jeudi 24 avril 2014

LÀNG NHƠN ÁI HAI TRĂM NĂM KHAI KHẨN, tác giả Lê Hữu Uy bài 1


LÀNG NHƠN ÁI
HAI TRĂM NĂM KHAI KHẨN
__________________________________
-         Ghi lại đôi dòng để tưởng nhớ công đức của Tổ Tiên và những người đã có công khai phá và xây dựng làng (từ khoảng 1802-1805 đến 2002).
-         Món quà cho những ai là con cháu, là dân làng Nhơn Ái cùng tất cả quý độc giả.
.
LỜI NGỎ
Thưa quí vị,
Hai trăm năm sau ngày Tổ Tiên chúng tôi đến khai khẩn làng Nhơn Ái, là những kẻ hậu bối, chúng tôi cố gắng thực hiện tập sách này để lưu lại cho thế hệ sau biết được đôi điều mà người trước đã đi qua.
Hy vọng tập sách này là một gạch nối để các con cháu làng Nhơn Ái hiện nay đang sinh sống khắp năm châu bốn biển, là những người hơn một lần uống nước dòng sông Nhơn Ái, từng cọng rau hạt lúa đất Nhơn Nghĩa nuôi ta lớn lên, có dịp cùng nhau tưởng nhớ công đức của Tổ Tiên đã khai phá, đã gởi gấm tâm tình và ước nguyện của người qua cách đặt tên làng, và để các thế hệ sau nối tiếp bồi đấp: “Làng luôn xứng đáng là vùng đất muôn đời chứa chan tình nghĩa con người”.

Trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của tác giã, cùng với sự cố gắng hết sức của nhiều con cháu làng Nhơn Ái trợ giúp sưu tầm tài liệu, nhưng còn nhiều điều mà chúng tôi chưa biết. Tập sách làng Nhơn Ái này được viết bởi phần lớn là do lời truyền khẩu của con cháu nhiều đời sau nên giai đoạn thế kỷ 19 thiếu rất nhiều. Đây chỉ là sự góp nhặt phần nào sự việc do các cụ 80-90 tuổi kể lại thì ở vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trở về sau, và có những sai sót không thể tránh khỏi.
Ước mong được quí vị sửa chửa, bổ túc thêm những phần sai sót và thông cãm cho nhiều khó khăn của chúng tôi.
Trân trọng kính chào.
Lê Hữu Uy
VÀI Ý KIẾN TIÊU BIỂU CỦA ĐỌC GIẢ
·        Giáo sư LêThị Phưỡng (Sèvres, France)
… Bài của Chú soạn thật công phu, rành rẻ, nhiều đoạn rất lý thú. Nhờ đọc bài viết của Chú mà Phưỡng biết rỏ nguồn gốc Ông Bà Tổ Tiên, và cũng nhờ vậy gợi nhớ quê hương xứ sở. Một lần nữa Phưỡng cám ơn Chú thật nhiều.
Chúc Chú nhiều thành công. Thân mến.
·         Bà Lê Kim Xinh (Garden Grove, CA)
… Sau khi được xem tập tài liệu Làng Nhơn Ái Hai Trăm Năm Khai Khẩn, làm tôi rất xúc động được biết có người còn nghĩ đến làng quê mình, tôi rất bùi ngùi thương nhớ! …
·        Thầy Trần Ngọc Lương (Torrance, CA)
… Thầy Nguyễn Trung Quân nhắc thầy cho em biết về địa danh Phong Điền như trên vì thầy Trần Ngọc Nhung và ba của thầy có cho Quân biết về việc này. Thầy Trần Ngọc Nhung là em chú bác với ba thầy . … Dù sao sách xuất bản lần đầu cũng có vài sơ xuất, nhứt là ghi lại những sự việc từ nhiều thế hệ trước, sau này sẽ hiệu đính thêm.
Thầy đặc biệt khen ngợi em đã làm được một việc mà các thế hệ đàn anh chưa làm được! …Chúc em thành công.
·        Ông Đinh Ký Ngọ (Tomball, TX)
… Tập tài liệu làng Nhơn Ái tôi đọc thích thú luôn cả ngày để ôn lại các dĩ vãng lúc còn nhỏ đi học ở trường tiểu học Phong Điền - nhớ lại những kỷ niệm xa xưa mới đó mà nay đã 75 năm rồi …
Tôi rất ngưởng mộ Chú chịu khó sưu tầm tài liệu để viết quyển sách này. Mặc dù không đầy đủ lắm, nhưng làm sao không khỏi chút đỉnh thiếu xót?  Nếu quí vị đồng hương nào ở Nhơn Ái Phong Điền đọc qua đều phải say mê . …
·        Ông Phan Thanh Lê (Fall Church, VA)
… Xin cám ơn tác phẩm Làng Nhơn Ái mà câu hát đưa em: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền, …tôi đã nghe từ hồi còn nằm võng! Cuốn sách đối với tôi gần gủi và tuyệt vời, có lẻ tôi là người gốc Cần Thơ. Nhưng bạn ạ! Thật sự tôi ngậm ngùi vì những xác người trôi trên sông, những xác người mà tôi còn nhớ như in từ thuở nhỏ …!
·        Nhà thơ Tuấn Việt (Renton, VT)
… Tập tài liệu Làng Nhơn Ái Hai Trăm Năm Khai Khẩn làm người đọc như bị cuốn hút theo những trang sữ của làng qua lối kể chuyện một cách tự nhiên, duyên dáng và hấp dẫn. … Cuốn sách này tuy chỉ là tập tài liệu của một làng nhưng chính nó là một phần tài liệu của đất nước, dẩu phần tài liệu này rất nhỏ bé. Cuốn Làng Nhơn Ái quả là một món quà quí giá của mỗi người dân làng Nhơn Ái, mà cũng là một cuốn sách trong tủ sách gia đình …
·        Nhà thơ Nguyễn Xuân Hoàng Quân (Roslyn, PA)
… Cuốn Làng Nhơn Ái Hai Trăm Năm Khai Khẩn trong đó có nhiều tài liệu cần thiết cho vấn đề tôi đang nghiên cứu, cuốn sách hay lắm. …
·        Dr. Phillip Moran (New York City, NY)
Dear Mr Le,
I want to thank you very much for sending me a copy of your book Nhon Ai .
I very much enjoyed the time I spent reading it. I olso shared it with a Vietnamese friend in my office who said she found it very interesting.
Again, many many thanks.
Phillip Moran, 24 Oct- 2003, New York.
.
LÀNG NHƠN ÁI HAI TRĂM NĂM KHAI KHẨN
Bài 1:
-         Lịch sử hình thành (I)
-         Làng Nhơn Ái qua các thời đại (II)
-         Vị trí làng Nhơn Ái (III)
LHUy_DinhLangNhonAi.jpg LHUy_ChanhdienDinhLangNhonAi.jpg
Đình làng Nhơn Ái .                                                          Chánh Điện Đình Nhơn Ái .
Làng Nhơn Ái là một làng trù phú và có truyền thống hiểu biết lễ nghĩa từ lúc mới khai hoang lập ấp.
Tuy làng mới khai khẩn nhưng cũng là một trong số các vùng như Cái Mơn – quê hương của học giã Trương Vĩnh Ký, hay vùng Hai Huyện (Vùng cù lao Ông Chưởng, Long Xuyên) nơi con cháu của ông Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh định cư lập nghiệp “Trai Nhơn Ái, Gái Long Xuyên”. Là một trong những cái nôi của nền “Văn Minh Miệt Vườn”.
Về sau làng đông dân lập thêm một làng mới là làng Nhơn Nghĩa. Cách đặt tên của hai làng là sự gởi gấm tâm tình và ước nguyện của những người đầu tiên đến khai phá. Nếu chỉ nhắc đến Nhơn Ái mà không đề cập đến Nhơn Nghĩa thì chưa nói lên hết ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Hơn nữa con cháu của các vị tiền hiền, các giòng họ cố cựu (ngày nay đến đời thứ 10) hiện đang sinh sống rất đông đảo tại cả hai làng, nên bài viết xin trình bày bao gồm cả hai làng không thể tách rời được, bởi vì đó là vùng đất “Tình Nghĩa Con Người”.
I- SỰ HÌNH THÀNH
Làng Nhơn Ái thuộc quận Cái Răng sau đổi là quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Nằm về phía Tây – Tây Bắc thành phố Cần Thơ khoảng 10 km đường chim bay. Được khai khẩn vào khoảng năm 1802 – 1805, các gia đình đầu tiên này lập thành Nhơn Ái Thôn.
A- Làng vào cuối thế kỷ 18
Làng Nhơn Ái là vùng đất hoang vu vào cuối thế kỷ 18.
1- Thảo mộc:
So với ngày nay, sông Cần Thơ nhỏ hẹp hơn nhiều. Trước khi đào các con kinh lớn thoát nước (1890-1930) nước sông Cần Thơ dâng cao, phía hữu ngạn đất thấp ngập nước, tả ngạn (phía lộ xe) đất giồng cao ráo. Hai bên bờ sông có nhiều cây bần. Vua Gia Long gọi loại cây này là thũy liễu vì nó có cành lá lòa xòa đong đưa như cây liễu mà mọc dưới nước. Cây gáo, cây gừa, cây tràm, dừa nước đều thấy có mọc theo hai bên bờ sông. Ở mé biền nào là cây điên điển, ô rô, cóc kèn, mái dầm, môn, nghể, nga, cỏ lác … Ở ao đầm thì có sen, bông súng, còn lục bình thì chiếm ưu thế hơn hết, hể chổ nào có nước là có chúng tiến công. Trên bờ thì mấy bụi trâm bầu, bần, lau, sậy, đế, cỏ tranh mọc tràn lan. Thỉnh thoảng cũng có xen vào bụi tre, cây dừa, buội chuối, …Các dây leo như bìm bìm, hắc sữu, chùm gởi đủ loại, rong rêu bám vào mấy cây cao lớn.
LHUy_vuonNhan.jpg LHUy_vuonCocChuoiCao.jpg
Vườn nhãn                                                    Vườn chuối cau và cóc
2- Loài vật:
Hình ảnh hoang vu đó còn đi kèm với các loài vật mà từ khi việc đào kinh khai thác đồng bằng sông Cữu Long tiến triển thì có 6 loài vật vắng bóng tại đây:
a- Khỉ: Những người đi khẩn hoang đậu ghe dưới mấy đục bần thường hay bị cả bầy khỉ đến quấy phá (khỉ ưa ăn trái bần).
b- Sấu: Dưới sông thỉnh thoảng cũng bắt được cá sấu.
c- Voi: Vài con voi lạc bầy làm mục tiêu cho mấy nậu thợ rừng săn đuổi. Voi thường tập trung lui tới dưới cánh đồng Phụng Hiệp mênh mông đầy lau sậy (voi ưa ăn lau sậy).
d- Cọp: Vào những năm đầu thế kỷ 20, dân làng Nhơn Ái còn nghe tiếng cọp rống vào ban đêm. Vào khoảng năm 1900 tại vàm Mương Điều có con cọp rất hung dử nên dân làng lập miếu thờ thường xuyên cúng lễ cho Ông Hổ gọi là miếu Ông Hổ, tại vườn bà Tham Vĩnh. Hơn 10 năm sau con cháu ông Hổ về thăm ông bà Cọp tại miếu này và bị dân làng giết chết. Nghe có cọp về nên Trường tiểu học Phong Điền hôm đó cho học sinh nghỉ học. Cụ Lê Hữu Trọng kể rằng: “Thấy tấm hình năm 1914, một thợ săn bắn được con cọp, đem về chợ Phong Điền để chụp hình, người ta đi coi đông nghẹt hết”.
e- Rùa: Có giống rùa rất lớn có con bằng cái thúng vê nay không còn thấy nữa.
f- Chim Vạt: Chim Vạt xưa kia có rất nhiều tại vùng này cùng với các loài chim khác nay cũng không còn nữa, có lẽ chúng di chuyển về nơi hoang dã hơn để tránh tiệt chủng.
Các loài thú, cá tôm, lươn, cua, rùa, rắn, …chim chóc thường sinh sống ở vùng sông rạch sình lầy nước ngọt thì vô số, còn tồn tại đến ngày nay.
B- Dân cư:
Thời chúa Nguyễn nơi đây là đất tự trị của người Miên, nhưng rất ít người Miên định cư sinh sống, chỉ vài xóm lẻ tẻ thưa thớt. Thường thì họ đi xom lươn, xom ếch, xom rắn hoặc đi đốn củi. Trà Ếch, Trà Niềng hay Xà No là địa danh của họ để lại. Người Miên không ưa chiến tranh giửa nhà Nguyễn với quân Tây Sơn, giửa người Việt và quân Pháp vì các cuộc chiến tranh này không trực tiếp đến quyền lợi của họ, nên mắc mớ gì mà họ phải liên lụy ?! Dần dần họ tản cư đi sinh sống nơi khác.
Đây đó có vài chú Chệt Rẩy người Tiều Châu họ Bành, họ Hứa theo chân người Việt đến đây lập nghiệp. Họ rất chịu khó làm lụng vất vả. Họ làm nhiều ăn ít. Trưa nắng chang chang mà vẫn nai lưng cuốc đất, gánh mấy thùng phân hữu cơ của gia đình và của mấy nhà hàng xóm sản xuất để tưới rẩy. Họ ủ phân bằng cái lu bể âm dưới đất. Dòi thì nuôi vịt, còn nước lềnh bềnh thì làm phân hữu cơ, “Hà, cái lầy tốt lắm lị …” Ngày nay con cháu họ còn vài gia đình sống ở đó, nhưng không có mấy ai còn nói được tiếng Tiều. Khi người Việt đông đảo thì người Hoa mới đến nhiều để buôn bán làm ăn.
Suốt gần 200 năm qua, người Việt ở đây là chủ yếu, chiếm đại đa số. Sách sử ít nhắc nhở đến đất này vì các lý do sau:
-         Vùng tự trị của người Miên, mặc dù có người Việt đến sinh sống.
-         Công cuộc khai khẩn miền Hậu Giang của Thoại Ngọc Hầu thời chúa Nguyễn nhắm vào nhu cầu quân sự ở biên giới Việt-Miên nên ít quan tâm đến đất Phong Điền.
-         Ông Trịnh Hoài Đức đi quan sát theo trục giao thông lớn nên chỉ ghi làng Long Tuyền ở vàm rạch Bình Thũy, làng Tân An ở vàm sông Cần Thơ, là nơi dọc theo sông Hậu. Còn Phong Điền có dân Việt đến lập nghiệp rất sớm nhưng chưa được tổ chức thành đơn vị hành chánh, có nghĩa là chưa thuộc quyền cai tri của nhà Nguyễn – là nơi hẻo lánh, không đề cập tới.
C- Địa Danh:
Cũng giống như các nơi khác ở miền Nam có lưu lại một số địa danh của người Miên. Sau đó người Việt đến lập nghiệp thì có thêm một số địa danh của người Việt.
1- Địa danh của người Miên:
LHUy_cauTraNieng.jpg a- Trà Niềng: Là con rạch ở tả ngạn sông Cần Thơ gần chợ Phong Điền. Con rạch chính là Trà Niềng Lớn và nhánh nhỏ ở trong vàm chừng 7-800 mét là Trà Niềng Bé, bên kia là rạch Cái Tắc.
Ảnh bên: Cầu Trà Niềng
b-    Cà Ròn: Tiếng Miên có nghĩa là cây bàng hay đám bàng. Bao đan bằng cây bàng gọi là bao Cà Ròn. Ở đây xưa kia có lẽ mọc nhiều cây bàngLHUy_VamKinhXangxaNo.jpg dọc theo các bải bùn. Sông Cần Thơ đến Phong Điền chấm dứt tại doi Lò Bế chia thành hai ngả: rẻ trái là sông Cà Ròn, rẻ phải là sông Cầu Nhiếm.
c-     Trà Ếch: theo sông Cà Ròn vô chừng 1 km là có rạch Trà Ếch.
d-    Xà No: Do tiếng Miên là Srok-Snor. Srok = sốc là xóm, Snor là cây điên điển. Xà No là xóm có nhiều cây điên điển. Đầu kinh giáp với sông Cần Thơ gọi là vàm Kinh Xáng hay Vàm Xáng.
e-     Cần Thơ có nhiều giả thuyết:
- Do tên của ông cả Cần và ông cả Thơ ghép lại. Giả thuyết này không ổn vì không có tài liệu nào nói về hai ông cả này hết.
- Nơi có mọc nhiều rau cần và rau thơm, do tiếng Cần+Thơm đọc trại ra. Giả thuyết này cũng không có một chứng cứ xác đáng.
- Miền sông nước “thả cầm thi”, tiếng cầm đọc trại ra Cần và tiếng thi ra Thơ. Thuyết này hoàn toàn sai, “Thả Cầm Thi” là môn giải trí của người dân Cần Thơ vào đầu thế kỷ 20, danh từ Cần Thơ thì có từ xa xưa.
- Cần Thơ phải chăng là âm từ của người Miên? Vì miền đồng bằng sông Cữu Long xưa kia là của người Thũy Chân Lạp. Một số từ của họ để lại như: Trà Ếch, Trà Nóc, Trà Luộc, Trà Niềng, Trà Mơn, Trà Bang, Trà Bét, Trà Cú, Trà Ôn, … hay Cần Chong (Tiểu Cần), Cần Đước, Cần Giuột, Cần Giờ, … CẦN THƠ?
f-      Địa danh của người Việt:
- Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa: có nghĩa là tình nghĩa của con người (xin xem ý nghĩa làng Nhơn Ái).
- Phong Điền: Có nghĩa là vùng đất trù phú, địa danh này còn là nguyên quán của hai giòng họ Lê và Trần đến đây khai khẩn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
- Từ Cần Thơ đi vô có: rạch Kè, rạch Sung, rạch Chuối.
- Về hướng Trường Long có: Kinh Chợ, rạch Vong, rạch Rẩy, Mương Điều, Cai Cẫm, Ông Hào, Cần Đước, Vàm Bi . ..
- Lên hướng Cầu Nhiếm có: rạch Nhum, rạch Nóp, rạch Gừa, …
- Cầu Nhiếm: Chúng tôi chưa tìm được xuất xứ của nó.
- Ba Cây Sao hay Cảng Gạch, là địa danh của một xóm chừng 7-8 nhà nhưng có tên đàng hoàng (ở khoảng giửa Phong Điền và Cầu Nhiếm)  mà người ta gọi trong một giai đoạn lịch sữ. Ở địa phương thì đó là một xóm, nhưng hai địa danh này phát xuất từ một biến cố lịch sữ mà dân khắp vùng sông Hậu đều biết nên nhiều người gọi Ba Cây Sao hay Cảng Gạch thay cho danh từ Phong Điền là một thị trấn, một cái chợ, hay Nhơn Ái là tên của một làng. Thí dụ như một cụ ở Cần Thơ đi vô chợ Phong Điền hay đi vô làng Nhơn Ái thì cứ nói là “Đi vô Ba Cây Sao hay đi vô Cảng Gạch” thì người ta cũng hiểu là cụ đi đâu rồi.
LHUy_MoOngLeTuc_cor.jpg- Ba Cây Sao, từ đời ông Lê Túc con ông Lê Tam đầu thế kỷ 19, Ông cho trồng ba cây sao trước nhà các con. Cây sao là loại cây sống rất lâu từ 800 năm hay 1.000 năm là chuyện thường. Ba cây sao khá to, gốc 3 người ôm, cao gần 40 m, ở xa 10 cây số còn thấy rỏ ràng. Từ đó “Ba Cây Sao” trở thành địa danh trong suốt gần 150 năm. Đến năm 1946, ba cây sao bị đốn đi. Về sau người ta không gọi đất Phong Điền là “Ba Cây Sao” nữa vì mấy cây sao không còn.
Ảnh bên: Mộ Ông Lê Túc
- Cảng Gạch: năm 1947, chính sách “Vườn không nhà trống” hay còn gọi là “tiêu thổ kháng chiến” thì tại khúc sông ba cây sao vừa bị đốn đi cùng với hàng me cổ thụ, cái cảng bằng gạch được thành hình, chắn ngang sông để ngăn tàu Tây (Pháp) đánh thọc sâu vô vùng kháng chiến. Tất cả các ngôi nhà gạch gần đó đều bị phá để lấy gạch đổ xuống 9 chiếc ghe chài lón (loại chở 10-20 ngàn giạ lúa) rồi nhận chìm xuống sông làm cảng. Từ đó đất Phong Điền có tên mới là Cảng Gạch. Cảng Gạch trở thành chiến trường của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ với quân Pháp. Đến năm 1954-1955 dân chúng hồi cư, xuống sông mò lấy gạch đem bán hay lót nhà, lót đường đi …Vài năm sau dấu vết cảng gạch không còn nữa nên địa danh Cảng Gạch từ từ bị lãng quên.
- Doi Lò Bế, doi đất này ngày xưa làm đất nhị tì (nghĩa trang) ai không có đất thì đến đó mà nằm. Chỉ có ông Lò Bế là một người Tiều cuốc rẩy họ Lão tên Bế dám ở mà thôi, nên dân chúng mới gọi là doi Lò Bế. Tiếng Lão người Tiều phát âm là Lào, người Việt nói trại ra là Lò nên mới có tên là Lò Bế.
- Xóm Giá, khoảng giửa kinh Chợ và rạch Vong có một xóm chuyên làm giá (rau giá ăn phở) nên dân chúng gọi nơi đây là xóm giá. Chắc chắn là giá làm ra không thể tiêu thụ LHUy_choPhongDien.jpghết tại địa phương mà phải phân phối đi nhiều nơi vì số lượng sản xuất mỗi ngày rất nhiều. Đó là dấu hiệu cho thấy sự phồn thịnh của chợ Phong Điền trước năm 1945. 
Ảnh bên phải: Chợ Phong Điền
- Kinh Chệt Thợ: ông thợ mộc người Hoa chuyên cất nhà và đình làng (tương truyền Ông cất nhà chỉ cần có một cây búa và không có dùng đinh để đóng) có tiền mua ruộng đất, con kinh đào ngang đất của Ông gọi là kinh Chệt Thợ .
- Kinh Cai Cang, ông Lê Bá Cang là một đại điền chủ, con kinh đào ngang đất của Ông cũng được gọi là kinh Cai Cang.
- Rạch nóp, là con lạch nước nhỏ của những người đi đốn củi. Có lần dân ngủ qua đêm tại đó, họ ngủ bằng túi ngủ (nóp) đan bằng lác, bị cọp ăn thịt. Dân làng mới lấy cái nóp đầy máu me của người xấu số đó đem treo trước vàm lạch làm dấu hiệu có cọp nguy hiểm để dân đi đốn củi tránh xa nên mới có tên là rạch Nóp.
D- Những người đầu tiên khai phá đất Phong Điền:                                                    
Có hai gia đình được xem là trong số những người đi tiên phong khai khẩn làng Nhơn Ái, họ có một số điểm giống nhau một cách rất tình cờ:
1.     Đều là họ Lê,
2.     Xuất thân từ bạch đinh, nghĩa là dân dã, không có ai là hoàng thân quốc thích,
3.     Tuy khác địa phương nhưng cũng là người miền Trung chán cảnh loạn lạc, tương tàn, cảnh cường hào ác bá ở cuối thế kỷ 18 nên mới di cư vào Nam.
4.     Trước tiên đến Sa Đéc, sau đó qua Cần Thơ .
5.     Họ có chút ít vốn liếng để thuê mướn người làm,
6.     Cùng khoảng thời gian như nhau .
GIA TỘC ÔNG LÊ TAM:
Trong gia phổ để lại đã bị thất lạc hay bị thiêu hủy lúc biến cố năm 1945. Những bản sao chép do con cháu sau này thiếu sót rất nhiều. Do đó khó xác định bắt đầu khai khẩn từ lúc nào và gia đình nào đến trước. Theo sự suy đoán dựa vào điều kiện của những người đi khẩn hoang lập ấp thì gia đình ông Lê Tam đến trước vì khai khẩn cuộc đất giồng cao ráo, mầu mỡ bên mé tả sông Cần Thơ là nơi sông lớn thông thương.
Gia đình ông Lê Tam vợ là bà Nguyễn thị Đơn cùng cha mẹ đến khai khẩn ở rạch Trà Mơn Sa Đéc, để người con trai lớn ở lại trông coi phần đất ở đó. Còn Ông Bà và người con thứ là ông Lê Túc có lẽ là còn nhỏ, đến khai khẩn ở sông Cần Thơ. Ông Lê Túc làm Hương Chủ nhơn Ái thôn, vợ là bà Đinh thị Phượng có các người con theo thứ tự như sau:
LHUy_BaLeHuuThanh.jpg-         Bà Lê thị Hiền ở Cầu Nhiếm,
-         Ông Lê Anh Tuấn (chi họ Lê Quang) ở Phong Điền và Cầu Nhiếm.
-         Ông Lê Đức Thắng (chi họ Lê Đức) ở tại Phong Điền, có người con là ông Lê Đức Thiệu là ông Cả làng Nhơn Ái, tục danh là Neo nên gọi là ông Cả Neo.
-         Ông Lê Phú Thọ ở rạch Chuối,
-         Ông Lê Hữu Thành (chi họ Lê Hữu) ở tại Phong Điền.
Ả    Ảnh bên trái: Bà Lê Hữu Thành)
Gọi là chi họ vì từ đời này con cháu miễn là con trai phải lấy chữ lót từ đời này sang đời khác. Mộ phần ông Lê Tam tọa lạc tại rạch Gừa, gần chợ Cầu Nhiếm. Mộ phần ông Lê Túc và các con cháu nằm ở giửa Phong Điền và Cầu Nhiếm phía bên lộ xe. Theo tư liệu tờ chia đất ngày 24 tháng 12 năm 1913 của họ Lê thì còn một đời trước nữa là phụ mẫu của ông Lê Tam nhưng không nêu tên, gia phả thì bị thất lạc nên không rỏ.
GIA TỘC ÔNG LÊ ĐĂNG NGUYỆT:
Khai khẩn cuộc đất tuy rất mầu mỡ nhưng ở trong rạch nhỏ hơn.
“ … Ông Lê Đăng Nguyệt từ tỉnh Qui Nhơn, Trung Việt, vì loạn lạc Tây Sơn nên mới di cư vào Nam Việt, đầu tiên đến rạch Rắn tỉnh Sa Đéc. Mộ phần của cụ còn ở tại đó. Có lẽ sau khi ông mất cụ Bà và ba người con lần qua rạch Cần Thơ lập nghiệp. …”  (Trích một đoạn trong phần mở đầu gia phổ, bản sao chép bằng chữ quốc ngữ, gia tộc ông Lê Đăng Nguyệt).
-         Ông Lê Văn Thành, con trai lớn ở vàm rạch Vong.
-         Con trai thứ, không ghi rỏ tên mà chỉ ghi nội tổ của ông Lê Văn Tạo ở vàm rạch Cai Cẫm.
-         Ông Lê Đăng (Văn) Chánh, con thứ ba, ở mé sông Phong Điền phía trong vàm rạch Vong. Trên phần đất này có 14 ngôi mộ xây bằng đá (điểm đặc biệt các ngôi mộ tại nghĩa trang này hầu hết mỗi ngôi mộ xoay theo một hướng khác nhau) là nơi an nghĩ của những người trong gia tộc ông Lê Đăng Chánh.
LHUy_MoOngLeDangChanh_cor.jpgHai gia tộc ông Lê Tam và Lê Đăng Nguyệt từ hai trăm năm về trước, có lẽ còn vài gia đình khác nhỏ hơn hay không thành công cùng với một số lưu dân lập nên Nhơn Ái thôn.
Ảnh bên: Mộ Ông Lê Đăng Chánh
E. Những giòng họ cố cựu:
1. Họ Trần, Hơn chục năm sau khi họ Lê đến Nhơn Ái thôn có ông Trần Văn Chiến, tổ tiên gánh họ Trần là một võ tướng cùng quê với ông Lê Tam (quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) bỏ vào Nam lập nghiệp. Có lẽ ông Lê Tam và ông Trần Văn Chiến là tướng võ, còn ông Lê Đăng Nguyệt là quan văn của triều đại Tây Sơn. Ông Lê Tam và ông Lê Đăng Nguyệt trốn vào Nam khi Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, còn gánh ông Trần Văn Chiến thì có lẽ đầu hàng nhưng LHUy_OngLeHuuDu.jpgsau đó bị ngược đãi nên mới bỏ vào Nam theo ông Lê Tam là người cùng quê.
2. Họ Nguyễn, đầu đời Minh Mạng có họ Nguyễn đến khai khẩn là gánh họ Nguyễn ở rạch Chuối.
3. Họ Thái, ông Thái Văn Dành là ngưòi gốc Hoa từ Cần Thơ vào mua đất lập nghiệp là tổ tiên của gánh họ Thái ở rạch Cai Cẫm.
4. Họ Đinh, Phú hào Đinh Sâm khai khẩn ở rạch Trà Niềng, khi Pháp xâm lăng Ông qui tụ dân làng chống giặc, sau này sách sử tôn vinh Ông là anh hùng.
Ảnh bên trái: Ông Lê Hữu Dư
5. Họ Phạm, đến đời Tự Đức ông Phạm Văn Dung lập nghiệp ở rạch Chuối, con cháu sau này sống rải rác ở rạch Vong, làng Tân Thới và Ô Môn.LHUy_OngBangBac.jpg
Họ Phạm là cháu của cụ Nguyễn Trung Trực gốc ở Lường Xuồng, Tổng Quảng tỉnh Rạch Giá, điền hội đồng Long, vì sợ liên lụy chuyện quốc sự (chính trị)  nên đổi họ Nguyễn thành Phạm và di dời đến làng Nhơn Ái.
7.     Họ Lý, ông Lý Bắc là ông Bang của người Hoa nên gọi là ông Bang Bắc (Ảnh bên phải). Ông là một thương gia gốc ở bên Tàu đến làng Nhơn Ái cất phố buôn bán, lập chành lúa, sắm ghe chài (các ghe chài làm cảng Gạch phần lớn là của Ông) đất chợ Phong Điền ngày nay cũng là của Ông. Biến cố năm 1945 Ông trở về Tàu, đến năm 1947 Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục ông bị kẹt lại không trở qua Việt Nam được nữa. Con cháu ngày nay nhiều người còn buôn bán tại chợ Phong Điền.
II . LÀNG NHƠN ÁI QUA CÁC THỜI ĐẠI:
A . Thời Nhà Nguyễn (1802-1867):
Sông Cần Thơ chãy qua địa phận làng Nhơn Ái gần 10 km, tuy là đường thũy quan trọng nhưng không tiện lợi mấy cho việc quân sự lớn lao vì các sông rạch nối sông Cần Thơ qua sông Cái Bé, ở khoảng giửa Cần Thơ và Rạch Giá có đoạn nhỏ hẹp và bị cạn vào mùa khô. Do đó làng Nhơn Ái tránh được nạn đao binh do các cuộc xâm lăng của quân Xiêm (Thái Lan). Một may mắn khác là tránh được giặc Miên năm 1841, biến cố người Miên nổi loạn (Thổ dậy). Họ đi tới đâu là nhà cửa bị đốt sạch. Người Việt chạy không kịp bị chúng chặt đầu. “Cáp duồn” tiếng Miên có nghĩa là chặt đầu người Việt. Con nít thì nắm hai chân xé làm đôi hay quật đầu vào gốc cây bể sọ chết, hoặc chúng bỏ vào cối giả gạo lấy chày quết xuống cho chết. Người Miên có môn công phu gọi là “Thổ gồng” đâm chém không đứt. Quân ta bắt được lấy lữa đốt hay dùng ngọn cờ bấp lá đọt dừa nước mà đâm từ hậu môn trở ngược lên nó mới chết. Hậu môn gồng không được. Năm đó, đất Phong Điền do tướng Miên là Nguyễn Văn Tồn, trung thành với nhà Nguyễn nên được mang họ Việt cai trị vùng Trà Ôn- Cần Thơ nên không có Thổ dậy.
Niềm mơ ước của người đi khẩn hoang là được trở thành điền chủ, muốn thế phải có vốn bỏ ra mộ dân, nuôi ăn trong thời gian chờ đợi đến khi đất có huê lợi, mua sắm nông cụ, hạt giống, thuốc men khi đau ốm. Nhất là phải có thuốc hút (thuốc lào hay thuốc rê) và cau trầu, nhất định không thể thiếu mấy món này được. Nếu không có vốn mà đi khẩn hoang thường thì đi làm mướn, rày đây mai đó, ai mướn thì làm, gọi là lưu dân.
B. Thời kỳ giặc Lang Sa (1867-1954):
Tiếng Lang Sa do thiếng Pháp là Francaise âm ra. Tây là chúng đi từ hướng Tây. Từ Pháp qua kinh Suez, qua Ấn Độ Dương rồi đến Việt Nam. Nếu đi máy bay thì cũng qua Ấn Độ, đều đến từ hướng Tây nên gọi là Tây Lang Sa, gọi tắc là Tây. Người Việt lấy quốc tịch Pháp gọi là “vô dân Tây”, được hưởng nhiều quyền lợi và được xem ngang hàng với người Pháp, khác với “dân bổn xứ”. Dĩ nhiên nếu họ là những người giàu có, còn dân Tây gốc An-Nam-Mít không có của cải thì cũng chẳng khác gì An-Nam-Mít ròng!
Suốt giai đoạn người Pháp đặt ách thống trị tại Nam Kỳ, việc đào kinh là công trình quan trọng nhất sau hơn 80 mươi năm đô hộ. Công cuộc khai thác cánh đồng mênh mông bát ngát đầy lau sậy bạt ngàn bên bờ phía tây sông Hậu không nhằm mục đích nâng cao đời sống “dân bổn xứ” như họ rêu rao là “khai hóa dân An-Nam-Mít ăn ở hạp vệ sanh …!” mà mục đích là phục vụ quyền lợi tư bản Pháp và nước Pháp.
-         Đào kinh xáng Xà No (1901), đào kinh Trà Ếch (1902), vét lại kinh Vàm Bi (1909-1910), đào kinh Xẻo Vông năm 1912.
·        Kinh Xáng Xà No: Năm 1901, dân làng Nhơn Ái được chứng kiến kỷ thuật tân tiến đào kinh xáng Xà No, do công ty Martvenoux thực hiện. Chiếc xáng khổng lồ như một chiến hạm, chạy bằng nồi “súp-de” đốt củi nên xáng đi tới đâu là chở củi chất đầy hai bên bờ kinh. Xáng có dàn gàu múc cầu vòng như xa đạp nước, mỗi gàu 350 lít. Máy chạy ngày đêm vang rền ở xa 3-4 cây số còn nghe. Có đến cả trăm nhân viên làm việc, ban đêm đốt đèn sang trưng như một cái chợ. Kinh đào Xà No từ đầu năm 1901 đến tháng 7 năm 1903 mới hoàn tất. Ngày khánh thành kinh đào Xà No rất long trọng, có quan toàn quyền Đông Dương từ Sài Gòn xuống chủ lễ. Đông đảo các quan Tây, quan Ta ở địa phương và các tỉnh lân cận cùng các thân hào nhân sĩ, nào là khăn đóng áo lụa lèo, quần vãi lục soạn hay “Com-lê” xanh hay xám, không dùng màu đen là màu tang chế xui xẻo, thắt “Cà-la-quách” đàng hoàng để đi đón quan lớn Paul Doumer, kẻo thất lễ với quan trên mà mắc tội. Có quân nhạc đánh trống, thổi kèn Tây, ban đêm có tổ chức nhảy đầm nữa. Sau đây là một vài chuyện khôi hài xảy ra (trích trong Lịch Sữ Khẩn Hoang Miền Nam, trang 275)
“ … Một vài chuyện khôi hài xảy ra, một số dân chạy theo xáng dùng thúng hứng bùn để tìm vàng, nhưng chỉ gặp xương người và xương thú. Nhiều người cho rằng cứ “cắm dùi” là đất ấy về phần của mình, vì mình đến trước nhất. Bọn cặp rằn đo đất thì hăm dọa những chủ nhà ở con kinh sắp đào để tống tiền, ai cho tiền thì nhà cửa vườn tược khỏi bị đào ngang. Bọn chuyên viên người Pháp đứng cao trên xáng hò hét như vị chỉ huy chiến hạm. Khung cảnh trầm hùng này đã đi sâu vào giai thoại thời bấy giờ …”
Kinh xáng Xà No khúc gần vàm có một cái cua không thẳng như các con kinh khác, vì khi phóng con kinh người thông ngôn (thông dịch viên) lúc đó là con ông Lê Bá Cang đã thuyết phục người Pháp vẽ con kinh có đoạn như vậy để đất ông Lê Bá Cang được nằm trọn trên địa phận làng Nhơn Ái.
Sáng kiến đào kinh Xà No là do hai người Pháp là Duval và Guéry. Họ thấy đất tốt nên xin trưng khẩn, cũng vì vậy mà khởi công đào từ lô đất này ở giửa kinh chớ không phải bắt đầu đào từ đầu kinh để họ sớm được canh tác. Vừa khởi công đào là Guéry được cấp không cho một lô đất khổng lồ 2.500 mẫu mà không phải đóng một lệ phí nào hết. Đất tọa lạc tại làng Nhơn Nghĩa, do Nghị định số 338 ngày 14/2/1901 của Toàn Quyền Đông Dương.
·        Làm lộ xe:
Sau gần 10 năm đào kinh tạo nên những cánh đồng mênh mông bát ngát. Lúa gạo dư thừa để xuất cảng, công khố nhà nước dồi dào. Năm 1908 chính quyền thuộc địa cho xáng múc đất lấp qua một bên bờ sông để làm con lộ từ Cái Răng dọc theo sông Cần Thơ vô tới Cầu Nhiếm rồi vòng qua lộ tẻ giáp với liên tỉnh lộ 27 Cần Thơ đi Long Xuyên. Bắt dân làm xâu bang đất bằng phẳng, mặt đường trải đất sét hầm do dân chúng và các nhà điền chủ cung cấp, sau đó mới cán đá. Làm đường dùng dân công kéo ống cán chớ chưa có xe hủ lô. Qua các con rạch lớn có bắt cầu sắt, các rạch nhỏ cầu cây lót vĩ tre đấp đất. Sau này mới làm tất cả cầu bằng sắt.
Phần lớn con lộ ngày xưa bị sạt lở, phải xẻ đường qua vườn của dân chúng làm con lộ khác là con lộ ngày nay.
Một bà cụ thuở đó kể lại khi thấy chiếc xe hơi lần đầu tiên: “Trời đất quỉ thần ơi! Nó giống như cái con gì bự lắm! Có hai con mắt bằng hai trái dừa khô, kêu ầm ầm, sầm sập chạy tới … Sợ quá chạy tuốt xuống ruộng trốn!”
C. Thời Việt Nam Cộng Hoà (1954-1975):
Giửa thập niên 50, con đường Phong Điền - Cần Thơ các hầm hố được lấp lại, các mô đất đấp ngăn lộ thời chiến tranh cũng được san bằng, mặt lộ trải đá lởm chởm. Ba chiếc xe đò thuở đó là chiếc Lâm Hồng Phước của ông Mười Ty chạy Ba Se - Cần Thơ, chiếc Hồng Cúc và Cữu Long chạy Cầu Nhiếm - Cần Thơ. Cứ đến 5-6 giờ sáng thì mở máy, bóp kèn inh ỏi, thúc hối bà con trong các ngọn rạch nghe thấy. Xe rất cổ lổ xỉ hiệu Renault cà rịt cà tang mà chạy, chở đầy nhóc hành khách như gài mắm, người ngồi luôn trên mui cùng với hàng hóa nào là gà, vịt, trái cây, … Đàng phía sau xe người ta chen nhau đeo đứng đầy trên cái bửng, đầu xe chổng lên, đuôi xe xệ xuống ì ạch mà chạy trông thật tội nghiệp cho chiếc xe mà cũng tội nghiệp cho dân làng tôi lam lủ khó nhọc trong những ngày đầu hồi cư xây dựng lại làng. Mỗi khi qua cầu, sợ bị sập nên hành khách phải xuống xe đi bộ qua cầu.
Đến năm 1956, hương lộ 4 Cần Thơ - Cầu Nhiếm cán đá trùng tu bằng phẳng. Năm 1966 con đường được trải nhựa đến Cầu Nhiếm.
·        Xẻ vàm Rạch Vong:
Bà con ở rạch Vong cho rằng con rạch nằm xéo hứng ngọn nước ròng không tốt nên họp nhau đào lại vàm rạch cách chổ củ chừng vài trăm mét để hứng ngọn nước lớn. Bà con ở đây tin như thế sẽ có nhiều cái hên, làm ăn phát đạt hơn. Vàm rạch củ ngày nay đã lấp bằng trở thành vườn tược.
D. Thời kỳ sau 1975:
LHUy_CauTayDo.jpgNăm 1986 hương lộ 4 được trùng tu lần nữa, trải nhựa đến lộ tẻ. Năm 1998, cây cầu đúc tại doi Lò Bế được bắt ngang sông gọi là cầu Tây Đô, và một con lộ làm từ cầu Tây Đô đến làng Trường Long.
E . Di chỉ Ốc Eo:
Năm 1996 ông Nguyễn Văn Tời ở bưng Đá Nổi hay gọi là lung Cột Cầu, nay thuộc Ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa cất nhà kỷ niệm nghệ sĩ Điêu Huyền, tình cờ khi đào đìa gặp khá nhiều tượng thần Visnu, tượng Phật, vò, bình, khuôn đúc và nữ trang … Nhiều nông dân quanh vùng cũng đào được như vậy.
Viện bảo tàng thành phố Cần Thơ lưu giử được một phần di chỉ của nền văn minh nước Phù Nam do các nông dân tìm thấy, một số bị thất
LHUy_DiChiOcEo.jpgthoát. Các hiện vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến 5 sau công nguyên.
III. VỊ TRÍ LÀNG NHƠN ÁI
Làng Nhơn Ái thuộc quận Châu Thành Tỉnh Cần Thơ nằm về phía Tây- Tây Bắc thành phố Cần Thơ chừng 10 Km đường chim bay. Trước khi qua cầu Cái Răng bắt ngang sông Cần Thơ có con lộ tẻ bên phải có tên là hương lộ 4 dọc theo sông khoảng 11 km là đến chợ Phong Điền nơi đặt trụ sở làng Nhơn Ái. Đi thêm 3 km nữa là đến chợ Cầu Nhiếm. Vô khoảng 5 km nữa là đến chợ Ba Se nơi đặt trụ sở làng Tân Thới. Từ chợ Ba Se đi dọc theo con lộ trải nhựa này 5 km nữa là đến ngả ba Lộ Tẻ, nơi giáp với liên tỉnh lộ 27 Cần Thơ đi Long Xuyên. Rẻ trái về hướng Long Xuyên 5 km là đến chợ huyện Ô Môn, rẻ phải về Cần Thơ 15 km. Nhìn trên bản đồ con đường này có hình cánh cung bao bọc thành phố Cần Thơ, chi chít những làng mạc đông đúc dân cư. Các nhà quân sự xây cất hệ thống đồn bót dọc theo tuyến này để bảo vệ tỉnh lỵ Cần Thơ cũng còn là thủ phủ của miền Đồng Bằng Sông Cữu Long, nó giống như chữ Alpha nên gọi là vòng đai Alpha.
A . Thành lập làng:
Thoạt tiên gia đình ông Lê Tam và các con ông Lê Đăng Nguyệt cùng một số lưu dân đến đây khẩn hoang vào đầu thế kỷ 19, có lẻ là vào khoảng năm 1805 (chúng tôi chưa tìm được dử kiện để xác định chính xác là năm nào) Có chừng 7-8 nhà quay quần ở ngả ba sông Cần Thơ, Cà Ròn và Cầu Nhiếm lập thành Nhơn Ái Thôn. Lần hồi có nhiều người đến khai khẩn, và con cháu những gia đình đến đây đầu tiên đông hơn nên lập thành làng Nhơn Ái. Làng được thành lập vào đầu đời Minh Mạng (khoảng năm 1820). Vì từ đời Minh Mạng giặc giả liên miên, cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi rồi quân Xiêm tràn qua đánh nước ta nên việc khẩn hoang lập ấp phải đình trệ. Đến năm 1853, vua Tự Đức cho lập đồn điền chiến lược và dinh điền trở lại để củng cố quốc gia sau nhiều năm loạn lạc. Đồn điền chiến lược là loại đồn binh trấn giử nơi xung yếu, và cũng để lưu đày tù phạm, vừa trông coi an ninh vừa phải khẩn hoang. Còn Dinh điền là do dân tự ý đi khai hoang lập ấp. Chính quyền nhà Nguyễn đặt chính sách khuyến khích mạnh mẽ dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào Nam lập nghiệp, được trợ cấp lương thực một thời gian và một số nông cụ để khai khẩn những nơi chưa khai phá hay vì loạn lạc nên dân xiêu tán ruộng đất bỏ hoang. Từ lúc đó làng Nhơn Ái đã là một làng trù phú rồi. Làng bắt đầu từ Ba Láng đến Cầu Nhiếm.
B. Làng mở rộng:
Đến năm 1862, Pháp chiếm miền Đông, một số dân không chịu sống dưới chế độ cai trị của ngoại bang nên tản cư về làng Nhơn Ái. Đến năm 1867, miền Tây cũng lọt vào tay giặc, dân tản cư về đây ngày càng đông hơn. Phần lớn là nghĩa quân chống Pháp bị thất trận và các gia đình không chịu hợp tác với Pháp. Lý do mà họ đến đây là vì:
-         Làng Nhơn Ái cách xa ảnh hưởng của giặc,
-         Làng dân cư đông đúc có nguồn nhân lực,
-         Làng trù phú là có nguồn tiếp tế lương thực,
-         Hội tề làng không tích cực hợp tác với Pháp, nói một cách khác là bao che cho nhĩa quân,
-         Làng tiếp giáp với rừng kéo dài đến U Minh, địa bàn rất thuận tiện cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ này vị trí làng khá rộng lớn, đầu làng từ Trường Tiền giáp với làng Thường Thạnh (Cái Răng) bao gồm các xã Mỹ Khánh, Nhơn Nghĩa, một phần xã Trường Long, Trường Thành ngày nay. Cuối thế kỷ 19, làng Long Tuyền có 11.939 dân cư, làng Nhơn Ái có 10.464 dân cư, tương đương với làng Tân An là tỉnh lỵ Cần Thơ lúc bấy giờ với 10.000 dân cư (theo Guide annuaire illustré de la Cochinchine pour 1899 claude et cie, Saigon).
C. Cắt đất lập làng mới:
Khi hệ thống kinh đào khai thác đồng bằng sông Cữu Long tương đối hoàn chỉnh, dân cư càng ngày càng đông, làng Nhơn Ái bị cắt ra lập thành làng mới là làng Nhơn Nhĩa. Đầu tiên công sở làng đặt tại vàm Xua Đủa (kinh một ngàn) cách vàm kinh xáng Xà No 7 km. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa vì lý do an ninh công sở dời về vàm Xáng. Sau đó làng Nhơn Nghĩa bị cắt một phần lập làng Mỹ Khánh. Làng Nhơn Ái cũng bị cắt một phần lập làng Trường Long, Trường Thành. Chợ Cầu Nhiếm thì nhập qua làng Tân Thới. Vị trí làng giử như vậy cho đến ngày nay.
Có câu hát địa phương thuở đó như sau:
“Lục bình bông tím,
Điên điển bông vàng
Điên điển mọc ở đầu làng,
Lục bình trôi nỗi như phường hát rong”.
Như vậy đầu làng Nhơn Ái là từ xóm có nhiều cây điên điển của người Miên nay là tại vàm kinh Xà No chạy dài đến rạch Cai Cẫm và đến Cầu Nhiếm, một phần rạch Trà Niềng.
D. Quận Phong Điền:
LHUy_SongPDien.jpg LHUy_cautaubenchoPDien.jpg
Năm 1966, do nhu cầu chiến tranh, xã lỵ Nhơn Ái là thị trấn Phong Điền được nâng lên thành quận lỵ quận Phong Điền. Nhằm thiết lập mạn lưới pháo binh đan nhau theo khoảng cách của tầm đại bác 105 ly (khoảng 11-12 km)  đặt tại các quận lỵ gọi là chi khu để yểm trợ đồn bót và các cuộc hành quân an ninh lảnh thổ. Quận Phong Điền còn là quận chiến lược quan trọng, là chốt ngăn chặn quân Cộng Sản xâm nhập từ U Minh vào thành phố Cần Thơ nơi đặt bản doanh điều hành guồng máy chính quyền và quân sự của Việt Nam Cộng Hoà ở vùng đồng bằng sông Cữu Long là Vùng 4 và Quân khu 4. Đến năm 1975, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đổi quận Phong Điền thành huyện Châu Thành “A” gồm các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh, Trường Long và Trường Long Tây. Quận Châu Thành “B” ở phía Phú Thứ. Đến năm 1977, huyện Châu Thành A và B nhập lại làm một, quận lỵ đặt tại thị trấn Cái Răng, xã Nhơn Ái trở lại như củ với chợ Phong Điền như trước kia. Hiện nay xã Nhơn Ái nằm trong Quận Phong Điền thuộc thành phố Cần Thơ.
IV. KINH TẾ:
(xin xem tiếp bài 2, Kinh Tế)
Bài 1:
-         Lịch sữ hình thành (I)
-         Làng Nhơn Ái qua các thời đại (II)
-         Vị trí làng Nhơn Ái (III)
Bài 2:
-         Kinh Tế  (IV)
-         Văn Hóa và Đời Sống (V)
Bài 3:
-         Nhơn Ái Địa Linh Nhân Kiệt (VI)
-         Chuyện kể linh tinh (VII)
Bài 4:
-         Những năm khói lữa (VIII)
-         Ý nghĩa làng Nhơn Ái (IX)
·        Bài viết đã được dịch ra Anh và Pháp ngữ.
Lê Hữu Uy
LÀNG NHƠN ÁI HAI TRĂM NĂM KHAI KHẨN
Bài 2:
-         Kinh Tế  (IV)
-         Văn Hóa và Đời Sống (V)
IV. KINH TẾ
Nhơn Ái là một làng nổi tiếng là trù phú, năm 1943 được xem là một làng giàu có nhất Nam Kỳ. Ngày khánh thành cất lại chợ Phong Điền được thống đốc Nam Kỳ đến kinh lý. Để chuẩn bị đón quan Thống Đốc có làm một con lộ bằng đất sét hầm, có cầu ván bắt ngang các con rạch chắc chắn cho xe hơi qua được. Từ chợ Phong Điền (củ) đến nhà ông Bá Hộ Nhiêu ở vàm Trà Ếch là chấm dứt vì ở đó là cuối làng. Về kinh tế làng phát triển nhiều mặt: Nông Nghiệp, Công Nghiệp, Thương Mại, v.v…nhưng tất cả bị tiêu hủy vào thời chiến tranh Việt-Pháp 1945-1954.
A . Nông Nghiệp:
Làng Nhơn Ái nằm trong vùng có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mở, có nước ngọt quanh năm, không bị bùn lầy nước đọng nên ít muổi, vắt và chướng khí. Cuộc đất rất thuận lợi cho những người đến đây khai khẩn làm ruộng, rẩy, lập vườn trồng cây ăn trái .
1-    Ruộng, rẩy:
Mãi đến hạ bán thế kỷ 20 dân làng còn trồng lúa tám tháng mỗi năm có một mùa. Làm ruộng không phải cực nhọc lắm. Dùng cây phản và cây cù nèo phát cỏ. Dùng bừa cào gom cỏ lại thành giồng hay đống để cỏ mục làm phân. Dùng trâu kéo cái trục để nhận gốc cỏ xuống bùn, sau đó cấy cây mạ xuống ruộng bằng cây nọc. Nếu đất được cày bừa thì đất sốp hơn có thể dùng tay cấy cây mạ xuống ruộng mà không cần đến cây nọc. Năng xuất trung bình thì từ 10 đến 12 giạ, nếu trúng mùa thì có đến 20 giạ mồi công (1.000 mét vuông).
Ngày nay cơ khí hóa nông nghiệp: cày máy, bơm nước lên ruộng bằng máy, phân bón đầy đủ, có giống lúc tốt năng xuất cao, ngắn ngày thu hoạch. Có loại chỉ có 3 tháng gọi là lúa 3 trăng, nên lúa gạo dư dùng cho dân số tăng gấp 4 lần so với hồi đầu thế kỷ 20. Làng có nhiều sông rạch chằng chịt thuận tiện cho việc giao thông và nông nghiệp, nhưng đất bị chia xẻ manh múng thành từng mảnh nhỏ không thể qui hoạch canh tác qui mô, trái lại điều này thích hợp cho việc lập vườn nên làng nổi tiếng là vùng có nhiều cây ăn trái. Ngoài ra hoa màu phụ cũng còn là nguồn lợi đáng kể làm tăng thêm sự sung túc cho người dân như: đậu nành, đậu xanh, khoai, bấp, …
2- Lập vườn:
Cách lập vườn của người xưa đi khẩn hoang lập ấp là một sáng kiến độc đáo, không phải từ miền Trung đem vào. Kinh nghiệm lập vườn ở vùng ngoài không áp dụng được ở vùng đất thấp đầy phù sa. Cũng không phải học hỏi của người Miên vì người Miên không biết cách lập vườn này. Trước khi người Pháp đến đào các con kinh lớn thoát nước, phần lớn đất đai còn bị ngập. Một vài nơi mới có đất giồng cao ráo để cất nhà, lập vườn hay làm rẩy. Càng ngày dân càng đông nên mới phải tạo thêm giồng mới bằng cách đào mương lấy đất đấp thành bờ, phơi đất khô cho hạ phèn thành đất thuộc để trồng trọt. Có mương nước để tưới cây, có thêm tôm cá. Khi nước lớn tràn vô mương đem theo phù sa, nước ròng rút đi để lại lớp bùn là loại phân bón thiên nhiên rất tốt.  Nhà nông chỉ cần vét bùn đó đấp lên bờ, đấp lên các gốc cây là cây trái xanh um. Họ sáng tạo cách lập vườn này để thích ứng với hoàn cảnh mới nơi có địa hình mới.
Làng Nhơn Ái nổi tiếng với những vườn cây ăn trái: cam, quýt, xoài, chuối, cau, trầu … Khi ông Trương Vĩnh Ký du nhập các giống cây như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon … từ Mã Lai thì làng Nhơn Ái cũng sớm có trồng các loại cây này, vì có điều kiện để trồng cây lâu có trái, phải sung túc dư thừa lúa gạo để ăn trong khi chờ cây có huê lợi như măng cụt, sầu riêng, xoài từ 5 - 7 năm. Vườn sầu riêng nổi tiếng nhất làng Nhơn Ái là của ông Hội Đồng Quí, trồng khoảng 1.000 cây …
Ngày nay kỷ thuật trồng trọt rất tiến bộ, cách chiết nhánh, tháp cây thì chỉ cần vài năm là có trái như cam, sầu riêng, xoài. Giống tốt cho nhiều trái hơn, nhất là thơm tho ngon ngọt không chê vào đâu được.
Tuy nhiên đến nay chính quyền CSVN vẫn chưa có kế hoạch hướng dẫn chủ vườn và phương thức thu mua cũng như phân phối qui mô để xuất cảng, trong kỷ nghệ đóng hộp và đông lạnh. Nó đòi hỏi phải có cùng một giống ngon theo yêu cầu của thị trường. Hiện nay việc gieo trồng và thu hoạch còn mang tính cách gia đình tùy theo sáng kiến của mỗi chủ vườn.
Nhơn Ái - Phong Điền nổi tiếng với những vườn đặc sản CAM:
Vườn ông Sáu Dương (Nguyễn Thừa Dương), Ông Ba Thiện, anh Ba Ái, ông Tư Khương. Ông Tư Khương qua đời để lại vườn cam 24 công cho người con út là anh Tám Minh Khai điều hành “nông trại”, mướn đến 5 người làm việc trọn năm, mặc đồng phục đàng hoàng trông cũng “có lý” lắm.
Các vườn cam lớn ở Nhơn Ái lúc bấy giờ là của ông Lê Quang Đang, Sáu Ngởi, Năm Thiền và ông Lục Uôi (Trần Tích Uôi). Đặc biệt nhất là trồng cam trái mùa. Khi cam ở các vùng khác đã hết trái thì “vườn cam Phong Điền” có cam đem bán. Dĩ nhiên giá phải cao hơn, do đó lợi tức của các chủ vườn cam này tăng gấp bội. Cách trồng trái mùa là vườn phải đấp bờ bao ngạn, đập ngăn nước, hệ thống cống để điều chỉnh nước theo một lịch trình nhất định. Khi mùa cam sắp trổ bông thì xiết nước không cho cây ra bông. Đến qua mùa thì xả nước, vô phân cho cây cam trổ bông rộ ra. Kỷ thuật trồng trái mùa vẫn còn là “bí mật nghề nghiệp” gia truyền trong từng nhà vườn. Người được xem là đầu tiên thành công nhất trong cách trồng trái mùa là ông Trần Tích Uôi. Trước năm 1975, ông Uôi với 3 mẫu cam bán được hơn 30 triệu tiền Việt Nam Cộng Hòa.
Sau những năm gần đây miền Tây thường gặp nạn lụt, vườn cam Phong Điền bị thiệt hại nặng nề. Một số chủ vườn trồng lại các loại cây khác như: nhản, sầu riêng, vú sữa, cóc, …(ngày nay có vườn nhản ngang chợ Phong Điền trồng đến khoảng 500 cây).
B. Công Nghiệp:
Làng Nhơn Ái không chỉ phát triển về nông nghiệp mà còn phát triển về công nghiệp. Một thời là nơi cung cấp một số mặt hàng cho khắp Miền Tây Nam Bộ. Từ giửa thế kỷ 19 đã có một số ngành thủ công và công nghiệp nhẹ.
-         Lò rèn: Cung cấp đồ gia dụng và các loại nông cụ,
-         Lò vôi: Ở trên lộ xe (đối diện với đồn Phong Điền trước năm 1975), và dẹp bỏ năm 1945.
Vôi là một nhu cầu không thể thiếu để ăn trầu mà già trẻ, trai gái gì cũng cần. Vôi còn là vật liệu để xây cất, hổn hợp vôi, ô dước và đường chãy thay thế cho xi-măng làm hồ xây cất… nên mức tiêu thụ rất quan trọng.
-         Trại đóng cối xay lúa: ở trong vàm Rạch Vong chạy dài đến Cai Cẫm có khoảng 7-8 nhà chuyên đóng cối xay lúa, chỉ ở mé sông phía bên doi Lò Bế (đến năm 1956 thì dẹp).
Xưa kia người ta còn dùng cần quay để đẩy cho cối xay, khi chà gạo bằng máy chưa có hay ở các nơi hẻo lánh xa xôi.
-         Trại đóng ghe: Thay thế dần cho các ghe cà-dom, thuyền độc mộc phải nhập từ Nam Vang, Cao Miên. Làng Nhơn Ái có hai trại ghe khá lớn của ông Thợ Kỵ trong vàm kinh Chợ, và một trại khác của ông Tư Keo ở ngang vàm rạch Vong. Đóng các loại xuồng bơi, xuồng chèo, ghe tam bản, … ghe lườn chở được 5-7 tấn, đến ghe Cà-Dom chở được 20 tấn (1.000 gịa lúa). Riêng trại của ông thơ Kỵ có đóng ghe Hầu là loại ghe dành cho các ông Cả, ông Chủ, ông Cai, các nhà điền chủ giàu có. Ghe Hầu có chạm trổ đầu rồng, đuôi rồng, chung quanh muôi ghe, các cửa ra vào, cửa sổ có chạm trổ hoa lá, chim, hưu nai rất tinh vi không thua gì của người Tàu hay các tay thợ ngoài Bắc. Ghe có sơn son thếp vàng trông rất đẹp. Ghe Hầu 4 chèo là cặp chèo muổi phía trước, một cặp chèo lái phía sau. Ghe lớn hơn thì có 6 thèo hay 8 chèo. Sau đó trại ghe dời qua phía lộ xe dưới bến sông nhà ông Lê Bá Cang, khu đất trại rộng hơn tiện bề phát triển.
-         Nhà máy xay lúa: Làng nhơn Ái lúa gạo dư thừa, các nhà điền chủ có nhiều vốn, một số có con cháu đi du học có kiến thức, nên biết bước vào lảnh vực công nghiệp, lập nhà máy có công xuất lớn. Ở rạch Chuối có nhà máy của ông Hội Đồng Chân, rể ông Cả Lang. Cuối chợ Phong Điền (củ) xéo xéo vàm Trà Niềng có nhà máy của ông Nguyễn Bá Chưởng, bên cạnh chành lúa của ông Lý Huy (con ông Bang Bắc) là một người Hoa kiều, đất chợ Phong Điền ngày nay là của ông Lý Huy. Ở vàm rạch Rẩy trong khuôn viên nhà của ông Cả Diệm (Lê Quang Diệm) cũng có nhà máy xay lúa rất lớn.
Dưới bến sông các nhà máy xay lúa, có những chiếc ghe chài đậu chờ để “ăn gạo” đem về Sài Gòn- Chợ Lớn xuất cảng qua các thuộc địa của Pháp ở Trung Hoa hay các nước Bắc Phi.
-         Xưởng dệt: Những năm Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) vãi khan hiếm, miền Nam phải mặc bố-tời là bao dệt bằng chỉ bố để đựng lúa gạo. Lúc đó làng Nhơn Ái có lập hai xưởng dệt. Một dệt tơ lụa (tơ tầm) theo phương pháp thủ công cổ điển của gia đình ông chủ Điển (Trần Ngọc Điển) và một xưởng dệt của ông Lê Quang Diên (ba của bác sĩ Lê Văn Hoạch) ở vàm rạch Sung, mỗi xưởng có chừng 50 công nhân. Trong khi đó ông Cả Lang có mua một dàn máy dệt nhưng lại đem về lập xưởng dệt ở làng Giai Xuân.
-         Trại cưa: Cung cấp gổ xẻ bên cạnh trại đóng ghe cũng của ông Tư Keo.
-         Lò tương: Tại doi Lò Bế có lò tương sản xuất tương hột và nước tương.
C. Thương mại:
Làng Nhơn Ái ở địa đầu của các làng Nhơn Nghĩa, Trường Long, Trường Thành, Tân Thới và luôn cả Bà Đầm, Thác Lác, Hòa Hưng (Rạch Giá), lại ở gần vàm kinh xáng Xà No là điểm giao thông qua lại của khách thương hồ khắp các nơi miền sông Hậu nên chợ Phong Điền khá phồn thịnh, sầm uất, ghe thuyền tấp nập nhộn nhịp dưới sông, nhất là vào tiền bán thế kỷ 20 khi giao thông đường thũy còn nắm ưu thế.
1. Chợ Phong Điền:
Vào khoảng giửa thế kỷ 19 chợ Phong Điền ở tại vàm Trà Niềng với vài tiệm tạp hóa lụp sụp gọi là chợ Trà Niềng. Mấy chiếc ghe hàng là loại tiệm tạp hóa lưu động, có đủ thứ mặt hàng kể cả rau, trái cây .. bán dọc theo các sông rạch.
Sau đó vàm Trà Niềng bị đất sụp lở nên hương chức làng Nhơn Ái cho dời chợ qua bên kia sông là khu đất rộng rải hơn, họ cũng có dụng ý là cất chợ trên đất của mình để dễ làm ăn, chợ đó gọi là Marché de Phong Điền.
Từ cầu tàu ở bờ sông có hình chữ T, bên trái có đúc các bậc thang để lên xuống. Đi thẳng lên là nhà lồng chợ, lớn bằng nhà lồng chợ Cái Răng ngày nay. Lúc đầu cái sườn nhà bằng sắt, sau đó cột sắt củ kỷ rỉ sét nên xây cất lại cột bằng gạch. Dọc theo bờ sông từ chợ đến ngang vàm Trà Niềng có con lộ trải đá sạch sẻ khang trang. Cặp lộ này, hai bên nhà lồng chợ có hai dãy phố xây bằng gạch mỗi dãy 20 căn tiệm. Dãy bên phải cất lầu, dãy bên trái chỉ có 2 căn đầu là có lầu, căn cuối của dãy phố là nhà của ông Nguyễn Lễ Nghi. Dọc theo bờ sông có hơn mười cái Ki-ốt bán hàng, bán đồ ăn và giải khát … Hai bên hông nhà lồng chợ là 2 dãy phố lầu, mỗi dãy 10 căn cũng xây bằng gạch, có tiệm vàng bán nữ trang và tiệm cầm đồ.
Cuối nhà lồng chợ có con đường ngang chạy thẳng đến bờ sông Cà Ròn, có cất một dảy cầu tiêu chợ, 8 cái cho nam, 8 cái cho nữ. Bên phải, phía bên kia con đường này có một dảy phố 15 căn của ông Trần Văn Truyện. Dãy phố đó có vài căn còn trống chưa có người thuê mướn nên ông Truyện cho các thầy giáo dạy trường tiểu học Phong Điền ở đậu. Đối diện dãy phố 15 căn là nhà dây thép (Bưu Điện). Bên cạnh nhà Bưu Điện có vài căn nhà dùng để cho nhân viên cư ngụ, vì chiến tranh nên chưa khai trương, hương chức làng cho ông Đốc Liêm (Trương Quang Liêm) ở. Các căn phố đều có buôn bán đủ mọi thứ như chợ ngày nay, một ít dùng làm nhà ở.
Từ nhà lồng chợ đi thẳng lên qua một cái sân cờ rộng (có cột cờ) là nhà công sở  rất lớn, có nền đúc cao, đó là nơi làm việc của hương chức làng và thầy hương quản trông coi trật tự và đi bắt ăn trộm. Phía sau nhà công sở có dảy nhà 3 căn dùng làm khám nhốt tù và kho chứa đồ của làng.
LHUy_BSLeVHoach.jpgBên hông trái nhà lồng chợ có hai căn đầu tiên liền nhau dùng làm bệnh xá của Bác sĩ Lê Văn Hoạch lập để bịnh nhân ở xa cần nằm lại trị bệnh. Tuốt ở trong giáp với kinh chợ là trường tiểu học Phong Điền quay mặt về bờ kinh, quay lưng về phía chợ, có 6 phòng học cho 6 lớp. Năm căn cất liền nhau cho năm lớp: năm, tư, ba, nhì một năm và nhì 2 năm. Một căn cất rời ra dùng làm văn phòng ông Hiệu Trưởng sau dành cho lớp nhất. Kế đó là xóm Tiều cuốc rẩy gọi là xóm Tiều trên. Còn xóm Tiều ở dưới mé sông gần cầu tiêu chợ gọi là xóm Tiều dưới. Bên trái sân cờ là rạp hát có lầu cất bằng cây, lợp ngói của ông cả Lang, gần đó là xóm nhà của dân chúng.
Ảnh bên: BS Lê Văn Hoạch
Ngang chợ củ (trước năm 1945) phía bên lộ xe có bến đò đi ngang qua chợ. Đây cũng là bến tàu đi Bà Đầm, Thác Lác, và Hoà Hưng (Rạch Giá). Tàu chạy bằng máy xe hơi. Một số căn nhà lá dọc theo lộ, có bến xe đò đi Cần Thơ ở đó. Một nhà bảo sanh ở khoảng nhà lồng chợ ngày nay. “Poste” là tháp canh ở tại trường tiểu học Phong Điền bây giờ, có chừng một tiểu đội lính tập trú đóng. Gần đó có nhà ngói lớn của ông Cả Đính (Con ông Cai tổng Vĩnh) và vườn cây ăn trái.
Chợ Phong Điền trước năm 1945 là nơi dừng chân của khách thương hồ qua lại kinh xáng Xà No. Họ đậu ghe ở vàm kinh xáng, chờ con nước lớn ròng để đi xuôi con nước cho đở tốn công chèo chống. Có khi phải chờ đến nửa ngày. Trong thời gian đó họ vô chợ Phong Điền để ăn uống lai rai hay xem hát, đờn ca để giải lao.
Năm 1945, Marché de Phong Điền bị Việt Minh đốt sau đó chỉ còn lại cái cầu tàu đúc bê tông cốt sắt bằng đá trứng ở mé sông, đó là di tích bến chợ ngày xưa.
Năm 1952, Tây trở lại đóng đồn Phong Điền nên dân chúng trở về cất lại mấy dảy nhà lá để ở và buôn bán tại vị trí chợ ngày nay.
Năm 1958, chợ được cất lại các dãy phố càng ngày càng khang trang như ta thấy bây giờ. Chợ nhóm ngày hai buổi sớm chiều, và hàng năm đến hai ngày cuối năm chợ nhóm suốt đêm. Đến trưa ngày 29 âm lịch (nếu tháng thiếu), hay 30 Tết (nếu tháng đủ) chợ mới tan.
2. Chợ nổi Phong Điền:
LHUy_choPhongDien.jpg
Đó là nếp sống thương hồ từ xa xưa còn đọng lại tại ngã ba sông Phong Điền. Các ghe lớn ở các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, ngày nay còn các ghe buôn từ Nam Vang đến để thu mua trái cây như cam, quit, dừa, chuối … Họ bán lá lợp nhà, sậy, củ hành, chiếu, đồ gốm … Ghe xuồng của mấy người mua đi bán lại, của mấy nhà vườn đem đủ thứ thổ sản ra bán. Họ trao đổi, mua bán diễn ra trên mặt sông. Cần món gì trên sông cũng có, kể cả vãi vóc, xăng dầu, café, hủ tiếu, cà rem, …”Khoái nhất là trái cây miệt vườn đầy nhóc trên các ghe!” ….
Chợ nhóm trên sông từ 4-5 giờ sáng đến khi mặt trời mọc thì chợ tan. Chợ nổi Phong Điền là điểm du lịch của miền sông nước Hậu Giang.
3. Chợ Vàm Xáng:
Năm 1908, hương chức làng Nhơn Ái làm đơn xin lập chợ tại vàm Xáng. Về sau nhà nước tách địa phận này nhập qua làng Nhơn Nghĩa. Hương chức làng Nhơn Ái phản đối, lấy lý do: “ Làng Nhơn Ái này là của ông bà cha mẹ chúng tôi lập ra hơn trăm năm nay nên luôn rất bình an. Nếu cắt đất chợ mà nhập qua làng khác e hư phong thổ (nhưng thật ra hương chức làng  sợ mất dịp làm ăn) …” (trích lịch sữ KHMN, trang 278). Chợ gồm một số căn hộ trệt xây bằng gạch. Biến cố năm 1945, chợ hoàn toàn bị phá hủy. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa cất lại chợ là chợ Vàm Xáng ngày nay.
V. VĂN HÓA VÀ ĐỜI SỐNG:
LHUy_KieuNhaTay1.jpg LHUy_kieunhaTay2.jpg
Mộ ông Trần Văn Chiến                          Nhà kiểu Tây
Khi nghe nói đến làng Nhơn Ái thì người ta biết chung chung, đại khái là một làng trù phú và nổi tiếng có nhiều người hiểu biết lễ nghĩa. Nhưng ít ai biết làng giàu có như thế nào? Ngưòi dân làng ra sao mà gọi là những người hiểu biết lễ nghĩa. Dân quanh vùng ca ngợi “Trai Nhơn Ái, Gái Long Xuyên”.
A . Cơ sở tôn giáo:
Dân làng có tinh thần phóng khoáng và thực tế nên mọi triết lý tôn giáo đều được dung nạp hài hòa nên làng Nhơn Ái có đủ các tôn giáo lớn ở Việt Nam.
1- Phật Giáo: Ở vàm Cai Cẫm có chùa Phật nhỏ, chung quanh rợp bóng cây và rất thanh tịnh, năm 1945 bị phá hủy.
LHUy_chuaHPT.jpg LHUy_TinLanh.jpg
Cuối chợ Phong Điền có chùa “Hưng Phong Tự” của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, chùa có hốt thuốc nam miễn phí nên dân làng còn gọi là phòng thuốc nam phước thiện. Cách đặt tên chùa của Tịnh Độ Cư Sĩ thì chữ giửa là chữ đầu của địa danh nên ở Phong Điền thì tên chùa là Hưng Phong Tự.
LHUy_ThanhthatCaoDaoVamXang.jpgChùa Nữ: Ngang chợ Vàm Xáng, phía bên lộ xe, phía bờ sông có ngôi chùa nhỏ dành riêng cho các ni cô tu hành nên dân làng gọi là Chùa Nữ, chùa LHUy_VamBiChurch.jpgdựng lên trước năm 1975, ngày nay sửa lại khang trang hơn.
2- Đạo Cao Đài: Thánh Thất Cao Đài ( ảnh bên trái) ở trên lộ đá ngang chợ làng Nhơn Nghĩa do gia đình bác sĩ Lê Văn Hoạch lập vào thập niên 40. Năm 1998 Thánh Thất được cất lại to lớn và rất đẹp.
                                                                   Ảnh bên phải: Nhà thờ Vàm Bi
3- Phật Giáo Hòa Hảo: Làng Nhơn Ái có Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo từ trước năm 1945. Đến năm 1966 khi thành lập quận Phong Điền có cất chùa Phật Giáo Hòa Hảo tại bến đò ngang.4- Tin Lành: Nhà thờ Tin Lành là nơi thờ phượng Chúa của tín đồ ở giửa vàm Trà Niềng và chợ Phong Điền ngày nay. Có lẽ được cất vào khoảng đầu thập niên 40. Năm 1998 cũng được cất lại khang trang.
5- Công Giáo: Là tôn giáo lớn có ở làng Nhơn Ái sau cùng. Trước năm 1945 do cha người Pháp lập có họ đạo là “Họ Đạo Phong Điền”.
- Năm 1958, cha Việt ở Kampuchia về cất lại nhà thờ.
- Ngày 08 tháng 6 năm 1965, có trận đánh nhau giửa quân đội VNCH và quân cộng sản tại đây, một quả bom lạc làm sập nhà xứ, chánh điện bị tốc ngói. Có đến trên 200 giáo dân đang trú ẩn lánh đạn trong nhà xứ chết và bị thương.
- Năm 1975, tượng Đức Mẹ ở quân y viện Phan Thanh Giản (Cần Thơ) đưa về đây để xây Tượng Đài Đức Mẹ. Năm 1998 nhà thờ xây cất lại rất đẹp, một bên có tượng Đức Cha và Chúa Hài Đồng, một bên có tượng Đức Mẹ. Phần lớn kinh phí xây cất nhà thờ là do giáo dân từ nước ngoài gởi giúp. Tượng Đức Mẹ thì tặng lại cho nhà thờ ở Rạch Gòi.
LHUy_ChanhdienDinhLangNhonAi.jpgB. Lễ hội dân gian:
Các dịp cúng đình, tống gió, …là những dịp để dân làng vui chơi, trai tài gái sắc gặp nhau …
1- Cúng Đình: Có lẽ từ lúc mới lập làng, làng Nhơn Ái và làng Long Tuyền là hai làng trù phú luôn thi đua nhau về mọi mặt. Khi làng Long Tuyền cất đình thì làng Nhơn Ái cũng không chịu thua kém. Đình làng Nhơn Ái cũng tương đương với làng Long Tuyền. Nghe các cụ kể rằng đình làng Long Tuyền là do thợ từ làng Nhơn Ái qua cất. Đầu tiên đình làng Nhơn Ái tại vàm Rạch Sung, đình cất vào năm 1852. Ông cả Bùi Văn Lý nhận sắc thần của vua Tự Đức ban. Năm 1906 đình được cất lại đến năm 1909 mới xong.
Lễ hội cúng đình diễn ra rất long trọng, lễ Hạ Điền vào ngày 16 tháng 4, lễ Thượng Điền vào ngày 16 tháng 11 hàng năm. Đầu tiên có lễ rước sắc thần, vì sắc thần do ông Cả hay hương chức làng cất không để thường xuyên tại đình. Mỗi khi cúng đình phải rước sắc thần từ nhà ông Cả về đình. Thuở trước nhiều làng có đình nhưng không có sắc thần, nếu để sơ hở bị các làng khác ăn cắp sắc thần đem về đình của họ thì coi như ông thần đi về làng bên kia, không dễ gì mà chuộc lại được. Kế đến là lễ cúng thần, khởi đầu là lễ cầu an, rồi lễ cúng linh thần và các vị tiền hiền, hậu hiền là các người có công khai phá và xây dựng làng, cùng các vong linh siêu mồ lạc mả. Ban đêm có hát bội, đờn ca, ban ngày có múa lân, múa võ … Sau cùng có lệ thi đua nữ công gia chánh “làm bánh khéo”  để dâng lên cúng thần, có giải thưởng. Tham gia làm bánh khéo hầu hết là các cô tiểu thư con nhà khá giả. Đây là dịp để các ông Chủ, ông Hội Đồng khoe con gái của mình và các nhà môn đăng hậu đối thì đi tìm chọn “dâu hiền”. Là dịp để trai tài gái sắc trong làng gặp nhau, tìm bạn lứa đôi, cũng là dịp xài tiền của những nhà giàu có. Còn đa số dân chúng thì đó là dịp gặp gở hàn huyên tâm sự, ăn uống vui chơi và cũng có cờ bạc nữa. Năm 1947 đình bị phá, sắc thần đem về nhà ông Nguyễn Thừa Dõng thờ chung với ông bà họ Nguyễn. Từ năm 1947 đến năm 1956 vì chiến tranh làng Nhơn Ái không có đình và cũng không có cúng thần.
LHUy_SacthanLangNA.jpgHộp đựng sắc thần, khánh thờ, hai đôi liển Bát Tiên và hai đôi liển khác chạm trổ rất tinh vi còn lưu giử được sau biến cố 1945. Bệ khánh thờ và một vài món khác còn ở bên thánh thất Cao Đài chưa hoàn trả lại cho đình. Bên phải khánh thờ và một liễn Bát Tiên còn in vết đạn của thời chiến tranh Việt-Pháp.
Ảnh bên trái: Sắc Thần
Năm 1998 bà Nguyễn Thị Phấn (bà Tư Ỵ) đi thăm con ở Hoa Kỳ và Canada, dịp này bà quyên tiền về cất lại đình cùng với sự đóng góp của dân chúng tại chợ Phong Điền.
Năm 2003 nhờ tiền ủng hộ tập tài liệu “Làng Nhơn Ái 200 năm khai khẩn” nên có kinh phí trùng tu lại các khánh thờ, long thần, liển có nhiều nơi bị hư mục và mua sắm một số vật dụng trong việc thờ phượng theo yêu cầu của ban Trung Đình.
Chánh chủ bái:
Thời Pháp:           Ông Cao Văn Dần
Thời VNCH:        Ông Phạm Minh Châu và ông Cao Văn Diên
Ngày nay ông Cao Văn Tài làm ông Từ.
Trước năm 1975, Hội Đồng Xã hàng năm tổ chức cúng đình long trọng, tiệc tùng linh đình nhưng không còn hát bội như xưa mà chỉ mời các bà bóng múa để dâng lộc cho thần. Dân làng gọi đùa các bà là “Bóng Bầy”. Sở dĩ có tục lệ này là đình cất lại trên nền miếu thờ bà Cố Hỷ ở sau nhà bảo sanh khi xưa. Bà đạp đồng lên “quở” nên Hội Đồng Xã mới cho các bà bóng múa dâng lễ. Ngày nay dân ở chợ Phong Điền mang lễ vật đến đình cúng nhưng cúng xong thì mang về nhà xơi.
2- Tục Tống Gió:
Không biết từ lúc nào có tục tống gió này. Thuở xưa làng là nơi hoang vu nê địa, nghe kể lại đến đầu thế kỷ 20 những chuyện như:
- Ma trơi: Là ban đêm thấy lập lòe sáng chập chờn như khói là là bay đi trên ngọn cỏ ở mấy gò đất hoang.
- Bị ma dấu: Người bị ma giấu như nằm chiêm bao thấy ăn tiệc hay ăn bánh nhưng khi tỉnh lại là miệng bị nhét đầy bùn đất. Có điều không thể giải thích được như người bị ma giấu ngồi giửa lớp mạn nhện của bụi tre gai đến khi người nhà tìm thấy phải khó khăn lắm mới đem ra được khỏi bụi tre, nhưng không biết tại sao người bị ma giấu vào trong đó mà không bị vết gai nào cào vào da thịt? Nên dân làng tin là có ma thật.
Tống gió là để xua đuổi ma quái đi, và tống khứ mọi việc không may mắn, bệnh tật … tất cả những gì không tốt trong làng để dân làng an vui, hạnh phúc, tài lộc dồi dào. Bè tống gió ghép bằng thân cây chuối, trên có nhà vàng mã làm bằng giấy màu, có nhang đèn, gạo muối và con gà luộc. Làng lớn thì có con heo quay. Các làng Trường Long, Trường Thành, Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh đều cùng tống gió với làng Nhơn Ái vào ngày rằm tháng giêng hàng năm. Làng Nhơn Ái là làng xưa nhất, giàu có nhất nên làm cái bè tống gió cũng lớn nhất. Các làng mặc nhiên chấp nhận điều này. Đến khi kéo đi thì bè tống gió của làng Nhơn Ái đi đầu, bè của làng Trường Long nối vào, kế là bè của làng Trường Thành, đến vàm kinh xáng thì bè của làng Nhơn Nghĩa cột dây nối theo, đến Trường Tiền thì bè của làng Mỹ Khánh nối đuôi sau cùng. Một đoàn 5 cái bè tống gió của 5 làng được kéo ra sông cái (sông Hậu Giang) để thả trôi ra biển. Trên chiếc ghe kéo các bè tống gió có quan nhơn sơn mặt đỏ cầm đao quơ qua quơ lại hò hét, có chiên trống vang rền thu hút trẻ con chạy theo hai bên bờ sông không ít. Bè tống gió kéo đi tới đâu thì dân làng lấy gạo muối rải xuống sông để xua đuổi tà ma, xui xẻo ra khỏi nhà họ, họ tin như thế.
Nhưng bè lại cắc cớ không chịu trôi ra biển mà tấp vào mấy cái cồn trên sông Hậu Giang nên dân chúng ở đó kiện lên tòa tỉnh là đất họ cứ phải nhận mấy cái bè “ôn dịch” của mấy cái làng này. Vào những năm 1960-1961 súng đạn lại bắt đầu nổ “ma quỉ sợ” nên không ai còn muốn tống gió nữa. Đến nay tục tống gió chỉ là đem lò lữa ra trước sân rải muối vào với mâm bánh trái trên chiếc ghế đẩu. Thỉnh thoảng cũng thấy 1 vài chiếc bè “mini” trôi dưới sông, trẻ con cũng lấy làm khoái lắm.
3- Cúng mùng 5 tháng 5, người Hoa có tục lệ cúng mùng 5 tháng 5 âm lịch, còn gọi là Tết nửa năm. Người Việt ở Phong Điền cũng bắt chước cúng theo để tạ ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa cây trái sum xuê chín rộ: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, xoài, mận, … Ngoài nhang đèn hoa quả, trà bánh, người ta còn nấu nướng linh đình như ngày Tết Nguyên Đán. Trước là để cúng trời đất, ông bà, sau là để cùng nhau tiệc tùng vui vẻ. Ngày này, ở chợ Phong Điền dân chúng hay hợp nhau làm cây nộm bằng rơm có gắn những đồng xu, bạc cắc để thí giàn. Sau khi cúng xong con nít tha hồ tranh nhau giựt giàn. Ngày rằm tháng bảy người dân Phong Điền cũng có cúng gọi là cúng cô hồn, gồm nhan đèn bánh trái hoa quả nhất là phải có nải chuối xiêm hoặc chuối cao mới được, không cúng chuối già, thêm một con gà luộc và gạo muối. Cũng có thí giàn nữa. Đám con nít bao giờ cũng nôn nao chờ giựt giàn lượm những đồng xu bạc cắc. Vui lắm! Giựt giàn là một kỷ niệm khó quên thời thơ ấu phải không quí cụ?
C- Các sinh hoạt khác:
Nhơn Ái, Phong Điền, Vàm Xáng là những vùng nổi tiếng phong lưu: đờn ca tài tử, đá gà, … Môn đá banh (túc cầu) là một sinh hoạt nhộn nhịp nhất trong làng.
1-    Đá banh:
LHUy_ongtrongtaiNgo_cor.jpg LHUy_HuyenVu_TrongTaiNgo.jpg
 Trọng tài Đinh Ký Ngọ            Ký giả Huyền Vũ, Nguyễn văn Phan & trọng tài Ngọ lúc trẻ
Vào thập niên 30 hầu hết các làng đều có lập đội banh để thanh niên trai tráng trong làng dợt cho vui, sau đó để đá xã giao với các làng khác.
Đội banh làng Nhơn Ái do hai anh em ông Lê Hữu Chính (bác vật Chính) và ông Cai Dư (Lê Hưũ Dư) lập. Sân banh ở ngoài ruộng là khu đất bằng phẳng ngang vàm Trà Niềng. Chỉ đá được vào mùa khô, mùa mưa bị ngập nước. Đội Gia Định lập đầu tiên năm 1908, kế đến là các đội Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lảnh … vào khoảng năm 1918. Tuy là đội banh lập sau (1932-1933) nhưng nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, vì 4 ngôi sao Gia Định (4 cầu thủ gộc) là Tứ, Tốt, Chính và Lịch xuống đá cho đội Nhơn Ái nên họ đá đâu thắng đó, chỉ thua có một đội duy nhất là đội nữ ở Cái Vồn do ông Phan Khắc Sữu lập (ông Phan Khắc Sữu sau này làm Quốc Trưởng). Ông Phan Khắc Sữu tốt nghiệp canh nông tại Pháp, có lẽ ông và ông bác vật Chính quen nhau từ khi du học nên đưa đội nữ Cái Vồn đá với đội banh làng Nhơn Ái. Ông Cai Dư không muốn làm mất lòng người đẹp nên đội banh Nhơn Ái thua đội nữ Cái Vồn 1 banh (ông Cai Dư lúc đó mới 22 tuổi, con trai làng Nhơn Ái mà). Sau đó có tiệc tùng khoản đải đội bóng bạn và đội bóng nhà, có mời ban hát đờn ca tài tử trình diễn cho cả làng cùng vui. Nhận xét về phong trào đá banh ông Sơn Nam viết: “ … Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy rỏ phong trào thanh niên tiền phong năm 1945 phát triển mạnh một phần nhờ ở số “cán bộ” của phong trào đá banh miền quê, ở chợ làng, chợ quận. Thời Pháp thuộc, những người chịu khó theo sát thời cuộc, tham gia sinh hoạt đờn ca, đá gà, cờ bạc, đa banh … chính là những người hữu dụng khi họ có đất dụng võ, khi họ “giác ngộ” bổn phận đối với đất nước …”
2- Văn Nghệ:
Làng Nhơn Ái có hai thú tiêu khiển làm phong phú thêm cho đời sống dân làng vốn có nhiều người yêu thích văn nghệ đó là “thả cầm thi” và “đờn ca tài tử”.
*Thả cầm thi và hát đối đáp trên sông:
Trong những đêm trăng sáng thả thuyền êm đềm trôi theo dòng nước mà uống rượu, uống trà, làm thơ, ngâm vịnh … là thú vui tao nhã, chúng ta còn nghe được câu hát, câu hò của khách qua lại trên sông.
Thí vụ như một cặp trai gái đi cùng một đoạn đường, bất chợt giọng hò ngọt ngào tình tứ cất lên:
“Hò .. ơ …kinh xáng mới múc chiếc tàu xà lúp nó chạy cũng thường,
Hò …ơ … anh muốn ăn canh lươn nấu với thịt sườn,
Muốn về Trà Ban lớn nọ, hò .. ơ … muốn về Trà Ban lớn nọ cho gần đường với em.
 (Trà Ban thuộc tỉnh Chương Thiện, nối với sông Cần Thơ tại vàm kinh xáng Xà No).
Thấy im lặng chàng cất tiếng hò tiếp:
“Hò .. ơ … lưới thưa anh bủa con cá duồn,
Hò .. ơ … Buôn lời hỏi bạn, hò .. ơ … buôn lời hỏi bạn bơi xuồng đi đâu ?
Bấy giờ nàng mới lơi dầm bơi chậm lại chờ ghe chàng tiến lên rồi nàng đáp lại:
“Hò .. ơ … lưới thưa em bủa con cá duồn,
Hò .. ơ … Ở nhà em có chuyện, hò .. ơ … ở nhà em có chuyện bơi xuồng đi kiếm anh.”
Thấy nàng “chịu mòi” nên chàng tấn công tiếp:
“ Hò .. ơ … mở miệng kêu (bớ) người nghĩa Phong Điền,
Hò .. ơ … Ra đây cho tôi thấy mặt, hò.. ơ …ra đây cho tôi thấy mặt kẻo tình tôi lại nhớ thương”.
Thấy chàng tấn công bạo quá nên nàng giả vờ cật vấn:
Hò .. ơ … gặp anh đây em cũng muốn vầy hai họ,
Hò .. ơ … sợ vợ anh ở nhà, hò .. ơ … sợ vợ anh ở nhà tiếng nọ tiếng kia …”
Chàng trai cười rồi hò tiếp:
“Hò .. ơ … anh nói với em anh có vợ nhà,
Hò .. ơ … vợ thì mặc vợ, hò .. ơ … vợ thì mặc vợ (miễn) anh xử hòa thì thôi …”
Đến đây coi như cuộc tình gặp gở trên sông nước chấm dứt, nàng bơi nhanh đi không chờ ghe chàng nữa.
Hay vài điệu hò câu hát khác mà anh Lê Cần Thơ sưu tập được trong “Quê hương xa mãi ngút ngàn”:
“Đường trường nước chảy trong veo,
Thương em chẳng nệ mái chèo ngược xuôi …”
Hay:
“Thuyền ai thấp thoáng trong sương,
Chờ tôi theo với tỏ tường khúc nôi …”
Và:
“Bớ chiếc thuyền loan
Khoan khoan bớt mái,
Đặng đây tỏ một đôi lời phả trái nghe chơi ..”
Hoặc:
“Thuyền ai chèo trước
Cho tôi lướt tới cùng,
Đêm đã về khua trời đất mông lung,
Phải chi duyên xích lại … cho đở não nùng tuyết sương …”
Câu hò đối đáp đôi khi cũng bắt đầu:
“Đây chèo lơi chờ người tri kỷ
Gặp nhau rồi cho phỉ ước mơ …”
Có câu hát nổi tiếng mà người dân Cần Thơ ai cũng biết và nó đã đi vào lịch sữ thi ca Miền Nam:
“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
Anh có thương em cho bạc cho tiền,
Đừng cho lúa gạo xóm riềng họ hay”
Rồi người ta dựa theo đó mà chế ra câu hát khác:
“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No,
Nếu có thương nhau xin ai đó đừng lo,
Đêm hôm tâm tối có cô lái đò đưa sang “
Hay:
“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No,
Anh có thương em mua một con đò,
Để em qua chợ mua cò gởi thơ”
Chợ đó là chợ Phong Điền, ở đầu thế kỷ 20, con gái làng Nhơn Ái cũng biết mua cò (tem) để gởi thơ cho người tình đó bà con ạ! Không thua con gái ở thành, không đến nổi quê mùa lắm đâu.
*Đờn ca tài tử:
Làng Nhơn Ái là đất dụng võ của ông thầy tuồng Trương Như Toản, ông tổ ngành cải lương miền Nam (xin xem ông Trương Như Toản ở phần sau). Ông có công chuyển hóa từ đờn ca tài tử thành cải lương, thêm nữa có rạp hát của ông cả Lang ở chợ Phong Điền, có nhiều nhà phong lưu có tâm hồn văn nghệ nên sinh hoạt đờn ca, múa, kịch … là một sinh hoạt rất sôi nổi. Nam Kỳ Lục Tỉnh có 2 nơi nổi tiếng là nhóm ở Vũng Liêm (Trà Vinh) của ông phó Mười Hai (phó cai tổng) lập, và nhóm nghệ sĩ làng Nhơn Ái với các nghệ sĩ: Năm Xuyên (Lê Quang Xuyên), Ba Lương (Lê Quang Lương), Bẩy Kiệu (Lê Quang Kiệu), Hai Trạch (Lê Quang Trạch), Bảy Phú (Lê Quang Phú) và Tư Đạt.
Ca thì có Ba Đặng (Lê Quang Đặng), Hai Trạch, Bảy Sỏi, Hai Hải. Hiện nay chỉ còn có ông Hai Hải là con ông Tư Đạt là còn sống (thất thập cổ lai hy).
Những tay nghệ sĩ kể trên thường thả thuyền trên sông ca hát và giúp vui cho các gia đình thích văn nghệ mỗi khi có tiệc vui. Thời trước nữa, ở sông Cần Thơ thời ông Phan Văn Trị không nghe nói có thú thả cầm thi, mà chỉ có thả thuyền câu trên sông để ngắm trăng, làm thơ.
*Ban ca kịch Thanh Niên Tiền Phong:  Đầu thế kỷ 20, hát bội và cải lương rất thịnh hành. Hậu Giang có cô Năm Nhỏ quê ở Cái Vồn rất nổi tiếng. Năm 1930 ông Trần Đắt Nghĩa lập Đại Ban Trần Đắt tại Cần Thơ. Những nghệ sĩ lừng danh đương thời qui tụ tại đây như: Phùng Há, (bà Trương Phụng Hảo), Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Tư Chơi, Bảy Nhiêu, …và nghệ sĩ Út Trà Ôn với sáu câu vọng cổ làm say mê khách mộ điệu. Trần Đắt Đại Ban là một gánh hát đứng vào bậc nhất Nam Kỳ, được khán giả hoan nghênh, đi lưu diễn từ Nam chí Bắc.
Danh ca cô Năm Cần Thơ và gia đình Túy Hoa - Anh Lân trong ban ca kịch “Dân Nam”. Sau đó tại Cái Răng có ban ca kịch Đồng Tâm.
Năm 1945 hát bội và cải lương lừng lẩy trên sân khấu kịch trường thì làng Nhơn Ái một ban ca kịch “cải cách” được thành lập do ông Trần Ngọc Lân đứng ra tổ chức. Ông là ông bầu và đạo diễn, ông Dương Thành Mậu làm soạn giã. Có lần ban ca kịch này gây quỷ để tổ chức căn-tin cho học sinh nghèo. Điểm đặc biệt ở ban ca kịch này là qui tụ toàn những tay có bằng Thành Chung (Diplôme) trở lên:
-         Ông Trần Ngọc Lân, đổ Brevet Superieur (Tú Tài phần 1Pháp) sau làm Giám đốc  Hợp Tác Xã Nông Nghiệp toàn quốc thời VNCH.
-         Ông Dương Thành Mậu, Trưởng ty Tiểu học, ông Mậu tỵ nạn tại Pháp, được ông Chirac bảo trợ, lúc đó ông Chirac làm thị trưởng Paris, sau làm Tổng thống nước Pháp.
-         Ông Trương Quang Liêm, làm trưởng ty tiểu học Cần Thơ.
-         Ông Nguyễn Bá Chưởng bị Việt Minh giết.
-         Ông Nguyễn Ngọc Bích
-         Ông Ba Bu (không rỏ tên thật)
-         Bà Nguyễn Thị Lài, là nữ chánh (em Đại tá Trí và Tín, con ông Nguyễn Lễ Nghi).
-         Còn một số không nhớ hết sẽ bổ túc sau khi có dịp.
Là một ban nhạc cải cách (Tân nhạc) khác với hát bội và cải lương thật mới mẻ thuở đó. Bản “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao do giọng ca thật truyền cảm của cô Nguyễn Thị Lài: “Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẻ bàng …” được mọi người nhiệt liệt tán thưởng.
Những màn kịch đi sát với thời cuộc, hung đúc lòng yêu nước đáp ứng được nhu cầu của quần chúng nên ban ca kịch Cải Cách này được hoang nghênh ở khắp miền Tây nam bộ. Lần lưu diễn tại Long Xuyên, ông Nguyễn Ngọc Thơ (lúc đó làm tỉnh trưởng, sau làm Phó Tổng Thống) không hết lời ca ngợi sự cải cách từ hình thức đến nội dung này trong bộ môn sân khấu kịch trường. Mãi đến thời Đệ I Cộng Hòa, Cần Thơ có ban ca kịch Ninh Kiều, khoảng năm 1960-1962 Cần Thơ có ban ca kịch Tinh Hoa Miền Tây. Ban ca kịch làng Nhơn Ái là một ban ca kịch cải cách đi tiên phong tại miền Hậu Giang.
Năm 1948, ban nhạc làng Nhơn Ái (tân nhạc) do ông Mười Sử (Trử) làm bầu với các tay đàn như: Tư Thành, Ba Sanh, Sáu Quít,  Út Kiết, Chín Thành, Hai Chỉnh và Út Diệp (Lê Quang Diệp).
Ban kịch có Bảy Mẫn, ông Đăng, ông Bé, chị Mây, …
Ban múa và đồng ca thiếu nhi (chỉ có nữ không có nam) như: các chị Thu, Chẫm, Phấn, Nết, Lụa, Thêu, Cẫm Hồng, … Hai năm sau khói lữa ngút trời mạnh ai nấy chạy.
Ban nhạc làng Nhơn Ái hoạt động trong khu 6 làng vì các làng khác không có. Đó là các làng giải phóng do Việt Minh kiểm soát: Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long, Trường Thành, Tân Thới và Giai Xuân.
*Ông bầu Ấu: Đầu thập niên 1950 ở ấp Nhơn Thành xã Nhơn Nghĩa có ông bầu gánh hát cải lương, vì ở đây là lung bàu không thể cày cấy hay trồng trọt được nên Ông cho trồng toàn là ấu (củ ấu) nên người ta đặt cho Ông cái tên ngộ nghỉnh: Ông Bầu Ấu. Đó là ông Chín Điều họ Phạm với bút hiệu là Điêu Huyền, là tác giả của các tuồng cả lương nổi tiếng một thời: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa, Làm lại cuộc đời, Tiếng trống Mê Linh, …
3- Đá gà:
Đá gà là một trò giải trí nhưng lại trở thành môn cờ bạc. Từ ông Cai Tổng, ông Cả, cậu công tử đến anh nông dân đều tham gia.
Trường gà Thầy Tường ở vàm kinh xáng Xà No là một trường gà nổi tiếng. Nghe dân làng kể vào ngày khai trương trường gà Xà No, ông Cai Tổng Lê Quang Chiểu có làm bài thơ để tặng quí bằng hữu chơi gà. Ông Chiểu được dân làng tôn làm “thầy gà”.
“So đo rày đã khỏi lồng
Gặp cuộc ai mà chẳng ngóng trông
Một trận dốc đền ơn tấm mẳn
Hai ngươi đừng nệ nắm xương lông
Rủi may sẳn có người hương khói
Khuya sớm cho cam kẻ ẩm bồng
Lừng lẩy lấy danh trong mấy nước
Làm sao năm đức giử cho ròng”.
Một đoạn trong bài báo “Kể chuyện Nam Kỳ Lục Tỉnh” dựa theo một bài báo xưa, có lẽ là của An - Hà nhựt báo (An Giang - Hà Tiên) là ấn bản Việt ngữ của tờ Courrier de L’Ouest phát hành số đầu tiên tại Cần Thơ năm 1917, đề cập đến sinh hoạt trường gà như sau: “ … Trường gà kinh xáng Xà No nổi tiếng nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh thời đó, mặc dù người Pháp có lịnh cấm đá gà, do hội Bảo Vệ Súc Vật khiếu nại, cho rằng đá gà là dã man. Những ngày chúa nhật, trường gà Xà No nhộn nhịp như một kiểu “hội chợ” kiểu nhỏ ở miền quê. Dưới mé sông, ghe Hầu đủ màu đậu san sát. Nhiều ông Cai, ông Hội Đồng, ông Hương Quản trong mấy tỉnh lân cận dư tiền, thì giờ rộng rải không biết làm gì, kéo nhau xuống trường gà kinh xáng Xà No để giởn tiền, uống rượu. Hàng quán bán thức ăn đầy trước trường gà. Thôi thì đủ thứ: mì, cháo, café, bánh bao, nước đá xi rô, …Chủ trườn g gà là một ông cò mi, có uy tín ở địa phương. Thuở đó có hai thanh tra tiểu học người Pháp tên Vaux và Perrenot chúa nhật nào cũng xuống trường gà Xà No để uống la-de, rượu Martel khỏi tốn tiền ..”.
Theo lời cụ Vương Hồng Sển kể lại:
“ … Hôm đó có độ gà ăn thua lớn, thắng lợi nghiêng về một phía, bổng có người quăng bắt:
-         Tôi quăng 100 ăn 5 (có nghĩa là khi thua chung đủ 100, còn ăn chỉ được 5 đồng)
Tên Tây thanh tra Perrenot nói tiếng Việt rất sỏi trả lời:
-         Bộ mầy nói mấy ông ở đây ăn gian mày hả? Tao không cần chấp. Tao bắt 100 đồng ăn đủ 100, mầy rỏ chưa?
Thấy tên Tây khôn vặt đó “hố” mọi người đứng bên ngoài cười rộ. Tuy vậy độ gà ấy thua phản, và tên Tây bắt 100 ăn đủ 100, còn người quăng 100 ăn 5 lại thua đau. Với chiến thắng đó, tên Tây Perrenot lên mặt, đư ợc mời uống rượu Martel, Cognac thả giàn …”.
D. Giáo dục:
1- Thời nho học:
Làng Nhơn Ái có nhiều người mà các cụ thuở trước thường nói: “Con cháu các nhà này là con nhà nề nếp có đọc sách thánh hiền”. Nền nho học mà người dân làng Nhơn Ái hấp thụ được ở tiền bán thế kỷ 19 là do ông bà truyền lại cho con cháu.
- Gia tộc ông Lê Đăng Chánh, con là ông Lê Ý Mỹ, cháu là các ông Lê Quang Huy, Lê Quang Nho, … có người chắc là ông Lê Quang Chiểu nổi tiếng giỏi thơ văn.
- Gia tộc ông Lê Tam, con là ông Lê Túc, cháu nội là ông Lê Hữu Thành cũng có tiếng là con nhà nề nếp, giòng họ Diệp là một giòng họ nổi tiếng ở Sóc Trăng xem ông Hương Sư Thành là nơi môn đăng hậu đối nên cưới con gái ông Thành là bà Lê Thị Nghiệm cho con là ông Diệp Văn Giáp (Hội Đồng Giáp).
Nền nho học ở làng Nhơn Ái đã có từ thời Nhơn Ái thôn. Từ trước khi có ông Phan Văn Trị làm chú rể làng Nhơn Ái.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một nhà nho có tiếng tăm trong vùng đó là ông Nguyễn Thành Chương ở rạch Ba Se làng Tân Thới giáp ranh làng Nhơn Ái. Người gốc Bình Định, tổ tiên Ông họ Hồ sau đổi là Nguyễn không rỏ lý do và di cư vào Nam năm nào?
Ông là một nhà nho cấp tiến, có học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Nghe trong gia đình này kể lại Ông dạy học và có nhiều sách giá trị. Ông có cất một phòng đọc sách có đến mấy trăm quyển sách ở cuối vườn, rất thanh tịnh, chung quanh các mương có trồng sen. Ông thường giao du với các nho sĩ ở Bà Đồ, làng Long Tuyền. Sau đó kết sui gia với một nhà nho ở đây đó là ông Nguyễn Đại Liên (thân phụ của ông Nguyễn Phước Trạch dạy trường Văn Khoa Sài Gòn). Ông có lập trường ủng hộ ông Nguyễn Hải Thần mà không ủng hộ ông Hồ Chí Minh nên năm 1945 ông bị Việt Minh (phe Cộng Sản) bắt, họ dùng nông dân các làng khác đấu tố ông tại Cảng Gạch, đem theo len cuốc định chôn sống Ông. Nhưng cuộc đấu tố thất bại vì tá điền thật sự của ông ở làng Tân Thới làm đơn kêu nài tập thể rồi kéo nhau đi xin tha cho ông khỏi chết vì ông là người có nghĩa hay giúp đở dân làng lúc khốn khổ, hoạn nạn, hốt thuốc miễn phí khi họ đau ốm (ông còn là thầy thuốc Nam, có trồng vườn thuốc ở sau nhà) nên Ông chỉ bị trưng thâu tài sản và đốt tất cả sách của Ông. Các con cháu sau này của Ông có nhiều người khoa bảng làm việc trong chính quyền Miền Nam (VNCH), và sau năm 1975 cũng thấy có người giử chức vụ kha khá trong chính quyền cộng sản.
Cuối thế kỷ 19, ông mở trường dạy học tại làng Tân Thới, cũng có dạy học cho con cháu làng Nhơn Ái, sau đó làm sui gia với ông Hương Sư Lê Hữu Thành ở làng Nhơn Ái.
2. Thời Tây học:
Từ đầu thế kỷ 20, một số gia đình ở làng Nhơn Ái chuyển hướng theo Tây học.
“Cái học ngày nay đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi …”
“ … Năm 1913, một thân hào khác lại tặng một sở đất 880 mét vuông để cất nhà trường làng “dạy trẻ con học hành phong hóa” (trích Lịch sữ KHMN, trang 279). Đó là trường tiểu học Phong Điền đầu tiên. Trường có 6 phòng học cho 6 lớp: năm, tư, ba, nhì một năm, nhì hai năm và lớp nhất. Ngày học hai buổi, nghỉ ngày thứ năm. Có quí thầy:Trương Quang Liêm, Trần Văn Khéo, Dương Thành Mậu, Phạm Văn Lục, Trịnh Văn Sang và thầy Cầu.
Ông Trương Quang Liêm và ông Dương Thành Mậu sau làm Trưởng ty Tiểu học Cần Thơ. Thầy Trần Văn Khéo sau theo Việt Minh làm Chủ Tịch Ủy ban Hành Chánh Kháng chiến Nam Bộ. Học sinh của làng Nhơn Nghĩa, Trường Long học hết lớp 3 phải ra học trường tiểu học Phong Điền. Người Hoa ở Phong Điền cũng có mở một trường tiểu học tư thục dạy tiếng Quang Thoại ở mé sông cuối dảy phố bên trái (chợ Phong Điền củ), gần lò heo. Năm 1945, trường tiểu học Phong Điền bị Việt Minh đốt, học sinh phải dời qua học ở nhà ông Lê Bá Cang (nhà ông Cang lúc đó đã bị tịch biên).
Năm 1952, dân chúng hồi cư, trường tiểu học Phong Điền được cất lại đơn sơ với quí thầy Trần Ngọc Lương làm Hiệu Trưởng, cùng với hai thầy khác là Lý Mẫu Đơn và Trần Minh Thông. Người Hoa cũng lập lại một trường tiểu học tư thục, trường Quang Minh dạy tiếng Quang Thoại, tiếng Việt là sinh ngữ phụ.
Năm 1972, “Trường Trung Học Tỉnh Hạt” là loại trường do chính phụ huynh xây cất rồi Bộ Giáo Dục mới bổ nhiệm thầy giáo đến giảng dạy đó là trường Trung Học đệ nhất cấp Phan Văn Trị (trường phổ thông cấp 2) ở vàm Trà Niềng, ngày nay dạy đến cấp 3.
Hai trường Trung Học mới lập sau năm 1975 là trường Trung Học Bán Công Phong Điền, và Trường trung học Cơ Sở xã Nhơn Nghĩa.
Tại thị trấn Phong Điền có thêm một trường tiểu học nữa nên đổi tên là trường tiểu học Phong Điền I và II. Ngày nay mỗi ấp trong làng đều có một trường tiểu học.
Qua các thời đại, từ khi mới lập làng, người dân làng Nhơn Ái hiểu được giá trị của việc giáo dục trẻ con nên rất chú trọng đến sự học hành, nhờ đó sau này dân làng có nhiều người tài giỏi, nổi tiếng. Thời giặc Pháp đô hộ, người dân làng theo Pháp thì có người làm quan to, đi kháng chiến đánh Pháp cũng làm lớn. Thời chiến tranh Quốc - Cộng, theo chánh quyền Quốc Gia có nhiều người trong hàng ngũ lảnh đạo, mà đi theo cộng sản cũng vậy có nhiều người làm khá lớn. Do đó làng Nhơn Ái được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt.
VI . NHƠN ÁI ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
(xin xem tiếp Bài 3, vào tuần tới)
Bài 1:
-         Lịch sữ hình thành (I)
-         Làng Nhơn Ái qua các thời đại (II)
-         Vị trí làng Nhơn Ái (III)
Bài 2:
-         Kinh Tế  (IV)
-         Văn Hóa và Đời Sống (V)
Bài 3:
-         Nhơn Ái Địa Linh Nhân Kiệt (VI)
-         Chuyện kể linh tinh (VII)
Bài 4:
-         Những năm khói lữa (VIII)
-         Ý nghĩa làng Nhơn Ái (IX)
·        Bài viết đã được dịch ra Anh và Pháp ngữ.

đọc tiếp bài này
 http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/04/lang-nhon-ai-200-nam-khai-khan.html
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire