jeudi 10 avril 2014

NỖI LÒNG NGHỆ SĨ, Trần Trọng Thiện và Caroline Thanh Hương.



    Kính thưa quí bạn yêu nhạc,

          Trong tất cả các bài viết với chủ đề " Thăm vườn âm nhạc " từ trước đến nay tôi không nhằm vào một nhân vật điển hình nào người Việt Nam, vì các nhân tài này đã được nói đến rất nhiều qua báo chí, sách vở và phương tiện truyền thông tân tiến về thân thế, sự nghiệp, với những ngòi bút điêu luyện sâu sắc.  Ở đây, tôi chỉ giữ nhiệm vụ một người tầm thường yêu nhạc, tò mò tìm hiểu lối sống của một nghề nghiệp mà người bản xứ đã lãnh cho mình, để cống hiến cho quí bạn một khái niệm tổng quát, từ đó so sánh nền nhạc của người và của ta có gì khác biệt. nếu có gì thiếu xót trong khi tìm tòi chưa thấu đáo, xin được bổ túc .
        Thành thật cảm tạ
                 T. T. T.
  photo ChaomungCATBUI.jpg
THĂM VƯỜN ÂM NHẠC
     Nỗi lòng nghệ sĩ
                 CA SĨ VÀ NGHỆ THUẬT
    Đi dự một buổi trình diễn ca nhạc, hay nghe từ cuốn băng video, đĩa nhạc, cassette, phần đông người nghe trước hết chỉ chú trọng đến giọng ca của ca sĩ qua những bài hát được ưa chuộng hay mới ra lò, và cùng nhau phẩm bình, ca sĩ này hay vì có giọng ca trong trẻo, ca sĩ nọ khá với giọng thật ấm áp, ca sĩ kia âm thanh thật tròn trịa, và dùng đủ mọi ngôn từ để đánh giá chê khen giọng hát của từng người ca, nào êm dịu, trầm lặng, ảm đạm, trong sáng, tiếng đục, tiếng khàn khàn, tiếng lanh lảnh, giọng rè, giọng chắc nịch, the thé, sang sảng như hí lên, như rặn ra, nuốt giọng, quá nhiều hơi, hú như cú kêu, rên rỉ như heo đói, v.v.  và v. v. . Thỉnh thoảng có nhà phê bình nhạc lên tiếng trên trang báo văn nghệ thì biết thêm những tài khéo của ca sĩ mình mến chuộng với những cách thức láy luyến, dặm thêm, soay ngang, uốn giọng, rung giọng, lúc đổ xuống ào ạt, lúc nhẹ nhàng lướt từ đoạn này qua đoạn kia, lúc đổ lệ sụt sùi, lúc run giọng, lúc đay nghiến, lúc làu nhàu lẩm bẩm, theo với lời thơ đang phát ra, nói lên cảm xúc của bài ca hay tinh thần của bản nhạc.

   Xét cho cùng, trong một ngành nghệ thuật, âm nhạc là môn khó diễn tả và định nghiã, và trong mọi món nhạc khí, giọng người luôn có vẻ bí ẩn nhất, mặc dù nó nằm ngay trong cơ thể cuả mỗi người chúng ta. Âm nhạc đi vào đời sống được, nhờ có người trình diễn và giải thích. Cái giá trị cao của giọng người là được ví như một nhạc cụ mà lại có thêm khả năng chuyển đạt được một thông điệp của cái đẹp từ một trái tim đến nhiều trái tim.

   Muốn thành một ca sĩ giỏi phải qua nhiều chặng đường. Từ chỗ có được một cấu tạo bộ phận phát thanh nơi cổ họng với kiến trúc tương xứng để âm thanh phát ra tròn trịa, êm ái, qua một sự huấn luyện dài lâu để biết sử dụng hơi thở mà phát ra âm thanh lúc lên cao lúc xuống thấp một cách thoải mái.

   Về hoạt năng, giọng hát tốt phải lớn lên dần đến độ chót (fortissimo) mà không bị căng thẳng, và nhỏ dần đến độ thấp nhất (pianissimo) vẫn còn có âm vang, đôi khi giọng có rung chuyển cũng không làm mờ nhạt mất nhiều nốt nhạc. Giọng ca tốt phải có thể phát biểu mọi tình cảm hay ý tưởng một cách dễ dàng.

   Qua thời kỳ tập luyện mới phát hiện ra  tài năng . Tài năng không thể định nghĩa một cách rõ rệt nhưng có thể nhận biết ngay. Tài năng mang lại nhiều âm sắc cho giọng ca và đem sức sống vào cách biểu lộ cảm xúc của bài ca. Không thể dạy cho thành người ca sĩ giỏi nếu người đó không có tài năng, nhưng một tài năng còn ấu trĩ có thể đem ra khai triển. Một sự hòa trộn giữa giọng người và năng khiếu về nhạc, sự rung động bên trong của nhạc và thơ là những điều kiện căn bản cho người muốn thành ca sĩ, nhưng những phẩm chất đó phải được pha thêm chút khiêm tốn và lòng tự tin nữa.

    Thêm một điều quan trọng hơn, là để nắm vững cái cơ ngơi làm người ca sĩ giỏi phải có một tâm tình nhạc sĩ. Chúng tôi muốn nói đến bốn yếu tố căn bản :  tiết điệu , độ cao , nhịp điệu , và các  động lực  .

     Tiết điệu  là cột sương sống của âm nhạc. Không biết điều hành tiết điệu, âm nhạc sẽ thành một khối nhão không có hình thể.

      Độ cao   của giọng phải vừa đúng. Thật đáng buồn khi giọng hay, và cảm động lại bị lu mờ khi lên cao quá độ.

      Nhịp điệu  thật cần thiết để qui định vào từng bản nhạc. Bài ca sẽ đổi hoàn toàn đặc tính nếu hát quá nhanh hoặc quá chậm. Tất cả mọi kết cấu sống động sẽ biến mất nếu ca quá chậm, và có thể làm lạc mất những điều mỹ lệ hay đánh mất toàn thể ý tưởng bài ca nếu ca với tốc độ phi thường. Mỗi nhịp điệu có một đặc tính riêng. Đôi khi thay vì các dòng chữ allegro
( mau gấp ), moderato ( vừa phải ), lento ( chậm ), nhà soạn nhạc còn chú thích thể nhạc như tenderly ( âu yếm ),  solemnly ( trang nghiêm ), with ease
( thoải mái ), jubilantly ( khoan khoái ), gaily ( vui tuơi ) để giúp người trình diễn chuyển cái đặc tính mà người soạn nhạc đã thấy trong lời thơ, đến người nghe. Và lúc đó là lúc người trình diễn phải quyết định nhịp điệu như thế nào để làm nổi rõ những đặc tính ấy.

   Động lực  cũng là cách nói lên đặc tính của bài ca. Nhà soạn nhạc đã không quên chỉ dẫn bằng các chữ pianissimo ( thật nhẹ ), piano ( nhẹ ), mezzo piano ( hơi nhẹ ), mezzo forte ( hơi mạnh ), forte ( mạnh ), fortissimo 
( mạnh hết sức ). Nhạc sĩ giỏi hay dở cũng tùy vào cách chú ý theo các lời chỉ dẫn .  

                ( còn tiếp ) 


                    Trần Trọng Thiện

Cám ơn anh Trần Trọng Thiện đã thay lời những người được gọi là nghệ sĩ viết lên tâm trạng của họ.
Đến với public, cho dù với bất cứ lãnh vực nào, cũng là cơ duyên của tài năng  tự nhiên hay rèn luyện, học hỏi.
Chúng ta thường hay đến với người ca sĩ vì họ có những lời bài hát hay do ai đó sáng tác.
Chúng ta hay đến với người ca sĩ qua giọng hát của họ và cách trình bày.
Chúng ta hay đến với người nhạc sĩ vì dòng nhạc của họ thích hạp với mình, nghe êm dịu hay hoà âm , cấu trúc chọn lọc nghe du dương hay rầm rộ.
Chúng ta gần gủi hơn với người nghệ sĩ khi họ có những tâm sự miên man giống tâm sự ai đó, và khi người nghệ sĩ tìm được khán giả của họ thì đó là món quà vô giá mà họ có trong đời.
Caroline Thanh Hương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire