samedi 13 septembre 2014

Chuyện Nàng Như Ngọc - 2, Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Chuyện Nàng Như Ngọc - 2

    * Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Đọc lại bài lần trước
Chuyện Nàng Như Ngọc - 1 Bút Xuân Trần Đình Ngọc
      

Bác gái hỏi qua gia thế của tôi; có sao tôi nói vậy. Khi bác biết hồi cuối năm 1954, vừa từ Hà Nội vào, gia đình tôi đã ở Ba Bèo, bác nói quê bác ở Mỹ Tho, thỉnh thoảng gia đình bác vẫn về thăm quê ở Chợ Gạo. Tôi nói Ba Bèo với Chợ Gạo không xa là bao. Dân Ba Bèo vẫn đi Chợ Gạo mua bán vì Chợ Gạo mới có đủ các mặt hàng cần thiết.



Ngồi chơi một lúc, tôi cáo từ ra về. Ngọc đưa tôi ra cổng, đứng vẫy tay khi tôi ngồi trên yên xe, có vẻ rất quyến luyến. Vừa đạp xe tôi vừa ngẫm nghĩ, ở đời không ai biết được những gì sắp xẩy ra. Cô bé ngồi một đầu bàn, tôi một đầu bàn để thi kiếm mảnh bằng làm cái cần câu cơm, chỉ nhìn nhau chứ chẳng nói với nhau được lời nào, kể cả một cái gật đầu chào hỏi (nào đã quen nhau đâu), thế mà vì bài Toán bí, lại trở thành một người bạn chẳng khác thân thiết đã lâu ngày.


Giả sử bữa đó Như Ngọc làm bài suông sẻ thì thi xong, ai về nhà nấy, tôi chẳng có gan hỏi han cô mà cô cũng không có gan theo tôi ra sân để hỏi cho bằng được bài Toán Lý hóc búa giải ra sao? Lại thêm một yếu tố nữa. Nếu cô hỏi mà tôi khó khăn, không muốn trả lời hoặc cô là người con gái kiêu kỳ, có chút sắc đẹp và gia đình khá giả nên coi những chàng trai ăn mặc bình thường như tôi chẳng có kí lô nào thì chúng tôi cũng chẳng quen nhau.


Ở Việt Nam thời đó, ngay giữa đô thị Sàigòn, trai gái còn rất “thụ thụ bất thân”. Vì vậy, để tránh hẳn những trường hợp ngẫu nhiên gặp gỡ e phạm đến ông Khổng tử đưa ra cái nguyên tắc gần mà không thân ấy, Bộ Giáo dục bắt phải học riêng.


Nữ có Gia Long, Trưng vương, Bùi thị Xuân (Đàlạt), Nữ Cần thơ, Lê văn Duyệt…Nam có Pétrus Ký, Chu văn An, Võ trường Toản, Hồ ngọc Cẩn, Trần Lục, Nam Cần thơ… Những trường tư như Hưng Đạo, Nguyễn bá Tòng, Đồng Tiến, Thánh Mẫu, Thánh Thomas, Lê bảo Tịnh v.v… hễ khi có đủ sĩ số cho một lớp Nam hay một lớp Nữ thì dù ông Giám đốc trường cũng không thể phá cái lệ nam nữ riêng ấy được. Chỉ khi nào không đủ, nhà trường mới chịu cho hỗn hợp nam nữ mà thôi.


Lại nhớ sau này ở trường Đồng tiến, năm đó khai trường, tôi đang là Tổng Giám thị/Giám học, một lớp Đệ tứ nữ sinh (lớp 9) chỉ có hơn bốn chục (đúng ra là 55-60) thầy Hiệu trưởng và tôi trình Cha Giám đốc cho 10 nam sinh vào đó choán những chỗ trống nhưng Cha không chịu, nói để thuần nữ vậy tốt hơn. Học sinh đông, nhiều trường phải nhét cá hộp, có những lớp hỗn hợp tôi dạy thời đó 100-120 là thường. Chấm bài mệt nghỉ. Lương giờ nghĩ đã cao nhưng mỗi lần ôm về một cặp bài làm của học sinh, đợi đêm khuya vợ con ngủ yên ắng mới bỏ ra chấm. Đứng ở lớp giảng bài so với chấm bài có thể nói là hai thái cực khác xa nhau một trời một vực. Đứng giảng bài hứng thú bao nhiêu thì chấm bài “cực hình” bấy nhiêu nhưng phải cắn răng làm cho xong, không vứt cho ai được.


Chúng ta cũng thấy, những khi “hợp chủng”như vậy, các thầy Giám thị, Giám học kiếm những nam sinh hiền lành nhất đưa vào lớp này. Còn những tên đã lớn tuổi là một, có tiếng phá phách là hai, thế nào cũng được ngồi ở lớp “thuần chủng”. Độc con trai thì anh không ghẹo ai được, có con gái anh mới phá, nhất là những cô gái lớn lớn, đã trổ mã.


Trường công bao giờ cũng phân chia rõ rệt, còn trường tư phải cẩn thận kẻo bị mang tiếng có những nam sinh phá nữ sinh là mất học sinh, một điều không ông Giám đốc nào muốn!

Trở lại với cuộc thi. Vì số thí sinh bỏ cuộc khá nhiều nên bài thi được chấm rất nhanh. Hội đồng Trưng Vương chỉ một tuần sau là có kết quả. Ban Giám khảo không gọi tên như ở Gia Long khóa trước mà đánh máy một danh sách khoảng hai trang giấy, có chữ ký và con dấu nổi của Chánh chủ khảo, tổng cộng số thí sinh được vào vấn đáp là bao nhiêu ngay cuối danh sách, niêm yết ngay cổng vào.


Tôi và anh Ng. rủ nhau đi coi. Cả hai chúng tôi đều được vào vấn đáp, lòng mừng khấp khởi. Sau này tôi còn đậu nhiều Chứng chỉ trên Đại học nhưng không lần nào mừng bằng kỳ được vào vấn đáp Tú Tài II, tuy nhiên có lo lắng vì là khóa 2, rớt thì còn đau hơn ông Tú Xương thi Hương nữa.


Thông cáo cũng cho biết thứ hai sau bắt đầu vấn đáp. Chúng tôi có ba ngày để ôn bài. Thí sinh học đầy đủ không sợ lắm chứ thí sinh học ăn xổi rất dễ bị rớt. Hễ môn nào có học là có thi vấn đáp. Mục đích thi vấn đáp ngày xưa là để loại bớt những thí sinh thiếu căn bản mà gặp may trong kỳ thi viết, coi như những thí sinh này chưa xứng đáng được cấp bằng. Vấn đáp, trái lại, giúp những thí sinh ứng đối trôi chảy, có tầm hiểu biết rộng chứng tỏ với ông thầy hay bà thầy, sẽ được nhiều điểm và có thể nâng điểm thi viết thành những thứ hạng cao như chỉ đủ đậu thành Bình thứ hay Bình, Bình thành Ưu v.v… Dĩ nhiên bài thi vấn đáp cũng có may rủi hay tùy vào ông thầy, lúc ông đang vui, điểm khá, hay lúc ông đang tức giận, bực bội điều gì đó, điểm kém v.v…vì con người không phải là cái máy để lúc nào cũng như lúc nào. Computer còn có khi lúc nọ lúc kia!


Thường học sinh ban Toán rất sợ vào thi Sinh ngữ (Pháp, Anh) vì hầu như suốt năm chỉ lo học Toán, Lý Hóa vì hệ số cao và quan trọng, Sinh ngữ chỉ tà tà, nhiều học sinh không có giờ học bởi Toán đã chiếm rất nhiều giờ. Vào vấn đáp gặp ông thầy Anh hay thầy Pháp hóc búa là tới số. Tôi nhớ thời đó có giáo sư Lúa dạy Pháp văn, ông đã lớn tuổi, khó tính, ra đề khó, học sinh vào vấn đáp gặp ông rất dễ trượt vỏ chuối nên anh nào cũng sợ. (Không biết có phải vì thế mà tĩnh từ lúa, thời đó, có nghĩa là tồi, hư hỏng, kém may mắn: Mày gặp ổng là mày lúa đời!)   


Ngọc  đi coi bảng ở Trưng vương. Ngọc không coi cho Ngọc (vì Ngọc biết rớt) nhưng là coi cho tôi. Ngọc nhìn thông cáo biết ngày bắt đầu và ngày cuối cùng thi vấn đáp. Có những ông thầy cho ngày, cho giờ hẹn thi vấn đáp, thí sinh nào không theo dõi hay không đến đúng, kiếm ông không ra nữa và rớt. Đau hơn hoạn. Những chuyện này tôi rất cẩn thận, leo cây đến ngày ăn quả, không thể để trật vuột được.


Sau ngày đầu thi vấn đáp, mới được ba môn nhưng suông sẻ cả, tôi mệt phờ người từ trong lớp ông thầy Pháp văn bước ra sân thì kìa, Ngọc đứng đón tôi với nụ cười rất tươi. Tôi chưa thấy cô con gái nào thi rớt mà có nụ cười như thế. Tôi nhớ khi xưa, một người cô họ tôi đi thi CEPCI (Tiểu học thời Pháp thuộc) ở ngoài Bắc, cô gạo ngày gạo đêm, chắc mẩm thế nào cũng đậu nhưng rồi cô dẵm vỏ chuối. Hai tuần liền cô không ra khỏi buồng cũng chẳng gặp mặt ai. Bố mẹ cô cứ sợ cô tự tử vì quá buồn. Con gái thời đó được học đến CEPCI là rất hiếm.


Ngọc hỏi tôi ngay:

“Anh mệt không?”

“Cũng hơi mệt. Ngọc đi đâu đây?” Chúng tôi như đã quen nhau lâu ngày.

“Ngọc đến coi anh thi ra sao để sang năm Ngọc còn vào. Mẹ cũng mời anh chủ nhật này anh lại chơi, có bố Ngọc sắp về. Thứ sáu anh thi xong, phải không?”

Tôi nghĩ thầm, cô bé này nhanh thì thôi. Cái gì cô cũng biết, cái gì cô cũng đi trước mình ngoại trừ việc học.

“Tôi chưa gặp bác trai!”

“Bố Ngọc hiền lắm. Anh gặp sẽ thấy!”

Chúng tôi đi song song ra chỗ giữ xe. Ngọc bảo:

“Anh mới thi ra chắc khát nước. Ngọc mời anh lại xe nước dừa uống một ly rồi về.”

“Tôi phải mời Ngọc chứ, sao Ngọc lại mời tôi?”

“Anh vừa bị mấy ông thầy quần, đâu còn nghĩ được cái gì. Ngọc rảnh rang phải mời anh chứ!”


Như người ta thi rớt thì buồn nhưng cô bé này không buồn, luôn luôn nụ cười nở trên môi. Cô không ghét tôi là kẻ may mắn hơn cô lại còn đãi  đằng. Cô thật cao thượng!

Hai trái dừa non được hai ly lớn nước mát lạnh, cùi dừa  cũng được nạo ra để chúng tôi thưởng thức với một cái muỗng dài, lại có thêm một ống hút. Uống gần xong, tôi móc tiền trong túi ra trả nhưng Ngọc bảo người bán đừng lấy, cô trao tiền cho người bán. Tôi không chịu, bảo:

“Để tôi trả, Ngọc đã cất công ra đây rồi!”

“Ngọc ra mừng anh đó mà!”

Anh bán nước dừa hình như nể con gái, lấy tiền trả từ Ngọc mà từ chối tiền của tôi. Chúng tôi còn đứng với nhau một lúc rồi mới chia tay. Ngọc hỏi:

“Chủ nhật anh đến nhà Ngọc nhá!”

Tôi suy nghĩ một chút rồi nói:

“Thường thì tôi phải hỏi mẹ xem bữa đó mẹ có nhờ làm cái gì không. Có lẽ không có gì đâu. Tôi sẽ đến thăm hai bác và gặp bác trai về.”

Ngọc nghe tôi nói rất mừng:

“Ngọc quên khuấy là anh phải xin phép bác đã. Anh tha lỗi cho Ngọc.”

“ Không, Ngọc không có lỗi gì cả. Mỗi gia đình sinh hoạt mỗi khác ấy mà.”


Chúng tôi đạp xe song song trên đại lộ Thống Nhất, khi lên đến Công Lý, Ngọc rẽ trái còn tôi rẽ phải sau khi chào nhau đầy lưu luyến. Về tới nhà, mẹ đang trồng mấy cây rau thơm ở khu vườn nhỏ.

“Con vào vấn đáp trả lời suông sẻ không?”

“Được mẹ, con nghĩ là đều được trung bình trở lên vì con trả lời khá. Mấy ông thầy hỏi khó ghê!”

“Con thay quần áo rồi ăn cơm.”


Hôm nay mẹ có dứa xào thịt bò, cá thu kho tiêu, giưa cải chua vừa ăn. Tôi thích thứ giưa cải mới làm hôm trước, còn cay mùi cải bẹ, nhai hơi hăng hăng. Bốn mẹ con ngồi ăn trong cái nhà nhỏ như cái lều nhưng vẫn vui vì là nhà của mình. Mẹ vẫn ao ước khi có tiền sẽ xây nhà, một căn nhà đúc bê-tông chắc chắn, không sợ gió bão, giả sử có phải bán để đi đâu cũng có tiền hơn là căn nhà sập sệ. Khu này phải khai với phường Trương minh Giảng và quận Ba. Do chính sách nâng đỡ dân di cư bỏ hết tài sản ngoài Bắc vào Nam làm lại cuộc đời, mẹ tôi cũng như những người đồng cảnh ngộ sẽ được cấp phát mảnh đất đã làm nhà trên đó và vào ở từ ngày tới đây.


Quả vậy, khoảng giữa năm 1955, mẹ có đủ giấy tờ hợp pháp từ Tòa Đô chính Sàigòn cấp phát là sở hữu chủ miếng đất trên. Bốn mẹ con tôi mừng rỡ vô cùng. Đất đó, như đã nói, của Đô thành Sàigòn chứ không phải của tư nhân và từ xưa chỉ để đổ rác. Nay rác chuyển đi Phú Lâm và khu này nhà cửa mọc lên san sát.


Sau này, khu đất Trương minh Giảng, Trương minh Ký là một trong những khu nhà đất đắt nhất Sàigòn, dĩ nhiên không thể bì với các khu Tự Do, Lê Lợi, Lê thánh Tôn, Gia Long v.v…

                                       ***


Chiều thứ sáu đó hoàn tất thi vấn đáp nhưng mãi tới thứ năm sau, bảng kết quả thi đậu mới được yết thị, cũng ngay tại cổng vào trường Trưng vương. Thí sinh đậu ít nên người tới coi bảng thưa thớt. Tôi không đếm nhưng hình như cái danh sách ngắn lại vì có một số rớt vấn đáp. Cái này mới là đau hơn ngậm ớt. Tôi với anh Ng. đều đậu, tôi đậu khá nhưng chưa đủ để xin du học. Du học dạo đó phải Tối Ưu hoặc Ưu có nghĩa bài nào cũng hoàn hảo 9.50 hoặc 9.80/10 điểm. Tôi không được điểm Tối Ưu nhưng quá hài lòng với kết quả. Tôi chỉ sợ phải học lại năm nữa thì hơi nản vả lại tôi đang cần mảnh bằng để đi dạy trung học đệ nhất cấp (từ lớp 9 trở xuống) giúp đỡ cho mẹ tôi bớt vất vả. Tính ra, tôi chỉ được học hai năm rưỡi lớp tối cho bảy năm từ đệ thất đến xong Tú Tài toàn phần.


Để thưởng cho tôi và anh Ng. mẹ ra chợ Bùi Phát mua một con gà mái dầu Tây Ninh mới gại ổ đẻ đem về làm cơm. Lúc đó anh Ng. còn trong nhà tu, thuộc địa phận Thanh Hóa, anh ở ngay trong trường Lê bảo Tịnh, nhà tôi đi bộ một chút là tới.


Tôi đã hẹn anh và trưa thứ bảy tuần sau nữa (đã có kết quả chung kết) anh y hẹn đến tôi. Thấy mẹ tôi, anh cúi đầu chào rất lễ phép:

“Thưa bác.”

“Ng. đấy hả? Ngồi đi cháu!”

“Dạ.”



Tôi với anh ngồi ở bàn, cái bàn độc nhất trong nhà, vừa dùng làm bàn ăn, vừa tiếp khách. Chỉ có 4 cái ghế nhưng tôi có thêm cái thùng đựng cam táo của quân đội Hoa Kỳ, dựng đứng nó lên ngồi thì cũng như cái ghế.

Uyển và Trân bưng thức ăn lên. Có gà luộc chấm muối chanh, lá chanh xắt nhỏ, chả xương, miến gà và bộ lòng thì xào mướp. À quên, còn một món nữa là món gỏi bắp cải xắt nhỏ, thịt gà xé nhỏ dài theo thớ và tôm luộc, rau thơm cũng xắt nhỏ, lúc ăn mẹ mới trộn hợp chất chua ngọt cay mặn. Thịt gà luộc với lá chanh, sao nó lại hợp đến vậy, thảo nào ca dao từ đời xửa đời xưa phải nói: con gà cục tác lá chanh. Bố  tôi, một cây sành ăn, lúc nào vườn của ông cũng phải có vài cây chanh, vừa ăn trái vừa ăn lá non với thịt gà.


Tôi đã mua một chai la-de lớn, tương tự bia Ôm-mền (Hommel) ngày xưa ở Hà Nội (khi bố muốn uống thì bảo tôi đi mua); mẹ không uống nên chỉ có tôi và anh Ng. Mẹ và Uyển, Trân ngồi vào bàn. Mẹ đọc kinh Tạ ơn xong mọi người cầm đũa. Mẹ nói:

“Bác mừng cho Ng. Mẹ mừng Vũ, hai anh em đã cố công cố sức và thành công kỳ thi này. Tạ ơn Chúa đã ban những ơn lành cho các con.”


Tôi và anh Ng. cụng ly. Anh Ng. nói:

“Thưa bác, quả thực con có cái may mắn gặp anh Vũ. Không có Vũ cùng học chưa chắc con đã đậu. Như con đã thưa với bác, con đã rớt 2 năm, 4 khóa liên tiếp và năm nay khóa đầu là 5 khóa rớt. Con đã nản lắm nhưng nhờ có anh Vũ khuyến khích và học chung, con lấy lại tinh thần, gắng hết sức và đã đậu được. Con phải cám ơn Vũ rất nhiều. Con chỉ đủ điểm đậu chứ không dư điểm như Vũ. Con học trước Vũ 2 năm, nghiền ngẫm nhiều hơn Vũ mà lúc vào thi không sáng như Vũ.”


Mẹ tôi yên ủi:

“Cứ đậu là được cháu à. Đi du học phải nhiều tiền lắm, người Nam họ mới có đủ sức chứ người Bắc mới di cư vào đây, chưa đủ thời gian để ổn định cuộc sống, làm sao mà tranh đua với người ta được. Thế đậu rồi cháu định làm gì?”

“Thưa bác, con vẫn dạy cho trường Lê bảo Tịnh, con dạy ở đấy đã lâu nhưng vì là tu sinh, con chỉ biết vâng lời bề trên. Bề trên bảo sao con làm vậy. Nhà chung nuôi không phải lo gì nên không cần lương mà cũng không có lương. Thỉnh thoảng Bề trên cho vài chục bạc lẻ để tiêu vặt hoặc có cần đi xe bus.”

“Cháu tu được là tốt lắm cháu à. Bao lâu nữa thì cháu thụ phong Linh mục?”

“Thưa bác, con còn phải học mấy năm Thần học nữa. Chẳng biết Chúa có chọn con không mặc dù anh con đang là Linh mục. Khi nào gặp, anh con cũng khuyến khích nhưng con cầu nguyện Chúa xin Chúa quan phòng. Chúa muốn con ra sao thì con sẽ ra thế. Chúa mở lối cho mọi người và mọi người cứ nương theo đó mà tuân theo ý Chúa. Bởi vậy nếu Bề trên bảo con ở lại dạy tiếp thì con dạy tiếp, bảo con về trường Thần học học thêm rồi chịu chức thì con trở về trường. Con cứ phó thác như vậy thôi; không bon chen mà cũng không ù lì.”

“Cháu có sự suy nghĩ rất khôn ngoan, bác nghĩ là đẹp lòng Chúa và đẹp lòng Bề trên. Ăn tự nhiên đi cháu!”


Mẹ tôi và Uyển, Trân ăn xong, cáo lỗi đứng lên. Chỉ còn tôi với anh Ng. Tôi rót thêm la-de cho anh:

“Uống say rồi về ngủ, anh Ng. à. Hôm nay thứ bảy đâu có phải làm gì.”


Tôi với anh Ng. cạn chai la-de. Mặt anh và mặt tôi đều đỏ. Tôi bảo Uyển múc cho anh và tôi mỗi người một bát miến. Tôi đã đi thưởng thức miến gà rất nổi tiếng ở cái quán không tên cạnh Nhà giây thép gió gần Ngã ba Ông Tạ, tôi cũng sang cả Đakao ăn miến gà và gỏi gà Trảng Bàng vì nghe đồn ngon lắm nhưng miến mấy nơi đó vẫn không sánh với miến mẹ tôi nấu. Ngoài vị ngọt đặc biệt không bằng bột ngọt nhưng bằng xương gà ninh kỹ, miến mẹ tôi nấu có mùi thơm thanh tao, thoang thoảng chứ không nặng mùi gà như những quán kia nấu. Mùi gà nặng quá làm cho ta ớn khi mới ăn muỗng đầu và từ đó, bát miến không còn hấp dẫn nữa.


Ngoài ra, sợi miến mẹ tôi nấu lúc ăn mới bỏ vào, từng bát, nên sợi miến còn chất dai và dòn, không mềm xèo như tại các quán ăn. Nồi nước dùng được mẹ săn sóc rất kỹ; mẹ cũng tẩy bằng gừng cho nhẹ mùi gà, khi ăn cũng có hành, ngò xắt nhỏ nhưng hương vị bát miến mẹ nấu bao giờ cũng nhè nhẹ, thoang thoảng không nặng mùi nước mắm hay mùi gà khiến ăn mất ngon. Mẹ giải thích, miến là món ăn thanh cảnh, ăn lấy ngon chứ không lấy no. Ăn miến chỉ múc vào bát nhỏ (như bát ăn cơm) chứ không múc vào tô như tô phở. Ăn miến gà ăn thiếu thiếu mới ngon. Bát miến chỉ rắc một chút tiêu nếu thích chứ không tương đỏ tương đen như phở. Ăn miến cũng phải ăn nóng mới ngon. Bát miến để lâu sợi miến nở ra, nước nguội đi, nấu kỹ lưỡng mấy cũng thành dở.


Bố tôi hồi còn sinh thời, ông rất dễ mà cũng rất khó trong vấn đề ăn uống. Ông ăn cơm cả tháng với muối mè, rau muống luộc chấm tương vẫn là ngon nhưng khi có gà, có cá, có bò, nấu nướng cho ông ăn phải làm như ý ông thích, không ông không ăn. Mẹ tôi đáp ứng được những đòi hỏi ấy nhưng chỉ khi mẹ có giờ, còn khi mẹ bận “con mọn”, bố tôi không bao giờ bày vẽ ra hay đòi hỏi.


Người ở thôn quê và cả người Hà Nội thích ăn gỏi cá sống với các thứ rau thơm. Bố tôi nói sán lải từ cá vào nằm trong gan thì hết thuốc chữa. Vì vậy ai rủ ông ăn gỏi cá ông cũng từ chối và cám ơn. Thói quen ăn tiết canh lợn, tiết canh chó, tiết canh vịt của nhiều người cũng không hấp dẫn được bố tôi. Ông nói nếu con vật có bệnh thì máu của nó nhiễm bệnh trước nhất. Ăn tiết canh là ăn những chất độc của con vật đem vào người mình. Các thứ thịt cá phải được nấu chín trước khi ăn để đề phòng bệnh tật.


Ngày nay nhiều người thích ăn Sushi vì nghe nói người Nhật ăn Sushi sống thọ trên trăm tuổi. Ai cũng ham sống thọ nhưng cá sống có bảo đảm là không nhiễm sán lải mới nên ăn sushi. Cá bán tại nhiều chợ, ngay ở Hoa Kỳ, chưa chắc đã yên tâm nếu không nấu thật chín.


Ăn xong, mẹ tôi và hai cô em gái lên dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ đồng dự giờ khấn và giờ chầu. Tôi tiễn anh Ng. ra tới đường, hỏi anh về được không, nếu không tôi gọi chiếc xích lô đạp chở anh về. Anh nói anh đi được, vả lại cũng chỉ hơn 400 mét là tới nhà. Trước khi chia tay, anh hỏi chừng nào tôi đi ghi danh học Đại học và định học ngành gì? Tôi nói Toán Đại cương tôi thích nhất nhưng không biết có đủ tài chánh theo học không vì phải học ban ngày như sinh viên thường mà ban ngày tôi phải đi dạy kiếm tiền giúp mẹ và hai em. Bố mất rồi, tôi là người con trai trong nhà phải thay bố mà làm những gì bố chưa làm được. Hai cô em muốn đậu Tú Tài toàn phần rồi vào Sư phạm, chẳng được 4 năm thì 3 năm cũng được, rồi đi làm, bớt lo nghĩ cho mẹ. Những quan tâm của bốn mẹ con tôi lúc đó chỉ có thế!


                                         ***


Thứ sáu vừa thi xong vấn đáp thì chủ nhật đó khoảng 3 giờ chiều, tôi xin phép mẹ rồi đạp xe đến nhà Như Ngọc. Khu cư xá có nhà để xe, tôi đem xe vào trong dựng và khóa lại. Tôi gõ cửa. Ngọc ra mở, Ngọc reo lên:

“Mời anh vào đây. Bố mẹ Ngọc đã đi được một lát, sẽ về bây giờ.”

“Ngọc đang làm gì vậy?”

“Ngọc phụ mẹ làm bếp đấy mà.”

“Vậy Ngọc cứ làm đi, để tôi ngồi chờ bác cũng được.”

“Anh ngồi đọc báo và nghe radio. Ngọc xuống bếp chút nhé!”

Ngọc bưng đặt lên bàn một ly nước chanh có đá lạnh, thứ nước giải khát bình dân người Sàigòn rất thích. Ngọc mời tôi uống cho mát, bật cái quạt trần xong xin phép xuống bếp. Tôi cám ơn Ngọc và nói Ngọc cứ tiếp tục công việc tự nhiên.

Tôi giở coi vài tờ tạp chí; đây là lần đầu tiên từ mấy năm nay tôi mới lại có dịp giở coi một tờ báo. Tôi thích đọc báo để biết tin tức như hồi ở Hà Nội, có ngày tôi đọc hai, ba tờ nhật báo, đọc cả những truyện dài đăng nhiều kỳ ở trang trong.


Tờ báo ở Hà Nội tôi hay mua đọc trước khi di cư vào Nam là tờ Tia Sáng, tôi đã quên tên những người chủ trương, quên cả tên hai Nhà Văn viết truyện dài đăng mỗi ngày; một truyện ái tình xã hội có tựa “Đợi anh về” nói lên tâm trạng của một cô gái mong người yêu từng ngày mà người yêu còn mải mê vì nhiệm vụ người trai nơi chiến địa. Chuyện rất hấp dẫn nhưng tôi chỉ còn nhớ đại khái có vậy. Truyện thứ hai cũng ở trang trong nhật báo này là “Anh hùng xa lộ” kể chuyện một đoàn tài xế xe tải đường trường, anh nào cũng có bồ ở những thị trấn xe các anh thường đi qua. Các anh lái hay nhưng tán gái cũng giỏi, rượu cũng khá, sống một cuộc đời rất hào sảng, phóng túng.


Từ ngày vào Nam, tôi không có giờ để đọc báo. Dạy kèm cho lũ trẻ để kiếm tiền phụ mẹ đã gần hết thì giờ mỗi ngày. Sau đó lại học tối, chương trình phải thanh toán gấp rút nên làm việc bằng hai bằng ba học sinh thường. Luôn luôn tôi thiếu ngủ vì cứ uống cà phê đá mỗi đêm để học bài.


Hồi học Tú Tài I, tháng đó tôi bệnh như cảm cúm gì đó day dứt mãi không khỏi dù đã uống nhiều thứ thuốc.


Mẹ bảo phải đi bác sĩ. Bác sĩ P. một ông bác sĩ gần về hưu đã săn sóc sức khoẻ cho gia đình tôi từ ngày chúng tôi tới Sàigòn. Ông được tiếng mát tay và cho giá bình dân, bệnh nhân nào chưa có sẵn thì trả dần ông cũng được vì thế phòng mạch ông lúc nào cũng đông.


Sau khi chẩn khám cẩn thận, bác sĩ P. gửi tôi đến chụp hình phổi ở bác sĩ Lý hồng Chương, đường Sương nguyệt Ánh, ông nghi tôi lao lực vì làm việc quá sức. Phòng chiếu điện Lý hồng Chương lúc đó rất đông khách, tôi phải chờ 45 phút mới đến phiên. Tiền chụp hình phổi không rẻ nhưng mẹ bảo phải làm y như bác sĩ gia đình chỉ dẫn. Ba ngày sau tôi đến lấy phim đem về trình cho bác sĩ P.


Phổi trong, normal, không có vết nám. Bác sĩ P. nói cháu làm việc quá sức phải cần nghỉ ngơi, nếu không bệnh nặng lên khó chữa. Nghỉ ngơi chỉ có cách là bỏ lớp tối mà bỏ lớp tối làm sao được? Bác sĩ P. bảo học hai năm thay vì một cho bớt vất vả. Tôi ừ hữ với ông nhưng không dám nói với mẹ. Thuốc men mãi, xông, cạo gió tứ bách tứ động rồi cảm cúm cũng phải lui. Mẹ năng nấu nước cho tôi xông. Cứ một nắm lá sả, lá chanh hay tía tô, hương nhu cho vào cái nồi đun sôi lên rồi cho vào vài giọt dầu Khuynh diệp. Mẹ bắt cởi áo, trùm chăn, hơi nóng từ nồi nước xông lên vào ngay mặt, tôi hít lấy cái hơi nóng thơm tho đó, cảm thấy mũi khá thông. Cứ chịu nóng, ngồi như vậy một lúc, mồ hôi mồ kê tuôn ra từ mọi kẽ chân lông, người nhẹ lâng lâng. Sau nửa giờ, tôi mở chăn, lấy khăn khô lau ráo người, thay quần áo. Mẹ đã nấu sẵn một bát cháo gà, múc ra ăn rồi uống viên thuốc cảm, lúc đó là Aspirin hay Optalidon. Bữa nào mẹ không nấu cháo thì bảo Trân lại trước rạp hát Văn Lang mua về cho tôi bát phở thật nóng.


Thời nay tân tiến mới có Tylenol với Acetaminophen hay Advil với Ibupropen chứ thời đó có viên Aspirin, Quinine hay Optalidon là quí lắm rồi. Thời chiến tranh Việt-Pháp, chưa có trụ sinh, người ta dùng Dagenan để chữa trị các bệnh Hoa liễu như Tim la, hột xoài, lậu mủ v.v…Người khỏi, người không cho đến khi cứu tinh của nhân loại là bác sĩ Flemming tìm ra trụ sinh.


Ăn cháo xong, mẹ bắt đi ngủ. Bệnh cúm rất ngoan cố nhưng làm nhiều lần như vậy bệnh phải lui. Trời không chịu đất, đất phải chịu trời! Khi bị ho quá thì thường mấy ông bác sĩ chích Penicilline hay cho uống Aureomycin vì các ông sợ con bệnh sưng phổi. Còn các ông Y tá ở Sàigòn thì bệnh gì cũng Penicilline! Ấy vậy mà nhiều ông Y tá vườn có nhiều bệnh nhân hơn bác sĩ, mua nhà lầu, vợ con ăn diện như bà hoàng! Nha công cũng vậy.


Từ hôm đi chụp hình phổi về, tôi cứ theo thời khóa biểu cũ mà dạy, mà học nhưng yên tâm hơn vì đã chụp hình phổi, biết chắc phổi trong. Đám học sinh nhỏ của tôi ở Bùi Phát chưa đến ngày thi Tiểu học, tôi ráng rèn cho các em đậu cho phụ huynh vui lòng. Sau đó, tôi phải đi dạy Trung học, không tiếp tục được nữa. Khi phụ huynh biết tôi đã đậu Tú Tài toàn phần, họ đến lớp mừng tôi; có người tổ chức liên hoan cho tôi nữa. Họ bảo trại Bùi Phát đậu Tú Tài toàn phần, tôi là đầu tiên. Họ cũng mong cho con họ theo gót những gì tôi đã đi.


Hai bác Tường về tới. Tôi đứng lên chào:

“Thưa hai bác.”

Bác trai tỏ ra rất niềm nở:

“Chờ hai bác đã lâu chưa?”

“Thưa con mới đến được 15 phút.”

Bác ngồi sa-lông nói chuyện với tôi. Tôi để ý thấy hai bàn tay của bác gân guốc, da mặt và hai cánh tay cũng đen hồng chứng tỏ bác đã quá dày dạn phong sương dưới cái nắng gắt gao mùa hè ngoài Trung. Đôi mắt bác rất sáng, nhìn thẳng, cằm hơi bạnh chứng tỏ con người cương nghị. Bác không đề cập nhiều đến chính trị nhưng tỏ ra là người có nhiều hiểu biết sâu sắc về chính trị.


Bác gái xuống bếp coi lại món ăn với Ngọc. Bác trai hỏi về việc học, việc thi. Bữa đó mới thi xong vấn đáp, chưa có kết quả (thứ năm sau) bác nói vào vấn đáp như vậy là suông sẻ, có thể đậu cao chứ không phải chỉ đậu. Bác là người có học, kiến thức khá rộng, hiện đang là Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng một Tiểu đoàn ở miền Trung. Ông về phép một tuần  thăm nhà, giao đơn vị cho ông Tiểu đoàn phó. Lần trước về phép thăm nhà cách đây đã hơn một năm. Khi ông không về được thì lựa một dịp trường nghỉ lễ hơi dài, bác gái đưa Ngọc ra Trung thăm bác trai.


Ngọc bưng thức ăn bày lên bàn. Khi đã xong hết, bác gái mời bác trai và tôi lại bàn. Bác trai ngồi đối diện với bác gái, tôi đối diện với Ngọc. Ngọc chỉ trang điểm sơ sài nhưng trông rất bắt mắt, rất xinh. Cái áo cổ tròn, vai bồng ngắn tay mầu hồng tôn hết được vẻ thanh tân của cô thiếu nữ dậy thì mơn mởn da thịt. Cái quần đen nền nã phía dưới làm tôn thêm vẻ đẹp kiều diễm phía trên. Tôi không dám nhìn lâu vào hàng đăng ten ngay trước ngực. Phong nhụy của những nụ hồng bạch chúm chím nở thì cũng chỉ tuyệt vời đến thế!


Bác Tường rót bia cho tôi nhưng tôi nói, cám ơn bác, con còn phải đạp xe về, con chỉ uống vài ngụm là mặt đỏ.

Ngọc bưng lên một khay bốn bát súp bắp non nấu gà nóng hổi. Khá ngon. Tôi đoán bác gái rất rành về nữ công gia chánh, bác đang tập cho Ngọc làm.


Sau đó là món người Sàigòn thường ăn, đó là món chả giò Sàigòn. Nhân tôm thịt, miến, mộc nhĩ, tiêu, hành, cà rốt xắt nhỏ, bác chiên rất dòn. Những lá rau diếp xanh tươi, có thêm ngò, ngò gai, húng quế, nước mắm chua ngọt chanh, ớt, tỏi. Lại có thêm đĩa bún tươi trắng phau. Ngoài chả giò, còn có thêm một món nữa là chạo tôm nướng mía. Bác gái làm ngon hơn những nhà hàng Tàu trong Chợ lớn. Tôi nói:

“Thưa bác, món chạo tôm này người Hoa trong Chợ lớn tự hào chỉ họ làm mới ngon nhưng con nghĩ người Việt Nam mình dụng công làm thì cũng không thua họ đâu.”

“Qua chả giò, con thử ăn chạo tôm xem bác làm ra sao?”


Bác trao cho tôi một que. Thanh mía bổ tư, dài cả gang, tôm quết nhuyễn bằng cối đá, thêm gia vị rồi phết trên đó xong đem nướng than cho chín từ từ. Bác gái lại bảo:

“Ngọc có công nướng, nướng lâu lắm đó vì nếu để than nóng quá sẽ cháy bên ngoài mà trong chưa chin. Sức nóng phải vừa thôi và kiên nhẫn ngồi trở.”

Ngọc cũng thêm một câu:

“Con nướng quen, còn mẹ quết và ướp quen. Muốn ăn chạo tôm phải có cả mẹ cả con mới xong. Còn bố thì được quyền ngồi đợi.”

Cả nhà cười. Bác trai bảo:

“Sang năm Ngọc phải đậu cho xong đấy. Thi Tú Tài 2 mà rớt lắm rồi đâm sợ.”

Tôi góp chuyện:

“Đúng như vậy, thưa bác. Anh bạn con, anh Ng. rớt hai năm vừa qua 4 lần, kỳ 1 năm nay lại rớt là 5 lần. Anh ngồi trong sân trường Gia Long khóc hu hu. Kỳ 2 này mới cùng vào vấn đáp với con, mừng quá là mừng. Nhưng chẳng biết con và anh Ng. có xuôi lọt không?”

Ngọc hỏi:

“Phải anh bữa trước đứng nói chuyện với anh trong sân trường Trưng vương?”

“Đúng anh đó. Toán anh khá lắm; vì kiếm không ra giáo sư thay thế cho giáo sư bị bệnh nghỉ bất chợt, có lúc nhà trường cho anh dạy Toán đệ Nhị, học trò đi thi đậu khá mà anh thi Tú tài 2 cứ lận đận hoài.”

“Học tài thi phận,” bác trai nói,”tức may mắn, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ. Đậu được phần lớn là do mình có siêng hay không và lựa môn có đúng hay không. Người không có khiếu về Toán mà đi ban Toán, khó đậu lắm cũng như không có khiếu về Văn chương mà đi ban C. Có khiếu tức thiên bẩm, trời cho mình nhiều khả năng về môn đó nhưng môn khác, có thể mình lại dở. Mỗi người có một cái hay, biết phát triển cái hay của mình thì có ngày sẽ gặt hái được kết quả lớn. Nhưng phải biết lượng sức mình, chớ làm quá sức mình, lỡ kết quả không ra gì lại ân hận!”


Tôi thấy bác trai rất sâu sắc; bác là người nhiều từng trải và kinh nghiệm ở đời. Bác cũng có tính cẩn thận và chậm rãi, từ tốn; tôi chắc bác được lòng anh em binh sĩ dưới quyền vì bác sành tâm lý lắm.

Sau món súp và hai món mặn đã khá no, Ngọc đưa lên bốn chén nhỏ chè hoa cau (trong Nam gọi là táo xọn) mời mọi người. Chè có va-ni thật thơm. Bác gái, ý chừng lấy điểm cho Ngọc:

“Chè này Như Ngọc hoàn toàn nấu lấy, bác không phải đụng tay. Cháu ăn thử xem có vừa không hay là nhạt. Nhà bác chỉ thích chè nhạt nhạt không như chè trong Chợ lớn, họ cho quá ngọt.”


Tôi múc thử một muỗng. Chè vừa quá chứ. Mẹ ở nhà có nấu cũng nấu nhẹ nhẹ thế này, không ngọt quá, sắc cả cổ.

“Thưa bác, chè nấu rất vừa, rất thơm ngon. Nhà con, mẹ con có nấu cũng cho đường khoảng này. Theo sách chỉ dẫn, đường mía ăn nhiều không tốt.”

Ngọc được khen sung sướng nhìn tôi long lanh đôi mắt rất đáng yêu.


 (còn tiếp)

Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Quà Văn Nghệ

Quà GS và Tết Canh Dần (2010) cho thân hữu và gia đình không gì bằng những tác phẩm mới xuất bản của Nhà Văn  Bút Xuân Trần Đình Ngọc:

-Tập Truyện ngắn Tình Mẹ Con

17 Truyện, 356 trang, bìa láng,in rất đẹp

-Tập Thơ Phụng Vụ - Thi ca Công giáo

        Sau Giờ Kinh Chiều

(in đợt đầu 5,000 cuốn ) để tặng mỗi gia đình một cuốn. Tiền in ấn do tác giả và quí ân nhân bảo trợ. Sách gồm gần 200 bài Thơ, nhiều bài song ngữ (tiện cho giới trẻ VN ở Hoa Kỳ). Xin liên lạc: 714-362-6037 hoặc Julie.nb.tran@gmail.com





  




      

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire