dimanche 29 juin 2014

Những câu chuyện chưa kể về Bùi Giáng - Bài 1 Khi Bùi Giáng ăn cháo lòng bò



Bùi Giáng ngao du cùng xích-lô Sài Gòn
Bùi Giáng ngao du cùng xích-lô Sài Gòn
Bùi Giáng là hiện tượng đặc sắc trong Thi ca. Viết về ông đã có nhiều các nhà phê bình và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng hình như rất ít những "góc nhìn" bình dân "soi ngắm" ông trong khi Thi sĩ  là Kẻ sĩ "thõng tay vào chợ". Một Thế Giới giới thiệu một số mẩu chuyện về Bùi tiên sinh qua ký ức và nỗi nhớ của những người dân lao động bình thường... 
Bùi Giáng trong mắt một nhạc công

Bùi Giáng là một hiện tượng văn học độc đáo. Khi còn sống cuộc đời ông đã gắn bó với nhiều giai thoại và sau khi ông mất nhiều giai thoại đã trở thành… huyền thoại. Vì sao? “Bởi nhiều chuyện về cuộc đời ông không còn có thể kiểm chứng – anh Phan, một nhạc công chơi trống ờ Sai Gòn Star cho Một Thế Giới biết: Sau ngày ông mất những câu chuyện đó được xem như là… đương nhiên! Và người nghệ sĩ lớn nào không lấp lánh những huyền thoại?”.
 Bùi Thi sĩ là một hiện tượng độc đáo của Thi ca Việt Nam
Anh Phan kể mình cũng là một trong những người được Bùi rất mến. Vì thế, anh có rất nhiều kỷ niệm riêng với ông. –“Tôi là dân đọc sách. Đặc biệt là sách của Bùi Giáng. Cả những sách dịch của ông! Không hiểu vì sao chữ nghĩa của ông nhiều và khủng khiếp đến vậy! Ông chuyển dịch thôi cũng khiến chúng ta mê ly. Ví như các tựa sách Hòa âm điền dã của André Gide, ông dịch từ nguyên tác La symphonie pastorale nghe thánh thót, cảm nhận hết hơi thở hòa quyện của thiên nhiên. Hay Hoàng tử bé từ Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry. Trước đó có nhiều tựa khác như Hoàng tử con, Cậu hoàng nhỏ của các dịch giả khác… nhưng dư luận vẫn chú ý bản dịch của Bùi hơn.
Vì sao? Thứ nhất, bản dịch đậm chất văn chương và ông bố bà mẹ nào không yêu con mình, không xem con là một hoàng tử bé? Chữ nghĩa của Bùi Giáng vừa cao siêu vừa gần gũi là chỗ đó. Nó gợi cảm, gắn bó, giao cảm thiết thân và sâu xa với người đọc…”.
 Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn cùng ăn cơm
Anh Phan kể “công việc nhạc công, chơi trống ở một bar cao cấp phải làm hàng đêm, bắt đầu từ 8 giờ, nên tạo cho tôi một đời sống đặc biệt. Tôi thường dậy buổi trưa và đọc sách đến chiều. Tôi cảm nhận chữ nghĩa xô lệch của ông. Phải ở trong một chiều kích nào đó của đời sống nghệ sĩ mới cảm được hết thân phận của người nghệ sĩ trình bày qua tác phẩm của họ…”.
Và anh đã để thời giờ tìm hiểu, thăm dò nhiều nguồn, nhiều người để đến “bái sư phụ” hay gặp “cố nhân”. Thật may mắn, qua một người bạn hướng dẫn, anh đã biết Bùi Giáng đang sống ở một ngôi nhà ở Gò Vấp Sài Gòn. “Bùi Giáng rất thông cảm với công việc của tôi – anh Phan nhớ lại – Ông cho biết mình rất thích âm nhạc. Đã từng muốn học chơi piano và sáng tác nhưng sau đó biết mình không có khả năng! Vì thế ông rất quý mến Trịnh Công Sơn, một người mà ông nói là “xuất quỷ nhập thần” ra vào như không trong âm nhạc. Viết lách hay sáng tác ai cũng có thể làm được! Nhưng để đi đến cùng thì chỉ có… số mệnh! Bùi nói: “Như con cá nó biết lội, con chim nó biết bay, thằng thi sĩ biết làm thơ! Nhưng thơ là gì thì hắn không biết…”.
Một tác phẩm tuyển chọn Thơ Bùi Giáng khá đặc sắc được Nhã Nam đầu tư và xuất bản gần đây
-“Bùi Giáng quan tâm đến tôi và công việc của tôi vì ông thích sự khác người – anh Phan cho biết. – Bùi nói, chơi nhạc đó là một công việc thú vị!. Mà lại sống về ban đêm, khi mọi người đã đi ngủ hết!. Phần lớn ai cũng có thể nói về nhịp điệu đời sống, và những gì chỉ thấy được rõ ràng ban ngày. Còn ban đêm hình như ít người biết rõ, thậm chí rất phân vân và mù mờ!. Nó như những khoảng tối trong tâm hồn…
-Tôi thường lại nhà và đưa Thi sĩ đi chơi!- anh Phan kể: - Hai nơi Bùi Giáng thường nói tôi chở đi là chùa Già Lam và một quán cháo lòng bò ngồi ngoài trời ở chợ Gò Vấp. Ông rất thích ăn cháo lòng ở đây! Nhưng không bao giờ gọi là cháo lòng bò mà ông thường tiếu ngạo bằng một thứ cháo khác của bò. Và cứ nhắc đi nhắc lại hai chữ cháo bò đó theo cách của ông và cười rất sung sướng! Cười rất to…”   
(Còn tiếp)
Nguyễn Hữu Hồng Minh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire