vendredi 21 mars 2014

Trần Trọng Thiện viết "NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGƯỜI LÀM NHẠC"

Kính thưa quí bạn yêu âm nhạc,
     Duới đây là một số những tìm hiểu hữu ích cho quí bạn nào muốn có
những tài liệu cần tham khảo để tăng cường sự mến mộ đối với một nghệ thuật đã từ lâu đi vào lòng người. Tôi ước mong sẽ giúp ích với những bài
tiểu luận chưa thật đầy đủ, nhưng hi vọng là đáp ứng được sự cần thiết cấp
thời mà bạn chưa  có thì giờ để nghiên cứu tường tận. Xin cảm tạ .

                                                                    Trần Trọng Thiện


         NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGƯỜI LÀM NHẠC

     Khi chúng ta nghe một bài hát do một nam hay nữ ca sĩ nào trình diễn, ta cảm thấy hay và vỗ tay tán thưởng. Nhưng có ai hỏi bài hát hay ở chỗ nào, thì
đôi người sẽ lúng túng để tìm được câu giải đáp cấp thời. Rồi khi có nhiều người đưa ra ý kiến bài hát quả thật hay là do ở sự phân tích các phần chính
được kết hợp trong khi trình diễn bài hát, như : lời thơ, ý nhạc, tiết tấu, mầu sắc , thời gian ...thì đều công nhận quả là có sự phối hợp tài tình .

     Thật vậy ,
       Lời thơ , đã chiếm phần quan trọng nhất của bài hát vì đưa dắt người nghe qua những tình cảm hàm xúc trong toàn bài hát với những câu văn hoa bóng bẩy có vần có điệu .
    Ý nhạc, đi theo sát với lời thơ, khi lên bổng, lúc xuống trầm làm nổi rõ nghĩa của câu ca mà không làm cho lời ca bị chìm lẫn đi đâu mất .
   Tiết tấu , làm cho ý thơ khoan thai hay dồn dập, ngắt quãng hay liên tục, lơ
lửng hay thoăn thoắt, lê thê hay ríu rắt, nói lên diễn tiến của tâm tư.
   Mầu sắc , làm cho lời thơ đượm nét buồn man mác, hay niềm vui khôn tả, tình tứ hay vô tư, đe dọa hay sợ hãi, tin tưởng hay thất vọng, không gian u tối
hay huy hoàng sáng lạn, tất cả mọi cảnh vật có ở trên đời được diễn ra bằng những âm thanh chấm phá, tô điểm cho ý thơ thêm rõ ràng mạch lạc .
  Thời gian , điều hòa, nhanh hay chậm, hay lúc nhanh hơn lúc chậm hơn , được dùng trong khi biểu diễn một bản nhạc làm cho nó có nét vui hay nét buồn, khi thì lồng lộn vươn lên như sóng triều dâng, lúc thì cuồn cuộn chảy xuống như nước đổ qua thác ghềnh, khe đá, có lúc lại nhập ngừng chậm chạp,
rời rã, để phô diễn rõ nét tâm tư u ẩn của lời thơ .
           Tất cả những điều vừa kể, một ca sĩ không thể diễn tả hết được những gì mà người soạn nhạc muốn phơi bầy. vì vậy, it lắm cũng có một, hai nhạc cụ phụ họa với ca sĩ, hoặc nhiều hơn, một ban nhạc với đầy đủ loại đàn giây, kèn, trống, mõ, phách, cùng với các nhạc liệu phụ thuộc, diễn tấu dưới sự xếp đặt của một nhạc trưởng, làm thế nào để người nghe có cảm giác thích thú tột bực. Trừ khi chính người viết ra tác phẩm cũng là nhạc 
trưởng, nếu không, nhiệm vụ làm cho bản nhạc được tuyệt vời lại phải cần đến một tài năng sáng tác khác có nhiều hiểu biết sâu rộng hơn về nhạc. Chính vì chỗ ta chưa nghe ai truyền tụng đến tài nghệ của người nhạc trưởng giữ then chốt tạo cho bản nhạc được thật hoàn mỹ này, nên cũng thì một bản nhạc ấy mà được nghe qua nhiều ban nhạc khác nhau, sự hay dở ta khó có sự phê phán chính xác, nếu ta chưa đi vào thế giới các nhà viết nhạc, soạn nhạc, trình diễn nhạc, để tìm hiểu .
        Vậy, âm nhạc là gì ?
       Đã từ lâu, người ta định nghĩa một cách rất  đơn giản : âm nhạc là một nghệ thuật, nghệ thuật nói chung là
sử dụng một cách có ý nghĩa các yếu tố có sẵn để gây cho ta khoái cảm về cái đẹp ví dụ cái đẹp của một bức họa
cái đẹp của thi phú , văn chương, cái đẹp của điêu khắc, điện ảnh v.v..., vậy nói riêng, âm nhạc là một nghệ thuật dùng âm thanh êm ái để tạo cho thính giác ta những cảm giác thích thú .
       Ở vào thời đại tân tiến vượt bực này, dù ở ven trời góc biển, hay trên núi cao rừng rậm , hoặc nơi thôn dã thị thành, ai ai cũng được hưởng thụ những nét mầu nhiệm của âm nhạc như một món ăn muôn hương, muôn vị,
cần cho sự song, giúp cho ta những khuyên lơn  an ủi khi đau đớn, làm lắng dịu tâm hồn khi ta bị cấu xé bởi những éo le trắc trở của cuộc đời, đưa ta đến niềm vui trọn vẹn vì được chia xẻ, gây cho ta niềm phấn khởi yêu đời với đầy tin tưởng vị tha, vĩ đại, đó là nhờ vào kỹ thuật thâu thanh phát thanh rất tinh vi. do sự đòi hỏi và qua những sáng kiến vượt mức, âm nhạc được đưa vào quảng đại quần chúng với công lao của nhà sản xuất, những nhà xuất bản, những ban nhạc trình diễn tại chỗ hay thường xuyên lưu diễn khắp nơi, báo chí và đài phát thanh, mọi phương diện quảng cáo, phim ảnh và băng video, một ngành thương mại lớn lao về nhạc được xuất hiện, các trường sở chuyên dạy âm nhạc được mở ra để đào tạo chuyên viên, diễn viên thượng đẳng cho mai sau .
Trong sự  nghiệp phát triển không ngừng đó, bạn hay cùng tôi đi vào từng lãnh vực để có một ý niệm, cảm thông với một bộ môn nghệ thuật mà mình đã từ lâu yêu mến .
                                                                                 (  còn tiếp )
          Kỳ tới :
                   Người viết nhạc
                 Người soạn nhạc
                Những người trình diễn nhạc ( Ca sĩ và nhạc công )

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire