mercredi 4 juin 2014

Năm VN tại Pháp : Từ 11/6 đến 26/6 Chiếu phim VN tại Viện lưu trử phim ảnh của Pháp Cinémathèque Française, 51 rue de Bercy 75012 Paris ĐT 01 71 19 33 33 Métro Bercy

Đây là một dịp tốt để nắm chắc Toàn cảnh Điện ảnh VN,hiếm có.

 
 
 
 
Viện lưu trữ phim ảnh Pháp giới thiệu "Toàn cảnh Điện ảnh Việt Nam"
Toàn cảnh Điện ảnh Việt Nam tại Cinémathèque Française giới thiệu khoảng 35 phim về Việt Nam (DR)
Toàn cảnh Điện ảnh Việt Nam tại Cinémathèque Française giới thiệu khoảng 35 phim về Việt Nam (DR)

Trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp, Viện lưu trữ phim ảnh của Pháp Cinémathèque Française tổ chức hai tuần lễ chiếu phim Việt Nam tại Paris. Khoảng 35 tác phẩm đủ loại được trình chiếu trong chương trình mang tên Toàn cảnh Điện ảnh Việt Nam từ ngày 11/06 đến 26/06/2014.

Được thành lập từ tháng Mười năm 1948, Cinémathèque Française là trung tâm của Pháp chuyên lưu trữ phim ảnh. Nằm tại số 51 phố Bercy, ở Paris quận 12, cơ quan này hiện nay có nhiệm vụ cất giữ, phục hồi và phổ biến các di sản điện ảnh. Thư mục của Cinémathèque Française có hơn 40.000 bộ phim và thu thập hàng triệu các tài liệu liên quan tới điện ảnh, đây là một trong những trung tâm lưu trữ lớn nhất về nghệ thuật thứ 7.
Trong chương trình chiếu phim "Panorama du Cinéma Vietnamien" vào tháng Sáu, Viện lưu trữ phim ảnh Pháp đã muốn giới thiệu với công chúng một nhãn quan khá mở rộng về điện ảnh Việt Nam, đa phần là phim truyện, phần còn lại là phim tài liệu. Chương trình chiếu phim giới thiệu góc nhìn của các đạo diễn Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, cũng như nhãn quan của các đạo diễn ngoại quốc.
Trong thể loại phim truyện, đa phần là các tác phẩm quay ở trong nước và chủ yếu là ở miền Bắc từ sau năm 1975 trở đi, điển hình qua các tác phẩm như ‘‘Chom và Sa’’ (1978) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam hay Cánh đồng hoang (Terre Dévastée -1979) của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Theo Viện lưu trữ phim ảnh của Pháp, tiêu chuẩn chọn phim chiếu cho chương trình này là những bộ phim truyện có lưu trữ bản nhựa 35 mm (36 mm x 24 mm) ở Pháp. Phải chăng đó là yếu tố duy nhất giải thích vì sao điện ảnh miền Nam Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng trong một chương trình gọi là Toàn cảnh điện ảnh Việt Nam ?
Cũng cần biết rằng điện ảnh ở miền Nam Việt Nam có từ những năm 1930 thời Pháp thuộc, và từ cuối thập niên 1960 trở đi, đã phát triển khá mạnh mẽ, bước vào thời hoàng kim, với hơn 30 hãng phim hoạt động thường trực, mức sản xuất trung bình là 25 phim mỗi năm, từ năm 1970 đến 1974. Trong giai đoạn này, điện ảnh miền Nam nhiều lần tham dự các liên hoan phim quốc tế tại Tây Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan ….
Trong số các bộ phim từng ăn khách ở miền Nam có các bộ phim tình cảm xã hội Như giọt sương khuya, Men tình mùa hạ, Nắng chiều, Đời chưa trang điểm, Tiếng hát học trò, Xa lộ không đèn, Mãnh lực đồng tiền, Người tình không chân dung, phim hài như Năm vua hề về làng, Tứ quái Sài Gòn, Sợ vợ mới anh hùng, phim võ như Long hổ sát đấu, Hận thù, Quái nữ Việt quyền đạo, phim dựng theo tác phẩm văn học như Gánh hàng hoa Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Chân trời tím ….
Dù gì đi nữa, chương trình chiếu phim tháng Sáu tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp giới thiệu với người xem nhiều thế hệ đạo diễn Việt Nam, từ các thế hệ trước như Phạm Kỳ Nam (Chom và Sa), Nguyễn Hồng Sến (Cánh đồng hoang), Phạm Văn Khoa (Chị Dậu) ... cho đến các tên tuổi thường tham gia các liên hoan phim quốc tế như đạo diễn Đặng Nhật Minh (Mùa Ổi, Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho đến tháng Mười) hay Bùi Thạc Chuyên (Chơi Vơi, Sống trong sợ hãi, Cuốc xe đêm) mỗi tác giả đều có đến ba phim trong chương trình này.
Trong số các đạo diễn sau này chuyên làm phim tài liệu có Đoàn Hồng Lê (Đất thuộc về ai), Trần Phương Thảo (Trong hay ngoài tay em), Nguyễn Thị Thắm (Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng). Thể loại phim truyện có Nguyễn Thanh Vân với Đời Cát, Phan Đăng Di với Bi đừng sợ, Việt Linh với Mê Thảo thời vang bóng, Đỗ Minh Tuấn với Ngọn đèn trong mơ. Trong thể loại phim thương mại có Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn, hay Hot Boy nổi loạn của Vũ Ngọc Đảng.
Về phía các đạo diễn Việt Nam sống ở nước ngoài, có Trần Anh Hùng với tác phẩm Cyclo, Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu, và đạo diễn Lê Lâm với bộ phim tài liệu Công Binh, Đêm dài Đông Dương. Kể từ khi ra mắt khán giả ở Paris, bộ phim Công Binh của đạo diễn Lê Lâm đã không ngừng được đưa đi công chiếu ở nhiều nơi và đoạt giải tại nhiều liên hoan phim tổ chức tại Pháp cũng như tại châu Âu.
Chương trình chiếu phim Việt Nam tại Cinémathèque Française, cũng không khác gì cho lắm so với liên hoan phim châu Á Vesoul tổ chức hồi tháng Hai vừa qua, cũng chọn Việt Nam làm điểm nhấn. Đối với những ai muốn đi xem phim tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp, có hai điểm cần lưu ý. Ngoại trừ những ngày cuối tuần có thêm xuất chiếu phim vào buổi chiều, thì mỗi ngày chỉ có một xuất chiếu phim duy nhất, thường là sau 7 hay 8 giờ tối.
Đa số các buổi chiếu phim tại Viện lưu trữ phim ảnh của Pháp ngoại trừ các xuất đầu tiên đều diễn ra trong phòng chiếu phim Georges Franju, chỉ có khoảng 170 ghế ngồi. Do vậy quý thính giả và các bạn nào ở Paris và các vùng phụ cận, quan tâm đến chương trình này nên giữ chỗ trước bằng cách đặt vé ở trên mạng. Khác với các liên hoan điện ảnh thường có nhiều xuất trải đều trên lịch chiếu phim, Cinémathèque Française chỉ giới thiệu mỗi phim có một lần, và như vật buộc khán giả phải có chuẩn bị từ trước nếu muốn có vé vào rạp.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire