Đời sau nhớ lại gì sau gân 40 năm ngày mất Saigon?
Nghĩa trang cũ này còn những ngôi mô vô danh, nhưng đã được mang thây về nơi đây, nhưng còn bao nhiêu người đã phơi thây trên chiến trường hay những trại tù cải tạo chưa bao giờ thân nhân tìm lại được , hay những thân nhân này biết còn sống hay chết.
Thật đau lòng cho thảm họa của người dân miền Nam Việt Nam.
Caroline Thanh Hương
oooo
Ai sáng lập Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa?
Nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa là sáng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Khi dự án xây dựng nghĩa trang, do Cục Quân Nhu phối hợp Công Binh, được trình lên Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Tiếp Vận. Dự án này được tiếp tục trình lên Bộ Quốc Phòng, thủ tướng, và rồi cuối cùng, được trình lên, và được tổng thống đồng ý.
Dự án xây dựng nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa liên quan đến đất đai và nhiều lãnh vực khác, nên cuối cùng, trở thành một đề tài liên bộ; từ Bộ Quốc Phòng, qua Bộ Công Chánh, Bộ Nội Vụ và liên quan cả đến Bộ Giáo Dục và Y Tế.
Ðến khoảng năm 1964, nghĩa trang Quân Ðội ở Gò Vấp trở nên chật hẹp, không gánh vác được sức nặng của chiến tranh. Trong khi ấy, chiến tranh gia tăng, phần lớn sĩ quan của khu vực thủ đô đều chôn ở nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi, Sài Gòn. Nơi đây, đất cũng bắt đầu khan hiếm và tốn kém. Nhu cầu chôn cất tử sĩ, không phân biệt cấp bậc, tại một nghĩa trang rộng lớn hơn đã được nghĩ tới.
Ðơn vị Chung Sự, chuyên lo hậu sự của những chiến sĩ đã nằm xuống, cũng có nhu cầu về cơ sở để hoạt động. Kiến nghị được trình lên cấp trên, thông qua hệ thống Cục Quân Nhu, Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Tiếp Vận. Các sĩ quan Quân Nhu, Công Binh, Ðịa Ốc Tổng Tham Mưu bay trực thăng trên không phận Thủ Ðức, Bình Dương, Biên Hòa, tay cầm bản đồ nghiên cứu địa thế thật đẹp dành làm nơi an nghỉ nhìn thu cho chiến hữu.
Quá trình xây cất nghĩa trang Biên Hòa
Sau nhiều lần sửa đổi, mô hình và khu đất được chọn xây nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa đã được Phủ Tổng Thống chấp thuận.
Khu đất rộng 125 mẫu Tây ở phía tay trái xa lộ Sài Gòn. Toàn thể khu nghĩa trang làm thành hình con ong vĩ đại nằm quay đầu ra xa lộ.
Giữa lưng con ong là Nghĩa Dũng Ðài cao 43 thước. Ðầu ong là đền thờ chiến sĩ, cũng có lúc gọi là Ðền Tử Sĩ hay Ðền Liệt Sĩ. Phía dưới chân đền là Cổng Tam Quan nối thẳng một đường dài ra xa lộ. Con đường này làm thành cây kim nhọn của con ong và đầu kim là bức tượng Thương Tiếc ngay cạnh xa lộ.
Từ chân Nghĩa Dũng Ðài, lưng ong chia làm hình nan quạt hướng ra 4 phía và làm thành lưới nhện. Phần đuôi ong hẹp, phần dưới dài ra như quả trứng. Các ngôi mộ giống nhau chia thành từng khu. Khu quốc gia dành cho các vị lãnh đạo, khu tướng lãnh, khu cấp tá, cấp úy và binh sĩ.
Một ngày đầu Xuân 1965, Thiếu Tướng Ðồng Văn Khuyên từ Bộ Tổng Tham Mưu gọi điện thoại cho Ðại Tá Nguyễn Thiện Nghị, liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 30 Công Binh Kiến Tạo đóng tại Hóc Môn. Sau đó chiếc xe ủi đất đầu tiên của Tiểu Ðoàn 54 Công Binh bắt đầu công tác.
Rồi doanh trại của Liên Ðội Chung Sự và khu nhà xác được thiết dựng năm 1966 để nhận những di hài tử sĩ đầu tiên.
Nghĩa trang được xây dựng trong chiến tranh với sự phối hợp giữa Quân Nhu và Công Binh. Công Binh tiếp tục làm đường, phân lô, xây Cổng Tam Quan, xây Ðền Liệt Sĩ, đúc các tấm ciment và làm mộ bia.
Quân Nhu nhận tử sĩ từ mặt trận chở về ngày đêm để chôn cất. Trận Mậu Thân, trận Mùa Hè, trận Hạ Lào, trận Cambodia. Tử sĩ của các đơn vị tổng trừ bị đem về từ 4 quân khu. Tử sĩ của quân khu thủ đô và các tiểu khu lân cận. Tử sĩ của các quân chủng, nữ quân nhân, thiếu sinh quân, tất cả đều nằm trong lòng đất Biên Hòa.
Tử sĩ chôn từ trung tâm Nghĩa Dũng Ðài lần lượt ra các khu bên ngoài. Ðã có trên 10 tướng lãnh nằm tại nghĩa trang Biên Hòa kể cả các vị đại tá vinh thăng sau khi tử trận. Người có cấp bậc cao cấp nhất là cố Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí. Hiện nay ngôi mộ này đã được gia đình cải táng nhưng vị trí cũ vẫn còn di tích.
Nghĩa Dũng Ðài và kiến trúc công trình Nghĩa Trang
Nghĩa trang Quân Ðội tại Biên Hòa có nhiều công trình xây cất đáng kể.
Trước hết là bức tượng Thương Tiếc, thể hiện hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa ngồi nghỉ chân trên bệ đá, súng để ngang trên đùi, nét mặt buồn và rất Việt Nam. Câu chuyện về bức tượng này đã được kể lại nhiều lần. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, tượng này bị chính quyền cộng sản giật sập. Phóng viên ngoại quốc có chụp được hình. Tin sau cùng cho biết bức tượng đã đưa vào kho tại quận Dĩ An và sau cùng có thể bị nấu ra lấy đồng và không còn vết tích.
Tác giả của pho tượng này là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, lấy hình người mẫu là một binh sĩ nhảy dù. Hiện nay ông Thu, nguyên là một sĩ quan Quân Nhu, theo đặc san của ngành này cho biết, đã trở về Việt Nam “để tìm cách thực hiện lại bức tượng Thương Tiếc.”
Ngoài bức tượng kể trên, trên đường vào nghĩa trang, đi theo con đường chánh xuyên tâm, lên dốc cao, phải qua Cổng Tam Quan, một công trình xây cất giản dị nhưng bề thế và chân phương. Giữa cảnh hoang tàn rêu phong hiện nay, Cổng Tam Quan vẫn giữ được đường nét vững vàng và gần như còn nguyên vẹn.
Qua Cổng Tam Quan, con đường dẫn đến ngôi Ðền Tử Sĩ trên một ngọn đồi nhỏ có 4 lối lên bốn phía. Ðây là nơi để linh cữu các vị tướng lãnh trước khi chôn cất. Ðây cũng là nơi khi tổng thống, thủ tướng hay các giới chức cao cấp chủ tọa các buổi lễ chiêu hồn tử sĩ.
Tháng Ba, 1975, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lên thăm viếng và làm lễ đặt vòng hoa. Không ai biết rằng đây là lần sau cùng.
Cũng tại đây và tại Vành Khăn Tang của Nghĩa Dũng Ðài là nơi các toán quân danh dự canh gác theo nghi lễ. Các quân nhân từ các quân binh chủng mặc sắc phục được điều động về theo đơn xin và có đủ điều kiện. Vóc dáng trẻ trung, khỏe mạnh, cao lớn, đoàn quân này được huấn luyện để canh gác và biểu diễn các thao tác nghi lễ như các đoàn quân danh dự tại nghĩa trang Arlington Hoa Kỳ.
Sau Ðền Liệt Sĩ, phải đi một đoạn rất dài mới đến đỉnh một dải đất cao, chính giữa trung tâm là Nghĩa Dũng Ðài. Ðây là công trình quan trọng nhất mà Công Binh Việt Nam đã thực hiện.
Cục Công Binh sau khi khởi công xây cất nghĩa trang, song song với việc bang đất, giúp Cục Quân Nhu chôn cất thì bắt đầu nhận công tác từ Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Tiếp Vận để xây cất Nghĩa Dũng Ðài vào Tháng Mười Một, 1967. Một kỳ thi được thực hiện phối hợp giữa Công Binh và trường đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Có tất cả 54 đồ án dự tuyển. Ban chấm thi chọn đồ án gồm đại diện trường đại học Kiến Trúc, Tổng Cục Tiếp Vận, Chiến Tranh Chính Trị, Cục Quân Nhu, Cục Công Binh.
Trên nền đất phẳng, Công Binh cho đổ 10,000 thước khối đất làm thành một ngọn đồi nhân tạo. Ðại đội xe “benne” phải làm việc gần hai tháng.
Trên ngọn đồi nhỏ này, Công Binh xây bệ tròn, chính giữa là ngọn kiếm hướng mũi lên trời. Cây kiếm có thân bốn cánh hình chữ thập cao 43 thước. Chân của chữ thập đường kính 6 thước rưỡi và trên mũi nhọn là ba thước rưỡi, có bậc thang để leo lên đỉnh và đứng trên này sẽ nhìn thấy thành phố Sài Gòn.
Cây kiếm đúc bằng ciment cốt sắt từng tảng chồng lên nhau chịu được sức gió trên 120km/giờ. Phía dưới bệ đài xây ciment vòng chung quanh thành một vành khăn được gọi tên rất xúc động là Vành Khăn Tang. Trên Vành Khăn này dự trù sẽ có các công trình điêu khắc về các chiến công của Quân Ðội Việt Nam qua các thời đại. Từ thời Hùng Vương lập quốc đến các vị anh hùng chống xâm lăng phương Bắc rồi đến các chiến công của Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả công trình xây cất nghĩa trang Quân Ðội gần như hoàn tất và riêng Nghĩa Dũng Ðài thì đã xong phần kiến trúc căn bản.
Cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, những đơn vị kiến tạo của TÐ54 Công Binh vẫn còn hiện diện tại công trường. Một toán đặc phái công tác về sửa chữa Dinh Ðộc Lập vẫn còn thấy các vị cao cấp ra vào trước khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam.
Ngoài sự hy sinh đổ máu của Công Binh Chiến Ðấu, thêm bao nhiêu công thự, cầu đường do Công Binh Kiến Tạo góp phần trên toàn thể miền Nam thì công trường Dinh Ðộc Lập và công trường nghĩa trang Quân Ðội là các di sản hãnh diện của ngành Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau hơn 30 năm, cả hai công trình này và đặc biệt là Nghĩa Dũng Ðài vẫn tồn tại và hy vọng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nghĩa Dũng Ðài suốt 30 năm qua đã được bảo vệ bởi 16 ngàn tử sĩ ở lại nghĩa trang Quân Ðội.
Ðứng trên khu vực dưới chân Nghĩa Dũng Ðài nhìn xuống cả cánh đồng mộ chí bát ngát, vào thời điểm này, còn ít nhất là 8,000 tử sĩ nằm lại. Xa xa là Ðền Tử Sĩ. Quanh cảnh càng tiêu điều, càng hoang vu.
Nghĩa trang Quân Ðội thuộc Biên Hòa hay Bình Dương?
Trước năm 1975, toàn thể miền Nam có trên 50 nghĩa trang quân đội. Tiểu khu nào cũng có một khu mai táng tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nhưng khi nói đến nghĩa trang quân đội, tất cả đều nghĩ đến nghĩa trang Biên Hòa.
Có lúc, nghĩa trang được gọi tên đầy đủ là nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa. Nói chuyện với người Hoa Kỳ thường phải dịch là nghĩa trang của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa tại Biên Hòa mới thật rõ ràng. Bởi vì không có “quân đội Biên Hòa.”
Sau Tháng Tư, 1975, ai cũng tưởng là khu nghĩa trang này đã bị cày nát san bằng. Ði xe trên xa lộ Biên Hòa, thấy bức tượng Thương Tiếc, thể hiện hình ảnh người lính ngồi nghỉ chân không còn nữa. Ai nấy đều nói rằng: “Thôi rồi, chúng nó phá hết rồi.” Từ ngoài nhìn vào, chỉ thấy cây cỏ um tùm, nhà dân xây cất che khuất cả một vùng phía bên này sông Ðồng Nai. Những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nằm trong lòng đất lạnh tưởng chừng bị quên lãng.
Ngay từ khi chiếm miền Nam, chính phủ Cộng Sản xếp khu nghĩa trang và doanh trại Liên Ðội Chung Sự là khu vực quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng. Bộ Quốc Phòng giao cho Quân Khu 7 quản trị, có một đơn vị đóng doanh trại cạnh nghĩa trang Biên Hòa. Việc kiểm soát rất tùy tiện. Lúc dễ lúc khó. Tuy nhiên nói chung, thân nhân vẫn được vào tìm mộ thân nhân để chăm sóc. Một số đã bốc mộ đem về quê.
Ngày xưa trước khi thành lập Việt Nam Cộng Hòa, phần đất bên này sông Ðồng Nai gồm quận Dĩ An vốn thuộc về tỉnh Bình Dương. Tổ chức Việt cộng nằm vùng cũng theo ranh giới đó hoạt động. Tỉnh ủy Bình Dương chỉ huy du kích Dĩ An. Sau này quận Dĩ An được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sáp nhập vào tỉnh Biên Hòa khu nghĩa trang lại nằm cạnh xa lộ Biên Hòa nên mới có tên nghĩa trang Biên Hòa.
Bây giờ chính phủ Cộng Sản cho lệnh giao khu nghĩa trang từ Bộ Quốc Phòng cho bên chính quyền dân sự thì vẫn theo ranh giới hành chánh cũ từ hồi nằm vùng. Tỉnh Bình Dương nhận công tác quản trị nghĩa trang và sẽ dân sự hóa. Họ gọi là khu nghĩa trang Bình An, thuộc quận Lái Thiêu, tỉnh Bỉnh Dương.
Lịch sử nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa Trích từ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, Chuyện Kể Từ Đầu |
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire