mercredi 17 septembre 2014

Câu chuyện để suy ngẫm, chỉ là CÁI CHẾT CỦA CON VOI CHỘT, tác giả Thái Bá Tân

Truyện viết cách đây đúng 30 năm.

CÁI CHẾT CỦA CON VOI CHỘT

Thái Bá Tân

1
Biết tôi viết văn, một anh bạn hiện là kỹ sư lâm nghiệp ở lâm trường S.V miền Tây Nghệ An, có gửi cho tôi một bức thư. Trong thư anh kể chuyện con voi kéo gỗ duy nhất của lâm trường, để như anh nói, tôi dựa vào đó viết một truyện ngắn mà theo anh (nguyên văn) "có thể thu hút được sự chú ý của người đọc".


Bức thư nằm trên bàn đã hai tháng nay. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần và quyết định ghi lại toàn bộ dưới đây, trừ những đoạn riêng tư không cần thiết. Bản thân nó, theo tôi đã là một câu chuyện hoàn chỉnh, chỉ cần chữa chút ít văn phong. Người viết văn không nhất thiết bao giờ cũng phải thêm thắt cái này cái nọ vào một câu chuyện có thật, cho dù làm thế có thể tăng thêm hiệu quả.

"Anh T. thân mến,

Ðúng vào ngày thành lập lâm trường, tức cách đây ba mươi năm, có đơn vị bộ đội tặng chúng tôi một con voi từng tải đạn và kéo pháo phục vụ quân ta trong nhiều trận đánh lớn ở Hạ Lào. Vì thành tích chiến đấu, nó được thưởng một huy chương và nhiều bằng khen, giấy khen, hiện đang trưng bày trong Phòng Truyền thống lâm trường. Về nó, người ta có cả một bộ hồ sơ với đủ các mục cần thiết - trước hồ sơ kháng chiến, nay là hồ sơ lao động, - và tất nhiên được giữ ở Phòng tổ chức cán bộ. Hàng năm người có trách nhiệm sẽ ghi thêm vào đó những lời nhận xét về thái độ công tác, sức khoẻ và "đạo đức" của nó.

Ðó là một con voi đực, rất to và hiền. Ba mươi năm nay nó cần mẫn làm việc phục vụ con người, niềm tự hào và là vốn quý của cả lâm trường. Ðể anh dễ hình dung, tôi xin dẫn một thí dụ so sánh. Lâm trường có hai đội khai thác nằm sâu trong rừng hai mươi cây số. Một đội có ba máy kéo và hai mươi con trâu đực. Ðội kia chỉ có một con voi và một máy kéo, lại hay hỏng, số công nhân ít hơn, thế mà luôn đạt sản lượng gấp rưỡi đội bạn, dù hoạt động ở địa bàn khó khăn hơn. Khâu khó nhất trong khai thắc là vận chuyển gỗ ra bãi tập kết, từ đó ô tô mới có thể chở đi. Không có đường, cây thường mọc trên vách núi, rừng nhiều tầng, nên nhiều khi con voi là không thể thiếu được.

Chính vì giữ vai trò quan trọng như vậy mà Lâm trường đặt riêng cho nó một chế độ nghiêm ngặt về làm việc, ăn uống và chăm sóc. Cụ thể là một ngày nghỉ, một ngày làm; tiêu chuẩn ăn mỗi ngày mười ki-lô gạo nấu thành cơm, từ năm đến bảy quả bí đỏ, mỗi tháng mười ki-lô đường, hoặc thường xuyên phải trồng một héc-ta mía cho voi ăn dần. Về y tế, người ta lập hẳn một tủ thuốc riêng có đủ từ thuốc cảm (voi cũng cảm cúm và viêm họng, sổ mũi như người) đến các loại kháng sinh liều cao.

Ngày làm việc của con voi này bắt đầu từ bốn giờ sáng, khi người quản tượng ra tìm nó trong rừng, nơi nó được thả cho ăn tự do suốt từ chập chiều hôm trước. Sau đó nó được dẫn tới khu vực khai thác. Quãng đường không xa, nhưng nó đi chậm, nên thường một tiếng sau mới bắt đầu làm việc thực sự.

Những cây gỗ to, có khi đường kính đến một mét, được đẵn và chặt hết cành. Nó có nhiệm vụ đưa chúng xuống chân núi, rồi từ đó kéo ra bãi. Trước hết phải mở đường. Nó cúi đầu, dùng cả thân hình đồ sộ rướn lên phía trước, dẫm bẹp, phá tung tầng dưới của rừng nhiệt đới, tạo thành một luồng nhỏ hình ống, theo đó gỗ sẽ được đưa xuống. Vì đường không phẳng, nó phải liên tiếp dùng chiếc ngà cụt duy nhất hoặc dùng chân, dùng đầu đẩy gỗ đi. Cây nào nhỏ thì uốn vòi nhấc bổng quẳng xuống. Nói chung đây là loại công việc khó khăn và nặng nhọc, rất nặng nhọc. Thế mà, anh có tượng tượng được không, con voi to lớn, vẻ ngoài vụng về ấy đã có những động tác thông minh và khéo léo ngoài sức tưởng tượng.

Do nhiều năm kinh nghiệm, tự nó biết lúc nào cần làm gì, tuy người quản tượng đứng bên luôn miệng quát những từ ngắn gọn bằng tiếng Lào, là thứ tiếng quê hương mà ngày xưa, trước cả khi phục vụ kháng chiến, người ta đã dạy nó hiểu. Dân gian có câu "Làm hùng hục như voi". Theo tôi, nói thế không đúng lắm. Con voi này của Lâm trường S.V làm khỏe, nhưng không "hùng hục", ngược lại rất từ tốn, thong thả. Nó lặng lẽ làm việc không nghỉ, đều đặn, đôi tai to luôn phe phẩy. Vào những ngày hè nóng nực, chốc chốc nó lấy nước dự trữ trong dạ dày, tự phun lên người cho mát. Chiều bốn giờ, nó lững thững về nhà, ăn khẩu phần quy định, xuống suối tắm rồi vào rừng ăn thêm chuối cây và cỏ lá cho đầy cái dạ dầy khổng lồ của mình.

Cuộc sống lao động của nó cứ đều đều trôi qua như thế. Nó là con voi cần cù và hiền lành như tôi đã nói. Nó gắn bó, tận tuỵ phục vụ con người, và cùng con người, nó chia sẻ bao cái buồn, cái vui của hoàn cảnh. Những năm chiến tranh, nó cũng bị cắt bớt khẩu phần, những ngày cuối năm phải làm thêm giờ để hoàn thành kế hoạch. Tất nhiên khi công nhân lĩnh thưởng, nó được ăn nhiều hơn, ngon hơn. Nghĩa là con người thương yêu, chăm sóc nó, và hình như nó chẳng có điều gì phải chê trách con người. Tất cả có vẻ tốt đẹp, nhưng...

Vấn đề chính ở cái "nhưng" ấy.

Nhưng thật không may, suốt chừng ấy năm và có thể cả trước đó, con voi hiền lành, chịu khó ấy luôn mắc một "chứng bệnh" mãn tính mà cả sự chăm sóc nhiệt tình của lâm trường và cả tủ thuốc dành riêng cho nó đành bất lực. Số là đều đặn mỗi năm mấy lần, đến kì động dục, nó phải trải qua những cơn vật vã khổ sở. Anh thử hình dung xem: một con vật khổng lồ nặng hàng tấn như thế phải mang anh ách đâu đấy trong người một khối lớn năng lượng thừa, cần giải tỏa mà không giải tỏa được. Những lúc ấy, người ta phải dùng xích sắt xích nó lại. Cái vẻ lờ đờ chậm chạp hàng ngày biến mất. Nó cong vòi, há cái miệng đỏ đầy dãi dớt như muốn kêu lên điều gì mà không kêu được thành tiếng. Nó bỏ ăn, vật lộn với cái xích, xéo nát cả một vùng xung quanh. Ðôi lúc có thể vì quá mệt, cũng có thể do cái nóng trong người tạm lắng, nó ủ rũ đứng im, vòi buông thõng, hai tai cụp xuống không buồn phe phẩy. Ở phía dái tai ri rỉ những dòng nước nhờn vàng vàng. Những lúc như thế con người chẳng biết làm gì để giúp nó, ngoài việc chờ một thời gian sau, cũng theo đúng chu kỳ, "cơn bệnh" tự qua đi, và nó bình phục trở lại.

"Căn bệnh" chỉ có thế, như tôi nói, rất nguy kịch và cần được cứu chữa. Thế mà con vật tội nghiệp phải chịu đựng nó bao năm nay. Lúc đầu người ta quả có lo lắng. Có người đề nghị tiêm thuốc khử dục hoặc thiến - nhưng mà ai thiến được voi! Có người bảo thả nó vào rừng tìm voi cái, vân vân. Nhưng rồi không ý kiến nào trong số những ý kiến hay ho kia được thực hiện.

Cách đây mấy năm, một anh cán bộ thú y trẻ bỏ công tìm đến tất cả những nơi cần đến, hăng hái chứng minh sự trái tự nhiên, thậm chí "dã man" như anh ta nói, của việc giữ một con voi đực biệt lập lâu như vậy. Anh ta đề nghị nhường nó cho một lâm trường khác trong tỉnh, là nơi nhiều năm nay chỉ có một con voi cái. Hay chí ít phải cho nó đến đấy "làm khách" ít bữa mỗi lần phát dục. Nhường thì tất nhiên không thể được, nhưng dẫn nó đi hàng trăm cây số đường rừng rồi dẫn về cũng không đơn giản, nên cuối cùng, cái ý kiến rất hay và được lắng nghe một cách nghiêm túc ấy vẫn không không được thực hiện. Lâm trường lắm việc, người ta quên, khi nhớ được thì con voi đã bình phục trở lại. Thế là dần dần người ta quen với điều xảy ra, quen với sự đau khổ của con vật họ yêu quý, vì một lẽ cũng khá đơn giản là sau mỗi lần ốm dậy, nó vẫn tiếp tục làm việc, ngoan ngoãn và cần mẫn như trước. Nhưng... - lần nữa, xin lỗi, lại "nhưng", - nhưng cái gì cũng có giới hạn.

Một lần, trong cơn bệnh dữ dội hơn bao giờ hết, nó phá tuột xích, chạy vào rừng với đồng loại và bị cả một đàn bảy con voi đực khác đánh bị thương gần chết, không cho lại gần con voi cái duy nhất của chúng. Vất vả lắm nó mới lần về được với những người chủ của nó, với một mắt bị chọc thủng (cái tên Chột bắt nguồn từ đó) và những vết húc sâu gần gang tay đầm đìa máu hai bên hông.

Cả lâm trường cuống lên vì lo sợ. Ðược tin, lập tức chính ông thủ trưởng ngành đi xe con từ Hà Nội vào. Nghe nói khi nhận được điện "Voi bị đánh gần chết", tưởng do người đánh, ông mang theo sẵn quyết định cách chức giám độc và phó giám đốc lâm trường S.V. Dù được hết lòng cứu chữa, phải nửa năm sau, con Chột mới trở lại làm việc được. Nhưng nó đã đổi khác. Nó không còn khỏe như trước, điều đó dễ hiểu. Thông thường tuổi thọ của voi là bảy, tám mươi năm. Theo hồ sơ phòng tổ chức cán bộ, con Chột lúc này chưa đến năm mươi, nghĩa là còn ở độ sung sức, thế mà trông nó đến thảm hại, da bạc thếch, nhăn nheo và không còn sợi lông nào; cái lưng gù càng gù thêm. Những lúc không làm việc, nó rầu rĩ đứng im một mình, con mắt còn lại lim dim như đang thiu ngủ, hoặc suy nghĩ xa xôi về một điều mông lung nào đấy. Con Chột đã quá yếu, mọi người luyến tiếc nghĩ thế, thầm hy vọng từ nay căn bệnh nguy hiểm kia sẽ không tái phát nữa.

Thế mà chẳng bao lâu sau, đúng chu kỳ, nó lại phát dục. Lần này có vẻ còn dữ dội hơn. Vẫn những triệu chứng và biện pháp xử lý cũ. Theo thường lệ, đến ngày phải bình phục trở lại, người ta thả nó ra. Nhưng lạ thay, sáng hôm sau, khi người quản tượng tới dẫn nó đến khu khai thác, lần đầu tiên trong đời, nó không chịu nghe, không cho đến gần, thậm chí còn suýt quật chết ông ta. Nó lồng lên chạy khắp nơi - không phải vào rừng vì bài học vừa rồi còn chưa quên. Nó giận dữ xéo nát, quật gãy tất cả những gì gặp trên đường đi. Nó đánh chết một con trâu, xô đổ một chiếc máy kéo đứng chênh vênh trên vách núi.

Rõ ràng sau vụ đánh nhau suýt chết với voi rừng, thần kinh con Chột đã quá yếu, không còn chịu nổi những chấn động dữ dội của cơn bệnh thường kì. Nó đã phát điên, gây không ít tai họa cho lâm trường và cần áp dụng gấp những biện pháp mạnh.

Ðảng uỷ và ban giám đốc Lâm trường họp bàn suốt một ngày, ngày hôm sau đem ra lấy ý kiến công nhân. Kết quả cuối cùng thế nào anh biết không? Người ta quyết định xử tử con Chột. Có văn bản hẳn hoi và đủ chữ ký của những người, những cấp cần thiết. Phải nói đây là một quyết định đau đớn, bị nhiều người phản đối, nhưng không còn cách nào khác. Hơn thế, bản án cần được thi hành càng sớm càng tốt. Nhưng ai sẽ giết nó, giết như thế nào? Vấn đề này hóa ra không đơn giản như thoạt tưởng. Vì thương và vì quá quen thân với con Chột, không một tay súng nào trong đội tự vệ lâm trường chịu bắn vào nó. Buộc phải sang cầu cứu trung đoàn bộ đội kết nghĩa bên cạnh.

Ngày hôm sau con Chột bị bắn chết, xác được xe xích kéo đi chôn ở một chiếc hố sâu và rộng đào sẵn từ trước. Nhiều người đến chào tiễn biệt nó. Và khóc. Ông quản tượng người Mường thì nghe nói trước đấy mấy ngày viết đơn xin nghỉ hưu, và mặc dù chưa được đồng ý, đã tự động bỏ về bản..."

2
Ðấy, bức thư anh bạn kỹ sư lâm trường S.V Nghệ An gửi cho tôi là thế. Tôi biết viết gì thêm, thậm chí với ý định "làm" một truyện ngắn như anh gợi ý?

Cách đây không lâu, tôi có dịp tới tận lâm trường này, và với tư cách cán bộ một nhà xuất bản trung ương, xin được gặp giám đốc và bí thư Ðảng ủy. Những điều bạn tôi kể là hoàn toàn có thật. Tôi còn được cho biết sắp tới lâm trường sẽ cử người vào Ðắc Lắc mua voi về thay thế con Chột đã chết.

- Mấy con? - tôi vội hỏi.

- Một.

- Sao lại một? Chẳng phải vì sống một mình mà con Chột...

- Vâng, chúng tôi biết, nhưng lâm trường không đủ vốn. - Ông giám đốc nhìn tôi với vẻ gần như bình tĩnh, là điều làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa buồn. - Anh có biết một con voi giá bao nhiêu không?

Trước khi rời lâm trường, tôi tới thăm mộ con Chột. Ðó là một gò đất nhỏ, cây và cỏ dại đã kịp mọc um tùm.

"Một con voi giá bao nhiêu nhỉ?" Bất giác nhớ tới lời ông giám đốc. Chắc phải đến bạc triệu. Tôi không biết chính xác, nhưng biết rõ một điều rằng hiện trước mặt tôi, dưới gò đất cỏ mọc um tùm kia là cả một nửa năng suất khai thác của lâm trường SV, là một con voi hiền lành, cần cù nhưng đã bị đẩy đến chỗ điên và cuối cùng bị giết chết. Chung quy chỉ vì một lí do hết sức đơn giản là con người đã không tạo cho nó những điều kiện sống sơ đẳng nhất, cần thiết nhất để nó được phục vụ con người tốt và nhiều hơn.

Không hiểu rồi con voi người ta sắp mua từ Ðắc Lắc về liệu có được số phận may mắn hơn không?

Diễn Châu, tháng Hai, 1984

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire