vendredi 20 juin 2014

Thủ Khoa Huân: anh hùng miền nam (1830-1875) Đặng Tấn Hậu

Thủ Khoa Huân: anh hùng miền nam

(1830-1875)

Đặng Tấn Hậu


Tuần báo The Economist phát hành ngày 12/9/2009, nơi trang 46, có đăng bài viết về VN với tựa đề “Getting It Off Your Chest” (Hãy xả bầu tâm sự!). VN có khoảng 21 triệu người xử dụng Internet và có từ 1 triệu đến 4 triệu người viết Blogs để chuyển tải tâm tình riêng tư.

“Có một vài Blogs đăng các lời tâm tình biểu lộ tinh thần yêu quê hương tổ quốc của họ và có một vài người mặc áo thun đi ngoài đường với hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Điều này cũng bình thường nếu xảy ra trên thế giới. Điều đáng để ý, CSVN đã bắt những người này, đặc biệt là những người viết trên trang Blogs như Bùi Thanh Hiếu (biệt hiệu Người Buôn Gió), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (biệt hiệu Mẹ Nấm) v.v.”

Theo bài báo, nhà cầm quyền CSVN đưa ra đạo luật mới về Internet rất mơ hồ để xử phạt những người xử dụng Internet hay viết các trang Blogs. Mục đích duy nhất của nhà cầm quyền CSVN là họ tự cho phép bắt người dân vô tội vào nhà tù.

Có lẽ VN là quốc gia duy nhất trên thế giới ngăn cấm người dân trong và ngoài nước được quyền biểu lộ lòng yêu quê hương tổ quốc của họ. Vì thế, chúng ta cần ôn lại lịch sử để đừng quên gương tranh đấu tiết liệt của tiền nhân và lấy đó làm kim chỉ nam trên con đường tranh đấu bảo vệ quê hương và tổ quốc VN.

Đề tài của bài viết này là Thủ Khoa Huân: anh hùng miền nam. Tôi chọn đề tài này vì giữa thế kỷ 19 và vào đầu thế kỷ 21 tại VN không khác nhau cho lắm trong lãnh vực chính trị. Vào giữa thế kỷ 19, thực dân (colonialist) Pháp chiếm ba tỉnh miền đông của đất nước VN và vào đầu thế kỷ 21, tân thực dân (neo colonialist) Trung Cộng chiếm lấy Hoàng Sa, Trường Sa, Bản Giốc, Ải Nam Quan và Tây Nguyên (Bauxite).

Bài viết chia ra làm hai phần. Phần đầu trình bày về lịch sử và phần hai viết về vài cảm nghĩ cá nhân. Bài viết này dựa trên tài liệu “Giỗ 100 năm của cụ Thủ Khoa Huân” do nhà cầm quyền CSVN xuất bản và nhiều tư liệu đáng tin cậy khác.          


Lịch Sử

Cụ Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 tại làng Mỹ Tịnh An, tỉnh Định Tường. Thân phụ của cụ là ông Nguyễn Hữu Lý, người địa phương gọi là ông Cả Cẩm thuộc gia đình trung lưu. Lúc nhỏ, cụ học tại các trường trong tỉnh. Cụ đổ đầu kỳ thi hương nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Cụ được bổ nhiệm làm giáo thọ tại tỉnh Định Tường. Cụ thành lập gia thất cùng bà Lê thị Lộc, sinh được hai gái là bà Nguyễn thị Vạng và bà Nguyễn thị Tánh.

Lúc bây giờ, vua nhà Nguyễn chia đất nước VN ra làm ba kỳ (không phải người Pháp đã chia đất nước VN ra làm ba kỳ như một số người đã lầm tưởng). Nam Kỳ được chia ra làm ba quận, mỗi quận có hai tỉnh. Mỗi quận có một quan tổng đốc trông coi. Như vậy, miền nam có ba vị tổng đốc trông coi ba quận như sau:

-          Quận Định Biên gồm có hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa,
-          Quận Long Tường gồm có hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường,
-          Quận An Hà gồm có hai tỉnh An Giang và Hà Tiên.

Dưới thời vua Tự Đức, lúc cụ Thủ Khoa Huân được 29 tuổi (1859), người Pháp đánh chiếm Saigon, bắt hai cụ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hòa ước dâng ba tỉnh miền đông Nam Kỳ là Gia Định, Biên Hòa và Định Tường.

Cụ Thủ Khoa Huân từ chức giáo thọ và liên kết cùng các sĩ phu miền nam đứng lên chống Pháp. Năm 1861, cụ Trương Công Định phân chia công tác cho hai cụ Thiên Hộ Vương (Võ Duy Dương) và Thủ Khoa Huân để tạo thế liên hoàn chống Pháp. Quân Pháp tấn công đầu não của các nghĩa sĩ kháng chiến là cụ Trương Công Định tại Gò Công. Cụ Trương Công Định thất trận và tự tử chết vào tháng 8 năm 1864.

Hai cụ Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Vương tiếp tục con đường chống ngoại xâm. Hai cụ tiến chiếm Bình Cách (Tân Bình Thạnh). Quân Pháp phản công lại, cả hai cụ phải chạy qua An Giang (lúc này An Giang còn nằm dưới quyền của triều đình Huế) để hợp tác cùng với ông Thạch Bướm, người Khờ Me, tiếp tục kháng chiến chống Pháp.

Sau khi bình định ba tỉnh miền đông, Pháp bắt đầu đem quân đánh tỉnh An Giang. Cụ Thủ Khoa Huân bị bắt lần thứ nhất vào năm 1862 lúc cụ được 32 tuổi. Cụ Thiên Hộ Vương rút quân về Đồng Tháp Mười để tiếp tục chống Pháp.

Khi nghe tin cụ Thủ Khoa Huân bị bắt, cụ bà Thủ Khoa Huân (Lê thị Lộc) vô đơn xin người Pháp thả chồng bà ra. Quân Pháp giam cụ Thủ Khoa Huân tại Saigon và đưa cho cụ xem lá thư xin thả của cụ bà để lung lạc tinh thần bất khuất của cụ. Nhân dịp này, cụ đã làm bài thơ:

Xem qua thơ gởi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu ngại phiền lòng sắt
Chuộc tội thà cam trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt
Cang thường càng nặng gánh giang san.

Quân Pháp dùng đủ mọi cách chiêu dụ để cụ đầu hàng nhưng không thành công. Cuối cùng, chúng giao cụ cho ông Đỗ Hữu Phương, tay sai của Pháp, để canh chừng cụ. Cụ Thủ Khoa Huân thừa cơ hội trốn thoát và trở về chiến khu để tiếp tục chống Pháp.

Hai cụ Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Vương lại cùng hợp tác và chiêu mộ nghĩa sĩ tổ chức đánh Pháp lần thứ hai (1863). Hai cụ đã gây tổn thất nặng nề cho quân đội Pháp lúc bây giờ. Quân đội Pháp gia tăng quân số và tiếp tục truy kích kháng chiến quân. Cụ Thủ Khoa Huân lại bị bắt lần thứ hai lúc cụ được 34 tuổi (1864). Cụ Thiên Hộ Vương lại rút quân về Đồng Tháp Mười . Một năm sau, chiến khu Đồng Tháp Mười tan rã. Cụ Thiên Hộ Vương chạy về Huế và qua đời tại nơi đây.

Lúc bây giờ, tổng tư lệnh quân đội Pháp là tướng De la Grandière đứng ra chiêu dụ cụ Thủ Khoa Huân hợp tác cùng với Pháp và hứa ban cho cụ chức vụ quan trọng để cai trị Đông Dương hưởng phước đời đời. Nhưng cụ đã từ chối lời tha thiết mời mọc của người Pháp nên Pháp đã xử cụ 10 năm biệt xứ và đày ra đảo Réunion ở Madagascar của Pháp.

Sau bảy năm bị cầm tù, chính phủ thực dân Pháp ân xá và đưa cụ về an trí tại Chợ Lớn dưới sự trông coi của tổng đốc Đỗ Hữu Phương. Thừa cơ ông Đỗ Hữu Phương sơ ý, cụ Thủ Khoa Huân lại trốn thoát và để lại bài thơ gởi cho ông Đỗ Hữu Phương như sau:

Khó hỏi thăm tin của Chín Trùng (*)
Ngày nào cha mẹ (*) cứu con cùng
Bốn mùa man mác tình nhà cửa
Trăm dặm thôi buồn cảnh núi sông
Mây trắng đã giăng trời Bến Nghé
Nắng chiều còn chói đất Gò Công
Ngọn cờ phá Lỗ bao giờ thấy
Thiên hạ người đều ngóng cổ trông

Ghi chú: Chín Trùng là triều đình Huế. Cha mẹ là nhà vua

Cụ Thủ Khoa Huân trở về Đồng Tháp Mười, chiêu mộ nghĩa quân và tiếp tục đánh Pháp lần thứ ba lúc cụ được 44 tuổi (1874). Đầu năm 1875, với khí giới tối tân, quân đội Pháp đánh bại quân kháng chiến của cụ Thủ Khoa Huân. Khi cụ dự định quá giang thuyền đi về Bình Thuận để cầu viện thì quân đội Pháp bắt được cụ tại Chợ Gạo và giam tại Mỹ Tho. Người Pháp lại dở trò chiêu dụ cụ nhưng vẫn không thành công.

Cuối cùng, người Pháp ra phán quyết tử hình cụ Thủ Khoa Huân vào ngày 19 tháng 5, năm 1875. Chúng lấy tàu chở cụ về làng Mỹ Thạnh, nơi cụ đã sinh ra đời, để xử trãm. Quân Pháp cho cụ mang gông ngồi trên mui tàu và dùng loa kêu gọi dân chúng hai bên bờ ra xem. Mục đích của chúng là khủng bố lòng yêu nước của người dân miền nam VN.

Dân chúng đặt bàn hương án trước cửa nhà để tiễn đưa cụ về với trời Phật, về cùng với các anh hùng nghĩa sĩ cứu nước. Cụ đã khảng khái ứng khẩu đọc bài thơ dưới đây:

Hai bên thiên hạ thấy hay không
Một gánh cang thường há phải gông
Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Lung lai một cổ đấng trượng phu
Sống về đất Bắc danh còn rạng
Thác ở thành Nam tiếng bỏ không
Thắng bại dinh du trời khiến chịu
Phản thần đ. quả đứa cười ông.

Khi tàu đến làng Tịnh Hà, quân Pháp cho cụ được thực hiện lời ước nguyện cuối cùng. Cụ Thủ Khoa Huân đã xin ba điều:

-          viết đôi liễn để lại cho gia đình thờ
-          hướng về triều đình Huế lạy ba lạy
-          yêu cầu cho gia đình được lãnh xác và được phép chôn thân chung với đầu.

Người Pháp chấp thuận ba lời ước nguyện của cụ Thủ Khoa Huân. Đôi liễn của cụ viết như sau:

Hữu chí nan thân không uổng bách niên chiều vật nghị
Duy công bất tựu diệc quyên bất tử báo quân ân

Có người dịch nghĩa là :

Có chí khó giương ra luống để trăm năm mang miệng thế
Dù công không đạt được cũng liều một chết đáp ơn vua.

Cụ Thủ Khoa Huân mất ngày 19 tháng 5 năm 1875. Người dân VN nói chung và người miền nam nói riêng, tất cả đều thương tiếc và khâm phục tinh thần vì nước hy sinh chống ngoại xâm của cụ. Ngày nay, nhiều người khâm phục khí tiết của cụ và viết nhiều bài thơ tỏ lòng quý trọng cụ Thủ Khoa Huân. Sau đây là một trong các bài thơ khuyết danh ca ngợi khí tiết của cụ Thủ Khoa Huân:

Ruổi dong vó ngựa báo thù chung
Binh bại cho nên mạng phải cùng
Tiết nghĩa vẫn lưu trong vũ trụ
Hơn thua chi kể với anh hùng
Nổi xung mất vía quân Hồ Lỗ
Quyết thác không hàng rạng núi sông
Tho thủy ngày nay pha máu đỏ
Đảo rồng hiu hắt ngọn thu phong.

Nếu chúng ta đi từ Saigon về miền tây theo quốc lộ số 4, qua khỏi Long An chừng 10 cây số đến ngã ba đường gọi là đầu lộ Hòa Tịnh, rồi rẽ trái đi thêm chừng cây số rưởi thì đến làng Mỹ Tịnh An, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), nơi đó là quê hương của cụ Thủ Khoa Huân. Tượng của cụ Thủ Khoa Huân vẫn còn đặt ngay tại thành phố Mỹ Tho.

Cảm Nghĩ Cá Nhân

Vào ngày 5/9/2009, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Montréal và Hội Y Sĩ Canada đồng yểm trợ buổi diễn thuyết về cụ Hồ Biểu Chánh do hai diễn giả Lâm Văn Bé và Nguyễn Vi Khanh thuyết trình tại trụ sở của Cộng Đồng Montréal.

Đến phần đặt câu hỏi, ông Trần Văn Thanh, cựu sinh viên sĩ quan Đà Lạt, đã lưu ý những người tham dự phải dè dặt khi đọc các bài viết hay sách vở in ấn từ trong nước vì nhà cầm quyền CSVN đã sửa đổi lại tình tiết của các bài viết trước năm 1975 cho phù hợp với đường lối chính trị của đảng CSVN.

Ông Trần Văn Thanh đã kể lại “một câu chuyện tình xảy ra giữa cựu sinh viên sĩ quan Đà Lạt với một cô nữ sinh trước năm 1975. Vì tình duyên trắc trở, cô nữ sinh đã quyên sinh và để lại hai câu thơ mà tất cả cựu sinh viên sĩ quan Đà Lạt nào cũng thuộc lòng. Sau khi cưỡng chiếm miền nam, CSVN đã sửa lại câu chuyện, họ kể “cô nữ sinh đã yêu một anh cán ngố miền bắc xâm nhập vào miền nam. Cuối cùng, anh này đã bỏ thây nơi chiến trường miền nam vì bom đạn của pháo đài B52 nên cô gái đã tự tử để chết theo anh cán ngố”.

Diễn giả Lâm Văn Bé đã góp ý “độc giả cần phải sáng suốt, suy nghĩ khi đọc sách báo in ấn từ trong nước”. Tôi đồng ý với hai ông Trần Văn Thanh và Lâm Văn Bé vì chính bản thân của tôi khi đọc các bài viết của các tác giả “đỉnh cao trí tuệ” về tôn giáo hay lịch sử VN, CSVN cố tình bóp méo sự thật chỉ nhằm mục đích tuyên truyền và nhồi sọ vào đầu óc của người dân VN.

Riêng về trường hợp cụ Thủ Khoa Huân, sau khi cưỡng chiếm miền nam VN, CSVN đã cho người đập phá mộ bia viết bằng chữ nôm của cụ Thủ Khoa Huân và thay thế bằng một tấm mộ bia mới. Hành động này không khác chuyện CSVN đã đập phá mộ bia tại các trại tỵ nạn ở Galang hay Pulau Bidon, nơi có ghi dấu chứng tích người Việt chạy trốn CSVN bằng đường biển.

Ngày nay, không một ai biết mộ bia củ của cụ Thủ Khoa Huân đã viết những gì? tại sao nhà cầm quyền CSVN lo sợ mà phải đập bỏ mộ bia củ và thay thế mộ bia mới? Họ làm vậy nhằm xóa tan sự kiện lịch sử chăng? Các nhà văn học sử và sử gia cần lưu ý mấy điểm này khi dùng tài liệu do nhà cầm quyền CSVN in ấn và xuất bản trong nước.

Ai cũng biết cụ Thủ Khoa Huân xuất thân từ gia đình trung lưu. Cha của cụ là ông Cả trong làng. Cụ được gia đình cho đi học từ nhỏ và đổ đầu kỳ thi hương (thủ khoa). Trong khi đó, sách vở CSVN ghi « cụ Thủ Khoa Huân thuộc gia đình bần cố nông, cụ noi theo tinh thần yêu nước của bác Hồ (sic) đứng lên chống lại bọn thực dân Pháp ». Đây là lời dối trá ngụy biện vì ai cũng biết cụ Thủ Khoa Huân lớn hơn Hồ Chí Minh ít nhất là 60 tuổi thì làm gì có chuyện noi gương theo bác Hồ (sic).

Sách vở CSVN lại còn ghi chép cụ Thủ Khoa Huân chống chế độ phong kiến nhà Nguyễn vì nhà Nguyễn đã hợp tác với Pháp. Thực sự, cụ Thủ Khoa Huân là người trung với vua nhà Nguyễn và nhà Nguyễn đã từng phái nhiều vị quan đại thần để thương thuyết dành lại chủ quyền quốc gia. Có những vị vua nhà Nguyễn đã bỏ cả ngai vàng để chống Pháp và bị Pháp bắt đày ra khỏi nước. Trong khi đó, chính CSVN đã dâng đất, lãnh hải cho ngoại bang. Đó là sự thật của lịch sử!

Ngoài ra, chúng ta còn thấy thực dân Pháp không ác độc bằng nhà cầm quyền CSVN. Lịch sử đã chứng minh vài sự kiện như sau:

-          Cụ Thủ Khoa Huân bị người Pháp bắt ba lần, lần nào người Pháp cũng đối xử nhân đạo đối với cụ và chiêu dụ cụ đầu hàng để ban chức tước bổng lộc. Nhưng cụ đều từ chối lời chiêu dụ của Pháp, do đó, họ đã xử chém cụ.

-          Người Pháp còn cho cụ Thủ Khoa Huân được thực hiện lời ước cuối cùng trước khi chết. Thử hỏi CSVN đã đối xử với những tù binh và tử tù VN như thế nào? như trường hợp anh hùng Trần Văn Bá. Mặc dù CSVN đã xử tử anh, nhưng họ vẫn sợ anh nên không dám trả lại xác của anh cho gia đình.

Kết Luận

Gương tiết liệt của cụ Thủ Khoa Huân là tấm gương sáng đáng cho hàng hậu thế noi theo, điều đáng lo buồn là ngay nay, tinh thần yêu nước của dân tộc VN đang bị bọn tay sai, thái thú bắc triều Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và đồng bọn đảng CSVN khủng bố và tiêu diệt.

Các nhà văn, nhà báo, truyền thông hay sử gia hải ngoại có bổn phận bảo vệ sự thật, nêu cao tinh thần yêu nước để hậu thế không quên và không để gương tranh đấu cho đất nước VN bị mai một. Quý vị có viết bài “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nhưng cũng đừng quên “nghệ thuật vị nhân sinh” vì các bài viết của quý vị có tầm ảnh hưởng lớn đến quần chúng VN. 

Ngày nay, CSVN dùng NQ 36 để đưa ra chính sách hòa hợp, hòa giải dùng « văn hóa » để chiêu dụ kẻ sĩ. Chúng ta cũng biết trong sự giao lưu này « nước mặn » nhiều hơn « nước ngọt », sớm hay muộn gì nước mặn cũng sẽ làm hư hại mùa màng. Nước mặn càng nhiều, chúng ta càng cần phải đấp be, đấp bờ để bảo vệ nước ngọt, bảo vệ sự thật của nền văn học sử VN. Đó là bổn phận của những người cầm bút được may mắn sống trong thế giới tự do!

9.9.09                            

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire