vendredi 20 juin 2014

Những câu chuyện về gác thi

 

Mùa bãi trường sắp đến, khiến cho ai cũng bồi hồi nhớ lúc thi cử. Dưới đây là những câu chuyện về chuyện gác thi của người trong nước viết cho xã hội hiên nay. Vì vậy, các anh chị nào không thích đọc văn chương mới, xin bỏ qua nhé.

Caroline Thanh Hương

Những câu chuyện về gác thi

Thanh Trắc Nguyễn Văn - 19-06-2013 05:51:26 AM
Câu chuyện vui về số “đại quý”

Có một câu chuyện vui thế này. Ngày xưa có một chàng trai khôi ngô tuấn tú nghe đồn trên núi cao có một vị ẩn sĩ có có tài tiên tri, có thể “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự” nên chàng quyết lên núi tìm. Sau bao ngày vất vả chàng đã tìm được vị ẩn sĩ để xin hỏi về tương lai của mình. Vị ẩn sĩ ngồi trầm ngâm bên chàng hồi lâu rồi bất ngờ “phán” chàng có tướng số vô cùng đại quý! Ông nói tướng của chàng có tới ba điều rất quý.

Cái quý thứ nhất là chàng có lá số tử vi hưởng cách “nhất hô bá nặc”. Nghĩa là sau này chàng chỉ cần hô một tiếng là có trăm người dạ thưa, uy quyền lừng lẫy. Cái quý thứ hai là chàng có số đại phú, chàng sẽ được lãnh rất nhiều loại lương, ký tên lia lịa đến mỏi cả tay và lãnh tiền cũng không kịp đếm! Cái quý thứ ba là chàng sẽ được giữ những chức vụ cực kỳ quan trọng, luôn được giao giữ và phân phát những hồ sơ tuyệt mật của quốc gia.


Chàng trai mừng lắm vội lạy tạ vị ẩn sĩ và ra về đợi tin tốt lành. Sau này cuộc đời xô đẩy chàng làm giáo viên! Chàng giận lắm cho rằng vị ẩn sĩ đã đoán sai. Nhưng rồi nhiều lần chàng cũng nghiệm ra rằng nhà ẩn sĩ đoán cũng không có gì là trật. Cứ mỗi khi giảng bài trong lớp xong chàng lại hỏi: “Các em có hiểu bài không?”. Lập tức gần năm mươi cái miệng học trò cùng đồng thanh thưa: “Dạ, hiểu”. Cái đó không phải “nhất hô bá nặc” thì là gì? Lương cũng thế, lãnh thì chẳng được bao nhiêu, nhưng cứ đến tháng thì ký tên không biết đến bao nhiêu là khoản, ký nhận đến toát mồ hôi không biết bao nhiêu là trang giấy. Mỗi khoản nhiều nhất thì được một triệu đồng, ít nhất thì chỉ được năm mươi ngàn đồng... Tính ra ký nhận tiền thì ký rất nhiều chữ ký mà tiền lương chỉ tròm trèm không hơn năm triệu đồng một tháng. Sống dù độc thân cũng phải thắt lưng buộc bụng thật kỹ, ăn uống thật kham khổ thì họa may mới có thể sống nổi. Đúng như ẩn sỉ đã đoán tiền lãnh lắt nhắt quá nên chàng cũng không buồn đếm, vì có đếm cũng chẳng được bao nhiêu! Vui nhất là khi đi gác thi Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông, gác thi vào lớp 10, gác thi nghề, rồi gác thi đại học; cầm trong tay phong bì đề thi có dòng chữ “Tuyệt mật” được đóng dấu cẩn thận của Bộ Giáo Dục, chàng trai mới ngộ ra hiểu đó là cái “đại quý” thứ ba của mình!

Hóa ra làm giáo viên được đi gác thi có số “đại quý” là như vậy!


Câu chuyện ve sầu

Đi gác thi Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông là một công việc vô cùng cực nhọc và căng thẳng. Năm nay, tôi và một số giáo viên cùng trường được phân công đi gác thi ở một trường trong quận 9. Tuy được gọi là “quận” nhưng quận 9, thực chất chỉ là một huyện ngoại thành, lại có vị trí rất xa trung tâm Sài Gòn và nằm tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Nhà trường hợp đồng xe để đưa đón chúng tôi đi gác thi. Muốn đi đúng giờ, chúng tôi phải có mặt khoảng năm giờ sáng để xe kịp khởi hành. Xe lăn bánh, rất tội nghiệp nhiều thầy cô vừa gặm bánh mì vừa ngủ gà gật trên xe.

Trong những ngày gác thi ở quận 9, tôi và nhiều đồng nghiệp đã được nghe những tiếng ve sầu vang vọng thành một dàn đồng ca mùa hè khá đặc sắc, điệu nhạc mà tại những sân trường trong nội thành ít khi nghe được. Một cô bạn là giáo viên sinh vật đã thú vị cho tôi biết chỉ có các chú ve sầu đực mới kêu được còn ve sầu cái thì không!

- Sao lạ lùng vậy? – Tôi ngạc nhiên hỏi

- Vì chúng thất tình mà, có thất tình mới làm thơ! Người ta thường nói các thi sĩ ve sầu là như vậy đó! – Một cô giáo dạy môn văn vui vẻ góp vào.

Ve sầu đực kêu được không phải nhờ miệng mà là nhờ ngực và bụng. Các chàng ve sầu kêu cũng chính là điệu nhạc tình quyến rũ các cô ve sầu cái. Sau đó các “thiếu phụ” ve sầu “thọ thai”, chúng đào những rãnh nhỏ lên các vỏ cây và đẻ trứng vào đó. Khi trứng nở, ấu trùng ve sầu rơi xuống đất và đào sâu vào lòng đất. Hầu hết các loài ve sầu có vòng đời từ hai đến năm năm, có loài ve sầu cá biệt như loài ve sầu Magicicada có vòng đời mười bảy năm. Chúng có vòng đời dài như vậy cũng là để tránh các kẻ thù như bọ ngựa, ong bắp cày, ... vẫn thường xuất hiện ăn thịt ve sầu. Giai đoạn cuối cùng các ấu trùng ve sầu ngoi lên mặt đất, chúng lột xác tại một cái cây gần đó và trở thành ve sầu trưởng thành.

Sau khi nghe cô bạn dạy môn sinh vật nói xong, tôi mới hiểu vì sao nhiều trường ở nội thành, trong đó có trường mà tôi đang dạy lại không có ve sầu. Sân trường hầu hết đều được lát bằng những tấm đan bê tông dày, các con đường và các hẻm nhỏ quanh trường cũng đều đã được tráng nhựa. Hỏi có còn “miếng đất” nào cho ấu trùng ve sầu từ dưới đất ngoi lên? Có lẽ rồi sẽ đến một ngày ve sầu sẽ hoàn toàn tuyệt chủng vì tốc độ đô thị hóa chóng mặt của con người trên trái đất hiện nay. Bấy giờ tiếng ve sầu sẽ chỉ còn là “huyền thoại”, sẽ chỉ còn là ký ức trong các bài thơ, các bản nhạc viết ca ngợi về mùa hè. Nếu đúng như vậy thì thật buồn thay cho các chàng trai ve sầu!


Câu chuyện về một cô giáo dạy văn

Tên cô là N., cô là giáo viên dạy môn văn lớp 12 của lớp tôi chủ nhiệm. Cô dạy rất tận tụy nhưng lại bị rất nhiều học sinh ghét! Nhiều học sinh ghét cô N. có thể chia làm nhiều loại như sau:

 Các em ghét cô vì các em không thích môn văn. Nhưng khổ một nỗi môn văn lại là môn chính trong chương trình lớp 12, và là một trong sáu môn thi Tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học.

Nhiều em ghét cô vì đã học thêm luyện thi đại học bên ngoài rồi. Chưa kể có em còn học thêm môn văn với giáo viên văn cũng là “nhà thơ” có uy tín trên thi đàn, nên các em sớm có ý nghĩ  xem thường cô giáo dạy văn trong lớp.

Nhiều em ghét cô vì cô “bắt học” nhiều quá! Bài học nào trong sách giáo khoa cũng học. Cô không chịu “dạy tủ”, không chịu “bỏ bớt bài” cho các em!

Là giáo viên chủ nhiệm tôi là người đầu tiên phải hứng chịu những phản ứng của học sinh. Tôi đã giải thích rất nhiều nhưng rất tiếc nhiều phụ huynh không hiểu, đã vậy còn phản ứng không tốt với cô giáo.

Một em nữ trong lớp không thuộc một chữ nào trong bài học mà cô giáo dạy văn đã dặn phải trả bài, cô N. gọi điện thoại than phiền với phụ huynh. Lập tức ngày hôm sau, có giờ văn, phụ huynh xin cho em đó nghỉ học trọn ngày với lý do là học văn nhiều quá bị nhức đầu!

Một em nam trong lớp ngồi học môn văn cứ thiếu tập trung, không chịu nghe cô N. giảng. Tôi gọi điện thoại cho phụ huynh xin giúp đỡ. Và phụ huynh đó đã “giúp đỡ” bằng cách cứ đến giờ văn, thường là 2 tiết cuối, phụ huynh lại đến trường xin giám thị cho em về sớm vì “bận việc gia đình”!

Và còn biết bao những thái độ khác nữa... Lo lắng cho học sinh vì lớp có quá nhiều em học môn văn còn yếu, sốc vì bị học sinh phản ứng một cách quá đáng, mệt mỏi vì phải giảng dạy tận lực, đã khiến cho cô N. trong những ngày cuối cùng ôn thi cho các em trở nên hốc hác và gầy gò đi trông thấy. Tôi không biết gì hơn là phải thường xuyên an ủi cô, phải thay mặt lớp xin lỗi cô và động viên cô xin đừng bỏ rơi các em...

Gác thi xong môn văn, tôi nhận được điện thoại của một em học sinh trong lớp chủ nhiệm. Em báo bài thi môn văn em làm rất tốt, phần nào cũng làm được cả vì cô N. khi ôn thi trong lớp đã dạy đủ hết rồi và mỗi bài cô lại dạy rất kỹ. Tôi bỏ cả ăn trưa vội chạy đi gặp cô N. để báo tin. Cô N. không nói gì nhưng tôi thấy ánh mắt của cô ngấn lệ...

Và ngày có bảng dán kết quả thi tốt nghiệp cũng đến, sau khi xem kết quả tôi vô cùng vui mừng vì lớp đã đậu 100%. Điểm thi văn của các em trong lớp tôi chủ nhiệm đều đạt trên 5 điểm. Lớp tôi lại có hai em là đồng thủ khoa của trường (53,5 điểm), điểm văn của hai em cũng khá cao, một em tám điểm, một em bảy điểm rưỡi. Đây là niềm vinh dự của lớp, vì lớp tôi chỉ là một lớp trung bình yếu, không phải là một trong những lớp chọn của trường, thế mà lại có đến hai đồng thủ khoa trường. Một vinh dự mà trước đó tôi dù có nằm mơ cũng không thấy được!


Câu chuyện về thi Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông

Mở khoa thi là để chọn nhân tài. Năm 1075 vua Lý Nhân Tông bắt đầu mở khoa thi đầu tiên ở nước ta. Sau gần một ngàn năm phong kiến nước ta chỉ có khoảng hơn 300 vị tiến sĩ. Nhưng từ năm 2012 nghe nói nước ta đã có đến khoảng 20.000 vị tiến sĩ đang sinh sống trong nước. Tiến sĩ thì nhiều nhưng công trình khoa học nước nhà vẫn chưa thấy có gì đáng kể, vẫn chưa hề có một tiếng vang nào đối với nền khoa học thế giới. Đó chính là mâu thuẫn, là nghịch lý hoàn toàn không sao hiểu nỗi giữa số lượng và chất lượng trong quá trình đào tạo các học vị bậc cao. Phải chăng chúng ta đã có định hướng không đúng đắn khi đào tạo người tài?

Thi Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông cũng thế. Chúng ta tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng cho các kỳ thi Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông cứ đến hẹn lại lên này. Kỳ thi phải nói là hoàn toàn tốn kém về tiền bạc, hoàn toàn tốn kém về thời gian và sức lực của nhiều người, kể cả người tổ chức thi và người đi thi. Điều oái ăm là kỳ thi này không phải để sàng lọc chọn ra người tài mà là để “hợp thức hóa” cho các học sinh lớp 12 đậu hết gần 100%.

Nhiều năm gần đây đã có rất nhiều ý kiến từ các người dân, từ các kỳ họp Quốc hội, từ các chuyên gia giáo dục kiến nghị nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông. Có hai phương án chính đã được đưa ra. Phương án một, chỉ cần xét tốt nghiệp từ kết quả học tập lớp 12 rồi sau đó tổ chức thi Đại học. Phương án hai, vẫn thi tốt nghiệp rồi dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để xét chọn vào Đại học. Hai phương án này vẫn còn đang tranh cãi, vẫn còn đang phản biện nhau, muốn biết phương án nào khả thi nhất trong tình hình giáo dục hiện nay chúng ta cần phải có thêm ít nhiều thời gian chờ đợi.

Niên học mới lại sắp đến, hy vọng các quan chức trong Bộ Giáo Dục và Đào Tạo sẽ có đủ sáng suốt, biết lắng nghe, biết cân nhắc hợp lý, để chọn một phương án thích hợp nhằm kịp chỉnh hướng đi đúng cho nền giáo dục nước nhà.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire