samedi 13 septembre 2014

Lịch sử với CHUYỆN NĂM LỬA VÀ BA CỤT Lữ Giang

Kính gửi quý anh chị đọc bài viết về lịch sử.
Caroline Thanh Hương
 
CHUYN NĂM LA VÀ BA CỤT
Lữ Giang

Trong việc thống nhất lực lượng quốc gia để tiến tới thành lập Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, các lực lượng quân sự của các giáo phái và đảng phái là một trở ngại lớn. Việc thống nhất các lực lượng này vẫn còn là những vấn đề tranh luận, trong đó vụ án Ba Cụt là vấn đề được tranh luận nhiều nhất. Nhân kỷ niệm 50 năm ban hành Hiến Pháp VNCH, chúng tôi xin trình bày lại một số sự kiện lịch sử để độc giả có thể thấy rõ vấn đề hơn.
Như chúng tôi đã nói trong VietCatholic News số ra ngày 13.10.2006, trong thời gian quân đội Pháp còn chiếm đóng ở Đông Dương, ở trong Nam, Pháp dùng lực lượng của các giáo phái và Bình Xuyên như là Phụ Lực Quân (Suppletif Forces) để giữ lãnh thổ, và dùng các viên chức thân Pháp để cai trị. Tại miền Bắc, Pháp dùng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng để bình định nông thôn. Khi tình hình lộn xộn, các lực lượng này đã trở thành những “sứ quân”, hùng cứ tại những phương khác nhau. Các lực lượng này thường xử dụng luật rừng và chẳng coi luật pháp quốc gia ra gì.

Theo quan điểm của Ngoại Trướng Hoa Kỳ Foster Dulles, “Cao Đài và Hòa Hảo có thể được xử dụng, nhưng không xài Bình Xuyên.” (Cao Dai and Hoa Hao could be used but not Binh Xuyen). Nhưng việc thương lượng với hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo để thống nhất lực lương quốc gia không phải là chuyện dễ, vì những đòi hỏi mà họ đưa ra không phù hợp với luật pháp và khả năng tài chánh của quốc gia (xem những đòi hỏi của Ba Cụt ở sau). Trong Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ có hai lực lượng chịu về hợp tác với chính phủ quốc gia là lực lượng của Tướng Nguyễn Giác Ngộ và của Đại Tá Nguyễn Văn Huê, còn các lực lượng của Trần Văn Soái (Năm Lửa), Ba Cụt và Lâm Thành Nguyên, đã đi theo Bình Xuyên chống lại chính phủ vì có sự khuyến khích và hổ trợ của Pháp. Vậy chỉ còn một cách là đánh dẹp.
TRANH CHẤP GIỮA HAI TƯỚNG HỌ DƯƠNG
Ngày 23.5.1955, chính phủ quyết định cho thành lập Khu Chiến Miền Tây bao gồm ba Phân Khu Vĩnh Long, Cần Thơ và Sóc Trăng. Đại Tá Dương Văn Đức, Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Sóc Trăng được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Khu Chiến này. Nhiệm vụ Khu Chiến này là bình định miền Tây.
Mặc dầu đã có những nỗ lực của Đại Tá Dương Văn Đức và Khu Chiến Miền Tây, loạn quân Hòa Hảo vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, lý do có lẽ không phải vì Tướng Đức thiếu khả năng mà vì vùng được giao phó bình định quá lớn với địa thế hiểm trở, trong khi đó phương tiện được cung cấp rất giới hạn.
Quân của Ba Cụt bị săn đuổi đã rút về vùng biên giới Việt – Miên để củng cố rồi quay trở lại quấy phá các đồn bóp và thôn xóm, đồng thời phục kích quân chính phủ ở các trục lộ giao thông, gây tình trạng bất an. Trong khi đó, quân của Tướng Trần Văn Soái rút về vùng Đồng Tháp Mười lập cơ sở mới với sự giúp đỡ của Pháp qua ngả biên giới Việt – Miên. Tình báo của chính phủ còn phát hiện cả máy bay Pháp thả tiếp liệu và võ khí cho quân của Tướng Trần Văn Soái. Ngoài ra, hai đơn vị Cao Đài ly khai vẫn đang lẫn trốn, một hoạt động động ở vùng Giồng thuộc Đồng Tháp Mười và một tại Châu Đốc.
Để sớm bình định miền Tây và ổn định tình hình chính trị, theo lời khuyền cáo của Giáo sư Westly R. Fishel, ông Diệm đã mời ông Nguyễn Ngọc Thơ góp phần vào việc thanh toàn các phần tử phiến loạn Hòa Hảo còn lại.
Mặc dầu ông Nguyễn Ngọc Thơ có quen biết với ông Phan Văn Hoành, cậu của Ba Cụt, trong thời gian ông làm Tỉnh Trưởng các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên và Mỹ Tho, Ba Cụt đã mưu sát ông đến 6 lần vì cho rằng ông theo Pháp, nhưng ông đã thoát được. Đối lại, ông Thơ cũng đã cho mở các cuộc hành quân để truy kích Ba Cụt nhiều lần, nhưng không bắt được. Do đó, khi nghe ông Ngô Đình Nhu hỏi ý kiến về việc dẹp loạn Trần Văn Soái và Ba Cụt ở miền Tây, ông xin lãnh trách nhiệm ngay. Đây là một cơ hội tốt giúp ông thanh toán một kẻ thù luôn theo đuổi ông. Ông đề nghị cử Tướng Dương Văn Minh làm chỉ huy trưởng chiến dịch, còn ông phụ trách việc thương lượng với các phe ly khai, vì ông đã từng quen biết hay đối đầu với họ khi làm tỉnh trưởng một số tỉnh trong vùng. Ông Diệm đồng ý.
Ngày 29.12.1955, ông Diệm đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch Đinh Tiên Hoàng do Đại Tá Dương Văn Đức chỉ huy và thăng Đại Tá Đức lên Thiếu Tướng. Tướng Đức vẫn tỏ vẽ bất bình về chuyện chấm dứt công tác một cách đột ngột này và khi được biết ông Nguyễn Ngọc Thơ là người đã đề nghị Tướng Dương Văn Minh thay mình, Tướng Đức rất giận ông Thơ. Do đó, sau khi chiến dịch này chấm dứt, ngày 10.6.1956, ông Diệm phải cử Tướng Đức đi làm Đại Sứ tại Nam Hàn.
Rất hận về chuyện ông Nguyễn Ngọc Thơ đưa Tướng Dương Văn Minh xuống cướp chỗ của mình, khi tham gia cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh ngày 30.1.1964 lật đổ Tướng Dương Văn Minh, công việc đầu tiên của Tướng Đức là đi tìm ông Nguyễn Ngọc Thơ, lúc đó đang là Thủ Tướng Chính Phủ, kéo ra và đánh mấy cái bớp tai trước mặt mọi người!
Mặc dầu Tướng Dương Văn Minh đang bị điều tra về việc biển thủ một thùng phuy vàng lấy được của Bảy Viễn, ngày 1.1.1956, ông Diệm đã cử Tướng Dương Văn Minh làm Chỉ Huy Trưởng Chiến Dịch Nguyễn Huệ bình định miền Tây, nhằm thực hiện ba mục tiêu sau đây: Phong tỏa biên giới Việt – Miên từ Hà Tiên đến sông Vàm Cỏ, không cho loạn quân chạy sang; cắt đứt sự liên lạc của loạn quân giữa Khu Chiến Miền Tây và và Khu Chiến Đồng Tháp Mười; và thanh toán các lực lượng giáo phái ly khai, đặc biệt là lực lượng của Trần Văn Soái và Ba Cụt.
Sau đây là phần tòm lược tiến trình và kết quả của Chiến Dịch Nguyễn Huệ:
THANH TOÁN LỰC LƯỢNG NĂM LỬA
Với sự giúp đỡ của cả Pháp lẫn Việt Cộng, Tướng Trần Văn Soát, tức Năm Lửa, đã lập được những căn cứ vũng chắc trong vùng Đồng Tháp Mười. Lúc đó Tướng Soái có khoảng 3.800 quân được chia ra thành 7 trung đoàn có tên như sau: Thiên Hộ, Lê Lợi, Nguyễn Trải, Thường Kiệt, Quang Trung, Quốc Tuấn và Huỳnh Đức. Tuy gọi trung đoàn nhưng mỗi đơn vị này chỉ có khoảng trên dưới 400 quân, có trung đoàn như Quốc Tuấn chỉ có 65 quân. Ngoài 7 trung đoàn này, còn có một số tiểu đoàn độc lập.
Quân chính phủ được chia làm 3 cách tiến vào Đồng Tháp Mười. Ngày 9.1.1956, đoàn quân của Khu Chiến Đồng Tháp và Sư Đoàn 15 khinh chiến tảo thanh vùng Gò Bắc Chiên, trong khi đó, hai Trung Đoàn 43 và 44 theo sông Vàm Cỏ Tây tiến vào Bình Châu. Cánh quân thứ ba của Tướng Nguyễn Giác Ngộ và Trung Đoàn 42 từ Sađéc lên, bố trí chận đường của địch. Quân của Tướng Soái chỉ bỏ chạy.
Theo chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” đã trù, sau khi dồn quân Tướng Soái vào ngỏ cụt, một đại diện của chính phủ đã tiếp xúc với Đại Tá Phan Hà, Đổng Lý Văn Phòng của Tướng Soái, tại đồn Cây Tre, làng Tân Phú, tỉnh Đồng Tháp. Đại Tá Hà bày tỏ ước muốn được trở về. Cuộc tiếp xúc thứ hai với bà Lê Thị Gấm, vợ của Tướng Soái, đã xẩy ra ngày 24.1.1956. Bà Gấm hứa sẽ thuyết phục Tướng Soái về quy thuận. Ngày 11.2.1956, ông Nguyễn Ngọc Thơ, đại sứ lưu động của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, đã tiếp xúc với Tướng Soái. Tướng Soái đưa ra một số điều kiện. Sau khi thảo luận, chính phủ đã đồng ý như sau:
- Tướng Soái đặt toàn bộ lưu lượng võ trang của ông dưới quyền của chính phủ.
- Các tài sản đã tịch thu thuộc quyền chính phủ. Các tài sản chưa tịch thu, Tướng Soái có quyền xử dụng.
- Binh sĩ Hòa Hảo được quyền tự do lựa chọn hoặc gia nhập quân đội chính phủ hoặc trỡ về với gia đình và làm ăn.
Ngày 17.2.1956, Tướng Soái đã mang quân ra quy thuận. Ngày 2.3.1956 Tướng Soái đã đưa ra lời tuyên bố nói rõ lý do lực lượng của ông về quy thuận với kết luận như sau:
 “Tôi tha thiết kêu gọi anh em Phật Giáo Hòa Hảo hãy đoàn kết lại, noi theo lời tuyên bố của Đức thân sinh của Đức Thầy, đúng sau lưng Ngô Tổng Thống để cương quyết thanh trừng bọn phản đạo và tiêu diệt bọn Thực – Cộng, để xây đắp tự do dân chủ và độc lập phú cường cho đất nước.”
Cuộc hành quân thanh toán lực lượng Trần Văn Soái từ 9.1.1956 đến 17.1956 đã đem lại sự thiệt hại về nhân mạng như sau: Quân của Tướng Soái có 268 người bị giết và 3750 về quy thuật, còn quân chính phủ mất 31 người và bị thương 98 người.
Lễ tiếp thu lực lượng Trần Văn Soái được tổ chức long trọng tại Cái Vồn ngày 7.3.1956. Sự trở về của lực lượng này đã làm cho thình hình miền Tây lắng dịu. Buổi lễ này cũng đã chấm dứt cuộc đời hoạt động chính trị và quân sự của Tướng Trần Văn Soái. Sau buổi lễ, ông và gia đình đã lên Sài Gòn sống đời bình thường như những người dân khác. Sau đó ông đi Pháp và đã chết ở Pháp.
THANH TOÁN LOẠN QUÂN BA CỤT
Sau Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng 2, Ba Cụt còn khoảng 2.000 quân, rút về hoạt động ở các khu Giồng Riêng (Rạch Giá), Ba Thê, Hà Tiên và Châu Đốc. Số quân còn lại của 4 trung đoàn chủ lực như sau: Bắc Tiến khoảng 200 quân, Nguyễn Huệ khoảng 200 quân, Lê Quang trên 300 quân và Lê Lợi khoảng 100 quân. Trong 4 trung đoàn này, Trung Đoàn Lê Quang do Nguyễn Thời Rê chỉ huy được coi là thiện chiến nhất và được trang bị đầy đủ nhất. Ba Cụt là Tổng Thư Lệnh và Ba Bụng, tức Phan Công Cẩn, là Phó Tổng Tư Lệnh.
Chiến dịch thanh toán lực lượng Ba Cụt được chia thành nhiều giai đoạn. Kể từ ngày 5.1.1956, Sư Đoàn 11 khinh chiến mở cuộc hành quân vào vùng Giồng Riêng để truy lùng hai trung đoàn Lê Quang và Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, vì cuộc hành quân được tổ chức quá gấp rút, không nghiên cứu kỷ càng, thiếu phương tiện vận chuyển, nên quân Ba Cụt chạy thoát gần hết. Nhưng ngày 8.1.1956 quân Ba Cụt đột nhập xóm Thầy Quân ở Cà Mau, bắt Thiếu Úy Bùi Quang Thừa và một số viên chức hành chánh đem ra mổ bụng. Ngày 10.1.1956, Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 36 do Đại Úy Trần Hữu Hạnh chỉ huy mở cuộc hành quân truy lùng địch bị lọt vào ổ phục kích bị thiệt hại rất nặng.
Ngày 13.1.1956, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 đã cho mở cuộc hành quân tiến vào Rạch Cần Thảo vì được tin quân Ba Cụt đang thu thuế lúa của dân. Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 12 đã tiêu diệt toàn bộ đại đội bảo vệ việc thu lúa.
1 - Thương thuyết với Ba Cụt: Ông Nguyễn Ngọc Thơ quen biết với cậu ruột của Ba Cụt là ông Huỳnh Kim Hoành, thường gọi là ông giáo Hoành, ở Bằng Tăng. Ông Hoành là người đã dạy cho Ba Cụt học hết chương trình tiểu học, nên Ba Cụt rất kính trọng ông giáo Hoành. Ông Thơ về Bằng Tăng tìm gặp ông giáo Hoành và nhờ ông giáo Hoành giúp để có thể nói chuyện với Ba Cụt, nhưng Ba Cụt nhất định không thương thuyết. Tại sao lúc này Ba Cụt chịu thương thuyết? Có giả thiết cho rằng Ba Cụt chịu thương thuyết vì đang bị quân đội quốc gia dồn vào đường cùng. Nhưng một giả thiết khác cho rằng Ba Cụt đã chấp nhận thương thuyết như một kế hoãn binh. Lợi dụng cuộc ngưng bắn tạm thời diễn ra lúc có thương thuyết, Ba Cụt cho chỉnh đốn lại hàng ngũ và tái phối trí lực lượng để tiếp tục đương đầu với quân chính phủ. Các diễn biến sau đây cho thấy giả thuyết này đúng.
Theo Ba Cụt khai trước tòa thì cuộc hội kiến sơ bộ diễn ra ngày 26.3.1946 tại làng Thường Phước, quận Hồng Ngự. Đây là một làng nằm sát biên giới Việt - Miên. Nói đúng và rõ hơn, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã gặp Ba Cụt ở Cồn Tảo nằm trên sông Mêkông cách quận Tân Châu lối 15 cây số về hướng Bắc. Trong cuộc hội kiến này, ông Nguyễn Ngọc Thơ hỏi Ba Cụt có chịu đưa lực lượng của ông về sát nhập vào Quân Đội Quốc Gia và đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu hay không. Ba Cụt trả lời rằng trên nguyên tắc ông đồng ý, nhưng chính phủ phải cam kết thi hành những điều kiện ông sẽ đưa ra.
Ba Cụt khai trước Tòa rằng cuộc hội kiến thứ hai đã diễn ra ngày 6.4.1956. Thật ra, cuộc hội kiến này được dự trù sẽ diễn ra vào ngày 4.4.1956, nhưng khi ông Thơ đến Cồn Tảo thì Ba Cụt không chịu hội kiến mà đưa cho ông Nguyễn Ngọc Thơ một “bản điều kiện” do Ba Cụt ký tên và đề ngày 2.4.1956. “Bản điều kiện” này gồm 16 điểm, đại lược như sau:
1.- Chính phủ thừa nhận Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội (gọi tắt là Đảng Dân Xã) là một chánh đảng hợp pháp, được phép hoạt động trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam. Phóng thích tất cả các chính trị phạm do Đảng Dân Xã nhìn nhận và bảo đảm an ninh cho toàn thể cán bộ chính trị của Đảng Dân Xã.
2.- Không nhìn nhận hiệp định Genève, tẩy ban kiểm soát đình chiến ra khỏi nước.
3.- Với số vũ khí hiện có của lực lượng Đảng Dân Xã, chính phủ bổ sung thêm để thành lập hai sư đoàn, một sư đoàn Bắc Tiến và một sư đoàn Bảo An lo giữ an ninh trật tự ở miền Tây. Hai sư đoàn này do Trung Tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) chỉ huy. Trung Tướng Vinh chịu hệ thống trực thuộc của Bộ Quốc Phòng. Tướng Lê Quang Vinh có quyền đặt bản doanh tại Long Xuyên, Sài Gõn và một bản doanh lưu động.
4.- Công nhận Trung Tước Lê Quang Vinh là sĩ quan quân đội quốc gia, và công nhận cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan của binh sĩ Đảng Dân Xã. Trợ cấp cho gia đình các tử sĩ và thương binh chống Thực – Cộng do Tướng Lê Quang Vinh chỉ huy.
5.- Tái võ trang cho một số đơn vị Bảo An Hòa Hảo để giữ an ninh trật tự vùng thánh địa.
Dĩ nhiên, chính phủ không bao giờ chấp nhận những điều kiện như thế, nhất là khi lực lượng Ba Cụt đang đến ngày tàn. Chấp nhận những điều kiện đó thì chẳng khác gì công nhận một quốc gia trong một quốc gia. “Bản điều kiện” của Ba Cụt cho thấy Ba Cụt không thật sự muốn thương thuyết mà chỉ coi thương thuyết như một kế hoãn binh. Quả thật, trong thới gian hưu chiến từ 26 tháng 3 đến mồng 6 tháng 4, Ba Cụt đã củng cố lại hàng ngũ và tái phối trí để tiếp tục cuộc chiến.
Riêng về điều kiện buộc chính phủ phải công nhận Ba Cụt là Trung Tướng của Quân Đội Quốc Gia, cần nhắc lại những diễn biến sau đây: Ngày 20.8.1950 Ba Cụt đã về hợp tác với Pháp lần thứ tư và được gắn lon Thiếu Tá, nhưng sau đó ông lại ra đi. Tháng 11 năm 1953, ông về hợp tác lần thứ năm và đến này 1.12.1953, ông được Pháp gắn lon Đại Tá. Sau đó ông lại ra đi. Ông đã về rồi đi tất cả 6 lần. Nay từ Đại Tá ông đòi lên Trung Tướng!
Ngày 6.4.1956, ông Nguyễn Ngọc Thơ thông báo cho Ba Cụt biết “Bản điều kiện” của ông không được chính phủ chấp nhận.
2 - Đuổi bắt Ba Cụt: Sau khi cuộc thương thuyết thất bại, ngày 8.4.1956 Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ cho hai trung đoàn mở cuộc hành quân truy lùng Ba Cụt và quân của Ba Cụt, một trung đoàn bố trí trong khu Châu Phú Bắc để chận đường quân Ba Cụt chạy qua biên giới, còn Trung Đoàn 41 phát xuất từ quận Hồng Ngự mở cuộc tấn công vào Thường Phước, nơi có Bộ Tư Lệnh của quân Ba Cụt. Cuộc hành quân này chỉ đụng độ lẻ tẻ. Ba Cụt đã vượt được vòng vây, chạy về đến Chắc Cà Đao cách Long Xuyên khoảng 7 cây số thì bị bắt vào ngày 13.4.1956. Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ đã từờng trình về vụ bắt Ba Cụt như sau:
 “... Cuộc thương thuyết thất bại, Ba Cụt len lỏi cùng một số sĩ quan cận vệ và tùy tùng trốn thoát vùng phong tỏa của quân ta. Từ vùng Thường Phước, Ba Cụt rút xuống Đồng Tháp và trú ẩn với lực lượng quân sự nghĩa quân cách mạng tại vùng rạch Ba Răng, Ngày 11.4.1956, vào lúc tối lâu, Ba Cụt và Thế Xương (Dương Thế Xương - Đổng Lý Văn Phòng Dân Xã Đảng), Thiếu Úy Vinh (Bí Thư của Ba Cụt), Thiếu Úy Tốc (Sĩ quan cận vệ) và một số nhân viên cận vệ rời Đồng Tháp để về khu vực Long Xuyên với mục đích trốn thoát vùng phong tỏa.
 “Nội bọn dùng một xuồng và một ghe khởi hành từ ngọn rạch Ba Răng và tiến về phía Nam dọc theo sông Hậu Giang đến đồn Hòa Hảo (7 cây số Tây Bắc Chợ Mới) vào lúc 24 giờ và số cận vệ được để nghỉ đêm tại nơi đây.
 “Sáng ngày 12.4.1956, Ba Cụt cùng Thế Xương qua sông, ngừng tại Xẻo Bưng (ấp Mỹ Thuận) để gặp người cậu ruột tên là Hoành và một số người khác bàn luận việc mua vũ khí và đạn dược.
 “Chiều hôm đó, vào khoảng 18 giờ, toán cận vệ còn lại rời khỏi cồn Hòa Hảo để theo Ba Cụt. Khi toàn này rời khỏi cồn Hòa Hảo độ 2 cây số và đang qua sông thì bị nhân viên biệt động đội Phòng Nhì trông thấy, xả súng bắn theo. Được báo động, quân đội quốc gia đóng ở Chợ Mới liền tổ chức ruồng bố để tìm bắt loạn quân.
 “Bị động, Ba Cụt cùng đoàn tùy tùng rút xuống phía Nam vào lúc 21 giờ 00, riêng Thế Xương được lệnh Ba Cụt tiến lên Đồng Tháp.
 “Xuồng và ghe chở Ba Cụt cặp theo hữu ngạn sông Hậu Giang và đúng nửa đêm thì cả bọn rẻ vào Đồng Xúc (Mỹ Hòa).
 “Nghỉ lại nơi đây, coi rằng đã ra khỏi cuộc ruồng bố của quân đội chính phủ, không ngờ đến 6 giờ 00 sáng 13.4.1956, Ba Cụt và toán cận vệ bị quân đội quốc gia truy kích, nên vừa băng qua sông ngang vàm Chắc Cà Đao (trên bản đồ gọi là Chắc Cần Đào), vừa cập bến thì bị tiểu đội tình báo Bảo An bắt được.
“Biết trước không thể chống cự được, Ba Cụt ra lệnh đầu hàng.
Thật ra, việc bố trí để bắt Ba Cụt phức tạp hơn nhiều. Những người liên hệ cho biết, sau khi Tướng Trần Văn Soái chịu quy thuận nhưng Ba Cụt vẫn từ chối, ông Ngô Đình Nhu đã bàn với Tướng Dương Dương Văn Minh soạn thảo một kế hoạch rất tỷ mỷ để bắt Ba Cụt. Các nhân viên tình báo có nhiệm vụ theo dõi sự di chuyển của Ba Cụt cho biết Ba Cụt thường hay lui tới vùng Chắc Cà Đao cách Long Xuyên khoảng 7 cây số và thỉnh thoảng dừng chân tại đồn này. Đồn Bảo An Chắc Cà Đao do các binh sĩ Bảo An giữ và Trung Sĩ I Giầu làm trưởng đồn, nhưng các binh sĩ này là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, rất cảm phục Ba Cụt, nên Ba Cụt thường ghé vào nghỉ ở đó.
Đại Úy Hiển phụ trách về an ninh của Bảo An được ông Ngô Đình Nhu trao cho thành lập và thực hiện kế hoạch phục kích bắt Ba Cụt. Đại Úy Hiển đã tuyển chọn 15 binh sĩ Bảo An tinh duệ và giao cho Trung Sĩ Lợi, một người rất giỏi về võ thuật huấn luyện. Sau khi huấn luyện xong, một đội đặc nhiệm đã được thành lập lấy tên là Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn. Bên ngoài, đội này được giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của Việt Cộng ở vùng Chắc Cà Đao, nhưng mục đích chính là theo dõi và bắt Ba Cụt. Cả đội này đã mặc thường phục đến bố trí vùng quanh đồn Bảo An Chắc Cà Đao.
Ngày 8.4.1956, sau khi hai trung đoàn mở cuộc hành quân lục soát vùng Châu Phú Bắc và Thường Phước không bắt được Ba Cụt, Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ tin rằng Ba Cụt có thể trở về vùng Chắc Cà Đao lẩn trốn nên đã bí mật ra lệnh cho Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn của Đại Úy Hiển đến chiếm đóng đồn Bảo An Chắc Cà Đao, kết hợp với lực lượng của Trung Sĩ Giầu thành Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn do Đại Úy Hiển chỉ huy. Đại Úy Hiển đã cho liên đội bố trí quanh đồn Chắc Cà Đao để chờ bắt Ba Cụt.
Đêm 13.4.1956, Ba Cụt và toán cận vệ đâm xuồng qua sông về phía Long Xuyên, ngang vàm Chắc Cà Đao, cập bến gần đồn Đồn Bảo An Chắc Cà Đao, lên bộ, băng qua một thửa ruộng nhỏ rồi lên lộ chính và tiến về đồn Bảo An Chắc Cà Đao với sự tin tưởng rằng sẽ được các binh sĩ Bảo An trong đồn đón tiếp như những lần trước. Tất cả có 8 người đều mặc đồ đen, 5 người mang súng trường hay tiểu liên, Ba Cụt mang súng lục, còn hai người không mang súng. Khi họ đang từ từ tiến về phía đồn thì các binh sĩ phục kích hai bên lộ nhảy ra hô đưa tay lên và bắt trói lại, toán cận vệ của Ba Cụt không trở tay kịp.
Người đè Ba Cụt xuống và trói chặt là Trung Sĩ Lợi nhưng trong thông báo nói là Trung Sĩ I Giầu để che dấu hoạt động đặc biệt của Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn. Trung Sĩ Giầu vẫn còn trung thành với Ba Cụt, nên khi ra tòa Trung Sĩ Giầu có khai rằng Ba Cụt nói về để thương thuyết.
Năm cận vệ mang súng bị bắt cùng với Ba Cụt là Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Tóc và Võ Văn Vĩnh. Hai người còn lại không mang vũ khí là Phan Văn Hoành và Trần Tấn Hanh. Hai người này phụ trách chèo đò. Ngoài ra, các binh sĩ Bảo An còn tịch thu được hơn một triệu đồng.
Ngày 29.5.1956, trong một buổi lễ trao lệnh kỳ và huy chương, Đại Biểu Chính Phủ tại Nam Việt đã trao tặng Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn một triệu đồng vì có công bắt được Tướng Ba Cụt. (Đoàn Thêm, 1945 – 1964, Việc từng ngày, Xuân Thu, Hoa Kỳ, tr. 197). Số tiền này được chia cho các toàn viên của Liên Đội. Riêng Đại Úy Hiển được thưởng 1 triệu đồng, Trung Sĩ Lợi 200.000 đồng và được đặc cách thăng Thiếu Úy. Tuy nhiên, khoảng một năm sau khi Ba Cụt bị xử tử, Thiếu Úy Lợi đang nằm ngủ trưa ở đồn Bảo An Thốt Nốt, Long Xuyên, thì bị một kẻ lạ mặt bắn bằng súng Colt 12 ly, đạn xuyên qua đầu và chết ngay tại chỗ. Cơ quan an ninh nghi rằng một tay chân bộ hạ của Ba Cụt đã hạ sát Thiếu Úy Lợi để báo thù cho Ba Cụt.
Ngay sau khi Ba Cụt và đồng bọn bị bắt, hơn 10 xe nhà binh đã đến giải họ về Long Xuyên. Ít lâu sau, họ bị giải về Cần Thơ để lập hồ sơ truy tố ra Tòa Đại Hình.
3 - Vấn đề tranh luận: Trong cuốn “Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí” , Chánh Đạo, tức Vũ Ngự Chiêu, đã viết: “Có tin cho rằng Ba Cụt đã bị Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ dụ hàng với cấp bậc Thiếu Tướng, rồi sau đó bắt sống trên đường tới phó hội.” (tr. 197).
Việt Cộng cũng viết như Vũ Ngự Chiêu: “Ngô Đình Diệm đã nhiều lần phái quân đội đến tiểu trừ nhưng vẫn không thanh toán được. Sau Ngô Đình Diệm âm mưu “thương thuyết”, chấp nhận cho Ba Cụt về cộng tác với chính quyền (do Nguyễn Ngọc Thơ làm trung gian), nhưng vào phút cuối, Ngô Đình Diệm trở mặt, bắt cóc ông rồi đưa ra tòa xử tử hình với tội “phản loạn”.” (Tự Diễn Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, Văn Hóa, Hà Nội 1997, tr. 1190).
Chuyện Ba Cụt trở về để thương thuyết đã được ba Luật sư của Ba Cụt là Lê Ngọc Chấn, Vương Quang Nhường và Đinh Xuân Các đưa ra thanh luận trước Tòa Án Quân Sự Cần Thơ trong một phiên xử kéo dài trong hai ngày 3 và 4.7.1956, dựa trên lời kể lại của Trung Sĩ I Giầu rằng khi bị bắt, Ba Cụt có nói ông về Long Xuyên để thương thuyết. Tuy nhiên, Kể từ ngày Ba Cụt không chịu tiếp tục thương thuyết và đưa ra các điều kiện bắt chính phủ phải thi hành là ngày 4.4.1956, đến ngày bị bắt là ngày 13.4.1956, tính ra là 10 ngày. Không có bằng chứng nào cho thấy trong thời gian đó có một cuộc thương thuyết giữa Ba Cụt và đại diện chính phủ đã được dự trù sẽ diễn ra tại Long Xuyên. Vậy nếu Ba Cụt về Long Xuyên để thương tuyết thì thương thuyết với ai? Nhiều người tin rằng sở dĩ Ba Cụt nói với Trung Sĩ Giàu như trên là để chạy tội sau khi đã bị bắt mà thôi.
Trong phiên tòa, Đại Tá Mai Hữu Xuân ngồi ghế Ủy Viên Chính Phủ còn dẫn chứng thêm rằng khi các điều kiện Ba Cụt đưa ra không được chính phủ chấp nhận, Ba Cụt đã viết cho vợ là Trần Thị Hoa tự Phấn một lá thư đề ngày 6.4.1956, trong đó có đoạn như sau: “Anh nói cho mình rõ, anh và Diệm ăn thua nhau lớn rồi, quyết một mât một còn, lần này anh không nhịn...” Ba Cụt cũng đã viết thư báo tin cho Phó Tổng Tư Lệnh của ông ta là Ba Bụng, tức Phan Công Cẩn, biết cuộc hội kiến đã thất bại để ông này tiếp tục cuộc chiến. Hai tài liệu này đã bị Quân Đội Quốc Gia bắt được khi hành quân. Như vậy, làm gì còn có chuyện thương thuyết nữa?
Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Nguyễn Ngọc Thơ cũng đã xác nhận không hề có chuyện lừa Ba Cụt về thương thuyết rồi bắt. Trong một cuộc họp báo vào tháng 12 năm 1963 tại Hội Trường Diên Hồng, khi một ký giả hỏi rằng có phải Ba Cụt bị gạt về họp tại Chắc Cà Đao rồi bị bắt, có phải không, Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ đã trả lời: “Vì sự đòi hỏi của Ba Cụt quá đáng, như chính phủ phải nhìn nhận anh là Trung Tướng Quân Đội Quốc Gia anh mới trở về hợp tác nên cuộc thương thuyết với Ba Cụt bất thành. Sau đó, Ba Cụt bị bắt trong khuôn khổ một cuộc hành quân ở miền Tây.”
Sau khi Ba Cụt bị bắt, ngày 24.4,1956, Ba Bụng, tức Phan Công Cẩn, Phó Tổng Tư Lệnh của Ba Cụt và một số quân sĩ khác bị bắn chết tại Châu Đốc. Sau đó, Nguyễn Van Ca, Chính Trị Bộ Chủ Nhiệm của quân Ba Cụt bị bắt tại kinh Thần Nông và Dương Thế Xương, Đổng Lý Văn Phòng của Ba Cụt bị bắt tại Mỹ Thuận, quân của Ba Cụt tan rả. Ngày 31.5.1956, Chiến Dịch Nguyễn Huệ chấm dứt. Qua Chiến Dịch Nguyễn Huệ, có 918 quân của Ba Cụt, trong đó có 11 sỹ quan, đã quy thuận.
4 - Xét xử và hành quyết Ba Cụt: Vì việc truy tố và xét xử Ba Cụt và đồng bọn sẽ diễn ra tại Tòa Đại Hình Cần Thơ, nên ông Nguyễn Văn Sĩ, Bộ Trưởng Tư Pháp, đã cử ông Huỳnh Hiệp Thành ngồi ghế Chánh Án, và ông Lâm Lễ Trinh, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn, ngồi ghế Công Tố Viện. Các hội thẩm do Tòa Đại Hình Cần Thơ chỉ định.
Ngoài hai tội chính là “phản loạn” và “dùng vũ lực chống lại Quân Đội Quốc Gia”, Ba Cụt và đồng bọn còn bị dân chúng tố cáo về vô số hành vi phạm pháp khác như ức hiếp và giết hại thân nhân của họ, thu thuế bất hợp pháp, v.v. nên Bộ Tư Pháp phải chỉ thị hai ông Chánh Án (kiêm Biện Lý và Dự Thẩm) Tòa Hòa Giải Rộng Quyền Long Xuyên và Châu Đốc nhận đơn khiếu nại của dân chúng, lấy khẩu cung các nhân chứng rồi gởi hồ sơ về cho ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh để lập thủ tục truy tố và đưa ra Tòa Đại Hình xét xử.
Chỉ với hai tội “phản loạn” và “dùng vũ lực chống lại Quân Đội Quốc Gia”, Ba Cụt cũng đã có thể bị tuyên án tử hình rồi. Đây là hai tội khó có thể biện minh được. Ngoài ra, Ngày 10.6.1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ban hành Dụ số 43 đặt Tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) và Tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) ra ngoài vòng pháp luật. Riêng Tướng Trần Văn Soái đã quy thuận nên đã được ân xá. Tướng Ba Cụt lại thuộc loại “sớm đầu tối đánh”. Trong thời gian từ 1946 đến 1953 Ba Cụt đã quy thuận 6 lần nhưng sau đó lại ra đi. “Bản điều kiên” Ba Cụt đã đưa ra khi thương thuyết là một hành động thách thức chính phủ. Vì thế, nhiều người tiên đoán Ba Cụt khó thoát khỏi án tử hình.
Tòa Đại Hình xử sơ thẩm vụ Ba Cụt và đồng bọn được mở tại Cần Thơ ngày 11.6.1956. Gia đình Ba Cụt đã thuê hai luật sư danh tiếng để biện hộ cho Ba Cụt là Luật Sư Vương Quang Nhường, Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Sài Gòn, và Luật sư Lê Ngọc Chấn, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng hồ sơ quá nặng, việc tận tình biện hộ của hai luật sư tài giỏi cũng không cứu vãn được gì. Tòa đã tuyên án tử hình. Ba Cụt kháng cáo.
Lúc đó, tại miền Nam Việt Nam chỉ có hai tòa thượng thẩm là Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn và Tòa Thượng Thẩm Huế, nhưng chính phủ muốn việc tái thẩm diễn ra tại Cần Thơ để dân chúng miền Tây có thẻ dễ theo dõi, nên ngày 14.6.1956, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ban hành Dụ số 33 cho phép thành lập TòaThượng Thẩm Đại Hình đặc biệt tại Cần Thơ để tái thẩm. Bộ Trưởng Tư Pháp đã cử ông Lê Văn Thụ làm Chánh Án và ông Lê Văn Tuấn ngồi ghế Công Tố Viện.
Ngày 26.6.1956 Tọa Thượng Thẩm Đại Hình tại Cần Thơ đã họp để tái thẩm vụ này. Phiên Tòa kéo dài trong hai ngày. Ngày 29.6.1956 Tòa tuyên bố y án của Tòa Sơ Thẩm Đại Hình ngày 11.6.1956.
Vì hai tội “mưu phản” và “dùng võ khí chống lại Quân Đội Quốc Gia” thuộc thẩm quyền Tòa Án Quân Sự nên ngày 4.7.1956, Tòa Án Quân Sự lại được lập tại Cần Thơ do ông Vũ Tiến Tuân ngồi Chánh Án và Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân ngồi ghế Ủy Viên Chính Phủ để tiếp tục xét xử. Tòa cũng tuyên án tử hình Ba Cụt, tước đoạt binh quyền và tịch thu tài sản.
Như vậy, Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, đã được xét xử đến ba lần, một lần ở Tòa Sơ Thẩm Đại Hình, một lần ở Tòa Thượng Thẩm Đại Hình và một lần ở Tòa Án Quân Sự. Sau khi đơn xin ân xá của Ba Cụt bị bác, Ba Cụt đã bị hành quyết tại nghĩa trang ở đường Hòa Bình, Cần Thơ, vào lúc 5 giờ 45 phút sáng ngày 13.7.1956, bằng cách chém đầu. Lúc đó Ba Cụt chỉ mới 32 tuổi. Trước khi bị hành quyết, Ba Cụt có khuyên dặn vợ nuôi dạy các con cho nên người và xin được mai táng tại Núi Sam, Châu Đốc.
Tuy nhiên, trong cuốn “Les Guerres du Viet Nam”, Tướng Trần Văn Đôn có ghi lại như sau:
 “Một trong những người đã hạ sát ông Diệm, ông Nhu là Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, được thăng cấp Thiếu Tá sau đó. Nhung đã được chú ý về các thành tích đặc biệt của anh ta. Mỗi ngày Nhung chặt vài ba cái đầu Việt Minh xách về. Do đó, Dương Văn Minh đã lấy Nhung về làm cận vệ, bởi vì ông ta lo sợ bị ám sát, cần một tay dữ dằn để hộ vệ.
 “Trong chiến dịch Dương Văn Minh tấn công Hòa Hảo, Tướng Hòa Hỏa Lê Quang Vinh tự Ba Cụt bị bắt và bị xử tử hình. Sau khi bị chém đầu, thi hài ông được chôn tại chỗ (tại nghĩa trang ở đường Hòa Bình). Nhưng sau đó, Dương Văn Minh hạ lệnh cho Nguyễn Văn Nhung đến đào mã, móc xác lên và băm thành nhiều khúc, làm như thế để phòng ngừa người của Ba Cụt đến lấy xác đem về chôn cất trong chiến khu của họ...
 “Nhung đúng là loại người thích hợp để thi hành các loại công tác ghê tởm đó. Có người nói rằng mỗi khi Nhung giết người, đôi mắt hắn đỏ như máu. Có người còn nói rằng hắn thích ăn gan nạn nhân vừa bị hắn giết chết...” (tr. 171)
Trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng” , Tướng Trần Văn Đôn đã viết thêm:
 “Xưa kia Đại Úy Nhung ở trong đơn vị Commando Pháp là đơn vị chuyên đi khủng bố giết người. Lúc Ba Cụt, tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh bị án tử hình xử chém ở Cần Thơ, Đại Úy Nhung lấy xác Ba Cụt chặt từng khúc, thả cùng mọi nơi để không toàn thây cho khỏi ai tìm xác xây mộ thờ cúng. Ông Minh nói lại cho tôi biết như vậy.” (tr. 238).
Trong cuốn hồi ký “Đôi Dòng Ghi Nhớ” , Đại Tá Phạm Bá Hoa có viết:
 “Đại Úy Nhung, ít ra hai lần (trước thời gian có biến cố chính trị này) khoe với tôi rằng, mỗi lần anh ấy giết một người thì anh khắc lên báng súng một vạch, anh vạch khắc theo chiều thẳng đứng ở báng súng bên trái. Căn cứ vào lời nói và dấu tích trên báng súng của Đại Úy Nhung, tôi cho rằng Đại Úy Nhung là một sĩ quan đã từng giết người nếu không nói là thông thạo thì cũng quen tay.” (tr. 141).
Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ngày 14.7.1964, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã đưa kiến nghị xin Tướng Nguyễn Khánh hủy bỏ bán án của Ba Cụt và phục chức cho ông. Tướng Nguyễn Khánh đã ra lệnh cho tòa án làm việc này. Tuy nhiên, phải coi việc hủy án và phục chức đó chỉ là một hành vi chính trị (acte politique) chứ không phải là một hành vi pháp lý (acte juridique). Chiếu theo các bộ hình luật và quân luật đang có hiệu lực lúc đó, việc kết tội Ba Cụt không có gì sai luật hay oan uổng.
Lữ Giang
Nguồn: VietCatholic News (01.11. 2006)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire