn thức dậy nợ nần - Rather go to bed without dinner than to rise in debt”.
Thế mà trong thế giới hiện tại, ai là người tỷ phú lại không bị mắc nợ. Các nhà kinh doanh thường không có đủ vốn liếng, phải đi vay nợ ngân hàng, làm ăn được trúng mánh thì dư tiền trả nợ ngân hàng, lại còn được lãi gấp 5, 10 lần; bể mánh thì bị phá sản, phải di tản ra khỏi căn nhà đã bị thế chấp để vay nợ. 

Bạn nghĩ thế nào về câu nói :”Ai là người mà không bị mắc nợ”.
*
Không, tôi là người tự do và không hề mắc nợ ai điều gì. Vì mắc nợ thì không thể còn được tự do- theo chủ thuyết Debt-Free Philosophy - ROSALIND RESNICK .
Kẻ mắc nợ chỉ là một nô lệ mà thôi, như trong kinh thánh Proverbs 22:7,”….and the borrower is slave of the lender - và người vay là nô lệ của người cho vay ". Và Ralph Waldo Emerson cũng đã nói :” Người mắc nợ chẳng khác nào nô lệ - A man in debt is so far a slave.”
*
Ở Việt Nam hiện giờ lùm xùm biết bao là chuyện nợ nần khó trả, nợ khó đòi. Có lẽ phải kể đầu tiên là chị Siu Đen, chị ca hát cũng tàm tạm, được xem như là một người miền núi có học nhạc lý, hát theo kiểu Mama Cass, bề rộng thân hình thì ngang nhau nhưng dĩ nhiên tài nghệ thì sao sánh bằng được. Nhưng ở xứ mù thì chột làm vua, chị Siu bèn lên hơi, lên đời rồi lên hạng đa tình…. Ái tình thì luôn là mù quáng rồi, khiến mắc nợ cả chục tỷ, mà lại rơi vào tay các trùm nữa mới dễ sợ, khiến người bạn Phương Thanh hoa sầu liễu úa, tất tả chạy ngược chạy xuôi để hy vọng cứu nguy cho nàng….
Lại đến anh chủ hãng phim Phước Nghèo, anh cũng ăn học tốt nghiệp ra trường đàng hoàng, bước đầu nổi trội hơn các bạn đồng học, trở thành đại gia, nhưng là người cũng có tâm hiền luôn sẵn sàng giúp anh em bạn bè. Nên khi rơi rụng do nạn bán buôn nhà đất hàng trăm tỷ đồng, anh cũng được bạn bè trợ giúp. Nhưng mới đây lại nghe nói bà vợ Thư vàng phải ra đường bán cơm sôi để trả nợ cho chồng. Ôi phải cái nợ !!!
Và mới đây nhất là anh chàng Phụ Tín, anh rất đa tài, đóng phim ca hát hay, lại bảnh trai. Một thời lên hương tột cùng, lại một thời rơi xuống tận đáy. Ở điểm đáy, anh lại khóc lóc, xin xỏ, trách móc các người chung quanh, làm bao trò hề trong một cõi đời đã là một tấn tuồng hề vĩ đại rồi. Nếu ở điểm đáy, anh chàng học được “CÁCH  CHẾT  CỦA  SÓI” của Alfred de Vigny 

Rên xiết, nguyện cầu,   than khóc đều hèn nhát 
Hết lòng thực hiện   những gì trời ban phát
Suốt cả con đường   định mệnh đã an bài
Lâu dài gian khó   với đầy dẫy đói khát

Hãy là con sói   xem đó như khúc hát
con đường số phận   mà mình phải bước đi
sau hãy như ta   dù phải nuốt biệt ly
Chịu đựng khổ đau  và chết không than vãn.

VÕ HIẾU NGHĨA dịch từ
“ Gémir, prier, pleurer est également lâche, 
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche 
Dans la voie òu le sort a voulu t’appeler 
Puis après comme moi, souffre et meurs sans parler” 
                    ( La mort du loup- Alfred de Vigny)
*

Có thật là từ khi sinh ra, anh không hề mắc nợ ai chăng ?
    Vì, ở đời mấy ai dám tự hào rằng không bao giờ mắc nợ. Từ bậc đế vương công hầu khanh tướng, cho chí dân ngu khu đen đều có vướng phải nợ cả. Sanh ra là đã vướng phải nợ, đồng thời cũng sẽ có người lãnh cái nợ đó cho mình. 
     
    Nguyên một cái chuyện vừa mới oe oe chào đời hôm trước hôm sau là đã bỉnh của nợ ra đầy đít, ai là người lãnh cái đống nợ đó nếu không phải là cha mẹ, ông bà. Dù trên danh nghĩa gì thì họ cũng đã phải lãnh cái của nợ đó rồi. 
     
    Dân tộc chúng ta có câu châm ngôn thiệt gói ghém ân nghĩa tròn trịa. 
     
    Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. 
     
    Nhớ đây là nhớ ơn những người đã khó nhọc trong những công việc vất vả. Ta có bát cơm ăn là nợ bác nông phu, ta có áo quần mặc là nợ kẻ trồng dâu chăn tằm, ta có nước uống là nợ người đào giếng… 
Nhưng đó là những mối nợ ràng buộc, qua lại giữa chúng ta trong đời sống xã hội mà chúng ta còn có cơ hội trả được. Nhưng còn những mối nợ khác mà cho đến chết chúng ta cũng không tài nào trả nỗi. Đó là những mối nợ trời đất mà ta đang hưởng nhờ: 
     
    Không khí cho ta thở hít, mưa nắng cho ta cày bừa, đêm ngày cho ta phân biệt thời gian, thiên nhiên hoa lá cho ta nhìn ngắm, chim muông thú vật cho ta thực phẩm. v.v… ta nợ trời đất cũng như trật tự trong thiên nhiên biết chừng nào mà kể. Những mối nợ đó ta đã không tài nào trả nổi, lại còn phạm thêm bao nhiêu là nợ nần tội lỗi khác. Như rừng để tạo môi trường trong sạch, che chắn bao nhiêu tai họa, thiên tai, lũ lụt, lại đi phá rừng để làm đập nhân tạo thủy điện. Không khí thiên nhiên điều hòa giữa khí bẩn CO2 và khí sạch O2, lại bị phá vở đi, bằng xây dựng quá nhiều nhà máy làm ô uế môi trường sống. Sự biến đổi khí hậu thời nay đã là bài học lớn, nào là sinh ra bão tố, sóng thần, nào là băng tan, nước biển dâng tràn, gây lũ lụt, khi thì gây hạn hán, khi thì nước biển tràn ngập và xâm lấn nước ngọt, nước trong (đồng bằng Cửu Long của chúng ta). Nhưng nào ai để tâm để ý đến.  


Thiên Chúa giáo đặt nặng vấn đề Nợ, họ cho rằng Nợ đồng nghĩa với tội lỗi (The words for sin and debt are the same in Aramaic- Christian philosophy) và trong kinh Lạy Cha, kinh duy nhất mà Chúa Jesus dạy cho con người là : …và tha NỢ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có NỢ chúng con…  "redeem us from our debts, as we redeem our debitors."- The Lord's Prayer.

Nói đến đây chúng ta lại nhớ đến các câu ca dao bình dân :
Trên Đời Có Bốn Cái Ngu 
    Làm Mai Lãnh Nợ Gác Cu Cầm Chầu…

Về cái ngu thứ hai là cái ngu lãnh nợ. 
     
    Trong đời làm gì có chuyện một người xa lạ dám đứng ra làm cái chuyện lãnh nợ cho mình, để đến khi mình trả không nổi họ sẽ… lãnh đủ sao? Khi có một kẻ nào đó dám lãnh nợ cho mình thì kẻ đó phải là người thân thích ruột thịt, hoặc là bạn bè thân tín, hay là người láng giềng thật tốt bụng. Tóm lại những người dám lãnh nợ là những người tin tưởng nơi mình, đặt niềm tin trọn vẹn vào lời hứa của mình thì mới lãnh nợ cho mình được. Đây là những người có một tâm hồn cao cả rất tốt.      
    Tại sao lại cho người chịu lãnh nợ hộ mình là người ngu, một khi tâm hồn họ rất nhân hậu, dám vì anh em bè bạn mà lãnh nợ giùm. Họ cũng biết, mỗi khi ai đó phải đi vay nợ là đã cạn vốn liếng, là chỉ còn cái khố che thân thôi. Và họ cũng biết luôn nếu người ấy không chịu trả nợ thì họ sẽ lãnh đủ. Mặc dù đã biết sự nguy hiểm sẽ đến với họ khi chịu đứng ra lãnh nợ giùm người, nhưng họ vẫn lãnh nợ cho người, thì đó là một con người tốt có lòng thương người, là một hành động nhân hậu, khôn ngoan chứ không phải là ngu. Một người như vậy mới đúng nghĩa là một con người. 
     
    Ai nghỉ cái hành động lãnh nợ là ngu là không đúng đạo lý ở đời rồi. 
Có một người rất lớn lại chịu đứng ra lãnh nợ giùm cho cả thế gian này, đó là Chúa Jesus, người dám từ bỏ ngôi cao trên trời để hạ mình xuống làm người trần gian, chịu chết trên cây thánh giá chỉ vì lãnh nợ tội lỗi cho con người.

Thật ra cái nợ lớn nhất là nợ tình cảm, mà nói chung con người ít khi nào trả được.
Nợ tình cảm của cha mẹ :
Cha mẹ nuôi con, biển hồ lai láng
            Con nuôi cha mẹ, tính tháng tính ngày.
Chúng ta không bàn đến việc “nuôi” ở đây mà muốn xin thay bằng từ “thương” mà thôi. Cũng có rất nhiều người con hiếu thảo, thương Cha thương mẹ hết lòng hết dạ, nhưng đa phần thì chí ít nhiều lắm cũng một năm một mười mà thôi. Không kể đến ở một xứ miền Trung, có người con bỏ người mẹ ruột nằm ngoài trời giữa đêm Tết tịch mịch lạnh lẻo. Cũng chỉ vì 3 người con đổ vấy cho nhau rồi vất bỏ, dĩ nhiên là chỉ sau khi người mẹ đã chia hết tài sản cho cả 3 người con này rồi.

Nhưng nợ tình cảm làm xót xa và rơi lệ nhiều nhất lại là tình yêu trai gái. Chỉ vì câu thơ “… Trời ơi người ấy có buồn không ?”, mà phải tốn biết bao là trang giấy, trang thơ, tiểu thuyết mô tả hoài không ngừng nghỉ, không hồi kết. 
Chúng ta hãy nghe thử khúc tình si của một chàng thi sĩ :
MỖI LÚC

Mỗi lúc em mơ màng
gió khẻ lay đôi má
phơn phớt và nhẹ nhàng
làm ửng hồng khuôn xoan
Đó là lúc em nhận
một nụ hôn
của anh.


Mỗi lúc em cảm thấy
Một nỗi buồn mênh mang
Và giọt mưa rơi xuống
Làm nhòe mi mắt em
Đó là lúc em nhận
Giọt nước mắt
của anh.


Mỗi lúc viếng vườn hoa
Em chợt nghe chim lồng
Hót bản nhạc buồn bả
dường như khúc mù khơi
Đó là lúc em nhận
Bài tình ca
của anh.


Mỗi lúc thăm nghĩa trang
Gặp ngôi mộ chỉ khắc
Một chữ  A thật lớn
(A)mour Platonique
Đó là lúc em nhận
Tình lý tưởng
của anh.




VÕ HIẾU NGHĨA
14/11/2011 


Lại thoảng nghe đâu đây tiếng đàn của cháu bé đang đàn bản “Lettre à Élise-FÜR ELISE”, bản nhạc tình lưu danh muôn thuở của chàng nhạc sĩ tài ba Beethoven nhưng mệnh bạc, đã gửi cho người yêu trong một mối tình không trọn vẹn.

Chuyện nợ-có còn dài dài, chúng tôi xin tạm dừng tại đây để còn thưởng thức các chuỗi arpège siêu thoát của Beethoven vậy. Mời quí vị thưởng thức “Beethoven Fur Elise - Full Piano Version” từ trang web  


VÕ HIẾU NGHĨA
17/03/2014



Mời xem :
*
Trang web của VÕ HIẾU NGHĨA :
http:// vohieunghia.com              &
              http://www.ptgdtdusa.com/id1370.html      (Trường PhanThanhGiản-ĐTĐ)
                                             

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire