lundi 16 juin 2014

Càng già càng dẻo3 tác giả Bút Xuân, Trần Đình Ngọc

Đọc bài trước nơi đây
 
 
Truyện Ngắn Ngày Từ Phụ
 
Càng Già Càng Dẻo (3)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(tiếp theo)
 
 
Nhiễu nhìn ông hơi e thẹn, nhưng ông Tịnh lại thấy Nhiễu đẹp và duyên dáng quá! Điều đầu tiên ông Tịnh nhận ra là Nhiễu không già đi bao nhiêu sau hàng chục năm không gặp và trải qua ba cái tang của ba người thân nhất đời.
Vẫn dáng người mảnh mai, ăn mặc giản dị nhưng nền nã, đôi lông mày thanh tú và đôi mắt to, sâu, hơi buồn. Đôi môi không son, đôi má không phấn nhưng vẫn tươi, hai hàm răng vẫn trắng đẹp. Người này mà sang Hoa Kỳ, bớt lo nghĩ, ăn sung mặc sướng một thời gian và diện quần này áo nọ vào thì thua gì hoa hậu, hoa khôi phu nhân. Ý nghĩ đó càng làm cho ông Tịnh háo hức và tiếc rằng mình chẳng còn trẻ trung cường tráng như xưa cho cân xứng với Nhiễu và mang lại hạnh phúc thật nhiều cho Nhiễu. Thực ra, trông Nhiễu già hơn xưa một chút làm ông Tịnh lại mừng. Trẻ quá chỉ càng làm rõ rệt cái già của ông mà thôi. Giá như Nhiễu khoảng trên 60 thì quá đẹp, quá xứng!
 

Ông Tịnh kéo cái ghế, ngồi xuống, đặt mấy gói quần áo tặng Nhiễu và bánh kẹo lên bàn:
“Quà hải ngoại biếu chị Nhiễu với các cháu ăn cho vui.”
Nhiễu thay đổi cách xưng hô cho vừa lòng người đối diện. Vả lại khi xưa cũng vẫn chú cháu:
“Cám ơn chú, chú để đàng nhà cho các anh các chị dùng, cho cháu nhiều vậy!?”
“Có đáng bao nhiêu đâu.” Ông tính nói thêm: “Sau này còn gấp trăm này chứ bây nhiêu ăn thua gì.” Nhưng ông ngưng kịp thời. Đã quá lâu ông không được nghe giọng nói của Nhiễu, bây giờ nghe lại, ông như nghe một bản đàn. Người đàn bà này mà được ôm ấp, yêu thương thì có chết cũng nên đời. Quả thực từ khi có trí khôn, ông Tịnh chưa yêu ai say đắm như yêu Nhiễu.
“Chú ngồi chơi để cháu đun nước pha trà mời chú!”
“Khỏi chị Nhiễu! Tôi mới uống trước khi đi đây mà. Ngồi nói chuyện Ninh Phát cho tôi nghe xem sao!”
Nhiễu ngồi xuống chiếc ghế đối diện ông Tịnh qua cái bàn dùng ăn cơm. Đứa con bệnh của Nhiễu nằm trên cái giường phía trong, nghe mẹ về nói:
“Mẹ ơi, cho con miếng nước!”
“Cháu xin lỗi chú!” Nhiễu quay vào phía trong với đứa con bị bệnh. Ông Tịnh hỏi:
“ Cháu bệnh sao, chị Nhiễu?”
“Thưa chú nó cảm sốt. Cháu tính mai cho nó đi bác sĩ. Nó bỏ học và nằm ba bữa rồi!”
Ông Tịnh chỉ gói quà:
“Tôi có tặng chị thuốc Tylenol và Advil. Hay là chị cho cháu uống thử thuốc Tylenol xem sao có hạ nhiệt được không? Cháu mấy tuổi vậy chị Nhiễu?”
“Cháu 12 rồi chú.”
“Vậy chị cho cháu uống như người lớn, ngày 3 viên, cho cháu ăn chút cháo loãng loãng rồi hãy uống!”
“Vâng, lát nữa cháu cho nó ăn cháo rồi sẽ uống thuốc chú cho. Cám ơn chú!”
 
 
Nhiễu trở lại bàn ngồi. Sau mấy câu hỏi về hàng hóa dạo này và tình trạng buôn bán, lý do Nhiễu bán cửa tiệm di chuyển về đây, ông Tịnh xoay qua chuyện cha mẹ Nhiễu đã qua đời, ông nói bữa nào nhờ Nhiễu hướng dẫn ra thăm mộ hai bác trước khi về Mỹ cho trọn tình nghĩa bạn bè khi xưa.  Lại trở lại chuyện buôn bán  nhưng đề tài nào cũng chỉ được vài phút bởi toàn là chuyện xưa tích cũ, hai người hai thế hệ khác nhau, người ở vùng quê, kẻ ở hải ngoại làm gì có đề tài hợp với nhau mà chuyện vãn cho lâu.
 
 Hỏi han một hồi những câu hỏi vẩn vơ trên không chằng, dưới không rễ, những câu hỏi “huề vốn” không hỏi cũng biết, làm Nhiễu nhấp nhổm muốn ra bán hàng nhưng thấy ông Tịnh cứ ngồi, thì vì lịch sự, Nhiễu không dám nói gì nhưng trong lòng thì ông ơi, ông về cho tôi còn bán hàng, thổi cơm nấu cháo cho con, chúng đang nằm rên kia, còn chuyện gì để nói nữa?
 
Khách và chủ đều cảm thấy thế, sau dăm phút nữa,  ông Tịnh đứng dậy, mặc dù ông tiếc hùi hụi là cuộc nói chuyện và ngồi ngắm Nhiễu quá ngắn:
“Thôi, tôi lại thăm Nhiễu với các cháu nhé (ông cố tình bỏ quên chữ chị) . Chúc các cháu mau khoẻ. Thứ bảy này chị Nhiễu cho tôi đi thăm mộ hai bác được không?”
“Thưa chú, con cháu đang còn bệnh mà đây lên nghĩa địa đó đi về và thăm mộ cũng phải vài giờ. Cháu chưa sắp xếp được.”
“Vậy nếu Nhiễu sắp được thì cho tôi hay ngay nhé. Đây là số điện thoại tại nhà Thịnh và Hiền, con rể, con gái tôi.”
Ông Tịnh móc túi lấy ra một mảnh giấy nhỏ đã biên sẵn số điện thoại. Ông không quên biên luôn số điện thoại bên Mỹ của ông. Ông đứng lên và nói thêm:
“Nếu cần gì đến tôi, Nhiễu cứ cho hay, giúp được chị và các cháu điều gì là niềm vui của tôi. Chị đừng ngại. Vả lại trước kia khi hai bác còn sống, tôi và hai bác vẫn đối xử với nhau thân tình như người một nhà.”
“Dạ, cám ơn chú! Mà thưa chú, Nhiễu ngập ngừng, cháu chỉ xin chú vài gói kẹo cho chú vui lòng thôi. Còn tất cả những cái này xin chú mang về giùm cháu! Nhiều quá cháu không dám nhận đâu.”
Ông Tịnh chưa kịp phản ứng thì Nhiễu ấn hai, ba cái gói vào tay ông. Cùng lúc đó, con bé bán hàng gọi:
“Mẹ ơi, cái này giá bao nhiêu vậy mẹ?”
Nhiễu bỏ ông Tịnh đó, chạy ra phía trước. Ông Tịnh lại bỏ mấy gói đồ xuống mặt bàn rồi đứng đợi. Nhiễu bán xong món hàng và người khách đi rồi, ông Tịnh mới ra:
“Quà hải ngoại, không có nhiều đâu, gọi là một chút để nói lên cái tình tôi quí mến chị Nhiễu và các cháu. Hôm nào trở qua Mỹ, tôi sẽ lại chào chị và các cháu trước khi đi rồi lấy địa chỉ và số phôn để liên lạc cho vui. Khi Nhiễu cần mua gì ở bên Mỹ thì cứ thư hoặc phôn cho tôi, tôi gửi về liền!”
Nói xong, không kịp để Nhiễu trả lời, ông Tịnh quày quả bước ra khỏi cửa tiệm. Ông sợ Nhiễu từ chối món quà!
 
 
Ông Tịnh ra rồi, Nhiễu cảm thấy như đỡ một gánh nặng. Trong lời nói của ông, Nhiễu cảm thấy như có điều gì là lạ. Có lúc ông  gọi là cô Nhiễu, lúc chỉ tên không, có lúc nói với vẻ thân tình suồng sã như bạn bè. Ngày xưa khi bà Tịnh còn sống, giao dịch với mình, Nhiễu thầm nghĩ, ông Tịnh đã có vẻ gì hơi khác lạ. Ông cứ nhìn mình chằm chặp làm mình ngượng chín. Nay bà vợ ông mất rồi, ông lại thăm mẹ con mình, cho quà bánh nhiều thế này, có lẽ ông muốn đi bước nữa chăng?
 
Trên đường về, ông Tịnh ngẫm nghĩ lại cuộc gặp gỡ vừa rồi. Trước hết là con người Nhiễu. Nhiễu hơi già đi, ai không già đi, vài chục năm rồi còn gì. Tuy vậy nhưng Nhiễu vẫn còn duyên dáng lắm, cái duyên dáng cố hữu, nhất là vẻ lịch sự và giọng nói sang, trong trẻo như cung đàn. Mình cũng già rồi, ngoài bảy mươi còn gì. Nhiễu trẻ như ngày xưa thì trẻ quá, cỡ này là phải, kẻo chồng quá già vợ quá trẻ coi không được. Mà con cái chúng không ưng. Chúng phải gọi bằng dì thì cũng phải vừa vừa, trẻ quá không xong, gia đình lại xào xáo, dù là cái nết đánh chết cái đẹp.  
 
Tiền hưu cộng tiền già lo cho mình với Nhiễu, cũng dư dả. Được cái nước Mỹ rất rộng rãi. HO chẳng làm gì cho nước Mỹ nhưng nước Mỹ cho đủ thứ, từ phiếu y tế, housing, food stamp, tiền già, ăn tiêu không hết gửi về giúp Việt Nam vẫn còn dư.
Đưa Nhiễu sang đó, mới nghĩ thế ông Tịnh đã thấy bồi hồi cả dạ. Ông thật sung sướng, ông như kẻ hồi xuân, một thanh niên 20 tuổi mới biết yêu lần đầu.
 
Không, ông nghĩ, lần đầu hơn hai mươi khi xưa, ông còn lạng quạng lắm, vụng về lắm. Ông không biết hưởng tuần trăng mật, không biết rủ vợ đi tắm biển Vũng tàu, hưởng cái thú vui tiểu tư sản trong mấy khách sạn cao nghệu mới xây, không biết rủ vợ tắm chung trong những bồn tắm men trắng tinh, không biết hôn vợ trong những rạp xi-nê với những phim mùi mẫn: Vũ điệu trong bóng mờ, Gone with the wind, The Miracle, Papillon, Con ngựa thành Troie v.v… Hai vợ chồng ông có đi coi đó, nhưng chỉ coi phim, đến nắm tay vợ là cùng. Bây giờ có Nhiễu, ông quyết phải sống hết những điều ông nghĩ là chưa hưởng để bù lại khi xưa đã quá thiệt thòi.
 
Vào đến nhà, ông vừa ngồi tháo đôi xăng-đan ra thì Hiền, cô con gái lớn từ dưới bếp lên, hỏi:
“Ba đi chơi vui không ba?”
Ông trả lời nhát gừng, không muốn đứa con hỏi kỹ:
“Cũng vui.” 
“Chị Nhiễu sao hả ba?”
“À, à, chị ấy vẫn vậy. Hàng quà đông khách mua!”
“Ba thấy chị Nhiễu ra sao?”
À, cái con này lại đi sâu quá. Nó biết tỏng là mình  muốn lấy Nhiễu. Ông trả lời lừng khừng:
“Ra sao là làm sao hả con?”
“Là còn hấp dẫn không đấy ba?”
Ông hơi ngượng với con nhưng vẫn trả lời:
“Ba không cần người hấp dẫn, Hiền à. Má tụi con mất, ba như mất hai cánh tay. Ba cần có người thay thế má tụi con săn sóc tuổi già của ba mà không phiền đến tụi con. Đó là ý kiến duy nhất ba muốn đi bước nữa kẻo cô độc, cô đơn thì không ai lo cho mà con cái thì lo không được, nhất là ở Mỹ, tiêu pha về người phục vụ đắt đỏ lắm!”
“Bởi vậy con mới thấy ba hay nhắc đến chị Nhiễu. Nếu được như ba nói thì cũng tốt thôi. Nhưng con thấy chị Nhiễu là quá trẻ với ba. Con nghĩ ba kiếm người trên 65 thì hay hơn kẻo vợ quá trẻ, ba không chiều được, lại sinh ra điều ong tiếng ve, nhức đầu!
Ông Tịnh cầm cái bình thủy rót một ly nước trà:
“Con nói hợp ý ba. Cỡ 65 hay 67, 68 là tốt nhưng có dễ mà kiếm được người như vậy đâu! Hơn nữa, 65 hay 67 mà phải khỏe mạnh chứ bệnh rề rề thì chính ba phải lo cho người ta à?”
Hiền chỉ chờ có vậy:
“Ba nghĩ thế rất đúng. Già cho xứng tuổi thì không dưng đem mẹ về mà hầu, ba hầu mấy mụ sao nổi, có phải là bày ra cho khổ cái thân ba không? Còn trẻ ít bệnh, nhậm lẹ thì con cháu mình chúng khinh bỉ, chúng nghĩ chỉ vì tiền chứ đâu có tình yêu, nguyên gia đình mất vui, cha con gấu ó, ba có hưởng được một chút cũng không bõ. Ấy là chưa kể sức lực ba bây giờ, con nói ba đừng buồn, chưa được một phần trăm khi còn trẻ! Làm sao ba chiều chuộng người vợ còn hơ hớ của ba được. Đưa sang Hoa Kỳ ít lâu, các cô gái trẻ lại đua đòi lái xe đi làm, đi chơi rồi bỏ ba theo mấy thằng trẻ trẻ cùng cỡ tuổi. Ấy là ba khó sống!”
Ông Tịnh bực mình nhưng vẫn phải nhẹ nhàng với Hiền:
“Bởi thế phải kiếm người tử tế, người tốt mà mình đã biết tính nết khi xưa đấy con. Chị Nhiễu thì ba nghĩ  là …rất được, lại con ông bà bạn thân với ba. Dù sao chị không đến nỗi…”
“Chị Nhiễu tính nết được nhưng chị mới bốn mấy, còn trẻ quá, thua cả tuổi con. Nếu ba cứ  nhất quyết lấy vợ thì để con nhờ bà mai này. Bà mai sẽ kiếm cho ba một bà tròm trèm tuổi 65, 67, hơn là chị Nhiễu trẻ quá!”
Hảo vào nãy giờ, cũng chêm vào:
“Phải đấy ba. Cứ nghĩ phải gọi Nhiễu bằng cô hay bằng dì là máu con nó uất lên rồi!”
Mục đích đám con ông Tịnh là hãy cứ làm trở ngại vụ Nhiễu. Khi ông Tịnh thay đổi ý kiến sang một đối tượng khác, lúc đó sẽ liệu sau, nhưng cương quyết là ông Tịnh không thể đi bước nữa như ông mong mỏi. Giờ này “định mệnh” hay số phận của ông là do các con ông quyết định chứ không phải ông!
Nhưng ông Tịnh phản đối ngay:
“Đành thế, mà con biết không. Tuổi tác đã vậy lại còn phải hợp tính hợp tình. Ở với nhau mà ông chẳng bà chuộc thì chẳng thà ở một mình cho xong!”
Thịnh và Uy, hai anh con rể cũng tham gia cuộc tranh luận nhiều lần nhưng chẳng dám nói gì. Chỉ hai cô con gái. Hảo tiếp theo:
“Phải đấy ba. Tụi con nghĩ ba cứ ở một mình là hay nhất. Có đau ốm thì đã có nhà thương, bên Mỹ thiếu gì, ba có thẻ Medi-cal, thuốc men và bác sĩ miễn phí. Dù chúng con không có ở Mỹ nhưng ba có hai cậu con trai với vợ con, hai cô con gái út lo cho ba, ba cần gì một người đàn bà tự nhiên tự lành ở đâu nhảy vào gia đình mình, làm xáo trộn hết cả! Thôi ba ngồi nghỉ đi, chúng con đi làm  cơm ba ăn!”
 
Có bữa, sau khi ăn cơm, ngồi hỏi chuyện bên Mỹ, ông Tịnh nói một chập rồi bảo:
“Người Việt mình còn cổ lỗ lắm. Mỹ người ta văn minh hơn nhiều.
Ông cháu cũng như bạn, già trẻ bao nhiêu làm bạn với nhau cũng được hết. Họ chỉ gọi nhau bằng tên, không chú bác, cụ kị, cô dì chi hết bởi có họ với nhau đâu. Gọi như trong gia đình vậy rất khó.”
“Khó là khó làm sao hả ba?” Thịnh hỏi.
“Khó cư xử với nhau chứ sao. Xưng cháu xưng chắt với nhau thì còn làm bạn làm sao được?”
Hảo tiếp ngay:
“Thế không lẽ bây giờ ba gọi chị Nhiễu là cô rồi chúng con cũng phải gọi chị ấy là cô là dì, vai vế với má con sao? Chị ấy lại gọi ba là anh, thế thì chết con cũng không chịu đâu ba.”
 
Ông Tịnh thấy mấy đứa con muốn nổi nóng, ông dịu giọng vì dù sao, đây là nhà chúng nó, không phải nhà ông:
“Thì mới nói vậy thôi mà. Xa ba chưa bao lâu mà con có vẻ nóng sảng nhỉ.”
“Con không nóng sảng đâu ba. Má mới mất được hơn hai năm. Ba thì cũng lớn tuổi rồi, đa mang vào chỉ tổn thọ chứ ích gì. Tụi con biết nhiều ông già Việt kiều về cưới vợ trẻ đem sang Mỹ, chẳng bao lâu, có ông chưa được một năm đã ra nghĩa trang, bỏ vợ trẻ lại. Một ông chết ngay đêm tân hôn ở Đà lạt. Ba nên coi đó làm tấm gương mà chỉ ở với con với cháu là tốt hơn hết.”
 
Mặt ông Tịnh rầu rầu:
“Chúng mày đâu có biết cho ba. Từ ngày má mất đi ba sống buồn khổ lắm, cô độc lắm...”
Hảo cắt ngang:
“Má mất đi là má thiệt phận, chúng con thiệt phận, ba thiệt phận. Con biết má chưa muốn chết tí nào, lại cũng còn trẻ. Ba mất má như mất người bạn, ba buồn là đúng chứ ba đâu có khổ hả ba?”
“Chúng mày làm sao biết được? Đứa nào cũng no vợ đủ chồng còn buồn khổ gì nữa. Chúng mày chưa biết đấy, ông cụ Súc bên Mỹ, tiểu bang Texas, bà ấy mới mất có một tháng, ổng đòi qua Cali cưới bà bạn quen mới 58 kia thì sao?”
Hiền xen vào:
“Mấy ông già dịch, mấy người đàn ông hư thân mất nết đó thì ba lý tới làm gì hả ba? Sao ba không nghĩ có nhiều nhà tu họ hi sinh cả cuộc đời cho lý tưởng, họ có vợ con gì đâu, mà họ cũng chả sao. Ba nên bắt chước mấy nhà tu đó vì bây giờ ba cũng bảy mấy rồi. Ba coi chú Xương mới đến thăm ba đó. Chú còn trẻ hơn ba mấy tuổi, xung quanh thiếu gì gái mà chú cứ ở vậy lo cho con, đứa đi lấy chồng, đứa đi hỏi vợ, ai cũng phải nể chú!”
Ông Tịnh đã cố nhịn nhưng cũng muốn đổ quạu:
“Mặc chú Xương. Mỗi người có một cuộc đời. Ba chỉ biết ba, không biết ai khác. Bây giờ chúng mày lại bắt ba làm một ông Hoà thượng hay một ông Giám mục? Tao đâu có muốn làm Hoà thượng hay Giám mục? Tao chỉ là ông Tịnh, về già cũng cần người săn sóc cho nó xong cái kiếp người buồn khổ này đi thôi. Để cho họ làm Hoà thượng với Giám mục. Tao chỉ làm dân dã. Nếu như sau này tao bệnh ra đấy, chúng mày có săn sóc được không, giường cứt chiếu đái không? Nhưng người nào chắp nối với tao thì họ cũng giữ bổn phận của họ, nhất là những người có nết tốt, biết ăn ở như chị Nhiễu...”
“Con nói thật với ba. Ở đó mà có người lo giường cứt chiếu đái cho ba. Hay nó ở, dở nó xéo, trăm đứa thì hết chín mươi chín. Bây giờ ba thử nằm liệt đấy xem có đứa nào vô không. Họ nghĩ là ba có tiền, nhiều tiền. Dù sao đi Mỹ thì họ cũng sướng cái thân họ.
Thôi kệ ba, ba muốn làm gì ba làm. Tụi con chỉ thương má nói vậy. Ba muốn tính sao tùy ba. Tụi con nào có quyền gì với ba đâu!”
 
Không khí trong gia đình, hôm đi đón ông Tịnh vui là vậy, mới chỉ hơn một tuần đã quá rầu. Ấy là Hiền và Hảo không biết cái gói quần áo ông Tịnh mua tặng Nhiễu mà chỉ nghĩ là kẹo bánh thông thường. Nhưng nó chính là 2 cái váy, 2 cái quần jean và bốn cái sweater ông Tịnh đã mua ở Nordstrom, tuyệt đẹp vì cái giá của nó không rẻ chút nào, quần, váy cả trăm và áo sáu, bảy chục một cái.  Ông tiêu cho ông rất hà tiện nhưng với Nhiễu, ông không so đo bởi cuối đời, có được một người yêu xinh đẹp và nết na như Nhiễu không phải là dễ kiếm. Ông đã tính toán cả, nhận được mấy bộ này với vài hộp son phấn Estée Lauder rất hiếm ở Việt Nam, Nhiễu ắt hiểu ra ông yêu Nhiễu tha thiết và muốn chắp nối với Nhiễu. Ông tính mua thêm quần áo lót vì nó đẹp mê hồn, những cái xì líp đủ mầu bằng lụa mỏng tanh, những cái nịt ngực nhập cảng từ Pháp chỉ coi đã thấy bồn chồn rạo rực, nhưng ông ngần ngừ lại thôi. Chưa đủ thân đến độ mua tặng đồ lót.
 
Từ bữa đi thăm Nhiễu về, cha con ông Tịnh dường như xa cách cả ngàn cây số vì bóng dáng một người đàn bà. Nhưng người đàn bà ấy, chị Nhiễu, chị đâu đã bằng lòng ông Tịnh. Tất cả chỉ mới là ý kiến ông Tịnh thích tục huyền mà thôi.    
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
 

           


 
Trong bài viết này, tác giả có đề cập đến chuyện đánh Tổ Tôm và đánh Chắn. anh chị nào có biết thú đánh này xin chia sẻ thêm.
Tôi sẽ post thêm articles này qua trang Blog tiếp theo vì nơi đây chúng ta nên dành cho bài viết của anh Bút Xuân muốn chia sẻ.
Mỗi lần đọc những câu chuyện của anh Bút Xuân viết , tôi khám phá ra những thói quen của những người thời anh sống ở nơi quê hương anh và thỉnh thoảng có những đặc sản thời bấy giờ.
Caroline Thanh Hương

 
 
 
 
 



 Đọc tiếp ở đây
http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/06/cang-gia-cang-deo-4-but-xuan-tran-inh.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire