mercredi 16 juillet 2014

Truyện ngắn "Chôn Đứng" Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Có ai chọn cái chết để tạo thêm nợ cho gia đình bao giờ chưa ?
Phải đọc cho biết nguyên nhân và rồi thương cho những con người thấp cổ , bé miệng...
Caroline Thanh Hương


Thằng Lớn vừa từ chợ Xép về. Nó đã bán xong 200 tấm vé số hôm nay, bán sớm sủa nên nó quá mừng. Mọi hôm chỉ 100 tấm cũng trầy trợt mà hôm nay 200, nó nhẩm tính thấy có được một số tiền lời nhỏ nhỏ cho gia đình.
Nó lội vào con hẻm vì nhà nó ở mãi cuối hẻm. Con hẻm nước mới rút một chút nhưng cứ khoảng 3 giờ sáng nước ở con kinh lại dâng lên, hôm thấp ngập bàn chân, hôm cao thì lên đến gần đầu gối.
Nước lên mang theo rác rến, giấy báo, cả xác súc vật thối rữa trông đến sợ. Nhưng ba anh em thằng Lớn không làm gì hơn được. Ba má Lớn cũng như những người khác trong hẻm còn chả làm được gì huống hồ nó, thằng bé mới 13 tuổi đầu.

Tám tuổi Lớn mới được cắp sách đến trường vì ba má Lớn nghèo quá. Học được ba năm, Lớn phải bỏ học vì tiền học phí tăng quá ba Lớn không có tiền đóng cho nó. Từ dạo đó, Lớn phải đi bán vé số để có thêm chút tiền mua rau. Mỗi ngày Lớn phải cầm đi bốn xấp, mỗi xấp 50 vé, phải ráng bán cho hết dù bán ở  đâu cũng được. Buổi trưa Lớn có quyền mua ổ bánh mì không 500 đồng ở dọc đường nhai, kiếm cái vòi nước máy nào đó uống một hơi căng bụng rồi đi bán tiếp.
Ngày nào nó gặp được một người Mỹ hay người ngoại quốc ở đâu đó đến du lịch thì coi như nó trúng số. Cũng có những người Việt làm ăn ở ngoại quốc về thăm quê hương, Lớn gặp họ, nài nỉ họ mua vé số, có nhiều người mua và cho Lớn tiền nữa.
Bữa nay cũng là trường hợp đó. Lớn đang đi lảng vảng ở khu bến xe Bình Tây này thì chợt trông thấy một người đàn ông khoảng năm mấy, có dáng vẻ là một người từ ngoại quốc về đi cùng một  người con gái, một người con trai, có lẽ là con ông ta.
Lớn sợ bị mất mối với một thằng bán vé số khác, nó băng ngang đường để tới chỗ ông ta đang đứng với hai đứa trẻ. Ba cha con đều ăn mặc đẹp, cử chỉ lịch sự.
Lớn vội quá nên không nhìn thấy một cái xe Dream có hai người ở trên đang chạy nhanh từ phía Sàigòn phóng tới. Thế là cái xe Dream đâm vào Lớn. Lớn nằm lăn kềnh ra đường, xấp vé cầm ở tay tung toé ra mặt đường.
Chiếc xe cán người nằm nghiêng qua một bên, hai người trên xe cũng té nằm xoài. Trong khi Lớn còn nằm vì bị cái húc khá đau thì hai người trên xe Dream bò dậy, người lái xe mắng Lớn và chửi thề ỏm tỏi nhưng ngay đó, hai người này lại cho máy nổ và rồ máy lao đi, chẳng cần biết Lớn bị thương vì cú húc ra sao. Cảnh sát giao thông lúc này không có một người.
Người đàn ông vừa nói, chính là một ông Việt kiều chạy tới đỡ Lớn dậy và dìu Lớn vào hè đường. Ông ta và hai người con nhặt hết những tấm vé số trên mặt đường trao lại cho Lớn. Lớn nói cám ơn. Ông ta hỏi Lớn:
“Cháu có đau không? Đứng lên bác coi xem có bị gẫy xương không?”
Lớn đứng lên. Ông này bắt Lớn giơ tay, đi đi lại lại, cúi người để xem có bị gẫy xương không. May quá, Lớn chỉ trầy da ở hai đầu gối và bàn tay vì chà xát xuống mặt đường chứ xương không sao. Ông ta hỏi:
“Cháu tên gì?”
“Thưa bác, cháu tên Lớn.”
“Nhà cháu ở đâu?”
“Nhà cháu trong hẻm 16, quận Tám, thưa bác.”
“Cách đây bao xa?”
Lớn ngẫm nghĩ:
“Cháu đi bộ nhanh cũng phải hơn nửa tiếng, thưa bác.”
Thấy thằng bé bán vé số lễ phép, ông Việt kiều có cảm tình:
“Vì sao cháu băng ngang đường?”
“Thưa bác, cháu thấy bác là người Việt kiều ở ngoại quốc về, cháu nghĩ là cháu có thể bán cho bác ít vé số. Vì vậy cháu băng qua đường mà không ngó gì cả.”
Ông Việt kiều ân cần:
“Cháu phải nhớ nhiều người chạy xe phóng nhanh lắm, nếu cháu không để ý là mất mạng như chơi.Từ giờ phải rất cẩn thận, ngó trước ngó sau,ngó ngang ngó dọc hết rồi mới băng qua chậm chậm nghe không?”
“Dạ.”
“Muốn bác kiếm xe đưa cháu về nhà không?”
“Thưa bác, muốn, nhưng cháu phải đi bán cho hết mấy xấp vé số này mới được về.”
“Ba má cháu đâu?”
“Ba cháu lái xe ôm, tối mịt mới về; má cháu đi làm thuê, giờ này không có nhà, chỉ có hai em cháu ở nhà.”
“Đưa vé số cho bác coi.”
Lớn dùng hai tay trịnh trọng đưa cả 4 xấp vé ra.
“Chỗ này còn bao nhiêu vé?”
“Thưa bác, cháu mới bán được 20 vé, đây còn 180 vé.”
Người đàn ông và hai đứa con ông ta đứng nhìn mấy xấp vé số, có in giá tiền mỗi vé trên đó. Cô bé con ông ta khoảng 16, 17 tuổi nói với cha, rồi cả thằng em cũng nói líu lo. Lớn nghĩ đó là tiếng Mỹ vì cha con ông này có vẻ Việt kiều từ Mỹ về. Người đàn ông cũng trả lời con bằng thứ tiếng đó. Họ nói nhanh và trơn tru.
Người đàn ông bảo Lớn:
“Bác mua hết mấy xấp vé số này cho cháu để cháu về nhà sớm một buổi.”
Ông Việt kiều tính ra tiền đô đưa cho Lớn, ông bảo:
“Số tiền 50 đô này đổi ra được 950, 000 theo thời giá hiện tại. Tiền vé số của cháu là 540,000. Số còn dư bác tặng cháu.”
Lớn cầm 50 đôla bỏ vào túi trong mà tay run run vì cảm động. Nó lấy cái kim băng gài miệng túi lại cho chắc ăn. Chỗ trầy da đã bớt đau. Nó chỉ còn hơi nhức đầu vì đầu đụng vào đâu đó lúc bị xe húc.
Ông Việt kiều lại nói một tràng tiếng Anh với hai đứa con, sau đó ông bảo Lớn:
“Đi, lại phía tiệm ăn kia bác đãi tô phở rồi hãy về.”
Lớn dạ nhỏ trong miệng, đi theo ba cha con ông Việt kiều. Đó là một tiệm phở, buổi trưa người ăn khá đông.
Người bồi bàn hỏi ông Việt kiều mấy người, ông đáp 4. Anh bồi bảo phải chờ chừng 10 phút, rồi một đám khách đứng lên, anh bồi mời ông Việt kiều và đám trẻ vào bàn.
Đã lâu lắm Lớn mới được thưởng thức một tô phở bò ngon lành như thế này. Ngày hai bữa cơm rau giưa còn chật vật dù ba má Lớn và Lớn đã làm hết sức mình, đâu dám nghĩ đến những món quà ngon như phở, mì, bún bò giò heo!
Ăn xong tô phở lại còn một li lớn sữa đậu nành, Lớn nghĩ ngày nào cũng được ăn như thế này thì chả mấy chốc mà mập như thằng Cồ con một ông cán bộ nhà giầu trong xóm.
Ông Việt kiều ra trả tiền ở “két”, xong ba cha con ông và Lớn ra khỏi tiệm phở. Ông bảo Lớn:
“Bây giờ cháu về nhà, đưa ngay tiền cho bố hay mẹ cháu nhé. Thôi bây giờ cha con bác phải đi. Hãy nhớ lời bác là sang qua đường phải rất cẩn thận kẻo tai nạn xẩy ra bất ngờ, nguy hiểm lắm, nghe không?”
“Dạ, thưa bác” rồi nó rụt rè, “ bác có thể cho con biết tên bác không?”
“Tên bác là Tú, bác Tú, con gái bác đây là Jennifer, con trai là John. Ba cha con bác ở Mỹ về vì bà ngoại của Jennifer và John bị bệnh. Thôi bác đi nhé.”
Ông Tú vời một cái taxi, xe ép sát vào lề. Ông Tú xoa đầu thằng Lớn rồi lên xe. Hai người con của ông Tú giơ tay vẫy vẫy Lớn và nói:
“Goodbye.”
Dù mới chỉ quen trong vài tiếng đồng hồ, Lớn cảm thấy thật buồn khi ông Tú và hai người con lên xe đi, không bao giờ có thể gặp lại, nhất là ông Tú đối xử với Lớn tử tế chưa bao giờ Lớn gặp ở một người khác từ khi có trí khôn.
Lớn lẩn thẩn bước đi, lòng trĩu buồn khi chiếc xe taxi đã khuất ở cuối đường. Lớn về nhà sớm một bữa xem má về chưa. Từ đầu  con hẻm xấp xấp nước, Lớn lội vào, càng vào nước càng sâu. Tới giữa con hẻm, Lớn thấy người lớn, trẻ con đứng bu đông nghịt trước nhà bà Chín Chuối. Người ta đang thầm thì bàn tán một điều gì có vẻ bí mật. Lớn lại gần đứng sau đám người nghe ngóng xem chuyện gì?
Thì ra người con trai lớn của bà Chín là Ba Chừng vừa ở nhà thương về, hai tay hai nạng, một bên tai bị băng bó. Ba Chừng là tay anh chị đám du đãng khét tiếng quận Bình Thạnh. Cách đây hai tuần Ba Chừng bị một đám du đãng ở cầu Tân Thuận trả mối thù khi xưa Ba Chừng và đồng bọn đã chém gẫy chân một đồng bọn của chúng. Theo luật giang hồ, chúng không hạ sát Ba Chừng nhưng chỉ chém gẫy chân và đứt một tai của Chừng để cảnh cáo. Ngày hôm nay, Ba Chừng được bệnh viện cho về vì thương tích đã bớt. Đám đàn em của Ba Chừng đưa Ba Chừng về nhà, ngồi bàn tán tính chuyện trả thù nhân có mấy lon la de và vài xị đế, chúng nói to quá khiến người trong xóm bu đông nghe.
Sau khi rõ sự tình, Lớn rời đám đông lội tiếp vào trong ngõ. Má Lớn đã về và hai đứa em cũng đang ở nhà. Thoáng thấy bóng Lớn từ ngoài sân, bà Cải hỏi vọng ra:
“Mầy đã về hả Lớn?”
“Dạ, con đây má”
“Vé số bán hết không?”
Lớn bước vào cái cửa chính đã ngập nước khoảng hai bàn chân dựng lên nhau, mở cái kim băng cài miệng túi, lấy 50 đô đưa cho bà Cải:
“Ông Tú là Việt Kiều từ Mỹ về, ông mua cho con 180 tấm vé số, đưa cho con 50 đô, bảo số tiền còn dư ổng cho con.”
Xong Lớn thuật lại từ đầu câu chuyện với lời phê bình:
“Con chưa thấy ai tốt như ông Tú đó má. Ông còn cho con vào tiệm ăn phở với ông và con ông, xong lại uống sữa đậu nành ngon lắm má!”
Bà Cải bỏ 50 đô la thằng con vừa trao vào túi trong, cài kim băng cẩn thận.
“Mày lấy dao gọt củ năng với em đi Lớn!”
Hai đứa em Lớn, con Ti và con Tí nhận củ năng từ các nhà hàng về gọt, mỗi kí gọt xong sạch sẽ được trả 1 ngàn. Nếu ngày gọt được 10 kí thì cũng được 10 ngàn, khoảng hơn 50 cent Mỹ. Thời buổi khó khăn, có cho mà gọt sau khi đi học về là cũng phúc lắm rồi, chẳng hơn không có. Tuy nhiên, đi lấy củ năng và đi giao củ năng thì người nhận gọt cũng phải làm luôn. Công tác này giao cho ba của mấy đứa nhỏ. Ông ta sẽ nhắm chừng tiện một chuyến xe ôm đưa khách nào đó, giao củ năng và lấy tiền luôn.
Lớn lội nước trên nền nhà lẹp xẹp, nó vào bếp kiếm được con dao nhỏ toan trở lại cái bàn hai em nó đang gọt năng thì cảm thấy đầu nặng chịch. Nó cố gượng bước tới cái ghế và ngồi phịch xuống trong khi mắt nó hoa ra những vầng hào quang. Nó vứt con dao lên bàn gục đầu xuống bàn rồi mê đi không biết gì nữa.
Má Lớn nhờ người lối xóm khiêng Lớn ra xe taxi chở ngay vào bệnh viện. Sau khi nghe kể tự sự, một bác sĩ khám bệnh cho Lớn và hai cô y tá  làm những động tác cấp cứu vì tim Lớn ngừng đập. Khoảng hơn nửa giờ sau, vị bác sĩ ra cho vợ chồng bà Cải hay, Lớn bị nứt sọ vì chấn thương quá mạnh. Số tiền 50 đô đóng lúc vào không đủ trang trải từ lúc vào đây, tiền còn nợ bệnh viện là 200 đô. Muốn lấy xác thằng Lớn về chôn thì phải đóng 200 đô đó.
Đến lượt bà Cải ngất xỉu ngay tại văn phòng bệnh viện sau khi nghe cô văn phòng cho biết số tiền phải đóng.

                                      o0o

Qua một ngày chạy long tóc gáy cầm cái xe, sáng sớm ngày thứ ba, ba má thằng Lớn được phép chở xác Lớn về vì ba Lớn đến năn nỉ người quen cùng chạy xe ôm cầm thế cho cái xe lấy 200 đô để đóng cho nhà thương.
Hai vợ chồng chú Cải phải lấy mền quấn kín thằng Lớn làm như người bệnh rồi gọi taxi bởi không có xe nào chịu chở người chết mà họ cho là xui.
Một cái taxi trờ tới, chú Cải nói về hẻm, đường đó rồi hai vợ chồng ôm thằng con leo lên băng sau. Ông tài xế không nghi ngờ gì cả, ông chạy vèo vèo vì đường sáng sớm xe cộ còn thưa.
Chú Cải bồng thằng con vẫn quấn mền kín mít vào nhà. Rác, xác thú vật, đủ thứ trôi lềnh bềnh trong cái hẻm nhỏ trông như con lạch. Mấy nhà chuyên bán thức ăn ở lề đường cho thợ thuyền điểm tâm như bánh canh, cháo huyết, bánh cuốn  đang chộn rộn sửa soạn, dao thớt băm rổn rảng. Mùi hành mỡ phi thơm lừng cả xóm.
Con Ti và con Tí còn ngủ. Thím Cải đập cửa và gọi to con Ti mới dậy. Nó ra mở cửa. Hai đứa đêm rồi ngủ ở nhà một mình. Trước khi đi, thím Cải đã dặn hai đứa tối đóng cửa lại rồi lên giường ngủ, ba má đêm nay không biết anh Lớn bệnh có về được không. Giờ này hai đứa thấy ba chúng bồng anh Lớn đặt vào giường, anh nằm không động đậy, mặt xám ngoét. Nhìn một lúc nữa, chúng thấy Lớn không cụ cựa, nhúc nhích, chúng nghĩ Lớn chết rồi.   
Buổi sáng có mấy người lối xóm nghe tin Lớn chết, họ đến chia buồn với chú thím Cải. Họ mạc của hai vợ chồng chú ở dưới Hậu giang cả, ở đây chỉ có mấy người xóm láng giềng. Chú Cải hỏi ý bác Cư và anh Tuỳ, họ bảo để họ đóng cái hòm sau đó họ sẽ tới giúp chú tẩn liệm và nhập quan cho thằng Lớn.
Việc đầu tiên và hệ trọng nhất chú Cải phải làm ngay là cầm tờ giấy chứng tử của bệnh viện ra Phường xin giấy phép chôn cất. Ông Phường trưởng không có đấy nhưng cô thư ký ngó tờ giấy rồi bảo phải đi xin bác sĩ bệnh viện công chứng tử nữa mới được. 
Chú Cải hỏi được địa chỉ bệnh viện công, sắp hàng suốt buổi sáng vào đến văn phòng thì cô thư ký nói ông bác sĩ ra Hà nội họp, một tuần nữa mới về. Chú Cải toát mồ hôi, chú xin cô thư ký giúp vì nhà quá nghèo. Cô cong cớn nói:
“Nhà đứa đéo nào vào đây cũng than nghèo, cả nước nghèo. Tui đéo biết nghèo với giầu gì. Cứ đúng lệnh lạc mà mần thôi. Đi đi cho người khác hỏi!”
Không biết sao hơn, chú Cải phải ra ngoài. Có một anh thanh niên cà rà tới hỏi chú sự tình, chú nói thực là cần giấy phép an táng thằng con trai bị đụng xe. Anh này bảo chú, sao anh “kém tắm” thế (tiếng lóng, ý nói chậm hiểu, dốt), việc dễ ợt mà nghĩ không ra, cứ đợi đến 12 giờ trưa khi cô thư ký ra lấy xe đi ăn trưa thì gặp cô là xong, mà phải thế đó thế đó mới được.
Chú Cải nghe lời, đợi ở bãi đậu xe, mong thời gian đi cho chóng đến 12 giờ trưa. Quá là may, cô thư ký ra thực. Chú Cải chạy vội lại:
“Thưa cô, xin cô thương coi lại giấy tờ dùm tôi. Tôi cần cái giấy phép chôn thằng con!”
Cô thư ký không ngạc nhiên lắm:
“Ờ, cái gì nữa đây?”
Chú Cải trao tờ giấy của nhà thương chứng tử, trong đó chú đã kẹp vào một tờ giấy bạc.
Cô thư ký liếc mắt, cầm tờ giấy bạc bỏ túi rồi bảo:
“Ông bác sĩ trưởng phòng thì đi thật rồi nhưng tui giúp anh vì thấy anh khổ sở quá. Chiều mai anh đến văn phòng tui lấy giấy phép, ông bác sĩ phó trưởng phòng sẽ ký cho anh.”
Chú Cải lại vò đầu vò tai:
“Thưa cô, cô đã thương thì thương cho trót. Con tôi bị tai nạn từ hôm qua, trời nóng nên mau hư thúi lắm, để lâu không được.”
Cô ta chì chiết:
“Anh đúng là ông cố nội tôi rồi! Thôi 6 giờ chiều nay, tại văn phòng lúc nãy! Nghe kịp chưa?”
Chú Cải thở phào nhẹ nhõm:
“Dạ, nghe kịp. Cám ơn cô thật nhiều.”
Xin chôn con mà cũng khó, chú lẩn thần nghĩ. Thực ra chú “kém tắm” nên nhớ không ra chứ mấy cái hình trên tờ giấy bạc  ký cho chú đấy, thảo nào chú bị cô thư ký nói mắc nói mỏ!
Đến cái vụ đi mua đất chôn mới là gay cấn. Chú Cải xuống nghĩa trang Bình hưng Hoà. Mấy người làm cho nhà quàn ở đó nói họ chỉ nhận trọn gói, không có lẻ tẻ. Vả lại bây giờ người ta hoả thiêu nhiều, đất đâu mà chôn? Chú Cải hỏi thế hoả thiêu thì hết bao nhiêu? Một người đáp, có nhiều giá  lắm, ba ngàn đô, hai ngàn đô, ngàn rưởi, năm trăm đô, vài ba chục triệu không chừng. Chú Cải không còn biết nghĩ ra sao bởi chú làm gì có từng ấy tiền mà hỏi. Chú buồn rầu chậm chạp bước ra cổng tính lên xe buýt về bàn tính với bác Cư, anh Tuỳ xem sao. Chú đang đi thì một nhân viên vừa nãy đi từ ngoài vào, anh này hỏi chú:
“Vụ chôn cất xong chưa?”
Chú dừng lại:
“Tiền nhiều quá mà gia đình tui thì nghèo, không cách gì có tưng ấy tiền để đóng.”
Người này bảo:
“Tôi thấy anh khó khăn quá tôi cũng thương. Vào văn phòng tôi hỏi chi tiết xem có cách gì giúp anh không?”
Chú Cải theo vào. Người này trỏ một cái ghế, xong anh ta hỏi:
“Anh lo được khoảng bao nhiêu?”
Chú Cải ngọng miệng vì chú chẳng có đồng nào trong túi ngoài vài ngàn để đi xe buýt.
“Thưa anh tôi chẳng có tiền bạc gì!”
“Hừm, không tiền bạc mà anh dám đi hỏi đất chôn con? Anh có biết chôn cất bây giờ tốn phí lắm không?”
“Dạ, biết.”
“Thế anh có xe cộ, nhà đất gì không?”
“Thưa anh chiếc xe của tôi đã cầm thế để trả tiền nhà thương rồi...”
Người kia chận ngang:
“Còn nhà thì sao?”
“Nhà tôi cũ kỹ ọp ẹp lắm, trong con hẻm...”
“Anh có giấy tờ căn nhà không? Mua từ bao giờ?”
“Thưa tôi có giấy tờ, mua từ chế độ cũ.”
“Anh đưa ngay giấy tờ xuống đây cho tôi coi. Ông chủ công ty đi vắng nhưng tôi sẽ thay mặt ổng mà giúp đỡ cho anh.”
Chú Cải không còn cách gì hơn đành cám ơn anh nhân viên xong ra xe buýt về nhà. Vợ chú thấy chú thì hỏi việc đã đi đến đâu nhưng chú không buồn trả lời. Chú lục được tờ giấy nhà liền chạy vội ra bến xe buýt để trở lại nghĩa trang cho kịp. Nhưng khi chú vào đến văn phòng thì cũng sắp tối. Công ty làm cả buổi tối vì nhiều xác được thiêu buổi tối nên may mắn anh nhân viên chú Cải đã nói chuyện còn ở đó.
Chú trình tờ giấy nhà cho anh này. Anh coi một chút rồi nói, có thẻ đỏ chưa? Chú đáp chưa. Anh kia nói như thế nhà chưa phải nhà của anh. Chú Cải năn nỉ xin anh ta thương vì chú không còn cách nào khác. Suy nghĩ mãi rồi anh ta nói:
“Tôi thương tình làm phúc cho anh vì tôi thấy anh cùng cực vất vả quá. Tôi bằng lòng cho anh thế chấp căn nhà nhỏ này khi nào anh có tiền thì xuống đây chuộc lại. Tiền lời tôi chỉ lấy anh rất nhẹ, một phân một tháng trong khi người ta là phải hai phân hay xanh xít đít đui, tức một triệu phải 200 ngàn lời một tháng. Số tiền hoả thiêu thằng con anh, vì nó bé, tôi chỉ lấy 4 triệu là rẻ lắm rồi đó, không bằng lòng thì cầm giấy về.”
Chú Cải nghe 4 triệu toát mồ hôi hột. Mỗi ngày chạy xe được vài trăm ngàn (ấy là khi còn xe), còn phải xăng nhớt, ăn uống, lại đưa về cho vợ con chút đỉnh. Bốn triệu thì bao giờ trả nợ xong, lại còn tiền lời. Nhưng nếu không chịu thì biết đi hỏi nơi đâu khác? Mùa nóng, xác chết mau thúi lắm, hàng xóm kêu ca la rầy cũng khổ, mà chắc gì Phường họ để yên. May mấy bữa nay không thấy anh công an khu vực, nghe nói anh về thăm quê ở Quảng Ngãi. Nếu anh ta có ở đây thì còn rắc rối nhiều hơn. Nghĩ vậy chú Cải đành tặc lưỡi:
“Dạ, tôi bằng lòng. Nhưng thưa anh, có còn cách nào khác rẻ hơn không, xin anh giúp?”
Anh kia ngần ngừ:
“Còn một cách nữa rẻ hơn một chút nhưng không biết anh có ưng không? Đó là chôn đứng!”
Chú Cải sửng sốt:
“Tôi chưa nghe nói bao giờ. Chôn đứng là sao, thưa anh?”
Anh kia gắt lên:
“Đúng là anh kém tắm thiệt. Chôn bình thường là chôn nằm. Chôn đứng là dựng quan tài lên cho xuống lỗ chứ còn sao nữa!”
Chú Cải tỉnh ra, chú nói:
“Chôn thế này thì tốn ít đất!”
“Đúng, vì tốn ít đất nên tốn ít tiền. Ít hơn cả hoả thiêu nữa...”
Chú Cải mừng quá xuýt bật ra:
“Sao anh không bảo tôi từ sớm mà bây giờ mới nói” nhưng chú kịp kềm được. Lòng hơi vui, chú hỏi:
“Thế chôn đứng thằng bé con tôi mới 13 thì khoảng bao nhiêu, thưa anh?”
Anh kia đáp không suy nghĩ:
“Tôi chỉ lấy anh một triệu thôi!”
Chú Cải mừng ra mặt. Ở hiền gặp lành, may mà anh ta nói ra cái kiểu chôn đứng này. Chú thở phào nhẹ nhõm như người mới chết sống lại.
“Thưa anh, cái hòm của cháu bé và ngắn lắm vì nó vất vả, ăn uống kém nên người nhỏ nhắn lắm. Xin anh hạ bớt cho, gia đình tôi đội ơn anh suốt đời.”
Anh kia gắt lên:
“Anh này thật lằng nhằng. Nó đứng khoảng đến đâu anh?”
Chú Cải đứng lên, giơ tay ra khoảng bên trên rốn:
“Cháu thấp, nhỏ lắm, chưa đến ngực tôi đâu!”
“Thôi được, đây là giá chót nhé. Cấm kỳ kèo lôi thôi. Tám trăm ngàn, đây anh ký vào đây là tiền anh nợ nhà quàn Đồng Hoà. Khi nào có tiền xuống đây gặp tôi lấy lại giấy nhà!
Sáng mai tôi sẽ cho phu đào lỗ sẵn, khi anh chở quan tài tới tôi chỉ chỗ cho mà chôn!”

                                ***

Vài người lối xóm như vợ chồng bác Cư, anh chị Tuỳ, chú cô Giỏi, thím Rạt quây vào giúp mỗi người một tay với những đồng tiền hạn hẹp của họ để đưa thằng Lớn ra mồ cao mả dài. Người nghèo sống với nhau mà tình nghĩa đậm đà hơn cả những kẻ giầu cư xử với nhau.
Bác Cư ngay sáng đó đem cưa cái phản gỗ cũ long đinh của bác làm thành cái săng vừa với thân người bé nhỏ của thằng Lớn. Anh Tuỳ bỏ buổi làm phụ hồ để phụ bác Cư, hai bác cháu cưa kẹo, lắp ráp cả vài tiếng mới xong. Coi cũng tạm, chả hơn bó chiếu.

Để chuẩn bị tẩn liệm cho thằng Lớn, thím Cải đã gom hết quần áo cũ của Lớn, bộ tốt thì mặc cho nó, bộ tàng tàng thì chận hai bên hông cho xác khỏi xê dịch. Thím vừa làm vừa khóc nức nở thương thằng con trai độc nhất. Anh Tuỳ và chú Giỏi khiêng xác thằng Lớn đặt ngay ngắn vào trong hòm, nó vẫn nhắm mắt như đứa đang ngủ mặc dù cái mặt cau lại. Chắc là trước khi chết nó đau đớn lắm.
Bác Cư đã có sẵn đinh và búa nhưng trước khi  đặt tấm ván thiên lên, bác bảo vợ chồng chú Cải và hai đứa em thằng Lớn nhìn mặt nó lần cuối kẻo sau này chẳng bao giờ còn thấy nó nữa. Thím Cải đang lúi húi dưới bếp, nghe gọi thím chạy vội lên, thím gọi Ti và Tí cùng đứng với thím để nhìn anh chúng. Nước mắt thím lã chã rơi xuống mặt thằng Lớn khi thím khom người vuốt má, vuốt tay chân con. Chú Cải đứng thừ người nhìn con nước mắt rưng rưng.
Anh Tuỳ và chú Giỏi khiêng tấm ván thiên nhẹ hều đặt lên ngay ngắn. Bác Cư đóng đinh. Tiếng búa nện trên đinh nghe chát chúa làm mấy đứa trẻ hàng xóm lội nước bì bõm đứng bu trước nhà, ồn ào. Chúng bảo nhau, thằng Lớn chết rồi chúng mày à!
Đóng đinh xong, chú Cải kiếm hai cái vại mẻ đặt cái hòm  lên trên, đốt hai cây nến, chân nến là hai cái chén ăn cơm úp xuống. Tấm ảnh của Lớn (hồi mới 8 tuổi) để trong cái khung không có kính để giữa hai cây nến cháy leo lét.
Thím Rạt về nhà đơm một bát cơm trắng trên có quả trứng luộc bóc vỏ, đôi đũa đặt trên thành bát, đem sang đặt trên quan tài, phía ngoài khung hình.


Chú thím Cải đi đạo ông bà, thờ linh vị tổ tiên và thân sinh chú Cải nhưng dăm tháng nay, thằng Lớn mang về nhà một cỗ tràng hạt bên Công giáo, chẳng biết ai đã cho nó. Cứ mỗi tối nó bỏ cỗ tràng hạt ra ngồi ngắm nghía, làm dấu Thánh giá rồi đọc vài kinh nó thuộc.  
Con Ti và con Tí thấy lạ, hỏi:
“Anh làm cái gì vậy, anh Lớn?”
“Mày con nít biết gì mà hỏi?” Lớn đáp tỉnh queo.
Con Tí không nói gì nhưng con Ti bảo:
“Hứ, anh thì lớn lắm đấy! Hơn tui 3 chứ mấy. Anh biết được thì tui cũng biết được. Đừng tưởng lớn làm tàng!”
Thằng Lớn nghe đến đó thì dịu giọng. Nó nhớ lại lời Sơ Têrêsa Ngà dạy nó và các bạn, cả anh huynh trưởng Đạc cũng dặn như vậy ở nhà thờ Vinhsơn Liêm  là lớn thì phải nhẹ nhàng, lịch sự, hay giúp đỡ với nhỏ; còn nhỏ thì phải tôn trọng, lễ độ với lớn; cần nhất là đừng chửi thề, nói tục. Nó bảo hai đứa em:
“Ừ, cái này bên Công giáo người ta cho. Khi nào tao thấy thuận tiện, sẽ dẫn tụi bây đến đó coi cho biết. Cỗ tràng hạt này là bà Sơ Têrêsa Ngà cho tao đó.”

Con Ti và con Tí chỉ trố mắt nhìn, rất lạ lùng vì chúng chưa thấy cái vật lạ này bao giờ nhưng nghe Lớn giải thích và hứa cho đi coi thì cũng thích.  Cái ngày thuận tiện Lớn hứa với hai em chưa đến thì Lớn bị tai nạn. Trong khoảng thời gian từ lúc nó hứa đến lúc bị tai nạn, nó chỉ đến nhà thờ Vinhsơn Liêm được 3 lần vào các chiều Chủ nhật. Ngày nào cũng phải đi bán vé số, tối khuya mới về vì phải bán cho bằng hết mới kiếm được dăm chục ngàn, nào nó có giờ đâu mà đến nhà thờ gặp Sơ Têrêsa và anh huynh trưởng Đạc? Vả lại, có lúc nó cũng hơi ngại vì quần áo rách nát, người ngợm dơ bẩn chưa kịp tắm rửa, mùi mồ hôi xông ra quá đậm chính nó cũng thấy tệ.

Con hẻm nhà nó nước dơ chan chứa dưới chân, dưới rãnh, ngập gầm giường, gầm tủ nhưng nước uống, nước tắm giặt thì hiếm vô cùng. Cái phông-tên công cộng ở đầu xóm, chảy nhỏ giọt, cả tiếng mới đầy một thùng mà vò, thùng, can nhựa, cả chai lọ đủ mọi thứ có thể chứa được nước sắp một hàng dài cả vài trăm thước, ai có can đảm đứng chờ đến lượt mình?

Mẹ Lớn vài ngày phải ra đầu xóm mua một can nhựa nước để nấu cơm nấu canh. Thím san ra ba bốn cái vò nhỏ nữa để hai con Ti và Tí ì ạch khiêng về. Đó là nước ăn uống, còn tắm giặt chưa biết tính sao! Chú Cải đi xe ôm nên gặp cái hồ, ao nào có thể được là ngó trước ngó sau nhào xuống tắm vội ba phút rồi lên, thỉnh thoảng chú vẫn kể cho vợ con nghe chuyện “tắm chui” khỏi tiền bạc gì!

Thím Cải biết thằng con quý cỗ tràng hạt, thím lại chỗ Lớn để, lấy ra trao cho chồng:
“Thằng Lớn mấy tháng nay đi lễ nhà thờ mấy lần (thím không hiểu nên nghĩ nó đã vào đạo). Người ta cho nó cỗ tràng hạt này, ngày nào nó cũng bỏ ra vân vê rồi đọc kinh kệ gì tôi không hiểu. Anh bỏ lên cạnh tấm hình của nó cho nó vui lòng.”

Chú Cải trịnh trọng đặt cỗ tràng hạt ngay truớc khung hình của Lớn. Chú dựng đứng cây thập tự vào tấm ảnh rồi đứng nhìn, lại rưng rưng nước mắt. Chỉ vì nghèo mà mất thằng con trai độc nhất của dòng họ. Tía chú khi xưa chỉ có chú là con trai, hai ông bà nắn nút cho chú khôn lớn, cho đi học hết tiểu học rồi về phụ gia đình làm ruộng rẫy, nuôi cá ao, nuôi gà vịt, heo chuồng kiếm sống. Chú nghĩ vợ chồng chú thua cha mẹ chú khi xưa rất xa. Cha mẹ chú cũng bắt chị em chú mần công mần việc ruộng nương, chăn nuôi nhưng thực phẩm lúc nào cũng dư, quần áo bộ này bộ khác khi có đình có đám, đêm ngủ thẳng giấc không lo sợ bất cứ cái gì.
Lúa, bắp, khoai, mì, tôm cá cứ chịu mần là có, chẳng thiếu thứ gì. Nước mưa trữ vào lu vào khạp uống quanh năm. Sông lớn thì mỗi chiều ra tắm thoải mái, hồ ao đánh cá, bắt tôm cua sò ốc hến. Dăm ba bữa lại bắt vài con cá lóc lớn, nướng trui, cuốn bánh tráng. Rau lúc nào cũng ngập rổ, rau đắng, bông điên điển, rau lang, rau diếp, rau đọt dừa, rau xà lách xoong, lá xoài non, lá sắn non ...cứ thế cuốn với cá  chấm với nuớc sốt bà già đã chưng có thịt ba chỉ, đầu cá, mắm thái v.v...ăn quên thôi.
Ngày nay vợ chồng chú làm quần quật tối ngày không ngơi nghỉ để nuôi thân và nuôi ba đứa con.  Chúng được những gì? Nhiều lúc nhìn chúng mà đứt ruột. Con Ti và con Tí, tuổi này là phải đến trường vậy mà không có tiền đóng học phí, không có tiền biếu thầy biếu cô, chúng phải ở nhà gọt củ năng phụ mẹ kiếm ngày vài ngàn. Con Ti còn đọc chậm chạp được, viết chút đỉnh còn con Tí đã 8 tuổi, chưa xong lớp 1 thì phải nghỉ học vì nhà trường bắt đóng tiền phụ phí ba trăm ngàn một niên khoá. Tí đọc chưa thông và viết chưa thạo.
Thằng Lớn vì thương gia đình, vì cố giúp một tay cho cha mẹ nó kiếm bữa ăn hàng ngày mà vong mạng. Nghe thằng Rinh xóm bên kể lại thì thằng Lớn đã quá vội vàng khi phóng sang bên kia đường để đón mối ông Việt kiều  mà ra cớ sự. Chiếc xe gắn máy trên chở hai người  có lỗi là phóng quá nhanh, không kịp thắng khi thấy thằng Lớn nên tông vào nó làm nó lộn đi nhiều vòng. Tông nó rồi lại bỏ nó đi, đáng lẽ phải hỏi han nó và chở nó vào ngay bệnh viện. Ôi thôi, xứ này mạng người quá rẻ, tháng cả ngàn chết vì tai nạn giao thông. Rủi ráng chịu!

                                      o0o

Cô Giỏi mang sang mấy cây hương nhưng chẳng có chỗ cắm, thím Cải phải dùng cái chén ăn cơm đổ gạo vào lưng lưng rồi cắm hương. Cô nhìn thấy tượng Chúa liền hỏi thím Cải, ở đâu mà có tượng Chúa vậy? Thím Cải phải kể lại từ đầu. Con Ti và con Tí đứng ngó cảnh tượng, mặt mày buồn so. Chúng mất thằng anh hay bênh vực chúng mỗi khi có trẻ hàng xóm bắt nạt. Chúng cũng mất một người bạn, Lớn có đồ chơi gì cũng cho chúng chơi chung. Hai đứa không thể tưởng tượng nổi anh Lớn chết nhanh thế! Mới buổi sáng Lớn còn đưa vé số đi bán, rồi Lớn về Lớn khoe bán hết vé số cho một ông “Việt kiều”, ổng lại cho Lớn ăn phở và uống sữa đậu nành và 50 đô. Chỉ ít phút sau, Lớn gục xuống, chở đi nhà thương và bây giờ là nằm bất động!

Tối mịt hôm đó, chú thím Cải và hai đứa con gái được mỗi người một gói mì ăn liền, xong chú Cải bảo thím và hai đứa con đi ngủ. Khoảng ba giờ khuya, chú sẽ gọi thím dậy ngồi canh cái hòm đến sáng cho chú ngủ một lát, mai mới có sức đi chôn thằng con, không thì quỵ. Người bình dân không dám ngủ, e con mèo nhảy qua, họ tin vậy, nếu chưa đóng tấm ván thiên thì người chết ngồi bật dậy đi quanh nhà như quỷ nhập tràng, còn nếu đã liệt ván thiên thì cũng nhiều lôi thôi lắm.

Sáng hôm sau, lúc 9 giờ, bác Cư, cô chú Giỏi, anh chị Tuỳ, chú thím Rạt tụ tập tại nhà chú thím Cải. Hôm qua anh Tuỳ đã đi kêu cái xe ba gác của anh Vầng, nhà ở hẻm 330, hẻm kế. Mới đầu anh Vầng đòi năm trăm ngàn tiền mướn xe nửa ngày, sau khi nghe anh Tuỳ nói tự sự, Vầng không lấy tiền xe nhưng tình nguyện đạp xe chở cái hòm đi.


Cái xe ba gác chở hòm thằng Lớn ra khỏi con hẻm vào lúc 10 giờ sáng vì mấy người đều muốn đi ra nghĩa trang vĩnh biệt Lớn nhưng không có xe. Hai chiếc xe của anh Tuỳ và chú Giỏi thì đã chở hai người vợ của họ. Bàn đi tính lại, bác Cư bảo chị Tuỳ và cô Giỏi khỏi đi, hai chỗ đó dành cho thím Cải và hai đứa con gái. Chú Cải ngồi trên xe ba gác kế cái hòm. Thằng con trai bác Cư chở hai bố mẹ ngồi phía sau. Vậy là đám ma có chục người đi đưa, khá đông đấy, hơn cả sự mong ước của chú thím Cải.
Không có tiếng khóc vì thím Cải là người khóc nhiều nhất nhưng thím đã hết nước mắt. Chiếc xe ba gác vào đến nghĩa trang Bình hưng Hoà cũng hơn 12 giờ vì đường quá kẹt xe.
Xe ba gác ngưng lại ngay trước cửa văn phòng nghĩa trang. Chú  Cải nhảy khỏi xe vào văn phòng kiếm người thư  ký  bữa trước để  chỉ  cho chỗ  chôn nhưng không thấy anh này  đâu. Còn đang lớ  ngớ  chưa biết hỏi ai thì  có  một  ông già từ  cái phòng kế  đi ra. Ông ta hỏi:
“Phải anh là  Cải? Đặng văn Cải?
“Dạ  phải.”
“Anh Tám đi ra ngoài rồi, ảnh dặn tôi hễ anh chở quan tài thằng nhỏ tới thì tôi chỉ chỗ chôn cho anh.”
Chú Cải mừng rỡ:
“Dạ, tôi đã chở cái hòm thằng nhỏ tới. Xin bác chỉ chỗ.”
“Đi theo tôi.”
Ông già đi trước, chú Cải theo sau. Ra tới góc khá xa cũng khoảng vài trăm mét, ông già chỉ một cái lỗ nhỏ tí:
“Cái lỗ này đây.”
Chú Cải tiến lại gần nhìn. Cái hòm thằng nhỏ đã nhỏ mà cái lỗ này còn nhỏ hơn. Phải khoét thêm ra mỗi cạnh vài tấc tây thì mới lọt, chú Cải nghĩ.
“Thưa bác, cái lỗ này bé quá không bỏ lọt cái hòm thằng cháu.”
Ông già trợn mắt:
“Lỗ to vậy mà còn không vừa? Phải chôn đứng xuống chứ không chôn ngang đâu.”
“Dạ thì chôn đứng, nhưng cũng không lọt.”
“Cái đó tui không biết. Muốn khoét to ra thì phải chờ anh Tám về đây hỏi mới đặng.”
Chú Cải vò đầu bứt tai:
“Dạ thưa bác, cái hòm thằng cháu đã mang đến cửa văn phòng rồi. Làm sao cũng phải chôn xuống thì anh em mới về được.”
“Cái đó tui không biết à.”
Hai người còn đang lời qua tiếng lại với nhau thì có một người trung niên thứ ba đi tới. Ông già tỏ vẻ rất kính trọng anh này. Anh ta hỏi ông già, có chuyện gì đó. Ông già kể tự sự. Sau khi nghe câu chuyện, anh ta bảo chú Cải:
“Anh hãy cứ rinh cái hòm vào đây xem sao đã.”
Chú Cải trở ra nói cho mọi người hay.  Bốn người khiêng cái hòm vào, nó nhẹ hều, đặt ngay miệng hố. Quả là nó to hơn miệng lỗ. Người đàn ông kia bảo chú Cải:
“Anh Tám biểu anh đóng tiền bao nhiêu?”
“Thưa, 8 trăm ngàn.”
“Thảo nào lỗ bé. Vừa cái hòm này thì phải 1 triệu mới được.”
Chú Cải lạnh cả người. Tám trăm còn phải viết giấy cầm nhà, thêm hai trăm nữa thì chỉ có nước đi ăn mày:
“Xin cậu làm phúc giúp cho. Vợ chồng tôi chẳng còn đồng xu nào.”
Anh kia trợn mắt:
“Luật lệ nghĩa trang là thế. Anh không muốn chôn ở đây thì tôi trả lại giấy nhà, đưa đi chỗ khác mà chôn.”
Bác Cư lại thầm thì với chú Cải. Sau đó chú Cải nói:
“Dạ, tôi bằng lòng, xin cho mượn cái xẻng để khoét to ra.” 
“Anh theo tôi vào văn phòng sửa lại giấy nợ đã.”
Mấy người ngồi bệt trên mấy gốc cây cổ thụ để nghỉ mệt, mặt người nào cũng dài ra, ngao ngán. Bác Cư bảo cả bọn:
“Thời buổi này phải giữ cho đừng ốm bệnh, nếu phải vào nhà thương hay ra nghĩa trang thì người nhà cứ ốm đòn.”
Nửa tiếng sau, chú Cải trở lại, tay xách cái xẻng văn phòng cho mượn. Anh Vầng, anh Tùy và chú Giỏi khoét cho cái lỗ rộng ra. Rồi cái hòm thằng Lớn nằm yên vị trong huyệt, mặt quay vào phía trong của nghĩa trang, bác Cư nói như thế cho Lớn đỡ tủi thân vì có thêm bạn.
Mãi đến 2 giờ, cả bọn mới được về dù chôn đứng cái hòm thực quá giản dị. Bên trên mộ thằng Lớn chỉ có một cành cây khô đánh dấu, không có thêm cái gì khác. Chú Cải nói rồi sẽ xuống dựng cho nó một cây thánh giá bằng gỗ, có viết tên và ngày sinh, ngày mất của Lớn.

(còn tiếp)

Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Tập Truyện Ngắn “Tình Mẹ Con” 17 truyện, 360 trang, Nhà sách Tự Lực, Westminster, CA hoặc e-mail tác giả.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire