mardi 30 septembre 2014

Nguyễn Hàng Tình với chuyện Lang Thang Trong Những Rừng Ma và nghe nhạc truyện Trọng Thuỷ Mỵ Châu


Kính gửi quý anh chị bài đọc giải trí.
Caroline Thanh Hương

 
Huyễn hoặc, bí ẩn, huyền thoại… là những từ dùng thiên hạ hay để chỉ về những vùng đất Tây nguyên. Trong mỗi người, sự kì diệu của Tây nguyên tạt đến hay dội về mỗi khác.  Không rõ bởi  một nỗi ám ảnh vô hình hay sự cuốn hút từ tiền kiếp mà với tôi hễ nhắc đến vùng đất trên là nghĩ ngay đến những cánh Rừng Ma, cái  cõi khác thế giới con người, không thuộc về người, dù ở trên mặt đất này,  với  tộc người  K’ho gọi nó là Bộch Cặ, người Mạ gọi Brê Bộch… Không ai  làm thân  với nó thì tôi vậy_  tôi tự nhủ với mình nó cũng thuộc về mặt đất thân thương này…


 
      
Tây nguyên đang giữa mùa mưa, càng làm cho đường vào vùng sinh sống của người K’ho, Mạ thêm lầy lội, cách trở; và đối với những cánh rừng ma càng lẻ loi, hoang vắng đến rợn người. Thiên hạ phần đông không để ý và không thể yêu nó cũng là lẽ thường, dễ hiểu thôi, vì những chốn thế này vì ở đó nằm trong sự hoang lạnh tận cùng, có thời điểm chỉ toàn cho cảm giác về mùi của chết chóc, hôi thối, tởm lợm … Người ta bảo hàng vạn buôn làng ở nam Tây nguyên là hàng vạn rừng ma; và để lội hết những cánh rừng ma nói trên có lẽ phải mất đến 5 năm. Đơn giản  bởi bao giờ nó cũng nằm ở giữa rừng già, dưới thung lũng xa, địa bàn hẻo lánh nhất. Tôi khuyên mình cứ lội tới đâu thì tới, bao giờ thấy sợ thì ra, miễn sao đừng để thành “ công dân” của rừng ma là được...
 
VÀO… RỪNG MA
 
 
Những nghĩa địa Trả người về với rừng - ảnh  Nguyễn Hàng Tình
 
Rừng ma Bộch N’ho tuộc địa phận xã Bảo Thuận, huyện Di Linh trước mắt tôi cứ như một thế giới người sống, chỉ khác là không bóng dáng người. Lẫn giữa những mảnh tàn của rừng già là những khu nhà mồ được người sống dựng lên cho người chết… ở.  Dày đặc những nồi niêu xoong chảo, chén bát, áo quần, rồi cả những chiếc  gùi đang rệu rã, đến cái xà gạt, chiêng, ché, đồng la, xương thú…đều có mặt, được treo bao quanh những nấm mộ đang lụi tàn. Có lẽ đó là của cải thuộc quyền sở hữu của người chết, mà không đâu khác chính gia đình, họ hàng của họ chia phần _theo phong tục người K’ho, Mạ_ để họ mang theo về thế giới bên kia… xài (?!). Trong một cánh rừng rộng chừng ba hecta này không biết cơ man nào là nhà mồ, càng không đếm hết số Goong, Pưng, Yang _người Kinh gọi là ché, ghè_và những thứ của cải, vật dụng mà chỉ người sống mới có thể sử dụng – tràn ngập khắp mặt đất, trên cây. Nhìn những nhà mồ to đùng, và những hố huyệt sâu thẳm với vô số quan tài rêu phong phủ đầy, xếp từng lớp, dẫu không còn trình tự nữa cũng đủ để nhận định có một tập tục mai tang chung đã diễn ra ở đây, tất nhiên ai chết trước thì nằm trước. Cảnh tượng này cho ta dự đoán cộng đồng sơn nguyên này có thể chôn người chết theo cùng một dòng họ, hoặc cùng một buôn làng. Những khu rừng ma như thế này đã mấy trăm tuổi ? Không ai có thể trả lời chính xác được câu hỏi trên, vì chả thấy công trình khoa học nào đi điều nghiên “cõi chết” của một sắc tộc nhỏ, và cũng chả cơ quan hữu trách nào của chính quyền rảnh hơi đặt ra tay cho một việc ở trong rừng. Nhưng tôi  rằng buôn B’Sụt _cộng đồng sử dụng rừng ma Bộch N’ho_ sống ngoài khu rừng ma đây đã định cư dưới dãy núi Bra Yang cao nhất cao nguyên Di Linh này cách đây khoảng 200 năm. Dĩ nhiên, trải qua bao đời rồi dân buôn B’Sụt vẫn chỉ chôn người chết của làng ở rừng ma thân thuộc này. Có nghĩa rằng dưới lòng đất sâu của rừng Bộch N’ho có tầng tầng lớp lớp người đã khuất, và… tầng tầng lớp lớp những của cải, hiện vật đi theo người chết. Cõi chết người sơn cước K’ho coi vậy mà thật hơn, dễ hiểu hơn cõi sống của người sống trong các thành phố, khi mọi thứ cứ bày biện ra rõ ràng và không có tranh chấp, mộ to mộ nhỏ, bôi trét màu mè tứ tung lên đô thị. Ai giã biệt trần gian là chan hòa trong màu nâu thậm, dần dà hòa vào màu xanh của cây lá tự nhiên. Chả có bia mộ, tức chẳng ai để tên người chết lên bia, chả ai lưu danh muôn đời, và chả làm phiền người sống phải nghỉ đến ngày họ chết, thậm chí tư tưởng chung là… quên luôn người đã khuất. Triết lý sống chết  thế thật hòa thuận với thiên nhiên, trả nợ trần gian vì đã cho xuất hiện và tá túc một thời gian, đơn giản, nhẹ tênh. Đó là văn minh hay lập bia mộ, lăng tẩm khi giã biệt trần thế mới văn minh nhỉ (!?)
 
*
 
Mưa càng về chiều càng to hơn, những con vắt rừng _một loài động vật họ côn trùng  nhiễm thể hút máu người_ búng đầy mặt đất, buộc tôi phải bó quần chặt hơn và bôi thêm thuốc DEP vào chân tay.  Cũng phải mất nhiều máu rồi, cho nhiều lần đi rừng, thì lần nay tôi mới sáng mắt mà “vũ trang” theo được chai thuốc DEP này đấy. Tuy nhiên vắt lại không ngại, mà nhìn cảnh những dây leo từu những cây cổ thụ phủ xuống những căn nhà mồ, là âm khí bao vây cả một cánh rừng vắng lạnh tôi chợt  thấy rờn rợn. Và đặc biệt hơn là cảm giác tâm linh , cảm nhận từ thứ tập tục hủ tục đang bao vây kia là sự tiếc rẻ, xót xa trước những vật thể văn hóa buộc phải “chết” theo người chết, như chiêng, ché, đồng la, ngà voi… mà mỗi thứ có khi giá trị đến hàng chục con trâu, mà thậm chí không phải hễ có nhiều trâu là đổi được.
 
Không chỉ có rừng ma Bộch N’ho mà nay các buôn Hàng Uông, Hàng Piơr, Ta Cy… dưới chân dãy Pra Yang kia cũng đều còn các rừng ma, hoang vu  không kém, như  Bộch Trwel, Bộch Lũ Sơk…
 
*
 
Tạm biệt Bảo Thuận, những ngày tiếp theo,  ba lô, máy ảnh và bánh mì trên vai, tôi tiếp tục hành trình khám phá những cánh rừng dành cho người chết trên cao nguyên Di Linh – nơi ở của sắc dân K’ho bản địa rồi vùng B’lao, Bảo Lâm – nơi ở của nhóm sắc dân Mạ. Nếu như ở Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Sơn Điền, Gia Bắc (Di Linh) những rừng ma vẫn trú ngụ giữa rừng già thì ở Đinh Lạc, Gung Vè, Liên Đầm… hàng chục rừng ma đã bị đẩy ra giữa những nông trại cà phê, trà bao la, mà khi nhìn theo chỉ thấy nó như những dấu chấm hỏi lẻ loi, hoặc chứng minh vùng này vùng kia trước đây từng là rừng già bao la. Đó là số phận rừng ma ở Tơp Bộch ở buôn Đong Ho, xã Tân Lạc, rừng ma Bộch BobCa, rừng ma Bộch Bruisre ở xã Liên Đầm, rừng ma Bộch Rpech ở buôn Hàng Quyệt, xã Đinh Trang Hòa, rừng ma Bộch Kõn ở buôn N’ring… thuộc huyện Di Linh. Giai đoạn lịch sử đầu thập niên cuối của thế kỷ 20 này, lâm tặc vẫn còn ít nhiều nhân đức, khi mà đi cưa hạ gỗ lậu  cũng chỉ bao vây chứ  chưa tàn bạo đến độ  xóa sổ một cánh rừng ma.  Hoặc nữa, biết đâu lâm tặc có sợ người chết nổi giận thật mà… tránh, không đủ bản lĩnh để làm “ động” rừng. Dĩ nhiên, về truyền thống, người bản địa K’ho, Mạ, S’tiêng thì không có nghề lâm tặc, mà chắc nếu có làm sao họ dám đụng vào nơi tiễn biệt những người thân yêu của họ một thời mặt đất. Nhìn những rừng ma hiện còn này, cũng ghi nhận những người mở rẫy, mở trang trại cà phê… đã tha cho nó. Lâu nay ai sống gần những vùng rừng núi trên đất Tây Nguyên này chẳng biết là chỉ có những đề án khai thác gỗ do chính quyền các cấp lập ra  thì mới  “dọn” sạch luôn rừng ma.
 
“TIỂU SỬ” RỪNG MA
 
 
Đây những vật dụng than thuộc của người sống ở nơi dành cho người đã khuất- ảnh  Nguyễn Hàng Tình
 
Già làng K’Đúc, 80 tuổi, người Mạ, ở buôn Đăng T’Đừng, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, nơi có rừng ma Bok Đạr bảo, hỏi rừng ma tồn tại bao nhiêu năm rồi chẳng khác gì hỏi người Mạ ra đời từ đâu (?!). Già  K’Đúc cho biết từ bao đời nay người Mạ ở buôn làng chỉ làm theo những gì tổ tiên làm, giống như việc an táng người chết theo quan niệm của người Mạ, vì nếu để người chết “đi lạc” _ra khỏi rừng ma của cộng đồng buôn_sẽ là tai họa cho lũ làng.  Vì con ma lang thang kia sẽ phá hoại mùa màng, trở về quậy phá người sống. Cứ đưa người chết _con ma_ vào rừng. Có “qui hoạch” chỗ cho ma, bởi nguyên tắc là ma không được sinh sống cùng người sống. Nó phải về theo tổ tiên, ông cha, về với Yàng, mà tại các khu rừng ma đó sẽ có các cây thần như: Drê (cây đa), cây B’Năng (Dỗi), cây Grech (kiềng kiềng), nuôi dưỡng linh hồn nó. Còn già làng K’Đeuh, 61 tuổi, người K’ho, ở buôn B’Sụt, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh thì cho hay để chọn một cánh rừng làm rừng ma phải do người có uy tín và hiểu biết về sự màu nhiệm của cây cỏ, địa thế đất đai lành, tốt nhất của làng chọn. Nếu rừng ma mà chọn không hợp lý, đúng ý Yàng thì tai họa sẽ đến với buôn làng, như mất mùa, bệnh tật.  Và  dĩ nhiên, người qui hoạch, chọn chỗ cho ma_thường là già làng: tiếng K’ho gọi là Bàng Bon_ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, trước thần linh.
 
Có lẽ chính về ý nghĩa tâm linh thiêng liêng của rừng ma nên hễ buôn nào đã có rừng ma thì dẫu lâu đời, xưa cũ, thậm chí xung quanh trụi sạch rừng họ vẫn cứ mai táng người thân vào đó. Thế còn đồ vật tang theo người chết, sao nhiều đến thế? Gìa làng  K’Đeuh nói rằng, quan niệm truyền thống của người K’ho: người chết và người sống luôn bình đẳng với nhau, nên quyền lợi của cải cũng vậy. Phải chia đều. Lúc sống họ cùng gia đình làm ra thì khi chết gia đình phải mai tang theo để họ… xuống dưới kia có cái để dùng. Nếu không làm như vậy, người sống  không hề thấy  vui mà người chết cũng sẽ tủi thân. Người dân ở buôn Hàng Quyệt, xã Đinh Trang Hòa kể tôi nghe, ở đây từng có một người đàn ông lúc sống rất quấn quít với con ngựa của mình, đến lúc ông chết đi gia đình và dân làng đã dắt con ngựa kia cột bên nhà mồ, cạnh quan tài cho đến khi nó “đi” theo ông thì thôi.
 
MA… CŨNG BỊ DỌA
 
 
Nhà báo Nguyễn Hàng Tình đang  cố để hiểu vì sao các sắc tộc bản địa tây nguyên phải quên đi Người thân khi đã khuất nên phải sống cùng những Rừng ma thế này… ảnh  Nguyễn Hàng Tình
 
Anh Molom Vinh (người K’ho) ở buôn N’joong, huyện Di Linh kể, mới tuần trước người chồng của bà cô họ chết đi, theo đó hai chiếc chiêng cuối cùng, một vật báu lâu đời của dòng họ đã phải “ra đi” theo ông dượng, vì phải chôn theo cho người chết vui lòng. Theo lời anh Vinh thì hai chiếc chiêng kia là vô giá, vì giờ đây không tìm đâu ra, đó cũng là những chiếc chiêng cổ cuối cùng của buôn N’joong này.
 
*
 
Vì thương yêu người chết, “tôn trọng” con ma, người K’ho, Mạ ở nam Tây nguyên sẵn sàng mai tang tự nhiên theo họ những gì quí nhất, nhiều nhất, nói chung là hết mình và… hết của cũng vì người chết. Chỉ vào chiếc Goong cổ tổ tiên sắm được_có thể đổi được nhiều ngựa, trâu, lúa gạo…_ nghe đâu từ thời người Chiêm Thành tiến đánh xứ Thượng (tức khoảng thế kỷ 13- 14) bà Ka Sẹt, 60 tuổi, người K’ho, ở buôn B’Sụt, Di Linh bảo: khi bà chết đi, chắc chắn ông K’Bròn chồng bà và con cháu sẽ mai táng nó theo bà. Bà không cản, hoặc dặn trước họ đừng làm thế, vì mọi thứ trong cộng đồng đã thành lệ, diễn ra tự nhiên.
 
Vì vậy mà tôi hiểu vì sao quá nhiều chiêng ché… nằm lăn lóc, tầng tầng lớp lớp trong những rừng ma. Molom Vinh từng thừa nhận với tôi rằng nhà giàu có và khá giả thì chôn nhiều của cải cho người chết, kể cả ngà voi, những chuỗi hạt hổ phách_mua của người Chàm xa xưa_, bạc vàng càng nhiều tang chủ càng thấy sướng, vui. Nếu gia đình nào nghèo, thì cũng một chiêng một ché, một trống, một gùi, một xà gạt… Đồng bào K’ho, Mạ ở xứ sở nam Tây nguyên thật ra chẳng phải là giàu mà đem lòng rộng rãi với người chết. Tất cả chỉ vì tập tục _ một tập tục mà đứng trên phương diện hiện sinh rõ là cực kỳ lãng phí và làm khổ người sống. Người ta chắc chắn sẽ không hiểu hết giá trị ở góc nhìn văn hóa hay di sản từ những chiếc chiêng ché cổ xưa kia, mà đơn giản chỉ nghĩ nó quí vì nó là của cha ông  bao đời để lại. Tuy nhiên, dẫu có là bảo vật,  nhưng thêm một người chết tức lại một chiếc chiêng (ching), chiếc ché (Drắp, srô- lùng, tiếng K’ho; tằng cộ, tiếng Mạ)… phải ra đi.
 
*
 
Như bất kỳ một người bình thường nào, tôi chợt thấy mình có sứ  phận cho những khu rừng ma hàng trăm năm tuổi kia. Ai đếm được hàng trăm năm hình thành, với bao thế hệ người K’ho, Mạ chết đi… đã có bao nhiêu cổ vật đang trú ngụ dưới những tầng đất mà người đời quen gọi là nghĩa địa ma, rừng bỏ đi đó. Rõ ràng,  với những rừng ma ở xứ nam Tây nguyên thế này, không thể xem như những nghĩa địa thông thường. Vì như Molom Vinh đã than trách là mộ ông nội anh, cô và cha anh, đã bị những tay săn cổ vật “từ trên trời rơi xuống”- bao đời nay trong những khu rừng ma của người K’ho chưa hề có tình trạng này- tấn công, quật lên. Còn trưởng công an xã Bảo Thuận, anh Pô prong Siêu thì cho biết, những khu rừng ma ở Bảo Thuận thời gian qua xuất hiện nhiều kẻ lạ mặt xâm nhập… Tất cả gióng lên một điều rằng đang diễn ra sự phá vỡ cấu trúc an lành của xã hội cộng đồng sơn cước, khi chỉ cần nhìn vào  hệ thống những khu nghĩa địa  lâu đời của người K’ho, Mạ thiểu số ở nam Tây nguyên qua cảnh trạng quấy động  và cướp của.
 
Đang đặt trong tình trạng báo động về sự an toàn. Những người K’ho ở các buôn làng nơi tôi đi qua còn kể không chỉ có người Kinh, người từ các nơi đến xâm nhập trái phép vào rừng ma, mà gần đây đã thấy nhiều thanh niên K’ho bất ngờ trở thành “vệ tinh” cho những kẻ săn lùng cổ vật ở rừng ma. Rằng trước đây,  không một người K’ho, Mạ nào dám làm chuyện động Yàng này, vì đụng đến chốn linh thiêng, đến điều cấm kỵ  nhất. Nhưng Yàng ạ, Ma nào mà sống nổi với con người, nhất là giống người không hiểu rừng, cố tình không không biết mình từ đâu mà ra, tan vào đâu !
Theo quan niệm truyền thống của người K’ho, Mạ bao đời nay, tất cả của cải, hiện vật đã đưa vào rừng ma là thuộc về người chết, người sống hết trách nhiệm, không được can thiệp…. Ấy thế mà nay, thì họ đã bất ngờ chột dạ, xót xa, tiếc rẻ. Không can thiệp vào những gì diễn ra ở các khu rừng ma lâu đời, nhưng gần đây,  bỗng họ tìm cách đối phó trước những kẻ săn lùng cổ vật: đập cho nó sứt mẻ (điều này gây nên những hư hỏng cổ vật!) chiêng, ché… khi chia phần cho người chết, vì họ tin như thế  có thể  làm “nản lòng” những kẻ ăn trộm.
 
Mà nản được không, khi ta vẫn thường thấy cổ vật ở nhà những kẻ chơi cổ vật, các cuộc triển lãm, đến các bảo tàng… khối gì những bảo vật  vô giá là thứ mất chân, mất đầu, khuyết lõm, nứt mẻ… Những cánh rừng ma đang bắt đầu  tuôn máu. Có ai muốn cứu lấy những khu nghĩa địa lạc lõng giữa đại ngàn này không nhỉ !?. Rồi chợt cảm nhận về một cõi chết nhẹ tênh thuận theo thiên nhiên như thế./.
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire