mercredi 28 mai 2014

Việt Nam đang thua kém Campuchia trên nhiều lĩnh vực


Nhiều bằng chứng như tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI, công nghiệp ô tô, thậm chí nông nghiệp như lúa gạo... cho thấy Việt Nam đang thua kém Capuchia.


Tăng trưởng, thu hút FDI hơn Việt Nam
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố dự báo của mình về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia, cho rằng Campuchia trong năm 2014 sẽ có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á trong khi Việt Nam được đánh giá là "sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5%".

Cụ thể, theo WB, kinh tế Campuchia đang trong quá trình cải cách nhằm tăng cường hiệu lực quản lý kinh tế nội địa và duy trì tăng trưởng.
Nước này đã giữ được mức tăng trưởng kinh tế ổn định khoảng 7,4% trong năm ngoái bất chấp những ảnh hưởng từ bất ổn chính trị hậu bầu cử và tình trạng đình công lan tràn hồi cuối năm. Đối với các năm 2015 và 2016, WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia ở mức 7%. 
Trong khi đó, WB cho rằng kinh tế Việt Nam "sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014".
Theo WB, nền kinh tế của Việt Nam trở về tình trạng môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trong suốt hai năm qua so với thời kỳ đầy biến động 2007- 2011.
Nhưng dù các cân đối kinh tế vĩ mô được cải thiện và các tài khoản đối ngoại được củng cố, tỷ lệ tăng trưởng GDP vừa phục hồi bền vững vẫn còn bị ngăn trở do sự chậm chạp trong cải cách cơ cấu và do mức độ không chắc chắn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trước đó, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào - đất nước trước đây chưa từng được coi là "đối thủ" cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011, năm 2012.
Theo TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, rất có thể thời gian tới đây họ sẽ chuyển sang đầu tư Lào, Campuchia và điều này đang diễn ra rồi do giá đất ở Campuchia, Lào thấp hơn và thủ tục đỡ phiền hà hơn nhiều so với Việt Nam.
Bày tỏ quan điểm về kết quả khảo sát do VCCI đưa ra, chuyên gia kinh tế, TS Alan Phan cho rằng, Campuchia và Lào đang cải thiện nền kinh tế rất nhanh so với Việt Nam, nhờ những giúp đỡ tốt từ Phương Tây và sự chú tâm của Trung Quốc về địa chính trị.
"Tôi nghĩ nếu Việt Nam không thay đổi mạnh mẽ về hệ thống cơ chế cho phù hợp với thị trường toàn cầu, thu nhập đầu người của Campuchia và Lào sẽ cao hơn Việt Nam sau 15 năm nữa", TS Alan Phan cảnh báo.
Campuchia tự chế ô tô điều kiển bằng smartphone giá 100 triệu
Chiếc ôtô "Angkor EV 2014" lấy tên ngôi đền cổ Angkor của Campuchia này được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek địa phương thiết kế. bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID).
Đây được coi là thành tựu lớn của ngành chế tạo còn non trẻ của Campuchia, đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Thái Lan...
Còn tại Việt Nam, thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
Các dự án đó được chuyển sang các nước lấn cận sản xuất rồi nhập khẩu xe về Việt Nam với giá đắt.
Hiện, số doanh nghiệp nội làm công nghiệp hỗ trợ rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỉ trọng ít ỏi.
Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,...
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%.
Tại Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua, Toyota tham gia với một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa và các chi tiết cao su.
Nhưng mục đích này đã không đạt được và đây là lần thứ 5 liên tiếp Toyota thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thông qua triển lãm.
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện mới chỉ 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...
Gạo Campuchia tấn công Mỹ, Hàn, Việt Nam vẫn dựa Trung Quốc
Mới đây, Campuchia cũng cho biết, họ đang tích cực xây dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ và Hàn Quốc để xuất khẩu gạo sang các thị trường đầy tiềm năng này.
Hồi tháng trước, công ty Amru Rice Campodia của Campuchia cũng đã ký kết một thỏa thuận xuất khẩu gạo với Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc và mong muốn xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc, ông Song Saran nói trên tờ Bưu điện Phrom Penh.
Ông Song Saran cho hay: “Thị trường của chúng tôi tại châu Âu đã đạt mức đỉnh, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng thị trường tại châu Á, đặc biệt tại Hàn Quốc.”
Không những thế, vừa qua hàng ngàn nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào cảnh điêu đứng khi lúa chất đầu nhà mà không thấy thương lái đến mua. Hầu hết các thương lái đang tìm sang Campuchia để mua với giá hời và bỏ qua tiền đặt cọc với nông dân trong nước.
Vùng giáp ranh với nước bạn Campuchia, như cửa khẩu Dinh Bà, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), kênh Vĩnh Tế (xã An Nông, huyện Tịnh Biên, An Giang) mỗi ngày có hàng trăm chiếc ghe chài lớn nhỏ, mang biển kiểm soát các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau… túc trực mua lúa Campuchia.
“Với giá lúa trong nước và lúa Campuchia chênh lệch như hiện nay thì vợ chồng tôi chỉ cần 2 -3 ngày là mua đầy ghe 25 tấn về sang lại cho các nhà máy xay xát thì kiếm lời cả chục triệu đồng. Đây cũng là cách lấy ngắn nuôi dài khi giá lúa trong nước lên xuống thất thường nên mình tranh thủ làm thêm, khi nào giá lúa ổn định lại thì đi mua tiếp", thương lái tên Thành ở Cần Thơ cho biết.
Và cứ với quan điểm đó, mỗi ngày có đến hàng trăm tấn lúa Campuchia được bán sang Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch.
"Đa phần các giống lúa được các thương lái Việt thu mua là các giống lúa cao sản có giá từ 4.500 - 5.000 đ/kg. Với giá này thấp hơn giá lúa chất lượng cao, lúa thơm trong nước nên đã thu hút các thương lái Việt đến thu gom lúa ngoại", ông Nguyễn Văn Lực - một người dân sống lâu năm tại xã An Nông cho biết.
Sếu đầu đỏ cũng bỏ Việt Nam sang Campuchia
Cuối tháng 3/2014, Hội Sếu quốc tế đã kiểm đếm sếu đầu đỏ đồng loạt tại Việt Nam và Campuchia. Nói về mục đích của việc này, TS Trần Triết, điều phối viên Chương trình Đông Nam Á - Hội Sếu quốc tế cho biết: "Hằng năm, vào cuối tháng 3, Hội Sếu quốc tế tổ chức đếm sếu đầu đỏ đồng loạt tại các điểm có loài chim này để kiểm kê số lượng.
 Qua 14 năm theo dõi quần thể sếu đầu đỏ, tôi nhận thấy số lượng sếu tại Việt Nam giảm dần trong 5 năm gần đây. Riêng năm nay, tỉ lệ sếu giảm đột biến, thấp nhất trong 14 năm qua.
 Năm nay, phần lớn đàn sếu ở lại Campuchia chứ không về Việt Nam. Giáp với vùng Phú Mỹ (Kiên Giang) là khu vực bảo tồn sếu Anlung Pring, tỉnh Kampot - Campuchia, dù diện tích nhỏ hơn rất nhiều nhưng do không có xáo trộn từ con người gây ra nên sếu sinh sống rất đông".
Nguyên nhân của việc sếu không về Việt Nam, theo TS Trần Triết là do con người. Các vùng đất ngập nước là nơi sinh sống của sếu đã bị thu hẹp diện tích hoặc bị xáo trộn vì các hoạt động kinh tế.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire