lundi 5 mai 2014

Saigon năm xưa: bài thứ 3


2. Từ năm 1753 đến năm 1780
Xin kể lại những năm oanh liệt nhất để đánh dấu những kỳ công của tổ tiên ta:
Năm 1753, vua Chân Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man ở trong Nam, triều đình Huế bèn cử ông Nguyễn Cư Trinh làm quan tham mưu lo việc đánh dẹp. Ba phen thắng giặc, Cư Trinh bèn hiến kế “tàm thực” làm cho mười năm sau hoàn thành cuộc mở mang: Thủy Chân Lạp hoàn toàn về tay chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Bấy giờ miền rừng sác[12]hoang vu, cực nam là vùng Lòi Lạp (Gò Công), Tầm Bôn (Tân An) và vùng các cửa sông Cửu Long (Ba Thắc[13]tức vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre), còn thuộc Chân Lạp.
Đồng thời với việc thôn tính nước Chiêm (1611-1692), chúa Nguyễn đã tiến lần xuống miền Đồng Nai phì nhiêu. Hơn một thế kỷ (1623-1739), do việc giành ngôi lẫn nhau của các vua Miên mà chúa Nguyễn lần hồi thâu phục dân Việt dần dần mở mang các đất đai: Mô Xoài[14](Bà Rịa, Biên Hòa) (1658), Sài Gòn (Gia Định) (1698), Định Tường (Mỹ Tho) và Long Hồ (Vĩnh Long) (1731). Phía vịnh Xiêm La, MẠC CỬU dâng đất Hà Tiên và hòn Phú Quốc cho chúa Nguyễn từ năm 1741, sau đó con là MẠC THIÊN TỨ mở thêm bốn huyện (1739): Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu).
Đến triều Võ Vương, vua Chân Lạp Nặc Ông Thu (Sthea) nhờ chúa Nguyễn mà giữ ngôi báu ở La Bích (Lovek) (1736 – 1748). Sau Nặc Ông Thâm (Thomae), chú của Tha, thua chạy trốn bên Xiêm từ năm 1715, lại trở về đánh đuổi Nặc Ông Tha và cướp ngôi (1748) song chẳng bao lâu thì mất.
Mấy người con của Thâm tranh ngôi. Võ Vương sai Nguyễn Hữu Doãn làm thống suất đánh dẹp và lập Nặc Ông Tha làm vua trở lại. Được vài tháng, Tha bị con của Thâm là Nặc Nguyên (Ang Snguôn) đen quân Xiêm đánh đuổi (1750). Tha thua, chạy sang Gia Định cầu cứu nhưng chết ở đấy.
Nặc Nguyên tranh được ngôi vua lại thường đem binh lấn hiếp người Côn Man là tàn tích dân Chiêm sang trú ngụ từ năm 1693.
Về phía Bắc, Nặc Nguyên lại thông sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) để lập mưu đánh Chúa Nguyễn quyết giành lại Thủy Chân Lạp.
Mùa đông năm Quý Dậu (1753), Võ Vương sai ông Thiện Chính (khuyết tên)[15]làm thống suất và ông Nguyễn Cư Trinh, ký lục Bố Chánh Dinh làm quan tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh đi đánh giặc Nguyên. Quân tiến đến Ngưu Chử (Bến Nghé), lập dinh trại, kén sĩ tốt, trừ bị thêm nhiều, để làm kế khai thác.
Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), ông Cư Trinh với ông Thống suất chia quân tiến lên. Oâng Cư Trinh đi đến đâu, giặc quy phục đến đó; đi qua đất Tần Lê (?) ra đến Sông Lớn[16]cùng hội quân với ông Thiện Chính ở đồn Lôi Lạp (Soi Rạp: Gò Công), phủ Tầm Bôn (Tân An), phủ Cầu Nam (Ba Nam), phủ Nam Vinh (Nam Vang: Phnôm Pênh), bốn phủ hàng cả. Rồi chiêu phục người Côn Man để làm thanh thế.
Nặc Nguyên chạy trốn gần Vĩnh Long; gặp mùa nước nổi, phải ngưng đánh phá.
Mùa xuân năm Ất Hợi (1755), ông Thống suất về đồn Mỹ Tho, dẫn theo hơn vạn người Côn Man mới chiêu phục. Đến đất Vô Tà Ân (có lẽ là vùng Đồng Tháp Mười) bị quân của Nặc Nguyên đổ ra đánh úp. Quân của thống suất đi tập hậu bị mắc bụi rậm vũng lầy, không thể đến cứu viện. Ông Nguyễn Cư Trinh mới đem quân của ông đến cứu thoát hơn năm người Côn Man, vừa trai vừa gái, rồi đem về trú ở núi Bà Dinh (Bà Đen).
Nhân ông Cư Trinh hạch tấu ông Thiện Chính về tội để mất cơ nghi mà bỏ dân mới phục hàng, vua giáng ông ấy xuống chức cai đội, cho ông Trương Phúc Du thay thế.
Ông Cư Trinh với ông Phúc Du và người Côn Man đi tiên phong đến đánh hai phủ Cầu Nam và Nam Vinh.
Nặc Nguyên thua, chạy trốn sang Hà Tiên nương theo Mạc Thiên Tứ, nhờ Tứ xin hộ với Chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tân Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội, và bổ vào lệ triều cống đã bỏ ba năm về trước, cùng để xin cho về nước.
Vua không cho. Ông Cư Trinh mới dâng sớ tâu rằng:
“Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phúc (Biên Hoà), rồi mới mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế “tằm ăn dâu” đó.
Nay từ Hưng Phúc đến Sài Côn đường đi chỉ hai ngày, mà dân cư còn chưa yên tập, quân giữ cũng có đứa chưa khỏe; phương chi từ Sài Côn đến Tầm Bôn, đường đi trong sáu ngày, thú binh trụ phòng, thực sợ chưa đủ.
Thần thấy rợ Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho rợ Côn Man ở đấy, sai nó ngăng chống, lấy mọi đánh rợ, cũng là kế hay. Vậy nên xin cho nước Chân Lạp chuộc tội, lấy hai phủ ấy, cho thần xem xét tình thế, đặt lũy đóng quân, cấp điền sản cho quân dân, chia địa giới, lấy châu Định Viễn để thâu cả toàn bức.”
(Rút trong quyển “Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi Vãi” của hai ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật.)
Vua theo lời tâu, nhận lấy hai phủ (1756) và cho Nặc Nguyên về nước.
Năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nguyên chết, chú họ là Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuan) làm gián đốc, xin hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để cầu được chúa Võ Vương phong làm Vua. Song không lâu, Nhuận bị rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết cướp ngôi (1758).
Cháu của Nặc Nhuận là Nặc Tôn, con của Nặc Nguyên, chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ dâng sớ tâu qua các việc và xin phong Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Võ Vương thuận cho, sai tướng Ngũ dinh tại Gia Định hợp với Thiên Tứ lo việc ấy. Trương Phúc Du đem binh đánh dẹp, Nặc Hinh thua chạy, bị kẻ thuộc hạ giết. Hoàng tử Nặc Non cùng hoàng gia chạy trốn bên Xiêm.
Nặc Tôn được Mạc Thiên Tứ đưa về nước lập làm vua, và được Võ Vương sắc phong chức Phiên Vương.
Để tạ ơn Võ Vương, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc) (1759). Rồi cắt năm phủ: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Sài Mạt (Cheal Meas), Chưng Rừm, Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ Sré Ambel đến Peam) để riêng tạ ơn Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đều dâng cả cho chúa Nguyễn[17]. Võ Vương bèn dạy sát nhập vào trấn Hà Tiên.
Thế là vừa trọn một thế kỷ (1658 – 1759), Thủy Chân Lạp hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
(Tài liệu mượn trong quyển “Nguyễn Cư Trinh” với quyển “Sãi Vãi” của hai ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật, trang 45-49).
Đoạn trên kể lại công ngiệp khai mở bờ cõi của một vị tướng văn võ toàn tài là ông Nguyễn Cư Trinh. Cư Trinh lại rất có công về cuộc phòng thủ lâu dài.
Ông giỏi phương pháp “dĩ địch chế địch” nên đặt người Côn Man thủ Tây Ninh và Hồng Ngự (Châu Đốc), nay hai chỗ này còn di tích người Chàm. Chính ông Cư Trinh xin dời dinh Long Hồ lên xứ Tầm Bào, cũng thuộc tỉnh lỵ Vĩnh Long.
Về mặt thủy đạo, ông sai lập đồn hai bên sông Cửu Long gần biên giới:
-Tân Châu đạo (Cù Lao Giêng) ở Tiền Giang.
-Châu Đốc đạo ở Hậu Giang.
- Thêm lậpĐông Khẩu đạo , ở xứ Sa Đéc, để làm hậu thuẫn.
Các đạo ấy dùng binh ở Long Hồ dinh để trấn áp, giữ mặt vịnh Xiêm La, phòng Xiêm làm hỗn, Cư Trinh và Thiên Tứ đặt raKiên Giang đạo ở Rạch Giá vàLong Xuyên đạo ở vùng Cà Mau.
Ông Cư Trinh lại rất giàu sáng kiến. Ông lo tổ chức sự an ninh vùng đất mới, đảm bảo sự thông thương buôn bán trên vùng rạch hồ. Như thuở ấy, khúc sông Gia Định còn nhiều chỗ xưng bá, thuyền cướp tụ tập phá khuấy ghe thương hồ (ngày trước còn để lại tàn tích “bối Ba Cụm” thuộc vùng Bình Điền, Tân Bửu, v.v…), Cư Trinh bày ra lệ bắt thuyền các Hạt, bất luận lớn nhỏ, trước mũi phải khắc tên họ, quê quán, chủ thuyền và ghi bộ quan sở tại để tiện tra xét.
Nguyễn Cư Trinh còn là một văn nhơn tài tử, ông thường ngâm vịnh, sang Phương Thành (Hà Tiên) nhập Chiêu Anh Các xướng họa cùng Mạc Thiên Tứ. Hai người rất là tương đắc, Thiên Tứ có ra mười bài“Hà Tiên thập cảnh vịnh ” (nay còn truyền tụng). Cư Trinh có họa đủ mười bài.
Kể lại trong Nam, đời ấy công nghiệp lớn nhất có hai ông:Nguyễn Cư Trinh vàMạc Thiên Tứ. Ông trước cầm binh ra trận, thi phú tài tình; Ông sau giỏi ngón ngoại giao và văn chương tao nhã. Cả hai mở rộng bờ cõi Miền Nam cho chúng ta được hưởng ngày rày.
Đồng thời tại Gia Định, trong nhóm người Minh Hương, có ba ông:Trịnh Hoài Đức ,Ngô Nhơn Tịnh vàLê Quang Định đều là những bực công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san. Hà Tiên cóChiêu Anh Các , Gia Định cóThi hữu tam gia không kém.
Năm 1780, Mạc Thiên Tứ từ trần, không con nối hậu. Đất Hà Tiên từ đây sát nhập cơ đồ Nguyễn Chúa:
CUỘC MỞ MANG BỜ CÕI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM ĐẾN ĐÂY, KỂ NHƯ ĐÃ HOÀN THÀNH.
[1]Lê Thánh Tôn (1460-1497); Niên hiệu:Quang Thuận (1460-1469), Hồng Đức (1470-1497)
[2]Nên gọi “Đông Phố” hay là “Giản Phố”?
a).- Danh từ “Đông Phố” đã trở nên bất hủ vì bài văn quan Tiền quản quận công Nguyễn Văn Thành tế trận vong tướng sĩ năm 1802 có câu:
“Than ôi! Trời Đông Phố vận ra Sóc cảnh… “vân vân. Theo chú thích trongQuốc Văn Trích Diễm của Dương Quảng Hàm, trương 132, thì “Đông Phố” là tên cũ thành Gia Định.
b). – Theo giáo sư Nghiêm Toản, thì: Đông Phố, thực ra là “Giản Phố”,vì lẽ chữ “Giản” và chữ “Đông” viết theo chữ Hán nét gần giống nhau, chỉ khác hai chấm thay vì một nét. Truy thêm ra, thì “Giản Phố” do nơi “Giản Phố Trại” mà ra, và “Giản Phố Trại” tức là “Cambodia” do người Tàu âm ra tiếng của họ và vẫn đọc “Kan-pou-tchai”, tức “Cambodge” ngày nay vậy. Như vậy, thì đúng hơn nên gọi “Giản Phố” hơn là “Đông Phố”, nhưng cái gì cũng không mạnh hơn thông tục.
[3]a). -Chệch hayChiệc, do “thúc” là “chú”, giọng Triều Châu. Nghĩ họ chơi gác thật, thuở ấy bắt mình kê vai kênh họ lên rất cao; “Chú Chệch”, “Thím Xẩm” (Quảng Đông gọi “thím” là “xẩm”). Rồi nào “Ông Tây”, “Bà Đầm”, thậm chí “Anh Bảy Chà”, v.v…
b).- Người Miên gọi dân Trung Hoa là “chênh”. Truy ra, có đến hai điển: “Chênh” là “Thanh” Tsing thì có đời Mãn Châu. Nếu “Chênh” do “Tsin” thì xưa đến đời Tần.
[4]Năm Quý Dậu 1753 (tức năm thứ 16 chúa Thế Tôn, Võ Vương), chúa sai Thiện chính hầu làm Cai đội và Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là ký lục, dẫn binh năm dinh: Bình Khánh (nay Khánh Hòa, Bình Thuận), Trấn Biên (nay Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Vĩnh Long), tựu tại Bến Nghé, nơi sau này gọi là “Đồn Dinh”. (Tài liệu theo bản dịch ra Pháp văn của học giả Gaspardone dịch từ bản chữ Hán “Gia Định thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Bản chép tay mang số A.708 q. 9-4, fo 12 của trường Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội). Nhà học giả L. Malleret độ chừng “Đồn Dinh” ở tại chỗ góc đường Thuận Kiều giáp rạch Nhiêu Lộc. Ngày nay đường Thuận Kiều đổi lại gọi đường Lê Văn Duyệt. Còn rạch Nhiêu Lộc có phải ở gần mộ ông này, chúng tôi mới tìm thấy trong vùng đấy thuộc dinh thự của nhân viên phi trường Tân Sơn Nhất, bọc theo con đường Võ Tánh chạy dài qua hồ tắm Chi Lăng, mộ này ở khoảng giữa hai đường Võ Di Nguy và Ngô Đình Khôi trong vòng rào, ngay chỗ vừa đào một ngôi mộ xưa để mở rộng con đường Võ Tánh ( xem lại kỹ Bulletin de la Socie’te’ des Etudes Indochinoises, Oct-Dec. 1935, tr. 18 – 19 )
Cũng trong tập kỷ yếu B.S.E. I. nói trên, qua trương 35, học giả Malleret viết:
“… Alors le soucerain légitime dut s’enfuir à Phú Quộc Enter temps, le chef “rebelle Lư avait pris le titre de Đô Định Vương, “écrit Aubaret, c’est-àdire roi de Đon Dinh.”
Chỗ này, học giả Pháp đã lẫn lộn “Đông Định Vương” lại với “Đồn Dinh” rồi. Trương 30, ông Malleret ghi rằng theo Gia Định Thông Chí (q.4, fo 31 ms EFEO) có nói năm Gia Long thứ 10, lịnh dạy dời “Đồn Dinh” qua chợ Điều Khiển, xóm (lân) Tân Hội.
Trái lại, trong Đại Nam Nhất Thống Chí (Pháp dịch “la Ghéographie de Tu Đuc” ), thì nói Đồn Dinh ” từ xóm Tân Mỹ được dời về xóm “Tân Thuận”. Tác giả, ông Malleret, kết luận “Đồn Dinh” ở trong địa phận huyện Tân Bình.
Chung quy, “Đồn Dinh” và “chợ Điều Khiển” chưa ai biết đích xác ở tại đâu.
[5]Nam gọi Mỏ Xoài.
[6]Nam gọi là Huỳnh Tấn.
[7]Theo cuốn “Souvenirs historiques” của ông Trương Vĩnh Ký thì vị quan tướng này tên “Vạn” nhưng không rõ họ gì.
[8]Chey Chetta IV.
[9]Theo “Souvernirs historiques” ông Trương Vĩnh Ký nói vì Nặc Ông Thu bất tuân điều ước nên chúa Ngãi sai Nguyễn Hữu Hào chinh phạt bắt được Ông Thu đem về Sài Gòn, đến đây người thọ bịnh từ trần, Phó Vương Miên tự vận chết theo.
[10]Nam gọi là Nguyẽn Hữu Cảnh.
[11]Vì thế, người vùng Đồng Nai cũng được gọi là “người hai huyện”. Đừng lầm với “người hai huyện” vùng Hậu Giang đồng một thuở, là người huyện Phong Phú (Cần Thơ) và huyện Đông Xuyên (Long Xuyên).
[12]Nhiều học giả viết “rừng sát”(với chữ “t” ở chót) và đinh ninh rằng trúng. Phải chịu khó tra cứu bộ Đại Nam quốc âm tự vị của ông Huỳnh Tịnh Của, trang 276 mới thấy:
“Sác”: cây nước mặn.
“Rừng sác”: rừng nước mặn (ở gần biển)
Vậy xin đính chính.
[13]Tại chợ cũ Bãi Xàu, có một ngôi cổ miếu đề “Ba Thắc cổ miếu” chung quanh cổ thọ um tùm, tương truyề đây là một địa điểm linh thính của Cổ Cao Miên gọi là Neak Ta Srock Passac _ (V.H.S)
[14]Việt Nam Sử lược Trần Trọng Kim gọi là Mỗi Xuy
[15]Có lẽ ông Nguyễn Hữu Doãn, làm thống suất đánh dẹp các con Nặc Ông Thâm bốn năm về trước (1749). Sau vì thua ở đất Vô Tà Ấn (?) bị giáng xuống chức cai đội nên bị bôi tên. Rồi sau sử chép cho là khuyết tên họ chăng?
(Chú thích trong “Sãi Vãi”, Lê Ngọc Trụ, Phạm Văn Luật, trương 45.)
[16]Sông Lớn đây có lẽ là sông Vàm Cỏ, chảy ngang qua phủ Lôi Lạp, Tầm Bôn, Ba Nam.
Ông Maybon, trong quyển “Histoire moderne du pays d’Annam”, trang 127, đề là Vàm Cỏ Tây (Vaico occidental).
[17]Năm phủ này đến đời Thiệu Trị, năm 1847, bị giao trả lại cho nước Miên (chú thích trong quyển Sãi Vãi.)
 
nguồn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire