jeudi 12 juin 2014

BAN TIN CUA TCDV - BIEN KHAO CUA MINH DI Thư Tâm Điêu Long.kỳ 6 01 - 57 (61).


Kính thưa qúy độc giả,
Một „modern“ mà các tác giả bây giờ hay thực hiện, là khắc cho mình một con dấu bằng tiếng Hán, rồi đóng lên trang trong sau khi ghi những lời thân tặng bằng mực đo đỏ, người không biết tiếng Hán thì „trầm trồ“ khen „triện“ của tác giả, còn người am tường chữ Nho thì sao?
TCDV may mắn được một nhà giáo thông thạo Hán Tự cộng tác từ trên 24 năm nay, đó là GS Minh Di, hiện sinh sống tại Châu Úc.
Hôm nay Anh Minh Di gởi đến Qúy vị một bài viết về việc xử dụng „triện son“, một mốt thời thượng mà chúng ta thường thấy các tác giả „đóng“ trên tác phẩm.
Bài viết khá dài, chúng tôi chia ra làm nhiều kỳ, như thường lệ, vị nào cần trọn bài, chúng tôi sẽ gởi đến hầu qúy vị.
Trân trọng,
Germany, 18.08.2011
Chủ Nhiệm TCDV,
Điều Hợp Viên Diễn Đàn Ngôn Ngữ Việt.
LÝ TRUNG TÍN
(Cho đăng lại lần thứ hai, ngày 05.6.2014)
------------------------------------------------------------
-----------------------------------------------
(chúng tôi vừa post kỳ 1, đã có nhiều độc giả yêu cầu Tòa Soạn gởi trọn bài, sau đây là thư của một trong các vị độc giả yêu thích VĂN HỌC - HỌC THUẬT…)
Kính  Ông,
Đọc được một phần bài viết về "Triện Son" tôi
thích quá. Xin Ông cảm phiền gởi cho tôi xin toàn bài .
Chân-thành cảm ơn và kính chúc Ông nhiều thành-công tốt đẹp hơn nữa trong công việc phục-vụ văn-hoá nghệ-thuật.
Trân trọng,
Tran Thế Khiem
----------------------------------------------------------------------------
Kính anh Lý Trung Tín,
Bài viết của tác giả Minh Di về con dấu, là biên khảo có giá trị. Trường hợp có thể, xin anh vui lòng cho tôi xin trọn bài để tôi có cơ hội học thêm và làm tài liệu tham khảo.
Xin anh chuyển lời tôi đến tác giả Minh Di với lòng cảm phục những bài biên khảo của ông ấy mà tôi có dịp đọc qua. Và xin gởi đến tác giả lời cám ơn chân thành nhất của tôi.
Tôi chân thành cám ơn anh đã chuyển bài.
Kính chúc sức khỏe anh cùng gia đình
Trọng kính
Thái Quốc Mưu
Atlanta, Georgia, USA.
-----------------------------------------
Kính anh Lý Trung Tín,

Tôi xin gởi đến anh bài viết nhan định về em tôi, Kha Tiệm Ly. Xin anh tùy nghi!
Chú nầy trước 4/75 dạy Hán Việt ở một số trường Trung Học Sàigòn, Mỹ Tho, thế mà sau khi được tôi chuyển những bài viết của tác giả Minh Di, đọc, chú ấy rất thán phục.

Bài viết nầy tôi copy từ những trang trong nước. Trường hợp có thể, anh vào Google, gõ vào khung search: KHA TIỆM LY – HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC NỔI BẬT THỜI NAY, sẽ đọc được những trang đã đăng bài.

Trường hợp, anh có thể sử dụng những bài viết của chú ấy, xin anh cho tôi biết, tôi rất vui khi chuyển đến anh.

Kính chúc sức khỏe anh/gia đình
Thái Quốc Mưu

TB. Trường hợp có thể, xin anh, khi có thời gian, xin kể cho được biết về sinh hoạt chung ở Đức, đặc biệt về công đồng Việt, về sinh hoạt văn học, báo chí,… nha anh!

------------------------------------------
Thư Tâm Điêu Long.
01 - 57 (61).
                                                                         &
Có gì để mà nói.
Có lần ghé chơi nhà người quen, trong câu chuyện lan man...... từ trời xuống đất, từ đất lên trời, chẳng ra đầu cua tai nheo gì hết, người quen đưa tôi coi 1 lá thư của 1 tay Bác sĩ nọ ở Brisbane gởi trước đó vài ba ngày. Nội dung lá thư chẳng có gì đáng nói, đáng nói là ở cuối thư, kèm theo chữ ký, là 1 dấu triện đỏ chói khắc tên người gởi bằng Hán tự theo thể Chân thư.
Tôi cười, nói với người quen:
- Tay này có biết chữ Hán đâu mà bày đặt khắc con dấu kiểu này!
Người quen cười:
- Thế là ông không biết gì cả, bây giờ là cái mốt đấy ông ạ, ông nào bà nào cũng có 1 con cả!
Quả thế thực, nhìn quanh, ông nào, bà nào rồi cũng làm 1 con dấu đỏ chói, cứ chực dịp là lôi ra  đóng lia và đóng lịa.
Dĩ nhiên, không chỉ những người biết chữ Hán mới được làm Dấu Triện chữ Hán, bất cứ ai cũng làm được. Có điều là trước khi tới chỗ làm con dấu mà phải đi kiếm từ điển Hán -Việt tra cho tỏ tên mình - mà đã chắc gì chữ mình tra đó rồi đích xác là chữ cha mẹ đặt cho vì rằng Hán tự có khá nhiều trường hợp 'đồng âm dị tứ’, hoặc nếu không thì cũng đi kiếm 1 người Việt Hoa nào đó để hỏi. Như vậy thì tội nghiệp quá!
Không như con dấu khắc chữ Việt, dấu triện của Trung Quốc không thuần là con dấu, mà còn là một nghệ thuật - mà nghệ thuật thì không phải bất cứ người nào cũng có thể thưởng thức, như...  giản dị đi đặt làm một Dấu Triện như tay bác sĩ hợm hĩnh học đòi văn nhã kể trên đây, cũng như nhiều kẻ khác nữa, đã làm!
Nghề chơi cũng lắm công phu, huống chi đây lại là 'nghề học'! Và như trưởng giả học làm Sang  có khi lại dễ, còn tự hồi nào tới giờ chưa từng vào vòng 'Chi, Hồ, Giả, Da’ bỗng đâu... nhảy vào mà mong người trong vòng nhìn mình như một kẻ đã từng ở chốn này thì có khác chi là đang mơ 1 giấc mơ của Nam Hoa Chân Nhân:
                                                          'Mộng chi trung hựu chiêm kì mộng'.    
Hơn nữa, mỗi Nghệ thuật có một số đòi hỏi riêng của nó, nghệ thuật Triện Khắc đòi hỏi phải có một trình độ hiểu biết nhất định nào đó về Văn tự học Trung Quốc, nhất là văn tự Cổ, thứ văn tự thường được khắc trên dấu Ấn, 1 Chuyện mà không phải bất cứ ai, bất cứ người nào cũng có thể bỗng đâu học được trong 1 sớm 1 chiều.
Ở đất 'Vu xứ’ này bỗng đâu nảy ra những kẻ vốn liếng vốn chẳng có bao nhiêu, đi lượm đầu này 1 mớ, đi lặt đầu kia 1 mớ, để rồi ba hoa, khoác lác giảng giải chữ Hán loạn cào cào! Chẳng qua cũng vì háo danh, háo danh có ngày rồi bị người vạch mặt, cuối cùng chữ Danh đâu chẳng thấy chỉ thấy 1 chữ Nhục.   
Và rồi:
           Khải tự chẳng biết Khải,
           Tần triện chẳng biết Tần.
           Hành Thảo, cũng mù tịt,
           Ấn chương mỗi khoe đần.
Kém Văn vẻ mà lại ưa ra vẻ Văn! Thói thường là thế!
Nhân đó mà tôi nói chuyện Ấn chương, Triện khắc.
                                                                           &
(KỲ 6)
Trong đoạn tiếp liền theo đó Trương Hoài Hoan dẫn Thái Ung (133 - 192) nói rằng vào thời Tần, chư hầu có chiến tranh, gặp lúc khẩn cấp, do việc gởi văn thư viết bằng các chữ Triện, Lệ lâu lắc do đó đã tạo ra thứ chữ viết cho nhanh, tức Thảo thư hiện nay.
Trương Hoài Hoan bác ý kiến của Thái Ung; có điều khẳng định Trương Bá Anh chế ra Thảo thư vẫn chưa chính xác cho lắm.
Cũng có thể là Trương Bá Anh đầu tiên đã đưa ra một số qui tắc hướng dẫn cho việc viết Thảo thư, vì lẽ có những trường hợp cần viết cho nhanh, như truyền đạt một sự vụ khẩn cấp, như trường hợp Thái Ung đã nêu trên.
Thảo thư, gọi nôm na là viết tháu, lúc đầu thực ra là một lối viết các tác gia sử dụng để viết Bản nháp cho nhanh, dần dần về sau thành một Thư thể riêng.
Tiếng “tháu” trong Việt ngữ chính là đọc trại từ chữ “thảo” mà ra.
Trong Việt ngữ người ta gọi bản viết của 1 tác phẩm chưa viết xong, hoặc đã xong, mà còn trong tình trạng cần sửa hoặc thêm, hoặc bớt…nói tóm lại là chưa in là “Bản thảo”.
Có thể suy đoán là vào buổi đầu mỗi người viết chữ Thảo theo một cách riêng, qui tắc do mỗi cá nhân đặt ra, chỉ người viết mới đọc được.
Sau đó, sau khi đã thành một Thư thể thì tuy một chữnhiều cách viết Thảo nhưng nhìn chung vẫn có một số nguyên tắc nhất định, nhờ đó ai cũng có thể học được.
Lại nữa, danh gia trác tuyệt về Thảo thư, cũng như ở các Thư thể khác, rồi giới hạn ở một số Thư pháp gia nào đó, thư pháp của những danh gia này rồi nghiễm nhiên thành mẫu mực cho những người học Thảo thư, thể thức viết chữ Thảo từ đó mà không đến quá nhiều để việc đọc trở nên quá khó khăn!

Thảo thư phân ra 3 thể thức: Chương Thảo. Kim Thảo. Cuồng Thảo.
1/. Chương Thảo.
Thể thức này điểm chút Bút pháp Lệ thư (Lệ ý) và trong một bài hay một đoạn các chữ viết rời ra, không dính liền nhau. Trương Hoài Hoan viết:
~ Chương Thảo.
Án: Chương Thảo giả, Hán Hoàng Môn lệnh Sử Du sở tác dã……
Vương Ảm vân:
- Hán Nguyên đế thời Sử Du tác Cấp Tựu Chương giải tán Lệ thể, thảo thư chi - Hán tục giản đọa, tiệm dĩ hành chi thị dã. Thử nãi Thảo tự chi cảnh khái tổn Lệ chi qui củ túng nhiệm bôn dật phó tốc cấp tựu. Nhân thảo sáng chi nghĩa vị chi Thảo thư……
Hoài Hoan án:
- Chương Thảo chi thư tự tự khu biệt, Trương Chi biến vi Kim Thảo, như kỳ bạt mao liên như, thượng hạ khiên liên, hoặc tá thượng tự chi hạ nhi vi hạ tự chi thượng, kỳ hình li hợp, sổ ý kiêm bao, hình nhược huyền viên ẩm giản chi tượng, câu tỏa liên hoàn chi trạng, thần hóa tự nhược, biến thái bất cùng hư!
Sử Du Thảo vi Chương, nhân Trương Bá Anh Thảo nhi vị dã, dịch do Triện Chu Tuyên vương thời tác cập hữu Tần Triện phân biệt nhi hữu Đại, Tiểu chi danh.
                                                                  /  Thư Uyển Tinh Hoa. Qu. VI. Thư Đoán  /.
~ Xét: Chương Thảo, do chức Hoàng Môn lệnh Sử Du thời Hán chế tác……
Vương Ảm nói:
- Thời Hán Nguyên đế Sử Du soạn Cấp Tựu Chương bỏ thể lệ chữ Lệ mà viết tháu - cũng bởi thói tục đời Hán lười cứ thế mà viết để dần dà lối viết này được lưu hành.  Đại khái đây là sự bỏ bớt qui củ của chữ Lệ để tùy tiện mà viết cho nhanh. Nhân nghĩa của tiếng “thảo sáng” (= khởi đầu, bắt đầu) mà gọi (Thư thể này) là Thảo thư…… 
Hoài Hoan xét:
- Chữ Chương Thảo chữ chữ viết rời nhau, Trương Chi cải biến thành Kim Thảo, là lối viết thế như nhổ cỏ nhổ nguyên rễ, trên dưới dính liền, hoặc nương chữ trên mà tiếp xuống dưới mà thành phần trên của chữ dưới, lúc li lúc hợp hình thể của chữ kiêm hàm vài ba ý, hình thể chữ như hình ảnh con vượn chân móc cành cây, treo người lơ lửng thòng xuống khe suối uống nước, dạng chữ như những cái vòng nối liền nhau của sợi dây xích, biến hóa tự tại, sắc thái biến đổi không cùng tận!
Thảo thư của Sử Du là Chương Thảo, nhân Thảo thư của Trương Bá Anh mà ra, như chữ Triện thời Chu Tuyên vương tới lúc có Tần triện mà phân Đại triện, Tiểu triện.
[Cấp Tựu Chương là sách dạy con nít mới học chữ. Cấp Tựu = Chóng thành tựu].
 2/. Kim Thảo.
Thể thức này không xen Bút pháp Lệ thư như trường hợp Chương Thảo, và các chữ như mô tả của Trương Hoài Hoan ở trên, viết liên tục, buộc liền vào nhau.
3/. Cuồng Thảo.
Thể thức này chữ chữ quyện vào nhau, tiếp nối nhau không dứt.

Trong 3 thể thức nói trên của Thảo thư, Chương Thảo khó học, trong khi Cuồng Thảo khó nhận ra chữ. Học Thảo thư trước hết là học Kim Thảo cho thuần thục (nhập thủ) rồi sau đó mới có thể học 2 thể thức Chương Thảo, Cuồng Thảo.
Hiện nay, ngoài những Tự điển về Chân thư một số Tự điển Thảo thư cũng đã được xuất bản bên cạnh những Tự điển Triện, Lệ, Hành……và cũng có những Tự điển gồm nhiều Thư thể.
Tóm lại, về Thảo thư nếu mỗi người viết theo cách riêng của mình, không theo một số nguyên tắc nào đó thì không thể gọi là 1 Thư thể; đã là một Thư thể thì phải có những nguyên tắc để theo, nếu không thì không có bất cứ Thư thể nào có thể tồn tại.
3 thể Chân, Hành, Thảo rồi có tương quan. Các tên gọi Hành thư, Thảo thư đã được căn cứ Chân thư mà đặt.

Tô Đông Pha (1036 - 1101) nói về 3 Thư thể Chân, Hành, Thảo như sau:
~ Kim thế xưng thiện Thảo thư giả hoặc bất năng Chân, Hành, thử đại vọng dã!
Chân sinh Hành, Hành sinh Thảo; Chân như lập, Hành như hành, Thảo như tẩu, vị hữu năng hành, lập nhi năng tẩu giả dã!
Kinh Tiến Đông Pha Văn Tập Sự Lược. Qu. LX. Thư Đường thị lục gia thư hậu  /.
~ Thời bây giờ những kẻ nói mình viết Thảo thư đẹp lại nói rằng mình chẳng khéo Chân thư, Hành thư, nói như vậy là hết sức bậy bạ! 
Chân thư sinh Hành thư, Hành thư sinh Thảo thư; Chân thư [thế] như đứng, Hành thư thế như đi, Thảo thư thế như chạy, chưa từng có việc chưa biết đi, chưa biết đứng mà có thể chạy được bao giờ! 
                                                                           #
5 Thư thể Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo tự thuật trên đây là 5 Thư thể chính hiện nay.
Nói như vậy không có nghĩa là trước khi 5 Thư thể này được xác lập Trung Hoa chỉ có mấy Thư thể như Giáp cốt văn, Triện thư, Lệ thư.
Theo Vi Chiêu (204 - 273), học giả Ngô triều (223 - 280) Tam Quốc, vào thời Tần đã có 8 Thư thể chính thức là:
Đại triện, Tiểu triện, Khắc phù, Trùng thư, Mô ấn, Thự thư, Thù thư, Lệ thư.
4 thể trước là những Thư thể riêng, 4 thể sau thực ra không là những Thư thể riêng mà chỉ là các Thư thể chính được dùng trong các lãnh vực khác nhau mà thôi!
+ Khắc phù là thứ chữ khắc trên Lệnh bài.
+ Trùng thư là chữ viết trên cờ xí, chữ có dạng của thú vật, chim chóc.
+ Mô ấn là Tiểu triện sửa đổi đôi chút, dùng để khắc ấn.
+ Thự thư là chữ đề trên giấy tờ Hành chánh.
+ Thù thư là chữ khắc trên binh khí
[Thù là 1 thứ vũ khí thuộc loại gậy, ở đây chữ Thù phiếm chỉ Binh khí nói chung]
(Tham khảo: Hán Thư. Qu. XXX. Nghệ Văn Chí. Tiểu học).
Trong mục liệt kê các Tác phẩm, kể cả những Thiên, trong khoa Tiểu học (Văn tự học) có Thiên “Thương Hiệt”, khi chú giải tiếng “Thương Hit” Vi Chiêu đã kể 8 thư thể trên.
Sử gia Trần Thọ (233 - 297) thời Tây Tấn (265 - 317) soạn bộ Tam Quốc Chí vì lý do kiêng húy Tư Mã Chiêu (211 - 265) nên đã đổi tên Vi Chiêu thành Vi Diệu. 2 chữ Chiêu và Diệu đều có nghĩa Sáng, đây là 1trong những nguyên tắc chuyển 1 tên phạm húy.
Với thời gian, những Thư thể không được mấy người sử dụng dần dần bị phế bỏ, hoặc không cũng xuống hàng thứ yếu!
Từ khi được thành lập tới nay Chân thưThư thể được dùng nhiều nhất, nếu căn cứ sự kiện thư tịch hầu hết đều được in với Thư thể này; và ở 1 mặt khác, đây là cửa ngõ dẫn vào Thư pháp, vì lẽ mỹ thuật của Thư pháp chỉ được thể hiện toàn diện, và đầy đủ qua những bước đầu tiên của những kỹ pháp gọi là Vĩnh tự Bát pháp:
1 +. Trắc. Nét chấm (điểm).
2 +. Lặc. Nét ngang.
3 +. Nỗ. Nét sổ (nét thẳng từ trên xuống).
4 +. Thích. Nét móc câu.
5 +. Sách. Nét xiên từ dưới lên.
6 +. Lược. Còn gọi là phiệt, hay ba, là nét xiên hướng về mé trái.
7 +. Trác. Nét xiên ngắn hướng về mé trái.
8 +. Trạch. Còn gọi là nạt, là nét xiên hướng xuống mé phải.

Gọi là Vĩnh tự Bát pháp vì đây là 8 nguyên tắc vận bút căn cứ 8 loại nét khác nhau thấy ở chữ “VĨNH” (= Lâu dài).

+ Về khởi nguyên của Vĩnh tự Bát pháp Trần Tư (? - ?) thời Nam Tống (1127 - 1279) viết như sau:
~ Cấm Kinh vân “Bát pháp” khởi ư Lệ tự chi thủy, tự Thôi, Trương, Chung, Vương truyền thụ. Sở dụng cai ư vạn tự, “Mặc đạo” chi tối bất khả bất minh dã!
Tùy tăng Trí Vĩnh phát kỳ chỉ xu, thụ ư Ngu Bí giám Thế Nam, tự tư truyền thụ chương quyết tồn yên!
                     /  Thư Uyển Tinh Hoa. Qu. II. Thư pháp. Hạ. Vĩnh tự Bát pháp  /.
~ Bộ Cấm Kinh nói “Bát phápkhởi từ chữ Lệ, được truyền thụ từ các Thư pháp gia Thôi (Viên), Trương (Chi), Chung (Dao), Vương (Hi Chi). “8 Phápnày ứng dụng cho tất cả mọi chữ, là những nguyên tắc mà giới học “Thư pháp” không thể không rõ!
Sư Trí Vĩnh đời Tùy phát huy tông chỉ những nguyên tắc này, truyền cho quan Bí giám họ Ngu (tên Thế Nam), từ đây mà việc truyền thụ mới rõ ràng, mạch lạc tới nay.
                                                                           *
Năm 1949, Cộng sản Trung Quốc lật đổ Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.
Sau khi nắm được Chính quyền, Cộng sản Trung Quốc đã thực hành việc giản dị hóa chữ viết để dân chúng có thể học Hán tự dễ dàng hơn.
Đã nói, khi đãChân thư thì sau đó hầu hết sách vở đều được in theo Thư thể này cho nên việc giản dị hóa Văn tự được áp dụng trên Chân thư. Thứ chữ giản dị hóa này được mệnh danh là “Giản thể tự”, và Chân thư trước đó được gọi là “Phiền thể tự”.

Nguyên tắc giản dị hóa khá nhiều, chỉ kể một số như sau:
1/. Bỏ bộ phận ngoài của Văn tự.
~ Chữ Khai (mở). Bỏ Bộ MÔN (cửa) bên ngoài đi để chỉ lấy phần trong để thay thế cho chữ Khai. Nguyên chữ Khai có 12 nét, giản dị hóa chỉ còn 4 nét.
2/. Bỏ bộ phận bên trong của chữ.
~ Chữ Khí (hơi). Bên ngoài là Bộ KHÍ, bên trong là chữ Mễ (gạo).
Bỏ chữ Mễ để thành chữ Khí giản thể.
~ Chữ Quảng (rộng). Bên ngoài là Bộ NGHIỄM, bên trong là chữ Hoàng (màu vàng).
Lược bỏ chữ Hoàng để chỉ lấy Bộ Nghiễm làm chữ Quảng.
Nguyên chữ 15 nét bây giờ chỉ còn 3 nét.
3/. Bỏ phần trên của chữ.
~ Chữ Điện (điện). Phần trên là Bộ VŨ (mưa), phần dưới là chữ Thân (1 trong 12 Chi) với nét Sổ viết thành nét móc.
Bỏ đi Bộ VŨ ở trên giữ lại chữ Thân ở dưới để làm chữ Điện.
4/. Bỏ phần bên của chữ.
~ Chữ Sát (giết). Bỏ đi Bộ THÙ (1 loại Binh khí cổ) bên phải.
5/. Lấy hình thức cổ của một chữ với số nét ít hơn.
~ Chữ Trần (bụi). Gồm chữ Lộc (hươu / nai) ở trên, Bộ THỔ (đất) ở dưới.
Chữ Trần thời cổ viết trên là chữ Tiểu (nhỏ), dưới là chữ Thổ.
Nguyên chữ Trần ngày nay là 14 nét, chữ giản thể chỉ còn 6 nét.
6/. Lấy hình thức thông tục thời cổ của một chữ với số nét ít hơn.
~ Chữ Loạn (loạn lạc) có tất cả 13 nét.
Chữ Loạn t thông tục thời cổ chỉ có 7 nét, gồm bên trái chữ Thiệt (cái lưỡi), bên phải là Bộ Ất (1 trong Thập Thiên Can).
~ Chữ Từ (từ ngữ) gồm 19 nét.
Chữ thông tục thời cổ thì bên trái là chữ Thiệt (lưỡi), bên phải là Bộ TÂN (cay), tất cả là 13 nét.

Hán tự thời Thuyết Văn Giải Tự, thời Đông Hán (25 - 220) phân làm 540 Bộ Thủ, đến cuối thời Minh (1368 - 1644) thì giản lược chỉ còn 214 Bộ, và được áp dụng cho tới lúc Giản thể tự xuất hiện.
Bộ thủ trong hệ thống chữ Giản thể không thống nhất:
Có sách liệt kê 250 Bộ.
Có sách liệt kê 282 Bộ.
Có sách liệt kê 227 Bộ.

Có điều, không phải tất cả Hán tự đều bị giản hóa, có nhiều chữ tương đối ít nét vẫn còn giữ hình thức cũ, chẳng hạn những chữ:
~ Hóa (biến hóa). Hòa (lúa). Hoa (bông hoa). Mễ (gạo). Cổ (xưa, cũ). Công (việc làm). Quang (sáng). Thủy (nước). Hỏa (lửa)……
Lại có những chữ nhiều nét đã không bị giản hóa, như:
~ Nhu (dẵm, đạp) 16 nét. Nãng (xưa, trước đây) 21 nét. Lâm (mưa dầm dề) 21 nét…..

Phải nói rằng hình thức chữ giản thể đã kể đã làm giảm đi rất nhiều nét mỹ thuật của Thư pháp Trung Quốc.
Có lẽ vì thế trong khoảng 10 năm trở lại đây tại Trung Quốc đã thấy khuynh hướng trở lại với hình thức nguyên thủy, Sách vở xuất bản trong khoảng thời gian này đã thấy in “Phiền thể tự” nhiều hơn “Giản thể tự”.
Trong khi đó, Đài Loan từ trước tới giờ vẫn nghiêm cấm Giản thể tự, nhưng, khoảng một năm  trở lại đây đã cho phép sử dụng “Giản thể tự”.
Thư thể không là chủ đích của Bài viết này nói chung, và phần này nói riêng, vì thế mà tôi chỉ khái thuật một vài nét chủ yếu về diễn tiến cũng như một số đặc tính của một số Thư thể, và cũng vì thế mà sau đây tôi chỉ đề cập số nào đó về trong các Thư pháp gia tiêu biểu các thời.
                                                                           &

Thư pháp gia các thời.

(1). Hán triều (206 tr. Cn - 220 Cn).
+ Thái Ung (133 - 192).
Thái Ung sở trường Triện thư, Lệ thư.
Bộ Hậu Hán Thư chép:
~ … Ung dĩ Kinh tịch khứ Thánh cửu viễn văn học đa mậu, tục nho xuyên tạc, nghi ngộ hậu học. Hi Bình tứ niên nãi dữ Ngũ quan Trung lang tướng Đường Khê Điển, Quang lộc Đại phu Dương Tứ, Gián nghị Đại phu Mã Nht Đề, Nghị lang Trương Tuần, Hàn Duyt, Thái sử lệnh Đơn Dương đẳng, tấu cầu chính định Lục Kinh văn tự. Linh đế hứa chi. Ung nãi tự thư sách ư Bi, sử công tuyên khắc lập ư Thái học môn ngoại.
Ư thị hậu nho, vãn học hàm thủ chính yên. Cập Bi thủy lập, kỳ quan thị, cập mô tả giả xa thặng nhật thiên dư lưỡng, điền tắc nhai mạch!
                                                                     /  Hậu Hán Thư. Qu. LX. Hạ. Thái Ung  /.
~ … (Thái) Ung cho là Kinh sách (nay) cách Thánh hiền đã lâu xa, Văn học phần nhiều sai lầm, bọn tục nho xuyên tạc, gieo sự nghi ngờ sai lầm cho kẻ hậu học; năm thứ 4 Niên hiệu Hi Bình cùng với các chức Trung lang tướng Đường Khê Điển bên Cơ quan Ngũ quan, Quang lộc Đại phu Dương Tứ, Gián nghị Đại phu Mã Nhật Đề, và (hai viên) Nghị lang Trương Tuần, Hàn Duyệt, Thái sử Đơn Dương, tâu xin định lại cho đúng các bản văn của Lục Kinh. (Hán) Linh đế chấp thuận.
Thái Ung liền tự tay viết Kinh Sách lên Bia, sai thợ tạc khắc đặt ngoài cổng Thái học.
Bởi vậy giới hậu nho, người đi học trẻ tuổi đều học được điều đúng. Lúc Bia vừa được người tới coi, và những người tới chép lại mỗi ngày lại xe lui tới hơn ngàn chiếc, làm tắc nghẽn cả đường phố!
[Phụ chú.
Hi Bình (172 - 178). Niên hiệu của Hán Linh đế (156 - 189; tại vị: 168 - 189).
Năm thứ 4 Niên hiệu này là năm 175].

(2). Tấn (265 - 420).
+ Lục Cơ (261 - 303), tên Tự là Sĩ Hành.
Sở trường Hành thư, Thảo thư, tác phẩm còn lại là TờBình Phục Thiếp - và đây là bản Thư pháp cổ nhất truyền tới ngày nay.
Bình Phục Thiếp đã được Lục Cơ dùng bút cùn chấm mực đã gần khô viết ra, trong nét chữ do đó có những khoảng trắng, Thư thể ở đây là Chương Thảo, được viết theo bút pháp gọi là Chiến bút.
Đây là bản viết trên giấy (chỉ bản); nguyên tờ Thiếp gồm 9 hàng / 84 chữ.
Kích thước tờ Thiếp: Cao / Rộng 28.3 cm / 20.5 cm.
Trên tấm Thiếp có một số dấu ấn của những người sưu tập, như:
~ “Tuyên Hòa”, “An Nghi Chu gia trân tàng”, “Cung Thân vương”, “Phổ Nhu”……
Ở mặt sau tờ Thiếp có lời Bạt của Thư pháp gia Đổng Kỳ Xương.
Mấy câu đầu:
~ Ngạn Tiên luy trái, khủng nan bình phc, vãng thuộc sơ bệnh, lự bất chỉ thử…
~ Ngạn Tiên mắc bệnh, sợ khó bình phục, trước tưởng bệnh nhẹ, sợ không phải vậy…
[Ngạn Tiên đây tức chỉ Cố Vinh (? - ?), bạn của Lục Cơ, Ngạn Tiên là tên Tự].

Đọc mấy câu mở đầu tờ Thiếp thì rõ Lục Cơ nghĩ mà lo cho bạn mình (Ngạn Tiên) đến không qua khỏi cơn bệnh, sẽ không bình phục (khủng nan bình phục).
Lục Cơ văn chương quán thế, và chính tài Văn chương này của ông rồi đã khuất lấp tài Thư pháp của ông.
Lục Cơ viết bàiVăn Phú, nội dung trình bày quan hệ giữa Tư tưởng / Nghệ thuật, và giảng về những đặc điểm cũng như cái hay, cái dở của các Văn thể, đồng thời luận về tu từ (luyện văn), về âm luật… toàn văn 1654 chữ. Lục Cơ dùng thể Phú viết Bài này. Thời Nam Bắc triều bài Phú này được Chiêu Minh Thái tử Tiêu Thống (501 - 531) triều Lương thu lục trong Tuyển tập Văn Tuyển (Qu. XVII. Phú Nhâm. Luận Văn).
Lục Cơ và em Lục Vân (262 - 303), Tự là Sĩ Long, là 2 Văn học gia thanh danh rất lớn cuối triều Ngô (222 - 280), đầu triều Tấn (265 - 420), thời Tam Quốc (220 - 280).
Lục Cơ và Lục Vân thuộc giòng dõi quyền thế, ông nội là Lục Tốn (183 - 245) có thời là Thừa tướng Ngô triều, thân phụ là đại tướng Lục Kháng (226 - 274) là Đại Tư Mã, nắm Binh quyền Ngô triều.

Trong tập Bút ký trứ danh Thế Thuyết Tân Ngữ tác gia Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444) thời Lưu Tống (420 - 479) ghi lại khá nhiều giai thoại về Lục Cơ, Lục Vân - ghi chép về Lục Cơ nhiều hơn - Lục Cơ tất cả 11 chỗ, trong khi Lục Vân chỉ có 5 chỗ.
Tập Bút ký Thế Thuyết Tân Ngữ chép về Lục CơLục Vân trong những đoạn của các Thiên (in đậm) như sau:
Lục Cơ.
Trong các Thiên:
Thiên Ngôn ngữ. Đoạn 28.
Thiên Văn học. Các đoạn 84, 89.
Thiên Phương chính. Đoạn 18.
Thiên Thưởng dự. Các đoạn 19, 20, 39.
Thiên Tự tân. Các đoạn 1, 2.
Thiên Giản ngạo. Đoạn 5.
Thiên Vưu hối. Đoạn 3.
Lục Vân.
Trong các Thiên:
Thiên Phương chính. Đoạn 18.
Thiên Thưởng dự. Các đoạn 20, 39.
Thiên Tự tân. Đoạn 1.
Thiên Bài điệu. Đoạn 9.
Sau hết, tôi xin nói vài giòng về Bút pháp được gọi là Chiến Bút mà Lục Cơ sử dụng trong tờ Bình Phục Thiếp nói trên.
Chữ chiến ở đây có nghĩa là rung động [chiến động] ~ và cũng là chữ “chiến” trong  các tiếng “chiến tranh”, “tác chiến”……
Trong cuốn Lịch Đại Danh Họa Ký, bộ Hội họa sử đầu tiên của Trung Hoa, viết vào cuối thời Đường (618 - 907), Trương Ngạn Viễn (? - ?) viết như sau:
~ Tôn Thượng Tử. Thượng phẩm. trung. Mục châu Kiến Đức huyện úy.
Tăng Tông vân:
- Sư mô Cố, Lục, cốt khí hữu dư. Quỉ, Thần đặc sở thiên thiện - phụ nhân dịch hữu phong thái……
Đậu Mông vân:
- An mã, thụ thạch Pháp Sĩ bất như, dữ Cố, Lục dị tích, khởi độc Quỉ thần nhi dĩ!
Lý vân:
- Tôn, Trịnh cộng sư ư Trương, Trịnh tắc nhân vật, lâu đài đương hùng bá bá.
Tôn tắc li, mị, võng, lưỡng, tham linh chước diệu. Thiện vi Chiến bút chi thể, thậm hữu khí lực, y phục, thủ túc, mộc diệp, sơn xuyên mạc bất chiến động……
                                                           /  Lịch Đại Danh Họa Ký. Đệ Bát quyển. Tùy  /.
~ Tôn Thượng Tử. Bậc trung trong Thượng phẩm. Huyện úy huyện Kiến Đức, Mục châu.
Nhà Sư (tên) Tông nói:
~ Học theo Cố (Khởi Chi), Lục (Thám Vi), Bút pháp khí lực có dư. Đặc biệt sở trường và có khuynh hướng vẽ Quỉ Thần - vẽ đàn bà cũng có phong thái……
Đậu Mông nói:
~ (Vẽ) ngựa, yên cương, cây cối, đá núi thì (Trịnh) Pháp Sĩ không bằng, Bút pháp khác với Cố (Khởi Chi), Lục (Thám Vi), có đâu chỉ vẽ Quỉ thần mà thôi!
Họ Lý nói:
- Tôn (Thượng Tử), Trịnh (Pháp Sĩ) cùng học theo Trương (Tăng Dao), vẽ nhân vật và lâu đài thì họ Trịnh Pháp Sĩ đứng đầu trong những người giỏi.
Tôn Thượng Tử vẽ Quỉ thần thì diễn tả được cái vẻ linh thiêng huyền diệu. Khéo về thể Chiến bút, Bút pháp rất có khí lực, vẽ y phục, nhân vật, cây cối, sông suối, nét Bút của tranh vẽ không gì là không rung động……
[Phụ chú:
Rung động ý nói sống động, có thần.
Qua đoạn trên của Lịch Đại Danh Họa Ký thì rõ Chiến bút vốn là Bút pháp của Hội họa, và đã được Lục Cơ vận dụng vào Thư pháp].
Về nhân vật Cố Vinh (? - 322), bạn của Lục Cơ, nói trong tờ Bình Phục Thiếp.
Họ Cố là 1 Họ nổi tiếng đất Ngô thời Tam Quốc,  ông Tổ giòng họ vốn là giòng thứ của Việt vương Câu Tiển thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn), được phong ở Cố Ấp, con cháu nhân đó lấy tên của Ấp được phong làm Họ.
Bộ Thế Thuyết Tân Ngữ có đoạn chép vế Cố Vinh như sau:
~ Cố Vinh tại Lạc Dương, thường ứng nhân thỉnh, giác hành chá nhân hữu dục chá chi sắc, nhân triệt kỷ thí yên. Đồng tọa xuy chi, Vinh viết:
- Khởi hữu chung nhật chấp chi nhi bất tri kỳ vị giả hồ?
Hậu tao loạn độ giang, mỗi kinh nguy cấp thường hữu nhất nhân tả hữu kỷ.
Vấn kỳ sở dĩ, nãi thụ chá nhân dã!
                                                     /  Thế Thuyết Tân Ngữ. Đức hạnh đệ nhất. 25  /.
~ Cố Vinh ở Lạc Dương, có lần nhận lời người mời ăn, [trong bữa ăn] thấy người đứng nướng thịt nét mặt có vẻ thèm món thịt nướng này, Cố Vinh nhân đó lấy phần của mình cho người đó. Những người ngồi trong tiệc đều chê cười Cố Vinh, Cố Vinh nói:
- Lẽ nào đứng nướng suốt ngày mà lại không biết mùi vị của món mình làm hay sao?
Về sau gặp loạn Cố Vinh qua sông, mỗi lúc gặp cơn nguy cấp thì có một người thường theo sát bên giúp đỡ.
Cố Vinh hỏi người này lý do tại sao lại cứ giúp đỡ mình như thế thì mới hay đây chính là người đứng nướng thịt trong bữa tiệc được Cố Vinh lấy phần thịt nướng của mình cho.
[Minh Di:
Cố Vinh qua sông. “Qua sông”, nguyên văn là “đ giang”.
Sử sách Trung Hoa chép về thời Tấn khi nói “đ giang” thì đây chỉ việc đầu năm 317 triều Tây Tấn (265 - 317) bị Tiền Lương (314 - 376) tấn công - thế nguy cấp, phải chạy qua bên kia Trường giang lập Đô tại đất Kiến Khang (nay là Thị xã Nam Kinh) để thành triều đại mà Sử gia sau này gọi là triều Đông Tấn (317 - 420).
Tập Trung Quốc Lịch Đại Danh Nhân Đại Từ Điển do Tổ biên tập của Ban Lịch sử Đại học Nam Kinh soạn ghi Cố Vinh không rõ sinh năm nào, chết năm 312 (? - 312).
Cuối phần tiểu sử Cố Vinh bộ Từ điển dẫn trên viết:
~ “Hiệp trợ sáng kiến Đông Tấn chính quyền”.  
~ “Phụ giúp việc thành lập chính quyền Đông Tấn”.

Đã ghi là Cố Vinh mất năm 312 thì làm sao có thể viết như trên, vì làm thế nào Cố Vinh có thể làm một việc sau khi đã chết 5 năm, tức năm 317?].

Về năm Cố Vinh qua đời thì bộ Tấn Thư chép là Cố Vinh qua đời vào năm thứ 6 triều Tấn  Nguyên đế (276 - 322; tại vị: 317 - 322), tức Vĩnh Xương (322 - 323) nguyên niên.
(Tham khảo:
Tấn Thư. Qu. LXVIII. Liệt truyện. Cố Vinh).

Trong tờ Bình Phục Thiếp Lục Cơ sợ Cố Ngạn Tiên rồi không qua khỏi, ngờ đâu ông lại chết trước Ngạn Tiên 19 năm.

Đương thời người ta gọi Lục Cơ, Lục Vân, và Cố Vinh là “Tam Tuấn” (3 người tài giỏi).
Cũng bộ Thế Thuyết Tân Ngữcho biết:
~ Trương Hoa kiến Trữ Đào, ngữ Bình Nguyên viết:
- Quân huynh đệ Long dược vân tân, Cố Ngạn Tiên phụng minh triêu dương, vị Đông nam chi bảo dĩ tận, bất ý phục kiến Trữ sinh.
                                                        /  Thế Thuyết Tân Ngữ. Thưởng dự đệ bát. 19  /.
~ Trương Hoa gặp Trữ Đào, nói với Bình Nguyên:
- Anh em ông như Rồng bay nhảy trên mây, Cố Ngạn Tiên như Phụng gáy bình minh, [cứ tưởng rồi] thứ trân quí ở vùng Đông nam đã tụ hội hết nơi 3 ông, không ngờ lại gặp thêm Trữ sinh.

Ở đoạn 20 tiếp theo đó Thế Thuyết Tân Ngữ còn cho biết:
~ Hữu vấn tú tài: - Ngô cựu tính hà như?
Đáp viết: …… Cố Ngạn Tiên bát âm chi cầm sắt.
~ Có người hỏi về người tài giỏi: - Những người cũ ở đất Ngô như thế nào?
(Có người) trả lời: …… Cố Ngạn Tiên về nhạc đánh đàn Cầm rất hay.
[Ông nội của Cố Ngạn Tiên là Cố Ung (168 - 243) thuở trẻ vốn từng theo học đàn Cầm với Văn học gia, Thư pháp gia Thái Ung (133 - 192), một danh thủ về đàn Cầm.
+ Nhị Vương.
Vương Hi Chi (321 - 379) / Vương Hiến Chi (344 - 386).
[Về năm sinh của Vương Hi Chi, có thuyết nói là 303 - 361, có thuyết nói 307 - 365, có thuyết nói 321 - 379. Điểm chắc nhất là ông mất năm 59 tuổi.
Thuyết Vương Hi Chi sinh năm 321 và qua đời năm 379 (321 - 379) tôi ghi trên căn cứ bộ Trung Quốc Mỹ thuật gia Nhân danh Từ điển của Du Kiếm Hoa (1895 - 1979)].

Luận về Thư pháp Tấn triều thì không thể không nói gia tộc họ Vương, mà nói gia tộc họ Vương thì không thể không nói Vương Hi Chi và người con út là Vương Hiến Chi.
Vương Hi Chi được Thư pháp gia tôn là Thư Thánh, Thư pháp của ông Thư pháp gia thời nào cũng học theo, nhất là tấm thiếp Lan Đình Tập Tự:
~ Vĩnh Hòa cửu niên, tuế tại Quí Sửu, mộ xuân chi sơ, hội vu Cối Kê, Sơn Âm chi Lan đình tu Hệ sự dã. Quần hiền tất chí, thiếu, trưởng hàm tập thử địa……
Thị nhật dã, thiên lãng khí thanh, huệ phong hòa sướng - ngưỡng quan vũ trụ chi đại, phủ sát phẩm loại chi thịnh……
~ Năm thứ 9 Niên hiệu Vĩnh Hòa, nhằm năm Quí Sửu, khoảng đầu cuối xuân, họp lại ở Lan đình, huyện Sơn Âm, quận Cối Kê làm lễ tẩy trần. Hiền năng tới đủ, lớn, nhỏ cùng tập hội nơi này……
Ngày hôm nay trời trong khí mát, gió đưa thư thái - nhìn lên vũ trụ bao la, trông xuống vạn vật tươi tốt……

Ngày 3 tháng 3 (âm lịch), tục của Trung Quốc gọi là ngày Thượng Tỵ, vào năm thứ 9 Niên hiệu Vĩnh Hòa (345 - 356), năm 353, thời Tấn Mục đế (343 - 361; tại vị: 345 - 361) Vương Hi Chi cùng với bà con, bạn bè, và các con ông, cả thảy là 42 người, hội họp ở quận Cối Kê, xuống sông làm lễ rũ bụi bặm theo phong tục cổ, gọi là Lễ Phất hệ.
Chính trong dịp này Vương Hi Chi đã viết 1 bài văn ngắn tự thuật lại cuộc họp mặt này. Đây chính là bài “Lan Đình Tp Tự” (“Bài Tự thuật về cuộc Họp mặt ở Lan Đình”), hoặc các tên “Lan Đình Yến Tập Tự”, “Lâm Hà Tự”, “Hệ Tự”, “Hệ Thiếp”.
Đoạn dẫn trên là đoạn mở đầu bài “Lan Đình Tp Tự” của Vương Hi Chi.

Bài Lan Đình Tập Tự gồm 324 chữ, phân ra 28 hàng, được viết trên loại giấy đặc chế từ kén con tằm (kiển chỉ); còn lông bút là những cọng râu mép con chuột (thử tu).
Cứ truyền thuyết, Vương Hi Chi viết bài Lan Đình Tập Tự trong lúc say ~ sau đó, lúc tỉnh rượu viết lại hơn chục Bản nữa nhưng vẫn không bằng Sơ Bản viết lúc say.
Chữ viết thể Hành thư, là thư thể chủ lưu thời Đông Tấn.
Trong bài, những chữ trùng như Chi, , Vi, - nhiều nhất là chữ Chi, tất cả 20 chữ, mỗi chữ là một tư thái, có một kết cấu riêng, biến hóa sinh động.
Trải các triều đại sau đó, từ Đường triều (618 - 907) trở đi, suốt cho đến ngày nay, bức Tờ thiếp Lan Đình Tập Tự của Vương Hi Chi được Thư pháp gia các thời mệnh danh làThiên hạ đệ nhất Hành thư, Thư pháp gia học theo Bút pháp của tờ Tự thiếp này thời nào cũng có.

Đổng Kỳ Xương (1555 - 1636), Thư pháp gia, Họa gia trứ danh cuối thời Minh, viết:
~ Cổ nhân luận Thư dĩ Chương pháp vi nhất đại sự; cái sở vị hành gian mậu mật thị dã …...
Hữu Quân Lan Đình Tự chương pháp vi cổ kim đệ nhất, kỳ tự giai ánh đới nhi sinh hoặc tiểu, hoặc đại, tùy thủ sở như, giai nhập pháp tắc, sở dĩ vi Thần phẩm dã!
                                                     /  Họa Thiền Thất Tùy Bút. Qu. I. Bình Thư pháp  /.
~ Cổ nhân luận Thư pháp nhận định rằng cách bố cục là việc quan trọng; nói bố cục ở đây là nói khoảng cách khít khao giữa các chữ……
Bố cục trong tờ thiếp Lan Đình Tự của Hữu Quân cổ kim đệ nhất, thứ tự các chữ liên lạc chặt chẽ, chữ này nối tiếp chữ kia, hoặc nhỏ, hoặc lớn, tùy thủ mà đúng như ý, tất cả đều hợp phép tắc, tờ Tự thiếp này là Thần phẩm là ở điểm này!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire